Vết Lam Chiều - DL Bui
DLBui 04.09.2013 00:41:21 (permalink)
Vết Lam Chiều

Truyện ngắn, tác giả DL Bui

o0o

Lam và tôi lớn lên cùng một thôn trên vùng đất trũng đồng chiêm bắc bộ. Nhà Lam chỉ cách nhà tôi một đoạn đường rất ngắn nhưng đối với những ngày tuổi nhỏ của tôi, nó như xa vời vợi và phải đi ngang qua một ngôi mộ cổ nằm cạnh bên cây sấu già rậm rịt tàn lá, khiến đoạn đường ấy trở nên âm u đến rợn người những khi trời chạng vạng tối.

Đến tuổi đi học, Lam và tôi cùng học chung lớp trong ngôi trường tiểu học ngay đầu thôn. Lúc ấy tôi là thằng bé lầm lỳ ít nói và gần như không có bạn, trong khi Lam luôn có một đám bạn vây quanh để chơi đùa và nụ cười thì không bao giờ tắt trên môi Lam. Ngoài những lúc chơi đùa với đám bạn, Lam thường tìm mọi cơ hội để xoắn lấy tôi, không để làm gì hơn là dong dài kể lể cho tôi nghe một câu chuyện gì đấy mà theo Lam là rất lý thú. Đôi lúc Lam đến trường, mang theo bánh kẹo hay một món đồ chơi mà Lam nghỉ tôi sẽ thích để làm quà cho tôi và nếu như tôi nhận món quà của Lam, là đồng nghĩa với việc tôi phải chịu khó ngồi nghe những lời kể lể dong dài của Lam suốt giờ nghỉ trưa. Vào lớp tôi luôn tìm một chổ để ngồi xa Lam và trong những giờ nghỉ, nhác thấy Lam đứng đâu đấy dưới mái hiên hay trong sân trường là tôi tìm cách lảng đi nơi khác để tránh mặt Lam. Tôi không ghét Lam, tôi chỉ không thích phải nghe những chuyện trên trời dưới đất của Lam và một khi Lam đã kể một chuyện gì đấy thì câu chuyện ấy sẽ gần như bất tận. Cũng vì thế sau những buổi tan học, dù hai đứa về cùng một đường nhưng tôi luôn bỏ chạy trước, để mặc Lam ở lại phía sau một mình đi bộ về nhà.

Lên cấp trung học, Lam được gia đình cho ra thị xã để ăn học trong khi gia đình tôi không đủ điều kiện nên tôi chỉ theo học trường cấp huyện như phần lớn những đứa trẻ khác trong thôn. Từ đấy tôi chỉ gặp lại Lam vào những ngày hè khi Lam từ thị xã về chơi, nhưng cũng chỉ tình cờ gặp nhau thôi vì tôi vẫn không thích chạm mặt Lam. Lam thay đổi rất nhiều, trắng trẻo và ăn vận đẹp đẽ với phong thái như người phố thị. Những lúc gặp được tôi, Lam cứ xoắn lấy tôi như những ngày còn bé học chung lớp và huyên thuyên kể cho tôi nghe những câu chuyện không đâu tận ngoài phố chợ. Những câu chuyện không đâu và gần như bất tận của Lam làm cho tôi rất khổ sở nhưng chưa lần nào tôi đành cắt ngang hay từ chối không nghe Lam kể. Có lẽ vì tôi không muốn làm mất đi nụ cười rạng rỡ và ánh mắt long lanh đầy ấp niềm vui của Lam những khi Lam gặp lại tôi.

Năm mười lăm tuổi tôi nghỉ học. Hoàn cảnh gia đình của tôi lúc ấy thật khó khăn, thầy tôi bị bệnh nặng không làm được việc đồng áng nên chỉ còn một mình u tôi bươn chảy buôn bán để nuôi ba anh em tôi ăn học. Tôi là đứa con cả, trong hoàn cảnh ấy tôi không muốn làm một gánh nặng cho u tôi, nên tôi quyết đi xa nhà dù lòng tôi không hề muốn. Tôi xin đi theo một người bạn của thầy tôi để lên miền ngược thồ hàng cho nhà chủ trong đoàn buôn chuyến. Khi tôi nói cho u tôi biết ý định sẽ xa nhà, u tôi không vui, nhìn tôi với vẽ lo ngại nhưng rồi u tôi cũng không thể làm gì hơn là để tôi ra đi.

Từ đấy tôi đi vắng nhà luôn, có lúc tôi đi biền biệt nhiều tháng mới về lại nhà. Trong những lần trở về nhà ấy, đôi lần tôi đưa cho u tôi một món tiền nho nhỏ tôi đã dành dụm được cùng niềm tự hào ngấm ngầm là tôi đã tự mình kiếm sống ở tuổi mười lăm. Về nhà rồi tôi cũng không ở lại lâu, chỉ độ một hay hai  tuần là tôi lại đi ngay. Hình như tôi đang bắt đầu quen và thích một cuộc sống tự do nay đây mai đó, tuy có nhọc nhằn và có lúc thật túng thiếu, hơn là một cuộc sống ổn định ở quê nhà để quanh năm chăm lo ruộng vườn như thầy tôi. Cũng từ dạo ấy tôi không còn gặp lại Lam vào những ngày hè như trước kia và tôi cũng chẳng hỏi han bất cứ một ai trong thôn về Lam. Với tôi, Lam chưa hề là một người bạn của thời tuổi nhỏ để tôi phải bận tâm đến.

Theo năm tháng, con đường từ nhà tôi sang nhà Lam ngắn dần lại. Ngôi mộ cổ nằm cạnh cây sấu già bên đường không còn đủ sức làm cho đoạn đường trở nên âm u bí hiểm những khi trời chạng vạng tối. Tôi vẫn bình thản đi qua cổng nhà Lam, như chưa từng có Lam đã sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà khang trang với mái ngói phủ đầy rêu xanh ấy.

o0o

Năm mười tám tuổi tôi vào quân ngủ. Sau thời gian huấn luyện tôi được điều về trạm xá hậu cần đóng quân tại một tỉnh miền đông nam bộ. Trong một chiều đứng trú mưa dưới mái hiên một quán nhỏ bên con đường đất đỏ lầy lội, tôi tình cờ gặp lại Lam.

Đúng ra Lam đã nhìn thấy tôi trước. Tiếng Lam gọi tên tôi lạc vỡ trong cơn mưa tầm tã và nếu như không có nụ cười của Lam, tôi đã không thể nào nhận ra Lam. Lam nhoài người qua khung cửa chiếc xe quân dụng, chỉ kịp cho tôi biết đơn vị của Lam trước khi chiếc xe vượt qua chổ tôi đứng trú mưa.

Buổi chiều ngồi một mình trong trạm xá, tôi thấy trong lòng thoáng một chút bồi hồi khi nghĩ đến khoảng thời gian gần bốn năm hai đứa chưa gặp lại nhau. Nhưng tôi lại lần cân như chưa muốn gặp lại Lam ngay lúc ấy nên mãi đến hai tuần sau tôi mới tìm đến đơn vị của Lam. Lúc tôi đến nơi đã quá giờ cơm trưa, tôi ngồi một mình chờ Lam trong nhà ăn vắng tanh của đơn vị. Lam ra gặp tôi với một chút ngập ngừng, một chút bối rối, nhưng chỉ là một thoáng thôi rồi Lam cười rạng rỡ, nắm chặt lấy tay tôi và bắt đầu những lời hỏi thăm tíu tít bất tận. Tôi đáp lại Lam bằng những câu trả lời cụt lủng về bao nhiêu chuyện mà Lam muốn biết về tôi trong những năm qua. Có lẽ Lam đã hỏi thăm gia đình tôi nên Lam biết rất rỏ việc tôi xa nhà lên miền ngược để đi buôn chuyến, nhưng Lam lại trách tôi đi mà không cho Lam biết. Tôi định hỏi Lam, tôi cho Lam biết để làm gì nhưng nhìn vào ánh mắt rạng ngời của Lam, tôi lại thôi không nói ra.

Khi những câu thăm hỏi của Lam đã vơi đi một nửa, Lam muốn hai đứa ra ngoài đi dạo chơi một lúc cho vui. Tôi gật đầu với Lam. Ra khỏi cổng doanh trại, Lam và tôi men theo con đường đất đỏ để xuôi xuống triền đồi. Sau khi băng qua cây cầu bắt ngang con suối nhỏ, Lam không theo con đường đất đỏ mà kéo tôi rẽ theo lối mòn để đi vào rừng cao su bát ngàn rợp mát.

Vừa đi Lam vừa kể chuyện cho tôi nghe, thi thoảng Lam dừng lại hái vài quả sim rừng chín mộng rồi bắt tôi ăn. Tôi chìu theo ý Lam, nhâm nhi những quả sim rừng, cảm nhận vị chua dìu dịu ở đầu lưỡi và cùng lúc lơ mơ nghe tiếng Lam liến thoáng trong gió. Lam cứ hỏi tôi có còn nhớ hay không một ký ức nào đấy của những ngày tuổi nhỏ và dù có nhớ hay quên, tôi luôn gật đầu bảo nhớ để cho Lam được cười tít mắt và còn có cớ để Lam kể tiếp câu chuyện. Và cứ như thế, trong câu chuyện không đầu không đuôi của Lam tôi thấy lại hàng cau già chơ vơ bên bờ giếng nước đầu thôn, tôi thấy lại những ruộng lúa vàng rực vào mùa gặt và tôi thấy lại cả ngôi trường nhỏ bé mà Lam và tôi đã học suốt những năm tháng của bậc tiểu học. Lam miên man chấp vá từng mảng ký ức, đưa tôi trở về một thời như đã xa xăm để gặp lại một đứa bé lầm lỳ ít nói, đen đúa, tóc húi gần như trọc, sau những buổi tan học vội ôm cập chạy thoang thoát trên con đường nhỏ trên đê để về nhà. Với Lam,  đứa bé ấy không bao giờ biết đến nụ cười dù rằng nó có một người bạn nhỏ luôn tìm mọi cách để làm cho nó được vui.

Buổi chiều khi trở lại doanh trại Lam giữ tôi ở lại ăn cơm. Lam cười tít mắt khi thấy tôi một lần nữa đồng ý với Lam. Trong căn nhà ăn tập thể ồn ào rầm rĩ, mấy đứa con gái ngồi cùng bàn tò mò nhìn tôi trong lúc tôi được Lam giới thiệu là bạn học thời tiểu học. Rồi Lam kéo tôi ngồi xuống cạnh bên, điềm nhiên gắp thức ăn cho tôi khiến một cô có vẻ đỏng đảnh phải buông lời trêu chọc bóng gió. Lam cũng không vừa, đáp lại bằng một câu ví von làm cho đám con gái nghe xong cười như nắc nẻ. Buổi ăn trở nên vui vẻ hơn, thân mật hơn cho tôi trước đám bạn gái của Lam. Cho đến lúc gần hết buổi ăn, vẫn cô đỏng đảnh ban nãy đề nghị tôi ở lại xem văn công chiếu phim. Khi thấy tôi còn ầm ừ chưa muốn ở lại, cả đám bạn gái của Lam lại tranh nhau nói thúc vô. Cuối cùng tôi gật đầu.

Khi trời vừa sụp tối, căn nhà ăn tập thể trở thành nơi chiếu phim của đội văn công. Lam ngồi bên tôi trên một băng ghế gỗ và ý tứ giữ một khoảng cách với tôi. Một lúc sau khi đã vào phim, Lam nhích lại gần tôi hơn, vai Lam chạm nhè nhẹ vào vai tôi. Trong ánh sáng nhập nhoà hắt ra từ màn ảnh, tôi nhìn gương mặt của Lam thật gần, hàng mi đậm, đôi mắt to hơi xếch và chiếc miệng rộng chỉ chực mở nụ cười. Lam bâu nhẹ tay áo tôi hỏi nhỏ, không xem phim mà nhìn gì lắm thế ? Tôi chỉ cười nhẹ. Lam khẽ khàn nghiên đầu qua vai tôi. Từ mái tóc của Lam loan ra mùi hương thoang thoáng. Mùi hương thoang thoáng ấy gợi nhớ những ngày tôi còn rất bé ngồi xem u tôi hong tóc trước hiên nhà và để lại trong lòng tôi một cảm xúc thật êm ả cho một buổi tối được ngồi cạnh bên Lam.

o0o

Hôm sau vừa hết giờ ăn sáng tôi bị gọi gấp lên phòng trực ban của trạm xá. Tôi ngỡ sẽ bị khiển trách vì đi chơi khuya tối qua nhưng không phải vậy, tay trực ban trao máy điện đàm cho tôi mà miệng cười hềnh hệch. Bên kia máy điện đàm tiếng Lam rộn rã hỏi tôi trốn trại đi chơi khuya có bị gì không ? Tôi chưa kịp trả lời thì Lam đã huyên thuyên thêm bao nhiêu là chuyện, những chuyện mà theo Lam đã chưa kịp nói hết tối qua. Nếu tay trực ban không đòi lại máy điện đàm, tôi không biết những chuyện của Lam sẽ kéo dài đến đâu. Trước khi gác máy Lam hẹn tôi cuối tuần đến thăm Lam. Tôi không có lý do gì để từ chối nên nhận lời ngay.

Nhưng chỉ ba hôm sau đơn vị của Lam có lệnh khẩn lên đường đi chiến trường K. Lần ấy là phiên tôi đi nhận tiếp liệu nên hai ngày sau khi tôi trở về trạm xá, đơn vị của Lam đã đi rồi.  Lam gọi điện cho phòng trực ban nhưng không gặp được tôi nên Lam chỉ còn cách để lại địa chỉ hòm thư và nhắn tôi phải viết thư cho Lam. Ngay hôm sau tôi viết cho Lam. Trong thư tôi viết ít thôi, không đến nữa trang giấy và cũng chẳng có gì ngoài những lời thăm hỏi và chúc Lam luôn vui vẻ, nhưng tôi đoán Lam sẽ rất vui khi nhận được thư của tôi.

Thư gửi đi rồi, tôi đoán chỉ đôi tuần là tôi sẽ được thư trả lời của Lam. Nhưng khi đã quá một tháng mà tôi vẫn chưa được thư của Lam, tôi đâm ra bồn chồn. Tôi nghỉ thư có thể thất lạc vì đơn vị của Lam đang trên đường chuyển quân nên tôi viết thêm lá thư thứ nhì cho Lam. Vẫn như lá thư đầu, tôi chỉ viết không quá nửa trang giấy. Lá thư thứ nhì đã gửi hơn một tháng nhưng tôi vẫn không được thư trả lời của Lam. Tôi tự nghỉ ra nhiều lý do để giải thích vì sao Lam không trả lời thư cho tôi và cũng để tự bảo chính mình, không có gì quan trọng nếu không được thư hồi âm của Lam. 

Ba tháng sau, trạm hậu cần của tôi cũng được lệnh lên đường đi chiến trường K. Sau chuyến đi mất đến bốn ngày bằng xe tải quân dụng, trạm xá của tôi cùng với một tiểu đội bảo vệ trụ lại trên một ngọn đồi thấp chằng chịt cây rừng. Tiếp theo là những ngày vô cùng bận rộn để đốn cây xây dựng hầm trú ẩn và hầm chứa đồ tiếp liệu. Trạm xá ít người và có quá nhiều việc để làm nên cả đám người cứ làm quần quật từ đầu sáng đến chạng vạng tối mới ngưng tay. Ngoại trừ những lúc cho người đi nhận và chuyển hàng tiếp liệu, trạm xá gần như cắt đứt liên lạc với bên ngoài để bảo mật. Trong những ngày ấy tôi không còn trông mong gì đến những lá thư của Lam vì tôi thấy quá rỏ, trong tình thế nầy sẽ chẳng có một tay quân bưu nào ghé qua trạm xá của tôi chỉ để trao những lá thư thăm hỏi nhì nhằn như những ngày còn đóng quân ở hậu cứ.

Có những phiên gác đêm ngồi trơ trọi bên sườn đồi với khoảng trời sao vằng vặc trên cao, nghe tiếng pháo nổ rền đâu đấy tôi cảm được nỗi chết chóc thực sự đang vây quanh lấy tôi. Đã bao nhiêu lần tôi xem đi xem lại mẫu giấy nhỏ nhầu nát được tôi cất kỹ trong túi áo. Mẫu giấy ấy có một hàng chữ nguệch ngoạc của ai đấy ghi lại địa chỉ một hòm thư quân đội, là tất cả những gì tôi còn giữ lại được của Lam. Và trong một phút thảng thốt đầy bi quan, tôi ước gì có được bức ảnh của Lam để thay thế cho mẫu giấy nhầu nát ấy, để nhở chẳng may tôi có chết đi cũng sẽ còn có Lam ở cạnh bên tôi.

o0o

Bốn năm sau đấy tình hình chiến trường K. lắng dịu và đang đến lúc kết thúc nên tôi được phục viên. Tôi trở về với đời sống dân sự, thấy mình được may mắn vì lành lặn chứ không như những đồng đội bị mất mát một phần thân thể hay phải nằm lại vĩnh viễn trên chiến trường K. Trong lúc tôi chưa có một dự tính nào cho tương lai thì được người quen giới thiệu đi học lớp đào tạo thợ máy. Sau một năm học, tôi được nhận vào làm việc trong cơ xưởng lắp ráp và sửa chữa máy nông cụ tại một thành phố tương đối lớn ở miền nam. Cuộc sống của tôi xem như được ổn định và tôi có thể nghỉ đến việc lấy vợ nếu như tôi muốn.

Trong nhiều năm sau đấy, tôi chỉ về quê có vài lần để thăm thầy u của tôi và cũng để dự đám cưới hai đứa em. Tôi đã xa nhà từ lúc mười lăm tuổi nên khi trở về thấy tình thân trong gia đình như đã nhạt nhòa đi ít nhiều. Trước cảnh thầy và u của tôi dồn mọi lo toan và chăm chút cho gia đình đứa em trai kế của tôi, tôi thoáng thấy buồn. Nhưng có lẽ như thế sẽ làm cho tôi an tâm hơn khi tôi luôn đi xa nhà và không thể làm tròn vai trò của người con cả.

Trong nhà chỉ có cô em út của tôi là đôi lần nhắc nhở đến lúc tôi phải lấy vợ. Tôi nghe xong chỉ cuời xòa và nghỉ đến người con gái nhỏ hơn tôi ba tuổi, làm trong phòng văn thư mà tôi quen hơn một năm qua. Nhưng tình cảm của tôi dành cho cô văn thư hình như cũng chỉ lanh quanh ở chổ tình bạn.

Khi hạn nghỉ phép để về thăm gia đình của tôi sắp hết, cô em út của tôi buột miệng hỏi tôi đã sang thăm gia đình của Lam chưa. Tôi nghỉ một thoáng và nhận ra rằng tôi đã đi ngang qua chiếc cổng nhà Lam không biết đến bao nhiêu lần, từ những ngày tuổi nhỏ cho đến bây giờ đã sang tuổi ba mươi, chưa bao giờ tôi bước qua khỏi chiếc cổng ấy để vào nhà Lam. 

Từ nhà tôi sang nhà Lam chỉ một đoạn đường rất ngắn. Đứng ở đầu ngỏ nhà tôi có thể thấy thấp thoáng mái ngói phủ rêu xanh của nhà Lam. Tôi chậm rải đi trên đoạn đường rất ngắn ấy, qua ngôi mộ cổ và cây sấu già, qua thêm vườn quất xanh trái là đến cổng nhà Lam. Tôi khẽ đẩy cửa gỗ thì ngay lập tức có tiếng chó sủa rân ra. Lũ trẻ con từ trong nhà túa ra xem ai là khách rồi thi nhau chạy trở vào để báo cho người lớn biết.

Chị của Lam ra đón tôi tận cổng với nét mặt thoáng chút bối rối. Tôi nói với chị tôi sang thăm Lam. Chị khe khẽ mời tôi vào nhà. Tôi lẳng lặng đi theo chị băng ngang qua khoảng sân rộng lát gạch nung đỏ quạch. Khoảng sân ấy vào mùa gặt được xếp đầy những bó lúa vàng ươm như lời Lam kể và ngay góc sân là cây bưởi sai trái do chính tay Lam trồng trước lúc Lam đi học xa nhà. Tôi theo chị của Lam bước lên hiên nhà và tôi cũng đếm đúng năm bậc thềm như Lam vẫn thường đếm. Nhưng chị không vào nhà, chị bảo để cho tôi được một mình thăm Lam.

Tôi bước vào nhà, nghe như tiếng Lam tíu tít khoe chiếc bàn học kê trước khung cửa sổ, cạnh bên là tủ nhỏ để đầy sách vở cùng những quyển truyện mà Lam rất thích đọc. Tôi ngồi xuống chiếc ghế trước bàn học như Lam đã từng ngồi. Tôi nghe tiếng Lam liến thoáng, ngăn kéo dưới bàn học là nơi Lam để những món đồ chơi của thời tuổi nhỏ. Tôi khe khẽ mở ngăn khéo. Trong những món đồ chơi tôi nhận ra con vụ bằng gỗ có khắc tên tôi mà Lam đã cố kỳ kèo để có cho bằng được. Lúc ấy tôi hỏi Lam cần con vụ gỗ để làm gì thì Lam chỉ lắc đầu cười mà không nói.

Trong góc ngăn kéo có tấm ảnh của Lam, có lẽ được chụp lúc vừa vào quân ngũ. Lam ngày ấy là cô gái thật trẻ trung và tươi tắn. Tôi lấy bút và ghi lại một dòng chữ nơi góc ảnh của Lam, thay cho một lời mà lẽ ra tôi nên nói với Lam, không phải bây giờ mà nhiều năm về trước lúc cùng Lam đi dạo chơi trong rừng cao su rợp mát. Một lời chưa hẳn là yêu thương, nhưng chứa chan trìu mến và nồng ấm. Một lời mà Lam đã chờ đợi để được nghe tôi nói, từ ngày ấy và cho đến ngay cả bây giờ. Viết xong tôi cẩn thận để tấm ảnh vào chổ cũ nơi góc ngăn kéo và tôi tin Lam sẽ đọc được.

Khi tôi quay lại, chị của Lam đã đứng sau lưng tôi từ bao giờ. Chị lặng nhìn tôi một lúc thật lâu rồi quay mặt đi. Tôi biết chị đang lau những giọt nước mắt của chị. Những giọt nước mắt ấy không chỉ riêng dành cho Lam, mà cả cho tôi nữa, vì Lam đã không trở về được để đón tôi tận cổng nhà và tôi chỉ có thể muộn màng để lại một dòng chữ cho Lam.

Lúc ra về, chị của Lam tiễn tôi ra đến tận cổng. Tôi chào chị và nhìn lại ngôi nhà khan trang với mái ngói phủ đầy rêu xanh, nơi Lam đã được sinh ra và vui sống những ngày tuổi nhỏ của mình. Đoạn đường từ nhà Lam trở về nhà tôi giờ đây bổng nhiên xa vời vợi như những ngày tuổi nhỏ của tôi.

Tôi cứ đi mãi, đi mãi mà vẫn chưa hết đoạn đường về.

© 2013 DL Bui

o0o

(Xin mang vào thư viện với tên tác giả DL Bui, không bỏ dấu, rất cám ơn BDH)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.09.2013 00:56:32 bởi DLBui >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9