Truyện ngắn Mặc Bích
Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 38 bài trong đề mục
frank 05.10.2013 05:22:50 (permalink)
Xin cảm ơn
#16
    frank 05.10.2013 05:25:52 (permalink)
    Xin cảm ơn
    #17
      frank 15.10.2013 23:57:06 (permalink)
      Tr li nhân gian
       
      Mc Bích
       
      Cho John và người đã cưu mang anh 
       
      Người đàn bà đưa tay lần mò tìm nút bật đèn ở đầu giường. Ánh sáng vàng leo lét từ ngọn đèn 40 watts tỏa một ánh sáng yếu ớt nhưng làm ấm căn phòng lạnh lẽo. Bà ta chậm chạp chống tay ngồi dậy. Hơi rùng mình và so vai lại, người đàn bà nheo mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên vách tường: 1 giờ sáng! Chiếc kim đồng hồ chậm chạp nhích từng khoảng trên mặt tròn của đồng hồ như những chuyển mình của bà lão 80 tuổi. Dù trong ánh sáng lù mù của ngọn đèn nhỏ người ta vẫn có thể nhìn thấy những vách tường dán giấy hoa cũ kỹ, nhiều chỗ đã bong ra để lộ những khoảng trống trơ trẽn và tồi tàn.
      Mặc dù ở trong nhà nhưng lúc nào bà Rosado cũng mặc hai ba lớp áo để tiết kiệm bớt tiền sưởi trong mùa Đông. Máy sưởi chỉ thỉnh thoảng mới chạy sịch sịch, hà chút hơi ấm như con ngựa già lẽo đẽo trên đường vắng cố lê tấm thân còm cõi để chốc chốc lại thở phì ra, trút bớt gánh nặng nhọc trên lưng. Bà quơ chân tìm dép trên mặt thảm cứng nhắc. Bà đặt chân một lúc trên đôi dép để bàn chân ấm áp quen dần với cái lạnh. Không biết hôm nay trời có tuyết không? Tối hôm qua bà không muốn xem mục tiên đoán thời tiết vì nó chỉ làm bà mất ngủ nếu chẳng may gặp thời tiết xấu.
      Mỗi sáng sớm Thứ Năm bà đều thức dậy vào lúc 1 giờ để sửa soạn đi thăm John. Bà dường như quên hẳn những đau nhức đêm qua do chứng tê thấp gây ra suốt bao năm nay. Ngày Thứ Năm trong tuần là ngày bà vui nhất. Bà vừa rửa mặt vừa nhìn bóng mình trong gương. Hình ảnh phản chiếu trong tấm gương kia là mình đó à? Ngày hôm nay đột nhiên bà thấy như mình đang nhìn một kẻ xa lạ nào đó! Hai đuôi mắt bà sụp xuống, những phần da hai bên má đổ tụ lại cả về chính giữa khuôn mặt được phân ra bởi cái mũi hơi lớn làm thành hai vệt dài mệt mỏi. Còn cái miệng nữa kìa! Bà cố nhếch mép để tạo một nụ cười. Nhưng nụ cười không ra cười, mà nó cũng chẳng làm cho khuôn mặt bà tươi lên chút nào trái lại chỉ làm khuôn mặt già nua thêm gượng gạo buồn phiền! Bà đưa tay kéo làn da hai bên mang tai để thử tìm lại một hình ảnh nào quen thuộc thuở xưa nhưng vô vọng! Những bắp thịt trên mặt đã chai lì đi theo với với 80 năm lê lết nặng nhọc.
      Tám mươi năm có như một chớp mắt phù du! Đau đớn, sầu não đến đâu của những ngày đã qua có lẽ cũng chỉ như những mơ hồ viển vông của kiếp người.
      Bà vén màn nhìn bên ngoài. Trời tối om nhưng không có đến một bông tuyết bay. Bà mừng thầm. Đường phố vắng tanh. Tất cả còn say ngủ. Đến trước bàn thờ kê trong góc phòng, bà đốt nến và đọc kinh sáng. Trong ánh sáng lung linh của ngọn nến, đôi mắt tuyệt đẹp của tượng Đức Bà long lanh như muốn nhỏ lệ. Bà cúi đầu đọc kinh cầu nguyện cho John, mọi sự cho John, đứa con trai duy nhất còn lại của mình. Bà cúi mình khẽ hôn chân tượng. Như có một sức mạnh thiêng liêng truyền vào khắp châu thân, bà thấy mình phấn khởi hẳn lên. Mọi sự dù khó nhọc đến đâu, nỗi đau kinh hoàng đến chừng nào rồi cũng tự nó phải cởi bỏ để mặc vào một lớp vỏ mới hầu có thể đương đầu với tương lai, để sinh tồn.
      Trước khi ra cửa, bà nhìn vào tấm hình của John trong bộ quân phục. Ngày ấy con trai bà còn trẻ. Trông John bảnh bao biết bao nhiêu! Trong đầu bà luôn luôn nhớ đến hình ảnh ấy. John, đứa con trai duy nhất còn lại của bà trên cõi đời này. Bà đã mất Lilian, rồi đến Thompson, và cả người bạn đường yêu quý. John trở nên to lớn, vĩ đại vì nó đã chiếm hết mọi khoảng trống còn lại.
      Đúng hai giờ sáng bà rời khỏi nhà. Theo thói quen, sau khi khóa cửa bà vẫn lắc lại cửa để chắc chắn rằng cửa đóng chặt. Với chiều cao không quá 5 feet, bà Rosado như lùn hẳn đi trong chiếc áo dạ rộng thùng thình. Đôi giầy thể thao La.A. Gear làm bà có thêm trọng lượng, nhưng vững chãi. Cả 80 năm đổ dồn xuống đôi chân nhỏ bé nhưng lòng thương yêu và nhung nhớ John đã cất đi gánh nặng và làm cho bà thấy mình tràn trề sinh lực để đối đầu với quãng đường dài 18 tiếng đồng hồ, cả lượt đi và lượt về –đôi khi mất 20 tiếng tùy  theo thời tiết tốt xấu- đến nhà tù giam giữ con trai bà.
      Như thường lệ, chiếc xe van chỉ chứa được có 14 hành khách, không kể người tài xế. Cuối tuần số lượng xe van và xe bus chở hành khách từ Nữu Ước đến thăm trại tù Elmira Correctional Facility rất đông đảo, nên bao giờ bà cũng chọn đi thăm John vào ngày giữa tuần cho thưa người. Đám đông, chen lấn làm bà mệt mỏi. Ngày nay người ta không còn nhường chỗ cho những người lớn tuổi nữa mà chỉ tranh đua dành chỗ ngồi nào tốt nhất, chuyến xe nào sớm nhất để khỏi mất thì giờ chờ đợi.
      Suốt 18 năm nay đều đặn như vậy, hãng xe van mang tên Operation Prison Gap đã quá quen thuộc với bà Rosado nên người chủ hãng đã tự động giảm giá vé xuống còn 20 đô la. Những người tài xế của hãng này đã quá quen mặt bà. Ngay đến chỗ ngồi của bà, bao giờ cũng là mé ngoài để có thể nhìn qua cửa sổ và gần cửa lên xuống nhất. Làm như ngày Thứ Năm nào mà không có mặt bà, ngày ấy trong tuần không thể gọi là ngày Thứ Năm. Trong 18 năm liền, bà chỉ mất có 3 ngày Thứ Năm. Hai lần do việc bà phải đi giải phẫu và bác sĩ bắt bà phải nghỉ ngơi. Lần thứ ba thì tại thời tiết, không phải tại bà. Lần đó tuyết ngập phủ quá cao, không xe cộ nào đi lại được.
      Chuyến xe bà đi hôm nay như mọi lần cũng đầy chật người. Lance, tài xế xe van, lên tiếng chào bà, giọng anh lúc nào cũng vui vẻ:
      “Bác mạnh giỏi?”
      Hỏi xong Lance tự trách mình, dĩ nhiên là bà lão phải khỏe mới có mặt đây ngày hôm nay, còn giỏi thì dĩ nhiên là giỏi rồi.
      Bà nhếch mép cười lộ hàm răng mấp mô đã đổi mầu theo với thời gian:
      “Phải mạnh chứ? Còn cậu?”
      Lance cười ha hả:
      “Cháu mà đau thì vợ nó cũng tống ra khỏi nhà bắt đi làm. Không làm lấy đâu mà ăn?”
      Bà cười như đồng tình và nặng nhọc trèo lên xe van. Bàn tay gầy guộc có những gân xanh nổi vồng lên hiện rõ theo cử động mạnh bám lấy thành xe để đu cả người lên. Bà luôn luôn đến sớm hơn giờ khởi hành nên bao giờ cũng chọn được đúng chỗ ngồi như ý. Phải đến lúc đặt hẳn người người ngồi vào ghế bà mới thở ra một hơi dài khoan khoái. Đệm ghế còn lạnh ngắt nhưng chả sao, một lúc nữa đây là ấm ngay. Trong lúc chờ đợi, bà tìm trong túi, xách ra một chiếc hộp nhỏ trong có đựng kim chích và thuốc. Bà phải chích insulin hàng ngày do bệnh tiểu đường gây ra. Dù chậm chạp nhưng mọi cử động đã thành quá quen thuộc. Làn da bà đã chai cứng và dầy lên lốm đốm những dấu kim chích. Những ý tưởng về bệnh hoạn không bao giờ bà để tâm. Phải loại nó đi! Bà thường nhắc nhở chính mình như vậy. Mấy thứ lặt vặt này chẳng nghĩa lý gì! Có lẽ nhờ thế mà bệnh thì có đó nhưng chẳng mảy may làm bà lo âu hay khó chịu. Ai chẳng phải bệnh, không bệnh này thì bệnh khác, ăn thua gì!
      Cái quan niệm: Mọi sự khó khăn hay không may xẩy đến đều chẳng ăn nhằm gì, như con đường đi phải có lúc bằng phẳng, có lúc nhồi xóc, cứ thẳng tiến mà bước, làm đôi môi bà luôn luôn mím lại như một thách đố cương cường với cuộc đời.
      Nhưng có lẽ vì cứng rắn như thế nên đời lại càng thích trêu chọc và thử thách bà nhiều hơn. Đấy là may hay rủi? Bảo rằng may cũng được mà bảo rằng không may cũng chẳng sao! Bởi vì chuyện không may có đến hay không, con người bà vẫn y như thế, không thay đổi.
       
      Chuyến xe van chuyên chở 14 trái tim nhiệt tình đi vào trong đêm tối theo con đường đến trại giam. Những trái tim nhiệt tình thật đấy, nhưng cũng có đau khổ nữa chứ? Chỉ khác là những đau khổ được gói ghém rất kỹ. Chẳng ai nói với ai một lời nào, dù là lời than vãn hay câu chuyện nắng mưa. Nhưng trên từng gương mặt đăm chiêu người ta có thể mường tượng được từng thảm kịch đã đến với họ. Một người thân yêu nhất bị xã hội lên án, giam giữ trong tù là một thảm kịch chứ gì nữa? Nhiều người ngủ gà ngủ gật trên xe suốt cuộc hành trình. Riêng bà Rosado vẫn không chợp mắt. Bà nhìn quang cảnh hai bên đường trong đêm và kiên nhẫn chờ tấm màn đêm ấy từ từ nhích dần lên. Trong cái mầu tăm tối đó, bà vẫn nhìn thấy thấp thoáng hình tượng cậu bé John từ những ngày chập chững bước đi đến lúc mũ áo ra trường. Đó là những hình ảnh sáng lấp lánh trong đêm như những vì sao trên trời kia. Nó ở đó những xa quá, chập chờn như một bóng ma, như không phải sự thực. Nó nằm đó với ước mơ thầm kín yếu đuối trong bà: Phải chi thời gian ngừng ở ngay đó và đi vào bất diệt!
       
      Năm 1957 với cuộc hôn nhân đầu đời đổ vỡ, bà ly dị. Cuộc đời đẩy đưa bà cùng John sang Hoa Kỳ. Ở vùng đất phì nhiêu nhưng lạ lẫm này bà lập lại cuộc đời với người chồng thứ nhì. Những thất bại liên tiếp đã thay đổi tính tình chồng bà và những trận đòn vô cớ đổ lên bà, lên John. Bà vẫn tự oán trách mình là nguyên nhân đã làm John đi vào đường tội lỗi. Ngày ấy có lẽ bà còn quá trẻ nên mới đi bước nữa, một bước nhầm mà không thể lùi lại được với sự chào đời của Lilian và Thompson.
      Bà đã tập cho tâm trí mình chỉ hướng về những ngày vui đã qua. Những quá khứ u buồn có hiện về bất chợt liền bị bà thẳng tay chối từ phủ nhận như thể những sự việc đó chưa bao giờ xẩy ra. Bà là người cương quyết phấn đấu hay bà chỉ là kẻ hèn nhát không dám nhìn nhận những điều đã xảy ra? Câu trả lời có lẽ chỉ tóm gọn một cách giản dị: Phải đặt tình yêu lên trên tất cả. Tình yêu đã làm bà tô mầu đè lên những phần tăm tối tủi nhục đã qua. Và có lẽ tình yêu đã làm 80 năm trôi qua trót lọt. Thế thôi!
       
      Khi chiếc xe van ngừng trước cổng trại giam, nắng đã lên chan hòa từ lâu. Nắng vàng và trời trong xanh làm những vòng kẽm gai đen xì chung quanh trại giam càng nổi bật. Sự nổi bật kinh khiếp, sắc nhọn và làm cho ánh mắt của bất cứ ai cũng phải khựng lại. Chiếc xe thở phì phì, nhả vài làn khói xám nhạt rồi giật nhẹ và ngừng hẳn. Mười bốn người hành khách đứng dậy, thu dọn đồ và nối đuôi nhau bước xuống. Cuối cùng họ đã đến nơi mong đợi trong suốt chặng đường dài lê thê. Còn phải mất nhiều thì giờ qua nhiều trạm canh gác và kiểm soát trước khi gặp được người thân. Ngày Thứ Năm tương đối số người đi thăm cũng thưa hơn cuối tuần, bà Rosado nhìn quanh đám người đang từ những chiếc bus và xe van khác đang lục tục nhập vào đám đông và tính nhẩm: phải đến hàng 2 tiếng đồng hồ nữa bà mới có thể gặp được John. Những phỏng đoán của bà chỉ sai lệch chừng mươi phút đồng hồ vì số người đi thăm tù vào ngày Thứ Năm cũng khá đều đặn.
      Mọi người xếp hàng nối đuôi, chậm rãi qua các cổng kiểm soát. Chẳng ai nói với ai tiếng nào. Bên ngoài đời người ta xếp hàng ở tiệm ăn, ở rạp hát, ở chỗ xin việc.. v…..v.. để trông đợi một niềm vui, một niềm hy vọng. Ở đây, những người đang nối đuôi lần lượt nhích từng chút một để được gì? Đối với bà Rosado, sự thu ngắn lại khoảng cách dần dần này là một sự cận kề với tình yêu. Cái tình yêu kỳ diệu mà chỉ có người mẹ mới cảm thấy hết được từ giây phút đứa trẻ được hình thành trong bụng mẹ, tăng trưởng dần và chào đời, rồi khôn lớn.. Tình yêu mà người mẹ chỉ cho đi mà không đòi hỏi sự đáp lại. Đó là tình yêu một chiều duy nhất trên thế gian mà con người biết cảm nhận và thụ hưởng.
      Cũng vẫn những khuôn mặt, cảnh trí quen thuộc, nhưng lao xao trong bà một niềm vui rạng rỡ hơn bình thường vì năm nay ngày Thứ Năm này rơi đúng vào sinh nhật của John. Người gác khám xét cẩn thận, bắt bà bỏ mọi sự mang theo vào một hộc có khóa, có số và bắt bà ký nhận. Bà chỉ được phép vào thăm John tay không. Nhưng hôm nay là ngày sinh nhật của John, bà muốn xin được một đặc ân. Bà nài nỉ người gác ở trạm cuối cùng:
      “Hôm nay đúng là ngày sinh nhật con tôi. Ông cho phép tôi được mang cái bánh cho nó”
      Người gác mặt lạnh băng lắc đầu như không mảy may xúc động trước sự nài nỉ của bà lão. Ông ta giật lấy chiếc bánh nhỏ có nho khô trên tay bà và bỏ vào hộc khóa. Bà Rosado vẫn lải nhải, và rồi thì nước mắt ở đâu xô đến, ràn rụa trên gò má nhăn nheo của bà, làm mờ cặp kính bà đang đeo. Bà phải dựa vào tường như tìm một điểm tựa cho khỏi ngã xuống. Lâu lắm bà không để mình phải chảy nước mắt, nhưng lần này bà không tự ngăn cấm mình nữa, bà cần phải được buông thả những cảm xúc của mình. Và như một dòng nước chảy mãi không ngừng, bà cứ đứng tựa vào tường và khóc, mặc những người đang xếp hàng sau chờ đợi. Cũng chẳng ai lên tiếng. Chung quanh chợt im lặng một cách kỳ lạ, chỉ có tiếng sụt sùi nho nhỏ của bà Rosado.
      Mặt người gác dịu xuống. Ông    ta thở dài:
      “Thôi được! Nhưng bà phải chờ cắt chiếc bánh ra xem có dấu gì trong đó không. Không được phép đốt nến gì cả. Chỉ ngày hôm nay và trường hợp bà thôi!”
      Bà Rosado run rẩy nói với người gác:
      “Cám ơn ông.. cám ơn ông nhiều lắm.. Vâng, ông cứ cắt ra, không có gì trong đó đâu..”
       
      Bà Rosado đặt cả bàn tay lên làn kính nhựa trong suốt ngăn cách giữa người tù và người đi thăm như muốn truyền hơi ấm sang cho bàn tay John ở bên kia. Cả hai người nói chuyện với nhau qua chiếc điện thoại máng bên cạnh bàn.
      Người gác mang chiếc bánh muffin đã bị cắt làm nhiều miếng nhỏ vào cho John. John nhìn đĩa bánh, nhìn người gác rồi hỏi mẹ:
      “Hôm nay có gì đặc biệt?”
      Mắt bà Rosado sáng lên với một niềm vui thích vô bờ bến:
      “Sinh nhật con, không nhớ à?”
      John nhìn bà Rosado. Mười tám năm đã trôi qua, đã biết bao nhiêu lần John nhìn mẹ qua làn kính nhựa ngăn cách có màu trong suốt, nhưng chưa lần nào anh thấy gương mặt mẹ mình lại tươi sáng như vậy khi nhắc đến ngày sinh nhật của John. Mẹ không bao giờ hỏi John về tội ác anh đã gây ra và John cũng cứ tảng lờ như việc mình bị giam giữ trong tù này là một sự việc phải xảy ra, như hai cuộc đời ở hai đời sống khác nhau. Và sự khác nhau đó dĩ nhiên chẳng bao giờ gặp gỡ thực sự vì bao giờ cũng có lằn ngăn cách.
      Bà Rosado lại tiếp tục nói bằng một giọng vui vẻ:
      “Người ta không cho đốt nến nhưng cần gì, mẹ sẽ hát bài hát chúc mừng sinh nhật con nhé, John”
      Và bà cất giọng hát. Giọng bà ồ ề và khàn đục vang lên đơn lẻ trong phòng thăm. Bà chỉ không vỗ tay thôi. Bên kia John ngồi yên, cúi đầu. Anh ước gì có thể ôm được mẹ vào lòng và nói một câu giản dị: “Con yêu mẹ” như lúc còn nhỏ John thường làm. Cổ họng anh nghẹn cứng, John không nói được lời nào và cũng không làm được một cử chỉ nào. Anh ngồi yên như hóa đá, chỉ có tâm hồn John là rạt rào yêu thương. Mắt John nhắm chặt không dám mở ra mặc dù có hai giọt lệ ứa ra ở khóe mi. Bà Rosado ngừng hát từ lúc nào anh cũng không hay.
      Như có một cảm nhận thiêng liêng huyền bí nào đó làm bà Rosado cũng yên lặng. Dù qua làn kính nhựa, bà Rosado cũng nhìn thấy giọt nước ở đuôi mắt của John. Bà chắc chắn giọt nước đó có vị mặn y như lằn nước đang chẩy qua bờ môi bà. Dù có bao sự khá biệt giữa bà và John nhưng chắc chắn những giọt nước này là một, dù không thể hòa chung bởi sự ngăn cách. Bà nhắc nhở John:
      “Ăn bánh đi con! Bánh sinh nhật con!”
      John xúc từng thìa bánh đưa vào miệng, khó khăn như trẻ con mới tập ăn một mình. Nhiều lúc anh tưởng chừng như mắc nghẹn.
      Có tiếng đập cửa phòng, người gác nói vọng vào:
      “Hết giờ thăm!”
      John nhìn mẹ. Mẹ anh già đi nhiều lắm. Lần này hai mẹ con anh chưa nói với nhau được nhiều. Dường như thời gian đã cướp đi cả những giây phút ngắn ngủi gần gũi này của John. Trong sự xúc động dạt dào vẫn còn đọng lại, John không muốn đứng dậy theo chân người gác. Nhưng rồi John cũng phải đứng lên và đi ra. Anh ngoái lại và nói với bà Rosado:
      “Con yêu mẹ!”
      Bà Rosado nhìn những cử động trên miệng John và đoán những lời gửi gấm của con trai mình. Đó không chỉ là một lời tỏ lộ tình yêu không thôi mà còn là một lời xin lỗi của John. Bà hiểu như vậy. Bà cũng chẳng muốn biết về những việc John đã làm trong quá khứ. Quá khứ đã trở thành những đám bụi mốc màu thời gian và đi vào quên lãng từ lâu, chỉ có tình yêu của mẹ con bà là tất cả, là quá khứ, là hiện tại và là tương lai.
      Mãi đến khi người gác vào dục bà lần nữa, bà mới chậm chạp đứng dậy đi ra. Trong tai bà còn vang vang tiếng cười nói hồn nhiên của John lúc nó còn nhỏ xíu và lồng vào đó câu nói “Con yêu mẹ” chỉ nhìn thấy mà không nghe được bên tai. Lúc đi vào bà nhanh nhẹn bao nhiêu thì bây giờ bà thấy nặng nề bấy nhiêu khi đi ra.
      Đoàn người đi thăm lại lục tục nối đuôi nhau ra xe bus, xe van trở về. Chỗ ngồi quen thuộc của bà đã bị người khác chiếm. Chuyến trở về bà ngồi mãi ở tận ghế sau cùng. Bà cũng không quay lại nhìn nhà tù như mọi lần. Hình ảnh John đi theo người gác và lời nói trên môi John vẫn còn lao xao trong tâm hồn bà như bà vẫn còn ngồi trong phòng thăm và trước mặt đĩa bánh chỉ còn vài mảnh vụn trơ trọi của một ngày sinh nhật không biết là lần thứ bao nhiêu của John.
      Chiếc xe lại lắc lư trở ngược về thành phố. Những tiếng động rì rì của máy sưởi trong xe bus và những cái xóc nhẹ nhàng của sự chuyển động đưa bà Rosado vào giấc ngủ nhẹ nhàng.
      Khi chiếc xe dừng ở trạm cuối cùng, bà Rosado chậm rãi bước xuống, không quên chào từ biệt anh tài xế quen.
      “Đi cẩn thận nhe Bác. Trời tối lạnh, đường trơn trượt lắm đó! Gặp bác tuần tới nhé!”
      Cái lạnh đột ngột bên ngoài làm bà hơi run rẩy. Bà cẩn thận dò từng bước trên đường về căn gác trọ của mình. Ánh sáng ấm áp của từng trụ đèn đổ xuống đường và vỉa hè làm thành những vũng tròn màu sắc trong đêm tối. Đến chân bậc cầu thang căn gác trọ, bà Rosado dừng chân thở mệt nhọc. Chiếc túi xách dường như nặng hơn lúc ra đi. Một bên vai bà trĩu xuống. Bà hơi rùng mình khi cơn gió lùa qua chân cầu thang. Bà tự nhủ thầm: “Ráng chút nữa. Lên hết cầu thang là vào đến nhà!”
      Với hết mọi cố gắng, bà níu tay lên thành thang gác rồi từng bước, từng bước bà trèo lên thang. Lạ thật! Mọi khi đâu có mệt thế này? Chắc vì trời lạnh nhiều! Khi leo hết bậc thang cuối, bà thở phào nhẹ nhõm. Bà Rosado ngồi bệt xuống bậc thang thở dốc. Bà vẫn còn thấy lạnh, và hình như lạnh hơn cả lúc nãy. Người bà như đông cứng lại nhưng mồ hôi lại vã ra đầm đìa. Bà muốn đứng dậy, mở cửa vào phòng nhưng đôi chân vô tri giác của bà cứ ỳ ra, cả thân người như không còn theo sự điều khiển của cái đầu bà nữa. Bà có cảm tưởng như cái đầu mình và thân xác nay thuộc về hai người khác biệt. Bà muốn nghĩ đến một điều gì đó nhưng vô ích, đầu óc bà quay cuồng và tối đen.. tối hơn màn trời đêm, tối hơn góc cầu thang không một bóng đèn này. Bà nghiêng hẳn người về một bên cầu thang có tay vịn. Cả thân hình giật nhẹ vài cái. Bà ngã ngửa ra sau. Bàn tay bà thoạt tiên còn nắm lại, rồi co giật và sau cùng thì từ từ doãi, mở hẳn ra, bất động. Lòng bàn tay trắng nhờ nhờ ngửa trong bóng tối như một lời vĩnh biệt của bà Rosado, như một lời thầm thì trong đêm:
      “Xin trả lại nhân gian!”
       
      Mc Bích
       
       
       
       
       
      #18
        NgụyXưa 16.10.2013 06:04:13 (permalink)
        "Trả Lại Nhân Gian" đã được mang vào thư viện.
         
        Xin cám ơn tác giả Mặc Bích.
        #19
          frank 17.10.2013 00:00:38 (permalink)
          Xin cảm ơn.
          #20
            frank 29.10.2013 02:23:23 (permalink)
            Cám D 
             
            Mc Bích
             
            Bỏ chiếc dù trong giỏ, lắc lắc thử liệu chừng nặng nhẹ, bà Sương tặc lưỡi nghĩ thầm: “Lỡ mưa sao? Cứ mang phòng hờ”. Lững thững đi bộ ra trạm xe buýt cách nhà chừng mươi phút. Trời đất im sững,  chẳng một ngọn gió, giống như trời đang chết đứng! Bà ngửa cổ nhìn trời, nhìn mây nghe ngóng. Đường phố vắng tắp. Đến gần trạm chờ xe buýt đã thấy có người ngồi đợi. Không phải những khuôn mặt quen mọi ngày. Hắn ngồi ngay chính giữa băng ghế. Một bên là chiếc túi xách lớn chiếm gần hết băng ghế. Hai chân xoạc ra. Quần áo lôi thôi. Khuôn mặt gầy, xương xương, râu quai nón lởm chởm, tóc cắt ngắn, nhiều chỗ dựng ngược như muôn ngàn mũi dáo chĩa thẳng lên trời soi bói. Chừng 26, 27 là giỏi! Chỉ bằng thằng cháu nội của bà Sương. Cái áo khoác ngoài kẻ ca rô đỏ, đen như quân cờ. Thấy bà Sương nhưng hắn vẫn ngồi yên, hai đùi còn rung rung, chân nhịp nhịp.
             
            Thoạt đầu, bà đứng. Bỏ chiếc giỏ xuống đất, ngó mông ra đường. Chừng 2, 3 phút bà quay lại nhìn gã thanh niên xem y có ngồi dịch lại hay bỏ túi xách xuống đất chừa chỗ cho bà già không. Hắn cứ tỉnh bơ rung đùi, chẳng thèm nhìn trả lại bà lão vì bên cạnh gã vẫn còn một chỗ trống không rộng rãi lắm. Đã đi bộ nãy giờ mà lại còn phải đứng thì mệt cho đôi chân quá đi! Thôi, thì ngồi vậy!
             
            Bà lão ngồi xuống cạnh hắn. Trông gã bẩn thỉu nhưng không thấy hôi hám. Cũng đỡ! Bà ngồi sít rịt vì nhích ra xa chút nữa thì một phần cái mông sẽ không có chỗ đỡ. Thằng quỷ! Bà già rủa thầm. Nhìn xuống đất, trúng ngay ngón chân cái lòi ra khỏi đôi giầy vải thủng một chút ở đầu mũi giầy của gã. Ngón chân ngọ nguậy theo nhịp rung trông tức cười hết sức. Ngón chân chĩa ra một cách vô trật tự y như một chỏm tóc trên đầu của hắn. Những cử động nhịp nhàng của ngón chân ngoẹo qua ngoẹo lại làm bà lão phát ngứa ngáy, bứt rứt khó chịu!
             
            - Mưa! Mưa đi! Mưa lớn đi trời!
             
            Bà Sương hết hồn! Ai nói vậy? Chẳng lẽ...? Quay sang nhìn gã thanh niên. Y đang mấp máy môi lập lại câu nói khi nãy:
             
            - Mưa! Mưa đi!
             
            Tự dưng bà thấy có cảm tình với hắn hơn. Cũng người đồng hương. Bà lão bắt chuyện:
             
            - Cậu người miền đâu vậy?
             
            Hắn hơi nhếch người nhìn bà Sương. Đôi mắt của gã mới kỳ dị làm sao. To, sáng rực như tỏa ra một thứ điện vô hình, không đen nhưng xam xám và xoắn nhìn mê mê như muốn hớp hồn bà lão. Bà cũng ngay đơ ra nhìn hắn. Không lẽ con mắt người ta mà lại có sức mạnh kỳ cục thế ư? Hai bên nhìn nhau ở một khoảng cách quá gần. Khi gã nhếch mép cười, mấy chiếc răng trắng bóc nhô ra coi hay quá.
             
            - Người Việt. –Hắn trả lời cụt ngủn.
             
            - Biết là người Việt, nhưng người ở vùng nào? – Bà Sương kiên nhẫn lập lại câu hỏi.
             
            Hắn nhìn bà lão rồi lại cười, lần này không phải chỉ thấy vài cái răng mà cả hàm răng trắng tinh:
             
            - Người Việt.
             
            Bà lão chịu thua vì biết hỏi tới gã cũng sẽ chỉ trả lời y như vậy. Chắc nó không hiểu tiếng Việt nhiều như mấy đứa cháu của bà. Bà Sương quay nhìn  ra đưòng. Trời bỗng dưng tối hơn, âm u và nhiều mây. Trời tỉnh rồi! Hết chết đứng! Làm như cái túi trần gian ở khoảng này bỗng dưng bị túm trọn lại trong một cái bọc tôi tối, nặng nề. Chung quanh như đang thu gọn lại. Rồi lác đác vài hột mưa. Có hột to bằng hạt bắp rơi xuống ngay phía lề đường xi măng lốm đốm. Điệu này chắc mưa lớn! Bà Sương cầu cho xe buýt tới trước cơn giông.
             
            Bên cạnh bà, gã thanh niên đứng nhổm dậy. Trông nó vui sướng một cách lạ thuờng. Tay chân, đầu tóc ngọ nguậy như có con gì đang bò khắp người. Nếu mà gã đeo thêm một cái máy gì bên tai nữa thì gã sẽ giống hệt thằng cháu nội ở nhà.
             
            Hớn hở thò tay ra ngoài hứng vài hột mưa rồi gã lại thụt vào rú lên:
            - Mưa rồi! Mưa rồi!
             
            Nhân lúc gã đứng lên, bà Sương nhích vào bên trong băng ghế cho thoải mái. Chiếc xe buýt số 23 mắc dịch đâu sao hoài không thấy tới? Bà lão có biết đâu hôm nay đổi giờ!
             
            Cơn mưa ào đến. Thôi thì hột to hột nhỏ tranh nhau đổ xuống dành phần hơn. Cũng may không có gió nhiều nên mưa chỉ tạt vào chút ít bên trong. Cả một khoảng trước mặt mù mịt, toàn nước với nước. Bà Sương thở dài thầm: “Điệu này xe buýt có đến, trèo lên được xe cũng ướt hết! Về bịnh, con cái lại kêu rên, cằn nhằn!”
             
            Hắn nhìn khoảng trống bà Sương chừa rất nhỏ, nhìn bà lão, rồi đẩy chiếc túi xách dịch sang một bên, ngồi xuống. Quay sang bà, hắn thân thiện:
             
            - Mưa rồi thấy không bác?
             
            Trong tiếng mưa lộp độp rơi trên mái nhựa của trạm xe buýt, bà Sương phải ghé đầu sang gần mới nghe tiếng gã nói.
             
            Tự dưng bà cũng không thấy ngại hắn nữa:
             
            - Bộ cậu thích mưa lắm hả?
             
            Hắn lắc đầu:
             
            - Không thích! Khi mưa ngừng rồi mới thích.
             
            Bà lão tò mò hỏi tới:
             
            - Sau cơn mưa có gì mà thích?
             
            Hắn không trả lời chỉ nhe răng cười. Nụ cười mới hồn nhiên làm sao.
             
            Đổi câu chuyện, lần này đến phiên bà Sương nói trước:
             
            - Chờ xe buýt đi đâu vậy?
             
            - Đâu có chờ xe đâu. Bác  chờ xe buýt hả?
             
            Thằng này chắc khùng khùng! Mình hỏi nó, nó lại hỏi mình. Bà Sương đáp:
             
            - Ừ!
             
            - Đi gần hay xa?
             
            - Không xa, nhưng không đi bộ được.
             
            Nó gật gù, không nhìn bà lão nữa mà nhìn ra ngoài đường. Một vài chiếc xe chạy vọt ngang.
             
            Cả hai người lại cùng nhìn ra đường, nhìn màn mưa và nghĩ đến những điều không giống nhau. Họ cùng chờ đợi.
             
            Nhiều lần bà lão định bắt chuyện với gã nhưng rồi lại thôi vì không biết phải nói chuyện gì với hắn. Hết nhìn mưa rồi lại nhìn ngón chân ngọ nguậy như khua động cả một khoảng không chật hẹp dưới mái trạm xe buýt. Cái thằng này không ngồi yên được! Bà lão than thầm: “Quái! Sao mãi xe buýt không đến?”. Bà có biết đâu cái đồng hồ vĩ đại của cả nước Mỹ đã chạy chậm lại một giờ, chỉ duy nhất còn mình bà vẫn theo cái đồng hồ cũ và những  nề nếp mà bà đeo đuổi cả mấy chục năm nay, trung thành, tuyệt đối.
             
            Hết nhìn màn mưa rồi bà lão lại nhìn mấy hình vẽ nguệch ngoạc trên bức vách của trạm xe buýt. Vài bữa thấy chùi sạch bong, rồi không lâu lại thấy lắm hình thù quái gở. Nhiều lần bà có cảm tưởng trạm xe buýt này đã được đổi, nhưng không đâu, nó vẫn thế, ở ngay góc đường này, chờ đợi những chuyến xe, những con người.
             
            Những giải mưa cứ thưa dần, nhanh chóng như lúc cơn mưa đến vội vã. Đã nhìn thấy rõ bên kia đường. Các cửa hàng vẫn còn đóng im ỉm. Những bảng hiệu sáng hẳn lên. Yên tĩnh. Chẳng bao lâu trời lại hửng nắng, phơn phớt màu sáng. Cái âm u ngắt lạnh bỗng loãng, tan đi, trả lại những khoảng trống dường như thênh thang hơn và bừng bừng đâu đó những rung động ầm ì của trời, của đất xa xa, ườn mình rũ cho hết những khắc khoải ướt nhẹp. Những vách tường loang lổ bên kia đường cũng nhạt dần. Duy nhất thấy bóng ông Tàu già mở cửa tiệm ra trước lề đường nhìn xuôi ngược, nhổ phẹt xuống giòng nước còn đọng hai bên đường. Tần ngần đứng ngó trạm xe buýt đối diện bên kia, có lẽ định khạc, nhổ thêm một lần nữa rồi thôi. Uể oải quay vào trong tiệm. Những cửa hàng bên cạnh vẫn còn lặng thinh. Những song sắt xám xịt kéo kín mít trong cái yên tĩnh của một sớm Chủ Nhật như những đôi mắt còn khép kín. Chẳng phải người, xe cộ cũng trốn biệt. Đâu đó bắt đầu có tiếng chim riu rít gọi nhau.
             
            Tất cả những thay đổi nhanh chóng như đang từ một ngày này sang một ngày khác, như sự đổi ý bất thình lình, đánh lừa con người, trong đó có bà lão. Mà thật! Hôm nay không giống mọi ngày, từ chuyến xe quen thuộc đến người, đến cảnh vật. Giống như cơn mưa bất ngờ. Mưa kiểu này là Trời đái đây mà! Hứng rồi đái bậy! Bà lão tủm tỉm cười vì những ý nghĩ ngộ nghĩnh.
             
            Trời âm ẩm, rồi nắng lên. Cái nắng đuọc lột trần, trong và sạch làm sao. Từng mảng mây xám cuốn đi cho bằng hết. Cái túi đã được mở tung ra trở lại. Trời cao vút hẳn lên, rồi xanh, rồi trắng. Khoảng đường trước mặt còn đọng một vài vũng nước mưa ở những ổ gà chưa được sửa. Đúng là ngày Chủ Nhật, lâu lâu mới thấy một chiếc xe chạy băng qua.
             
            Bây giờ đến phiên bà lão sốt ruột, đứng dậy. Gã thanh niên như đồng tình, nói với bà, hai mắt y sáng rực như có ngọn lửa đang đốt:
             
            - Đi không bác?
             
            Bà lão nhăn nhó:
             
            - Xe đã tới đâu mà đi?
             
            - Không, đi xuống kia kìa! –Y chỉ mông ra đường.
             
            - Xuống kia là xuống đâu?
             
            - Bác thấy chỗ vũng nước kia không? Ngay gần chỗ quẹo đó.
             
            - Thấy. Sao?
             
            - Xuống đó vui lắm.
             
            - Quẹo chỗ đường đó hả?
             
            - Không! Chẳng quẹo đâu hết. Ở ngay đó chứ.
             
            - Làm gì có chỗ nào mà xuống với chẳng lên! – Bà lão lắc đầu ngán ngẩm cho gã thanh niên chắc chắc mắc bệnh tâm thần.
             
            - Xuống được mà! – Y quả quyết, mặt hơn hớn.
             
            Bà lão cười nhẹ:
             
            - Xuống đó có gì vui?
             
            - Có những thứ mà trên này không có.
             
            “Thằng này ấm ớ quá! Mà sao bỗng dưng mình cũng nói mấy chuyện vớ vẩn với nó làm gì? Thật là lẩm cẩm!”
             
            Tưởng thế là xong. Nhưng gã thanh niên bước xuống khỏi lề đường, quay lại hỏi bà lão lần nữa:
             
            - Đi không?
             
            Bà lão lắc đầu. Không muốn nói nữa. Nói gì với nó cũng vô ích.
             
            Nó nghiêng đầu, cũng mấy cái răng trắng tinh lộ ra trong nụ cười hóm hỉnh, giơ tay ngoắc ngoắc bà lão rồi bỏ đi sang vũng nước ở góc đường chỗ quẹo.
             
            Đứng trước vũng nước không lâu lắm rồi nó thò chân khuấy nước. Rút chân ra, rú lên. Nó giơ cả hai tay lên trời múa may như người điên. Không! Nó chính là thằng điên!
             
            Không một chiếc xe nào chạy ngang. Gã lại săm soi nhìn vũng nước, nhúng không phải một chân mà cả hai chân, rồi như bị vũng nước nuốt một cái ực. Gã biến mất! Biến như một cái búng tay ngay tróc! Mất tiêu! Mất... thật!
             
            Bà lão  hoảng hồn! Chết! Nó làm sao rồi! Nó rơi xuống đâu rồi? Nó bảo đi xuống, mà nó đi xuống thật! Dưới lòng đường làm gì có gì?
             
            Quên cả chuyện chờ xe buýt, bà lão nhìn trước sau, băng ngang đường, nhanh nhẹn hơn lúc thường. Đến bên vũng nước mưa, bà hồi hộp nhìn vào. Thấy ngay mình! Tưởng ai!
             
            Lại nhìn, lần này từ tốn cẩn thận hơn. Ngoài mình ra còn thấy mây xanh, mây trắng, đẹp quá trời đất, long lanh, rung rinh còn đẹp hơn trên kia. Đó là một ổ gà khá lớn nhưng không sâu. Nước trong vì không có xe chạy cán ngang qua. Mà cái thằng nó biến cũng nhanh nên nước trong veo. Bà còn nhìn thấy rõ trong ánh nước lung linh, vài hòn đá bằng cái trứng gà nằm lăn lóc trong đó. Thế nó đâu rồi? Làm sao nó biến đi đâu được? Bà lão hoang mang nhìn lại bên kia đường, ngay trạm xe buýt. Chiếc xắc to tổ bố của gã thanh niên vẫn nằm nghễu nghện trên băng ghế. Bà nhìn quanh, vẫn không thấy gã đâu. Bà chắc chắn mình không hoa mắt. Mắt bà còn khá, không đến  nỗi nào. Vậy thì gã biến đi đàng nào?
             
            Tự dưng thấy sờ sợ. Bà lại ngó ngang ngó dọc, quay tới quay lui rồi trở về trạm xe buýt bên kia đường. Ngồi xuống ghế, nhìn cái bị của gã, lòng thấy nao nao rồi đâm thắc mắc: “Mà đi đâu mới được chứ? Nó nói rõ ràng đi xuống chứ không phải đi lên? Lạ quá!”
             
            Bà ngồi chờ. Bây giờ không phải chờ chuyến xe buýt số 23 mà là chờ sự xuất hiện của gã thanh niên mặc áo ca rô đỏ. Tại sao  lại chờ gã? Những câu nói lung tung của nó khi nãy lại dật dờ trở lại với bà. Ở dưới đó có những thứ gì mà trên này không có là cái quái gì? Đối với gã, trên đời này cái gì gã không có? Còn mình? Vừa tự hỏi xong là bà Sương thấy nhói một cái ngay trong bao tử đang rỗng. Thứ chi mà bà chẳng có, có điều giữ được hay không giữ được mà thôi. Chỉ có thế mà bỗng dưng bà lão thấy nồng nồng trong mũi, nong nóng ở mắt, làm như bị đụng ngay chỗ nhược! Tự dưng bà oán trách ông chồng bỏ đi sớm quá! Lẽ ra bà đi trước mới phải. Tóc còn xanh rói mà đã cùi cụi một mình. Rồi cũng có sao đâu. Bốn chục năm đã qua, hay thêm vài năn nữa thì cũng vậy thôi. Chỉ vì cái câu nói của gã thanh niên mà làm cho mình đau bao tử! Thật là bậy quá!
             
            Khi chuyến xe buýt số 23 trờ tới, cửa trước xịch mở, người tài xế chờ. Bà Sương vẫn ngồi yên, làm như đây không phải là chuyến xe mà bà chờ đợi nãy giờ. Chừng không tới một phút, cửa xe buýt đóng lại rồi chuyển bánh đi. Mùi khói xe và xăng dầu thoang thoảng thốc vào mũi bà lão. Chuyến xe và cuộc hành trình quen thuộc đã chạy tuột ra khỏi sáng sớm mai một ngày Chủ Nhật trong vòng quay nhất định và liên lỉ của bà Sương. Chuyến xe thiếu bà lão đã trở thành chuyến xe lạc giữa đời, hay chính bà lão đang bị bứt khỏi những mắt xích quen thuộc để rồi trở thành kẻ bị bỏ lại? Hình như những điều đó chỉ còn nhấp nháy chút đỉnh và không nghĩa lý gì nữa khi bà Sương lại đứng dậy, nhìn trước nhìn sau và băng sang đường, trở lại vũng nước mưa.
             
            Soi mình bên vũng nước, vẫn thấy trời xanh mây trắng lung linh, lại thấy mình nhưng không thấy gã thanh niên đâu cả. Bà khẽ kéo cao ống quần lên sợ ướt, nhưng vẫn đứng ì ra đó nhìn vũng nước. Nhìn xuống vũng nước, rồi lại ngửa cổ lên trời. Một chiếc xe chạy ngang bên mé ngoài làm rung động, vũng nước chao đi, mấy đám mây bồng bềnh huyền ảo kỳ diệu. Ngay đến bóng bà trong đó cũng chấp chới như ai đó. Cái rung động, loang loáng của mặt nước làm cho hình bóng bà như đang chao đảo, dục giã một điều gì. Đúng là mặt giáp mặt. Cái “mình” này mới ác ôn côn đồ! Nó đeo bà dính như sam và toàn xúi bẩy những chuyện tào lao thiên địa! Ai xúi mình không sao, chứ mình xúi mình mới là khổ!
             
            Lần này làm thật! Bà lão kéo một bên quần lên cao chút xíu và đưa gót giầy quậy quậy nhúng nhúng xuống nước, mắt nhắm tịt lại chờ đợi một điều gì đó xảy ra. Cái tích tắc chọn lựa giữa mình và “mình” có chút xíu mà dễ sợ thật! Nhưng chẳng có gì xảy ra cả, chỉ ướt gót giầy! Bừng bừng cả mặt, bà lão vẩy vẩy gót giầy như hắt mấy giọt nước còn bám vào xuống vũng nước mưa  rồi lầm lũi đi trở lại sang đường bên kia. Đến bên trạm xe buýt, bà lão không thèm nhìn đến túi xách của gã mà nhấc chiếc túi của mình rồi quay trở lại đường cũ.
             
            Lần trở về bà không nhìn gì hết mà chỉ nhìn mặt lề đường cùng đôi chân mình đang chậm rãi bước tới. Bà lão lẩm bẩm: “Giê Su Ma, lạy Chúa tôi, con suýt mất linh hồn!”. Lòng nặng trĩu ăn năn, nhưng bà thừa hiểu một con người khác ở trong bà luôn luôn rình rập kêu réo đòi trả lại những phần mà nó bị cướp mất hay phải quên đi. Nay đòi, mai đòi, sáng kêu, trưa dục, khuya gọi! Cái con người đó cũng từ trong bà mà ra thôi.
             
            Chân rảo bước đi, miệng vẫn lẩm bẩm: “Đâu phải mình bị ma quỷ cám dỗ không thôi, chính mình cũng cám dỗ ma quỷ!”
             
            Sau lưng bà Sương, trên băng ghế ở trạm xe buýt, chiếc túi xách của gã thanh niên không còn nữa, biến mất tiêu như chủ của nó.
             
            Mặc Bích
             
             
             
             
             
            #21
              bunthang 25.01.2014 13:13:46 (permalink)
              Bạn có bút pháp đặc biệt thuần tuý văn chương khiến khi đọc một lần khó nhầm lẫn cũng không có cảm giác đọc truyện mà giống như đọc báo. Cám ơn bạn!
              #22
                Ct.Ly 25.01.2014 15:22:50 (permalink)
                #23
                  frank 17.02.2014 07:00:28 (permalink)
                  Vườn Xưa
                   
                  Mc Bích
                   
                  Thụy An đưa tay xé lịch. Đã sang tháng 4. Nàng nhìn qua khung cửa sổ rộng không màn che ra phía sau nhà. Cả một dãy chậu bon-sai được Sơn kê lên trên kệ gỗ xếp cẩn thận ngay tầm mắt từ phòng khách nhìn ra vườn, chỉ để nàng ngắm mỗi ngày. Mỗi chậu, mỗi cây, mỗi kiểu, mỗi dáng, mỗi thế. Xa hơn chút nữa sát hàng rào phân đôi với nhà bên cạnh, màu cam thắm đẫm vẻ tươi nhuận của những chùm quít xen kẽ với khóm mía cao vút giơ những thân cành tím đỏ. Hai bụi hoa mẫu đơn đến mùa nở rộ. Cái mầu phấn hồng hơi ẩn sắc tím, mướt như mùa xuân đầu mùa và gợi lên những rạo rực của những nõn nà tươi thắm. Cây táo hàng mười mấy năm, trái đỏ đẹp như trong truyện cổ tích cũng khoe sắc mời chào mấy chú chim sẻ rúc rích suốt ngày. Đẹp như thế mà Sơn đang đòi chặt hết, chỉ để trồng cây xanh cho hợp với dãy bon-sai!
                  Có tiếng chuông. Tiếng chuông không lớn nhưng trong cái yên tịnh của toàn khu nhà này vào giờ giấc mà mọi người đi làm hết lại trở nên... rộn quá! Thụy An chợt nhớ ..
                  Hai đầu gối vẫn đau làm nàng đi những bước nhỏ và chậm. Chưa mở cửa nhưng nàng cũng biết là ai. Ông Harry T.
                  Cái se lạnh còn sót lại của mùa đông đang chuyển bước sang xuân ở bên ngoài nhanh chóng luồn vào theo với khuôn mặt khắc khổ với những vết hằn trũng ở hai bên mép. Ông ta theo tập tục cúi đầu thật sát khi thấy chủ nhà:
                  “Chào Bà! Bà mạnh giỏi?”
                  “Chào ông!”
                  Thụy An xem câu hỏi thăm của ông Harry T. như một lời chào hỏi thông thường nên không cần phải trả lời.
                  Ông Harry T. chỉ vào bình hoa để trên chiếc kệ bằng gỗ nâu bóng có chân quỳ với số tuổi lâu đời gấp bao nhiêu lần hơn Thụy An, khen:
                  “Lúc nào bà cũng có hoa tươi đẹp thay luôn luôn. Cái mùi hoa này mới ngọt làm sao! Nó đi với mấy món đồ cổ của bà. Vừa có hương lại có sắc”
                  Thụy An cười. Nụ cười của nàng là một câu trả lời hay là một sự phụ họa? Hiểu thế nào cũng được.
                  “Tôi thích hoa, thích cây, nhất là loại hoa peony”
                  “Chồng bà sưu tầm cho bà nhiều thứ cây cảnh thật hiếm. Một sự tương đồng như thế giữa hai người thật là quý”
                  Thụy An đi trước, mở cửa cho ông ta ra vườn sau, nàng không nói gì thêm. Chẳng phải nàng là người lạnh nhạt xa cách, nhưng phải dùng tiếng Anh để trao đổi câu chuyện với ông Harry T. là điều không thích thú gì.
                  “Bà đừng lo. Chốc nữa tôi về bằng cửa bên hông, bà không phải bận tâm”
                  Đây là lần thứ ba ông Harry T. nói câu này. Ông ta có thể vào cửa bên hông khi đến nhưng ông ta không muốn vậy vì muốn cho chủ nhà biết là ông ta đến, không phải tự đến tự đi. Nàng gật đầu:
                  “Ông cứ tự nhiên”
                  Ông Harry T. là người đã bán lại cho vợ chồng Thùy An một cây bon-sai rất quý. Đó là lý do tại sao ông ta vẫn lui tới để chăm sóc và “thăm” cây bon-sai đã không còn là của ông.
                  Từ trong phòng khách phụ gần bếp, ngồi ở ghế bành nàng có thể nhìn thẳng ra vườn. Cái dáng còm cõi già nua của ông Harry T. đang khom người chúi mũi vào cây bon-sai làm Thụy An nhớ đến cái duyên mua được.
                  Lần đó, Sơn nhất định bắt nàng phải đến xem cây ở nhà ông Harry T., người nổi tiếng về bon-sai. Ông Harry T. được biết đến trong giới sưu tầm cây cảnh vì nhiều lý do. Ông ta có một bộ sưu tập cây cảnh đồ sộ. Tài uốn nắn của ông có thể nói là tuyệt hảo. Nhiều cây bon-sai của ông đã được giải thưởng cao quý. Ngay tại Tòa Bạch Cung cũng có một cây bon-sai do chính tay ông tìm kiếm và không chỉ là uốn nắn mà còn tái tạo để thành một tác phẩm nghệ thuật. Những cây bon-sai đẹp của ông dù có trả giá cao ông cũng không bán. Thụy An nhớ khi nghe kể về ông Harry T. và những cây bon-sai nàng đã buột miệng nói: “Tại chưa trả đúng giá nên chưa bán đấy thôi!”
                  Nàng nhớ mình đã miễn cưỡng đi cùng với chồng đến nhà ông Harry T. chỉ để xem cây cảnh. Sơn biết được địa chỉ này qua một người Tàu chuyên bán đồ cổ mà chàng là khách hàng lâu năm. Chồng nàng đã say sưa nói về cây bon-sai mà ông Harry không bán với một sự ham thích lạ lùng. Anh thích làm chủ những vật hiếm quý, để rồi khi đã mua được về làm của mình thì chỉ thích được một thời gian rồi lại tìm tòi săn đuổi những vật hiếm có khác, không hiểu vì sự chiếm hữu đã làm Sơn nhàm chán hay vì chưa đủ? Nhưng chưa lần nào Thụy An lại thấy sự say mê ở chồng mình lại mãnh liệt như thế khi tả về cây bon-sai không mua được.
                  Nhà ông Harry cách chỗ nàng ở đến hơn 1 giờ lái xe. Nhà không lớn nhưng đất rộng, nhiều cây lớn lại ở gần sát chân núi. Điều đầu tiên mà Thụy An thấy ngay khi bước vào nhà ông T. là cái lạnh và âm u như đi vào một huyệt mộ. Trong nhà tối om, cái mầu nhờ nhờ u ám có mang chút mùi của những đồ cũõ vây lại như một bức màn vô hình thập thò xem chừng những bước chân người lạ! Màn cửa trong nhà mầu đậm và kéo kín mít. Đồ đạc toàn gỗ đen với mặt đá xám lạnh lẽo. Nhà không có nhiều đồ đạc. Căn nhà như không có người ở, không sinh khí, hay chỉ là một thứ sinh khí èo uột và thật mơ hồ. Bước vào, ngộp thở, và chỉ muốn đi ra ngay như sợ sẽ bị cầm giữ lại hay lún xuống trong cái tối tăm tưởng chừng đang vươn những cánh tay ra với lấy! Những cánh tay không màu sắc với những con mắt chớp mở theo từng gót chân chậm và nhỏ của Thụy An.
                  Chủ nhân mở cửa ra vườn sau. Chỉ một cánh cửa ngăn trong và ngoài mà như mở một trang sách mới, của một người khác. Tuy không tưng bừng rộn rã nhưng êm đềm với không gian thoáng hơn. Mọi vật, mọi sự trong khu vườn được xếp đặt với những thứ tự riêng. Riêng mà chung. Riêng trong cách thế của từng loại, nhưng chung trong sự hài hòa làm như phải như thế, không thể khác đi được. Những cây Tùng Ngũ Châm lớn, cao, không theo kiểu bon-sai cũng được cắt tỉa nhiều tầng với những tàn cây thật đẹp. Rễ của cây trồi lên khỏi mặt đất những đường gân mạnh mẽ như móng vuốt chim ưng đang bám xuống mặt đất. Hồ nước ở góc vườn hình vòng cung thu gom một mảnh trời chìm lẫn với lác đác vài cánh sen trắng. Tuyệt đối không thấy một bông hoa màu sắc rực rỡ nào. Làm như chỉ một chút màu vào cũng đủ khuấy rộn cả một không gian lặng như  đang chìm dần vào bóng chiều tà. Những chậu bon-sai được đặt nằm xen kẽ chứ không để riêng xếp loại từng góc. Chúng nằm đấy trong thinh lặng nhưng dường như cũng để chờ đợi bóng đêm xuống như trông ngóng những hạt sương từ trời cao kia nhả xuống êm ả trong một gặp gỡ giữa trời và đất.
                  Chủ nhân của ngôi vườn, ông Harry T., người thấp bé nhưng rắn rỏi tuy có phần khắc khổ. Hai cánh tay gầy gò thò ra khỏi chiếc áo sơ-mi cụt tay và dứt điểm bằng đôi bàn tay nhỏ nhắn nhưng gân guốc. Ông ta có đôi bàn tay và những ngón tay nhỏ như tay đàn bà. Ông Harry khi đưa Thụy An và Sơn đi xem những cây bon-sai đã hãnh diện khoe với nàng: “Đây là những đứa con của tôi”. Nàng đã nghĩ thầm nếu là con thì làm sao bán được?
                  Những cây bon-sai với tên gọi mỹ miều do ông Harry đặt mang nhiều ý nghĩa. Ở đây đã là một thế giới thu nhỏ, nhưng cúi gần xuống nhìn những chậu bon-sai được cắt xén tỉ mỉ, những mảnh rêu mướt ở gốc, ở những mảnh thân cây, gốc rồi rễ rồi lá.. chêm một vài hình tượng tí hon, một thế giới khác còn nhỏ hơn, sâu hơn.
                  “Ông bà xem đây, phải uốn phải nắn phải chăm chút từng li từng tí mới được như thế này. Đây là loại cây Du được uốn theo thế “Long giáng”. Gốc lớn, lá nhỏ nhưng cành tỏa đều trên thân như vẩy rồng. Thân cứng mà hình thể mềm mại uốn khúc như rồng bay. Cành bóng như ngọc. Còn hoa... chỉ là hoa trong tâm tưởng. Gọi đây là Hoa Tâm Tưởng cũng được”.
                  Thụy An nhìn ông ta bằng một cặp mắt khác. Ông Harry không những đã cho cái cây một cái tên, một hình tượng, mà còn gán cho nó cả một linh hồn theo ý ông!
                  Ở một cây khác, chủù nhân tiếp tục giải thích:
                  “Đây là thông Nhật Bản, Japanese white pine. Từ gốc cây nhoài ra lên cao như đỉnh thác, rồi lại đổ xuống nhiều tầng mà ở mỗi chặng cây khúc khuỷa tựa như ghềnh đá, trổ ra lá có tán tròn trịa như nước chảy. Những tán tròn và mập “Trực” đã kéo lại cái thế “Đổ” của bon-sai”.
                  “Còn núi đá với cây đây ông đặt tên là gì?” Thụy An hỏi.
                  “À, nó là “Lng L Uy Hùng”. Núi đá không phải lên tắp cao như bình thường mà chênh vênh đổ dài. Trên thì nhẵn còn dưới bụng đá thì tôi phải đẽo thêm, tạo cho mấp mô lồi lõm nhiều hơn để tạo sự hiểm trở đối nghịch đồng thời tôn vinh cái vững chãi của núi. Đỉnh núi có tùng xanh do tôi chiết vào, dưới chân núi có lều trúc, ngư ông. Trên có sức sống mà dưới cũng thế. Có cái tĩnh của đá, có cái động của cây cỏ. Bon-sai phải có bố cục hoàn chỉnh. Bố cục càng giản dị càng đẹp”
                  Sơn nói với ông ta:
                  “Ông giới thiệu về cây bon-sai mà tôi thích cho vợ tôi nghe đi!”
                  Ông Harry đưa Thuỵ An và Sơn lại góc vườn nơi có hòn giả sơn, gần suối nước nhân tạo đang róc rách. Cây bon-sai có hình chữ S được ép cho ngắn lại. Cả thân cây khô vàng úa không có một tí vẩy nào cho thấy sự sống. Lên đến hơn nửa đoạn thân mới có nhánh rẽ ngang đâm chồi lá xanh.
                  Ông Harry giải thích:
                  “Đây cũng là loại Tùng Ngũ Châm. Loại này lá xanh quanh năm. Lá kim ngắn, sinh trưởng chậm và sống rất lâu. Cái đặc biệt của cây bon-sai này là hình tượng và dáng tự nhiên của nó. Ngoài ra quan trọng hơn cả là tuổi tác của cây. Cây này phải trên 1000 năm tuổi nên không thể uốn hay sửa dáng, thế được. Ông Bà nhìn xem. Giống cây này càng lâu đời thì dáng và thế của nó càng vặn xoắn, cuộn khúc, thế như rồng bơi. Kiểu thân cong thế này gọi là “Long trang”. Nó đúng là rồng. Tôi phải lên núi, vào sâu tình cờ tìm được nó. Nó bám vào gần sát bờ vực. Tôi lấy được mà suýt mất mạng. Bà có thấy phần thân từ gốc không? Phần này đã chết từ lâu. Bà nhìn coi! Khô hết cả. Vậy mà từ đây.. Bà cúi xuống nhìn gần mà xem.. lại sinh ra cành lá mới. Lá mọc ra cũng tự nó. Tôi đã thử chiết hay ghép nhiều lần mà đều thất bại. Hoàn toàn là tự nhiên. Không một vết tích của dây đồng uốn hay bất cứ một vết đẽo hay cắt nào. Nhưng cũng chỉ mọc có thế, không thêm cành mới nào khác. Đẹp ở chỗ có tsinh ngay đây.”
                  Thụy An cúi gần sát vào cây bon-sai. Nàng ngửi được cả mùi hăng hắc từ cây tỏa ra. Ngửng đầu lên, nàng hỏi:
                  “Tôi sờ vào được không?”
                  Đôi mắt ông Harry vốn đã nhỏ nay nheo lại như một lằn chỉ nhìn Thụy An. Cái nhìn như một lằn chớp trong đêm tối lướt trên mặt nàng, sắc và lạnh, lóe lên tí ánh sáng rồi khép kín.
                  Thụy An vẫn nhìn lên chờ đợi câu trả lời của ông ta.
                  “Được chứ!ù”
                  Nàng đưa ngón tay sờ vào thân cây khô như thăm dò một sự sống ẩn dấu trong đó. Thân cây khô cứng nhưng có chỗ không ráp mà những mạch gỗ nhẵn như đã hóa thạch. Những ngón tay nàng nhẹ nhàng vờn theo đường cong của thân cây lượn, như vuốt, như làm quen rồi buông ra. Những lằn gỗ khô bóng oằn xuống rồi cong lên nhưng vẫn bám vào nhau như gồng mình chịu một sức nặng. Những chùm lá bé tí tẹo có màu xanh lục đậm đâm ra từ thân cây chết đó như một sự thách đố dịu dàng mà hiển nhiên. Ngay cả cái mùi ngai ngái từ cây tỏa ra như những tiếng chuông nho nhỏ gióng lên diệu vợi râm ran. Cái âm vang chìm đắm đó như những tiếng nói vô hình trao gởi đến Thụy An. Nàng nhắm mắt lại hít cái mùi thơm đó như một thu nhận. Chừng như chưa đủ, nàng lại chậm chạp vuốt phần thân cây khô lần nữa.
                  Thụy An chợt nhói đau, nàng kêu khẽ!
                  Sơn giật mình hỏi:
                  “Em sao thế?”
                  Nàng đưa ngón tay lên nhìn. Đầu ngón tay giữa có lẽ bị gỗ ở thân cây móc vào nên sướt chảy máu. Để ngón tay vào miệng, nàng mút cho chặt để hút phần máu ri rỉ. Thụy An lắc đầu ra hiệu không sao.
                  “Bà có sao không?” ông Harry ân cần hỏi Thụy An.
                  “Không ăn thua gì. Tôi vô ý quá”
                  “Em đụng vào đâu mà chẩy máu tay thế? Phải cẩn thận”
                  Ở phần giữa thân cây còn lại một vết đỏ sậm nhỏ xíu. Ông Harry nhìn xuống và chắt lưỡi. Có lẽ ông ta hối hận đã cho Thụy An đụng vào cây bon-sai quý.
                   “Ông để cho chúng tôi chậu bon-sai này nhé?” Thụy An buột miệng hỏi.
                  Sơn đã kỳ kèo mãi từ mấy lần  trước nhưng ông ta từ chối không bán. Lần này ông Harry cũng lắc đầu:
                  “Những cây nào khác ở đây có thể để cho ông bà được, nhưng riêng cây này thì không. Hiếm khi nào mới gặp được như thế. Có duyên thì gặp.”
                  Thụy An đứng dậy, nàng loạng choạng suýt ngã. Sơn phải đỡ tay nàng.
                  “Trong vườn tôi có nhiều cây bon-sai đẹp lắm. Ngay như  cây bon-sai kia. Đó là một tác phẩm nghệ thuật! Tôi đặt cho nó là “Hoang Sơ”. Kiểu này thuần túy là Nhật Bản. Đây là loại Tùng Nhật. Cây đã hơn 400 năm. Thoạt tiên chỉ có một cây, rồi tôi chiết và ghép vào thành một rừng Tùng. Đây là một cánh rừng nguyên sơ trên một đĩa hình hơi dốc. Nhìn vào thấy sự bình an trong cái hoang dã. Cái đẹp ở chỗ “tứ diện”. Ông bà nhìn phía nào cũng thấy nó đẹp cả, nhìn trước, sau, ngang, dọc, đều đẹp. Cây bon-sai này quý lắm, nhưng nếu ông bà thích thì tôi sẽ để lại vì biết là cây sẽ thuộc về người sành sỏi và yêu nó”
                  Sơn đã mua tác phẩm “Hoang Sơ mặc dù vẫn tiếc cây bon-sai “T  Sinh”.
                  Nửa năm sau, ông Harry gọi điện thoại cho Sơn. Ông ta bằng lòng bán cây bon-sai “T Sinh”. Mang cây về nhà, Sơn khoe với Thụy An:
                  “Không ai có một cây bon-sai như thế này. Ông ta bán với điều kiện thỉnh thoảng phải để ông ta đến thăm cái cây một lần. Có ăn thua gì đâu, đến nhiều hơn cũng được vì nhiều khi ông ta lại chỉ cách cho mình dưỡng nó, phải không em?”
                  “Anh mua đắt không?”
                  “Chỉ hơn chậu “Hoang Sơ một chút”
                  “Sao kỳ vậy? Em tưởng ông ta phải đòi giá cao lắm mới phải chứ?”
                  Sơn nhìn vợ tủm tỉm cười:
                  “Chắc mình có duyên!”
                  Khi Sơn đặt chậu bon-sai “T Sinh” cạnh chậu bon-sai “Rng Thưa”, Thụy An ngồi trong nhà nhìn ra ngắm vì dạo này đầu gối nàng đau lên, không muốn đi lại nhiều.
                  Đến cả tuần lễ sau nàng mới ra vườn. Thụy An kê một cái ghế nhỏ gần dãy bon-sai, ngồi lặng yên. Nàng có cảm giác có thể bầu bạn với tất cả những cây cối trong vườn. Trong cái yên lặng giữa cây và người dường như có một cảm thông. Những đối thoại trong im lặng đó làm Thụy An thấy lòng nhẹ hẳn.
                  Ngồi ngắm cây bon-sai “mới” giữa bao nhiêu cây cảnh khác, nàng có cảm tưởng cây bon-sai Tử Sinh là một người khách lạ. Nó vẫn chưa thuộc về nàng, phải cần thời gian. Mình phải làm quen với nó mới được, nàng nhủ lòng như vậy. Thụy An lại gần hơn, cúi người xuống không chỉ để nhìn cho rõ hơn nhưng như một sự cận kề làm quen. Nàng chưa muốn bảo với nó về “mối liên hệ mới mẻ” giữa vợ chồng nàng và “nó”.
                  Nhưng rồi nàng chợt nhìn thấy có điều khác lạ ở cây bon-sai “Tử Sinh” mới mua về. Nàng nhớ cả thân cây uốn khúc hình chữ S không có một ngọn lá, chỉ ở trên quá phần giữa thân cây mới có trồi ra cành và lá. Cành lá đó rủ xuống một bên bềnh bồng như những đám mây lơ lửng. Thụy An lại nhìn kỹ hơn Ở đoạn thân kế tiếp đi ngược lên trên chừng 2, 3 cm, một nhánh cây nhỏ còn non bé tí teo, đâm ra ở một chiều đối nghịch với nhánh cây bên dưới. Lơ thơ  vài chùm lá có màu xanh hơi bạc. Màu lá non khác hẳn những chùm lá khác. Lạ nhỉ?
                  Từ hôm ấy, Thùy An tự dưng thích cây bon sai “Tử Sinh” hơn những cây khác trong vườn. Nàng ngồi đó, cạnh cây, yên lặng nhưng trong đầu Thuỳ An nói lên trong âm thầm biết bao nhiêu điều mà không hề thố lộ với ai. Trong cái tịch mịch của vườn cảnh, thỉnh thoảng những tiếng rúc rích của côn trùng, tiếng chim kêu lấp ló, nàng thấy được những điều mà vào những năm trước chộn rộn với công việc, quay cuồng với đời sống và lo toan, Thuỵ An không thấy. Ngồi cạnh cây bon sai “Tử Sinh”, nàng có cảm tưởng mình có thể thu nhỏ lại, nhỏ tí tẹo để ngồi dưới gốc cây Tử Sinh rồi trèo lên thân cây vòng vèo của nó, áp mình vào những tàn lá xanh nhỏ li ti ấy cùng hít thở một đời sống mới đầy kiêu hãnh vì cũng như nó, nàng đã vươn lên cao, vượt trên nỗi đau của mình.
                  Phần Sơn vẫn mê man đi tìm những hiếm quý khác nữa và chỉ nhớ đến cây “Tử Sinh” mỗi khi có bạn quý hay khách xa đến chơi để chàng có dịp giới thiệu về nguồn gốc của nó.
                   
                  Lần này là lần thứ ba mà ông Harry T. đến thăm cây “Tử Sinh”. Tự dưng nàng muốn ra vườn nói chuyện bâng quơ với ông ta.
                  Nhìn ông ta cúi sát đầu vào cây “Tử Sinh”, nàng bắt chuyện:
                  “Ông có thấy gì khác biệt không?”
                  Ông Harry giật mình nhìn lên. Nắng chiếu vào gương mặt sạm nắng. Đôi mắt của ông ta gần như nhắm hẳn lại.
                  “Bà có để ý phải không?”
                  Thụy An hơi thắc mắc  nên chưa trả lời vội chỉ cười. Ông ta nói ngay:
                  “Vì vậy tôi mới bán cho ông bà”
                  Nàng tỏ ý không hiểu.
                  Ông Harry trỏ vào cây bon-sai:
                  “Bà có thấy nó mọc cành mới không?”
                  “Có, tôi có thấy. Lạ quá! Tôi nhớ ông kể là ông tìm đủ cách để chiết hay ghép mà không được”
                  “Bà có để ý cành non mọc ở chỗ nào không?”
                  “Khoảng giữa thân cây”
                  “Bà không thấy à? Nó mọc ra nhành mới ở ngay chỗ bà bị cào sướt tay. Từ vết máu khô của bà bám trên thân cây. Từ phần đã chết của nó, từ cái phần già nua cắn cỗi nhất lại sinh ra sự sống mới. Máu của bà, sự sống của bà đã làm nó hồi sinh. Bon-sai là một nghệ thuật do con người tạo nên. Con người gọi đó là nghệ thuật. Tạo ra nghệ thuật, tôi tưởng mình sống với nó, nhưng tôi nhầm! Tôi sống với nó nhưng nó không sống với tôi! Tôi yêu những điều mình làm ra, nhưng yêu không chưa đủ. Đó chỉ là thứ nghệ thuật một chiều! Còn bà? Sự đụng chạm của bà, vết thương của bà ... Tôi không biết gọi đó là gì .. Một giao cảm giữa người và cây. Bà đã cho nó sự sống. Bà là người ơn của nó. Tôi phải bán cho ông bà là vì vậy. Trở lại đây nhiều lần, tôi chỉ muốn xem nhành cây mới này phát triển đến đâu. Xem những điều suy nghĩ của tôi đúng hay sai, hay vẫn chỉ là những hoang tưởng?”
                  Thụy An ngẩn người ra. Nàng cúi thấp xuống nhìn cây “Tử  Sinh”. Những điều ông Harry vừa nói có phải là những hoang tưởng? Hay chỉ là một sự trùng hợp? Nàng chỉ biết mình thích cây Tử Sinh hơn những cây khác trong vườn, và nhánh cây non mới mọc ấy đã trở thành một trung tâm điểm của sự chú ý.
                  “Có thêm lá non mới nữa đây này! Nó còn sống thêm hàng vài trăm năm hay vài ngàn năm nữa, nhưng cũng có thể ..” Ông ta bỏ lửng câu nói chừng vài chục giây đồng hồ rồi lại bàn tiếp “Giữa muôn ngàn chộn rộn trong vườn mà nó vẫn phát triển tốt. Tôi cứ nghĩ phải tạo môi trường sống cho nó, mà không phải vậy. Tất cả những thứ do con người tạo nên, cột nó vào đều sai cả. Bà đúng là có duyên với nó!”
                  Nói đến đó, mặt ông ta buồn thiu, vừa tiếc vừa ngẩn ngơ. Có lẽ nếu Thụy An không đến, không đụng vào cây bon-sai Tử Sinh thì ngày hôm nay nó vẫn có mặt trong khu vườn của ông, nó vẫn thuộc về ông! Nghĩ đến đó, ông Harry T, chợt nhận ra ông vẫn quanh quẩn trong cái vòng mà ông dựng lên và gọi là nghệ thuật! Bây giờ ông mới thấy mình thua đậm! Cái tự nhiên bộc phát mới chính là nghệ thuật. Những gán ghép dưới bàn tay tài hoa của ông dù khéo léo đến đâu vẫn chỉ có nửa vòng nghệ thuật. Một nửa còn lại trống toang hoác nên mới sổng mất!!!
                  Ông nói với Thụy An:
                  “Tôi không có lý do gì để đến đây nữa. Cám ơn bà rất nhiều trong thời gian qua. Cái duyên tự nó đến, muốn cũng chẳng được. Thôi, tôi xin phép bà. Bà là một người may mắn”
                  Thuỵ An không biết nói gì hơn, nhưng nàng thấy được nỗi tuyệt vọng đang đong đưa cùng với nỗi buồn trên gương mặt ông Harry, trên đôi vai suông đuột đầy vẻ chịu đựng. Nhưng nàng cũng phải nói một cái gì trong lúc này.
                  “Ông cứ ghé thăm cây Tử Sinh .. bất cứ lúc nào ông muốn. Không có ông thì tôi cũng không có nó trong vườn được.”
                  Ông Harry cúi thấp đầu chào Thụy An:
                  “Không những bà là người may mắn mà còn đôn hậu rộng rãi.. Chẳng bù cho tôi!! Nhưng đủ rồi thưa bà. Cái duyên giữa tôi và nó đã hết. Không nên gượng gạo ép buộc làm chi. Cám ơn ông bà.”
                  Ông Harry lầm lũi mở cửa bên hông nhà ra ngoài. Ông muốn ở lại với cây Tử Sinh lâu hơn một chút nữa vì biết đây là lần cuối, và cũng thừa biết rằng chủ nhà không phản đối, nhưng như một người đã bị tước đoạt mất tình yêu, càng cận kề càng thấy đau hơn. 
                  Nàng nhìn ông ta quay đi, men theo cửa bên hông ra lối trước. Thụy An nhìn xuống cây bon-sai Tử Sinh rồi lại nhớ đến những lời nói của ông ta. Ông Harry quả là một người hết lòng yêu.. cây!
                  Thuỵ An vào trong nhà. Nàng đưa tay gài cửa. Chắc chắn nàng sẽ không để Sơn chặt hết những cây trái hay hoa khác trong vườn. Nàng không muốn có nguyên một khoảng vườn chỉ toàn màu xanh của những cây bon-sai. Phải có này, có khác, như cuộc đời vậy.
                  Ngồi trước bàn thờ, Thụy An lần chuỗi đọc kinh nguyện trong ngày. Lúc này mới là tuyệt đỉnh của an bình, hạnh phúc và sự toàn mỹ. Những điều mà ông Harry T. nói nãy giờ đã rơi rụng bên ngoài như những trăn trở suy ngẫm do chính ông ta bày ra và đi tìm câu trả lời. Sẽ không bao giờ có câu trả lời như ý ông ta muốn cả, nàng biết chắc như vậy. Tự dưng nàng thấy tội nghiệp cho người được tôn thờ là bậc “sư” của ngành chơi cây cảnh bon-sai! Sự đau khổ do chính ông ta tạo nên đó sẽ đeo đẳng ông ta cho đến hết cuộc đời. Trừ phi..
                  Thuỵ An mỉm cười, lắc đầu! Nàng phải lần chuỗi lại từ đầu!! Không dưng bị chia lòng chia trí vì những chuyện không đâu!!
                   
                  *
                   
                  Khi những chùm lá mới ở cây Tử Sinh mọc ra nhiều hơn dù rất chậm cũng là lúc đôi chân Thụy An đã hoàn toàn bình phục. Nàng chăm sóc vườn cảnh nhiều hơn và vẫn bầu bạn với cây, với hoa. Sự sống mới không làm nàng thay đổi, chỉ bền vững hơn trong niềm tin của mình
                   
                   Mc Bích
                   
                   
                   
                   
                  #24
                    frank 17.02.2014 07:16:40 (permalink)
                    Mt Cõi Riêng

                    Mc Bích

                    Bốn ô kính vuông vức trên khung cửa sổ chia đều cảnh vật bên ngoài bằng những lằn ranh tuy nhỏ nhưng vẫn làm vướng bận tầm mắt. Từ bàn viết sát cửa sổ, Kiền có thể nhìn thấy từng hạt bụi vương trên làn kính trong vắt được chàng lau chùi mỗi ngày để có thể nhìn ra ngoài thật rõ. Một nhánh cây xanh biếc sà xuống vắt ngang ở khoảng trên của ô cửa sổ. Rêu bám quanh thân cành nhuộm một màu xanh rì, sậm hơn màu lá. Ngoài kia, trước mặt, chung quanh chỉ có một màu xanh. Ánh nắng không mấy chi thong dong tràn đến, chỉ len lỏi luồn lách qua những kẽ hở, nhạt, yếu ớt và tan biến trong từng khoảng chen chúc xanh ngắt của rừng.
                    Ngày nào cũng như ngày nấy, trong không gian im sững, ngồi ở cùng một vị trí, nhìn ra ở cùng một góc cạnh, Kiền tưởng đâu thời gian đã đọng lại ở đây, trái đất đã ngừng quay, và biết đâu chàng đã trở nên bất tử? Phải cám ơn Biên, người bạn tốt, đã cho Kiền mượn căn cabin này vô thời hạn. Nhớ đến Biên, lại nhớ đến những giới hạn của con người và căn bệnh đang đeo theo Biên.
                    Chỉ có thế mà Kiền không viết được nữa. Ly cà phê trên bàn còn quá nửa. Chàng đứng dậy, đẩy ghế, với chiếc áo jacket treo gần đó, Kiền mở cửa ra ngoài. Mùi ẩm ướt của đất, của núi rừng và cái màu xanh lồng lộng quanh Kiền chụp lấy chàng như muốn nuốt chửng. Những bục gỗ ẩm ở cửa cabin oằn mình thảng thốt kêu theo từng bước chân của Kiền.
                    Bỏ chùm chìa khóa vào túi áo, chàng vòng ra sau, đi về phía hồ. Hồ tên gì không biết nữa. Triền dốc thoai thoải, trơn vì ngập lá thông. Nếu chỉ cắm đầu xuống đếm bước chân sẽ chỉ thấy mầu nâu của đất, của lá thông khô, lác đác nhữõng bụi dương sỉ mà đài lá vươn từng sải tay, rải rác vài đám phân của thú rừng. Ngửa mặt lên hay nhìn thẳng, tầm mắt đụng lớp lớp xanh như ngọc. Có những chỗ dầy quá Kiền phải lấy tay đun ra, lách người. Sự thân cận với thiên nhiên không chỉ ở những cọ sát, va chạm, mà còn hít thở. Chàng như bơi trong những chen chúc của cây cỏ. Kiền chìm trong cánh rừng.
                    Càng gần mặt hồ cây lá càng thưa. Kiền thở nhẹ nhàng hơn dù phải đi bộ cả nửa giờ. Trước mặt chàng, lẫn trong những thân cây, lấp lánh ánh nước của một mặt hồ không rộng lắm. Rừng núi nhả Kiền ra, thả chàng trước mặt hồ.
                    Cảm giác thoáng, rộng, thấy mây, thấy nước.. và thấy.. cả người! Kiền có thể phân biệt được ngay đó là một phụ nữ vì mái tóc đen xõa dài bay trong gió. Những bước chân càng gần càng định rõ người đó. Bộ đồ thể thao bó chẽn trắng ngà vòng vèo lượn khúc và dứt ở những điểm cần dứt. Cô gái đang câu cá! Kiền chợt dừng chân. Có lẽ vì thấy cô gái đang vươn tay quay cần. Con cá chắc không nhỏ? Chàng nín thở đợi chờ.
                    Chiếc cần câu cong lên. Kiền có thể tưởng tượng được sự hào hứng đang dâng cao trong quả tim và trong lồng ngực phập phồng của cô ta. Khỏi mặt nước, một chú cá trắng bạc đang quẫy mạnh, nước bắn tung. Kiền biết mình đang cười. Chàng muốn chia sẻ với cô ta sự vui thích đó. Nhưng kìa! Con cá xổng khỏi sợi dây cước, rơi tọt xuống hồ! Nước cũng bắn tung tóe, như một cuốn phim quay ngược.
                    Cô gái giơ một tay lên trời, tay cầm cần câu đập xuống mặt hồ. Kiền nghe loáng thoáng tiếng cô ta kêu lên: “Mất tiêu rồi! Shit!” Nụ cười chưa kịp tắt trên môi Kiền lại được dịp nở rộng. Giữa chốn hoang vu của vùng Bắc Mỹ, nghe vài chữ Việt, mái tóc Đông Phương, quả là sự lạ lùng!
                    Như có linh tính, cô gái quay phắt lại. Nét mặt còn cau có, cô ta nhìn Kiền trừng trừng, làm như mọi chuyện không may vừa xảy ra là do lỗi Kiền, hay chính vì sự hiện diện của chàng. Dĩ nhiên muốn cười nữa, nhưng chàng phải tự chế mím môi nhìn trả lại.
                    Ở khoảng cách không gần lắm nhưng cũng không xa, Kiền có thể đoán cô ta chừng ba mươi mấy. Không đẹp! Dữ. Khuôn mặt xương xương. Đôi môi đang mím lại. Mắt quắc lên trong điệu bộ cong cớn giận dữ. Cái nhìn của cô ta mới hỗn làm sao! Kiền thích nhìn đàn bà trong những lúc như thế. Lúc đó họ mới lộ hết bản sắc.
                    Kiền tiến đến gần hơn, chàng định nói một cái gì rồi thôi, nhưng vẻ mặt chàng khi đó không dấu được sự thích thú lẫn chế diễu. Cô ta chừng như cũng định nói gì rồi đổi ý quay ngoắt đi.
                    - Này cô! Kiền buột miệng gọi.
                    Cô ta dừng chân nhưng không quay lại.
                    - Đâu phải lỗi tại tôi?
                    Quay hẳn người lại, cô ta nhìn Kiền, đôi mắt dịu hơn khi nhận ra đó là một người đồng hương, nhưng giọng vẫn gay gắt:
                    - Ơ lạ chưa! Tôi có bảo tại ông đâu?
                    Kiền lại cười:
                    - Trông như có vẻ cô đổ tại tôi mà vuột mất con cá! –Kiền lại tiến đến gần hơn tỏ ý làm quen.
                    Cô ta hơi nhếch miệng cười, lộ chiếc răng khểnh và hàm răng thật trắng:
                    - Chẳng phải tại ai cả!
                    Chỉ là một nửa nụ cười nhưng làm cô ta duyên dáng hẳn lên dù không đẹp. Kiền bắt chuyện tiếp:
                    - Cô thường hay câu cá ở đây không?
                    - Lần đầu tiên. Tôi không ở đây.
                    - Tôi chẳng thấy ai quanh đây bao giờ.
                    Cô ta không nói gì. Kiền tự giới thiệu:
                    - Tôi là Kiền, hân hạnh được nói chuyện với cô...
                    - Yên. Yên chứ không phải Yến.
                    Tên lạ, người cũng lạ! Kiền nghĩ thế và càng chú ý.
                    - Ông ở đây lâu chưa? Mà chỗ nào vậy? Đâu có thấy nhà cửa gì đâu?
                    Kiền chỉ phía sau lưng:
                    - Trên đó. Đứng đây không thấy được. Còn cô?
                    - Ngược lại.
                    Kiền tỏ ý không hiểu.
                    Cô ta chỉ trước mặt, bên kia hồ:
                    - Lên khỏi ngọn đồi thấp đó, đi xuống chút xíu là nhà ba má tôi. Bây giờ chẳng còn ai ở đó.
                    Kiền nhìn cô ta, chờ đợi một lời giải thích rõ hơn. Cô ta kể tiếp:
                    - Mùa hè, gia đình tôi về đây chơi mấy ngày. Trên này mát.
                    - Câu cá cũng có cái thú. Cô câu tiếp đi. Biết đâu lại được con cá lớn hơn con vừa rồi.
                    Yên lắc đầu:
                    - Câu hụt bực lắm! Vả lại nắng lên cao, khó câu! Câu đêm là tốt nhất hay sáng sớm. Không câu nữa! Thôi chào ông.- Giọng vẫn còn bực dọc.
                    Cô ta thu dây, cầm cần câu, xách chiếc thùng nhỏ có lẽ có vài con cá trong đó rồi bỏ đi. Kiền nhìn theo thân hình rất cân đối và nẩy nở của.. Yên.
                    Nàng đi vòng theo bờ hồ sang phía bên kia. Cái đốm trắng cứ xa dần, lên ngọn đồi thưa cây, nhỏ dần rồi mất hút về phía bên kia sau đường vòng của đồi.
                    Nắng tuy đã lên cao nhưng dịu và loãng quanh Kiền. Những cơn gió thổi vụt qua mặt hồ, gợn lăn tăn làm những hình ảnh chao đi, rung động đẩy nước vào ven bờ. Đó là những xôn xao duy nhất lúc này. Vẫn đứng yên ở một chỗ, nhìn về hướng cô gái đi khuất, tự dưng Kiền thấy như vuột mất một cái gì, không thuộc về mình. Ở chốn hoang vu này cả mấy tuần lễ, Kiền yên ổn trong lẻ loi và cô độc. Thiên nhiên không mảy may đánh động trong chàng tí lửa nào. Bỗng dưng chỉ vì sự có mặt bất ngờ rồi biến nhanh của cô ta, của Yên, lại làm Kiền bâng khuâng. Có đôi chút ấm áp phải nghĩ đến và hình như muốn quấy rầy chàng! Ngay chính khoảng không gian thoáng mát này và những ngọn gió xô dạt đẩy đưa tứ phía như muốn bốc hết lớp tro nguội lạnh và thổi lên vài đốm lửa nhen nhúm. Lạ thật?
                    Chàng trở lại đường cũ. Lặn vào rừng, về với căn chòi gỗ và đống giấy mực đang chờ đợi. Có lẽ thế giới của Kiền là ở đó.


                    **

                    Kiền viết cho đến khi mỏi rời tay mới ngừng. Chàng có thói quen viết với bút, trên giấy, không muốn dùng máy điện toán. Sự thân cận tròn trịa của cây bút, sự chà xát của bàn tay trên giấy cho một cảm giác mình làm chủ ngòi bút và thực sự là đang viết, không phải gõ trên máy.
                    Chàng ngửa người ra sau, đọc lại. Kiền giật mình! Chàng đang mô tả một nhân vật mới trong truyện giống hệt như... Yên, một con người có thật ngoài đời, vừa mới gặp gỡ, chưa biết gì về cô ta. Nhưng trên mặt giấy, những con chữ nối đuôi nhau tạo nên một thiếu nữ mà Kiền “biết” rất rõ. Cái “biết” dưới ngòi bút đã phà những hởi thở, làm nên da thịt, hình hài với đủ mọi vẻ rất thật. Thật đến nỗi làm Kiền rung động ngất ngư. Chàng không còn một mình trong cabin gỗ lạnh lẽo. Những cảm giác đua nhau ùa tới làm Kiền thoạt tiên ngạc nhiên rồi thích thú. Chàng đọc đi đọc lại những điều mình viết, thấy được người con gái ban sáng rõ hơn cả sáng nay. Cảm giác vuột mất không còn nữa mà thay vào đó đầy ắp những “sự thật trong tưởng tượng”, rung động trong từng giây phút, trên từng trang giấy. Ngay cả tên, Kiền cũng không sửa đổi. Yên! Tên gì lạ thế!
                    Buông bút, Kiền vẫn miên man nhớ đến nhân vật mới này của mình. Đúng là của chàng. Kiền đã cho mái tóc mây thật đen của Yên xõa nghiêng một bên, mượt mà chẩy êm đềm trên bờ ngực căng. Vài sợi tóc lòa xòa trên gò má hơi cao nhưng áp vào thấy mịn. Chàng muốn tìm những sợi tóc con ở sau gáy Yên, ở phần rất ấm, êm và chất chứa mùi thơm da thịt nồng nàn. Môi dưới của nàng phải mọng hơn, trễ xuống một chút để khi cau có bặm môi, làn môi càng đỏ hồng. Đôi mắt nhỏ, dài một mí nhưng tình tứ khi nàng cười, đuôi mắt díu lại thành những vệt dài. Kiền thích vẻ cong cớn láo xược ở Yên hơn. Chính sự thách đố đó kích thích lòng ham muốn và gợi nhiều tò mò ở Kiền. Chàng áp mặt vào gương mặt Yên, nhìn soi suốt vào đôi mắt rực sáng không hiền dịu chút nào, nuốt trọn trong ánh mắt mình, cậy đôi bờ môi đang mím lại, vờn trên đó những mơn trớn đễ đầu lưỡi chàng đụng vào chiếc răng khểnh kiêu hãnh kia. Ấn người nàng xuống như kiềm chế, không để sự phẫn nộ kia bùng ra. Con thú dữ là Yên quẫy mạnh như con cá trắng bạc trên hồ sáng nay rồi cũng phải rơi tụt chìm trong Kiền.
                    Ngoài kia, đêm đã phai mầu dần, chuyển sang mầu xám rồi nhạt nhòa trăng trắng của một ngày mới không nắng. Chưa bao giờ viết suốt đêm nhưng Kiền không thấy mệt mỏi. Chàng có cảm giác như mình đã sống rất lâu, rất nhiều trong đêm qua. Không phải chỉ hít thở, trái tim đập trong lồng ngực, mà toàn thân Kiền đã sống nhiệt thành với ngòi bút của mình, sống nhiều hơn lúc buông bút, ngọ nguậy trong đời thường làm một con người... bình thường.
                    Trước gương, râu ria đầy mặt, hai tròng mắt đục như trời ngoài kia nhưng đầu óc Kiền tỉnh táo, tim chàng rộn rã. Kiền lại muốn xuống hồ để tìm xem phải là cơ duyên nào đó để gặp lại Yên, xem những điều mộng hay thực, điều nào thú vị hơn?
                    Mặt hồ hôm nay có màu xám như tấm gương xỉn. Trời lặng yên không gió như một bức tranh chết. Vài con chim bay vụït ngang mặt hồ, tiếng vỗ cánh nghe rõ. Kiền tìm một mỏm cây đổ ngồi xuống chờ đợi, chờ đợi sự gặïp gỡ lần thứ nhì. Mắt chàng thu gọn mọi hình ảnh quanh mình. Chàng mong thấy lại đốm trắng bên kia đồi.
                    Kiền ngồi như thế rất lâu đến khi mặt hồ sáng hơn mà vẫn không thấy Yên. Có thể ngày mai, ngày sau đó Kiền sẽ gặp lại cô ta. Định quay trở về nhưng Kiền đổi ý. Chàng lần theo ven hồ, đi bộ lên đồi phía bên kia. Ngọn đồi thấp, ít cây. Chỉ chừng 15 phút Kiều đã lên đến đỉnh đồi. Nhìn xuống thung lũng, lác đác vài căn nhà. Bên này, bên kia khác hẳn. Những đường lượn vòng của thung lũng, những nóc nhà với kiểu cách quen thuộc cho một cảm giác bình thản và tầm thường. Kiền tự hỏi: “Mình đi tìm một sự bình thường sao đây?”. Chắc chắn là không. Kiền đứng nhìn xuống thung lũng không lâu rồi quay trở lại đường cũ. Yếu tố tình cờ vẫn là điểm lôi cuốn và hấp dẫn hơn nhiều.
                    Đi ngang hồ chợt Kiền dừng chân. Một con chim đang nằm ngửa trên đất. Hai chân nhỏ xíu đang dẫy dẫy trên chiếc bụng trắng hếu. Con chim cứ xoay tròn trên đất. Kiền cúi xuống khều nhẹ rồi khẽ đưa tay nâng cánh chim lật úp người nó lại. Con chim lạch bạch đi dăm bước rồi bay bổng. Nó tình cờ gặp Kiền nên mới bay trở lại trời, không gặp Kiền nó sẽ dẫy dẫy như thế cho đến khi đói khát và chết khô. Tình cờ! Có lúc tình cờ Kiền sẽ gặp lại cô ta hay sẽ không bao giờ cả?
                    Yên về với thế giới của cô ta, Kiền cũng vậy.

                    * *

                    Hai ba ngày sau đó, trời đổ mưa luôn mãi. Ô cửa sổ Kiền hay ngồi viết và ngắm trời đất bên ngoài mờ mịt và sũng nước. Những tiếng động duy nhất là tiếng mưa, tiếng mưa tạt vào vách gỗ, trên mái, gõ vào cửa kính, xào xạc cây lá bên ngoài. Nước, nước, nhìn đâu cũng chỉ thấy nước!
                    Trong trời đất buồn thảm như thế, Kiền vẫn gặp Yên, yêu Yên trong ngòi bút miệt mài. Mái tóc Yên ướt đẫm trong mưa, dưới tàn lá không đủ che. Áo nàng dán sát vào da thịt, hằn lên những mảng da gợi tình. Kiền lùa tay sau làn vải, di động những ngón tay trên đường trũng của lưng nàng, dọc theo chiều dài thon và ngừng lại ở điểm nối xuống bờ hông nở nang. Nước mưa cũng tuôn theo. Kiền hớp những giọt nước mưa trên má nàng, riềm mi đang khép. Nước mưa mới ngọt làm sao! Người chàng căng cứng khi áp sát người vào Yên...
                    Chưa bao giờ Kiền viết nhiều và nhanh như thế. Chàng không chỉ viết, chàng sống với Yên suốt mấy ngày trời mưa.
                    Đến ngày thứ tư, cơn mưa dứt. Nắng lại lên. Kiền mở cửa ra ngoài đi xuống hồ, tìm một sự tình cờ.
                    Đường dốc đất ẩm, nhiều chỗ thành bùn. Đôi giầy ủng của Kiền lem luốc. Nếu gặp Yên, chàng sẽ nói gì hay chỉ để sự tình cờ chế ngự?
                    Và Kiền gặp lại nàng thật, như một sự tình cờ nhiều ước muốn.
                    Yên không mặc áo trắng mà mặc áo đen, cũng sát vào người. Trông nàng khỏe và mạnh mẽ hơn là Yên trong những trang giấy của Kiền.
                    Kiền đến gần thật nhanh như chỉ sợ cô ta sẽ biến mất.
                    - Chào cô Yên!
                    Đang ngồi bên hồ, Yên quay lại, cười:
                    - Chào ông.. Kiền!
                    - Mấy bữa nay mưa quá!
                    Cô ta cười không đáp. 
                    Không thấy cần câu, Kiền hỏi:
                    - Hôm nay cô không câu cá nữa ư?
                    - Trời mưa, cá trốn hết rồi!
                    Kiền đùa:
                    - Nó sợ cô đấy!
                    - Cá nào mà sợ tôi..
                    - Chỉ có người..
                    Yên cười thật to:
                    - Người nào? Ở đây chỉ có tôi và ông.
                    Kiền cũng cười. Hình như chàng thấy thoải mái hơn.
                    Cô ta chợt hỏi:
                    - Ông ở đây lâu chưa?
                    - Chừng vài tuần lễ.
                    - Vậy à? –Giọng nàng có vẻ ngạc nhiên.- Tôi tưởng ông ở đây? Ông đến chơi thôi ư?
                    - Cũng không phải là chơi. Tôi lên đây để làm việc.
                    Nàng có vẻ ngạc nhiên:
                    - Ở đây thì làm gì được? Ông làm công việc gì?
                    Kiền lại cười:
                    - Cô nói cũng đúng đấy. Nhưng việc của tôi, nếu có thể gọi đó là công việc, cần sự yên tĩnh.
                    Yên tò mò nhìn Kiền chờ đợi một sự giải thích rõ ràng hơn.
                    - Tôi viết.
                    Nàng nói với vẻ thích thú không dấu giếm:
                    - Ông là nhà văn?
                    Kiền gật đầu không biết phải nói như thế nào.
                    - Ông sẽ ở đây bao lâu? –Không đợi Kiền trả lời, Yên nói luôn- Cho đến khi nào hoàn tất phải không?
                    Chàng nhún vai, tay vẫn thọc trong túi quần:
                    - Tôi cũng không biết nữa. Có thể như thế mà cũng có thể không.
                    - Ông có nhà ở đây?
                    - Không! Bạn tôi cho mượn chỗ.
                    - Ở trên phía rừng trên kia phải không?
                    Có lẽ những đối thoại nãy giờ làm mọi sự có vẻ thân mật hơn. Không biết nghĩ sao, Kiền ngỏ lời:
                    - Mời cô ghé lên coi cho biết cái chòi gỗ.
                    Cái “mác” nhà văn lại ở trong rừng rú thế này có lẽ gợi sự hiếu kỳ nơi Yên nên nàng gật đầu:
                    - Hôm nay cũng không bận gì, vả lại tôi không còn ở đây lâu nữa.
                    Kiền thấy chới với. Chàng không muốn nghĩ đến thời gian khi ở đây. Vậy mà câu nói vừa rồi của Yên lại nhắc nhở.
                    Yên đi theo Kiền lên dốc. Hai người giữ một khoảng cách. Thỉnh thoảng chàng quay lại hỏi:
                    - Cô mệt không?
                    Nàng lắc đầu, mặt đỏ lên vì leo dốc:
                    - Không sao!
                    - Sắp tới rồi. Bên này leo dốc mệt hơn bên kia.
                    Nàng có vẻ ngạc nhiên:
                    - Ông cũng sang phía bên kia rồi sao?
                    Kiền hơi ngượng khỏa lấp, sợ nàng đọc được ý nghĩ mình:
                    - Tôi đi lung tung các chỗ.
                    Nhiều quãng cây lá bít bùng, Kiền đi trước vạt lá, dọn đường cho nàng.
                    Lên đến nơi, hai người dừng chân nghỉ. Kiền giơ tay chỉ cabin, không nói.
                    - Chỗ này ở thích quá! Nhiều cây. Có con gì không?
                    - Chắc có, nhưng tôi không để ý. Chắc thể nào cũng có nai. Những đám phân tròn tròn nhỏ xíu dọc đường là của nai đấy.
                    - Ông có đi săn không?
                    - Không! Săn thú có gì thích đâu nhỉ?
                    Yên không nói gì. Kiền mở cửa mời nàng vào nhà.
                    - Bề bộn lắm! Cô đừng để ý nhé. Cô uống cà phê không? Ở đây tôi chỉ có cà phê và nước lạnh.
                    - Cà phê, một chút thôi. Không đường.
                    Kiền đi pha cà phê. Chàng rửa hai cái ly. May mà có 2 cái.
                    Yên nhìn quanh căn chòi gỗ. Chỉ có một phòng duy nhất và một góc khuất chắc để bếp và buồng tắm. Trong phòng có một giường nhỏ. Chiếc bàn kê sát cửa sổ cũng nhỏ, đầy giấy tờ trên đó. Chắc là chỗ ông ta viết? Duy nhất có một cái ghế nơi bàn viết. Yên tránh không nhìn vào giường ngủ.
                    Kiền đang pha cà phê, không quay lại, nói:
                    - Mời cô ngồi chơi. Xin lỗi có mỗi một cái ghế. –Vừa nói xong Kiền giật thót mình! Bản thảo chàng còn để đầy trên bàn! Chàng liếc nhìn. Nàng đã ngồi xuống ghế và dĩ nhiên mắt đang nhìn đống bản thảo trên bàn.
                    Yên hỏi vọng vào:
                    - Tôi đọc được không?
                    Chẳng lẽ không? Kiền nghĩ thầm. Mọi sự đều là tình cờ cả.
                    - Cô cứ đọc.
                    Khi Kiền mang hai ly cà phê ra, Yên vẫn đang đọc bản thảo của chàng. Kiền để ly cà phê trên bàn:
                    - Mời cô. -Giọng chàng tỉnh như không. Không tỉnh thì làm gì?
                    Yên cầm ly cà phê nhưng không ngửng đầu lên nhìn Kiền. Nàng đang cắm cúi đọc.
                    Chưa bao giờ Kiền thấy căng thẳng như vậy. Sự yên lặng trong một không gian chật hẹp như dò xét và chờ đợi một điều gì đó sẽ xảy ra. Một cơn giận dữ khác của Yên mà Kiền sẽ chứng kiến hay.. Ngay lúc này Kiền thèm hút một điếu thuốc, châm cho hết nỗi chờ đợi, và đốt ấm lên mọi ước muốn đang chực chờ vỡ bùng ra.
                    Người con gái ngồi đó, mái tóc xõa một bên! Yên của chàng! Yên vừa bước ra khỏi những trang giấy! Không nói cười buông thả như chàng đã thấy trong mấy ngày qua, như dưới ngòi bút của Kiền. Nàng ngồi yên như một bức tượng, đầu cúi xuống, đọc!
                    Vẫn yên lặng! Kiền chỉ nghe thấy tiếng thở của mình, tiếng đập của tim khá nhanh trong tiếng nàng lật trang giấy. Yên vẫn là cục nam châm. Hình dáng đó đang như muốn lôi kéo chàng đến gần nàng, ôm lấy bờ vai, úp mặt vào suối tóc và thả hết những chất chứa muốn điên người.
                    Yên đọc đến những đoạn không muốn đọc nhưng mắt nàng không rời khỏi nổi những trang giấy. Như một thứ ma lực cuốn hút nàng trong sợ hãi. Nàng muốn vùng vẫy khỏi những lôi kéo vô hình. Nàng thấy phần nào mình trong đó, giống như một người đứng trước gương, nhìn thấy hình ảnh mình phản chiếu nhưng không hài lòng. Nàng đang bước vào thế giới riêng tư của một người đàn ông... khác thường, một người lạ chưa từng quen biết. Dĩ nhiên Yên muốn phủ nhận tất cả những điều đang nằm trên trang giấy kia. Không có nàng ở đó. Không phải là tôi!
                    Yên bỏ bản thảo xuống, nhìn Kiền, ánh mắt nàng vừa lạnh nhạt vừa sợ hãi, nửa thách thức. Chỉ thế thôi mà Kiền như chôn chân xuống sàn. Ly cà phê trong tay chàng nắm chặt.
                    Chàng không tìm được một câu gì để nói trong tình huống này. Chàng nhìn xuyên qua nàng, qua cửa sổ. Quay lưng, Kiền ra mở toang cửa, đứng ngoài hàng hiên. Gió lạnh bên ngoài làm chàng tỉnh táo. Sau lưng chàng khẽ có tiếng động. Không quay lại chàng cũng biết là Yên.
                    Bỗng dưng Kiền nói như tìm một lối thoát cho chàng và cho cả chính Yên:
                    - Ở trên này buồn quá phải không? – Chàng nói một câu lãng nhách không đầu không đuôi.
                    - Chắc thế nên ông mới viết!
                    Kiền không muốn nhắc tới chuyện viết của mình.
                    - Khi viết, ông đạt được điều gì? Tôi tò mò quá không? –Giọng nàng có vẻ thách thức, đầy phong độ như lần đầu tiên Kiền gặp.
                    Kiền trả lời tỉnh như không:
                    - Không ai hỏi tôi câu này bao giờ. Cô là người đầøu tiên. Ở trường hợp tôi.. viết để được sự thỏa mãn cho chính mình.
                    - Ông sống trong mộng ảo!
                    Kiền cười hực lên. Không biết nụ cười đó cho mình hay cho nàng.
                    - Cám ơn ông đã cho tôi đọc bản thảo của ông. Tôi phải về.
                    - Tôi đưa cô xuống.
                    - Rồi ông lại phải leo lên, mệt quá!
                    - Không sao!
                    Họ ra khỏi cabin, đi xuống về phía hồ. Cả Kiền lẫn Yên đều không nói gì với nhau. Còn sự tình cờ nào nữa? Kiền tự hỏi.
                    Xuống đến hồ, Yên nói:
                    - Cám ơn ông. 
                    - Bao giờ cô đi khỏi đây?
                    - Ngày mai. 
                    Kiền không nói gì thêm. Lúc bỏ đi, nàng quay đầu lại:
                    - Đừng cho cô ta chết nhé!
                    Câu nói này của Yên làm chàng cười. Kiền gật đầu. Vẫn đứng đó nhìn theo Yên. Đời nào cho Yên chết trong lúc này? Chàng đang yêu nàng quá mà! Phải tận hưởng đã. Khi nào chán, tính sau!

                    Mc Bích
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.02.2014 07:21:49 bởi frank >
                    #25
                      Ct.Ly 19.02.2014 02:03:55 (permalink)
                      #26
                        frank 19.02.2014 03:08:57 (permalink)
                        Tác giả Mặc Bích cảm ơn Ct. Ly đã đem truyện vào thư viện.
                         
                        Đã gửi đến Ct. Ly link cho nhạc Nguyễn Đình Phùng
                         
                         
                        #27
                          Ct.Ly 19.02.2014 20:05:58 (permalink)
                          #28
                            frank 25.02.2014 03:43:50 (permalink)
                            Đêm ở Madrid

                            Mặc Bích


                            Qua khung cửa kính rộng của chiếc xe bus, những mặt đường phố bị che kín với người và người, những mảnh da thịt  phơi trần, những chiếc áo màu sặc sỡ, những đầu tóc của đủ mọi màu da, óng nắng vàng trong một buổi chiều mặt trời không chịu khuất. Hình như người ta không làm gì cả, chỉ chơi, rong chơi chen lấn trên hè phố với một mức độ có hối hả đó, nhưng là thứ chộn rộn vui nhộn, thoải mái. Ngày và đêm ở đây dường như có dài hơn những nơi khác. Madrid, thành phố chẳng bao giờ ngủ! Người ta ngủ vào lúc nào hay chỉ là những chợp mắt muộn màng? Phải thức để mà sống, thoải mái chỉ có thế!Luân lơ đễnh nhìn theo những bóng hình nối đuôi trên hè phố. Lòng đường cũng chật ních với từng đoàn xe nhích nhích chậm chạp. Phải công nhận đàn bà ở đây đẹp. Không những  đẹp mà còn gợi tình. Vẻ gợi tình công khai, không che đậy, dấu diếm, không chỉ bằng những thân hình thiếu vải, nhưng từ những ánh mắt, nụ cười, dáng điệu di chuyển trên đường phố, những gót chân trần yểu điệu trên những đôi giầy cao gót đong đưa không chỉ những mông tròn, mà những cái eo nhỏ tí, những bộ ngực nhấp nhô trầm bổng. Ngay cả cái hơi nóng từ mặt đường bốc lên cũng hun từng đôi chân, cặp đùi như thúc dục người ta làm một điều gì.. Tại sao xứ này lại lắm đàn bà đẹp thế kia! Còn đàn ông? Thì chúng cũng như mình thôi, Luân nghĩ thầm và bất giác phì cười một mình!Nhã ngồi cạnh, quay sang nhìn Luân:
                            -Sao vậy?
                            Nhìn người bạn gái lâu năm – đúng nghĩa là bạn đấy. Nothing else! – Luân lắc đầu:
                            -Tự dưng cười!
                            -Làm gì có chuyện tự dưng cười! Ông đâu phải con nít đâu! Khai đi, đây nghe cho!
                            Lần này Luân cười lớn hơn làm bà Tàu ngồi băng ghế bên cạnh phải quay sang nhìn.
                            -Bà có thấy là phụ nữ ở đây đẹp không? 
                            Nhã nhíu mày:
                            -Thế thì có gì đáng để cười?
                            -Ấy vậy mà tức cười mới lạ!
                             Luân nói thật lòng.
                            -Vớ vẩn! Thấy đàn bà đẹp thì ngắm chứ sao lại cười? Chẳng trách đàn bà con gái bỏ ông đi lấy chồng hết là phải!
                              Nhã vừa nói vừa ném cho Luân một cái nhìn hoài nghi mà hóm hỉnh.Câu nói của Nhã làm Luân cụt hứng nhưng không phiền lòng. Chàng thân với Nhã như với Cường, với Hữu. Cả ba người đàn ông đều xem Nhã như một người bạn trai. Làm gì có chuyện “như”? Vậy mà thế đấy! Tại sao? Cả mười năm nay như vậy mà chẳng người nào thắc mắc tại sao? Nếu không muốn nói đại ra là cả Luân, Cường và Hữu chẳng hề xem Nhã khác mình. Bảo Nhã không phải là đàn bà thì không đúng. Nhã không đẹp, không xấu, ngổ ngáo, bạo dạn và có nhiều sở thích đều hợp nhau. Một party có đủ cả Nhã, Luân, Cường và Hữu vui hơn hết thảy! Và cả 4 người đều chưa bị ràng buộc nào hết!Chuyến đi chơi kỳ này chỉ có mình Luân và Nhã. Đoàn du lịch chừng 20 người, không có ai là người Việt Nam trừ chàng và Nhã. Bảy ngày ở Spain, bẩy ngày không làm gì cả ngoài chuyện ăn, ngủ, có người hướng dẫn đi chơi và không cần biết đến ngày mai. Buổi chiều cuối cùng ở đây còn sót lại buổi tối, nếu chỉ ăn rồi ngủ thì hơi uổng. Cả bẩy ngày với chừng này khuôn mặt, có lẽ phải tách ra ở ngày chót chắc có nghĩa lý hơn.Luân khều Nhã:
                            -Tôi nay mình xé lẻ không?
                            -Đi đâu?
                            -Kiếm nightclub nào nghe nhạc chứ ăn bữa ăn farewell với đoàn du lịch rồi về ngủ uổng quá!
                            -Có lý! Đi cho hết đêm luôn hả?
                            Luân cười cười nhìn Nhã:
                            -Bà dám không?
                            -Xong ngày mai ngủ quên và ở lại đây luôn.
                             Giọng Nhã nửa đùa nửa thật
                            .-Có những chuyến đi tôi không muốn về nữa. Chẳng phải vì chán ở nhà nhưng đi thế này cho mình cái cảm giác như sống một đời khác.
                            -Tôi cũng như ông. Đi lang thang chắc cũng sướng.
                            Lần đầu tiên nghe câu nói của Nhã mà Luân để ý đến chuyện  phái tính. Đàn bà ai lại đi lang thang nhưng chàng không nói ra. Té ra cũng có “khác” chứ không phải “như” như mình thường nghĩ. Và chàng lại tủm tỉm cười. Lần này Nhã còn mải nhìn hai bên phố nên không hỏi gì thêm.Về khách sạn, Luân hỏi thăm và nhờ họ giữ chỗ ở quán Café de la Palma là nơi nổi tiếng ở Madrid. Không phải là ngày cuối tuần nên có chỗ. Luân đặt bàn mà chẳng hỏi Nhã vì biết Nhã sẽ không phản đối.Ngồi trong tắc xi, Nhã hỏi Luân:
                            -Nightclub này loại gì vậy?
                            Khẽ đập tay lên mu bàn tay Nhã, Luân nheo mắt:
                            -Đến rồi sẽ biết! Đàn bà vào được. Cứ tin tôi đi, chúng ta sẽ có một buổi tối rất đáng nhớ tại Madrid.
                            -Đáng nhớ theo nghĩa nào?
                            -Cứ thoải mái để rồi vui, việc gì phải thắc mắc lắm thế?
                            Nhã yên lặng và chợt nghĩ: “Đi chơi với Luân thích hơn với Cường và Hữu. Luân không tế nhị như Cường, không có óc hài hước như Hữu, nhưng cái bạt mạng, buông thả và liều, nếu không muốn nói là ẩu ở Luân tạo được sự khích động, tò mò nơi người khác với cái bề ngoài rất ngang tàng. Cao, vai rộng, mặt mũi bơ bơ, nói năng thì thẳng đuột, mắt nhìn hỗn xược. Láo, láo không thể nào tả được!
                            Xe tắc xi ngừng lại trước cửa quán Café de la Palma. Buổi tối ở đây còn nhộn nhịp hơn ban ngày. Người ta đổ ra đường đủ mọi chiều xuôi ngược, ngang dọc. Cái nóng ban ngày đã dịu bớt, chỉ còn cái nhiệt của những thân người lẫn với mùi nước hoa, mùi thuốc lá thoang thoảng trên lề đường. Những đống rác bẩn thỉu trên hè phố đã bị bóng đêm che bớt, người ta chỉ còn thấy vẻ lộng lẫy mang chút hơi hướm sa đọa cuộc đời trần tục nhất của những người tìm đến người.Từ bên ngoài quán đã nghe tiếng trống bập bùng như tiếng thở dồn dập của đêm đen. Chiếc váy đen xẻ một bên mà Nhã ít khi mặc làm cho từng bước đi của nàng không mấy thoải mái. Rất ít khi Nhã mặc váy, trang điểm. Những điều đó là những phiền nhiễu rất đàn bà mà nàng không thích. Đêm nay không hiểu vì sao nàng lại ăn mặc như thế này? Đôi giày cao gót mỏng manh làm Nhã bước đi những bước ngượng nghịu. Những cái nhìn của đám đàn ông lạ ngay cửa vào club làm Nhã bỗng dưng níu lấy cánh tay Luân.Luân nhìn Nhã ngạc nhiên nhưng không nói gì. Đó là một căn nhà lớn, nhiều cửa cao đến trần mở thông ra đến ngoài sân. Trong ngoài đều khá đông.Nhã hỏi nhỏ:
                            -Ông đặt bàn bên ngoài hay bên trong vậy?
                            -Không biết họ xếp mình ngồi đâu.
                            Chiếc bàn nhỏ vừa đủ cho hai người, nằm hơi xéo nhưng gần bục trình diễn. Sau lưng cách một bàn là cửa thông ra ngoài sân sau. Nhã quay lại nhìn ra sân. Bên ngoài không đông bằng bên trong nhưng có lẽ cái thích riêng. Những chiếc bàn đặt dưới tàng cây trên có treo những chùm đèn xanh đỏ đã đầy người. Luân hỏi Nhã:
                            -Muốn ngồi bên ngoài sao?
                            Nhã lắc đầu:
                            -Xem thôi. Ngồi đây thích hơn chứ?
                            Từ trong bình nến đặt trên bàn, ánh sáng le lói nhưng ấm hắt lên mặt Nhã, có những phần nhìn thấy rõ, những phần khuất, làm cho khuôn mặt xương xương bướng bỉnh thường ngày dịu hẳn lại. Trông nàng như một ai khác, Luân nhìn và thầm nghĩ. Lại bôi một tí son, mắt đen đen rộng mở, chị này bữa nay dở chứng! Họ ăn tối dưới ánh nến vừa đủ sáng trong cái ngột ngạt của một đêm hè mà máy lạnh chạy rất yếu lại đầy ắp hơi người. 
                            -Ăn được hả?
                             Luân ngừng nhai hỏi Nhã.     
                            -Ngon! Chắc lạ miệng.
                            Nhã vừa ăn vừa khều khều mấy cọng rau trong đĩa.  
                            – Xứ này có những thứ rau lạ nhỉ?
                            -Khen ngon thì phải ăn cho hết, về Mỹ bà đâu có thấy những món như vầy nữa?
                            -Tại mình  không biết chỗ chứ tôi nghĩ cũng có cả.
                            Nhã nhìn Luân và nàng tin chắc rằng Luân có cùng một ý nghĩ với mình nhưng không nói ra: “Chỉ có ở đây, trong chuyến đi này mới có 2 người”. Trông Luân ăn cũng hỗn, ào ào như một kẻ bị bỏ đói lâu ngày! Không hiểu với đàn bà và.. cái khoản kia.. thì sao? Bình thường những ý tưởng này sẽ làm Nhã cười, cười lớn vì nàng chưa hề yêu ai, chưa hề biết tình yêu là gì. Nhưng đêm nay trong khung cảnh này ở đâu đó trong nàng dấy lên một tí men, sóng sánh, sủi bọt lăn tăn làm Nhã lao đao như có nghìn cánh bướm đua nhau đập cánh trong cái bao tử nôn nao dù đã đầy chặt thức ăn. 
                            -Phần đầu cũng được, hy vọng phần sau cũng thế hay khá hơn thì đêm nay tuyệt diệu nhỉ?
                            -Ông nhất định không bật mí phần sau là phần gì hả?
                            -Tại vì chính tôi cũng không biết họ chơi nhạc có hay không nữa?
                            -Loại gì?
                            -Flamenco.
                            Nhã reo lên:
                            -Tuyệt! Đến Spain mà không nghe flamenco thì vẫn chưa biết Spain.
                            -Thế sao không đòi?
                            Nhã nhìn Luân rồi không hiểu sao nàng chẳng trả lời. Nhã định bảo: “Đòi ai?” nhưng rồi lại thôi.Khi đến món tráng miệng cũng là lúc những nhạc sĩ bắt đầu xuất hiện trên sân khấu. Họ thử nhạc cụ. Những tiếng cười nói xôn xao nhỏ lại. Luân thấy có 7 người tất cả. Ba guitar, hai trống, một loại trống mọi mà người xử dụng chỉ dùng hai tay vỗ trên mặt trống và một người chơi trống thường, một anh nữa cầm hai cái bầu, để xúc xắc, và thêm một keyboard.Khi tay guitar ngồi ngay giữa sân khấu đứng dậy chào là lúc mọi đèn ở sân khấu đều bật hết lên. Đám đông, trong, ngoài, ùa lên những tiếng vỗ tay, những tiếng kêu lớn: “Armik! Armik! Armik!”. Anh ta cúi đầu thật thấp như để cảm tạ khán giả rồi ngửng lên gửi những cái hôn gió. Chừng 30, màu da của những cánh đồng nâu xạm, tóc quăn đen nhánh, đôi chân mày rậm, hơi chầm chập người và không có vẻ gì là nghệ sĩ cả. Đó là những nhận xét đầu tiên của Nhã, nhưng chắc chắn anh ta phải là nhân vật chính của đêm nay, trên sân khấu kia, trước tiếng reo hò của đám đông.Có người la lên:-Costa brava.Nhã quay sang hỏi Luân:
                            -Họ nói gì vậy?
                            Luân cười ruồi:
                            -Có hiểu đâu? Nhưng sao bà không bắt chước họ mà cũng la lên như vậy?
                            Nhã lườm Luân nhưng cũng phải mỉm cười, bụng rủa thầm: “Đúng là đồ cà chớn!”Khi anh ta ngồi xuống ghế, ôm đàn, đám đông chợt im bặt. Tiếng quạt trần quay vù vù nghe khá rõ. Người ta đang chờ đợi, chờ đợi những kẻ làm nên âm nhạc và những khoảnh khắc bứt lìa khỏi đời sống thực tại để du hành vào một thế giới khác. Tiếng đàn guitar cất lên ngọt nhưng mạnh, réo rắt từng nốt nhạc, tuôn như một dòng thác, không vướng mắc. Bàn tay chạy trên dây đàn thoăn thoắt, không nghe thấy tiếng lướt. Trái tim Nhã từ nãy giờ cứ lắt lẻo đong đưa, mỗi  một tiếng láy nàng nghe như tim muốn rụng. Khán giả không chỉ nghe và thưởng thức nhạc nhưng hình như họ đang bị lôi cuốn để sống với dòng nhạc lúc lên cao, lúc nhận chìm. Nhanh, liên tục và chụp bắt mọi ánh mắt của đám đông không rời nổi hình ảnh trên bục gỗ. Bài hát đầu tiên dứt đột ngột,  cũng sắc, gọn nhưng ngọt.Những tiếng huýt sáo, vỗ tay ầm ĩ. Anh ta chỉ hơi ngẩng đầu lên, giang tay như để giới thiệu tất cả những nghệ sĩ khác phụ họa trong bài nhạc đầu tiên. Trong đám khán giả có tiếng  nói lớn:-Alegria!Rồi tiếng người khác cũng la khá rõ:-Lovers in Madrid!-Rosas del Amor!Luân đùa đùa hỏi Nhã:
                            -Người ta đang yêu cầu. Bà yêu cầu bài gì?
                            -Đừng có lộn xộn! Ngồi nghe thưởng thức không sướng sao?
                            Họ không chơi nhạc flamenco thuần túy như Luân tưởng. Đây là một thứ Latino pha tây ban cầm cổ điển. Dầu sao cũng mang nhiều sắc thái Tây Ban Nha và buổi tối ở Madrid vẫn có một màu sắc đặc biệt của nó. Luân ngồi nghe nhạc bằng nửa đôi tai, nửa kia còn lang thang lan man đi tìm những mắt những môi, những khoảng da trần khêu gợi trong quán cho tấm lòng thêm.. ấm! Nóng máy bây giờ thì bỏ mạng! Chạy xịch xịch nhả khói đều đều được rồi, đừng rồ ga bất tử.. mà đụng cột đèn! Đấy chỉ là những ý tưởng lạc loài mà làm Luân thấy vui vui, chàng chỉ vỗ tay hưởng ứng nhiều khi đám đông vỗ tay, khi những thân hình tròn lẳn chung quanh đứng đậy lắc lư, gửi hôn gió. Sau 7, 8 bài, bỗng dưng sau tiếng vỗ tay, đèn trên sân khấu mờ hẳn lại. Một khoảng sàn gỗ nhỏ ngay chính giữa phựt sáng. Những vòng tròn của đèn quay đảo lên đảo xuống, vừa lúc tiếng đàn đổi hẳn, giật, nhanh cùng với tiếng đập bập bùng vào mặt thùng đàn.
                            Từ  sau sân khấu, hai bóng người xuất hiện, bước những bước nhanh theo nhịp đàn dồn dập. Flamenco! Luân khẽ reo thầm. Người thanh niên mặc quần áo đen bó chẽn lấy toàn thân, nửa phần trên để hở lộ ngực trần nâu đồng rắn chắc. Người thiếu nữ váy dài đen, tóc cũng đen, búi cao, vạt  váy xẻ dài nhiều mảnh. Ở giữa ngực trũng sâu hình chữ V mở rộng một bông hoa cẩm chướng đỏ như một con mắt mở lớn. Họ quấn lấy nhau, tay vung, chân gõ xuống mặt sàn, nhịp nhàng như âm nhạc là họ và họ cũng là một phần của những âm thanh.Những quay, lui tới của đôi này không để cho Luân kịp nhìn rõ khuôn mặt người thiếu nữ. Khi bản nhạc dứt, họ quay sang tứ phía để chào và cám ơn những tràng pháo tay còn nồng nhiệt hơn khi trước. Mắt đen như áo, lông mày, mi dầy rậm. Đôi mắt dài có đuôi tình tứ trong nụ cười mà mầu son đỏ thắm bóng, rộng phô bày trọn hàm răng trắng tinh. Từ người cô ta tỏa ra nhiệt, thứ nhiệt của tuổi xuân tràn đầy như đang muốn bứt tung, tuôn đổ trên từng miền da thịt màu mật óng ánh mà rờ vào chắc chắn phải mịn như tơ.
                            Ban nhạc đổi sang một nhịp điệu khác, chậm hơn và có những nốt kéo dài. Hai thân hình trên sàn gỗ quấn lấy nhau, trên, dưới, sát. Ôm, rồi buông. Cô gái co chân, lộ cả một đùi thon quấn vào chân người thanh niên. Như một con rắn trườn lên, cọ sát vào đùi anh ta, chậm và dọ dẫm như đo lường mức độ của con mồi say đến cỡ nào. Luân nghe thấy tiếng tim mình đập mạnh hơn tiếng trống. Dải áo đen phất phơ như đùa dỡn. Rồi cô nàng bỗng quay ngoắt đi, bàn tay giơ lên che mắt, lướt xuống sống mũi thon, lượn qua vành môi, xuống cổ, đến bờ ngực trần ngừng lại, mắt vẫn liếc sắc như dao, môi hé nụ cười mời gọi.
                            Cả quán nhạc im phắc. Người Luân căng cứng và chắc hẳn mặt chàng lúc ấy khá đần độn! Có bao nhiêu khuôn mặt như thế trong lúc này? Tiếng đàn hình như ngừng lại đồng lõa. Cô ta lắc nửa thân hình trên, phần có trọng lượng nhấp nhô, run rẩy, rồi cũng với cánh tay thon dài với những móng nhọn sơn đỏ chót, nàng kéo mạnh tay người thanh niên để cả thân hình anh ta như bị hút dính cứng vào những phần nhấp nhô trên thân hình gợi cảm. Lần này không phải chỉ dùng toàn thân  mà cả khuôn mặt cô gái áp vào mặt anh ta. Cô ta nhắm đôi riềm mi, môi hé mở. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên cổ, trên ngực cô gái là những giọt mồ hôi gợi tình, lấp lánh như sao sa. Tiếng đàn lại trỗi lên tha thiết. Họ đứng yên như tượng cho đến khi tiếng nhạc dứt thật ngọt.Cả căn phòng như muốn bể tung vì những tiếng vỗ tay, tiếng la nhiệt tình. Họ buông nhau ra, tay trong tay, cúi đầu chào khán giả.
                            Cô gái rút bông hoa cẩm chướng ở ngực và ném xuống đám đông. Bông hoa đỏ như con mắt lửa tìm kiếm, bay xẹt lên cao, rơi đúng vào lòng Luân. Bất ngờ, bất ngờ!  Luân tỉnh hẳn như sau một cơn đồng thiếp. Chàng cầm bông hoa, hơi ngẩn ngơ. Cô gái đảo mắt nhìn xem bông hoa mình ném vào tay ai. Khi thấy Luân, cô gái khẽ đưa tay gửi một nụ hôn gió rồi cùng gã thanh niên thoăn thoắt chạy biến vào trong. Những tiếng vỗ tay rầm rập tiếp tục vang lên nhưng họ không quay trở ra. Ban nhạc tiếp tục chơi. Đêm ở Madrid có lẽ đã đến độ chín mùi, nhưng có chút tiếc nuối đọng lại trong không gian về những giây phút căng thẳng vừa qua. Nhã dục Luân:
                            -Về thôi ông! Không thôi ngày mai không dậy nổi lúc 6 giờ sáng.
                            Nhếch mép cười nhìn cô bạn, Luân đùa:
                            -Tôi tưởng bà bảo đi suốt đêm?
                            Nhã nguýt Luân, không nói gì. Lần đầu tiên Luân thấy đuôi mắt dài, hơi xếch và dữ của Nhã khêu gợi, cái khêu gợi cho mình chàng thấy. Lạ! Bỏ mẹ chứ lạ gì! Nghĩ như thế và bỗng nhiên Luân thấy lúng túng, ngoan ngoãn đứng dậy kéo tay Nhã đi ra cửa.Nhã thầm thì:
                            -Trả tiền chưa vậy?
                            Luân gật:
                            -Trả từ lúc giữ chỗ.
                            Nhã để yên bàn tay trong tay Luân. Ra đến ngoài chờ tắc xi, họ vẫn không buông tay nhau, làm như đấy là một sự tự nhiên, lúc nào cũng như thế.Lên xe Luân nói với người tài xế đưa họ đi một vòng phố xem Madrid về đêm rồi mới về khách sạn. Họ đi qua những đường phố sáng trưng nhộn nhịp, những nơi thiếu ánh đèn, những tàng cây trên lề đường, những bảng hiệu khắp chốn. Đêm cuối cùng ở Madrid!Luân hỏi Nhã:
                            -Thích không?
                            Nàng gật đầu, ánh mắt dịu ngọt.
                            -Mệt không?
                            Nhã thẫn thờ trả lời:
                            -Tôi hơi nhức đầu, chắc tại vì nhiều lúc nhạc chơi ồn ào quá!
                            -Tôi có mang Tylenol phòng hờ. Uống 2 viên, ngủ một giấc dậy mai khoẻ ngay.
                            Về khách sạn, vào phòng  Luân, nhìn quần áo vương vãi khắp nơi, Nhã kêu:
                            -Bộ họ không làm phòng ông sao?
                            -Tôi không muốn.
                            Luân tìm trong sắc lấy thuốc, rót nước đưa cho Nhã. Cử chỉ săn sóc chưa bao giờ thấy ở Luân. Nàng uống ngụm nước, chưa kịp uống thuốc bỗng sặc. Nhã cúi gập người xuống ho. Luân lo âu hỏi:
                            -Này, không sao chứ?
                            Nhã khẽ lắc đầu nhưng vẫn ho. Nàng ngồi xuống giường, ôm ngực. Ngồi xuống bên cạnh, Luân ôm vai Nhã bóp nhẹ. Họ gần nhau như chưa bao giờ gần vậy. Một lúc sau Nhã ngừng ho quay sang Luân. Khoảng cách giữa hai khuôn mặt là một khoảng cách ngắn, nguy hiểm trong căn phòng ngủ bừa bộn của một nơi nghỉ chân tạm bợ. Điều gì làm cho Luân cúi xuống hôn Nhã? Và cũng điều gì làm cho Nhã cuồng nhiệt nhận nụ hôn ấy? Người ta có cần đâu đến những giải thích, tìm hiểu hay lý giải bởi vì có những giây phút trong cuộc đời không còn chỗ hở nào để những câu hỏi đó xen vào. Giản dị, tự nhiên như những điều phải xảy ra.Luân không chỉ hôn Nhã, chàng còn làm những điều như đã từng làm với những người đàn bà khác. Đêm, ánh đèn vàng ở đầu giường ngủ soi ấm lên từng miền thân thể, lên mái tóc đen dài, lên đôi mắt nhắm nghiền chờ đợi. Họ còn cả một thời gian nữa ở Madrid.Từng thời khắc qua đi, ngọt ngào và say đắm đến không muốn dứt. Họ là hai cây  đuốc thắp cho nhau, khai phá tìm kiếm những gì chưa hề biết đến, hay với Luân biết đấy mà vẫn chưa biết.
                            Trong hơi thở dồn dập, đôi chân dài, váy xẻ nhiều vạt của cô gái trong quán Café de la Palma nhận chìm Luân trong cơn lốc mê đắm ở một nơi không biết đến thời khắc, không còn biết đến điều gì khác ngoài những réo gọi của mình và cho mình.Nhã với tay tắt đèn. Họ buông nhau ra. Chỉ còn ánh áng từ đèn đường qua một phần cửa sổ rọi vào thành một vệt dài trong phòng. Nhã nghe thấy tiếng thở của Luân. Nàng nhìn lên trần căn phòng, cơn nhức đầu đã biến mất từ bao giờ dù ly nước và hai viên thuốc Luân đưa nàng chưa hề đụng đến. Nhã muốn nắm tay Luân như lúc ở trong quán nhạc nhưng nàng sợ.. Nàng đã vượt qua biên giới của một thứ tình bạn hiếm hoi để đến nơi nào đây? Luân sẽ nghĩ sao về nàng? Nằm đây, cạnh Luân trong căn phòng này, Nhã thấy nỗi cô đơn đang đổ ập xuống nàng. Nhã muốn khóc. Nhưng chắc chắn không phải ở đây, để Luân nhìn thấy. Nàng nhẹ nhàng ra khỏi giường, mặc quần áo rồi khẽ khàng ra khỏi phòng về phòng mình ngay sát cạnh.
                            Khi cánh cửa vừa khép lại, Luân mở bừng mắt và than thầm: “Lần này đúng là tổ trác!” Chàng lại chẩy mồ hôi nhưng không phải những giọt mồ hôi như ban nẫy lúc cuồng nhiệt. Luân bật đèn trong phòng. Thứ đầu tiên chàng nhìn thấy là bông hoa cẩm chướng mầu đỏ nằm lăn lóc trên bàn, bông hoa mà người thiếu nữ trên sàn nhẩy trong quán Café de la Palma đã ném xuống đám đông và tình cờ rơi đúng vào chỗ Luân. Những giờ phút vừa qua.. đâu phải.. Nhã? Ôm Nhã mà cứ tưởng.. ? Nếu tỉnh táo biết là Nhã thì bố bảo cũng chẳng dám rớ vào!!Luân muốn gọi phone sang phòng Nhã và nói một điều gì. Nói gì bây giờ? Không nói gì cả cũng cóc được!  Nghĩ ngợi một lúc đâm nhức đầu. Hai viên thuốc Tylenol mà Nhã không uống được Luân chiếu cố. Chàng lên giường, nhìn đồng hồ: “2 giờ sáng!” Luân tắt đèn và bụng bảo dạ: “Mai tính!”

                                             * * *

                            Đứng trước của phòng Nhã, Luân ngần ngừ gõ. Như đã chờ dợi sẵn, Nhã mở cửa ngay. Trông Nhã bơ phờ, Luân thấy ruột quặn lại. Chàng làm tỉnh nói:
                            -Sửa soạn xong chưa? Xuống ăn sáng chứ?
                            Chữ “bà” với “tôi” quen thuộc đã bị dấu biệt. Nhã ra vẻ thản nhiên cười cười đáp:
                            -Xong hết rồi!
                             Nàng vừa trả lời vừa nghĩ đến câu nói của mình. “Xong thật! Chúng ta lại trở về vị trí cũ cho dù những gì đã xảy ra đêm qua”. 
                            -Ngủ được không?
                            Nhã gật đầu và tìm cách nói lảng sang chuyện khác. Họ ăn sáng và cố xử sự như không có chuyện gì xảy ra. Lên xe buýt, Luân nắm lấy tay Nhã. Nàng để yên. Họ không nói gì với nhau một lúc lâu.Khi máy bay rời khỏi Madrid cũng là lúc Nhã mệt lừ vì mất ngủ cả đêm, nàng nhắm mắt và thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Đầu Nhã ngả vào vai Luân. Chàng để yên. Những sợi tóc của nàng xòa xuống. Luân ngửi thấy mùi thơm thơm và hơi ấm từ một sinh vật gọi là đàn bà tỏa sang. Nhìn xuống tay Nhã. Đó là đôi bàn tay nhỏ nhắn, thon và bất giác thấy rõ Nhã chẳng bao giờ giống chàng hay Cường hay Hữu. Nhã là Nhã, và tệ hại hơn nữa Nhã lại là.. đàn bà! Chàng đã biến Nhã thành đàn bà đêm qua. Luân thấy tối tăm mặt mũi! Đêm qua bảo mai tính, nay thì bảo gì? Mốt tính? Không tính được, chịu! Thôi thì ai tính thì tính! Những câu trả lời như thế cho chính mình làm  Luân thấy nhẹ nhõm hơn.

                                              * * *
                             
                            Xách hành lý đến cửa apartment cho Nhã, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Luân ôm vai Nhã rồi nheo nheo mắt nói nhỏ:
                            -Không chạy đâu!
                            Đôi mắt tối có những nốt trầm của Nhã chợt bừng lên nhưng Nhã chỉ gật và không nói một lời nào.Ra xe, Luân thở dài và thương hại cho chính mình: “Lại dại nữa rồi! Dại gì mà dại đến hai lần liền! Chỉ tại cái đêm ở Madrid!”
                            Mặc Bích



























                            #29
                              Ct.Ly 25.02.2014 17:46:02 (permalink)
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 38 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9