CHẬP CHỜN BÓNG MA ( Băng Hồ)

Tác giả Bài
nvietdung
  • Số bài : 67
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.07.2013
  • Nơi: Sài Gòn
CHẬP CHỜN BÓNG MA ( Băng Hồ) - 22.09.2013 14:02:41
 
         Ít lâu nay ở Khoa Tâm thần một bệnh viện lớn của Hà Nội, có một bệnh nhân cứ buổi chiều là lại lên cơn phá phách. Anh ta đập phá lung tung căn buồng khóa kín, lấy tay hăm hở bẻ những chấn song sắt , chán rồi anh ta ngồi xé soàn soạt quần áo rồi cười săng sặc , rồi hát nghêu ngao. Anh ta trợn trừng với người đưa cơm nước vào và thẳng tay hất đổ bát đĩa. Muốn cho anh ta ăn để cầm hơi sống, người ta đã bắt buộc phải để mấy người ghì chặt chân tay anh ta lại và đổ nước cháo vào mồm.
         Người ngoài không hiểu anh ta điên vì nguyên cớ gì. Chỉ ngờ rằng có một tâm sự đau đớn lắm thì phải. Bởi vì lắm lúc giữa tiếng cười sặc sụa, anh ta bỗng ôm mặt nức nở như một đứa trẻ con. Anh ta hay kêu những tiếng này :
-          Dũng !... Dũng ! …Con ở đâu ?
Rồi gào lên :
-          Giết !... Giết ! …Ác phu dâm phụ…!
       Trông anh ta người ta thương hại. Anh ta còn trẻ chừng 26, 27 cũng khá đẹp giai đôi mắt sáng, trán rộng, cái cằm cương nghị nhưng giờ đây cơn bệnh đã khiến anh ta già sọm và quái dị như người cổ sơ . Tóc anh bùm sum che lấp cả vành tai,râu ria lởm chởm mọc kín cả cằm, mặt anh hóp lại để lộ cả hai cái xương gò má , mắt anh đỏ ngầu và long lên sòng sọc. Người ta sợ nhất đôi mắt này , ít người điên có đôi mắt dữ tợn như thế . Anh ta hình như không có thân nhân ,bởi từ khi nằm đây không thấy ai là họ hàng thân thich đến thăm cả. Chỉ thỉnh thoảng có mấy người ở Ty Cảnh binh đến hỏi qua loa ông Giám đốc rồi lại về ngay.
       Ai tò mò muốn biết rõ hơn thì làm quen với người gác bệnh viện; người này sẽ vui vẻ kể chuỵện cho bạn nghe :
       -     Anh ta không phải là bệnh nhân thường mà là thủ phạm giết liền một lúc hai mạng người, ghê gớm lắm cơ đấy. Chưa kịp tra hỏi gì thì đã lên cơn điên phải chuyển về đây.
        Và nếu là người thân tình lắm, ông ta sẽ cho bạn xem một tờ báo ra cách đây chừng hơn tháng. Ông ta chỉ ngay trang đầu và bảo bạn :
-          Ông đọc kỹ và sẽ hiểu ngay !
        Đấy là tin thời sự đã làm rung chuyển cả Hà Nội nhàn rỗi một dạo:
“ Một vụ hạ sát khủng khiếp  “
        “Đêm hôm …vừa rồi, tại phố…xảy ra một vụ hạ sát rất khủng khiếp. Hai mạng người đã bị giết chỉ trong một loáng chưa đầy vài phút. Thủ phạm là một thanh niên còn trẻ đã bị bắt ngay.
       Chắc hẳn bà con Hà Nội không mấy ai không biết tiếng ông bà Phạm Tuấn Khang nhà thương gia từng sốt sắng với công cuộc từ thiện của thành phố . Người như thế mà bị hạ thủ thật đáng thương thay.  Theo lời khai của người vú em được chứng kiến từ đầu kể lại thì đêm hôm ấy chừng quãng 11 giờ , ông bà Khang sau khi đi dự cuộc vui buổi tối về chưa kịp thay quần áo còn đang ngồi ở phòng khách. Chị vú em thì đang ẵm cậu Ninh ngủ ở buồng bên cạnh thông sang phòng khách bởi một bức màn che. Trong nhà lúc ấy vắng vẻ. Bác bếp và anh xe ở nhà dưới- khu dành cho những người giúp việc. Còn chị sen ở gác ba, hàng ngày trông coi bàn thờ Phật. Thường thường ông bà Khang chỉ tiếp khách đến 7 giờ tối nhưng không hiểu sao hôm ấy, nghe tiếng chuông giật , anh xe lại ra mở cổng. Khách cứ thế lừng lững bước qua cái sân rải sỏi tiến vào phòng khách. Khách lạ là một thanh niên khoác bên ngoài chiếc áo mưa, trên đầu cũng đội chiếc mũ mưa che sùm sụp gần kín mặt. Trong lúc ông Khang còn ngơ ngác chưa biết khách là ai thì người lạ đã lật chiếc mũ mưa trên đầu , quay nhìn trừng trừng về phía bà Khang. Chỉ thấy bà này rú lên một tiếng :
-          Cường !
Và tiếng người thanh niên rít lên :
-          Con dâm phụ !
       Rồi nhanh như chớp anh ta rút ra trong túi một khẩu súng lục nhằm bà Khang bắn liền mấy phát. Trúng tim, bà này tắt thở ngay. Ông Khang hốt hoảng toan bỏ chạy thì bị thanh niên rượt theo bắn hai phát xuyên qua gáy , ngã gục xuống. Người vú em nằm buồng bên cạnh vội ôm cậu bé chui xuống gầm giường, nên đã mục kích cả tấn thảm kịch kia.
        Sau khi hạ thủ xong, người thanh niên không lấy gì cả , bước ra trèo lên xe đạp dựng sẵn ở bờ tường. Nhưng nghe tiếng súng, mấy cảnh binh ở gần đấy chạy lại và hô thanh niên đứng lại, anh ta không trả lời xả súng bắn ngay vào cảnh binh. Bắt buộc mấy người này phải bắn trúng chân anh ta cho ngã xuống. BỊ bắt người thanh niên còn đưa súng lên thái dương toan tự sát; nhưng may một viên cảnh binh nom thấy giằng được khẩu súng ra .
       Ông Khang liền sau đó được đem đi nhà thương. Nhưng vết thương nặng quá, ông tắt thở dọc đường , không kịp dối dăng được điều gì.
       Còn người thanh niên khám trong người không thấy thẻ căn cước gì cả. Chỉ có một tờ giấy thông hành đề tên “ Trần Cường , 27 tuổi ” và nghe đâu mới từ vùng ngoài vào trong này.
        Hiện anh ta đã bị giải về Ty Cảnh binh để lấy khẩu cung. Người ta ngờ rằng trong cuộc hạ thủ này có một nguyên nhân gì sâu sắc lắm. Được tin gì thêm bản báo sẽ đăng tiếp.”   
         Người gác để bạn đọc tờ báo xong thu về gấp gọn trong túi và chậm rãi :
          -    Sau khi bị giải về Ty Cảnh binh được mấy hôm cũng chưa kịp thẩm vấn gì , thì anh ta lên ngay cơn điên phải cho vào đây. Đấy cứ suốt ngày kêu gào đập phá như thế. Nhất là hơn tuần lễ nay bệnh lại nặng hơn. Nghĩ cũng tội nghiệp.
         Có một người biết rành mạch câu chuyện trên kia đã kể lại tôi nghe. Và ngẫm nghĩ cũng là một chuyện hay có ích phần nào cho cái xã hội đen trắng hiện thời; hay ít ra cũng là một tiếng chuông cảnh báo cho một số người , tôi mượn nhời người bạn chép ra câu chuyện dưới đây .
*
        Trước ngày Kháng chiến toàn quốc, Cường đem gia đình lánh về một vùng quê ven sông Hồng . Anh hậm hực nhìn gánh nặng vợ con đã khiến anh không được làm tròn sứ mệnh của người trai Việt  trong đêm lịch sử đầy máu lửa . Giá mà thằng Dũng nhớn nhao hơn một chút- năm nay nó mới chỉ hơn một tuổi- và giá mà Hương đừng quá yếu ớt , đừng nhiều nước mắt thì anh nhất định “ chỉ để vợ con tản cư ” và quyết tâm ở lại.
          Nhưng mà, nhưng mà… anh cau mặt thở dài nhìn thằng Dũng đang khóc thét lên đòi ăn, nhìn Hương đang ủ dột ngồi thương tiếc những gì mất đi bên trong căn nhà cháy dở.
          Những ngày tản cư về đây, Cường cảm thấy mình như một con mãnh hổ khao khát rừng xanh mà bị giam cầm trong chiếc chuồng quá hẹp. Suốt ngày anh hết đứng lại ngồi và thở dài…
         Xa xa không ngày nào anh không thấy vọng lại những tiếng súng, không đêm nào anh không thấy lửa đỏ rực một góc trời . Sốt ruột quá …
        Thế rồi một đêm , sau nhiều suy tính, anh lén thu xếp hành trang , viết vội mấy chữ để lại trên bàn. Anh âu yếm đặt nhẹ một cái hôn lên trán Hương, và kéo sát cái chăn lên cổ thằng Dũng.Rồi lặng lẽ hé cánh cửa liếp, anh lao mình vào trong bóng tối.
        Mờ sáng hôm sau Hương trở dậy. Không thấy chồng, nhưng thoáng thấy lá thư. Không cần xem , nàng cũng hiểu ngay. Nàng hiểu chồng nàng đã thầm khóc nhiều đêm nhìn lửa cháy. Nàng rưng rưng nước mắt ôm thằng Dũng lên lòng và khi nó hỏi :
-          Ba đâu hở mẹ ? Ba đi đâu sớm thế ?
Nàng trỏ về phía xa, mơ hồ nói như cho chính lòng mình nghe :
        -     Ba ở đằng kia kìa, nơi Dũng đang nghe có nhiều tiếng súng. Ba đang đi làm nhiệm vụ của người trai Việt. Dũng đừng nhắc luôn đến ba kẻo ba sốt ruột . Rồi ba sẽ lại về với Dũng.
       Thằng bè phụng phịu không bằng lòng :
-          Nhưng bao giờ ba mới về với Dũng.Ba có đem quà cho Dũng không ?
Hương lại phải nựng nó, tuy lòng nàng lúc ấy cũng đang muốn khóc:
       -     Dũng cứ yên tâm, thế nào ba cũng về với Dũng, thế nào ba cũng mang quà cho Dũng ! Nhưng cần nhất là Dũng phải ngoan. Dũng không được khóc vặt quấy mẹ.
       Nàng nói đúng . Chừng nửa tháng sau vào lúc chập choạng tối, nàng vừa bưng niêu cơm từ dưới bếp lên nhà, đã nghe tiếng thằng Dũng reo lên trong buồng: “ -  A ! ba … ba … “
          Cường đang tươi cười ôm con trên tay . Anh mặc bộ võ phục màu vàng, cạnh sườn đeo lủng lẳng một lưỡi lê . Hương không nén được cảm động trước lối phục sức đổi mới của chồng :
-          Anh đã về !
Cường âu yếm đặt tay lên vai vợ :
        -    Nhân tiện , anh cùng đơn vị kéo qua đây , anh ghé về thăm em và con; rồi lại phải đi ngay !
        Anh móc túi lấy ra một cái còi, một cái kẹo bột đưa cho thằng Dũng :
        -    Đây quà cho “ chó con “ đây ,ở nhà đừng có gọi đến “bố” để “bố” yên tâm nhé . Lắm hôm đang bữa cơm cứ hắt hơi sặc sụa khiến các anh ấy cười biết ngay là ở nhà vợ con đang nhắc. Tệ quá.
        Chợt anh hốt hoảng nhìn đồng hồ :
        -    Chết chửa thế mà đã mất hơn nửa tiếng rồi, chắc anh em đang đợi lắm.
        Anh vơ lấy cái mũ đội chụp lên đầu, Hương níu tay chồng như  van nài :
        -    Hơn nửa tháng vắng xa , anh không thư thả ở chơi với con được lát nữa hay sao. Nó nhớ anh lắm, nó hỏi em suốt ngày…
         Cường vuốt má vợ giọng ngọt ngào :
        -    Ồ sao em lẩn thẩn thế, anh còn nhiều việc khẩn cấp hơn là lòng nhớ vợ con. Em đừng ngăn trở để anh vui vẻ lên đường. Nghe anh, em ở nhà chịu khó săn sóc con, dạo này anh thấy nó xanh lắm, giời lạnh,em nhớ bắt con nó mặc quần áo cho ấm, nhất là ở hai nơi phổi và quanh đây lắm ao chuôm, nó có tha thẩn đi chơi, em phải theo rõi. Và cả em nữa, em cũng nên tẩm bổ ăn uống cho điều độ, đừng có nghĩ vẫn vơ nhỡ ốm đau ở đây thì phiền lắm. Anh sẽ năng về thăm em !
          Từ đấy thỉnh thoảng chừng vài ba tháng Cường lại tạt về nhà thăm vợ con. Mỗi bận về, Hương lại thấy chồng già đi một chút , đen hơn một chút ,nhưng trái lại trên môi anh nụ cười càng tươi hơn, càng sáng hơn xưa, không bao giờ anh quên đem quà cho thằng Dũng và lựa lời an ủi vợ. Và có khi phải đi ngay, có khi đủ thì giờ qua một đêm ân ái mặn nồng với Hương , anh lại lên đường đem theo một chí phấn đấu hòa với một niềm tin tưởng khôn cùng.
         Ngày ngày, Hương lặng lẽ nuôi con. Nàng mở một cửa hàng xén con con ở chợ để lần hồi buôn bán trong khi chờ đợi ngày “chiến thắng chàng trở về “ .Cứ thế cuộc sống nhẹ nhàng trôi đi bình tĩnh…
        Bỗng một ngày kia, một quân nhân trẻ tuổi mặc bộ cánh nâu tìm nàng ở chợ với bộ mặt quan trọng:
         -    Thưa chị, xin chị thứ lỗi. Chị có phải là chị Trần Cường ?
        Linh tính như báo trước điều gì , Hương run run :
        -    Vâng, chẳng hay có tìn gì về nhà tôi . Anh làm ơn cho biết…
        Người quân nhân áo nâu vẫn chậm rãi :
        -    May quá , tôi đi tìm mãi. Để mời chị thu xếp về nhà , câu chuyện dài tôi muốn thưa riêng với chị.
          …Và chờ cho sự bình tĩnh đã dần trở lại với Hương,người quân nhân đặt chén nước xuống bàn:
         -   Thưa chị, tôi biết tin này sẽ làm chị đau đớn,nhưng xin chị hãy can đảm chịu đựng….
         Anh ngừng lại một giây và ái ngại nhìn Hương đang biến sắc mặt :
        -    Trong một trận sung sát ở M.X đêm hôm…vừa rồi, chúng tôi không ngờ gặp phải một lực lượng quá mạnh và quá đông. Bị bao vây đến hơn tiếng đồng hồ, anh em đã có người hy sinh, chúng tôi phải cố sức mở đường máu để tháo vòng vây. Trong khi đó anh Cường nhất định ở lại ứng chiến để cho anh em đủ thì giờ rút lui. Chẳng may anh đã bị trúng đạn và sa vào tay quân địch… chúng tôi rất lo ngại cho tính mệnh của anh, vì người chỉ huy lỗi lạc ấy vẫn thường dành những thất bại nặng nề cho quân địch, nên địch vẫn e dè và theo rõi anh…
         Sự đau đớn đến cực độ và đột ngột khiến Hương không còn đủ nước mắt mà khóc. Nàng chỉ thầm oán số mệnh. Nàng ôm chặt thằng Dũng vào lòng  cảm thấy từ nay nó sẽ yếu ớt hơn . Mấy cái cột nhà cũng thêm trống trải và bóng tối mau về hơn chiều nay trên nền nhà quá rộng.
       Thế rồi từ đấy trong thôn…ngày ngày có một thiếu phụ mặt ủ ê vai đeo gánh hàng, tay dắt một đứa con nhỏ ra chợ. Chiều đến hai mẹ con lại lủi thủi dắt nhau về , lặng lẽ như những bóng ma. Nhưng lần này khi đứa bé hỏi :
        -    Ba đâu hở mẹ ? Sao mãi lâu nay ba không về chơi với Dũng ? Ba giận Dũng rồi chăng ?
        Nàng chỉ nghẹn ngào xiết chặt lấy con.
-          Dũng đừng hỏi đến ba luôn.Ba đương mắc việc bận, Thế nào một ngày kia ba sẽ về với Dũng
         Sự đau thương lâu dần cũng theo thời gian hàn gắn. Công việc nhà cửa buôn bán bận rộn đã làm nàng khuây khỏa dần nỗi mất mát quá lớn. Tuy nhiên vẫn làm gợn lòng nàng những đêm mưa gió ,khi thằng Dũng thấy lạnh cứ luôn cựa mình  và hỏi “ba”. Nó vẫn tin lời mẹ: bố đang mắc bận ở xa, thế nào một ngày kia cũng về với nó. Cho đến một buổi sáng kia , một tai họa bất ngờ xảy ra đã khiến nàng đành mang lỗi với người chồng vắng mặt.
        Sớm hôm ấy, khói lửa bỗng cháy rực trời , trong làng vang um tiếng khóc, tiếng hò reo, từng loạt đạn bắn rào rào, khóm tre rít lên theo chiều gió. Rồi một đoàn người áo dạ xám, mũ rộng vành vượt qua các hào sâu tiến vào làng. Đi đầu là một viên chỉ huy người xương xương ,mặt bừng sát khí, áo quần vương vết máu.
        Từng đám dân quê vẫn hốt hoảng bồng bế chạy dài. Từng tràng đạn tàn nhẫn đuổi theo .Những tiếng rú quằn quại. Những vệt máu đỏ tươi.
        Nét mặt cắt không còn hột máu, Hương run rẩy chui xuống một cái hào giao thông, trên tay nàng thằng Dũng tuy còn bé nhưng cũng đã biết lặng đi vì sợ .
       Bỗng Hương hét lên một tiếng. Người chỉ huy quần vương sắc máu đang tiến lại gần nàng theo sau là mấy quân nhân áo xám. Một vài lưỡi lê chúc về phía nàng nhưng viên chỉ huy giơ tay cản lại. Hắn cúi sát xuống nàng. Hắn nhận thấy người thiếu phụ ấy tuy đã một con nhưng bộ ngực nở nang vẫn còn nhiều quyến rũ,đôi má thắm hồng vẫn khiến nhiều kẻ phải thèm thuồng. Như hắn chẳng hạn. Hắn gỡ thằng Dũng trên tay nàng lẳng ra xa. Hương nhắm nghiền mắt lại .Nàng thấy tim đập mạnh, khắp cơ thể lạnh toát. Nàng sợ cái nhìn của tên chỉ huy quần vương sắc máu.
*
       Cuộc càn quét đẫm máu ấy không làm Phạm Khang được hài lòng lắm vì không “tóm” được một “đối thủ lợi hại ” nào. Nhưng bù lại đã có được Hương. Ngày lúc ấy, gã đem nàng đi theo đoàn quân áo xám. Thằng Dũng –mặc Hương kêu khóc van lạy- tên chỉ huy mặt lạnh như băng – đã từ lâu chết hẳn tình cảm thông thường của con người- lặng lẽ trao thằng bé ở dọc đường cho một người dân quê hiếm hoi đang cần đứa con nuôi. Gã bảo Hương :   
           -    Em không nên đem nó đi theo . Nó sẽ là cái gai , làm giảm hạnh phúc những ngày chúng ta chung sống.
        Và tên chỉ huy  mà cuộc đời từ bấy đến nay chỉ thuần là sắt và máu, từ khi có Hương bỗng cảm thấy  chán ghét những ngày bắn giết . Gã thấy cần một sự nghỉ chân, một mái nhà yên ổn, thèm thuồng một cái gì dịu dàng hơn, nhẹ nhõm hơn.
        Gã đem Hương về Hà Nội và cởi bỏ bộ áo lính, sống cuộc đời người dân buôn bán hiền lành hòng che lấp bao viễn ảnh đen tối của những chuyến hành quân khét lẹt mùi đạn pháo.
        Cuộc đời mới cũng đã dần làm thay đổi con người Hương. Tuy lúc đầu nàng có ôm một nỗi hằn học với Khang, nhưng sống mãi bên gã, bên cái khung cảnh xa hoa đàng điếm của Hà Nội, được sự chiều chuộng săn sóc rất mực của gã, với sự rộn rịp bao quanh nàng những cửa hàng nhung, len ,gấm để nàng tha hồ làm đẹp, những ánh đèn màu và điệu nhạc quay cuồng để nàng thảnh thơi giải trí và hàng bao thứ sang trọng đầy đủ khác. Hương gần như quên hết những thảm cảnh ao bùn, đất đỏ ngày xưa. Nàng đã có thể vui vẻ cùng chồng mới chiều chiều khoác vai đi dự những tiệc vui không bao giờ cạn của đất kinh kỳ .
       Lòng người đàn bà như một bông hoa đẹp thật nhưng cũng rất mỏng manh yếu đuối dễ ngả nghiêng, xoay chiều trước những cơn gió dữ.
       Nàng sinh được một đứa con khác với Khang. Nhưng thằng bé ra đời ác hại sao lại “bất thành nhân” cái cổ dài ngoẵng, da nhăn nhúm xạm đen như con vượn, tay chân kheo khư, hai con mắt thì đờ đẫn dại dại như kẻ vô hồn. Đây là đứa con đầu nên Khang không tiếc tiền chạy chữa , nhưng cũng chỉ được vài tháng, nó đã không còn ở với gã . Hơn năm sau Hương lại sinh đứa thứ hai. Thằng Ninh đủ cân đủ tháng và quá dư thừa những sâm nhung tẩm bổ ,nhưng nó vẫn quắt queo , còm cõi, xanh bủng xanh beo. Hương thở dài nhìn con thoáng nghĩ đến thằng Dũng những ngày chạy tản cư, sao trong cảnh vất vả khoai sắn thiếu thốn đủ điều mà nó lại vẫn mập mạp, xinh xắn đáng yêu thế, không biết bây giờ ở đâu, Những kỷ niệm xưa hầu như đã phai nhòa trong lòng nàng, nhưng tự nhiên đôi lúc nhìn thằng Ninh đang quấy khóc đòi ăn, Hương bỗng bật thành tiếng hỏi chồng:
             -   Anh này không biết thằng Dũng hiện giờ bằng nào rồi nhỉ. Tội nghiệp không biết nó còn sống hay đã chết ?
          Thì Khang cau mặt :
           -     Ồ anh đã dặn em bao lần không nên nhắc lại những ngày bất hạnh ấy. Nó sống hay chết hiện lay với em thì còn liên quan gì (?). Em đã bước sang cuộc đời khác, hãy để tâm mà xây đắp vun trồng những gì đang có hôm nay. Đừng để những ám ảnh đen tối của quá khứ đầu độc những giờ phút lẽ ra phải rất ấm êm hạnh phúc của chúng ta.
           An ủi vợ như vậy nhưng chính Khang cũng cảm thấy ngại ngùng. Gã nhận ra một đoạn đời gã hôm nay cũng như đời cha gã trước đây đã gây quá nhiều tội ác.
         Hắn vào lính mang theo một tâm sự điên cuồng. Khẩu súng hắn cầm là hoàn toàn tự nguyện- khác hẳn với nhiều tuổi trẻ khác mỗi đợt “ động viên” đã coi như một nạn” ôn dịch” luôn tìm mọi cách để lẩn trốn, thậm chí có khi tự hủy hoại một phần cơ thể để có cớ được “miễn hoãn” như tự chặt đứt ngón trỏ bàn tay phải, hay lao vào xe điện cho nghiến đứt cả một bên đùi và v..v..
         Cơ nghiệp nhà hắn hàng nghìn mẫu vừa đồn điền trang trại vừa ruộng đất, phải sử dụng đến ô tô những lần đi thăm ruộng. Bố hắn một thời hét ra lửa, gia nhân đây tớ hàng trăm người cứ phải xanh xám dạ ran. Thời vàng son ấy không bao giờ còn nữa với gia đình hắn. Hắn thấy cay cú , tiếc nuối.
        Do đó những cuộc hành quân vây ráp do hắn chỉ huy bao giờ cũng tàn bạo nhất , đem lại những sự khủng khiếp nhất cho những người dân quê.
       Hắn cho phép quân lính dưới quyền được tự do : đốt, cướp, giết, hiếp. Hắn có cả một chuỗi dây thép xây những cái tai người bị hắn sát hại - lâu ngày đã khô đét- mà hắn luôn giữ bên người như một niềm tự hào (!) một chiến tích (!) hắn thường huyênh hoang bên tiệc rượu với những tên sĩ quan râu quai nón mắt xanh lè…
       Một cái khoát tay của gã, bao mái ấm gia đình tan nát, bao làng mạc yên vui thành tro bụi, những đòan người tím bầm thân thể bị trói giật vào nhau thành từng xâu dài bị dẫn đến trước một bãi cỏ rộng hoặc ven bờ một con sông và những tràng đạn tiểu liên đua nhau mà nã vô tội vạ, lấy thân người làm điểm hồng tâm tập bắn.
        Bóng ma của những linh hồn thác oan giờ đây lúc nào cũng lởn vởn, chập chờn trước mắt gã, trong tâm tư gã, trong cơn mộng mị, trong lúc nghỉ ngơi ăn uống, cả những lúc nhàn tản dạo chơi. Lần đầu tiên cái gã từng xâu chuỗi tai người làm một thú chơi kỷ niệm- cũng đã thấy rờn rợn. Hắn nghĩ đến thuyết Nhân Quả. Hắn nghĩ đến hai đứa con hắn hình thù quái dị, bất thành nhân mặc dù hắn đã đắp vào không biết bao nhiêu là tiền của thuốc men. Hắn cho thiết lập một bàn thờ Phật sơn son thếp vàng ngay trên tầng gác ba – ngày nào hắn và Hương cũng xì xụp khấn vái- hoa thơm trái ngọt luôn chất đầy trên khán thờ,mùi trầm hương ngào ngạt, mù mịt , nhiều lần chị sen vào lau chùi đã phát ho sặc sụa. Hắn đem từng xếp tiền lớn cúng cho nhà chùa, xây đắp tượng đài, tu sửa nghĩa trang. Với ai nếu chưa biết, hắn cũng giấu biệt cuộc đời binh nghiệp trước đây, cũng như việc hắn có được Hương trong một cuộc hành quân… Tuy nhiên, nhiều lúc hắn vẫn thấy sợ, một nỗi lo sợ vẩn vơ, những nỗi ám ảnh dai dẳng. Hắn lệnh cho gia nhân đầy tớ là cứ sau 7 giờ tối là mọi cửa ra vào, cổng sắt chính phải đóng kín , khóa chặt, ai hỏi cũng trả lời đi vắng , không tiếp.
        Và cũng đôi lúc , gã vẫn ân hận… Cái thằng Dũng sao bữa ấy gã không tiện tay xiên cho nó một nhát lưỡi lê vào ngực có phải hay không mà lại trao nó cho một người dân quê… có nghĩa là nó vẫn được nuôi dưỡng, nó vẫn còn sống, nó sẽ nhớn, và hẳn nó sẽ không quên được câu chuyện này…
       Hương ít lâu nay cũng chung một tâm trạng như chồng. Nàng cứ đứng ngồi không yên như bị bao trùm bởi một sự đe dọa vô hình đang ngày càng đến gần. Nhiều lần từ giã một tối dạ hội đi về, nàng gục đầu vào vai Khang bật ra cái điều mà nàng vẫn phấp phỏng bấy lâu nay tuy cố giấu :
       -     Anh này, em có cảm giác là Cường không chết. Cường đã trốn được và trở về đây…Trông thấy chúng ta thế này, Cường có để yên không ? Trời ơi ! Em sợ quá…
      Khang cười quái gở :
        -     Em lo chuyện trời đổ. Một thằng chỉ huy cỡ bự sa vào tay bọn Pháp thì khi nào nó để cho sống. Mà dù không chết thì cũng thành tật suốt đời vì những đòn tra tấn, việc gì em phải sợ. Hơn nữa trong này, màng lưới mật thám , cảnh binh dày đặc, con chim sẻ bay qua cũng không lọt, một thằng đang bị truy lùng như thế họa có mà điên mới dám chui đầu vào đây…
      Gã cố làm ra vẻ bình tĩnh, ru thằng Ninh trước mặt vợ :
        -     Cái trước mắt đối với em hiện nay là gắng trông nom tẩm bổ cho thằng Ninh được khỏe mạnh giúp anh, kẻo nó quặt quẹo xanh xao lắm. Còn mọi chuyện vớ vẩn, đã có anh lo, em hãy rũ sạch trong đầu óc đừng để bận tâm kẻo rồi lại sinh ra ốm đau bệnh tật thì khổ, em làm anh buồn lắm…
            Nhưng Hương vẫn không thể tự trấn an được mình . Có những đêm đang nằm thiêm thiếp bên cạnh chồng , nàng bỗng chồm dậy hét to làm Khang giật nảy mình bừng tỉnh. Mặt Hương trắng bệch, người đầm đìa mồ hôi, đôi mắt lạc hẳn tinh thần, nàng trỏ tay vào bóng đêm nơi cuối chân giường :
        -     Em vừa nằm mơ thấy Cường hiện về…người đầy máu me, quần áo rách bươm…Cường nhìn em trừng trừng, Cường đòi em trả lại thằng Dũng rồi sấn đến bóp cổ em sằng sặc. Trời ơi ! Em sợ quá…bóng ma, bóng ma…Kia kìa, Cường vẫn đang đứng ở dưới chân giường…
            Khang tuy cuộc đời đã từng thản nhiên chủ trì bao cuộc hành quyết, nhìn bao thây người giãy giụa nhưng lúc ấy cũng thấy khắp người nổi da gà. Hắn ôm lấy Hương và bật vội cùng lúc tất cả năm sáu ngọn đèn sáng trưng cả trong phòng. Phải rồi, anh bật đèn lên, bật tất cả đèn lên. Em sợ bóng tối, bóng đêm. Anh Cường, em chắp tay lạy anh, xin anh tha thứ cho em – em đâu muốn thế. Dũng, mẹ xin lỗi con…Trời ơi…trời ơi…
*
             Câu chuyện thời sự trên báo kia xảy ra đã được 5 năm, từ khi Khang đem Hương về Hà Nội.
              Hôm ấy vô cớ Hương bỏ bữa cơm chiều . Một vẻ băn khoăn thấp thỏm lộ rõ trên gương mặt nàng lâu nay vốn xanh xám nay càng xanh xám hơn .Nàng hết đứng lại ngồi thờ thẫn .Vú em đưa thằng Ninh đến gần nhưng nàng chỉ gắt. Nàng bảo Khang :
        -     Sao hôm nay em thấy trong người cứ bồn chồn , nôn nao, linh tính như báo có chuyện gì sắp xảy ra, em sợ lắm…
          Khang cố cười , vuốt tóc vợ  :
        -     Em bấy lâu nay cứ bị những hình ảnh đen tối ám ảnh nên hay nói lảm nhảm không đâu. Để mai kia, anh mời ông thầy cúng đến nhà làm cái lễ giải hạn cho em. Còn bây giờ, anh dẫn em đi coi chiếu bóng cho thư thả đầu óc. Rạp Olympia chiếu phim Mỹ “kiệt tác tô mầu”Maria Montez đóng hay lắm .
          Nhưng ngồi trong rạp được chừng mươi lăm phút thì Hương lại kêu rức đầu và sốt ruột đòi về. Khang lại dẫn vợ vào hiệu ăn .Nhưng nét mặt Hương lúc này nhợt nhạt như người chết đuối. Nàng chỉ buông đũa và thở dài . Nàng vơ vẫn hỏi chồng, cái câu đã hỏi nhiều lần và cũng đã nhiều lần được chồng giải đáp :
        -     Anh này, Cường còn sống hay đã chết ? Cường có vào trong này được không ?Trông thấy vợ chồng chúng ta thế này lại biết việc anh vứt thằng Dũng dọc đường , Cường có căm thù chúng ta không ? Thằng Dũng không biết bằng ngần nào rồi. Giá ngày ấy anh đừng tách nó ra khỏi vòng tay em thì có phải tốt hơn không ? Bây giờ nó ở đâu, sướng hay khổ. Nhớn lên nếu biết em vứt bỏ nó ,không biết nó hờn oán em đến đâu …
           Và nàng bỗng dưng hốt hoảng giật tay  Khang :
        -     Ta về đi anh. Vào phòng ngủ bật hết đèn lên. Nhanh lên anh, em sợ lắm ! Bóng tối !....
          Khang thấy khó chịu , nhưng gã cũng thấy rờn rợn vì những câu lảm nhảm của Hương . Lại một lần nữa gã cảm thấy đôi tay gã đã rúng nhiều máu quá . Sự thực gã còn trẻ lại có học vấn. Tương lai gã còn dài ,có thể nếu cứ bình thường ra cũng sẽ có một cuộc sống thảnh thơi hạnh phúc như bao người khác! Nhưng giờ đây, bóng đen của quá khứ cứ luôn theo dõi hành hạ gã, không để gã yên- chập chờn ám ảnh gã có lẽ trong suốt quãng đời còn lại kể từ đây. Gã uể oải đứng lên lấy mũ áo và trả tiền hàng  :
        -     Thôi chúng ta về. Tối nay em như bị ma ám làm sao ấy. Có lẽ anh phải mời bác sỹ tới nhà để khám cho em.
         Hương loạng choạng đứng dậy không vững :
        -     Vâng anh đưa em về đi. Ngoài phố vắng, em thấy sợ lắm. Trời ơi ! Cường … Cường !...
*
          Hà Nội vui lắm. Hà Nội ăn chơi và chóng quên. Hà Nội nô nức áo quần và ngợp trong son phấn. Có ai biết rằng cùng trong những giờ phút xoang xoảng bạc tiền này thì tại khoa Tâm thần một bệnh viện kia có một người điên cứ ngắc ngoải sống mãi để rồi đôi lúc lại rú lên:
          -    Dũng, Dũng ! Con ở đâu…?
           Hay cười ha hả  :
        -     Giết ! Giết ! Ác phu – dâm phụ …
 
                                                               Thủ đô 09-10-1950             
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2013 11:05:56 bởi nvietdung >

NgụyXưa
  • Số bài : 880
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.01.2007
  • Nơi: Thái Bình Dương
Re:CHẬP CHỜN BÓNG MA - 24.09.2013 07:30:54
Anh Việt Dũng,
 
Tác giả truyện này cũng là Băng Hồ, phải không?
 
Xin anh xác nhận trước khi chúng tôi mang truyện vào thư viện. Xin cám ơn anh.
 
NX