Truyện ngắn: Người nhận vơ
Ngày gửi: Hôm qua 10:59
Đã sửa 1 lần, lần sửa cuối bởi
tung van vào Hôm qua 14:49
Trruyện ngắn
Người nhận vơ
Về hưu, lương không đủ nuôi mấy đưa con ăn học,hắn theo người ta đi làm phó nhỏ nghề thợ mộc. Được vài tháng ông phó cả già ốm không đi làm được nữa. Hắn không biết bấu víu vào ai, cũng liều cắp cưa đục đi hết các xó xỉnh để hỏi việc làm. Vì chưa biết làm nên hắn sợ không dám đến hỏi việc ở những gia đình có bát ăn bát để, dám thuê thợ đóng những món đồ to tát nhiều tiền mà chỉ mon men đi đóng các đồ vặt vãnh hoặc sửa lại những đồ mộc hỏng như giường long phản gãy, cũi chó chạn bát.
Hắn tìm đến nông trường, nơi phần lớn chỉ có đàn bà con gái, hoặc đợc thân, hoặc một mẹ một con, ít đàn ông; nếu nơi có đàn ông thì những việc ấy đâu đến lượt hắn!
Những tháng đầu, hắn đi nhiều hơn làm, vì có ai mướn đâu mà làm. Sắp hết tiền mang theo, về thì ngại với vợ con. Cùng quẫn, vừa ở bộ đội về, chưa đầy bốn mươi tuổi hắn làm đơn xin nghỉ hưu. Chả hiểu thế nào hắn lại có cái quyết định ngu dại thế? Đang làm chuyên viên ở cơ quan Văn phòng Bộ, tuy không sướng nhưng ở cái vị trí mà nhiều sĩ quan mơ cũng không bao giờ có được.
Về hưu, hắn dồn tất cả tiền lương mấy tháng lĩnh trước, bán hết quân trang, quần áo dạ của Quân đội cấp phát để làm ba gian nhà cấp bốn trên đồi đất chông chênh. Thiếu tiền không vay ai được hắn đành phải bỏ lại nửa gian nhà thiếu ngói lợp, mà che tạm bằng những mảnh giấy dầu, áo vải mưa, rồi vội vàng xách cưa đục theo người ta đi kiếm tiền.
Chả biết đến bây giờ, kinh tế sung túc rồi, hắn có còn ân hận với cái quyết định về hưu vội vàng và có cho rằng đó là cái quyết định sai lầm chết người không? Chắc là không! Vì hắn có lý của hắn.
Lang thang đến bạc mặt, cuối cùng cũng có người mướn hắn đóng bộ bàn ghế ngồi. Hắn mừng thì ít, lo thì nhiều - Đã bao giờ hắn tự tay đóng một bộ bàn ghế hoàn chỉnh đâu. Nhưng hắn liều cứ mạnh dạn nhận làm.
Chủ nhà là một nữ công nhân cũng trạc tuổi hắn, trông lam lũ nhưng vẫn có nét duyên của thời con gái, sống cùng đứa con trai chừng tám, chín tuổi. Những năm chiến tranh chống Mỹ chị cũng đã từng là Thanh niên xung phong, sau có chủ trương xây dựng kinh tế, Đoàn Thanh niên xung phong của chị được chuyển sang bổ sung cho nông trường, chị và mọi người trở thành công nhân.
Làm một nhà, hắn lại phải ngủ nhờ một nhà khác có đàn ông. Trò đời, cũng là để tránh điều ong tiếng ve.
Hơn nửa tháng trời, hắn loay hoay bào đục mà vẫn chưa dóng khung được bộ bàn ghế lên, hắn vừa lo, vừa xấu hổ với Hoàn chị chủ nhà. Tuy không nói ra mồm nhưng nghe chừng chị Hoàn cũng tỏ ra sốt ruột "Không biết ông thợ này làm thế nào đây?... Thợ gì mà dáng thư sinh như nhà trí thức ấy...", nhưng khi thấy hắn loay hoay vất vả, trời rét mà đổ mồ hôi hột ra thế kia thì...nghĩ thế rồi chị mặc kệ cho hắn làm bao giờ xong thì xong.
Một hôm Hoàn đi làm về, nét mặt có vẻ bực dọc, miệng lẩm bẩm gì hắn nghe không rõ, hắn tưởng ai nói gì về mình để cho chị ta bực dọc nên vể mặt hắn buồn buồn trông thật tội nghiệp.
Lúc sau vẻ mặt Hoàn trở lại bình thường, chị đến chỗ hắn làm, có ý gợi chuyện, Hoàn cất tiếng:
-Em nói không phải, bác bỏ quá cho, chị cười-trông bác không giống thợ mộc tý nào...
- Sao chị lại nói thế, thì tôi đang làm thợ mộc ở nhà chị đây mà. Chị Hoàn cười nói tiếp:
- Em trông bác giống cán bộ lắm, ngón tay bác thế kia mà bảo là thợ nộc thì em không tin tý nào cả, dáng của bác còn bằng vạn tay giám đốc Nông trường em ấy.
Hắn lảng sang chuyện khác, hỏi chị:
- Vừa rồi có ai nói gì mà chị có vẻ bực mình thế? Hay là tôi làm chậm thì chị bực mình?
- Ấy chết, không phải thế - Hoàn phân bua - chả là em năm lần bảy lượt đi xin làm giấy khai sinh cho cháu đi học mà nông trường với xã không giải quyết, họ đổ lẫn cho nhau, có người nó thối mồm còn bảo không có chồng mà có con thì ai người ta khai sinh cho. Cái thân em khổ, em chịu được, nhưng thấy con không được đi học thì em khổ lắm, lớn lên cháu biết làm gì? Thế rồi Hoàn kể cho hắn nghe cuộc tình chớp nhoáng của chị cùng một số chị em ở nông trường này.
Người đến với Hoàn là một thanh niên ít hơn Hoàn ba tuổi, cũng chỉ là cuộc tình chớp nhoáng mỗi người theo đuổi một mục đích riêng; Hoàn cần có một đứa con, còn người thanh niên kia chỉ là muốn thoả mãn cơn khát tình của tuổi trai tráng. Thậm chí họ đến với nhau trong một đêm, chưa kịp tìm hiểu nhau về tên tuổi, quê quán, cứ thế lăn xả vào để đạt mục đích, xong xuôi họ cũng không còn kịp để ân hận nữa, mỗi người đi một phương, chính vì vậy để đến bây giờ Hoàn cũng không biết nên đặt cho con họ gì của người bố.
Nghe xong chuyện hắn thở dài và nhủ thầm "âu cũng do chiến tranh, làm con người ta đau thương hơn, mất mát cũng lớn hơn".
Mấy hôm sau, hắn viết hộ cho Hoàn một lá đơn, trình bày đủ lý lẽ, và nêu ra những căn cứ mà pháp luật buộc chính quyền, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho công dân, nhất là quyền của trẻ em.
Hoàn cầm đơn lên ban giám đốc nông trường rồi ra uỷ ban xã, nhưng rồi buồn bã về không. Về nhà chị không dám nói ra yêu cầu trái khoáy của cơ quan nhà nước.
Hắn hỏi ra mới biết chính quyền yêu cầu phải có người đứng ra bảo lãnh hoặc nhận đứa trẻ là con ngoài giá thú thì mới được làm đăng ký khai sinh.
Suy nghĩ mất hàng tuần lễ mà không tìm ra cách giải quyết. một hôm hắn bảo Hoàn đưa mình ra gặp chính quyền sở tại.
Đến Uỷ Ban xã, ai người ta cũng nhìn Hoàn và hắn với ánh mắt dò hỏi, nhưng hắn mặc kệ, gặp được phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, hắn trình bày thay cho Hoàn về nội dung và mục đích phải đến chính quyền là để xin làm thủ tục khai sinh cho con, để cháu được đi học.
Tranh luận hàng nửa giờ đồng hồ mà phó chủ tịch xã vẫn không chịu nghe ra, cuối cùng hắn phải dẫn chứng nêu ra một số trường hợp, cùng ở nông trường, cũng có con ngoài giá thú mà sao họ được đăng ký khai sinh cho con, còn trường hợp của con chị Hoàn thì không?
Trưởng công an đuối lý khùng lên:
- Những trường hợp ấy tôi không làm nên không biết, ngừng một lát, ông ta nhìn xoáy vào hắn đặt câu hỏi:
- Nhưng mà tôi hỏi thật anh, anh có liên quan gì với mẹ con nhà chị này; nếu anh nhận là bố đứa trẻ thì tôi chả ngại gì mà không làm khai sinh cho nó!
Nghe Phó Chủ tịch xã nói vậy, hắn đỏ mặt, uất quá, nếu không kìm lại thì hắn đã tống một quả đấm vào mặt lão rồi. Hắn nói như gầm lên:
- Ừ, nó là con tôi đấy! Nói rồi hắn móc túi lấy chứng minh thư đập đánh đét xuống bàn làm việc của phó chủ tịch:
- Đây chứng minh thư sĩ quan của tôi đây, ông khai sinh cho cháu đi. Ông phó chủ tịch cầm chứng minh thư của hắn, há hốc mồm nhìn hắn rồi lại nhìn chị Hoàn, thái độ dịu xuống có phần kiêng nể hơn lúc đầu. Một vài người cả nhân viên chính quyền và người dân trố mắt nhìn hai người vẻ dò xét.
Cuối cùng con chị Hoàn cũng có cái giấy khai sinh để mà nhập vào học lớp một - Thế là cháu đã lỡ mất hai năm học, theo tuổi phổ cập!
Tiếng dữ đồn nhanh, tiếng lành đồn xa, một hai hôm sau cả nông trường đều kháo lên cái tin "con mẹ Hoàn thế mà hên, tự nhiên kiếm được ông chồng đạo mạo quá!"
Biết không thể kiếm tiền bằng cái nghề lang thang đi gõ cửa từng nhà để sửa giường long phản gãy này được nữa, hắn bỏ về quê. Trước khi về, hắn nói với chủ nhà:
- Thú thật với chị, tôi mới học nghề thợ mộc, cũng chỉ vì cùng đường, có lẽ cái nghề này không hợp với tôi, sau này tôi sẽ kiếm việc khác làm cho phù hợp với sức vóc của mình. Còn bàn ghế đóng cho chị nó chả ra làm sao, chị dùng tạm, tôi cũng không dám lấy tiền công của chị.
Mẹ con Hoàn quỳ trước mặt hắn, nước mắt dàn dụa nói:
- Đây là một lạy của mẹ con em, mong bác nhận lấy, bác đã cứu giúp mẹ con em, ơn này em và cháu không bao giờ dám quên. Hắn hốt hoảng:
-Ấy chết, sao chị và cháu lại làm thế, tôi biết đến đâu làm đến đấy, may mà xã họ cũng nghe ra, chứ tôi làm được gì cho chị và cháu đâu.
Gà gáy sáng hôm sau, trời vẫn còn dày đặc sương, hắn đã dắt xe đạp đến chào mẹ con Hoàn để về quê.
Hoàn đã chuẩn bị sẵn cơm nắm và ít tiền để đưa cho hắn về xuôi.
Cơm nắm thì hắn miễn cưỡng nhận, còn tiền Hoàn đưa, Hắn dứt khoát không nhận, nói thác ra là để mua sách bút cho cháu đi học.
Mẹ con Hoàn tiễn hắn một đoạn đường dốc, hai ba lần hắn giục chị về để hắn đi kẻo muộn...
Hắn đạp xe đi khuất rồi mà mẹ con Hoàn vẫn đứng nhìn hút theo - Hoàn tự nhiên thốt lên "người ở đâu sao mà nhân hậu!"
Vĩ thanh buồn
Người vợ của hắn biết được câu chuyện, bí mật dò hỏi so sánh tuổi của thằng bé với thời gian hắn ở chiến trường ra rồi thở dài tiếc cho cái oan sai ở đời.
Một lần vợ hắn nói với hắn: "Cho đến bây giờ vẫn còn cái oan Thị - Kính...em thương chồng và kính nể anh..."
29-9-2013-Tùng Văn
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: