MỘT ĐÊM GIAO THỪA (Băng Hồ)
nvietdung 05.10.2013 11:08:55 (permalink)
                                                         MỘT ĐÊM GIAO THỪA
        Sâm đặt cái gói xuống bàn rồi chạy lại giường lay lay hai bạn :
-          Xuyến, Thư dậy ,dậy chúng mày , sắp giao thừa rồi .
       Một luồng gió lạnh buốt ùa vào trong chăn , hai cô gái vội vừa kéo lên vừa càu nhàu :
-          Để im chúng tao ngủ, mới chợp mắt được một tý .
       Sâm ngồi xuống cạnh giường, nâng hẳn hai bạn dậy :
-          Thôi, con van các “mẹ” .Mời các “mẹ” dậy đi thôi, còn sửa soạn đón giao thừa chứ .” Con” mới mua được một ít đem về kia…
      Xuyến vừa ngáp vừa phì cười :
-          Nào, xem “con mẹ ranh” mua được những gì rồi mà làm rối cả lên.
       Sâm vui vẻ chạy lại bên bàn dỡ tung gói giấy . Mấy cân lạp xường, mấy khoanh giò, vài hộp mứt sen , hạt dưa, cam, táo, măng ,miến ,hai chai rượu tây, tút thuốc lá thơm đặt ngổn ngang trên bàn. Xuyến vồ ngay lấy một quả táo đưa lên mồm cắn ngấu nghiến bảo bạn :
-          Sao mua nhiều thế ?
       Sâm vừa lấy khăn lau mấy hạt nước mưa trên mặt vừa vui vẻ :
-          May quá đến toàn mấy cửa hiệu quen ,họ mới chịu bán cho vào lúc này .Chúng mày bảo nhiều gì, còn để ăn cả mấy ngày Tết chứ.
       Nàng hơi cau mặt khi đưa mắt nhìn gian phòng chật hẹp :
-          Chúng mày vẫn chưa dọn gì à ? Ai lại quần áo giầy dép với lại vỏ chai, tàn thuốc vẫn bừa bãi thế kia ? Dọn dẹp đi một tý chúng mày,chẳng mai tết nhất đứa nào đến chơi nó cười cho.
        Cả Xuyến lẫn Thư đều uể oải :
-          Còn đứa nào thèm đến thăm chúng mình giờ phút này mà mày phải lo.
        Câu nói vô tình gợi đúng tâm sự làm mặt ba cô gái thốt đượm một vẻ buồn buồn. Chưa lúc nào họ cảm thấy thấm thía tất cả cái hiu quạnh của cuộc đời mưa gió như đêm nay. Sâm ngao ngán nhìn chiếc khăn trải bàn. Nững vết ố của cặn rượu, những vệt đen của tàn thuốc ,những vết son loét lở- dấu vết của những trận cười thâu đêm lăn lóc, giờ phút này gợi trong lòng nàng những ý nghĩ mệt mỏi chán chường và chua chát. Nàng bảo hai bạn :
-          Con Xuyến liệu thay cái khăn bàn này đi và con Thu đem rửa ít bát đĩa dể đem đặt những thứ này lên bàn thờ cúng giao thừa. Cho dù không đứa nào đến, nhưng tết nhất cũng cần trang hoàng lại cửa nhà một chút cho nó đàng hoàng vui mắt.
       Thu lẳng lặng đem thau nước vào nhà rồi nàng đem bộ tách và ít bát đĩa ra rửa lại. Nhìn cái miệng tách đang cáu kết những cấn chè Tầu, nàng buông một tiếng thở dài nhè nhẹ. Sâm tinh ý bắt gặp:
-          Mày buồn gì thế Thu ?
       Thu ngừng tay trả lời bạn :
-          Tao thấy cái miệng tách cặn ố rửa thế nào cũng không sạch. Tao chợt liên tưởng đến đời ba đứa chúng mình.
       Sâm cố cười nói chặn :
-          Ơ con ranh này chỉ ăn nói lôi thôi. Đêm nay và cả ba ngày Tết nữa, chúng mày phải tuân theo lệnh tao.Cấm đứa nào được buồn hay làm bạn buồn vì những chuỵện không đâu. Chúng mày phải vui lên, cười to lên, nói to lên .
       Xuyến rải cái khăn khác lên bàn, đang kéo cho ngay ngắn , nhìn thẳng vào mắt Sâm :
-          Mày nói vậy nhưng tao không tin. Bởi vì ngay trong lúc mày hô hào chúng tao vui, nhưng tao vẫn thấy trong tiếng cười của mày có cái gì không thật…
       Quả thế, tiếng cười của Sâm nghe như xé ruột. Nếu những cơn gió bấc đêm Trừ tịch như càng làm tăng thêm cảnh đầm ấm quây quần của những gia đình êm vui thì, trái lại , là những trận cuồng phong lạnh lùng và tàn nhẫn khơi thêm bao nỗi tê tái  trong tâm hồn không phên liếp của ba cô gái giang hồ kia. Một mẩu đời quá khứ của mấy chị em quay ngược trở lại như một cuốn phim độc địa .
      Trước đây, họ đều là các cô gái quê thơ ngây trong trẻo,chít khăn vuông mỏ quạ mặc áo tứ thân, môi se chỉ quết trầu và hay thẹn thùng đỏ mặt khi phải tiếp chuỵện một chàng trai. Họ ở sau những lũy tre xanh khác tỉnh nhau ,nhưng cơn gió loạn ly một buổi nào đã xua họ về đây và sống tụ tập trong cái hè phố bụi bặm này. Mỗi người một hoàn cảnh một số phận , để rồi rút lại cùng đẩy họ đến cái nghề bán vui cho thiên hạ. Từ những cô Tý, cô Bưởi, cô Mão, nay trên cái đất lộng lẫy kinh thành họ đã mang những tên mỹ miều khác : Tuyết Sâm, Kim Thu, Lệ Xuyến. Từ những mái tóc dài đen nhánh, họ đã để biến thành những đợt sóng gợn lăn tăn hung hung vàng. Đôi má mịn màng rám nắng đã được trát lên bao tầng phân son nham nhở , đôi lông mày lá răm nhỏ mịn đã được nét bút chì than tô những đường dài đen thẫm cong cong. Và chiếc áo đồng-lầm buộc giải chéo ngang đã được vứt bỏ để thay bằng những chiếc áo hàng mầu sặc sỡ nửa kín nửa hở để phô diễn những bộ phận có những đường cong và chiếc quần sa tanh mỏng dính đã thế cho cái quần lĩnh tía kín đáo ngày xưa phù hợp với bộ răng đen nhưng nhức hạt na đã được công phu cạo trắng bóng.
        Mỗi cô có một đoạn đời khắt khe hệt như “tiểu thuyết” mà họ thường thủ thỉ kể cho khách làng chơi vào những đêm mưa gió nhất,những nỗi oan khiên của một thời cuộc mà họ là những nạn nhân.
       Mở đầu, Xuyến lấy nhầm phải anh lính “pac-ti-giăng”đã có vợ và mấy con. Xuyến bị vợ cả và lũ con của anh lính một hôm đến tận nhà đánh cho một trận nhừ tử và dọa sẽ “giết” nếu không bỏ chồng chị ta ra. Nàng thất vọng bỏ lên Hà Nội. Nhưng túi hết tiền trong tay không có một nghề sinh sống, nghe nói ”kiếm ăn” bằng cái nghề này dễ dãi không cần đến vốn , nàng nhắm mắt đưa chân.
         Thu là một cô gái hoàn toàn thơ ngây từ một vùng “tề” chạy  lên Hà Nội để tránh bom đạn. Hôm đầu đang lúng túng không tìm đâu ra người quen để làm chỗ nương dựa thì nàng thốt nhiên gặp một bà mặt mũi phúc hậu đi qua tình nguyện nhận nàng làm con nuôi và đem về nhà. Bà ta cho nàng ăn uống hậu hĩnh, may cho nàng mấy bộ quần áo hàng mầu. Thế rồi một hôm bà ta nhờ nàng tiếp hộ một người bạn đàn ông của bà ta. Thấy bà ta quá tốt với mình, Thu không dám từ chối. Và rồi mới đầu còn ngượng nghịu về sau cũng quen đi, những cảm giác đụng chạm không còn làm nàng bàng hoàng như mấy hôm đầu. Về sau đã có hiểu biết, nàng bỏ bà chủ nhà “phúc hậu”, về đây ở với Sâm, Xuyến mà những sự gặp gỡ cũng rất đỗi tình cờ.
        Duy có đoạn đời Sâm ít người được biết một cách tỉ mỉ. Trước kia, nàng là một cô gái đẹp có tiếng ở một vùng quê Kinh Bắc. Nàng đã có một người tình yêu nàng say đắm và cũng được nàng yêu lại : anh Hẹn. Hai người đã tính đến chuyện trầu cau thì một ngày xảy ra binh lửa. Nàng bị bắt trên một chiếc xe “ cam nhông” đem về Hà Nội. Rồi may mắn một thời gian được thả ra , nàng đang vơ vưởng đi tìm một nguồn sinh sống thì được một ông chủ tiệm nhẩy bảo nàng vào làm coi việc tiếp hầu rượu. Nàng được ông chủ may cho bộ quần áo mỏng dính, bắt nàng đánh phấn bôi son, cạo răng trắng , uốn tóc quăn và dạy nàng nói cả một vài thứ tiếng rât khó không quen thuộc với nàng từ trước tới nay.
        Dần dà Sâm cảm thấy đưa một tách cà-phê hoặc ngồi trong lòng một người đàn ông không quen biết không còn là một việc khó khăn hay đáng sợ. Nàng quen đi , cũng như ngày xưa ở vùng ngoài quen nhiều với tiếng súng.
       Thế rồi , một hôm Sâm đang cười rũ rượi trong vòng tay một quân nhân mặt đỏ như gấc, nàng bỗng thấy tiến vào một hình thù rách rưới nước da nhợt nhạt. Nàng tái mặt , lắp bắp :
-          Anh Hẹn !
       Nhưng người trai quê cũng cùng lúc ngửng lên, bắt chợt người quân nhân ngoại quốc đang áp mặt xuống môi nàng, ta thấy gã mím chặt môi rồi lủi vội ra bên ngoài. Sâm hốt hoảng chạy theo đã không còn thấy gã đâu nữa. Cách vài hôm sau, nàng được tin mấy người quân nhân ( nhà binh ) vừa đem xử bắn một người can tội ném lựu đạn vào một quán rượu lúc họ đang ngồi uống. Người quân nhân mồm sặc sụa hơi men kể đến đây, tiện vui miệng tả lại cả hình dáng và tên tuổi anh chàng liều lĩnh kia. Và chỉ thiếu chút là Sâm đã ngã xỉu trên tay người tình chốc lát, khiến cho gã này phải ngạc nhiên :
-          Em bị cảm đấy à ?
        Sau cái bận ấy, Sâm từ bỏ tiệm nhẩy về ở chung với Xuyến nhưng cũng từ đấy cuộc đời giang hồ của nàng cứ luôn luôn bị ám ảnh bởi những vết máu, một hình  người rách rưới, mặt xanh xao, chân tay bị trói chặt đem ra cọc bắn, trước khi chết đôi mắt vẫn như trợn trừng giận dữ nhìn nàng. Sâm bất giác rùng mình nhắm mắt lại. Xuyến đang theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình, ngẩng đầu lên :
        -   Mày sao thế ? Hay lại đang nhớ đến anh Hẹn của mày. Tao thấy mày nhiều lần vớ vẫn như thế lắm rồi . Nó chết thì thôi, việc gì mà thương mà xót mãi . Đấy như tao đấy, tao bỏ hẳn thằng ”pac-ti-dăng” mặc dù nó vẫn còn yêu tao, thỉnh thoảng gặp tao, nó vẫn năn nỉ tao về ở với nó, nhưng tao cứ “phớt” như không . Nhớ làm gì hở mày, cái tụi đàn ông ấy…
        Thu nhẹ nhàng phản đối bên tai Xuyến :
         -    Mày vô ý quá Xuyến ạ .Mày không biết biết kính trọng cái tâm sự của nó. Cái thằng “pac-ti-dăng” của mày nó lừa dối mày , thì mày có thể dễ dàng quên được ngay, nhưng trường hợp đây, chúng nó đã yêu nhau, đã sắp sửa cưới nhau …
         Sâm uống cạn chén rượu nhìn Thu nặng trĩu yêu thương như nhìn một người em gái. Nàng kéo Thu sát vào lòng mình :
         -   Cám ơn mày, mày hiểu tao hơn con Xuyến. Nhưng trông gương mặt mày,tao chắc mày cũng đang có điều gì ưu tư…
       Từ xa, vẳng lại một tràng pháo nổ rời rạc. Một cơn gió mạnh thổi thốc vào làm xô động hai bên cánh cửa . Thu ngẩng nhìn Sâm, hai mắt long lanh :
      -   Sâm ạ ,những ngày Tết như thế này, tự nhiên tao thấy nhớ tiếc thời con gái ngày xưa, cái tuổi vô tư , trong trắng, lòng không hề gợn một nếp răn…
      Câu nói của Thu thốt ra làm cả Sâm với Xuyến cùng thấy lạnh buốt bên sau gáy . Óc liên tưởng làm họ ngao ngán nhớ đến những ngày Tết năm xưa, làng họ còn thanh bình và họ còn là những cô gái quê lòng thơm non dại như mùi hương bưởi lúc đêm khuya. Họ nhớ đến những ngày trịnh trọng đầu năm, họ mặc những bộ cánh mới, cái yếm vải phin trắng nõn nổi bật sau lần áo tứ thân, cái thắt lưng nhiễu màu hoa đào lẳng lơ với bộ dây xà-tích duyên dáng.Họ nghĩ tới những buổi lên chùa dâng nhang lễ Phật, các thanh niên trong làng nhìn họ ngấp nghé, và có anh đã đặt thành “vè” để ướm gửi tâm tình. Họ nhớ đến những bữa cơm ấm cúng gia đình dưới mái tranh mộc mạc nhưng chan chứa tình yêu thương, với những mái đầu bạc phơ, với bầy em nhỏ dại tiếng cười ròn rã. Nhưng ngày nay thân họ đã không còn thơm và non dại như mùi hương bưởi, học hẳng bao giờ còn dám quay về để lên chùa dâng nhang lễ Phật, và chẳng còn những bữa cơm rộn tiếng nói cười bên những người thân.
        Mấy năm lăn lóc trong những thú vui lợm người ,những trận cười suốt sáng, họ tưởng rằng những ràng buộc về dĩ vãng đã chết hẳn. Nhưng không ngờ đêm nay, cai đêm trừ-tịch thiêng liêng, ngồi kiểm điểm lại cuộc đời, họ bỗng thấy xót xa vì bao nhiêu nhớp nhơ, lầm lỗi. Lòng họ ứ lên niềm hối hận vô căn và bỗng thấy thèm thuồng bờ giếng nước, khóm tre xanh với lại cái mái tranh mờ tỏa làn khói bếp đầu cành.   Sâm ngậm ngùi bảo bạn :
      -   Kể ra đời ba đứa chúng mình cùng buồn cả. Nhưng đáng ân hận nhất là con Thu chỉ vì một sự nhẹ dạ mắc lừa con mụ chủ dầu, đã đem dúng bùn cả một tấm thân trinh bạch. À , từ hồi ấy đến giờ gia đình mày chạy đâu ?
        Thu mắt buồn xa xăm :
       -   Gia đình tao ấy à? Từ độ tây về, chạy mỗi người một ngả . Tao còn một đứa em gái, kém tao hai tuổi, đáng yêu lắm. Không biết hiện giờ nó làm gì ,ở đâu , hay cũng lại theo gót tao đây, thì thật vô phúc quá !        
           Xuyến buông sõng một câu :
        -   Còn gia đình tao thì chết hết cả rồi .Một quả bom rơi trúng nhà. Thôi thế cũng xong. Đỡ phải bận tâm.
          Sâm không trả lời . Quê nàng qua một vài đám cháy dữ dội, giờ đã thành “tề” rồi. Gia đình nàng cũng đã trở về nguyên vẹn cả , và vẫn đang mỏi mắt chờ đợi “tin tức của chị Tý chúng mày” . Đường đi lối lại tuy vẫn dễ dàng mà Sâm chẳng bao giờ dám quay về nữa. Thân nàng ô uế lắm rồi, nàng thấy sợ hãi khi phải nhìn lại bao bộ mặt thân thuộc cũ cùng cái khuôn mặt già héo của bà mẹ anh Hẹn, chắc hẳn giờ còn héo hắt hơn xưa, từ dạo người con trai bỏ lên thành phố để chẳng còn thấy trở về.
         Từ đầu phố, những chiếc pháo bỗng thi nhau nổ . Chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường ngân nga đủ 12 tiếng dài thong thả . Sâm bảo hai bạn :
       -   Sửa soạn cúng giao thừa đi chúng mày. Con Xuyến bầy các thức ăn ban chiều lên bàn thờ , con Thu thắp hương rót rượu và đặt mấy xếp tiền và quần áo để xon đây đốt cho các cụ. Còn khấn để tao…
         Cả ba cô gái cùng xì xụp khấn trước bàn thờ . Cầu xin Trời Phật linh thiêng, Đức Phật từ bi hỉ xả, cầu xin Thổ công  Thổ địa phù hộ độ trì cho chúng con gặp nhiều may mắn, đủ ăn đủ mặc , gặp người chân thực yêu thương …Cầu xin Tiên Tổ thứ lỗi cho những đứa con bất hiếu làm điếm nhục cả gia đình…
        Họ cứ khấn tha thiết lắm, dài lắm. Mùi khói hương ngào ngạt như làm họ lạc hẳn vào thế giới tâm linh. Có lẽ trong giờ phút thiêng liêng hiếm hoi này, họ đã có những ăn năn hối hận thành thực nhất, tâm hồn như được chuốt lại vọng về một nẻo mơ hồ nào đó đã xa và tinh khiết.
       Cúng xong Sâm rót rượu vào chén đưa cho hai bạn :
       -   Uống đi  mừng xuân mới. Tao thấy thằng Dương nó hẹn Giao thừa năm nay sẽ đem ô tô đến đón con Thu đi hái lộc đền Ngọc sơn phải không? Thảo nào từ nãy đến giờ , trông “con bé” có vẻ đứng ngồi không yên…
        Xuyến tàn ác :
        -    Tin gì chúng nó. Toàn một bọn xỏ lá, thằng nào cũng như thằng nào, chỉ được cái tốt mã và khéo mồm. Cái thằng hôm nọ đến đây khoác lác những là tham tá với tham biện, nhưng chính là một thằng bán vé trên xe điện chiều qua tao vừa bắt gặp ở Bưởi. Lại cái thằng Hùng, tao biết tỏng tòng tong nó đã có vợ và bốn con hẳn hoi, nhà ở phố Hàng Đũa vậy mà đến đây vẫn tỉ tê kêu yêu con Sâm tha thiết muốn lấy làm vợ, vậy mà mày vẫn chịu khó tin được.
         Sâm chép miệng :
        -    Tin gì chúng nó. Nhưng mà mất gì một cái ừ hữ hay một bộ mặt làm ra vẻ khờ dại dễ tin. Cái nghề này dạy tao kinh nghiệm không nên làm phật lòng bất cứ một đứa nào. Nhưng thâm tâm tao thấy thằng Dương đối với con Thu có vẻ chân thực thật đấy. Trong ba đứa mình đây, có đứa nào gặp diều may mắn tao chúc mừng cho !
              Xuyến bĩu môi :
        -    Chân thật. Đấy rồi mày xem đêm nay nó có đem ô tô đến đón con Thu đi lễ đền Ngọc Sơn như đã hứa không ? Những giờ phút thiêng liêng thế này thằng nào cũng còn phải hú hí với vợ con chúng nó ở nhà , chỉ trừ khi nào lòng chúng nó mệt mỏi rã rời mới tìm đến chị em mình. Chúng mình bất quá chỉ là cái món đồ chơi chốc lát đổi lấy mấy tờ giấy bạc chứ tình nghĩa gì, hứa hẹn gì ! Tao có ác cảm với tất cả tụi đàn ông , kể từ cái thằng chồng đầu tiên của tao , cái thằng lính “pac-ti-dăng” kia !
           Lại một tràng pháo nổ ròn ngay đằng sau nhà như muốn cắt đứt câu nói hận đời của cô gái giang hồ rớm nhiều vị chua cay. Qua những khe hở cánh cửa một cơn gió tê tê lọt vào. Cả ba người cùng thấy gây gấy lạnh. Họ ngồi sát vào nhau và cảm thấy căn buồng chật chội hàng ngày bỗng dưng lúc này thành rộng lớn quá. Lòng họ như thiếu thốn một cái gì  và không nói ra nhưng trong thâm tâm cả ba cùng đang mang mang chờ đợi một tiếng gõ cửa như mọi ngày . Họ cố điểm lại gương mặt của những kẻ từng thề thốt hứa hẹn với họ trong căn buồng này và hi vọng một trong những bộ mặt ấy sẽ giữ lời hứa đến chơi đem lại cho họ chút hơi ấm lửa đêm nay. Tiếng gió khua xào xạc ngoài cửa. Sâm để ý nghe, ngờ ngợ :
          -    Này, hình như có người gõ cửa chúng mày ạ !
        Xuyến mỉm cười chua chát :
           -   Yên tâm , không đứa nào đến thăm chúng mình vào giờ giấc này đâu mà phải chân thành chờ đợi thế !
         Nhưng Thu đã xốn xang ngoắt ra mở cửa . Nàng bỗng thấy rùng mình một cái nhẹ. Bên ngoài hè phố tối om rét mướt , những thân cây âm thầm rũ xuống như những hình người đứng chịu tang , mấy hạt mưa lạnh buốt hắt vào mặt nàng. Không có ai gõ cửa cả. Thu lẳng lặng khép cánh cửa lại, cố giấu một tiếng thở dài . Xuyến hỏi châm chọc :
   -    Thế nào , chàng Kim Trọng đã đem ô tô đến để đón nàng Kiều đi du hành thưởng Xuân chưa ? Chúng tao đợi mãi …
         Sâm đưa mắt nhìn Xuyến như thầm trách đã động mạnh đến tâm sự kín đáo của bạn. Bỗng nàng lại chăm chú lắng tai nghe. Lần này,mặc những tiếng mưa gió quằn quại bên ngoài , nàng cũng kịp phân biệt mấy tiếng gõ cửa rụt rè, e ngại . Nàng bảo Thu :
           -    Mày ra mở cửa xem . Lần này tao quyết với mày thế nào cũng có người…
          Nhưng Thu chưa quên được phút bẽ bàng vừa rồi. Sâm đành đứng dậy, ra tháo cái tấm then gỗ. Quả nhiên, một thân hình xô theo đà cánh cửa, đổ sập ngay xuống nền nhà suýt nữa va phải người nàng. Thu đang ngồi , hốt hoảng chồm lên :
           -    Anh Dương !
           Nhưng không phải. Đó là một người đàn ông xa lạ mặt mũi tím bần trong chiếc áo sợi mỏng và quá rách , người nhợt nhạt ướt sũng nước mưa …
*
         Một giờ trước hắn còn lang thang ngoài phố , gội những hạt mưa phùn và tắm những cơn gió thấu xương. Hắn vừa qua một cơn khủng hoảng ghê gớm của tâm linh và có lẽ là kẻ đau khổ nhất trong đêm trừ tịch này. Mắt hắn long lên sòng sọc, lòng hắn ứ lên như muốn vỡ. Hà hà , giá gặp “chúng nó” lúc này  hắn có thể giết cả hai mà không thèm run tay.
       Nguyên do câu chuyện thế này. Hắn và một vợ, một con nhỏ mới từ một vùng quê chạy lên Hà Nội, hy vọng được sống yên ổn như bao người khác.
       Sự thực lúc đầu nghe vợ tỉ tê ngồi khóc lóc rủ lên Hà Nội, hắn cũng chần chừ mãi không muốn đi. VÌ hắn biết cái mảnh đất kinh thành kia tiếng là giàu sang thừa ứ bơ sữa và hàng xa xỉ nhưng phải đâu với hạng người như hắn không chữ nghĩa, không họ hàng thân thích. Nhưng làm cái thằng dân vùng “tề” này cũng nhiều bất trắc lắm. Đầu tiên là cái nạn sách nhiễu dọa dẫm của mấy ông Tổng ủy, Xã ủy, mấy tay Hương dũng bất chợt lúc nào đêm hôm cũng có thể đấm cửa thình thình đòi vào khám nhà , truy lùng “V.M.”( Việt Minh), muốn yên chuyện phải có cái ”đưa tiễn” mới xong . Tiếp đến là những cuộc vây quét, những phát đạn “moóc-chê” vô cớ nã vào làng của cái”bốt” nơi ngã ba tỉnh, mạng người dân không bằng con sâu, cái kiến lúc nào cũng nơm nớp như cá nằm trên thớt. Kêu ai ? Kiện ai? Thôi đành như các cụ dạy …36 chước…cứ chọn cái hèn nhất, nhưng cũng khôn nhất mà làm.
      Thế là ba vợ chồng con cái bồng bế dắt díu nhau thuê xe đò lên Hà Nội. Vốn liếng dành dụm trong bao năm ở quê mới lên Hà Nội chưa được nửa năm, hắn đã cho đi hết sạch. Ngoài việc sắm một căn nhà ọp ẹp xóm ngoại ô mái tôn, tường vách đất, một cái giường gỗ mua lại phải thêm nhiều chiếc đinh để “củng cố “ bốn chiếc chân xiêu vẹo, bộ bàn ghế bằng tre nứa với lại ít bát đĩa nồi niêu, cái xoong quấy bột cho thằng Quân-những thứ không thể thiếu được cho cái khởi đầu của một cuộc sống dù là hiu hó nhất.
       Xong rồi hắn cạy cục vác những lá đơn đi khắp các công sở, nhà hàng, cửa hiệu tư nhân để xin việc làm, nhưng ở đâu hắn cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu với một điệp khúc đều đều nhã nhặn :” Ở đây chúng tôi đủ người rồi, xin ông vui lòng chờ cho ít ngày xem có khuyết chỗ nào chúng tôi sẽ xét đơn của ông”
         Chẳng “vui lòng” thì cũng phải chịu, mấy tháng nay rồi mặt hắn mỗi ngày một vêu ra và con hắn mấy hôm nay lại ốm, tiền thuốc men chạy chữa hắn bù đầu lên nhưng cũng không xoay đâu nổi. May sao, giữa lúc khó khăn thì anh Khải, một người bạn thầu khoán vẫn đến chơi luôn với vợ chồng hắn, đã có lòng tốt giúp đỡ vợ chồng hắn ít nhiều để chia xẻ “gánh ưu tư” với anh chị.
        Mấy hôm nay Xuân Tết nhưng nhà hắn không có chút gì là hương vị Xuân Tết cả ,ngoài hai cái bộ mặt xanh bủng xanh beo của bố con hắn ( còn vợ hắn thì trông vẫn cứ phây phây)với lại ngần ấy cái bị vứt lỏng chỏng khắp nhà. Hắn cố chạy thuốc men cho thằng bé mà nhiệt độ sáng nay có lúc đã tăng một cách đáng ngại và cho cả cái dạ dày của hắn từ chiều qua chưa có một hạt cơm nào …
       Nhưng kiếm đâu ra tiền trên cái đất Hà Nội nhất là vào cái giờ phút cuối năm này. Giơ tay ăn xin ư? Hắn chưa quen, vả lại cái nghề kêu gọi lòng trắc ẩn của thiên hạ cũng phải có nghệ thuật lắm lắm !
      Vay ai lúc này khó lắm vả lại hắn chẳng có ai quen trên cái thành phố xa lạ này,chỉ có anh Khải,nhưng anh ấy đã “quá tử tế, quá tốt” với mình rồi, không nên lạm dụng người ta quá. Bởi vậy âm thầm như một bóng ma ,hắn đi không rồi lại về không. Nhưng vừa đẩy cửa bước vào nhà , hắn bỗng cảm thấy có ngay một cảm giác rờn rợn.
       Không nghe có tiếng ơi hời nựng con của vợ hắn và tiếng khóc cằn cặt của thằng Quân. Căn nhà im ắng như tờ .Hắn chạy vội vào.Không thấy vợ con hắn đâu cả. Hắn bỗng để ý đến mảnh giấy gấp tư đặt trên chiếc bàn tre,nét chữ bút chì vội vàng của vợ hắn:
       “ Anh…anh đã không lo nổi sự no đủ cho vợ con,vậy tôi xin vĩnh biệt anh để đỡ cho anh một gánh nặng…Thằng Quân lẽ ra theo tình phụ tử thiêng liêng tôi đã trao lại nó cho anh, nhưng vì anh nuôi anh chưa xong nói chi đến nuôi nó, nên tôi phải đem nó theo tôi, hơn nữa nó lại đang sốt cao. Anh là người cũng hiểu biết, vậy mong anh đừng nên trách móc gì tôi cả… Có trách thì trách cái thời buổi loạn ly , khó khăn này…Chào vĩnh biệt…”
          Hắn mở nắp hòm. Bao nhiêu quần áo tư trang vợ hắn đem đi hết sạch, chỉ còn lại mấy cái quần áo lót rách nát của hắn. Hắn cắn môi suy nghĩ. Vợ hắn tứ cố vô thân dám đi đâu một mình trong cái thành phố đông đúc xa lạ này nếu không có kẻ cám dỗ rủ rê …Ai ? Hắn bỗng giật mình. Phải rồi , thằng Khải, thằng bạn mà hắn từng cảm động vì “quá tử tế, quá tốt với mình, không nên lạm dụng lòng tốt người ta quá” Một vài bận Khải đến chơi, hắn thấy vợ hắn có những cái nhìn Khải “quá đáng“ và một buổi tối vừa đi tìm việc trên phố về , tình cờ hắn nghe trong nhà có tiếng nói chuyện rì rầm, qua khe cửa nhìn vào hắn thấy Khải đang cúi sát bên tai vợ hắn thì thầm những gì có vẻ thân mật lắm, còn vợ hắn thì từng lúc lại cười rúc rích.Nhưng lúc đó lòng đang bận rộn với những chuyện sinh kế nên hắn cũng không để ý lắm những hiện tượng đáng nghi ngờ này. Bây giờ biết ra thì đã muộn. Lòng hắn run lên vì căm giận. Hắn gào lớn : “ Vợ !  Bạn  !  Đồ khốn nạn…! “
        Hắn hùng hổ giấu một con dao trong người và khóa cửa đi ra . Lòng hắn nuôi một ý nghĩ trả thù ghê gớm .Hắn tưởng tượng hai đứa gian phu dâm phụ đang hú hí với nhau trong phòng kín rồi lưỡi dao này sẽ hoa lên đẹp lắm.
       Đêm khuya dần,những hạt mưa phùn rơi ướt đẫm trên đầu, trên cổ bỗng làm hắn thấy dìu dịu lại. Và hắn sực nghĩ mình làm thế này là dại lắm, ờ mà dại lắm… Việc gì phải khổ thế “nó” đã phụ mình thì cũng quên hẳn đi cho nó biết ,tức bực thế này, ra có vẻ vẫn cần đến nó à ? Vả lại hoa lưỡi dao này lên không biết chúng nó có đủ chết cả đôi không – có chết cả hai đứa mới thỏa được cái hờn căm của hắn- nhưng chỉ biết rằng người ta sẽ gông tay của hắn lại, sẽ cho hắn vào tù, tồi ra sẽ có nhiều sự ê chề khác nữa. Cái tâm sự đau đớn và nguyên nhân sâu xa có ai chịu biết cho đâu, người ta sẽ chỉ trỏ hắn và xì xào những lời không êm tai chút nào :  “ Thằng giết người ! Thằng giết người !”
        Bởi vậy hắn thấy cái nóng nẩy chẳng đem lại một việc làm kết quả, hắn quẳng lưỡi dao – một con dao tây sáng loáng rất sắc – vào một vườn hoa làm vật kỷ niệm cho ai sớm mai mồng một đi qua sớm nhất. Rồi hắn lại đi. Hình ảnh phụ bạc của vợ hắn, nỗi nhớ con bỗng nguôi dần để hắn chỉ còn nghĩ đến cái dạ dày của hắn. Ờ sao đói thế này. Ruột gan hắn như đang biểu tình bên trong. Hắn mang máng nhớ ra rằng đã hai hôm nay hắn chưa có cái gì vào bụng .
        Gió rét, mưa lạnh, bụng đói, lòng run hắn hoa cả mắt tưởng như không còn đủ sức chịu đựng. Hắn ao ước rất giản dị, Tết này hắn có một căn phòng ,một cái giường để mà thỏa sức duỗi thẳng chân ra nằm nghỉ với lại một vài chiếc bánh chưng. Rượu hay thuốc lá thơm, hay mứt sen, kẹo bánh là những thứ quá xa xỉ hắn không dám mơ đến. Chỉ cần mấy chiếc bánh chưng cho cái bụng khỏi nổi loạn trong lúc này.
        Một vài tiếng pháo nổ ròn bên quanh lôi hắn trở lại với cái hiện thực cơ cực. Phố xá vắng không người qua lại. Qua khe cửa một vài ánh điện dịu dàng hắt ra bên ngoài xen lẫn với những tiếng cười nói rộn rã của một gia đình ấm cúng. Hắn thấy rằng trong cái giờ phút thiêng liêng này ai cũng có một mái nhà,một cái bàn trải khăn trắng muốt để quây quần tụ họp đủ cả vợ chồng con cái chứ ít ai phải lủi thủi một thân một mình như hắn hiện nay.
        Phong phanh chiếc áo sợi mỏng, mặt hắn nhợt nhạt vì rét, hai hàm răng đánh vào nhau chan chát. Hắn ngó thấy một nhà kia có ánh đèn. Không cần nghĩ ngợi, hắn liều đi đến giơ tay gõ,nhưng hắn mệt quá rồi nên vừa lúc có người đi ra mở cửa thì hắn cũng ngã quay lơ xuống bên bậc cửa.
      …Và khi thỉnh dậy, hắn thấy mình đang nằm trên một cái giường đệm bông ngào ngạt mùi son phấn. Có người đàn bà “đẹp lắm” mái tóc uốn quăn,môi đỏ như son đang hiền từ nhìn hắn thương xót :
-          Anh đã tỉnh, anh uống chén rượu này cho đỡ lạnh.
       Người đàn bà rót một chén rượu mạnh đưa cho hắn. Hắn uống một hơi trong người thấy nóng bừng bừng và như tỉnh hẳn lại. Hắn đưa giả chén lòng nao nao cảm động trước những lời lẽ dịu dàng êm đẹp mà chưa bao giờ hắn được nghe thấy ở miệng vợ hắn( nhất là những ngày từ vùng “tề” chạy lên Hà Nội tránh cảnh đạn bom). Người đàn bà lại ngọt ngào bảo hắn :
         -   Chắc anh còn mệt .Anh chưa dùng gì thì phải. Tiện đây mời anh xơi bữa cơm Tất niên với chúng tôi nhân thể đón năm mới.
        Nàng đem mâm cơm cúng Giao thừa trên bàn thờ đến bên giường hắn. Hắn đưa mắt nhìn : giò chả, măng miến , thịt rán, thịt luộc, lại có cả tấm bánh chưng mà hắn đang ao ước… nước rãi cứ ứa ra ừng ực trong miệng hắn. Người đàn bà xinh đẹp và từ tâm ấy thân hành bóc chiếc bánh chưng và xắn từng miếng và đặt vào bát cho hắn. Đang đói cồn cào ,hắn ngấu nghiến ăn ngay thật ngon lành ,vừa đặt giả thiết nghi ngờ về ba người đàn bà có “tấm lòng thiện” với kẻ cơ nhỡ rách rưới như hắn. –hẳn đây là ba cô tiên nữ từ trên trời giáng xuống để cứu vớt những chúng sinh trầm luân đau khổ, nên mới có tấm lòng hỉ xả bao dung cho mình ăn uống thế này.
       Quả là một bữa cơm có lẽ ngon nhất , đáng nhớ nhất trong cuộc đời gần 30 năm nay của hắn. Lòng hắn nao nao cảm động… đôi mắt rưng rưng… chao ơi, hắn muốn khóc. Vậy ra ở đời này vẫn còn người “tử tế” với hắn thế ư. Cùng lúc ấy Sâm kéo Xuyến, Thu vào buồng trong nói nhỏ:
          -    Thật là mỉa mai , mình chờ đợi những ai ai thì lại dẫn đến anh chàng này. Hẳn đây cũng là kẻ có tâm sự đau đớn như chị em mình nên mới run rủi gõ đúng cửa nhà nhà mình vào những giờ phút tận cùng cuối năm này. Chúng mình hãy giữ hắn ở lại cùng ăn Tết một thể cho vui. Ít nhất nhà cũng có người đàn ông cho đỡ trống trải tủi lạnh. Và ít nhất những cuộc đời bất hạnh gặp nhau sẽ an ủi sưởi ấm lẫn cho nhau phần nào. Vì Xuyến, Thu ạ , chỉ trong cảnh cùng cực , cay đắng của kiếp sống, lòng con người ta mới dễ dàng mở rộng để cảm thông với mọi nỗi khổ đau của người xung quanh…
      Thu bóc một bánh pháo ra đốt trước cửa , tiếng pháo nổ đanh, xác pháo hồng bắn tung cả xuống lòng đường như cố xua đi cái lạnh lẽo ghê rợn của những đợt gió bấc cuối đông và để hi vọng chờ đợi một chút nắng ấm đầu xuân mới. Mấy nén hương cháy dở tên bàn thờ vẫn đang tỏa ra mùi thơm thanh khiết nhẹ nhàng… Xa xa tiếng chuông chùa gióng giả…
       Giao Thừa !....
 
                                               Hà Nội 3-1951   
 
 
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2013 11:10:01 bởi nvietdung >
#1
    Ct.Ly 10.01.2014 00:40:09 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9