Chương 1: Mùa đông ở Ozil
1. Ozil vào đông, vương quốc chìm trong làn hơi lạnh trườn xuống từ rặng núi Utal phủ đầy màu trắng tuyết; từ đỉnh trời xa, nơi những đám mây màu trắng trôi dạt lửng lơ, vòng ôm mấy ngọn núi cao còn say mềm trong giấc ngủ dài chưa vội tỉnh. Dưới chân đồi, những bông hoa loe kèn nở sớm phơi một màu lơ đỏ, phất phơ trong cơn gió trời vừa rớt xuống. Một lặng vắng kéo dài trên khắp dãy Utal từ hoàng hôn cho đến khi giọng người thợ rừng nghêu ngao hát bài dân ca, tay cầm rựa, chân nhanh nhảu đi trên con đường mòn nhỏ quen thuộc, dần leo lên ngọn đồi cây vào buổi bình minh nắng nhạt.
zeaw naoukj naeawj xoeivna goeiveaw mieaw xoeaw kyeiveaw xoeiveawaiz gouakaiz fuakmi ….. Trong mênh mông của dặm đường Nào có hay cuộc đời ai dài ngắn Phù du của đời người Sao sánh bằng chân lý vĩnh hằng Tiếng hát trầm trãi trầm lên Utal. Rặng núi dài hàng trăm dặm, bao quanh một thung lũng phì nhiêu, tạo thành một vùng đất cách biệt với thế giới bên ngoài. Hàng ngàn năm trước, trong truyền thuyết còn kể lại: vị trưởng lão Ozak Ik Tuk đã dẫn tổ tiên người Ozil vượt qua đại dương, xuyên chuyến hải trình dài đăng đẳng, ròng rã ba năm bộ hành mới đến được miền Utal để định cư. Những người Ozil được chọn lựa lần đó đã rời bỏ quê hương theo lời tiên tri của của vị thần linh tối cao dự đoán: sẽ có những sa đoạ tinh thần làm giống nòi Ozil suy thoái. Ngày tam giới sẽ gặp nạn vì lòng tham, thói dục vọng, sự thù hận và những đố kỵ nặng nề. Khi đó, người Ozil sẽ ra đi và biết mình trở lại thế gian nhận nhiệm vụ giúp đời thêm một lần nữa.
Lời tiên tri huyền bí được chạm khắc lại trước cổng chính bằng những hoa văn, những hoạ tiết trên những bức phù điêu ở đền Palik. Chín hình miêu tả từ thời khai thiên lập địa, thời hỗn mang, đến những dự báo tương lai chỉ có những bậc lão sư cai quản đền mới có thể giải thích được. Chín hình là chín vì tinh tú, còn gọi là Cửu Diệu Tinh Quân [1], đại diện cho chín vị thần lần lượt thay nhau cai quản tam giới trong từng chu kỳ có thời gian dài ngắn khác nhau.
Câu chuyện đó còn được lưu giữ tại Utal, giữ trong lòng người Ozil hàng ngàn năm qua.
Theo truyền thuyết xưa cũ, đền Palik được dựng trên ngọn đồi hướng tây Utal từ thời tổ tiên người Ozil vừa mới đến. Chính điện và thiền đường khoét sâu vào núi, mặt hướng về phương đông để luôn nhận được thứ ánh sáng tinh khiết nhất của vị thần Thái Dương Surya. Vào mỗi ngày, khi ánh nắng còn khuất lấp dưới chân đồi, mây tuyết vờn trên cao, các vị tu sĩ cởi trần ngồi trên những tản đá, khép mắt, cột suy nghĩ, trụ tâm để lắng nghe những chuyển động của buổi giao thời giữa đêm và ngày. Những rung dời trầm lặng của thiên nhiên được truyền đến tai trong một cái tâm lặng tỉnh, trong một đường chỉ dài nối đến nhận thức. Bài học trụ tâm vào cây cỏ và lắng nghe những rung động của sự vật được người Ozil thực hành từ lúc bập bẹ nói, tập mãi cho đến khi cảm nhận được suy nghĩ của người khác. Họ biết, mỗi người rung động theo mỗi chu kỳ riêng của nghiệp quả, theo sự xoay chuyển của các vì tinh tú đang lay động trên bầu trời xa xôi kia. Và mỗi sự rung động trong cái vòng tròn nghiệp quả không dứt đó đôi khi không tương thích nhau, va chạm nhau. Nên chỉ có cách lắng nghe và chấp nhận cái rung động riêng lẽ của người khác thì Ozil mới mãi bền vững trong cái thanh tịnh được gầy dựng hàng ngàn năm qua. Vì lẽ đó người Ozil trường chay, sống đơn giản, gần gũi với thiên nhiên. Họ không hiểu hận thù, chẳng biết căm ghét. Mộc mạc như đoá tuyết liên nhô ra từ kẻ đá, nở trắng trong màn tuyết phủ nhạt.
Ở Ozil có tuyết liên, một tạo vật cực hiếm trong ba thế giới, được thần Ozak Ik Tuk lấy giống từ cõi trời về gieo cấy. Tuyết liên bám rễ đất, lớn lên bằng tuyết, trưởng thành nhờ ánh nắng của mặt trời và trổ hoa bằng khí trời Utal. Loài hoa đó một năm nở một lần vào mùa đông. Hương thơm dìu dịu. Toả khắp xung quanh. Chỉ cần thiền định bên tuyết liên, mùi hương thanh tịnh của nó sẽ thấm vào người, làm tâm trí yên lặng, kéo thần thức của hành giả đi vào giấc mơ, chạm vào cõi thiên với các quầng mây sáng và trạng thái rung động tràn hĩ lạc.
Người Ozil coi tuyết liên là một bảo vật và có một lễ hội vào mùa hoa đơm nở.
Khi mùa đông kéo đến. Dưới chân núi, những lùm cây dại ngập ngụa trong tuyết, những vạt rừng rụi lá trơ sững bên triền dốc. Trên nhành cây hoang, vài con chim Putuk xếp cánh đậu, xoè chiếc đuôi dài bảy màu, nghiêng đầu, cất giọt hót những tràng âm thăng cao, ngầm báo cho cư dân Ozil biết mùa lễ hội tuyết liên đang kéo đến.
Lễ hội tuyết liên bắt đầu từ sáng sớm, khi ánh mặt trời còn mờ mịt dưới dốc, còn nhạt sáng sau ngọn đồi trúc có lá cành nặng trầm tuyết đọng. Trên đỉnh Utal, từng hồi chuông U Minh được đánh lên rền rung, âm vang, vọng xuống mặt hồ Peluk đông cứng một gom tụ thanh tịnh dài, trải lên những cánh tuyết liên xoè nở một lắng đọng linh thiêng. Dọc mảnh sân đá nhẵn, nhiều người đến dự hội từ tờ mờ sáng đang cuối quỳ trước bức tượng cẩm thạch hình thần Ozak ngồi trên toà sen, tay bắt ấn thí nguyện đặt giữa hồ. Những tín đồ thành kính hai tay đặt chéo lên vai, cuối đầu lạy, mong cầu một bình an của nội tâm, ước nguyện một hoà hợp chung cho cả gia đình. Xung quanh tượng, những bông tuyết liên nhô lên từ khe đá, khẻ rung rinh trong cơn gió vờn nhẹ tới.
Trên con đường độc nhất lên đền Palik, những phiến đá tam cấp ướt nhẫy trải xuống dưới chân đồi theo vòng cung lượn lượn. Từ dưới kia, một dòng người Ozil ngoài khoác áo lông cừu, đầu đội nón đan kết từ đuôi chim Putuk rụng, tay xách hoa quả chậm rải bước dần lên những bậc đá, rồng rắn leo lên đền Palik dự ngày lễ hội tuyết liên Ik Tuk truyền thống.
2. Mặt trời vừa nhú lên trong nền rực đỏ dưới chân núi.
Tất cả tín đồ đã tề tựu đông đủ ở lễ đường. Họ ngồi kiết già trên những tấm thảm đan kết lại từ các mảnh vải chín màu. Trong lối vào lễ đường, dọc hai bên vách đá, những bức tranh vẽ diễn hoạt sự kiện về vua Bàn Cổ Manu, về sáu vị nối ngôi kế tiếp nhau trông nom loài người trong bảy mươi mốt năm Mahayugas [2] cho mỗi nhiệm kỳ. Trên những mãng màu kết đọng đó, trong những đường nét nhạt đậm bật lên qua ánh lửa bừng phả ra từ hai dãy đèn dầu chạy dài; mấy hình ảnh khắc vẽ trên vách đá gợi mở, khơi dòng một huyền thoại cổ xưa về vua Bàn Cổ Manu hiển hiện sinh động như thác rơi suối chảy.
Manu trong một lần ra dòng sông Mây Trôi dạo mát, ngài chậm rãi bước đi dưới hàng cây xanh rung rì trong cơn gió lay vờn qua kẻ lá. Dừng bước trước một bãi bồi, đứng nhìn dòng nước đang chảy không ngừng ra biển cả, ngài nhớ đến dãy núi băng ngàn năm vĩnh cửu trên thượng nguồn, nghĩ đến cái luân chuyển không ngừng của tạo vật.
“Thượng nhân! Xin hãy cứu tôi!”
Manu khẻ giật mình, cuối tìm nơi vọng ra tiếng nói. Ngài nhìn thấy một con cá vàng mắc cạn trên một vũng nước lầy, nó quẫy đuôi, giọng van nài:
“Thượng nhân! Xin cứu tôi! Xin ngài hãy rõ lòng từ bi đem tôi về nuôi trong một cái bể”.
Chạy tìm một chiếc nồi gốm cũ bị vứt bỏ, Manu múc chút nước trong từ dòng Mây Trôi rúc rích chảy lòn qua kẻ đá và đem cá vàng về hoàng cung.
Cá vàng lớn rất nhanh. Bảy ngày nó lớn hơn cái bể vàng. Manu đặt nó vào giếng. Bảy ngày cá vàng lớn hơn giếng. Manu đặt nó vào một cái hồ. Bảy ngày cá vàng lớn hơn hồ nước. Manu cho người đem cá ra Sông Mây. Bảy ngày sau cá lớn hơn Sông Mây. Manu sai người chở cá vàng ra biển lớn.
“Hỡi cá vàng kia! Đây là đại dương sóng trùng, là biển rộng mông mênh, là nơi dành cho ngươi vẫy vùng thoả chí. Hãy trở về nơi chốn của người!”.
Nghe lời tiễn của Manu, cá vàng trồi lên mặt nước. Một đợt sóng vung cao khỏi đầu người, trong phút chốc nó hoá thành một hình người màu xanh, đuôi cá, cưỡi trên một con sư tử trời cánh trắng bay lơ lững trên nền trời.
“Này Manu! Ta chính là Thuỷ Diệu Tinh Quân Budha, thần trông coi biển cả. Ta vì lòng từ bi của ngươi dành cho loài người mà thị hiện. Ta vì lòng từ bi của ngươi dành cho loài người mà cho biết một thiên cơ: Trong vòng bảy ngày tới nhân loại sẽ gặp hoạ đại hồng thuỷ trong bốn mươi chín ngày. Làng mạc bị nhấn chìm, đất đai hoá bùn non, cây cối tàn thối rữa, động vật chịu chết trôi… Hãy về đóng một chiếc thuyền lớn và cứu loài người khỏi tai ương này”.
Nói rồi Thuỷ Diệu Tinh Quân tan biến sau làn mây trắng hạ xuống từ bầu trời cao thẳm xa.
Manu trở về, sai người ngày đêm lên rừng đốn cây xẻ gỗ, đóng một chiếc thuyền lớn đặt trên núi Mây Vờn.
Bảy ngày sau. Mây đen kín trời. Mưa đổ như thác. Biển dâng trùng trùng. Cuồng phong quần đảo.
Manu dùng thuyền đậu trên núi Mây Vờn cứu được một phần nhân loại. Từ đó, ngài được gọi là Đức Bàn Cổ Manu, người trị vì đầu tiên của loài người.
3. Buổi lễ tuyết liên sắp bắt đầu.
Sự yên lặng ngưng tụ trong trang trọng của lễ đường bị khuấy đảo lên từ tràng âm trầm vọng của hai người nhạc công mặc trang phục toàn đỏ đương thổi hai chiếc kèn đồng dài hình dấu hỏi. Tu tu tu. Từng hồi âm lượn bay, vọng vào vách đá, dội ra, dập dồn vào tai báo hiệu cho biết buổi lễ chính thức được mở màn. Sau hồi kèn dài, hai nhạc công khác cầm trống dhyangro bước ra từ sau tấm rèm, vừa đi vừa gõ. Từng âm khác biệt bừng ra từ hai mặt trống, một trầm một bỗng, một âm một dương như hai mặt trong thế giới nhị nguyên của âm thanh, của xao động, của lay chạm thay nhau xen lấp lên tiếng kèn thổi dài. Khi chuỗi tiếng trống dhyangro vừa dứt một đoản khúc trong bài tấu, hai nhạc công khác bước ra, mỗi người cầm một bộ chũm choẹ đồng tingsha nối nhau bằng sợi dây da. Hai bàn tay nhịp đều, hai cái chạm vừa đụng tới, nhả ra những dốc âm cao leng keng, thảy lên bài tấu một chênh dài vun vút như đứng trên ngọn Utal cao xa nhất nhìn xuống thung lũng, nhìn xuống dưới rừng cây rập rờn một màu xanh trùng điệp. Và buổi hoà tấu nối tiếp bằng tiếng lèng xèng từ chiếc kiền truỳ ghanta, tiếng leng reng từ chiếc chuông kim cương chữ vajra rung lắc lên trong bàn tay của hai người nhạc công cùng đều bước chân. Màn trình diễn nhạc cụ chấm dứt sau sự xuất hiện của người đánh nhạc cuối cùng với hai chiếc trống damaru nhỏ, trong đôi bàn tay lắc đều lắc đều.
Ozak beaiz gouakaiz xoeivuak weivf yuak Lueiveawyu rieivuak gouakaiz goeiveawf qaoukmi qaiz pueawf …..
Ozak vĩ đại của chúng ta Lướt qua đại dương rền rĩ sóng Đi lên những thảo nguyên và đồi núi Mở Ozil ra từ lòng bàn tay Thiên Đế Đặt chân lý trường cữu xuống Utal Bài hoà tấu “Ozak vượt biển” trỗi lên trong tiếng bỗng trầm của bộ nhạc cụ. Giữa cái nền lay động của âm thanh, hai vị tu sĩ trong màu áo choàng trắng, hai tay giữ bức tượng thần Ozak, từng bước từng bước đi ra, kính cẩn đặt tượng lên bệ thờ cao. Hai thiếu nữ đi sau, một tay giữ giỏ, một tay vung rãi những cánh hoa nhiều màu lên không trung. Tán hoa trải rộng hình cây nấm, mùi hương phất phảng len lỏi trong nền gió đông đặc đứng. Màn rước tượng kết thúc. Một hoạt kịch hoạ nền trên bài tấu “Ozak vượt biển” tiếp diễn trong tiếng nhạc lễ rộn ràng. Ozak xuất hiện. Ozak dẫn đường. Ozak ra đi. Quá khứ lịch sử đang trở về và hiển hiện sôi động trong vở kịch hoàn hảo.
Hơn một ngàn năm trước, khi Ozak Ik Tuk còn là một hiền giả khổ hạnh ở vương quốc Kim Cương.
Quốc vương Mệnh Khách cưới thêm nàng Phong Hoa xin đẹp trong bộ tộc điểu nhân làm vợ. Ông đặt nàng Phong Hoa làm phi, nàng Phong Nguyệt làm hoàng hậu.
Một lần quốc vương Mệnh Khách mời vị thiên nhân có biệt danh Bất Khổ vào cung nhận thọ thực. Dùng cơm xong. Muốn đáp lại lòng khoản đãi của nhà vua, Bất Động hỏi hai người vợ của vua có ước muốn gì thì ông sẽ giúp cho.
“Ta muốn có một đứa con trai uy dũng như nhà vua”. Không chút ngập ngừng, hoàng hậu Phong Nguyệt bày tỏ ước muốn với vị tiên nhân.
“Ta muốn có một trăm đứa con trai dũng mãnh như Mệnh Khách và một đứa con gái xin đẹp như Phong Hoa”.
Bất Khổ nghe xong nguyện vọng của Phong Nguyệt và Phong Hoa, bật cười lớn, nói: “hai vị sẽ được như ý nguyện”, rồi bỏ đi.
Một tháng sau cả hai nàng Phong Hoa và Phong Nguyệt cùng có thai.
Một năm sau hoàng hậu Phong Nguyệt sinh ra một người con trai đặt tên là Diệp Tố.
Hai năm sau Phong Hoa sinh ra một trăm lẽ một cái trứng. Chờ mãi trứng không nở, nàng tuyệt vọng định đem vứt đi thì Bất Khổ hiện ra nói: “vạn vật đều có trật tự của nó, không có gì là vô ích”.
Một năm sau. Trứng đầu tiên nở ra một người con trai, nhà vua đặt tên nó là Vĩnh Hảo Thứ Nhất; trứng thứ hai đặt tên là Vĩnh Hảo Thứ Nhì; cho đến Vĩnh Hảo Thứ Một Trăm. Trứng cuối cùng nở ra một người con gái, vương phi đặt tên nó là Bách Hoa.
Vua Mệnh Khách đặt tên cho một trăm người con bắt đầu bằng chữ Vĩnh Hão hầu mong có sự may mắn cho cả vương quốc Kim Cương. Nhưng đêm ấy, sau lúc một trăm lẽ một đứa con của Phong Hoa chào đời cùng cất tiếng khóc. Những âm sầu thảm phát ra từ hoàng cung làm chấn động cả vương quốc Kim Cương, thú rừng chạy tán loạn, lưu tinh hiện ra trên bầu trời hướng đông, sau vầng mây chói đỏ rồi sa xuống.
“Một trăm lẽ một đứa con của Phong Hoa chính là điểm gỡ của vương quốc Kim Cương”. Vị quốc sư nói với nhà vua.
“Ta phải làm sao đây?”. Khuôn mặt chứa đầy những ưu sầu không giải toả, Mệnh Khách hỏi quốc sư.
“Vì lợi ích của quốc gia, vì sự tồn tại của bộ tộc, xin ngài hãy đem một trăm lẽ một kẻ điểu nhân kia giết đi để tế thần”.
Nghe xong lời của quốc sư, Mệnh Khách càng băng khoăn hơn, chưa bao giờ cuộc đời ông đứng trước những lựa chọn khó khăn đến thế. Những vết nhăn trên gương mặt vua từng giờ từng giờ sâu trũng xuống, những sợi tóc bạc dần bạc dần trên mái đầu lớm chớm. Chết một trăm lẽ một người đổi lấy hàng vạn dân? Vương Quốc. Dòng tộc. Những đứa con.
Sau một đêm dài thức suy nghĩ, Mệnh Khách ra lệnh chuẩn bị giàn hoả.
Phong Hoa nghe tin con mình sắp bị đem thiêu sống thì khóc ngất. Hoàng hậu Phong Nguyệt tìm đến nhà vua, nàng khuyên:
“Trước, tạo hoá sinh thành lấy từ bi làm gốc; sau, vạn vật có chổ của vạn vật, chúng sinh có nơi của chúng sinh. Vạn hồi luân chuyển, thành bại vô thường. Quân vương há vì chút lợi ích riêng mà làm tổn hại đến các con”.
Nhà vua ngậm ngùi nhìn hoàng hậu.
“Sự việc đã ra cớ sự này. Nay để yên lòng dân, xin ngài hãy đem bọn nó bỏ vào rừng sâu, mọi việc còn lại phải xem tạo hoá của chúng”.
Mệnh Khách bớt sầu tư, cầm tay Phong Nguyệt, thầm cảm ơn lời sẽ chia của hoàng hậu.
Thời gian nối thời gian, chẳng mấy lâu mà đã hai mươi năm. Vua Mệnh Khách qua đời, truyền ngôi lại cho hoàng tử Diệp Tố.
Một trăm lẽ một đứa con của Phong Hoa sau khi bị nhà vua cho đem bỏ vào rừng sâu được Điểu tộc cứu vớt. Chúng lớn lên, trong lòng không nguôi mối hận bị đuổi khỏi vương quốc Kim Cương ngày nào. Vĩnh Hảo Thứ Nhất được Điểu tộc tôn lên làm vua.
Sau khi nghe tin vua Mệnh Khách qua đời, biết Kim Cương quốc suy yếu, Điểu tộc phát động chiến tranh chống lại nhà vua Diệp Tố. Kim Cương quốc kháng cự mãnh liệt. Cuộc chiến dài ba năm, không phân thắng bại. Người chết vô số, thây chất thành núi, máu chảy thành sông. Trời đất thảm sầu. Thiên Đế thấy động lòng muốn ra tay can thiệp.
Thiền giả Ozak Ik Tuk đang tịnh tu trong hang núi. Trong cơn xuất thần, ông nhìn thấy Thiên Đế hiện ra trước mặt và nói:
“Này hiền giả! Ngươi là một prajapati [3] tái sinh! Hãy đi thực thi sứ mệnh của mình. Kim Cương quốc sắp diệt vong, chúng sinh sẽ còn đại nạn lớn không tránh khỏi. Hãy dẫn dắt những người còn lại vượt qua biển lớn, đến một vùng đất gọi là Utal để bảo tồn. Một ngàn năm sau hậu nhân của họ sẽ trở lại giúp đời.”
Thiền giả Ozak nghe xong giật mình, xả thiền, rời hang núi. Trong đêm tối, ông và năm người bạn gọi các trưởng làng vận động người dân âm thầm theo mình rời khỏi Kim Cương quốc.
Chẳng lâu sau Diệp Tố thua trận, Điểu tộc chiếm lấy Kim Cương quốc, đặt tên nước lại là Kim Cương Điểu.
4. Màn hoạt kịch kết thúc.
Lễ đường chìm lặng trong bất động cho đến khi vị trưởng lão Ozak thứ năm mươi hai, người cai quản đền Palik, râu tóc bạc phơ, nét mặt đong đầy hỉ lạc bước ra trong chiếc áo tu choàng trắng. Các tín đồ xếp tay trong thế ấn hiệp chưởng chào mừng trưởng lão, mời ngài an toạ. Trưởng lão khoát tay ngồi xuống, mặt đối diện với các tín đồ, giọng ôn tồn:
“Này các tín hữu! Này những người con của Đấng Ozak! Này những sức mạnh ẩn tàng trên dãy Utal hùng vĩ! Mùa này tuyết liên lại nở ngát hương trong hơi lạnh của mùa đông ngưng đọng. Trong lòng bàn tay của Thiên Đế, dưới chân của Đấng Ozak, trên mảnh đất Utal, nơi những người Ozil còn bám trụ. Chúng con một lần nữa nguyện vì chúng sinh lầm lạc trong bể khổ mà trở lại, nguyện một lần nữa vì tình thương của Đấng Ozak mà hành động. Hỡi Ozak vĩ đại vĩnh hằng!”
Trưởng lão chấm dứt lời nguyện, hai tay xoè ngữa ra, mắt nhắm nghiền trong nền nhạc vang rộng. Rồi ông cuối lưng, rạp mình lạy. Bên dưới các tín đồ đồng thanh xưng tụng “Hỡi Ozak vĩ đại vĩnh hằng” ba lần, rồi cuối người xuống, cùng lạy.
-----------
Chú thích:
[1] Cửu Diệu Tinh Quân gồm chín vị thần đại diện cho chín hành tinh:
Bức thứ nhất thần Thái Dương Surya, thân thể và mái tóc có cùng màu vàng. Phù điêu miêu tả người trong cảnh rong ruổi qua những tầng mây, trên chiếc xe kéo bằng bảy con ngựa trời.
Bức thứ hai là Nguyệt thần Chandra đang lướt đi trong bầu trời đêm sáng trăng, trong màn sương mỏng giăng mờ, trong cổ xe màu đỏ kéo bằng con linh dương.
Bức thứ ba là Vân Hán Tinh Quân Mangala cưỡi con lừa đực màu trắng, thân hình màu đỏ và bốn tay. Một tay cầm đinh ba, một tay cầm hoa sen và hai tay trong tư thế bắt ấn.
Bức thứ tư là Thuỷ Diệu Tinh Quân Budha cưỡi trên con sư tử trời có cánh, thân hình màu xanh nước biển, một tay nắm hoa sen, một tay cầm gậy như ý.
Bức thứ năm là Mộc Đức Tinh Quân Brihaspati ngồi trên một hoa sen, một tay nắm xâu chuổi, một tay cầm gậy như ý.
Bức thứ sáu là Thái Bạch Kim tinh Shukra màu trắng ngồi trên một hoa sen, một tay nắm xâu chuỗi, một tay cầm gậy như ý.
Bức thứ bảy là Thổ Tú Tinh Quân Shani cưỡi trên một con quạ đen, một tay cầm tên, một tay giữ cây cung, một tay nắm đinh ba và một tay bắt ấn.
Bức thứ tám là La Hầu Rahu có thân rồng đầu người, đi trên cổ xe kéo bằng tám con ngựa ô.
Bức thứ chín là Kế Đô Ketu có thân cá đầu người, một tay cầm đao, một tay giữ cờ, một tay nắm chiếc khiêng vàng.
[2] Một Mahayuga bằng 4.320.000 năm;
[3] Prajapati: Một nhóm các vị thần thuộc về sinh sản và bảo vệ;