CÁNH CỬA KHÓA TRÁI ( Băng Hồ)

Tác giả Bài
nvietdung
  • Số bài : 67
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.07.2013
  • Nơi: Sài Gòn
CÁNH CỬA KHÓA TRÁI ( Băng Hồ) - 14.10.2013 12:11:36
 
 
Tặng Thanh Muội
Một chuyện đứng đắn không cười     
         Thanh không ưa tôi viết những dòng bỡn cợt trên mặt báo cũng như cuộc sống hàng ngày của tôi. Thanh băn khoăn khi thóc mách một vài mẩu chuyện ngẩn ngơ đã qua trong cuộc đời tôi. Rồi Thanh phụng phịu.Thanh hờn dỗi chê tôi không đứng đắn.
        Thanh muốn tôi phải từ tốn khoác một bộ mặt đạo mạo như một nhà mô phạm chỉ nói những chuyện làm ăn nghiêm chỉnh và nhất là bớt hay tí tửng cười đi.
        Thanh ơi ! Sao Thanh lại cứ thích đi lục tìm mãi quá khứ của một người trai khi trót sinh đã phải mang nặng cái nghiệp chướng thơ văn một thuở. Mang lấy nghiệp thơ văn tất nhiên tránh sao khỏi những chuyện hoa bướm vẩn vơ mất thì giờ. Nhưng những chuyện đó nếu có chăng nữa cũng chỉ là những giấc mơ hiền lành vô tội. Vâng ! Chỉ là những giấc mơ thôi ! Chỉ cần biết giờ đây , tôi chỉ có riêng Thanh trên mọi nỗi bận rộn hàng ngày. Thế thôi đừng lục soát mãi Thanh ạ, để chuốc hoài những nghĩ ngợi không đâu .
        A, mà Thanh muốn tôi đứng đắn.
        Vậy thì chiều Thanh, tôi sẽ tặng riêng Thanh câu chuyện này , kỷ niệm một mùa thu xốn xang đang tới, hay là câu chuyện của một anh con trai rất chi là …đứng đắn ngay từ khi đầu còn để chỏm.
       Tôi ước ao Thanh sẽ hiểu cho rằng : Riêng tôi cứ muốn được dại khờ , được vấp ngã nhiều để mà có được những kinh nghiệm quý báu trong việc giữ gìn một bảo vật thiêng liêng nhất mà người đời mệnh danh là “Hạnh Phúc gia đình “.
*
       Tôi quen Trọng từ hồi còn để trái đào đi học. Cái tên cũng đã có vẻ đứng đắn rồi. Gia phả anh khảo kỹ lại càng nghiêm chỉnh hơn.
       Ông nội anh làm Bố Chánh hét ra lửa ở một tỉnh nhỏ. Ông thân anh làm Tham Tá  đi về xe nhà gọng đồng. Ngoài ra, họ hàng anh nhan nhản những bác Tuần, chú Đốc, anh Huyện…Tuyệt, không có một chức Thông, Ký mèng mèng chứ đừng nói đến chân trắng .
       Trọng chừng cũng hiểu rõ cái vai trò truyền thống quan trọng đang đè trĩu lên cái tuổi nhỏ xíu của mình. Ngay từ thời còn mài đũng quần trên ghế trường Tiểu học, anh đã tỏ ra đứng đắn và …gương mẫu lắm rồi khác hẳn tụi quỷ chúng tôi. Hãy theo rõi cái cậu thư sinh lả lướt nước da xanh như tàu lá chuối, đôi mắt lờ đờ như người mới ốm khỏi và cái lưng gù gù dưới đôi vai còm cõi. Giờ học, giờ chơi cũng như khi ở nhà không lúc nào mắt anh rời khỏi cuốn sách  cầm tay. Anh đọc cả những khi đi qua phố đông người. Có bận anh suýt bị xe cộ xô phải.
        Bên tai anh lúc nào cũng như văng vẳng lời giáo huấn của bà mẹ hiền : “ Con ơi ! Con đừng dại dột a dua theo lũ bạn mà hư người ra. Con cố gắng chuyên cần học cho giỏi sau ra làm quan khối kẻ hầu người hạ, vợ đẹp con khôn, đừng có nghe lời chúng bạn xúi bẩy mà ăn chơi đàng điếm. Đời nhiều cạm bẫy lắm con ạ, phải tỉnh táo.”
         Giờ chơi , thấy anh đang nghiền ngẫm triết nhân dưới gốc cây bàng, chúng tôi xúm lại trêu anh, anh hơi hơi cau mặt , lặng lẽ đi chỗ khác. Chúng tôi đã nhiều lần nói vụng :” Nó học lấy chết, chúng mày ạ !”.nhưng lâu rồi cũng chán..Bởi vì chưa thấy anh chết đâu, chỉ biết tháng nào anh cũng không nhất thì nhì , bao nhiêu phần thưởng quý giá nhất đều vào tay anh, còn chúng tôi cứ bị đè dí xuống bùn, chuyên môn đi bốc vỏ ê quá !
        Ở trường, Trọng dĩ nhiên là cậu học trò gương mẫu, chăm học, ít nói chuyện, không đùa nghịch, lễ phép, đúng giờ. Về nhà anh cũng là tấm gương hiếu tử. Nhà không thiếu kẻ ăn người làm, nhưng ông bà Tham muốn ngoài cái việc “ăn mày ” được mấy chữ thánh hiền , con ông bà phải kiêm cả …bách nghệ. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh mà. Ông bà Tham muốn bắt chước cách dậy con của người Tàu , dù là “cậu ấm” có hàng núi của nhưng vẫn phải tập sự lao động lam lũ từ nhỏ để “có đổ mồ hôi sôi nước mắt mới thấu hiểu giá trị đồng tiền, sau này lớn lên mới giữ gìn được cơ nghiệp”.
        Vậy thì cậu học trò Trọng sau khi vứt sách ở trường về đã phải giặt đống quần áo thay sáng nay hay vác chổi xể khua mạng nhện trên trần nhà. Cũng có bận ,cậu đã vào bếp đun nước pha trà cho ông Tham nhấp giọng.
       Trọng quả là người con có hiếu, người học trò ngoan. Kỳ thi “Sec” năm đó không nói Thanh cũng biết là Trọng đỗ trăm phần trăm rồi . Đến kỳ thi “ Công – cua ”( Concours : thi chuyển cấp mang tính cạnh tranh, không lấy điểm cố định mà lấy căn cứ người có số điểm cao hơn) vào một trường Trung học mới cừ.  
       Hôm đó có hơn ngàn sỹ tử các tỉnh đổ về mà Hội đồng chọn có 120 người. Anh Trọng đã xếp thứ ba nhưng anh vẫn hậm hực. Anh sở dĩ phải xếp thứ ba vì nghe đâu anh đỗ đầu và anh thứ nhì là con cụ Đốc Học , Huấn Đạo có thậm thụt đi lại nhiều lần với ông Hiệu trưởng người Pháp nên có sự nâng đỡ bên trong .
       Trọng làm quen với cái sân bát ngát của ngôi trường. Quanh vòng sân rộng, ánh sáng chan hòa, các học sinh khác trong giờ nghỉ mải mê với quả ban quả cầu , nhưng anh Trọng vẫn dán mắt vào trang sách cầm tay. Qua năm đầu va chạm, các tinh hoa bốn phương lại được dịp hậm hực với Trọng. Kết quả các kỳ thi cuối năm hoặc giữa học kỳ cũng như điểm số thứ tự trong lớp ,không ai còn hồi hộp chờ nữa. Cái tên Nguyễn Trọng bao giờ cũng được nhắc đến đầu tiên, nhàm quá, ngấy quá rồi. Cả  những phần thưởng có buộc dây lụa mầu , những tấm giấy khen xinh xinh cứ thi nhau mà chạy về tay anh trông ngon mắt quá.
       Nhưng sự thành công về thi cử của anh cũng đến cùng lúc với sự tiêu hao về thể chất. Qua vài năm ngắm lại anh xem, da anh càng xanh, ngực anh càng mỏng thêm , nhất là đôi kính trắng đã phải mấy lần thay số.
       Không ai ngờ anh mới 20 cái xuân xanh. Có người phỏng đoán anh ít nhất cũng có 2 cháu nhỏ đái trên người rồi.
       Tuổi trẻ đẹp nhất ở tuổi 20 phải không Thanh ? Nhưng anh Trọng đã không biết đến nó. Anh mải mê xây dựng cái ngày mai chưa đến, đến quên hưởng cả cái tươi nõn nhất của hiện tại quanh mình. Có bận, bạn bè- cái lũ bạn ma quái ở cấp tiểu học- xúm quanh chế giễu anh. Họ kể những chuyện tà áo màu và gán anh với cô này cô nọ, nhưng anh chỉ đỏ mặt lặng thinh.
       Ngày lễ, chủ nhật , phố xá Hà Nội  rộn ràng với bao tuổi trẻ đi tìm hoa mộng thì Trọng đóng kín cửa buồng để nghiền ngẫm nốt mấy tư tưởng hắc búa của Pascal , của Shakespeare hay đôi tay hí hoáy chiếc compas trên những hình học có góc cạnh chi chít dọc ngang.
       Đúng là anh học chết thôi nếu không muốn nói là anh muốn nối chí cụ Tổ anh từng đứng đầu khoa thi gần vạn sỹ tử khi xưa.
      Mùa thu năm đó, một người con gái đẹp giầu, ngoan và quý phái yêu anh tha thiết . Tường Vi, Thanh biết chứ gì ? Con cụ Hàn Uông đường Cột Cờ .Tường Vi hoa khôi nức tiếng Hà Nội thời ấy .Tường Vi lại đâm yêu  anh chàng Trọng cà dầm cà dì kia.Nghĩ đến nát óc. Anh chàng Trọng không hề tốn một câu nói nịnh đã có cả một mỹ nhân trong đời.Lũ con trai đời uất và ghen tức với anh chàng “số đỏ”. nhưng ùa này lạ, Trọng vẫn ngơ ngẩn không biết rằng mình trúng số độc đắc.
       Anh vẫn lừng khừng thụ động mắt không rời mấy trang sách, quên cả cái lịch sự tối thiểu rót nước mời mỹ nhân và Tường Vi thấy rằng nam châm của nàng hút phải gỗ ,đâm nản.
       Nàng bỏ Trọng đi lấy một sinh viên Trường Thuốc từng bao công theo đuổi nàng. Tuổi trẻ anh Trọng đã để buột một cánh chim xanh. Bạn bè tỏ ý tiếc hộ thì Trọng  cười hiền lành :
       “ Cám ơn , tôi cho là may cho tôi. Bởi vì nói dại ,nếu mắc vào nàng, tôi sẽ không còn thì giờ để học nữa “.
       Anh chàng Trọng đến thành Phật đến nơi.
      Qua bốn năm, Trọng giật mảnh bằng Thành Chung nhẹ như thò tay lấy một vật trong túi. Nhưng nhìn kỹ xem, mặt anh già thêm chút nữa,hai bên má hõm thêm chút nữa và có đôi lần vào lúc nửa đêm, anh đã húng hắng ho khan.
       Hai năm sau, Trọng giật nốt mảnh bằng Tú Tài. Ông bà Tham khấp khởi mừng thầm. Anh sắp thành cậu sinh viên Trường Luật, nay mai trở thành “Ông Huyện “ kế tục truyền thống đỗ đạt của họ tộc ,thì oan trái làm sao,một buổi chiều anh đang ngồi đọc sách bỗng ngã vật xuống, bật ra một cục máu tươi.
      Anh đành gạt nước mắt tắt ngang việc học từ đó.Nhưng ông Tham không muốn anh mãi mãi là cậu học sinh trắng trơn dù là “cậu Tú” đã được mọi người kiêng nể lắm rồi. Ông muốn anh phải giành được một cái tên,một địa vị nào đó trong cái xã hội mà mọi người đang xô nhau đi mua bán chức tước danh vọng. Ông đã cố xoay xở chạy vạy cho anh một chỗ ngồi ở một công sở lớn mà cái chức “Chủ sự” xem ra cũng không kém cái danh “ Tham Tá” của ông là mấy.
       Đến lúc còm cõi ngày hai buổi đi về, anh Trọng mới cảm thấy chân tay mệt mỏi lắm rồi , óc anh cằn lại những con số nhân chia, những chương trình đề án. Tai anh ù ù những tư tưởng siêu nhân của Đạo Nho, Đạo Khổng, của Roussau, Voltaire .Anh rất thành công trong việc nhắc lại như một cái máy những tư tưởng của người xưa trong sách,nhưng anh cũng rất ngây ngô trong cái khoa xử sự ở đời và rất tồi trong cái khoa học chuyên môn của tuổi trẻ không ghi trong sách:” Ái Tình”cho nên hơn năm sau ,anh đã ngoan ngoãn nghe bà Tham dạm cho một cô vợ mà anh không yêu ,không ghét, không đợi chờ,không rung động giống như mấy câu thơ của một nhà thơ ít tên tuổi nào đó :
“ Vợ tôi không đợi không chờ
Không nhan sắc lắm không thơ mộng gì
Lấy tôi bởi đã lỡ thì
Lấy tôi đâu phải bởi vì yêu tôi…”
         Tôi đã kể với Thanh, hồi còn đi học, Trọng là một người con chí hiếu với bố mẹ , thì giờ đây sắm vai một ông chồng- dù là chồng bất đắc dĩ – anh cũng rất ..thủy chung với vợ. Ăn cây nào rào cây ấy mà ! Đẹp giời, anh cao hứng ngâm mấy câu thơ của Lamartine ,của Nguyễn Khuyến,chị vợ trừng mắt, anh im ngay.Đi làm về mệt nhoài ,vừa lăn ra thở thì chị vợ đã nhờ anh xuống bếp trông hộ nồi cơm, anh dễ dãi thọc chân vào guốc đi luôn. Có lần trong bữa cơm anh trót chê bát canh vợ nấu hơi mặn , chị vợ sầm sầm hất đổ mâm cơm xuống đất, hắt cả bát canh vào mặt anh, anh chỉ cười không giận ,cúi xuống nhặt những mảnh bát vỡ. Đến khi thằng Cu ra đời, anh Trọng lại kiêm luôn cả việc giặt tã lót cho con. Công việc này không khó bởi vì những công việc tạp vụ trong gia đình anh đã được ông bà Tham huấn luyện ngay từ nhỏ.
         Tiền lương bao nhiêu anh đưa cho vợ cả, không cần đợi chị đàn bà thọc tay vào túi quần để “kiểm tra” .Ngày nghỉ mây đẹp nhởn nhơ trên nền trời quang đãng, chị vợ đánh phấn bôi son, diện xe nhà lên Hàng Đào , Hàng Ngang mua sắm lụa là vòng xuyến hoặc đến nhà mấy chị Phán, chị Giáo đánh tổ tôm thì anh Trọng đóng kín cửa lại ,mặc 2 quần đùi, may-ô đùa giỡn với thằng Cu. Anh cho nó cưỡi lên bụng và tát vào mặt anh gọi bố là “chó” là “mày”. Anh cười khoái trá thấy thằng bé mạnh dạn thông minh.Anh ôm con nựng nịu mà hát rằng :
…Con ơi con ngủ cho rồi
Cha ra chỗ vắng cha ngồi than thân… Ạ ơi …
          Thanh đã thấy chưa ! Anh Trọng quả là người chồng đứng đắn và chung thủy.
*
          Nhưng  - cái chữ “nhưng” đến đáng ghét. Nó làm cho một cái gì đã tưởng như toàn vẹn bỗng lại có vấn đề phải suy nghĩ,một cái vui tưởng như hoàn hảo 100% bỗng lại có một cái gì đó chát chúa chen vào. Đời có để cho vợ chồng người ta sống được yên đâu ! Đời lại cứ hay len vào những anh bạn. Và cái lũ bạn ở đời đem đến cho ta cái hay cũng lắm, nhưng cái nguy hại cũng nhiều. “ Giàu vì bạn “ cũng có mà “ khuynh gia  bại sản” vì bạn cũng không phải là không có đâu.
          Vậy là chị Trọng đã không biết phòng ngừa đốt vía trước, nên một buổi chiều gió Thu mát rời rợi, cái lũ bạn phải gió ấy đã “nhẩy dù” đến nhà anh và dĩ nhiên anh đã bị họ “càn quét” đem đi.
         Mới đầu anh còn ngập ngừng :
        -  Thôi các cậu để mình ở nhà , Còn một chậu đầy quần áo, bà ấy bắt mình phải giặt không thì không yên với bà ấy đâu….
         Lũ bạn cười ngặt nghẽo :
        -  Xếp cả lại ! Cứ thử “giải phóng”một hôm đi với bọn tớ xem sao. Bọn tớ sẽ lại đưa cậu về tận nhà ,xin lỗi chị ấy cho. Không phải sợ.
         Mặc anh bạn lên dây cót ,anh vẫn ngại , nhưng rồi cả bọn xúm lại, cứ thế lôi anh xềnh xệch đi. Anh đành tặc lưỡi thay nhanh bộ quần áo nhưng vẫn giao hẹn “ chỉ độ một tiếng thôi đấy nhé “. Thằng Cu vẫn đang ngon giấc trong chiếc nôi ấm áp.        Cũng có lẽ tại vì cái gió Thu bữa ấy mơn man dịu nhẹ, mây thì bàng bạc vẩn vơ dễ làm người ta muốn bước chân ra khỏi nhà lắm.
        Lũ bạn quỷ sứ đem anh Trọng đến một nhà dặt dìu tiếng đàn ca có những cô gái trông cứ mơn mởn như tiên. Họ giới thiệu anh với một cô mặt bự phấn, môi dày son, ăn mặc hớ hênh, áo quần mỏng dính, rõ ràng trẻ đẹp hơn nái sề ở nhà anh nhiều. Lúc đầu anh Trọng nóng rực cả hai tai. Anh nhắm nghiền cả hai mắt , miệng khẽ niệm “ nam mô …cứu khổ, cứu nạn…” không dám nhìn những bộ phận thiên nhiên lồ lộ đó.
       Lũ bạn ma mãnh chơi khăm tống anh vào một phòng riêng với cô ả ngon lành kia và khóa trái cánh cửa lại. Anh hốt hoảng gào thét :”cho tôi ra , cho tôi ra…” đập cửa thình thình, cầu xin van lậy lũ bạn tha cho anh , nhưng mặc:” Cánh cửa khóa trái “ gỗ lim chắc nịch thì cái thân hình tàu lá chuối của anh thì làm sao mà phá nổi.Lũ bạn rờ ra chỗ Công-tơ tắt phụt nốt ngọn đèn bên trong.
        Chúng khom người, ghé tai qua lỗ khóa bên ngoài nghe. Tiếng đập cửa thưa dần, nhẹ dần rồi im hẳn thay vào đó là những tiếng run rẩy, hổn hển xen với đôi giọng cười khúc khích nho nhỏ.
        Lũ bạn đưa mắt nháy nhau cười đắc thắng :” Chịu rồi ! “.
        Quá nửa đêm, người con gái mới thả cho anh về sau khi đã chuốc rượu cho anh say nhè , phì rượu ra cả lỗ mũi,ướt sũng ngực áo. Ả còn không quên nũng nịu bên tai anh :” Lần sau lại đến nữa nhé ! Em sẽ chiều anh hơn !...”.
        Trên đường về, Trọng lảo đảo mang theo tất cả cái hương vị bàng hoàng ngây ngất của buổi gặp gỡ. Chao ôi ! Sao có cô gái đáng yêu đến thế, hôn anh cái nào cũng đến cháy cả người. Chao ôi ! Sao con bé ấy người nó thơm thế, da dẻ mát mịn sờ vào sướng cả tay , đôi mắt thật lẳng lơ tình tứ…Chao ôi ! Sao cái giây phút ấy nó thần tiên  quá vậy, nó mê ly cuồng loạn quá đến cả đất trời cũng phải đảo chao, đến cả Thánh nhân cũng thấy mình tội lỗi…Chao ôi ! sao mãi đến cái tuổi cằn cỗi này anh mới lần đầu tiên được hưởng cái cảm giác đê mê trời cho ấy…
       Anh lan man nghĩ ngợi bỗng hai mắt đăm đăm nhìn lên ánh trăng. Trăng đêm rằm trong vắt tỏa một luồng sáng xanh dịu dàng đẹp lả lơi như một cô gái đương xuân. Ánh trăng rải trên đường làng, trên vai anh, trên đầu anh,trên ngực , trên áo. Tóm lại người anh loãng đi trong một suối trăng xanh .Anh thấy mình trẻ lại, đang ngồi uống rượu với cô gái đẹp tình tứ có những lời thưa gửi ngoan ngoan.
       Anh bỗng giật mình ngơ ngác trong một sự thật phũ phàng. Thế ra từ trước tới nay, đêm rằm vẫn có ánh Trăng Xanh, mà đời anh chưa bao giờ được hưởng. Đời anh chưa có Ánh Trăng.Đời anh chỉ những hy sinh ,những nhẫn nhục bổn phận, những mưa dầm gió bấc. Vô lý quá ! Bất công quá !
      Tự nhiên nghĩ đến vợ, anh thấy ghét cay ghét đắng. Sao mà “nó” vô duyên thế. Cái mặt phèn phẹt, đôi môi dầy thâm sịt, bộ ngực thây lẩy, lù lù như quả núi, cái mông núng nính mùa hè nhìn như chẩy mỡ. Anh đã ngu như một con bò để bố mẹ ép lấy “nó” để suốt đời “nó” hành hạ anh như một kẻ tôi đòi. Nó dám hắt cả bát canh vào mặt anh. Ngày chủ nhật đẹp trời thế này mà “” bắt anh ở nhà giặt quần áo và ẵm con để nó diện đi chơi, đi “chim giai” ngoài phố. Cả cái đứa con, anh có muốn sinh ra nó đâu,nó làm tình làm tội, làm anh héo hắt như một trái cây về già khiến các “nàng tiên” kia chế giễu anh, thương xót anh.  
        Chao ôi, anh dại quá. Đời muôn vạn màu sắc thanh âm,bao nhiêu cặp môi suối mắt, bao lời ngon ngọt thương yêu, chất tươi nõn nhất của tuổi trẻ anh đã để buột qua phí hoài cả. Anh trước sau chỉ là tên nô lệ của những quyển sách cổ hủ, cho cái luân lý gia đình cay nghiệt , vị kỷ.
        Phải “cách mạng” tất cả. Phải có quyền nghĩ đến hạnh phúc riêng mình. Khổ nhục lắm rồi. Anh hầm hầm nghĩ thế ,nên chị vợ như thường lệ thấy anh quá nửa đêm mới về, vừa quắc mắt :
       -  Khỉ ơi, Rúc ráy vào đâu suốt đêm bây giờ mới vác mặt về , phờ phạc như thằng ăn cắp ấy…
      A ! Không thể được nữa rồi . Con ác phụ dám giày xéo lên quyền làm một người chồng ,một người đàn ông của anh. Lâu nay, nó quen đàn áp đè nén anh quá quắt lắm rồi. “ Chát!” cái khay nước bị tung vào tường vỡ tan vụn nước tung tóe .”Bốp” cái gối quăng vào mặt cửa kính rạn nứt răn rúm và “hấp” anh lao cả thân hình còm nhom của anh vào đống thịt núng nính của “con ác phụ”.
       Kết quả cuộc xô xát . Chị Trọng dọn quần áo tư trang về nhà mẹ đẻ , đem theo cả con . Anh Trọng làm đơn xin ly dị hẳn, thằng Cu cho theo mẹ không cần, dù nó là đứa cháu đích tôn hai ông bà Tham quý hơn vàng.
      Ông bà Tham nghe tin vội đến ngay, dùng quyền uy của đấng sinh thành để can ngăn, phủ dụ anh nhưng đã làm “cách mạng toàn diện” thì cũng” mo- phú” cả hai cụ thân sinh đã có công tác tạo ra cuộc đời anh. Phải lắm, bao nhiêu năm rồi, anh đã bị kìm hãm trói buộc chặt trong cái xiềng xích gia đình , trong một mớ giáo lý cổ hủ. Anh đã bị hy sinh vì bổn phận nghĩa vụ vì “danh dự họ tộc” nhiều quá đến nỗi chẳng được hưởng tí gì về hạnh phúc bản thân.
        Bây giờ mới là lúc anh Trọng chợt tỉnh ra, cuống cuồng cố sống vớt vát , gấp gáp cái tuổi trẻ cuối mùa của mình. Nhưng hỡi ơi ! Muộn rồi ! Giữa khi anh kịp bắt nhận cái ánh trăng xanh kia là đẹp, là quyến rũ và sau cái cánh cửa khóa trái kia đã cho anh được tận hưởng bao thú đê mê của một gã đàn ông thì cũng là lúc nguồn sinh lực của anh đã dần tắt ,lực bất tòng tâm.
       Tư tưởng anh chỉ hom hem như một bà lão về già. Bộ răng muốn nhai trái ngọt nhưng chỉ gây sứt mẻ cho răng còn trái ngọt ngon lành vẫn không hề được biết mùi vị . Triết lý của Đạo Khổng, Đạo Nho  mấy mảnh bằng rạng rỡ, những phần thưởng buộc dây lụa mầu cũng không giúp anh kiếm được ánh trăng xanh lúc cuộc đời gần xế bóng.
       Thanh muốn biết thêm hiện giờ anh Trọng sống ra sao . Thưa rằng sau ngày ông bà Tham buồn phiền mà qua đời ,anh đã bán phăng cà hai ngôi nhà gạch và mấy chục mẫu ruộng kỷ phần. Anh lao vào sống gấp, sống tận hưởng bù lại những năm tháng “mưa dầm gió bấc” như một con bạc trong cuộc đỏ đen, càng thua càng cay cú khát nước đánh to hơn. Anh lao vào như điên dại các nơi có ánh đèn màu chuyển động , có tiếng nhạc sập xình dâm đãng, có những chiếc đèn bàn đưa con người vào cõi phiêu du thoát tục , có những người con gái mình thơm và quyến rũ làm say hồn người hơn rượu mạnh.
       Anh đã làm chồng hờ đến bốn năm người đàn bà và con rơi , con vãi cũng đến gần một tiểu đội .Nhưng giờ phút tôi đang viết những dòng này thì một nguồn tin cho biết anh đang ngắc ngoải tại một bệnh viện kia với chứng bệnh nan y khủng khiếp mà ngay cả cái bà cửa hiệu thuốc nổi tiếng ở Phố Huế cũng đành khoanh tay thúc thủ ( Ngày ấy ,Phố Huế có hiệu thuốc gia truyền H.K chuyên trị các bệnh đường tình dục).
       Những người nằm cùng phòng với anh trong bệnh viện kể rằng: Từ khi anh vào nằm đây, tuyệt nhiên không thấy người thân thich nào đến thăm.Bốn năm bà “hiền thê” gần tiểu đội “công tử” chắc là còn đang bận diện quần áo  đi mua sắm hoặc xì xụp ăn uống ở đâu đó nên đã vô tình quên hẳn anh. Chính lúc này, anh mới thèm một lời an ủi của người thân, thèm một bàn tay của vợ con ve vuốt yêu chiều để làm dịu đi nỗi đau của thể xác và tâm hồn thì chẳng còn thấy ai bên cạnh ….
*
      Khỉ quá, Thanh nhỉ. Định viết tặng Thanh một chuyện đứng đắn không cười. Thế mà lại trót thêm cái đoạn cuối vào đây, thành thử câu chuyện lại vẫn là …không nghiêm chỉnh. Đành xin lỗi Thanh vậy nhé. Bởi tính tôi..vốn thế… Trót bỡn cợt quen đi rồi không sửa được.
 
Hà Nội một đêm Thu
Năm 1951