CHUYỆN CHIẾC ÁO NHUỘM NÂU ( Băng Hồ)
nvietdung 19.10.2013 11:27:41 (permalink)
 
      Em là một chiếc áo dài lụa trắng vẫn ấp ủ trên thân hình thon thả chị Hà nữ sinh một trường Trung học Hà Nội. Chồng mất sớm, bà Giáo ở vậy nuôi con, chị Hà rất yêu thương mẹ , đảm đương mọi việc lớn nhỏ gia đình từ cơm nước, giặt giũ đến thuốc men chăm lo sức khỏe bà Giáo hàng ngày.
      Sáng chiều hai buổi, em và chị đến trường . Cái sân rộng rộng là, có những cây bàng thân bằng cả vòng tay người ôm , tán lá xum xuê mát rượi. Giờ ra chơi , những tà áo sặc sỡ đủ màu sắc ríu rít rực rỡ như những cánh bướm một vườn hoa.
      Em nhớ mãi những ngày thu năm ấy  sao mà vui thế. Cờ đỏ rợp phố phường, những bài hát bay cao lưu luyến.Thiếu nhi rộn ràng trống ếch bên Hồ Gươm- rồi hình ảnh Người hiền từ xuất hiện trên lễ đài .Muôn vạn tiếng hô tưởng như long trời xé phổi .Người nào cũng mặc đẹp. Bao nhiêu tà áo lụa trắng như chị Hà em .Hôm ấy trời đổ mưa to ướt sũng nước nhưng chẳng ai suy suyển hàng ngũ .Em và chị Hà còn được tham dự những buổi sinh hoạt tại trường. Lần đầu tiên em được nghe những từ “Độc Lập –Tự Do – Đồng Bào- Hạnh Phúc”. Tuy chưa hiểu rõ nghĩa ,nhưng cũng lờ mờ cảm thấy một cái gì đó thiêng liêng lắm ,khó khăn lắm mới giành được hôm nay bằng xương máu của bao lớp người đi trước.
        Nhưng ngày vui chưa được bao lâu thì bắt đầu những tốp lính xa lạ từ đâu kéo tới làm đục ngầu đường phố .Xe zip phóng như điên, lựu đạn quăng vào chỗ đông người. Chúng cắt tiết cả cụ già ở ngõ Yên Ninh . Ụ đất, hầm hào được dựng lên, sập gụ tủ chè quăng ngổn ngang đường phố làm vật chướng ngại cản bước tiến xe cơ giới . Khẩu hiệu “Tản cư cũng là Yêu nước!”.
       Hôm phải từ giã Hà Nội, em thấy chị Hà cứ ngơ ngẩn cả ngày. Các cô bạn cùng lớp đến chia tay .Vẫn những tà áo lụa trắng nhưng hôm nay chẳng còn nét nhẹ nhõm hồn nhiên. Các cô bịn rịn hẹn nhau ngày gặp lại.
      Rồi kháng chiến toàn quốc.Ngọn lửa hung dữ của những tên ”com-măng-đô”áo quần loang lổ lùng sục thiêu cháy những mái tranh nghèo, cứ lan mãi, lan mãi, đuổi theo những vết chân bập bềnh trôi dạt.
     Bà Giáo và chị Hà cuối cùng cũng dừng chân bên một xóm êm ả ven đê sông Hồngcó những rặng nhãn xanh.Hai mẹ con chỉ mang theo vài chiếc tay nải đựng ít tư trang và vật dụng ,quần áo cần thiết hàng ngày. Em cũng được tháo ra khỏi người chị Hà và xếp gọn dưới đáy tay nải. Bà cụ chủ nhà tốt bụng đã nhường cho hai mẹ con chị ở chính gian giữa nơi thiết lập bàn thờ, còn cụ và con cháu thì thu xếp ở hai chái đầu nhà. Cuộc sống tần tảo những ngày đầu đạn lửa với lòng thương nhớ Hà Nội còn da diết chưa nguôi. Một hôm em thấy chị Hà bàn với bà Giáo: Mẹ ạ,cuộc kháng chiến xem ra  còn dài lâu mà tiền lưng vốn mang theo đã cạn dần ,không thể cứ ngồi xuông thế này mà chờ đợi ngày về,nên con định sắm sửa đôi quang gánh ra chợ ngồi bán lặt vặt thêm thắt được đồng nào hay đồng ấy…Ừ mẹ cũng nghĩ thế. Nhưng sợ con sức vóc nữ sinh gồng gánh chợ búa sao được..Ôi! mẹ khỏi lo , con sẽ cố gắng mẹ ạ .Mẹ thấy không , mấy chị Hải Phòng tản cư nhà cụ Bá Sâm cũng là con gái thành thị cả mà bây giờ cũng gồng gánh lam lũ được cả đấy thôi…
       Rồi chị Hà lục trong tay nải, lấy em ra : A, mẹ này, cái áo dài trắng này con nghĩ chắc chẳng còn dịp nào mà mặc, hay là con cắt ngắn, sửa lại thành áo cánh, rồi mang đi nhuộm mặc cho tiện. Vừa đề phòng máy bay, vừa đỡ xà-phòng…”
       Thế là từ đây, em trở thành chiếc áo cánh nâu lại được hàng ngày gần gũi trên người chị Hà. Phải nói là lúc chị đưa lưỡi kéo sắc ngọt cắt ngang người em đánh soẹt rồi tiếp đến cái chậu nước vỏ nâu sôi sùng sục, chị dúng em vào mấy lượt lại ngâm suốt đêm, cơ thể em đau rát quằn quại. Nhưng em không hề rên la mà lại khấp khởi vui mừng: Từ nay, em và chị đã hòa nhập được với những người dân quê chất phác ở đây, bắt đầu một cuộc sống tuy có vất vả nhưng đượm đà ý nghĩa hơn. Và bên cái mầu nâu nền nã ấy em lại thấy chị Hà như xinh thêm. Nước da trắng mịn càng nổi bật bên cái màu của ruộng đồng dân dã. Mấy cô Mơ, cô Mận cứ phải đứng ngây ra mà nhìn và trầm trồ ước ao…
        Dưới chiếc lều lợp bằng mấy tầu lá cọ một chiếc chiếu trải trên nền đất, chị Hà bày ra hai cái mẹt nhỏ : một bên là mấy bộ quần áo cũ ,vài chiếc khăn quàng dùng dở, bộ ấm chén cổ, chiếc đĩa sứ Giang Tây, đôi hạc thờ,cái lư hương ( những vật dụng gia đình và đồ thờ tự còn mang theo được) mẹt kia xếp mấy thếp giấy , vài lọ mực , chiếc gương soi, hộp dầu cù-là, xà-phòng,kim chỉ… Góc hàng của chị dù ở vào nơi khuất trong chợ mà vẫn đông người lui tới nhất là các anh trai làng. Có lẽ bởi chị Hà xinh xắn ăn nói ngọt ngào dễ nghe lại luôn chiều khách,muốn đổi chác chọn lựa thế nào chị cũng không hề lộ vẻ bực bội như mấy bà hàng vải ngồi bên. Khi bóng nắng đã nhạt nhòa, vừa quẩy đôi quang gánh về nhà là chị sà ngay vào bếp. Thấy con gái vất vả, nhiều lúc bà Giáo muốn giành lấy để làm, nhưng chị nhất định không nghe .” Mẹ già rồi, cứ lên nhà nằm nghỉ, con thổi một loáng là xong ngay ấy mà “. Bên ngọn đèn dầu lạc không đủ ánh sáng,bữa cơm tối dù đạm bạc vài quả cà, bát canh cua, mấy khoanh đậu rán nhưng nóng ấm tình thương. Mẹ hiền, con thảo-nhưng hôm nấu được nồi canh ngon, chị không quên múc một bát đầy tự tay đem vào buồng biếu cụ chủ nhà.
        Trên con đường đất đỏ vòng qua chợ lâu lâu lại có những đoàn trai trẻ đi qua súng ngang vai ,lưỡi lê bên sườn, ba-lô con cóc trên lưng với đủ kiểu các loại quân phục bám đầy bụi cát đường xa…Nét mặt người nào cũng rạng rỡ và họ đều còn rất trẻ .Tiếng hát trầm hùng theo nhịp bước chân. Họ đi đến đâu,các em nhỏ bâu theo đến đó, còn mấy cô gái quê thì bẽn lẽn nép mình sau cánh cổng tre lặng lẽ nhìn theo.
        Thế rồi một hôm cũng trong một đoàn quân đi  qua đó đang ngồi nghỉ bên bóng mát rặng tre ,một anh rẽ vào chợ : “Nghe nói ở đây có phiên chợ đông đồng bào tản cư Hà Nội, Hải Phòng,mình thử rẽ vào thăm may ra có gặp ai quen không…Gần nửa năm rồi phải xa Hà Nội ,mình thấy nhớ quá…”
        Anh chiến sĩ trẻ đứng trước quán chị Hà. Bốn mắt giao nhau. Một thoáng ửng hồng trên má cô gái .” Anh mua gì ạ ?” Một gương mặt tuấn tú trẻ trung .Chiếc ca-lô đội lệch trên mái tóc chải mượt ,có đính ngôi sao vàng trên nền dạ đỏ, bộ quân phục bằng vải ka-ki ngoại màu xanh rêu đường may rất khéo, hai cánh tay áo xắn ngang khuỷu trông vừa có vẻ lơ đễnh vừa có vẻ điệu đà hào hoa, đôi giày săng-đá cao cổ lấm tấm vết bùn ,bên sườn anh chiếc bao da đánh si đen bóng lấp lửng thò ra đuôi khẩu súng colt xinh xắn.
        Anh chiến sĩ trẻ chắc cũng đang cơn choáng váng, điệu bộ chân tay có vẻ lúng túng đến buồn cười. Tại sao giữa cảnh nâu sồng thôn dã này lại lạc loài một bông hoa trắng trinh tươi nõn đến thế…
       Anh mua gì ạ ? …Chị …chị … à… cô..cô…cô bán cho tôi một quyển sổ tay, vâng..vâng cái quyển bìa có cánh hoa gài trên ngọn súng ấy…
       Anh tên là Sơn, một chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn quyết tử Thủ Đô, từng đeo khăn vàng trên tay trong buổi Hội Thề thiêng liêng ở rạp Tố Như, từng 47 ngày đêm kịch chiến ác liệt khắp Liên khu 1 và cùng rút qua ruộng mía dưới chân cầu Long Biên một đêm không trăng không sao…Mấy tháng nay anh và đồng đội đã qua bao tỉnh đồng bằng, trung du và hôm nay cùng đơn vị về đóng quân tại một điểm cách đây không xa .
       Ngày qua ngày – từ một quyển sổ tay, anh Sơn và chị Hà đã đi đến chỗ quen biết , có cảm tình nhau rồi đi đến tình yêu lúc nào không rõ. Cái làm cho hai người dễ cảm thông với nhau nhanh chóng, theo em hiểu, là cái hồn cái chất xưa Hà Nội bàng bạc vô hình, nhưng có sức màu nhiệm gắn bó họ với nhau giữa nơi xa lạ người và cảnh này…Anh Sơn thường đến thăm bà Giáo. Bà cụ chủ nhà và hàng xóm ai cũng khen anh:” lễ phép-có học- có chí- đúng là con giai Hà Nội”. Có những buổi được bà Giáo cho phép, anh Sơn và chị Hà đi chơi trên cánh đồng ngào ngạt mùi lúa chín. Một mảnh trăng xanh biêng biếc gội tràn trề trên cổ trên vai áo hai người. Xóm thôn yên tĩnh. Gió thoảng mát rượi. Dòng sông bên cạnh rì rào uốn khúc. Chiếc áo lụa nâu mềm mại nép bên bộ quân phục xanh rêu cứng cáp không sắc màu chói lọi mà sao em thấy hài hòa đẹp thế.
        Bao giờ kháng chiến thành công, chúng mình lại quay về Hà Nội, sẽ lại tiếp tục đi học cho hoàn tất chương trình. Ba má anh sẽ đến thưa chuyện với Mẹ cho hai đứa mình được cưới nhau.Chúng ta sẽ có những đứa con xinh xắn. Con trai, anh sẽ cho học nhạc, con gái , anh sẽ cho học ngành họa , âm nhạc hội họa sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ hướng về cái đẹp , cái thiện, cái lành. Con chúng ta sẽ lớn lên trong một  thế giới thanh bình,mọi người yêu thương lẫn nhau, không bao giờ còn phải cảnh đạn bom , giặc giã như anh và em hôm nay…Còn em, em sẽ chăm sóc nơi bàn viết của anh, mỗi sáng sẽ cắm cho anh một bông hoa tinh khiết vào chiếc lọ con góc bàn. Em sẽ nâng niu những trang bản thảo của anh, sẽ lo lắng những bữa cơm thật nóng, thật dẻo không bao giờ để anh phải đi ăn nơi hàng quán…
       Cứ thế họ thủ thỉ tâm tình. Bao dự kiến, ước mơ cho buổi trở về khi mà đất nước đã sạch bóng quân thù.
       Một buổi trưa khi họ đang trên đường trở về chỗ trú quân của anh Sơn thì bỗng mấy chiếc máy bay ập đến. Anh Sơn chỉ kịp đẩy chị Hà nằm nép bên rìa bờ mương- đã nghe thấy tiếng nổ dữ dội. Đất, cát mù mịt. Một mảnh bom văng tới cắm phập vào cánh tay anh trong lúc anh đang dang rộng cả thân mình che chắn cho chị Hà. Máu chảy ròng ròng thấm vào cả chiếc áo cánh nâu lẫn với bê bết bùn đất. Trong lúc hốt hoảng, chị Hà xé cả một mảnh thân em bó chặt lên cánh tay thương tích của anh Sơn .Thế là từ đây,một phần cơ thể em đã gắn trên dáng vóc khỏe mạnh của anh Sơn
(về sau lành vết thương, anh đã giặt sạch sẽ, cất giữ làm kỷ niệm và mảnh em đó đã được vinh dự được cùng anh đi khắp chiều dài đất nước- những nơi đang vẩn ngầu bóng giặc).
        Tuy không nói được thành lời ,nhưng em vẫn ngày đêm thầm mong cho mối tình thơ mộng , đẹp đôi của anh Sơn chị Hà được kết tụ thủy chung như cảnh thiên nhiên gió nội hương đồng thảo thơm tinh khiết nơi đây…
        Em có ngờ đâu.Thật đau lòng. Một buổi sớm tinh mơ,mọi người chưa kịp trở dậy đã nghe tiếng gọi thất thanh vọng tới :” Chạy đi bà con ơi ! Tây..! Tây !...” Kẻng , tù và  liên hồi .Tiếng súng ùng oàng. Những bóng dân quân chạy qua chạy lại. Lố nhố những tên lính râu quai nón ,da đen nhẻm ập vào làng từ nhiều phía, súng tiểu liên thi nhau khạc đạn. Thì ra chúng phục kích từ nửa đêm, áo tơi nón lá hệt như người nông dân ra thăm đồng nên ít ai để ý .Nhiều đám cháy lẫn với những xác người đổ xuống.
        Bà Giáo và chị Hà cùng một số dân làng bị đẩy lên mấy chiếc xe  vận tải hôi hám phóng nhanh về phía cầu Long Biên để lại phía sau những tàn lửa và tiếng kêu khóc như ri..
       Nhiều người còn bị giữ lại tra tấn xét hỏi.Riêng bà Giáo và chị Hà thì chúng cho là “đàn bà con gái không có gì”, tuần lễ sau đã được thả ra.Em sợ phát khiếp,trong lúc ở nhà tạm giam, có một tên cai ,đội gì đó mắt xanh như cú mèo cứ nhìn chằm chằm chị Hà em, cười rất khả ố rồi đưa mấy ngón tay to như quả chuối mắn vuốt vuốt hai bên má mịn màng của chị. Chị Hà sợ, co dúm cả người ôm chặt lấy bà Giáo .Bà Giáo cứ phải chắp tay lia lịa vái sống nó mãi nó mới thôi.
        Hai mẹ con chị Hà lại trở về nơi ở cũ sau ba năm xa cách.Vẫn căn nhà nhỏ một tầng theo lối Hà Nội cổ ,hẹp và sâu ít ánh sáng. Có người bà con trong họ hồi cư sớm đã đến ở, và cũng biết điều giao trả bà Giáo ngôi nhà kèm theo một khoản tiền của mấy năm ở nhờ.Do vậy những ngày đầu về thành phố, hai mẹ con cũng đỡ khó khăn.
        Phố xá nhộn nhịp .Những bộ trang phục rực rỡ chói chang. Những cửa hiệu choáng lộn ánh đèn và tràn ngập hàng xa xỉ. Ô tô, tàu điện, xe tăng ,xe zip và máy bay gầm rú trên trời. Những tên lính đủ các màu da ngạo nghễ khua gót giầy đinh cùng với những điệu nhạc quay cuồng dậm dật từ các sàn nhảy lập lòe xanh đỏ. Đâu rồi cảnh yên bình của lũy tre , bờ giếng, đâu tiếng sáo diều vi vu trên không ,đâu mảnh trăng xanh biêng biếc từng gội tràn trề trên cổ trên vai áo ?
        Mặc cảnh quyến rũ bên ngoài, suốt nửa tháng đầu chị Hà cứ đóng cửa không bước chân ra phố. Cứ khuya khuya bên ngọn đèn đêm, khi mà bà Giáo đã đi nghỉ, chị lại ngồi giở những lá thư của anh Sơn ra đọc , rồi em thấy chị khóc, ấp những lá thư vào ngực. Chị cũng không rời em nửa bước- ngoại trừ những lúc cần phải giặt giũ đem phơi , áo vừa khô, chị lại mặc ngay em lên người.
        Một hôm có tiếng cười rúc rích, mấy cô bạn cũ đến chơi. Cô nào cũng “diện” thật sang. Sa tanh, len , dạ, nhung, màu sắc lòe loẹt, mái tóc uốn quăn cũn cỡn, mặt bự phấn son và mùi nước hoa hăng hắc…
       Hà ơi ! Đi chơi với bọn mình đi !... Thôi các chị cho em ở nhà … Ô con bé này ! Về Hà Nội mà cứ ru rú xó nhà sao được ? Ra mà xem phố xa bao nhiêu thay đổi. Sang trọng, lạ mắt, lạ tai gấp bao nhiêu ngày xưa ấy…
       Chị Hà cố từ chối nhưng họ cứ  lôi kéo chị bằng được ra đường. Tuy nhiên trên người chị vẫn chiếc áo nâu bạc vá, vẫn là gương mặt trái xoan không tô điểm,vẫn dải tóc thề như dòng suối lượn lờ trên lưng…
       Nhưng rồi những ngày sau đó…
       Hà ơi ! Chúng tao biếu mày cái gấm Thượng Hải đây này. Quý phái như mày mà diện cái hàng này thì sẽ lộng lẫy như một nàng công chúa ấy. Bỏ cái của nợ hôi hám trên người mày ra. Về đây mà cứ vác mãi cái :”Kỷ niệm tản cư” ấy,người ta cho là mán xá …
       Em sững sờ khi một tối khuya chị cởi em ra trải lên giường, chị tần ngần nhìn em một lúc lâu…
      ..Em là kỷ vật thiêng liêng của chị và anh Sơn. Một kỷ niệm thấm bằng máu, mồ hôi và gian truân cát bụi. Miếng vá này còn ghi nhớ một mảnh thân em dính trên tay anh Sơn. Chị mãi mãi không quên. Nhưng xin em hiểu cho chị. Về đây chị cũng phải thay đổi đôi chút trong ăn mặc cho phù hợp với nhịp sống phố phường. Nhưng chị sẽ nâng niu gìn giữ em suốt đời, em thứ lỗi cho chị nhé…
      Chị thở dài lặng lẽ gấp em vuông vắn rồi cất em trong tủ áo .Em run rẩy muốn van nài chị :
    -  Chị Hà ơi ! Chị đừng bỏ em như thế. Chính cái màu nâu quê kệch này đã giúp chị có được những ngày vừa qua sống thật trong lành ,xứng đáng. Chị đừng vội hoa mắt về những màu sặc sỡ kia, chúng sẽ làm hại chị đó…
       Em run sợ linh cảm thấy một cái gì đó không hay đang đến với chị Hà , hạnh phúc anh Sơn đang bị xói mòn, đe dọa. Ngăn tủ tối om nhưng nhờ có vài khe nứt do mối mọt ,nên tuy nằm đây mà em vẫn có thể quan sát mọi thứ bên ngoài. Em thấy bà Giáo rất buồn. Nhiều buổi, bà ngăn chị Hà :” Con đừng a-dua theo mấy đứa ấy,mẹ thấy không phải là những đứa ngoan ngoãn, nết na. Anh Sơn đấy, hôm nọ có người vào trong này, anh ấy đã nhờ gửi con lá thư, dặn con thê nào con không nhớ sao ?” Ôi mẹ ơi ! mẹ lo xa quá đấy . Vào đây con cũng phải đi lại thăm phố xá bạn bè , tìm công ăn việc làm chứ. Chẳng lẽ mẹ cứ muốn con phải sống như một tu sĩ hay sao ? Còn anh Sơn thì con vẫn chờ đợi anh ấy kỳ cho đến ngày kháng chiến thắng lợi vẫn được cơ mà…  
        Rồi có một hôm chị Hà trở về trông khác hẳn .Em đau xót cố không muốn tin đấy là sự thực .Chị mặc chiếc áo đỏ gắt có thêu những bông hoa trắng to như chiếc bát úp lên trên,mắt đánh quầng xanh đậm, một đỏ chói bóng nhẫy trên môi..trên má..và cái đầu..ôi còn đâu dòng suối mát lượn lờ trên bờ lưng thon nhỏ ,nó đã được tàn nhẫn cắt rụng đi để thay vào đó những cuộn sóng lăn tăn… Chị Hà em vốn dĩ là đẹp, nên chị ăn mặc thế nào cũng vẫn đẹp. Nhưng em cứ thấy tiêng tiếc tà áo lụa trắng trinh nơi sân trường rộn rã,cái màu nâu nền nã dưới chiếc cổ trắng ngần khi chị nghiêng nghiêng thả chiếc gàu xuống lòng giếng mát một đêm vằng vặc ánh trăng.. Hôm nay trông chị thế nào ấy, khó có cảm tình , khó gần. Chị Hà ơi , chị không còn nhớ đến anh Sơn sao ? Trông chị thay đổi thế này, em chắc là anh Sơn không thích đâu. Chị hãy nghĩ lại đi. Mau mặc lại em trên người, em sẽ giúp chị tránh khỏi sa đà đến nơi rồi chị ơi…
       Mặc bà Giáo đêm đêm khóc thầm bên gối, chị Hà cứ lao vào các cuộc vui hè phố với các cô bạn, dần dà thêm cả những gã bạn trai. Em giật mình khi thấy gò má chị đã mờ mờ vết sạm đen, một vẻ mệt mỏi đôi lúc thoáng gợn trên đôi mắt, chẳng còn đâu cái êm ả, hiền hậu như mặt nước hồ thu. Tối tối không còn thấy chị ngồi giở thư củ anh Sơn ra đọc, và hầu như chị đã quên bẵng hẳn em đang xót xa một mình trong đáy tủ tối om. Cho đến một buổi khuya lắm. Phải đến gần nửa đêm. Có tiếng đập cửa thình thình. Bà Giáo từ buồng trong , lặng lẽ trở dậy ra mở cửa. Cả bọn ào vào hơi rượu sặc sụa. Chị Hà em, mấy cô bạn tóc xoăn, thêm mấy gã trai trẻ có bộ ria con kiến và cái cười ngạo nghễ khinh khi. Chừng họ vừa đi ăn uống ở đâu về. Mặt đứa nào cũng đỏ rừ, ca-vát xộc xệch ,nước chân loạng choạng. Chúng níu vai nhau, đổ vật trên giường, trên ghế, miệng lè nhè một điệu cải lương mùi mẫn. Bà Giáo nghiêm nghị :” Mời các anh các chị về đi cho. Khuya rồi để cho hàng xóm và chúng tôi nghỉ ”. Ôi mẹ ơi ! mẹ làm gì mà khắt khe với bọn con thế. Hôm nay tối thứ bảy mà, mẹ thử mở cửa mà xem. Phố xá tràn ngập ánh đèn, quán ăn tiệm nhảy đang chật ních người, có ai đi ngủ giờ này đâu ? Mẹ phải thông cảm với bọn trẻ chúng con chứ. Chiến tranh ly loạn, mịt mù tương lai. Bọn con rồi cũng mỗi thằng một chiếc áo lính, một khẩu súng, tống ra mặt trận. Buồn lắm mẹ ạ.Đời nghĩa chi đâu. Khối thằng bạn con – đứa chết mất xác, đứa cụt, đứa què… nào nốc đi chúng mày ơi ,quên hết, quên hết…
        Chúng vặn nhạc, chúng ôm nhau nhảy như điên. Riêng chị Hà ngồi mệt mỏi cạnh bàn không tham gia với họ. Chán chê chúng giở đồ nhắm trong mấy cái túi xách mua về. Rượu bia nổ đôm đốp ,lênh láng cả ra bàn. Chúng hụp đầu vào những chiếc đĩa và cười sằng sặc như ma dại.
       Bà Giáo ứa nước mắt lui vào nhà trong. Cái lưng còng còng tội nghiệp. Em biết bà đang âm thầm đau khổ thắp nén hương trên bàn thờ ông Giáo , cầu khấn linh hồn người sớm khuất khôn thiêng hãy che chở giữ gìn cho đứa con gái duy nhất giữa cảnh nhiễu nhương hỗn độn này…
       Cuộc ăn uống kéo dài đến tiếng đồng hồ. Trời đất ơi, bỗng chúng gục đầu xuống bàn nôn thốc nôn tháo .Rượu thịt, bạc nhạc, những thứ phế thải nhầy nhụa tanh tưởi. Một cô bạn hét lên, cái cô có đầu quăn tít như tổ quạ, mắt sắc như dao : “ Tởm quá. Hà ơi, có cái khăn nào lau đi…” Nhưng nhìn quanh họ chẳng có mảnh vải thừa thãi nào,cô ta phăm phăm bật tung cánh cửa tủ. A đây rồi ! Trong xó tối em được giật mạnh ra. Tuy đang cơn say lừ đừ, chị Hà cũng kịp chồm dậy, có một phản ứng rõ rệt :” Ấy , không , không ! Chiếc áo kỷ niệm ! Không được động đến , Không được động đến…Nhưng chị không còn đủ sức để nói hết câu, đã ngã quỵ xuống chân bàn ,đôi tay còn chới với giơ lên như cố đòi lại vật gì thân thiết…
       Mặc ! Cô gái tóc quăn tổ quạ cứ thản nhiên di miết thân hình em xuống đống lầy nhầy rớt rãi nôn ọe kia. Em giẫy giụa, em uất hận, em muốn gào lên, hét to lên :” Không ! Không ! Không ! Các người bỏ tôi ra .Đừng bắt tôi phải tiếp xúc với những thứ xú uế này. Chị Hà ơi, cứu em với. Anh Sơn ơi ,khẩu súng anh đang dùng cho các mục đích cao cả gì sao anh không dùng ngay chính  nơi đây để bảo vệ cho Hạnh Phúc
Của chính riêng anh đang bị tan vỡ đến nơi rồi anh ơi…
      Cô gái mắt sắc như dao thản nhiên vứt em xuống đất. Thân thể em tơi bời răn rúm . Vừa hay lúc đó, gã có hàng ria con kiến quờ quạng chân vô tình đá phải một chai dầu hỏa- dự phòng những tối mất điện – đặt khuất dưới gậm giường. Chai dầu đổ chảy lênh láng, thấm cả vào mảnh áo nâu nằm rũ bên cạnh. Cơ thể em phần nào như được gột rửa làm sạch những vết hoen nhưng mùi dầu hỏa lại nồng nặc bốc lên. Hót đi chúng mày ơi ! nặng mùi quá …Một cô gái trông bớt dữ dằn hơn - nhón nhén bàn tay có những chiếc móng dài đỏ sắc - cầm túm lấy em mang vào sân trong. Ôi ! Cô nàng định làm gì tôi đây ? Xin hãy thương, mau cho tôi được thoát xa khỏi cảnh nhơ nhớp này . Một ngọn lửa đỏ rực đang phần phật trong bếp. Bà Giáo có bệnh đau xương nên tối nào cũng phải sắc thuốc tới khuya. Chừng đang cơn say khật khưỡng   ( hay vì lòng thương?) cô gái không nghĩ ngợi tiện tay quăng luôn em vào chỗ lửa thay vì đi dấn thêm mấy bước nữa là chiếc sọt để không cuối sân . Vài vệt cháy bén sang người em rồi cứ thế lan nhanh mãi.
        Ôi ! Thật hạnh phúc …Xin cám ơn cô gái …Gian ngoài vẫn có tiếng nô cười tục tĩu buồng bên bà Giáo đã tắt đèn triền miên đau khổ .
       Và trong đây ngọn lửa đang hừng hực bốc lên cao.
       Thân em phút chốc biến thành trăm mảnh tàn tro cứ bập bềnh bay lên cao , bay cao vượt khỏi những mái nhà nặng trĩu màu chì , vượt khỏi cái màn đen kịt mùa oi bức Hà Nội.
       Làn gió tinh khiết của không gian bao la như cũng cảm thương phù trợ cứ nâng những mảnh hồn em lên cao mãi, đi xa mãi , tỏa ra khắp bốn phương, lượn lờ trở về với các vùng quê thân thiết có tiếng gọi đò trên sông , tiếng đập lúa đêm trăng mùa gặt, tiếng nghé ọ trâu dắt ra đồng… Em lại được hòa nhập với những mái tranh nghèo, thơm ngát mùi hương bưởi ,hương cau, dặt dìu điệu xẩm xoan, quan họ, em lại được gặp những bác , những anh ,những chị thân quen- những chiếc áo cánh nâu- chẳng đượm màu nhưng giản dị ,thủy chung với những cuộc sống đang sôi động , hào hùng như vũ bão…
       Chị Hà ơi ! Vĩnh biệt chị. Em đang trở về với Hư Vô .Thân thể em hoá tan trăm mảnh nhưng lòng em thanh thản vô cùng. Hồn em lại được tìm về với mảnh hình xưa đang được giữ gìn trong hành trang anh Sơn… Em từ giã cõi đời mà không ân hận gì cả , chỉ thương bà Giáo, thương chị , thương những người còn ở lại đây… Em cầu mong van xin chị hãy tỉnh táo lại, đừng buông thả trượt ngã mãi chị ơi… Hãy nghĩ đến anh Sơn và hãy sống sao cho xứng với những kỷ niệm ấy , mối tình ấy…
 
 
Hà Nội 1951
 
In lần 2 trong “Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam chọn lọc –Tập 3
Nhà Xuất  Bản Văn Học 1996 “          
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9