Lòng dạ đàn bà
Thanh Mai
Ông Bảy về hưu đã hai năm nay. Vợ ông khuất bóng từ lâu. Đứa con trai đã có gia đình mà tính ông lại chẳng thích làm gánh nặng cho con cháu nên ông sống một mình một cái chòi tranh cho khỏe. Có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, có ba cộc ba đồng tiền hưu cũng đủ cho ông sống qua ngày.
Ông dễ ăn dễ ngủ lắm. Chỉ cần mỗi ngày có cho ông một xị rượu đế, vài trái chùm ruột, trái xoài xanh hoặc con cá khô là đủ. Ông hay ngâm nga:
- Chữ tình cùng với chữ duyên,
Cho thêm chữ nhậu mới bền duyên ta.
Ông Bảy là một nhà thơ con cóc không tên nhưng có tuổi. Tướng ông cao khều, khô đét và đen thui như cây củi khô, vậy mà cũng có mấy bà góa để ý đến, có lẽ nhờ ông có duyên ăn nói, hay khôi hài. Bữa bà này đem đến cho ông bát cháo, bữa bà kia dúi cho ông con mực khô, lại có bà tặng ông cái …bô đi tiểu. Làm như ông chuyên đi đái bậy vậy. Ông đối với bà nào cũng vừa ân cần vừa lấp lửng, bí mật. Chẳng biết ông thương ai thích ai nữa. Lâu lâu nổi hứng sáng tác được một bài thơ con cóc ông chép ra mấy bản và tặng cho mỗi bà. Bà nào cũng gối đầu giường nâng niu cất kỹ, có dám hé ra cho ai coi đâu sợ con cháu nó cười cho thúi mũi.
Cái chòi của ông làm bằng tre, lợp mái tranh, được dựng trên một cái ao nhỏ xíu, cạn queo. Ông ăn đó, rửa tay đó, và thậm chí tiểu xuống đó luôn. Ông cười ha hả khoe với bạn bè, con cháu:
- Tối ngủ khi nào mắc tè tao chỉ cần nằm úp sấp lại. Khỏi phải đứng dậy đi tiểu, khỏe re!
Mà khỏe thật! Già rồi ai chẳng mắc cái bệnh tiểu đêm. Cứ phải thức dậy lọm khọm đi tiểu vài lần mỗi đêm nhiều khi không ngủ lại được cực lắm chứ. Sướng cái nữa là khỏi phải treo mùng vì không có muỗi. Gió biển lồng lộng thổi tới từ xa nên mặc dù từ cái chòi không thấy biển đâu cũng ăn nhờ được cái quạt thiên nhiên này, chẳng có con muỗi chết tiệt nào xuất hiện để xin ông tí huyết cả.
Mà chúng có xin ông cũng không có huyết mà cho. Có lần ông bị cái cánh quạt máy trần nhà thằng Tửng phang trúng cổ tay cắt đứt một khúc lòi cả mỡ trắng hếu. Vậy mà chẳng có một giọt máu nào nhỏ ra. Nói là mỡ trắng chứ chắc là lòi xương trắng đấy thôi vì tướng ông khô đét như củi khô thì làm sao có thịt mà còn nói đến mỡ. Và cái sướng thứ ba là nhà chòi của ông không có cửa, không có tường vách nên chẳng có thằng ăn trộm nào để mắt xanh tới. Ăn trộm là chuyên bẻ khóa, trèo tường, khoét vách mà chòi của ông chẳng có thứ nào thì làm sao chúng có thể hành nghề.
Thằng ăn trộm nào lỡ có đi lạc vào chòi của ông chắc nó cũng khùng luôn vì chẳng có thứ nào ra hồn cho chúng thó. Cái nồi đất đen thủi đen thui để nấu cơm bị mẻ một miếng thật to ngay miệng nồi; cái nồi nhỏ để kho cá cũng gãy quai; cái ấm trà và ngay cả tách trà cũng mẻ; cái áo cái quần cũng rách, và ngay cả đôi dép nhựa cũng chiếc đực chiếc cái. Đôi dép vợ thằng Tèo mua tặng cha chồng hôm Tết, mới mang được hơn tháng khi đi ăn giỗ ở nhà hàng xóm ông mang lộn dép người ta về. Qua hôm sau thức dậy trời sáng mới thấy hai chiếc không giống nhau. Mặc kệ! Không giống nhau cũng đâu có sao, miễn không phải cùng một bên là được rồi. Ông Bảy bất cần đời, mang hai chiếc dép đực cái này cũng gần năm. Ai cười ông cũng tỉnh bơ.
Vậy mà cũng có người giống tính ông Bảy, đó là người bị ông mang lộn dép. Năm sau đi ăn giỗ ông gặp lại một người mang y chang đôi dép cũng đực cái giống mình. Hai người tới nhà bà Sáu cùng lúc, cùng khám phá ra sự giống nhau của hai đôi dép quái chiêu, và cùng nhau đổi lại cho đúng đôi đực với đực, cái với cái. Hai người cùng hỉ hả vui mừng hết sức không phải vì tìm ra chiếc dép mà vì cho thiên hạ thấy rằng họ sai. Có còn bảo họ “không giống ai” nữa không.
Ông Bảy hân hoan mang đúng đôi dép của mình về nhà. Tuần sau ông được mời tới nhà thằng Tửng nhậu mừng tân gia. Ai cũng bỏ giép bỏ giày ngoài cửa. Lần này cẩn thận hơn, khi ra về ông cầm đôi dép lên nhìn kỹ và đắc chí nói:
- Ha ha! giống nhau. Đừng có cười tao lẩm cẩm nghe.
Nhờ nhìn kỹ vậy nên lần này ông Bảy quá tài không lộn chiếc dép đực dép cái nữa. Chơi ngon hơn là ông lộn cả đôi! Đôi dép này mới hơn và hẹp hơn! Vậy mà ông cũng xỏ chân được và chẳng mảy may nhận ra.
Mới lộn được một đêm ông chưa kịp khám phá thì sáng sớm hôm sau thằng Tửng chủ nhân của đôi dép tới ngay trước chòi réo:
- Bác Bảy ơi bác Bảy, bác mang lộn dép của con rồi.
Ông Bảy lê đôi dép chạy ra cãi:
- Tao mang 2 chiếc giống nhau mà. Đây nè coi đi.
Thằng Tửng lột đôi dép mốc thếch đang mang dưới chân ra nói:
- Tối hôm qua lúc mọi người về con thấy mất đôi dép của mình mà lại dư ra một đôi không ai nhận là nghi bác Bảy lại mang lộn nữa rồi. Bác mang đôi dép của con chật ém mà không nhận ra hả?
Thằng Tửng tế nhị không dám nói là đôi dép của nó còn mới sợ ông già nhột dạ. Ông Bảy nhận ra sự sai lầm của mình, lột đôi dép đổi lại cho thằng Tửng và giã lã:
- Trời ơi! Tao không nhận mình đãng trí không được. Mà mày đừng nghĩ là tao tham đôi dép mới của mày nghe con.
Thằng Tửng đâu dám nghĩ xấu ông Bảy mà lỡ có nghĩ bậy cũng sức mấy dám nói ra vì ông Bảy là người có ơn cứu mạng nó. Năm ngoái thằng Tửng bị thất tình uống thuốc chuột tự tử. Nó xùi bọt mép nằm trợn mắt gần chết thì ông Bảy có chuyện vào nhà kiếm...má nó. Thấy thằng nhỏ ngoặt ngoẹo như vậy ông Bảy chạy bay ra ngõ kêu xe lam để chở nó vào nhà thương. Ngẳng cái xe lam này từ đời tám hoánh ông cố nội của thằng Tửng, tới trước nhà thằng nhỏ thì tắt máy không nổ nữa. Ông Bảy cong đít đẩy hoài mà xe lam cứ khẹt khẹt được vài tiếng như ho gà rồi tắt tịt chứ không chịu nổ. Thằng Tửng gần chết chứ đầu óc còn nhận biết được. Nó thấy tướng ròm của ông Bảy đẩy yếu quá nên ...tức mình còn chút tàn hơi gượng dậy, lảo đảo chạy ra đẩy phụ chiếc xe. Có lẽ lúc đó ý tưởng cầu sinh của nó nổi lên. Nó đẩy xe toát cả mồ hôi, vãi cả nước đái, thấy mấy chục ông trời ông trăng mà xe vẫn không nổ. Đến khi hai ông cháu gần muốn bỏ cuộc, thu hết tàn hơi đẩy ra và hét lên một tiếng thì chiếc xe thổ tả gầm gừ và...nổ dòn. Cả ông Bảy và thằng Tửng cùng mừng rú và ngã lăn vào thùng xe thở dốc, mặt mày xanh rờn, rồi xỉu luôn tại chỗ.
Xe chạy tới nhà thương, người ta phải đem cả hai vào phòng cấp cứu. Thằng Tửng may mắn được cứu mạng thoát chết. Người ta đoán có lẽ nhờ nó đẩy xe toát mồ hôi, vãi nước đái, tiết được phần nào chất độc ra ngoài nên nó mới sống được. Từ đấy nó coi ông Bảy như người có ơn lớn với nó, như cha mẹ tái sinh. Còn ai hỏi chọc nó sao hổng chịu yên phận chết mà còn chạy ra đẩy xe làm gì? Nó chỉ cười hí hí nói lúc đó nhìn thấy tướng ông Bảy vừa xấu vừa già mà còn có đàn bà con gái chịu đèn. Còn nó đẹp trai trẻ trung mắc mớ gì vì một đứa con gái mà bỏ mạng uổng quá xá. Hơn nữa chết đi chắc má nó buồn lắm vì chỉ có mình nó là con nên ráng sức phụ ông Bảy mà cứu mạng mình.
Má thằng Tửng biết ơn ông Bảy cứu con mình lắm. Ba thằng Tửng đi bán muối từ khuya. Má nó cứ vài ba ngày nấu miếng canh, kho miếng cá bắt thằng Tửng bưng qua nhà cho ông Bảy. Bà có qua thì ông có lại. Ông Bảy có trồng vài luống rau, luống cà nên cũng gởi thằng Tửng đem về cho má nó. Bữa nọ thằng Tửng nói với ông Bảy:
- Má con hỏi sao cà chua bác Bảy trồng có bí quyết gì không mà tròn to và chín đỏ đẹp quá vậy? Má con cũng có trồng cà chua mà trái không lớn được như vầy và khi lớn lại bị nứt chẳng đẹp tí nào.
Ông Bảy tửng tửng nói:
- Thì tối nào tao cũng tưới nó bằng nước tiểu mới ra lò nên tụi nó mắc cở phổng lên và đỏ mặt đẹp như vậy đấy.
Vài ngày sau má thằng Tửng gởi qua tặng ông Bảy mấy trái dưa leo to tướng. Nó chuyển lời má mình:
- Má con bắt chước cách của bác Bảy mà cà chua cũng vẫn đẹt và xấu. Chỉ có tụi dưa leo không cần tưới mà lại vọt to lên thôi.
Biết gặp địch thủ chịu chơi, ông Bảy khoái chí lắm. Má thằng Tửng so ra nhỏ hơn ông cả chục tuổi, tướng tá có hơi mát da mát thịt nhưng cũng bắt mắt. Ông Bảy tuy tướng tá còm nhom muỗi chích không có máu nhưng chắc chắn cắt đầu gối cũng còn máu nên chịu đèn má nó rồi. Một bữa trả cái cà men cho thằng Tửng mang về, ông Bảy nhét vào đó miếng giấy nhỏ có đề vài câu ca dao ông chế thêm:
- Ơn trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Thương em để bụng bấy lâu
Anh xây nhà lầu anh sẽ cưới em...
Vài bữa sau trong ơ cơm có mãnh giấy trả lời:
- Trời mưa nước chảy tèm lem
Chờ ông đi cưới chắc em khô rồi.
Đến chừng nước ngập cả đồi
Biển Đông khô cạn nhà lầu mới xây?
Ông Bảy không ngờ má thằng Tửng cũng đáo để đớp chát như vậy. Trả lời kiểu này có vẻ coi thường mình thuộc loại lè phè không thể nào vớ tới bả. Vài bữa sau nhân trời trở lạnh ông thả thêm một mẫu giấy vào bao cà pháo biếu má thằng Tửng:
- Cá sầu ai, cá chẳng quạt đuôi,
Mền da tôi mượn dăm đôi ba ngày .
Kẻo không lạnh lẽo thế này ,
Tôi bị ...sưng phổi ai người lo cho???
Thằng Tửng không ngờ nó là con chim xanh đưa thơ cho má nó và ông Bảy. Ngay hôm đó Má nó nhờ nó đem cho ông Bảy hộp thuốc Avil trị cảm và ho trong có câu trả lời :
- Ví dầu tình bậu muốn...ho
Bậu nên uống thuốc đừng lo...mượn mền...
Mền ai nấy đắp chớ nên
Cho mượn mà đắp chẳng bền được lâu.
Má thằng Tửng gởi cho ông Bảy hộp thuốc ho xong xù luôn, không cơm không cháo cho ông gì nữa cả. Chắc bả chỉ có ơn chứ không có tình. Mà thật ra má thằng Tửng phòng không gối chiếc lâu nay cũng cô đơn lắm lắm, không chịu ông Bảy cũng có lý do. Ba thằng Tửng ngày xưa tính khó đàng trời, lại thêm tính ghen nên má nó cũng khổ lên khổ xuống với chồng, hở tí là bị đánh đập, nhiếc mắng. Giờ một thân một mình, của nả chồng để lại không phải lam lũ, muốn ăn muốn chơi gì tùy ý, sướng như tiên. Thấy hoàn cảnh ông Bảy cũng tội nghiệp, có điều ổng đã lớn tuổi rước về rồi phải lo thang thuốc hầu hạ khác gì rước khổ vào thân. Thôi thì lơ đẹp cho xong, để lâu sinh tình thì khổ.
Ông Bảy chỉ bị cảm lạnh sơ sơ, bây giờ nghe má thằng Tửng trả lời như vậy rồi lặng luôn, ông đổi qua thất tình cảm thương nàng ho sù sụ trông thảm thiết lắm. Nhưng trên đời này thiếu gì người có lòng! Bà sui của ông Bảy là một trong những người đó. Bà sui cũng góa chồng được mấy năm nay nên về ở chung nhà với vợ chồng thằng Tèo để hủ hỉ và nhân thể trông dùm mấy đứa cháu ngoại. Nghe tin anh sui bị bịnh nằm chèo queo, bả động lòng thương nấu cháo tự tay bưng qua chòi cho ông Bảy. Bà sui nhỏ nhẻ hỏi thăm :
- Anh sui bị cảm lạnh không?
Ăn tô cháo nóng ấm lòng nhen anh.
Cháo này tui bỏ nhiều hành,
Ăn xong anh sẽ khỏe nhanh tức thì.
Ông Bảy bị người đẹp bỏ nằm chèo queo mấy hôm nay. Đang buồn tình hết sức thì lại được một người đẹp khác qua hỏi thăm lại tận tay bưng cháo tới mời tận miệng. Ông Bảy tủi thân mủi lòng muốn khóc. Bà sui dù gì cũng là... « fan » mê thơ của ông một thời. Hồi đó nghe xấp nhỏ nói bà sui khen thơ con cóc của ông nên ông cũng có tặng cho bả vài bài và mỗi dịp gặp nhau hai bên chuyện trò rôm rả hợp ý tâm đầu lắm. Nhưng một hôm tình cờ ông nghe bà sui khoe với bạn :
- Tui sống hơn 20 năm với chồng không bao giờ cãi với ổng một tiếng. Ổng có la có ăn hiếp tui cũng im ru không cãi lại.
Người bạn tấm tắc khen và hỏi:
- Trời ! Sao chị nhịn hay vậy?
Bà sui khoe :
- Tui không thèm cãi mà bỏ vào chùi cầu tiêu coi như trả đũa ổng.
Người bạn ngạc nhiên:
- Sao lại đi chùi cầu tiêu mà là trả đũa?
Bà sui đắc chí :
- Tui lấy bàn chải đánh răng của ổng mà chùi bồn cầu. Coi như trét phân vô miệng ổng! Cần chi cãi cọ khô nước miếng phải không?
Ông Bảy nghe bà sui nói chuyện với bạn mà hết hồn hết vía! Chu choa ơi, bà này tàn độc thâm hiểm quá sức. Nghĩ lại bà xã của mình hồi còn sống chắc không chơi cái màn này vì bả đâu có chịu nhịn mà cãi lại ùm trời. Mới hay nhìn sự vật thấy vậy mà thực chất thì thường lại khác đi. Tốt nước sơn chắc gì bên trong là gỗ tốt? Ông kể lại và dặn dò thằng con trai của mình coi chừng con vợ được má nó truyền nghề chùi cầu tiêu thì nguy. Thằng Tèo cười hì hì :
- Có cách ! Mỗi lần chửi nó xong con sắm cái bàn chải đánh răng khác khỏi lo nó chơi màn chùi cầu tiêu! Ba đừng lo!
Ông Bảy yên tâm cho thằng con trai nhưng từ đó ông mất hứng không còn tặng thơ cho bà sui nữa và nếu có gặp cũng lơ là bãi buôi dăm câu chuyện rồi tìm cách dông mất.
Nhưng nay bà sui có lòng đem cháo qua trong lúc tối lửa tắt đèn như thế này, tâm hồn con người đang lúc chùng xuống, áo não thê lương thì làm sao không cảm động đậy được. Ông Bảy vừa húp cháo vừa thầm thì cho tự mình nghe :
- Cháo hành này chẳng gì bì,
Ăn vào lỡ...bị chùi...gì...cũng cam.
Mới thấy đàn ông dù nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm cũng vẫn dễ bị dụ như thường. Chỉ cần chút mật ngọt, chút dịu dàng là...tiêu đời dễ như chơi.
Tình ông sui bà sui chưa kịp tiến triển thì bà sui chắc bị lây bịnh ông sui, nằm liệt. Bà sui không ăn được, không ngủ được, không nói được, và ngay cả không đi... qua chòi ông sui được. Ông Bảy qua thăm mà bà sui không thể mở mắt nhìn và không chào chàng được một tiếng. Bịnh thật là nặng, không khéo đi điện kỳ này! Vợ chồng thằng Tèo phải mời bác sĩ tới nhà coi bịnh cho bà ngoại xấp nhỏ. Bác sĩ cho chuyền một chai nước biển và một chai chất đạm dây nhợ lòng thòng coi tội hết sức.
Bác sĩ thật hay! Mới chuyền được 1 tiếng đồng hồ thì bà sui mở mắt ra được. Việc đầu tiên là bả ngoắt tay kêu con gái tới, thì thào nói :
- Nhớ để dành 2 chai nước biển bán ve chai nghen con!
Trời ơi! Không ngờ bà sui có tật hà tiện. Cũng chẳng sao, bả hà tiện cũng là chắt bóp lo cho gia đình, có sao đâu. Nhưng đến cái màn sau này thì ông Bảy hết còn biện hộ cho bà sui được nữa. Số là sau khi lành bệnh, thỉnh thoảng mỗi năm bảy bữa, vào lúc trời chiều sâm sẩm bà sui lại thân chinh đem qua tặng ông Bảy trái mãn cầu, trái vú sữa, hoặc trái ổi xá lị chín rục thơm nức mũi. Bà sui còn ân cần tận tay lột hoặc cắt trái cây mời ông ăn, vừa ăn vừa tán chuyện tào lao trên trời dưới đất. Ông khà hớp rượu, rồi kể chuyện tiếu lâm, bà cười nắc nẻ. Có khi vui quá bà một tay ôm bụng rũ ra cười, còn tay kia thì thì cầm miếng trái cây đút vô miệng ông ra chiều muốn trám cái miệng tiếu lâm không cho nói tếu nữa. Thật là vừa vui vừa...tình !
Một bữa sáng nọ bà sui sai thằng cháu nội bưng qua cho ông Bảy hủ dưa cải trông ngon đáo để. Ông Bảy nhắn với thằng cháu :
- Con về nói với bà Ngoại ông Nội cảm ơn nhiều nhen. Dưa cải ngon lắm, ông Nội thích lắm, để tối nay ông Nội nhắm với rượu.
Thằng cháu nội mới lên tư thật tình méc :
- Con thấy có con gián nằm trong dưa cải. Bà Ngoại vớt con gián ra quăng cho gà ăn. Rồi Ngoại cầm hủ dưa lên nhìn tới nhìn lui và nói dưa cải bỏ uổng quá, thôi đem tặng cho « thằng chả ». Rồi Ngoại kêu con biểu đưa hủ dưa cải này qua cho ông Nội. « Thằng chả » là tên của ông Nội hở ?
Ông Bảy nghe thằng cháu Nội ngây thơ nói mà mặt mày méo xẹo và lòng buồn rười rượi. Hóa ra bả coi mình như thùng nước cơm chứa đồ ăn bỏ đi. Sao bả không lấy dưa cải này nấu cháo heo mà lại đem tặng mình. Rồi ông rùng mình nghĩ đến mấy thứ trái cây bà sui đem qua tặng hôm giờ. Tại sao lại đem qua vào lúc trời chập choạng không mấy sáng ? Tại sao lại cứ dục mình ăn ngay mà không để đến hôm sau ? Ông Bảy dò hỏi thằng cháu nhỏ :
- Bà Ngoại có hay mua trái cây không vậy ?
- Dạ có ! Bà Ngoại mua để trên bàn thờ ông Ngoại.
- Bà Ngoại có cho con ăn trái cây cúng không ?
Thằng cháu vừa chằn môi ra điều ghê sợ vừa lắc đầu ngoay ngoảy :
- Trái cây bà Ngoại cúng trên bàn thờ lâu thật lâu, mềm èo có nhiều con giòi ngo ngoe gớm lắm con không ăn đâu.
Ông Bảy lạnh mình, người mọc gai ốc. Không biết bà sui có phải chỉ là hà tiện hay là chơi ông như chơi lão chồng ngày nào. Lão chồng hồi còn sống bị trét phân vào miệng. Còn ông thì bị cho ăn giòi!
Ông Bảy vẫn không biết rằng, ông đã có tội lớn tày đình với bà sui vì ngày nào đã dám lơ đẹp bả mà “thân” với má thằng Tửng. Ông cũng không biết rằng bà sui đã thì thầm nhiều lần với ông chồng đang ngồi ngậm tăm trên bàn thờ:
“Thằng chả” tưởng mình ngon lắm hả?
MN