Tại Huế, không phải ai cũng biết đến một ngôi chùa có tên dịu dàng là Từ Hiếu. Đây là nơi thờ phụng và chôn cất của một hạng người trong xã hội phong kiến vĩnh viễn trở về cát bụi: thái giám.
Chuyện rằng, ngôi chùa này trước có tên là An Dưỡng am do Hòa thượng Nhất Định dựng lên vào năm 1843. Trong khi tu, ngài có nuôi mẹ già. Ngày kia mẹ bị bệnh nặng, thầy thuốc khuyên là nên cho bệnh nhân ăn thịt cá để mau phục hồi sức khỏe. Dù là người chay tịnh, nhưng vì thương mẹ, từ đó, ngài thường xuống chợ Bến Ngự mua cá buộc vào đầu gậy đem về nuôi mẹ. Có lẽ, cảm động trước lòng hiếu thảo này nên sau đó, vua Tự Đức đã sắc phong cho chùa này danh hiệu “Từ Hiếu tự”.
Không những thế, ngôi chùa này còn là nơi “cưu mang” của một hạng người đặc biệt trong xã hội quân chủ. Vì về sau, năm 1848, hạng người ấy là các quan thái giám trong triều – vốn không có con nối dõi, họ bày tỏ nguyện vọng với nhà vua, sau khi nhắm mắt xuôi tay, họ được chôn trong ngôi chùa này đặng có người lo hương khói. Cảm thông với ước nguyện chính đáng này, vua Tự Đức đã xuống chỉ dụ chấp thuận. Họ đã đóng góp công đức vào ngôi chùa, để sau khi chết họ được mai táng, phục tự và cúng giỗ nơi này. Vì thế, ngoài tên Từ Hiếu, chùa còn được nhiều người quen gọi là chùa Thái giám; còn người Pháp cũng gọi “Pagode des Eunuques”.
Nơi yên tĩnh để thái giám nương mình Có thể nói, chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ có nét kiến trúc rất Việt Nam, nằm trên địa phận xã Thủy Xuân, cách Thành phố chừng 5 km về phía Tây, rộng khoảng 8 mẫu tây. Trước mặt chùa có khe nước bao quanh và khi phóng tầm mắt nhìn xa về hướng đông nam ta thấy núi Ngự Bình. Trước cửa chùa có Tháp Bồ Đề dựng từ năm 1896 để chứa những kinh tự hỏng cho tự hủy. Vào chùa qua cổng tam quan đến sân, hồ bán nguyệt, rồi sau chùa có hai nhà bia. Tiếp đến là tiền đường rồi nhà Tổ. Phía sau có hai dãy ở hai bên: Tả Lạc Thiên làm chỗ cho các nhà sư nghỉ ngơi và Hữu Ái Nhật để tiếp khách thập phương.
Nếu bước vào trong chùa với hương trầm thơm dịu và khi chiêm bái những tượng Phật từ bi, bác ái lòng người dường như được thoát tục, nhẹ nhàng… Lúc nhìn nơi ký thác vĩnh viễn phần xác của người đã khuất thì lòng người tưởng chừng như đang chạm đến một nỗi ngậm ngùi, thương cảm. Sự thương cảm này còn lớn hơn, khi ta biết người nằm dưới đó chính là những quan thái giám. Khu mộ này được bao quanh bởi một tường thành chữ nhật, chiều dài đo được 26,03 mét, rộng 19,05 mét. Dưới ánh nắng của một ngày đầu thu Xứ Huế, nhìn tấm bia cổ, dưới vệt rêu mờ ta vẫn còn đọc được dòng Hán tự nêu lên mục đích của việc lập ra khu nghĩa trang này:
“Nhân nghĩ rằng nếu không lo kế về sau, khi còn sống thì nương nhờ cửa Phật, mà sau khi chúng ta chết thì biết nương tựa vào đâu. Nhận thấy ở góc thành phái Tây Nam gần chùa có một miếng đất, lấy gạch xây thành để làm chỗ về sau làm nơi chôn mộ. Ở đó làm một cái am lợp ngói để hằng năm thờ cúng, được gần cửa Phật mới là nơi thờ tự lâu dài… Trong khi sống chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên tĩnh, khi đau ốm chúng tôi đến đây lánh mình và sau khi chết chúng tôi được an táng cùng nhau. Sống hay chết ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”. Đọc những dòng chữ này, trong thâm tâm ta bỗng nhớ đến câu “sống gửi thác về” trong tâm thức của người Á Đông nói chung…
Hiện nay, trong vườn chùa Từ Hiếu có đến 25 ngôi mộ của Thái giám triều Nguyễn. Trước mỗi ngôi mộ đều có tấm bia ghi rõ tên họ và chức vụ của từng người. Họ nằm dưới rặng thông gió reo và xa xa có tiếng suối róc rách quanh năm… Những âm thanh réo rắt và độ lượng của thiên nhiên có an ủi được nỗi cô đơn triền miên của họ không?
Lăng mộ thái giám tại chùa Từ Hiếu – Ảnh: Internet
“Giám sinh” và “giám lặt” Tục ngữ Việt Nam còn lưu lại câu: “
Một người làm quan cả họ được nhờ”. Nhưng làm quan thái giám thì cái sự được nhờ ấy lại lớn lao hơn nhiều, vì không chỉ riêng trong một họ, một dòng tộc mà cả làng còn được nhờ. Do đó mới có câu “
Đẻ ông Bộ cho làng nhờ”. Ông Bộ là ai mà có quyền lực ghê gớm như thế? Nói một cách ngắn gọn, ông Bộ là người trung tính.
Trong vốn từ của tiếng Việt, ta thường nghe nói đến các từ: quan hoạn, quan thị, quan giám, thái giám. Trước hết, ta hãy nói đến chữ “hoạn”. Thời xưa, pháp luật của Trung Quốc cũng gọi là “trác”. Chẳng hạn, sử gia vĩ đại Tư Mã Thiên khi chép sử vì trung thành với lịch sử nên không chịu xóa bỏ câu “Vua giết tiên vương để chiếm ngôi” nên bị nhà vua tức giận hạ lệnh “trác”. Hành động tàn nhẫn này, ta gọi là “hoạn”.
Còn chữ “giám”, gọi nôm na là “bộ”, có hai loại: Một loại khi chào đời đã bị khuyết tật hoặc ái nam ái nữ; và một loại tự “giám”, tự “hoạn” để được được vào hầu hạ nơi cung cấm.
Nói cách khác có hai loại thái giám: “giám sinh” và “giám lặt”. Giám sinh là những người mới sinh ra đã phi nam phi nữ, không có bộ phận sinh dục của đàn ông hoặc đàn bà. Còn giám lặt là những người tự nguyện “tịnh thân” đặng thiến bộ phận sinh dục để được vào hầu hạ trong cung.
Dưới thời quân chủ, khi trong làng nào có “giám sinh” thì cha mẹ đứa trẻ ấy phải báo cho làng xã. Làng báo lên huyện. Huyện cử người về xác minh, nếu đúng như vậy thì trình ngay lên cho Bộ Lễ. Bộ Lễ cho người đăng ký lý lịch cậu bé đó, cùng lúc cha mẹ đứa bé, thậm chí trong làng ấy cũng được hưởng một số đặc ân như miễn sưu dịch, miễn thuế một số năm v.v… Cậu bé bất hạnh này được mọi người gọi là “cậu Bộ”, “cậu giám”. Lúc cậu bé đến 12 tuổi, quan lại địa phương làm thủ tục đưa cậu về kinh thành. Cậu được kiểm tra xem xét một lần nữa, trước khi nhập cung cấm. Bấy giờ, một quan thái giám dạy cho cậu giám biết lễ, nghĩa và mọi việc phục dịch trong cung.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế, các thái giám được mặc một trang phục riêng, trong đó có chiếc áo dài bằng lụa màu xanh dệt một bông hoa ở mảng trước ngực và loại mũ của họ đội cũng khác với các hạng quan khác để dễ phân biệt.
Lúc sống thì thái giám ăn ở, phục dịch trong Đại nội, nhất là trong Tử cấm thành, còn lúc ốm, lúc đau, lúc nhắm mắt xuôi tay thì như thế nào? Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An: “Triều đình có xây một tòa nhà gọi là cung Giám Viện ở phía ngoài Hoàng thành, góc Tây bắc. Cạnh đó, còn có một cung khác gọi là cung Bình An Đường. Cung Bình An Đường dành cho các nữ quan, nữ tì, cung phi khi đau ốm thì ra đó dưỡng bệnh hoặc chờ chết thì cũng ở ngoài Hoàng thành. Sau lưng Bình An Đường là cung Giám Viện dành cho các thái giám khi đau ốm thì ra đó để thuốc men. Nếu khỏe mạnh thì trở lại phục vụ trong Tử cấm thành. Nếu chết thì phải chết bên ngoài Hoàng cung. Trường hợp chết bất đắc kỳ tử thì sao? Thì quan tài không được đi ra bằng bất cứ bốn cửa nào của Hoàng thành. Cửa Ngọ Môn dành cho nhà vua; còn các cửa Hiển Nhân, Chơn Đức, Hòa Bình cũng không được. Vậy thì lúc ấy các nữ tì, thái giám chết chết được bó vào chiếu rồi chuyển qua thành để đưa ra ngoài”.
Một nhóm thái giám triều Nguyễn – năm 1918. Ảnh tư liệu của Nhà nghiên cứu Phan Thuận An.
Một phần của lịch sử Tuy không phải đỗ đạt rồi ra làm quan hành chính như bao người khác, nhưng thái giám cũng được gọi là quan và được xếp hạng phẩm trật. Ở nước ta cũng như ở Trung Quốc, trước đây các quan thái giám có 9 bậc, cao nhất là Nhất phẩm, thấp nhất là Cửu phẩm. Tuy nhiên, trải qua các triều đại thì việc xếp hạng phẩm trật, chức vụ, lương tiền dành cho các quan thái giám cũng có ít nhiều thay đổi.
Vậy ta hiểu như thế nào về thái giám? Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An giải thích: “Thái giám hay hoạn quan là những người đàn ông không có sinh thực khí, chuyên hầu hạ trong cung của vua. Dưới thời quân chủ, phần lớn các vua đều có rất nhiều vợ. Trong hoàng cung thường có đến hàng chục, hàng trăm bà để phục vụ cho hoàng đế. Đám cung phi mỹ nữ đông đảo ấy phải được tổ chức và quản lý chặt chẽ. Triều đình tuyển các Thái giám vào nội cung làm công việc ấy và một số việc tế nhị khác”.
Khi hỏi về vai trò thái giám, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phát biểu: “Thái giám là một thế giới mà ngày nay không còn nữa. Nhưng muốn hiểu về lịch sử trong quá khứ thì không thể không biết về thái giám”.
Đó là một giới sống trong triều đại quân chủ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Do không có bộ phận sinh dục nên con người của thái giám tiếng nói cũng như tính cách rụt rè thiên về nữ nhiều hơn nam. Suốt đời họ phụng sự trong cung và lớn lên họ kết nghĩa với nhau, có thể cùng giới hoặc khác giới. Họ dùng sức đàn ông để phục vụ những việc nặng nề, sai bảo ở trong cung, nhưng trong cung toàn phụ nữ không chồng hoặc chỉ một ông chồng…
Ngày nay, chúng ta nghiên cứu tìm hiểu về đời sống tâm lý thái giám đó là một pho tư liệu để ta nghiên cứu về đồng tính luyến ái ngày nay”.
Những thái giám lẫy lừng Thật vậy, không phải ngày nay, mà các sách sử Việt Nam thời trước và ngay cả người Pháp cũng bỏ nhiều công sức nghiên cứu về thái giám. Chẳng hạn như các sách
Đại Việt sử ký toàn thư hoặc
L’Indochine autrefois, Bouletin des amis du Hue… Một khi nói đến thái giám, trong tâm thức của nhiều người hẳn nghĩ đến một hạng người “không ra gì”. Vì Sử sách xưa nay còn ghi lại nhiều quyến biến của thái giám. Do có thuận lợi được sống gần “thiên tử”, được nhiều ân sủng và nắm được những “thâm cung bí sử” trong triều nên thường họ cùng liên kết với nhau để thực hiện âm mưu nào đó. Không ít triều đình rối ren, thậm chí bị đảo chính cũng là có phần góp sức không nhỏ của thái giám.
Nhưng thật ra nhìn nhận như thế cũng chưa hẳn là đúng. Sử sách nước nhà còn ghi lại nhiều thái giám đã có công trong việc giữ kỷ cương phép nước như đời Lý có Lý Thường Kiệt, Lý Nhân nghĩa; đời Trần có Phạm Ứng Mộng; đời Lê có Lương Đăng, Hoàng Công Phu, Phan Huy Đính, Hoàng Ngũ Phúc; đời Nguyễn có Lê Văn Duyệt… Ngày nay, làm sao ta có thể quên được công lao của một danh tướng trong sự nghiệp giữ nước dưới triều nhà Lý. Đó là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã có chí muốn đem tài năng của mình ra giúp nước nên đã dũng cảm chấp nhận làm “giám lặt”. Do có công lớn trong cuộc kháng chiến “đánh Tống bình Chiêm”, ông được nhà vua phong chức Phụ quốc thái úy, tước Khai quốc công và cho mang họ nhà vua, gọi là Lý Thường Kiệt. Dưới triều nhà Nguyễn cũng có nhân vật lừng lẫy không kém là Lê Văn Duyệt, ông vốn “giám sinh”, là người đã theo phò Nguyễn Ánh. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, trở thành vua Gia Long thì ông được phong Khâm sai Chưởng tả quân dinh Bình tây tướng quân. Năm 1813, ông được nhà vua cử vào Nam làm Tổng trấn Gia Định. Trong những năm tháng này ông đã có công ổn định tình hình chính trị, xã hội các tỉnh phía Nam và tạo được mối quan hệ với các nước láng giềng để dân an cư lạc nghiệp.
***
Năm 1836 vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ cấm hoạn quan không được giữ những chức vụ trong hệ thống quan lại của triều đình, mà chỉ là những người hầu hạ trong hậu cung hoặc chuyển giao mệnh lệnh mà thôi. Chỉ dụ này nhằm mục đích hạn chế quyền lực của thái giám. Trong chỉ dụ của nhà vua có đoạn viết: “
Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được tham dự dẫu là việc cỏn con, nếu kẻ nào vi phạm, quyết phải trừng trị nặng không chút khoan tha. Trẫm đã tha thiết dặn dò, hết sức mưu tính sâu xa cho đời sau. Về Dụ này chuẩn cho Quốc tử giám khắc vào bia đá…”. Trong khi những người học rộng đậu cao được khắc tên vào bia đá, thì thái giám lại bị răn đe như thế. Điều này đã ít nhiều cho thấy thái độ cương quyết của vua Minh Mạng.
Lịch sử của một dân tộc không bao giờ bị mất đi hoặc bị lãng quên. Một phần do sử sách các triều đại đều ghi chép lại và do nhân chứng kể lại cho đời sau. Trong lịch sử Trung Quốc đến năm 1924, khi vua Phổ Nghi đời Mãn Thanh rời ngôi thì hoạn quan mới chấm dứt vai trò của mình. Còn tại Việt Nam thì tháng Tám năm 1945, các viên thái giám cuối cùng mới rời khỏi Hoàng cung. Như thế hạng người đặc biệt là thái giám đã tồn tại ở nước ta hàng trăm năm và họ đã kết thúc vai trò cùng với lúc nước Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Lê Minh Quốc
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.10.2013 16:45:05 bởi Ct.Ly >