Những Cuộc Di Cư - Lê Nguyên Hằng & Nguyễn Thạch-Hãn
nangvangsaigon 08.11.2013 03:44:13 (permalink)
Đời Huyền là những chuyến đi.
Ngay từ khi còn chập chững, bé Huyền đã phải cùng gia đình chạy loạn. Thời kháng chiến chống Pháp, suốt thời gian xuôi Nam từ Hà Nội xuống Phủ Lý tản cư, Mẹ lúc nào cũng kĩu kịt đôi quang gánh, một bên là bé nằm hay ngồi trong một cái thúng chen lẫn với một vài thứ lỉnh kỉnh như gạo, muối, nước mắm, những thứ cần thiết cho sự sống còn của gia đình, thúng bên kia là chị của bé mới bẩy tuổi đang bị bệnh sốt rét ngã nước.
Hai anh của bé cũng còn nhỏ lắm, anh lớn nhất chỉ mới 10 tuổi, có bổn phận phải dắt bà ngoại bị mù lòa. Cả gia đình nối đuôi nhau, kéo lê đôi chân gầy gò, mỏi mệt và đói khát, lang thang hết ngày này qua tháng khác, tối đến ngủ nhờ ngoài hiên của các nhà bên đường. Tới Phủ Lý, mấy mẹ con tá túc trong chái bếp của một người bà con.
Ở Phủ Lý, mọi sinh hoạt thường nhật đều xảy ra lúc trời tối để tránh máy bay Pháp. Mẹ của bé, một người đàn bà đảm đang đã làm bất cứ việc gì để nuôi sống cả gia đình trong lúc chồng vắng nhà theo kháng chiến, khi chạy hàng rong, lúc bán rau cỏ hay những thứ lặt vặt ngoài chợ.  Cậu con lớn bán nước vối cho khách qua đường, kiếm tiền độ nhật, cuộc sống vất vả, đói nhiều hơn no.  Riêng Huyền nhỏ nhất nên dù được ưu tiên, nhiều khi cũng chỉ được uống nước cháo với muối.
Gần hai năm sau, gia đình lại gồng gánh lếch thếch kéo nhau chạy ngược lên hướng Bắc trở về Hà Nội đoàn tụ với ba người dì. Mấy người đàn bà thay phiên nhau, người đi làm công, người may quần áo cho các gia đình khá giả, người ở nhà chăn một đàn cả chục đứa con nít, cuộc sống vẫn còn rất khó khăn tuy nhiên không phải lo sợ bom đạn nữa.
Năm sau, Bố rời vùng kháng chiến hồi cư về với gia đình và may mắn tìm được việc làm cho chính quyền thành phố, từ đó đời sống gia đình tương đối  dễ chịu hơn.
Những tháng gần ngày ký hiệp định đình chiến, tỉnh thành miền Bắc rất lộn xộn vì chiến tranh, vì sự phá phách của đám lính Tây Lê Dương. Nhất là đám lính Phi Châu mà ta thường gọi là “Tây đen rạch mặt”, ban đêm hay đi phá làng phá xóm.  Cứ khi trời chập choạng tối, dân chúng ai cũng lo đóng cửa cài then mấy lớp, thế mà vẫn phập phồng lo sợ, nhất là những nhà có con gái lớn.  Gia đình nào cũng để sẵn một cái thùng sắt, một mâm đồng hay bất cứ vật gì có thể gõ lên tiếng vang to báo động cho cả xóm để xua đuổi đám lính phá phách đó. Người ta luôn sẵn sàng để có thể chạy thoát khỏi nhà bất cứ lúc nào trong cơn nguy biến.
Lệnh đình chiến ban hành trên toàn đất nước, gia đình Huyền cùng với hàng triệu người miền Bắc chuẩn bị di cư vào Nam.
Huyền thấy Mẹ thẫn thờ đi ra đi vào như chân không chấm đất, lo thu vén một vài món đồ dùng cần thiết bỏ vào cho mỗi người một tay nải nhỏ, tay nải của ai lúc nào cũng ở sát cạnh người đó ngay cả khi ngủ, hành trang bỏ nơi chôn nhau cắt rốn chỉ có vậy!
Một buổi sáng tinh sương năm 1954, tuy mới chớm thu nhưng trời Hà Nội đã lành lạnh, gió heo may thổi cuốn theo những lá vàng lả tả làm tan nát lòng những kẻ sắp ly hương. Cả gia đình vội vã leo lên chiếc máy bay Dakota cũ kỹ của Pháp để di cư vào miền Nam.  Nhìn xuống phi trường Gia Lâm mổi lúc một nhỏ dần, thỉnh thoảng lại nghe thấy những tiếng nấc nghẹn ngào, Mẹ ôm chặt Huyền như thể sợ đứa con của bà sẽ biến mất, như những gì quý báu đã phải bỏ lại nơi quê nhà.
Bé rơi vào giấc ngủ mệt nhọc trong lòng mẹ cho đến khi bị đánh thức dậy bởi những tiếng ồn ào, xì xào bàn tán chung quanh, máy bay vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Saigon. Mọi người đều nhốn nháo gọi nhau ơi ới, vợ gọi chồng, cha mẹ gọi con. Gia đình gom lại với nhau cho khỏi thất lạc nơi đất lạ.
Saigon đón chào dân di cư bằng cơn nắng rực rỡ nóng bỏng. Một đoàn xe buýt đến đón tất cả về trại tạm trú ở Cầu Chữ Y.  Đi ngang thành phố, ai nấy đều ngạc nhiên trầm trồ về vẻ yêu kiều, diễm lệ của một thành phố trẻ trung tân kỳ, một Saigon với những đại lộ ngập tràn xe cộ và nhà lầu cao ngất ngưởng, cuộc sống nhộn nhịp với các cửa hàng buôn bán sầm uất, người đi qua lại tấp nập, vĩ đại hơn những điều cô bé đã nghe và tưởng tượng.  Khác hẳn với Hà Nội, một thành phố trang nghiêm, nhỏ bé và nhu mì mà những người di cư vừa bỏ lại sau lưng.
Chỉ chốc lát, mọi người đã trở về với thực tại để nhận biết rằng mình vừa may mắn đến được vùng đất đầy hứa hẹn, bắt đầu một cuộc đời mới. Những khuôn mặt trước đây vài phút, vừa đẫm nước mắt xót xa, đau khổ vì phải lìa bỏ nơi chôn rau cắt rốn, bỗng nhiên hân hoan, sáng ngời với bao niềm ước mơ ấp ủ trong lòng. Mọi người đều háo hức như thể đã sẵn sàng hòa nhập vào cuộc sống náo nhiệt, chan hòa hy vọng ngoài kia.
Ngồi trong lòng Mẹ, Huyền cảm nhận được từng hơi thở run rẩy của người, ngước nhìn lên thấy từng giọt nước mắt lăn dài trên má Mẹ, bé  không hiểu gì cũng rơm rớm khóc theo. Hình ảnh đó theo Huyền suốt cuộc đời.
Ở trại tạm trú Cầu Chữ Y một tuần, gia đình dọn ra sống tạm nhà bác Ba, chị của Bố, trong lúc chờ đợi chính quyền phân phối gia đình công chức đi khắp các nơi trong nước. Ba tháng sau, gia đình Huyền lại một lần nữa khăn gói quả mướp đến định cư ở Tuy Hòa, một tỉnh nhỏ miền Trung.
Tối đầu tiên trong căn nhà tranh vách lá của chính phủ cấp cho ở khu “Bắc Kỳ Di Cư”, bên ánh sáng le lói của ngọn đèn hột vịt, Mẹ ngồi khóc rấm rứt, nhớ Bà Ngoại, các dì, bà con nội ngoại và bạn bè chòm xóm. Chắc sẽ chẳng bao giờ còn được về thăm lại cố đô, nhìn lại đường xưa, phố cũ và viếng mồ mả ông bà.  Ngày nào mẹ cũng lấy ra quyển sổ nhỏ trong có mấy tấm ảnh đã phai màu theo thời gian mà ngắm nghía không chán.
Đám con nít trong trại di cư được học trong một “trường học bỏ túi”, sở dĩ gọi như vậy vì nó là một “lớp học thập cẩm” mà Thầy Cẩn, một ông thầy cũng Bắc Kỳ di cư mở ngay trong một cái miếu bỏ hoang để dạy lũ học trò đủ mọi lớp. Mỗi ngày học sinh đến lớp sớm để chồng miếng gỗ mục lên trên những viên gạch làm bàn và ngồi trên một viên gạch khác. Vì bàn ghế lúc nào cũng lung lay, đám học trò con trai nghịch ngợm thỉnh thoảng đi ngang làm bộ quẹt nhẹ một cái là bàn ghế đổ lung tung, có những tiếng khóc sụt sịt từ đám nữ sinh, vài phút sau, lớp học lại tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra.
Khi còn là học trò nghèo thì ăn gì cũng ngon, những món ăn dân giã, rẻ tiền như bánh mì, kẹo bột, bánh xèo, sứa tươi…
Buổi chiều chạy xe đạp từ trường về bụng đói meo, có một mẩu bánh mì chấm với đường đen nấu sền sệt thay sữa đặc thì tuyệt cú mèo. Sữa đặc đắt lắm, gia đình công chức đông con như nhà Huyền không kham nổi.
Kẹo bột là thứ được ưa chuộng nhất, rẻ tiền, to bằng hai đốt ngón tay, làm đơn giản bằng đường đen, bên ngoài rắc một tí bột trắng, thế mà ăn cũng ngon đáo để. Thỉnh thoảng đám học trò nhỏ họp lại ở nhà Thanh, bạn học cùng lớp, đổ “bánh xèo trọng” tức là bánh xèo chỉ có bột và giá sống mà không có nhân thịt và tôm, chấm với “nước mắm pha” hay “mắm cái”, vậy mà ăn cũng ngon.  Mùa hè có sứa, những con sứa trắng nõn sạch sẽ đặt trên mấy cọng rau xà lách xanh mướt, một it rau thơm, vài miếng đậu hũ tươi  cuộn lại chấm với mắm tôm pha tỏi ớt chanh đường thì ăn quên thôi. Người Tuy Hòa còn hay dùng bánh tráng nhúng nước, cuốn bánh tráng nướng đập dập ở bên trong, thêm mấy cọng rau sống và miếng cá ngừ kho nhạt thì chẳng cao luơng mỹ vị nào bằng. 
Mỗi năm cứ đến tháng 10, miền Trung hay bị bão lụt và dường như thành phố nhỏ ven biển này không ngoại lệ. Có những đêm đang ngủ say, chợt nghe tiếng róc rách, mở mắt ra thấy giầy dép, thau chậu và những vật nhẹ nổi lềnh bềnh mới biết nước đã tràn vào nhà. Có năm nước lớn, nhiều gia đình phải di tản lên đồi cao. Đó là những ngày vô cùng hạnh phúc của đám học trò vì được nghỉ học đi lội nước. Cả con trái lẫn con gái cứ tự nhiên xắn quần lên cao và thi nhau lội bì bõm, thỉnh thoảng có đứa bị hụt chân ngã chúi xuống thì đứa cao lớn hơn lội ra cứu. Đua thuyền giấy trên dòng nước chảy cũng là một trò chơi thích thú của đám con nít.
Sau bao năm dồi mài kinh sử, đám nhóc tì mới nghịch ngợm như quỷ sứ ngày nào, nay đã trở thành “cô Tú, cậu Tú”, rồi như những cánh chim lần đầu tiên rời khỏi tổ, tung cánh bay vút bốn phương trờì.
Riêng Huyền vẫn ở lại Tuy Hòa làm cho Đài Phát Thanh địa phương một thời gian ngắn sau đó chuyển qua làm việc cho  Cơ Quan Viện Trợ Mỹ, trực thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ  cùng với Tâm, một người bạn thân từ thời tiểu học. Văn phòng của Huyền ở trên lầu của  tòa nhà hai tầng, mượn tạm của Tòa Hành Chánh Tỉnh.
Tiếng guốc Đa Kao của Huyền gõ cồm cộp, inh ỏi trên lầu suốt ngày khiến anh chàng Lâm ở tầng dưới không chịu nổi, anh ta là một Đốc Sự tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh, đã từng làm Phó Quận Trưởng nên cũng có chút oai quyền. Đã mấy lần anh chàng nhắn lên yêu cầu “cái cô gì ấy” đi guốc nhè nhẹ một chút kẻo có ngày anh ta sẽ lên đánh gẫy giò đấy! Huyền cũng muốn trêu chọc cái anh chàng Lâm ngang ngược, hách dịch đó, cho nên càng nện đế guốc mạnh hơn cho bõ ghét.
Một hôm Huyền đang đi xuống nấc thang lầu, thấy một anh chàng mặt mày rất thư sinh, đang hầm hầm xách cây ba toong chạy lên như thể sắp sửa đánh lộn với ai, chút xíu thì đụng vào người nàng. Huyền nhẹ nhàng hỏi:
“Anh lên đây kiếm ai đấy ạ?”
Anh chàng ngước mặt lên nhìn thấy Huyền thì bỗng nhiên có vẻ rất lúng túng nói:
“Tôi muốn kiếm cô nào đi đôi guốc lộp cộp trên lầu”
“Chỉ có mình tôi thôi, nghe nói anh đòi đánh gẫy chân tôi phải không?”
Vẻ giận dữ đã biến đâu mất, chỉ còn khuôn mặt ngượng ngùng nhưng  làm ra vẻ rất lịch sự:
“Đâu có, người ta bịa đặt đấy, tôi chỉ muốn mời cô đi ăn trưa và tặng cô một đôi giày da đi cho êm chân thôi.”
Huyền chưa tha vội:
“Thế anh cầm cây gậy đó làm gì vậy?”
“Mấy hôm nay không biết tại sao chân tôi hơi đau nên phải nhờ đến cây gậy này đây”
Huyền cười thầm, phải hành anh chàng một trận.
“Anh đi không được, sao lại mời tôi đi ăn trưa?”
“Không sao, tôi có xe, cô muốn đi đâu tôi cũng đưa cô đi được mà. Tôi tên Lâm, hân hạnh được làm quen với cô.”
“Tôi là Huyền … cám ơn anh đã có lời mời”
Sau buổi ăn trưa hôm đó với Lâm, Huyền không còn gõ tiếng guốc Đa Kao lộp cộp vào đầu anh nữa, nhưng chắc hẳn anh đang nhớ tiếng guốc ấy lắm, và có thể cả tiếng gì đập còn rõ hơn tiếng guốc trong tim anh ta, vì chính Huyền cũng cảm thấy như vậy. Mấy hôm sau anh chàng lên tìm Huyền, bước chân nghe hùng dũng hơn, tay mang một gói quà, không thấy cây gậy đâu cả. Anh chào Huyền và ngỏ ý muốn mời nàng đi ăn trưa lần nữa để xí xóa chuyện hiểu lầm và tặng Huyền một đôi giày da Italy rất đẹp và êm chân.
Huyền chọc anh và cố kìm hãm tiếng cười:
“Anh hết đau chân rồi à?”
Lâm cũng không vừa, trả đũa Huyền ngay:
“Từ khi gặp cô, cái chân tôi cũng biết sợ, không còn đau nữa”
“Tôi có ăn thịt ai đâu, mà phải sợ”
“Thế mà hơn ăn thịt nữa đấy, mỗi lần tôi định đặt chân lên cầu thang là tim tôi đánh thình thịch như muốn nhảy ra ngoài.”
“Anh cứ việc lên đây, và để trái tim của anh dưới đó, không ai nhặt mất đâu.”
Kết quả chuyện tình đôi guốc Đa Kao của Huyền và Lâm là 3 đứa con ngoan ngoãn và bốn đứa cháu xinh xắn dễ thương. Tuy đã sống với nhau gần 50 năm, nhưng Huyền luôn luôn yêu thương và tôn trọng người bạn đời.
Huyền may mắn có một  người chồng rất chăm lo cho hạnh phúc  gia đình. Khi Lâm được giữ một chức vụ dân cử, Huyền băn khoăn than thở với chồng: “Tiệc mời hết đến nhà ông nọ lại đến nhà bà kia, em làm gì có quần áo và nữ trang hợp thời để đeo”. “Lâm thản nhiên và ôn tồn bảo vợ: “Em cứ việc mặc mấy cái “áo lụa Hà Đông” mà anh mua cho, vừa đẹp, vừa trang nhã lại vừa… “thanh bạch”.  Em phải biết những  món vật chất xa hoa mà họ làm chủ anh đều có thế sắm cho em được, nếu em thật tình muốn, nhưng họ không thể nào mua được một cái mà em đang có là “tuổi trẻ”, em chỉ mới 26 tuổi trong khi họ đã đều trên 50.”
Biến cố Mậu Thân 1968 xảy đến như một cơn ác mộng.  Lúc đó Huyền đang ở Tuy Hòa với đứa con gái đầu lòng vừa tròn một tuổi, trong lúc Lâm theo lớp Cao Học Hành Chánh ở Saigon. Nhân dịp Tết, anh về đem cả gia đình đi Đà Nẵng để thăm bên nội.
Tối 29, vợ chồng Huyền xin phép anh Cả để đi Huế thăm một người bạn thân của Lâm đang làm Phó Thị Trưởng ở Tòa Thị Chính Huế, anh Cả bảo “chờ cúng bái xong, sau Tết hãy đi”.  Nhờ vậy mà vợ chồng Huyền thoát chết vì Việt Cộng đã chiếm Huế và dinh Phó Thị Trưởng, bạn của Lâm đã không may bỏ mình. Trong lúc vợ chồng Huyền kẹt lại Đà Nẳng, căn nhà ở Tuy Hòa cũng bị Việt Cộng chiếm làm căn cứ. Một tháng sau, khi đường hàng không mở lại, Lâm quay về Saigon học tiếp, Huyền để đứa con duy nhất ở lại Đà Nẵng nhờ Bác Cả trông nom giúp, còn mình bay về lại Tuy Hòa lo thu xếp chuyện nhà cửa và việc làm.  Bước chân vào nhà, thấy vỏ đạn tung tóe khắp nơi, dấu vết đạn đầy tường. Nếu Tết đó, Huyền không đi thăm quê chồng thì chắc chắn cả nhà sẽ không còn sống sót. Chỉ trong mấy ngày Tết, gia đình Huyền thoát chết hai lần.
Vài tháng sau, vợ chồng Huyền, một lần nữa, bỏ Tuy Hòa di cư vào Saigon khi đơn xin thuyên chuyển theo chồng của Huyền được chấp thuận.  Con gái một tuổi được bác đem từ Đà Nẵng vào, thế là gia đình có ba người vừa ở ba nơi mới được đoàn tụ. Tháng ngày cứ thế trôi êm đềm, Huyền sống trong hạnh phúc gia đình đầm ấm cho đến khi …
***
Tháng tư năm 1975, đêm đêm tiếng máy bay và trực thăng vần vũ trên vòm trời Saigon, các đài truyền thanh và truyền hình liên tiếp phát ra hình ảnh đau thương của những cuộc di tản của người dân miền Trung, báo chí đăng đầy rẫy những chi tiết đẫm máu của Đại Lộ Kinh Hoàng, mọi người xôn xao lo lắng tụ họp bàn tính chuyện vào bưng để chống Cộng hoặc di tản đi bất cứ nơi nào không có Cộng Sản, rồi những tin đồn về hạm đội Hoa Kỳ ở ngoài khơi sẵn sàng đón những người không muốn ở lại với Cộng Sản, ai nấy đều hoang mang,  hoảng sợ và mừng rỡ.
Chồng Huyền, vì tự ái và lương tâm của một nhân viên Chính Phủ, không thể nào đào ngũ trốn chạy bỏ nước và thân nhân bạn bè ra đi mặc dù Huyền đã được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ lo cho gia đình sang Mỹ dưới dạng nhân viên. Nhiều lần Lâm khuyến khích và thúc dục Huyền đem ba đứa con đi Mỹ, ở lại một mình, Lâm sẽ rảnh tay xoay sở. Huyền nhất định không chịu bỏ đi một mình thà ở lại sống chết có nhau. Lâm đã có sẵn trong nhà một lượng cyanide đủ cho hai vợ chồng và ba đứa con tự tử chết chứ không để lọt vào tay Việt Cộng.  Hằng đêm, khi nghe tiếng pháo kích là hai vợ chồng chạy qua phòng các con đem chúng xuống núp dưới gầm cầu thang trong nhà.  Đêm hôm ấy, 25 tháng 4, sau tiếng pháo kích đầu tiên, tưởng các con đã ngủ say trở lại, Lâm nói “từ nay trở đi, tất cả vợ chồng con cái mình ngủ chung một phòng, có chết thì cùng chết với nhau” không ngờ có tiếng la thất thanh của đứa con gái thứ nhì mới sáu tuổi“con sợ chết lắm, ba đừng bắt con chết, con sợ lắm ba ơi!”. 
Tiếng khóc van xin của con gái làm Lâm bừng tỉnh “mình không có quyền cướp đi đời sống của các con”.  Tuy thế, Lâm vẫn dùng dằng mãi đến ngày 28 tháng 4, khi tình thế đã hoàn toàn tuyệt vọng, gia đình Huyền mới chịu đi di tản.
Sau một đêm chờ ở phi trường Tân Sơn Nhất, sáng sớm hôm sau, 29 tháng 4, khi một nhân viên của Tòa Đại Sứ Mỹ đọc danh sách thì mọi người thứ tự lần lượt nối đuôi nhau chuẩn bị lên máy bay, bỗng nhiên có tiếng la trọ trẹ “lẹ lên, lẹ lên” và mọi người bị đẩy chúi tới đằng trước, có tiếng chửi thề “làm gì mà xô đẩy như vậy, chưa đến nước Mỹ mà đã khinh rẻ người ta đến thế”. 
Khi mọi người vào trong lòng máy bay rồi thì người lính Mỹ mới giải thích “xin lỗi quý vị tôi đã quá mạnh tay, vì khi tôi thấy hai cái xe Quân Cảnh chạy tới thì bằng mọi cách tôi phải làm sao cho quý vị đặt được chân trên cửa vào máy bay, khi đó coi như như quý vị đã ở trên lãnh thổ và tài sản của Hoa Kỳ, Quân Cảnh không được quyền bắt quý vị lại”.  Ai nấy thở phào nhẹ nhõm và vài người ngượng ngùng nói câu xin lỗi. 
Khi máy bay từ từ cất cánh và thành phố Saigon nhỏ dần dưới làn mây mỏng, lòng Huyền đau như đứt từng khúc, còn đâu những ngày tháng êm đềm của tuổi học trò nơi ngôi trường nhỏ bé ở Tuy Hòa, còn đâu những buổi tay trong tay bát phố Saigon những chiều cuối tuần, còn đâu những lúc luồn lách trong hẻm Casino tìm ăn bún chả Đồng Xuân và bánh tôm Cổ Ngư, còn đâu và còn đâu… Bỗng  nhiên có một tiếng hát cất lên “Này công dân ơi…” mọi người không ai bảo ai đồng thanh hát bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa trong tiếng khóc và tiếng nấc cho đến khi khản tiếng.
Từ nay những niềm hạnh phúc đơn sơ, ăn những món ăn bình dân trong con hẻm nhỏ chỉ còn trong giấc mộng vì chắc không bao giờ mình còn được trở lại những nơi chốn cũ, những con đường xưa bao lâu nay đã trở thành những gì yêu dấu ấp ủ của đời mình. 
Máy bay đáp xuống Phi Luật Tân trong sự ngơ ngác của mọi người. Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy một nhóm người đã chờ tại chân máy bay để đón đám dân tỵ nạn.  Họ phân phát nào cam, táo, nho, nước lọc, nước ngọt, thuốc lá và cả sữa lẫn tã lót cho em bé.  Mọi người tự hỏi “mình có đang nằm mơ không đây?”
Sự ngạc nhiên vẫn còn tiếp diễn khi chỉ một lúc sau, trời bắt đầu nhá nhem tối, một chiếc xe buýt chở đám dân tỵ nạn hốc hác sau chuyến bay dài, đến một tiệm ăn sang trọng có bồi bàn mặc đồng phục trắng, mọi người im lặng ngồi ăn và thỉnh thoảng nhìn nhau ngầm hỏi đây là thật hay mơ.
Thức ăn ngon và nhân viên tiếp đãi lịch sự khiến ai nấy đều nghĩ rằng đây là một chuyến du lịch trong tưởng tượng chứ không phải là chạy giặc.
Hai ngày sau, gia đình Huyền được chuyển đến đảo Guam.  Buổi sáng khi mới tới chỉ thấy mấy cây cọc nằm trên bãi đất trống, buổi chiều đã thấy những căn lều ngay hàng thẳng lối sẵn sàng bao bọc những người dân di cư.  Ngày ba bữa, người lớn xếp hàng lấy thức ăn, rồi tụ họp ăn uống nói chuyện dưới những gốc cây chứ không chịu ngồi vào bàn.  Con nít cũng nhóm họp riêng chơi trò con nít.  Cuộc sống đều đặn, bình thản và nhàn hạ, không phải lo chạy ăn và nhất là không phải trốn giặc.
Phần lớn gia đình nào cũng phải di chuyển đôi ba lần đến những trại khác nhau và chuyện này luôn xảy ra lúc ban đêm, người ta đoán chừng có lẽ họ không muốn khơi dậy những điều người Mỹ đang cố quên vì bên ngoài dân chúng Mỹ vẫn chưa hết phản đối chiến tranh Việt Nam và đám người tỵ nạn này là nhân chứng sống của việc chính phủ Mỹ đã đổ bao nhiêu tiền bạc và nhân mạng vào một cuộc chiến mà người dân  không ủng hộ.
Sau vài lần đổi trại, một số gia đình được đi tạm cư ở Camp Pendleton, tiểu bang California và Indiantown Gap ở Pennsylvania, riêng gia đình Huyền đến tạm cư ở trại Fort Chaffee ở Arkansas cho đến ngày 13 tháng 6 được một người chỉ huy cũ ở Saigon bảo lãnh ra định cư ở Virginia.
Ba năm sau, vợ chồng con cái của Huyền lại theo bạn bè bỏ xứ lạnh vùng Hoa Thịnh Đốn, một lần nữa di cư đến vùng nắng ấm San Jose, Thung Lũng Hoa Vàng của tiểu bang California cho đến nay.
Sau hơn ba mươi năm làm việc ở Mỹ, Lâm và Huyền đã cùng nhau về hưu dưỡng già, hưởng những ngày vàng, vui chơi với con cháu, bạn bè và hy vọng rằng đến San Jose là cuộc di cư cuối cùng trong đời.
Cám ơn nước Mỹ đã mở rộng vòng tay cưu mang người tỵ nạn Viêt Nam. Cám ơn Trời Phật đã che chở những cánh chim Việt Nam lạc đàn, đã phải từ bỏ tổ ấm, quê hương yêu dấu. Cám ơn những cộng đồng tỵ nan Việt Nam trên khắp thế giới, đã sống khắng khít, yêu thương, đùm bọc nhau và gây dựng những “Little Saigon” vững mạnh khắp mọi nơi, để nói lên tiếng nói của người Việt Tự Do và ủng hộ cuộc tranh đấu của người Việt trong nước.
Lê Nguyên Hằng & Nguyễn Thạch-Hãn
#1
    NgụyXưa 09.11.2013 05:32:11 (permalink)

    Mẹ lúc nào cũng kĩu kịt đôi quang gánh, một bên là bé nằm hay ngồi trong một cái thúng chen lẫn với một vài thứ lỉnh kỉnh như gạo, muối, nước mắm, những thứ cần thiết cho sự sống còn của gia đình, thúng bên kia là chị của bé mới bẩy tuổi đang bị bệnh sốt rét ngã nước.
    Tuổi thơ của NX cũng giống như vậy.
     
    "Những Cưộc Di Cư" đã được mang vào thư viện.
     
    Xin cám ơn nangvangsaigon.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9