Phố treo

Tác giả Bài
tahuudinhqn
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 30.08.2010
Phố treo - 17.12.2013 10:41:32
                              PHỐ TREO
 
                                                             Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Tù án treo, dự án treo, rồi bây giờ lại sinh ra cả phố cũng treo! Trong ba cái “treo” ấy, có lẽ chỉ mỗi anh tù treo là sung sướng nhất. Ấy vậy mà trong dân gian lại có giai thoại kể rằng: Một mụ goá trẻ có nhan sắc, bị bắt giải lên công đường, vì tội “gái goá vợ chạ làng nước”. Thị làm cho bọn đàn ông, cả già lẫn trẻ nổi máu ghen tuông, nhẩy bổ vào nhau, đánh đấm nhau đẻ tranh giành thị, làm mất an ninh trật tự của làng xóm. Quan toà tuyên phạt thị ba tháng tù án treo. Vừa nghe thấy vậy, thị đã lăn đùng ra và ngất xỉu đi. Mấy giây sau tỉnh lại, thị vừa sụp lậy như tế sao, vừa kêu xin: “Bẩm lậy các quan đèn giời soi xét! Xin các quan cho con được tù ngồi, chứ tù treo thì con chết mất”. Khiến các vị “Thần công lý” mặt sắt đen sì cũng phải phì cười.
Đó là chuyện ngày xưa, dân trí còn thấp, chứ bây giờ thì chẳng ai lạ gì cái án ấy nữa. Đó là một kiểu phạt hình thức, tuy có thành án mà cũng như không. Và đó cũng chính là một kẽ hở của luật pháp, để các “quan tham nhũng” lợi dụng. Họ cứ việc thẳng tay vơ vét của công để làm giầu bất chính. Nếu chẳng may bị lộ thì “chạy án”. Tức là “quan tham” đem tiền mình tham nhũng được chía cho “quan toà”. Giả dụ “quan tham” đánh xoáy được mười tỷ thì bỏ ra vài ba tỷ. Nếu “quan tòa” cũng tham đòi hơn thì chia đôi, “kẻ cắp” và “bà già” mỗi bên một nửa. Thế là xong. Và quan toà lại xử thêm một vụ án treo nữa. Mặc dù cái khoản “treo” này đã và đang gia tăng với tốc độ “phi mã”. Và cũng do cái “liên minh ma quái” này mà cả hai bên “quan tham” và “quan toà”, lương chỉ trên dưới mươi lăm triệu, nhưng vị nào cũng có ô tô, nhà lầu. Lầu một, rồi lấu hai cho bà hai lấy “chui”.
Một nghệ nhân sinh vật cảnh cho biết: Vườn cảnh của một vị quan toà cấp tỉnh, riêng hòn non bộ đã có giá một tỷ đồng. Số tiền đó chắc không phải tiền lương ông ta bỏ ra. Các quan chức nhà nước thường hay nói một câu quen thuộc là: “Phát hiện được bọn tham nhũng rất khó”. Nói như vậy là vì các vị ấy chẳng còn cách nào khác. Chứ tham nhũng nó nằm lù lù ở ngay hòn non bộ, bày ra trước mắt mọi người đấy, chứ có giấu giếm gì đâu. Thử hỏi các cán bộ đảng viên thanh liêm, lương mười triệu đồng, liệu có vị nào dám bỏ ra một tỷ để mua hòn non bộ không?
Có lẽ cái khung hình phạt án treo đã trở thành con đường thoát hiểm cho bon quan tham lại nhũng rồi chăng?
                                                  *
                                              *       *
Có thể do nền văn minh lúa nước mà dân ta có câu ca dao bất hủ này: “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”. Vì, đó là ngày xưa, khi đất từ nghìn đời vẫn có người thật sự làm chủ. Đát do người nông dân vỡ hoang mà thành ra ruộng để cấy trồng. Hoặc họ phải bỏ tiền ra mua. Cho nên mối quan hệ giữa người với đất gắn bó bền chặt như keo sơn. Hay có thể nói, đất cũng là một thành viên cấu thành của mỗi hộ nông dân. Thậm chí cái “thành viên đất” còn quan trọng hơn cả “thành viên người”. Vì nếu không có đất để cấy lúa, trồng khoai thì người sẽ chết. Cho nên mới có cái chân lý cũng bất hủ là: “Nhất sỹ nhì nông/ Hết gạo chạy rông/ Nhất nông nhì sỹ”.
Còn từ ngày luật pháp quy định quyền sở hữu ruộng đất thuộc về toàn dân, do Nhà nước quản lý. Người nông dân chỉ được quyền sử dụng, quyền thừa kế, quyền chuyển nhượng hoặc cho thuê, chứ ruộng đất không còn là tài sản riêng của họ nữa. Và khi nào, vì lợi ích quốc gia, Nhà nước cần thu hồi ruộng đất thì người nông dân phải trao trả cho Nhà nước.
Rồi từ ngày đổi mới, mở cửa thị trường, mời gọi công ty nước ngoài vào đầu tư, thì cả nước liền dấy lên một phong trào thu hồi đất để mở khu công nghiệp, làm sân gôn, khu vui chơi giải trí. Và để hấp dẫn các nhà đầu tư, cho nên các khu công nghiệp đều được xây dựng ở những nơi có địa hình bằng phẳng, thuận tiên giao thông cả thuỷ lẫn bộ. Mà những nơi như vậy thì hầu hết đều là những cánh đồng cấy lúa, trồng mầu bờ xôi ruộng mật của nông dân. Nhưng vẫn phải thu hồi, vì khu công nghiệp đã trở thành cái túi đựng vàng rồi. Không có túi thì vàng để vào đâu? Cho nên nhiều nơi dù chưa có vàng, người ta vẫn thu hồi đất để xây dựng túi. Kết quả là vàng thì ít, mà túi thì nhiều. Như bài ghi chép: “Hãy hành xử kịp thời với đất”, của nhà báo Đỗ Quang Đán (Văn nghệ số 41, ngày 13/10/2012) đã viết:
“…Cả nước có 283 khu công nghiệp, ở 58 tỉnh, chiếm 73 nghìn ha đất, và 9,5 tỷ USD bỏ ra đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Nhưng đến nay mới lấp đầy được hơn 50% diện tích, còn gần 50% diện tích vẫn đang chờ đợi nhà đầu tư, dù thảm đỏ trải ra mời gọi đá không thể đỏ hơn được nữa. Khu công nghiệp Đại An của Hải Dương, rộng tới 640 ha, nhưng cũng chỉ lấp chưa đầy 1/3 diện tích.
“…Khu công nghiệp Hoàng Mai Nghệ An còn ảm đạm hơn nhiều. Ba năm qua, sau cái ngày trống rong cờ mở khởi công, quảng bá như chuông. Nào có cảng nước sâu. Nào ven đường số Một. Nào tương lai là khu lọc dầu Nghi Sơn… Hỡi ơi, giờ đây khu công nghiệp những tưởng hoành tráng nhất xứ Nghệ lại vô tư đón đàn bò nhởn nhơ vào gặm cỏ. 680 tỷ đồng đầu tư cho khu công nghiệp này chứ đâu phai ít. Tệ hại hơn nữa là khu công nghiệp này bây giờ hình như vô chủ, chẳng ai quản lý…”.
Chưa có cơ quan hay tổ chức nào thống kê xem 73 nghìn ha đất Nhà nước thu hồi để mở khu công nghiệp, đã làm cho bao nhiêu hộ nông dân bị mất việc làm, không còn tư liệu để mưu sinh? Và bao nhiêu vạn người nông dân phải bỏ quê hương ra thành phố kiếm việc làm? Và nhất là cuộc sống của những con người này hiện nay khá hơn, hay khổ hơn khi chưa bị thu hồi đất ?
Đã đành rằng, khi thu hồi đất, Nhà nước có đền bù thiệt hại cho họ. Nhưng chính cái việc đền bù này đã gây ra không biết bao nhiêu hệ luỵ. Vì giá đền bù do Nhà nước quy định không thống nhất, năm sau cao hơn năm trước, và mỗi địa phương, mỗi thời điểm thu hồi, giá cả lại khác nhau, và bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường nhiều lần. Có nơi giá đền bù hàng triệu đồng một mét vuông đất. Nhưng có nơi như Hà Tĩnh, giá bồi thường chí có 7.900 đồng một mét vuông. Thậm chí có khu đất chưa đến 3.000 đồng một mét vuông. Trong khi giá một quả trứng 3.500 đồng! (Theo chương trình pháp luật của Đài truyền hình Việt Nam tối 10/10/2013).
Vì vậy mà sinh ra tình trạng đơn thư khiếu kiện triền miên và kéo dài của người dân đi đòi quyền lợi và sự công bằng. Có lẽ trong lịch sử ngành tú pháp nước ta, từ khi có nền pháp trị đến bây giờ, chưa bao giờ người dân lại đi khiếu kiện cơ quan chính quyền nhiều và lâu dài như bây giờ. Kiện từ xã đến huyện, đến tỉnh rồi trung ương. Không ít người đã đi kiện đến hơn mười năm, đơn thư phải tính hàng cân !
Và cũng do giá cả đền bù không thoả đáng, cho nên nhiều hộ dân không nhận đền bù, không chịu di dời giao đất cho chủ dự ắn, khiến chính quyền phải cưỡng chế. Có nhiều vụ cưỡng chế thành công, nhưng cũng không ít vụ cả hai bên (chính quyền và người dân) đã xẩy ra xô xát. Thậm chí có vụ cả hai bên đã sử dụng vũ khí nóng. Như vụ Đoàn Văn Vơn ở Hải Phòng là một ví dụ.
Thế rồi sau nhiều năm hối hả thu hồi đất và vội vàng xây dựng các khu công nghiệp, đến khi nhìn lại thì 73 nghìn ha đất khu công nghiệp, chỉ lấp đầy được hơn một nửa, còn bỏ hoang khoảng 3.500 ha đất. Và thời gian bỏ hoang có nơi đã trên dưới hàng chục năm. Gây nên sự lãng phí vô cùng to lớn. Năng suất lúa nhiều nơi đã đạt được 12 tấn/ ha, thì số thóc mất đi đó phải kể là rất nhiều vạn tấn. Trong khi người nông dân không có đất để làm ăn sinh sống !
Song cũng còn may là trước tình trạng lãng phí đó, một số địa phương đã có quyết định (dù muộn màng, nhưng cũng biểu hiên người phạm sai lầm đã biết sửa lỗi) thu hồi đất ở các khu dự án treo, trao lại cho nông dân sử dụng, sản xuất. Tiêu biểu nhất là ở Long An. Trong bài: “Biểu quyết cho tương lai” (Văn nghệ số 41, ngày 13/ 10/ 2012) nhà thơ Đỗ Trung Lai đã viết: “Ở Long An có 47 dự án treo, do các chủ dự án không có khả năng triển khai từ nhiều năm nay, đã được thu hồi. Và thế là 3.000 ha đất nông nghiệp đã được trả về cho nông dân…”. Bai báo còn cho biết: “Long An vẫn còn hàng chục dự án treo nữa, sẽ được quy hoạch lại như thế…”.
Tất nhiên không ai dám phủ nhận sự thành công và kết quả to lớn của các khu, các cụm công nghiệp. Kểt quả đó đã cùng với sự thành công và kết quả của  các thành phần kinh tế khác, đã làm thay đổi bộ mặt đất nước ta. Từ một nước nghèo, ta đã vươn lên thành một nước có mức thu nhập trung bình. Đời sống của nhân dân đã được cải thiện… Song sự lãng phí lẽ ra không đáng có trong quá trình thu hồi đất, lập các khu công nghiệp cũng vô cùng to lớn. Tấc đât tấc vàng, mà hiện nay vấn còn hàng vạn hecta đất bỏ hoang, chưa biết đến bao giờ mới được sử dụng ?
Vậy tại sao ta không “liệu cơm gắp mắm”, công nghiệp cần đến đâu thì thu hồi đến đấy? Và tại sao ta không đền bù cho nông dân với giá cả hợp lý hơn? Để trả lời mấy câu hỏi này, thiển nghĩ không phải là khó. Đó là vì những người có quyền cầm cân nẩy mực ở các địa phương, không có năng lực ngang tầm, tương xứng với công việc mà họ được làm.
                                                 *
                                              *      *
Căn cứ vào mười tiêu chuẩn thành lập thành phố của Chính ohủ ban hành, Ban lãnh đạo thị xã Xuân Sơn thấy thị xã nhà đã đạt được gần hết các tiêu chuẩn đó. Chỉ còn ba tiêu chuẩn hơi thiếu một chút. Một là, dân số phải đạt từ 150.000 người trở lên. Hai là, tỷ lệ số phường đạt được từ 2/3 trở lên, so với số xã. Ba là, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp phải từ 80% trở lên so với tổng số lao động. Về dân số thì bao giờ cũng biến động, người sinh, ngưới chết, người đến, người đi chẳng bao giờ ổn định, và cũng chẳng bao giờ kiểm tra được thật chính xác. Vì vừa tiến hành kiểm tra xong, thì con số ấy đã thay đổi rồi. Vả lại số dân thị xã còn thiếu cũng chẳng đáng là bao. Mà đây lại là khu công nghiệp, dân số luôn luôn tăng, theo nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Ba bốn nghìn người thiếu, chỉ một năm, hoặc hơn chút ít là sẽ đủ.
Còn cái chuẩn thứ hai và thứ ba… Nếu chuyển ba xã: Xuân Nam, Yên Phú và Tân Hoà thành phương, thì vừa đủ 2/3 số phường trên 1/3 số xã. Đồng thời số dân của ba xã ấy được chuyển thành thị dân, thì cũng vừa đủ cho tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 80% trở lên so với tổng sớ lao động.
Thế là một cuộc họp của Thị Uỷ, Uỷ Ban và Hội Dồng nhân dân được triệu tập khẩn trương, để bàn thảo và quyết định. Rồi sau cuộc họp ấy, cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể của thị xã liền bắt tay, dốc sức ngay vào việc mở rộng, tôn tạo và chỉnh trang đô thị, để xin nâng cấp lên thành phố. Một Ban chỉ đạo được thành lập, do chính ông Chủ tịch thị xã làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo liền mời thầu, và công ty cổ phần nhiều thành viên Nam Cường đã trúng thầu. Họ liền triển khai dự án. Toàn bộ ruộng đất của ba xã nói trên được thu hồi, với hai mức giá đền bù. Ruộng loại một, giá 60 triệu đồng một sào, loại hai 40 triệu đồng mọt sào.
Tất cả các hộ đều vui vẻ nhận tiền đền bù. Vì bao đời nay chân lấm tay bùn, giờ đây không mong mà tự nhiên họ lại thành dân đô thị, chắc rồi đây đời sống sẽ khá giả hơn. Và nhất là cả đời họ chưa bao giờ có số tiền lớn như vậy. Nhà nhiều được vài ba tỷ, nhà ít cũng được hai ba trăm triệu. Trước đây có nằm mơ cũng chả thấy. Nhiều gia đình dỡ bỏ nhà cũ, xây nhà mới hai ba tầng, gắn biển số nhà. Chặt bỏ bờ tre, giậu xương rông, râm bụt, xây tương bao, lát sân gạch. Bê tông hoá xóm làng. Và chẳng bao lâu làng đã thành ra phố. Người ta mua xe máy, sắm ty vi. Trước đây cả nhà chỉ có một chiếc ty vi 14 ịnh. Bây giờ có nhà tầng, phải mua thêm ty vi, loại 22 inh, mặt hình phẳng cho “hoành tráng”.
Những cánh đồng trước đây cấy lúa, trông mầu quanh năm xanh tốt, thì bây giờ đã san gạt bằng phẳng, kẻ ô, làm những con đường nôi đô ngang dọc, rải nhựa áp phan, lát vỉa hè, trồng cây bóng mát. Phía trong vỉa hè là các ô đất hình chữ nhật, diện tích 120 mét vuông, đúng tiêu chuẩn mỗi gia đình được quyền sử dụng. Chia ô đến đâu bán hết ngay đến đấy. Với gia 4.500.000 một mét vuông. Người mua tranh nhau, phải thân quen hay vai vế mới mua được. Có ngươì vừa mua xong, bán sang tay cho người khác đã được lãi  năm trăm nghìn đồng một mét vuông.
Nhà hát ngoài trời của thị xã, xây hơn ba mươi năm trước đã xuống cấp, được xây mới, to đẹp hơn và có nhiều chỗ ngồi hơn. Các phố ngang, phố xép cũng được chỉnh trang, mở rộng lòng đường, rải nhựa, lát vỉa hè, trồng thêm cây bóng mát. Công viên thị xã được mở rộng hơn và trồng thêm nhiều cây bon sai rất đẹp. Cái hồ cũ được kè lại bờ, trồng cây, đặt ghế đá chung quanh và nạo vét lòng hồ, nước trong veo. Đặc biệt là ở giữa hồ được xây cái quàn gió. Gọi là quán nhưng khá to, hai tầng, có cầu thang lên xuỗng và ghế ngồi, Bên ngoài quán, trồng chung quanh một hàng liễu rủ, dưới mỗi gốc liễu đặt một chiếc ghế đá để khách vãng lai dừng chân ngắm cảnh. Và bắc một chiéc cầu vồng từ bờ hồ ra quán gió. Cầu bê tông, nhưng hai hàng lan can làm giả gỗ, quét sơn mầu nâu trông rất đẹp.
Sau gần hai năm lao động xây dựng khẩn trương, thành phố tương lai đã được chỉnh trang, tôn tạo và mở rộng hơn, to đệp hơn trước rất nhiều. Và khi công việc vừa xong, thì cũng là lúc hồ sơ của thị xã xin lập thành phố được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt. Một cuộc mít tinh đẻ chào mừng và đón nhân quyết định quan trọng này, được tổ chức tại quảng trường Nhà hát. Sau mít tinh, Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc của tỉnh biều diễn chào mừng thành phố và khánh thành Nhà hat mới. Mười giờ đêm ở quán gió có bắn pháo hoa. Đây là lần đầu tiên, người dân của thành phố trẻ Xuân Sơn được xem pháo hoa nổ tung ngay trên bầu trời thành phố của mình, chứ không phải xem trên màn hình ty vi. Trông gương mặt nào cũng tươi vui rạng rỡ !
Nhưng rồi tình trạng suy thoái kinh tế đã lan tràn đến thành phố Xuân Sơn non trẻ. Nhiều công ty, xí nghiệp làm ăn thua lỗ phải đóng cửa, ngừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng, vì hàng tồn kho càng ngày càng nhiều. Nhiều người mất việc làm, hoặc chỉ được lĩnh nửa tháng lương, vì chỉ được đi làm nửa tháng. Các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch đều vắng khách, ế ẩm. Thị trường bất động sản đóng băng. Những người mua các ô đất ở khu phố mới của thành phố đều là các “đại gia”. Họ đã có đủ và có thừa nhà ở rồi. Họ mua đất không phải để xây nhà, mà để chờ giá đất lên cao rồi bán kiếm lời. Nhưng cái cơ hội ấy, vì suy thoái kinh tế nên đã tuột mất rồi. Và thế là những con phố chỉ mới có đường, có vỉa hè trồng cây, nhưng chưa có nhà kia đã trở thành “phố treo”! Treo một năm, hai năm, rồi bây giờ “phố treo” đã sắp thành rừng. Vì lau lách, cây hoang cỏ dại mọc đầy. Người đứng ở bên này không trông thấy người đứng ở bên kia “phố treo” nữa !
Còn những người dân ở các xã vừa được trở thành phường thì từ khi mất ruộng, họ không còn là nông dân nữa, nhưng họ cũng không phải là dân thành phố. Vì trong tay họ có nghề nghiệp gì đâu. Và họ cũng chẳng biết làm gì để có thể sống được ở thành phố. Họ đã thành ra kẻ bơ vơ, lơ lửng ở ngay chính quê hương mình !
Chẳng lẽ lại có cả “người treo” nữa hay sao?./.
 
                                                 TP Uông Bí, ngày 24/10/2013
                                                            Tạ Hữu Đỉnh