Chuyện lạ
tahuudinhqn 29.12.2013 10:22:39 (permalink)
                                  CHUYỆN LẠ
 
                                                                   Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Đọc cái truyện “Oan nghiệt trường văn”, của Bồ Tùng Linh, thấy nhân vật Hoà Thượng mù ngồi bán thuốc ở trước cổng chùa thật độc đáo, chưa từng thấy bao giờ. Vì ông có biệt tài thẩm định văn chương khác hẳn mọi người. Tất nhiên người mù thì không đọc được. Nhưng Hoà Thượng không nghe văn bằng tai, mà lại ngửi bằng mũi. Chỉ ngửi mà biết văn hay, hay văn dở. Thế có lạ không?
Rồi một hôm có hai nho sinh, một tên là Vương, người kia tên là Dư, họ sắp đi thi, nghe tiếng đồn về biệt tài của Hoà Thượng nên đem văn đến nhờ thẩm định. Sư bảo: “Ta không có mắt lấy gì để luận bàn văn chương?”. Vương xin Hoà Thượng dùng tai. Sư đáp: “Mấy nghìn chữ, không kiên nhẫn nghe hết được. Chi bằng cứ đốt đi ta sẽ ngửi bằng mũi”. Vương đốt trước. Khi đốt mỗi bài, Sư lại ngửa mặt hít hà, rồi nhấm nháp nói: “Anh mô phỏng các đại gia, tuy chưa đúng, nhưng cũng gần giống”.
Đến lượt Dư đốt. Sư vừa ngửi liền phát ho lên mấy tiếng, vội xua tay bảo: “Thôi, thôi đừng đốt nữa. Nếu đốt nữa thì phát chứng lên mất”.
Mấy ngày sau treo bảng, Dư đỗ hương cống, còn Vương trượt. Rồi Dư hãnh diện đến chùa hỏi Sư: “Này, Hoà Thượng mù, ông nghĩ thế nảo?”. Sư đáp: “Ta bàn về văn chứ không nói về sự ngu dốt. Anh hãy tìm văn của các quan chấm trường đến đây đốt đi, ta có thể biết ai là thầy anh”.
Dư và Vương cùng đi tìm, chỉ được văn của tám, chín người. Dư vội đốt, đến bài thứ sáu, Sư ngoảnh mặt vào vách vừa mửa, vừa đánh rắm liên hồi. Mọi người cười ầm lên. Sư lau mắt, quay về phía Dư bảo: “Đúng là bài của thầy anh rồi! Lúc đầu không biết ta vội hít vào, nó đâm vào mũi, chọc vào tai, không sao dung được phải tống ra khỏi hạ bộ”. Dư tức giận lấm bỏ đi. Sư nói với Vương: “Ta tuy mù mắt, nhưng tai không mù. Còn các vị khảo quan đều mù cả hai”.
                                                     *
                                                 *      *
Cái cách thẩm định văn chương kỳ lạ như vậy, tưởng chỉ thấy trong tiểu thuyết cổ của Tầu. Không ngờ mới đây đọc bài: “Về hai câu thơ của Xuân Diệu”, của Trần Đăng Khoa  in ở báo Hạ Long (số 448, ngày 20/11/ 2013) lại thấy cái cách thẩm định văn chương tương tự như vậy…Đọc xong bài báo, tôi thấy phân vân nghi ngờ nên đọc lại. Rồi lại đọc lại thêm một lần nữa. Nhưng cũng không tìm thấy sự chân thật của tác giả được thể hiện trong bài viết. Trái lại, chỉ thấy trước sau bất nhất, khen chê lẫn lộn, thật giả khó lường. Trần Đăng Khoa vừa khen Xuân Diệu đấy, rồi lại chê ngay sau đấy. Khen như thế này: “Xuân Diệu là thầy dậy nghề của tôi, là một trong những nhà thơ tôi ngưỡng mộ sâu sắc...”. Còn đây là chê: “…Còn chuyện đóng hộp dưa chuột. Ông kể rất tỷ mỉ là phải chọn loại dưa như thế nào, hình dáng kích cỡ ra sao, rồi rửa dưa như thế nào, không được để lẫn một hạt cát khi đóng hộp. Đọc chỉ thấy quý tấm lòng của ông đối với công việc sản xuất, còn bài thơ thì đã chệch ra khỏi văn chương và trượt xuống việc bốc đất bốc đá hay kỹ thuật muối dưa chuột mất rồi, không còn là thơ nữa…”.
Chủ đề bài viết này của Trần Đăng Khoa là nói về cái hay của hai câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu. Còn đoạn văn này, bình phẩm về một bài thơ nào đó của Xuân Diệu có đề cập đén việc muối dưa chuột, thì chẳng có liên quan gì đến chủ đề. Vậy Trần Đăng Khoa đưa vào đây để làm gì? Trong dân gian có câu thành ngữ: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Liệu có phải là để người đọc hiểu rằng: ” Xuân Diệu chỉ là thầy dậy nghề khi Trần Đăng Khoa còn là một đứa trẻ mới đi những bước đầu tiên trên con đường thơ. Còn bây giờ thì trò đã giỏi hơn thầy rồi, trò đã có thể “bắt bẻ” được thơ của thầy rồi. Rồi để chứng minh về cái sự “chệch ra khỏi văn chương” của Xuân Diệu một cách đầy đủ hơn, Trần Đăng Khoa đã viết: “…Ông đã nhiều lần phàn nàn với tôi “Cái mồm thơ ta bé quá. Phải rạch nó ra để nhét đất đá của đời sống vào”. Ông quan niệm thơ phải “Chân chân chân. Thật thật thật”. (Xuân Diệu qua đời rồi, chẳng biết câu nói thô thiển đó có phải là của ông không?).
Nếu thơ “đã chệch ra khỏi văn chương”, và đã “không còn là thơ nữa”, thì tác giả liệu có còn xứng đáng với cái danh là nhà thơ nữa không?...
Trần Đăng Khoa đánh giá rất cao hai câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu:
“Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ trước không trung”
Ông cho rằng những bậc thiên tài như Đỗ Phủ, Lý Bạch, R.Tagor, Nguyễn Du, A.Puskin. Walt Witman v.v…nếu mỗi thi sĩ chỉ được chọn hai câu thơ, thì họ phải ngả mũ trước Xuân Diệu. Và Trần Đăng Khoa cho rằng: “…Hồn vía của hai câu thơ tuyệt vời này nằm trong một chữ “đi”…”.
Thiết nghĩ, động từ “đi” là thiên chức của những bộ chân. Các loài động vật dùng chân để đi. Còn trái đất tròn xoe, không có chân mà cũng đi được, Và nhất là, đặc biệt là trái đất lại “đi” ở trên trời. Cho nên cái chữ “đi” trong câu thơ mới trở thành “hồn vía” và mới hay đến mức “tuyệt vời”…Ấy thế mà rồi ngay sau đấy Trần Đằn Khoa lại thay đổi thái độ, lại làm giảm cái “tuyệt vời” của câu thơ đi, đồng thời hạ cả cái tài của tác giả thấp xuống bằng những dòng nhận xét như sau:
“…Còn nếu cứ tách bạch ra thì câu thơ “Trái đất ba phần tư nước mắt” chỉ là chuyện thực tế đời sống được nâng cao. Vì ai cũng biết, trái đất của chúng ta ba phần tư là biển. Nước biển lại mặn dễ gợi đến nước mắt…”.
Cụm từ “dễ gợi đến nước mắt” ở đây khiến người đọc hiểu rằng, cái nhìn trái đất như một giọt lệ của Xuân Diệu không phải là khó liên tưởng, và cũng không phải chỉ có Xuân Diệu mới nhìn ra được…
Rồi, như tiêu đề bài báo đã khẳng định hai câu thơ tuyệt vời kia là của Xuân Diệu, nhưng ngay sau đó ở cuối bài, Trần Đăng Khoa lại bảo không phải là của Xuân Diệu. Ông viết:
“…Thực tình trong thâm tâm, tôi ngờ câu thơ này không phải của Xuân Diệu. Vì nó nhuốm mầu Huy Cận. Cái hay của Xuân Diệu thường hay theo kiểu khác. Câu thơ này chẳng nằm trong khoảng nào trong cả đời thơ Xuân Diệu. Đã thế nó lại có “hơi” Huy Cận rất rõ…”.
Tôi không được biết đời thơ của Xuân Diệu, ông đã sáng tạo được bao nhiêu câu thơ. Song cũng xin mạo muội được ví dụ thơ ông trắng thơm như một thúng gạo đầy. Thế mà Trần Đăng Khoa lại nhận diện ra được và nhặt ra được hai hạt gạo không phải là giống lúa của Xuân Diệu cấy trồng, mà là giống lúa của Huy Cận. Vì nó nhuốm “mầu” và có “hơi” Huy Cận. Thế mới tài tình chứ! Cái nhìn kỳ diệu, thấu suốt đó tưởng chỉ các bậc thánh thần mới có, chứ đâu phải là của người trần mắt thịt ! Rồi để xác minh sự băn khoăn, nghi ngờ và linh cảm của mình, trong một lần tình cờ gặp Huy Cận, Trần Đăng Khoa đã bộc lộ nỗi băn khoăn ấy, và Huy Cận đã đột ngột kêu lên: “Trời ơi, sao cậu biết chuyện đó? Đúng là thơ ấy của mình. Mình viết năm 1940 ở Huế, Xuân Diệu rất thích nên mình tặng Diệu. Bây giờ mình thấy câu thơ ấy chính là của Diệu chứ không phải của mình nữa”.
Tuy thế, nhưng có lẽ cái tình thầy trò theo tập quán cổ truyền “Tôn sư trọng đạo” của Trần Đăng Khoa đối với Xuân Diệu, dù ít, dù ngiều cũng vẫn còn. Cho nên ông đã viết:
“…Kể lại với bạn đọc điều này, tôi cũng nghĩ mình chẳng làm điều gì phương hại đến uy tín của Xuân Diệu. Xuân Diệu như một trái núi. Có tách riêng ra một tảng đá, cho dù đá là vàng ròng, thì cũng không vì thế mà trái núi ấy nhỏ đi…”.
Cái sự cho tặng này nếu đúng là chuyện có thật, thì cũng hơn 70 năm đã qua rồi. Cả người cho và người nhận đều đã đi sang thế giới bên kia rồi, chẳng có ai đòi, chẳng có ai trả, và cũng chẳng có ai biết chuyện thực hay là chuyện hư. Vậy nhà thơ Trần Đăng Khoa hì hục tách tảng đá ấy ra khỏi trái núi Xuân Diệu để làm gì? Để ngợi ca tình bạn của họ? Hay là để khoe với bàn dân thiên hạ về cái tài thẩm định văn chương giỏi giang có một không hai cua rmình?...
Thưa ban đọc, trước phong trào cả nước làm thơ, tôi cũng đang võ vẽ tập làm thơ, lại vừa được kết nạp vào Câu lạc bộ thơ phường. Đang định hôm nào rỗi rãi sẽ đem thơ lên Hà Nội, đến trước cửa nhà Trần Đăng Khoa rình. Nếu thấy ông ở nhà thì xông vào. Nếu không bị tống cổ ra, thì nhờ nhà thơ thẩm định xem thơ tôi có “mầu” gì? Trắng phớ như tờ giấy, hay đen ngòm như đất bùn? Và “hơi” thơ tôi ngùn ngụt bốc lên xông lên thơm phức như nước hoa Pháp, hay nồng nặc rặt mùi mồ hôi dầu?./.
 
                                      TP. Uông Bí, ngày 3/12/2013
                                                  Tạ Hữu Đỉnh   
 
 
 
 
 
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9