Truyện ngắn MẾ NHẶT của Đặng Khánh Cường
Đặng Khánh Cường 04.01.2014 21:45:51 (permalink)
MẾ NHẶT
Truyện ngắn của Đặng Khánh Cường
 
Lam Trinh càng lớn càng rực rỡ. Năm nay cô bước sang tuổi mười tám. Mỗi nụ cười, ánh mắt của cô đều như tỏa ra một thứ ánh sáng dịu dàng, ấm áp. 
Bố cô là người dưới xuôi lên đây dạy học rồi làm rể bản Minh Quân này từ lâu. Ông bà chỉ có hai cô con gái. Cô chị bị lừa tình từ khi mới phổng phao, buộc phải cắn răng gả như cho không một tay lái buôn đã có vợ tận Phong Thổ đã mười năm nay. Ngày bà bị rắn độc cắn chết, hắn cũng không cho vợ về chịu tang. Bên cạnh nỗi đau tử biệt ông còn phải âm thầm chịu thêm nỗi khổ sinh ly, mà cuộc sống của con gái ở nơi phương trời xa lắc ra sao ông không được biết. Sau giỗ đầu bà vợ, ông xin nghỉ dạy học, chuyển hẳn sang làm thuốc nam chữa bệnh cho bà con trong vùng và dành thời gian chăm bẵm Lam Trinh.
Học xong cấp 3, Lam Trinh đăng ký thi vào trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Cô tính sau này sẽ về dạy học ở xã nhà để có điều kiện chăm sóc bố. Nhìn đứa con út đang tuổi dậy thì, ông giáo vừa mừng vừa lo. Nó nghĩ vậy là đứa có hiếu, nhưng phận gái phụ thuộc nhiều vào chuyện chồng con, biết đâu mà tính trước được. Cuộc chiến tranh thì như cơn lốc đã tràn đến tận cái bản miền núi xa xôi này.
Công trường 130 ở bên kia quả đồi, được bảo vệ nghiêm ngặt lắm. Gọi tên là thế, nhưng ai cũng biết bên đó đang xây dựng sân bay quân sự dã chiến. Ngoài bộ đội của ta đóng bên trong còn có mấy đơn vị người Trung Quốc ở bên ngoài. Nghe nói, họ tình nguyện sang đây bảo vệ miền Bắc giúp ta để Việt Nam yên tâm dồn lực lượng vào miền Nam đánh Mỹ. Họ làm nhiều trận địa pháo phòng không trên các vùng trống trải, không cần ngụy trang gì cả và tuyên bố hùng hồn, ngụy trang tức là bộc lộ tư tưởng sợ Mỹ. Mà Mỹ chẳng qua chỉ là con hổ giấy. Hàng ngày tiếp phẩm của cả hai bên đều vào bản mua rau của dân, nên chả có gì bí mật được.
Bình là chiến sĩ tiếp phẩm của bộ đội bên ta. Lường được mức tiêu thụ cao của công trường, anh đã đề nghị cấp trên chủ động mua các loại hạt giống rau tặng bà con và hướng dẫn cách chăm bón, nên ở vùng đất sỏi đá này bộ đội vẫn được mùa nào thức ấy. Anh biết chút ít tiếng Trung Quốc, nên đã vài lần hòa giải được các vụ cãi cọ về tiền nong của các tiếp phẩm phía bạn. Ông giáo lặng lẽ quan sát Bình rất kỹ, nhất là khi anh tranh thủ giảng giải các bài toán khó cho Lam Trinh. Ông bảo con gái chuyển cái bàn học ra phòng ngoài cho sáng sủa hơn. Lam Trinh hiểu ý bố, chỉ tủm tỉm cười một mình. 
Một lần Lam Trinh đi học về đến ngã ba đầu bản thì có hai người lính Trung Quốc xấn xổ chặn lại để tặng kẹo bánh. Lam Trinh kiên quyết từ chối. Mắt họ nhìn hau háu vào khuôn ngực căng tròn của cô. Cô đang lung túng tìm lối thoát thân, thì Bình đi xe đạp tiếp phẩm tới. Họ biết Bình nên nhăn nhở phân bua rằng chỉ muốn tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc thôi, rồi ôm bọc kẹo chuồn thẳng. Bình lai 
cô về. Ngồi nép sau anh mà Lam Trinh vẫn chưa hết run sợ ánh mắt cú vọ của chúng. 
Đợt thi vào trường Sư phạm tỉnh, Lam Trinh đỗ thủ khoa. Ông giáo chính thức cho phép Bình được vào nhà chơi tối thứ bảy hàng tuần, với quy định hai đứa chỉ được ngồi nói chuyện ở cái chõng tre kê dưới gốc mít ngoài sân. Ông treo chiếc đèn hai dây phía ngoài cột hiên, ánh sáng chỉ hắt ra phía cái chõng, còn trong nhà bị bóng cột che tối om. Nhất cử nhất động của đôi trẻ, trong nhà trông rất rõ. Mặc dù có cảm tình với Bình, nhưng ông giáo vẫn nghiêm nét mặt, mang cái thước kẻ dạy học làm bằng gỗ lim dài chừng nửa mét ra bảo với con gái:
- Con đã lớn, cần ý tứ khi ngồi chuyện trò với anh ấy và lúc nào cũng phải chủ động giữ khoảng cách giữa hai người ít nhất bằng chiều dài cái thước này. Vi phạm là bố cấm luôn, nhớ chưa?
Nhớ thì nhớ đấy, nhưng có lần tự nhiên hai đứa xích lại gần nhau. Lập tức tiếng ông giáo trong nhà vọng ra:
-         Trinh ơi, con có thấy cái thước kẻ gỗ của bố để ở đâu không nhỉ?
Hai đứa giật mình vội dịch xa hơn cả khoảng cách quy định, nhìn nhau không dám cười. Mỗi lần Bình ra về, ông đều lịch sự cầm đèn tiễn ra tận hết ngõ. Dù bị quản chặt đến mấy, đôi trẻ cũng tìm ra được cách gần nhau. Đấy là một ngày chủ nhật trước khi nhập trường. Lam Trinh xin ông vào rừng kiếm củi để dành cho mùa đông sắp tới, khi cô vắng nhà. Bình mượn được của ban Hậu cần chiếc cưa điện. Chỉ một loáng, hai gánh củi nặng đã được bó gọn gàng bên bờ suối. 
Hai người ngồi thả chân xuống dòng nước suối mát lạnh, ngước mắt nhìn lên mấy đám mây trắng nõn đang đùa rỡn trên đỉnh núi xa. Chỉ nghe thấy tiếng nước chảy róc rách qua mấy khe đá và tiếng đập của hai trái tim trẻ. Lam Trinh cúi xuống vò chiếc khăn mang theo, lau mặt cho Bình. Anh xoay người lại, kéo mái đầu cô vào sát ngực mình. Lam Trinh vòng hai tay ôm lấy cổ anh. Họ cứ ôm nhau ngồi im như thế, tận hưởng sự gần gũi đầu tiên trong đời. Thời gian như ngừng trôi không biết bao lâu. Bụp! Một quả vả chín rơi xuống nước làm hai người choảng tỉnh. Lam Trinh cắn nhẹ vào vồng ngực nở của Bình rồi bật dậy cười như nắc nẻ: 
-         Anh phải ngồi im ở đây nhé, em lên chỗ kia tắm.
Chỗ kia là một khoảng suối rộng hơn, cách chỗ Bình ngồi chừng năm sải tay. Lam Trinh từ từ cởi áo, lộ ra đôi vai tròn lẳn và tấm lưng thon nõn nà. Cô bước khoan thai xuống lòng suối. Khi nước suối ngập qua khuôn ngực, cô mới quay mặt lại phía anh, thả mái tóc đen nhánh theo dòng chảy. Gương mặt cô sáng bừng, tươi rói trên mặt nước trong xanh. Anh đăm đắm nhìn Lam Trinh và tự nhủ dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào anh cũng quyết cưới cô làm vợ.
Tắm xong Lam Trinh cứ thế lên bờ, vắt áo kiệt nước rồi mới mặc vào. Bộ quần áo ướt áp vào da thịt cô, nổi lên những đường cong tuyệt vời của tuổi thiếu nữ. Cô ra hiệu cho Bình là đã đến lượt anh. Bình không dám cởi quần dài, cứ thế nhảy ào xuống tắm. Lam Trinh tới sát mép suối, thò bàn tay xinh xắn té nước vào anh rối rít.  Tắm xong, hai người đứng ôm nhau mãi không muốn rời. Dù quần áo chưa khô nhưng đã đến giờ phải về. Lam Trinh cầm tay Bình đặt lên ngực mình:
- Anh có thấy tim em đập không. Từ hôm nay tất cả em là thuộc về anh, của anh vĩnh viễn.
Lam Trinh kiễng chân, rướn người lên, ngửa mặt chờ ở nơi anh một nụ hôn. Nhưng phút giây ấy, Bình thấy thiêng liêng quá, anh chưa dám, chỉ ôm cô chặt hơn. Cô không biết anh đã từng hôn cô trăm lần trong tưởng tưởng.
Hai hôm sau, đơn vị Bình có lệnh đột xuất di chuyển vào vùng tuyến lửa. Thời gian chuẩn bị chỉ trong vòng một buổi sáng. Lấy lý do còn nợ dân một số tiền mua rau, anh xin phép đại đội trưởng chạy vào bản. Cả ông giáo và Lam Trinh đều vắng nhà. Anh lấy giấy viết vài chữ, kẹp ngoài cánh cửa rồi vội vã chạy về. Xe ô tô ngụy trang kín mít, đã lần lượt nổ máy di chuyển vào vị trí xuất phát. Bình bồn chồn như có lửa đốt trong lòng. Dự lệnh đã phát ra, năm phút nữa lên xe. Đúng lúc Bình không còn hy vọng gặp mặt người yêu thì Lam Trinh chạy đến. Ông giáo cũng tất tả theo sau. Cô ào tới ôm chặt lấy Bình, chủ động hôn anh thật lâu trước mặt hàng trăm con người vây quanh. Ông giáo ngơ ngác với tay về phía hai người, không nói được thành lời. Anh bấm lưng cô ra hiệu đã phải lên xe. Lam Trinh quay ra, chạy phăng phăng lên quả đồi trước mặt. Bóng cô nhỏ dần, nhỏ dần rồi lẫn vào màu xanh của cây rừng.
Đơn vị tôi tiếp quản công việc ở công trường 130 ngay sau khi đơn vị Bình chuyển vào tuyến lửa. Câu chuyện về nụ hôn mạnh bạo và cháy bỏng của một cô gái địa phương với một người lính trước giờ lên đường ra trận được kể đi kể lại làm xôn xao cánh lính trẻ mới đến. Người thì bảo là tuyệt vời, người lại chê như thế là vi phạm kỷ luật quân đội, ở Việt Nam chứ có phải ở bên Tây đâu.
Vào lính, tất cả chúng tôi đều phải quán triệt nhận thức: mỗi cá nhân chỉ là hạt cát trong sa mạc… Khác hẳn với điều chúng tôi mới học về Con Người với hai chữ viết hoa trân trọng của Macxim Goocky. Tôi đã biết phải im lặng trước những quan niệm sống sít như vậy, bởi đang ở trong môi trường tâm lý bầy đàn thời đó. Mấy thằng lính có chút văn hóa rất dễ bị quy chụp tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, tiểu tư sản. Mọi số phận đều phụ thuộc vào một cái ông không rõ mặt nhưng quyền lực vô song có tên là “tổ chức”. Ấy thế mà, khi được phân công trong đội tám người, chia làm hai nhóm thay phiên nhau cáng sư đoàn trưởng trên đường hành quân, tôi đã phản đối quyết liệt, mặc dù được đại đội trưởng giải thích rõ, sư trưởng là đại diện cho Đảng ở đây, các đồng chí phục vụ sức khỏe sư trưởng, tức là trực tiếp phục vụ Đảng. Ngay lập tức tôi bị kỷ luật cảnh cáo trước toàn đơn vị, ghi vào lý lịch quân nhân dòng chữ
“đã một lần không chấp hành mệnh lệnh chiến đấu”. 
Rồi chiến tranh cũng kết thúc. Vì mấy dòng chữ ấy mà ông “tổ chức” chỉ cho tôi học đại học trong nước còn Bình đi Liên Xô, mặc dù điểm thi đại học của tôi cao hơn. Ra trường, chúng tôi lấy vợ, sinh con và sống vật vã như mọi công chức cùng thời bao cấp. Cứ ba bốn năm không có khuyết điểm gì thì được tăng một bậc lương chết đói. Tôi với Bình làm việc cùng một cơ quan, buổi tối đều phải xoay sở kiếm việc làm thêm như dán túi ni lông, quấn thuốc lá thủ công để vợ con khỏi bị đứt bữa.
Khi Bình được bổ nhiệm chức Vụ trưởng, anh mời tôi làm trợ lý. Hôm đó tôi 
nói một câu khá vô duyên, nhưng thực lòng:
-         Vụ mình thiếu gì các nàng xinh đẹp giỏi giang, sao ông lại…
Bàn tay anh với sang bịt chặt miệng tôi:
-         Đến ông mà còn nói thế thì…
Chúng tôi là bạn cùng quê, cùng học một lớp suốt mười năm phổ thông, cùng đi lính một ngày, thân nhau nên không có việc gì phải giữ kẽ. Tôi nói thẳng với anh là không thích loại công việc quyền rơm, vạ đá này. Nhưng sau đó tôi đã nhận lời, bởi không thể chống chế những lý do mà Bình đưa ra. 
Bây giờ, Bình đã lên hàm Thứ trưởng. Khi chỉ có hai người, anh thường vẫn bảo tôi là thứ trưởng trong rèm, anh chỉ là thứ trưởng ngoài rèm. Anh tỵ vì tôi được đi lại tự do hơn, biết nhiều thứ cụ thể hơn; còn anh đi đến đâu cũng bị các bản báo cáo che lấp thực tế mình cần biết. Lần này tôi đi khảo sát một vệt Tây Bắc dài ngày để đánh giá chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sau mấy năm thực hiện chính sách ưu đãi miền núi. Buổi chiều trước khi lên đường, anh nhờ tôi khéo léo kết hợp công việc tìm hiểu thân phận một người có tên là Lam Trinh ở xã Minh Quân, chỗ công trường 130 cũ. Và anh đã kể về mối tình của mình hơn ba mươi năm trước mà tôi tóm tắt ở phần đầu câu chuyện này.
*
        *   *
Cuộc chiến trở nên dữ dội khi bộ đội không quân tiếp quản công trường 130. Dân trong bản phải làm hầm chữ A ngay dưới nền nhà. Máy bay Mỹ ngày nào cũng gầm rú đến sởn tóc gáy. Các trận địa phòng không của lính Trung Quốc bắn như vãi đạn. Máy bay Mỹ ném bom lả tả khắp nơi. Một quả bom tấn đã rơi trúng nóc nhà ông giáo khi ông đang ở dưới hầm. Người ta chỉ tìm thấy một ít xương vụn và cái đầu của ông giáo văng ra phía gốc mít. Nhặt được bấy nhiêu thôi cũng đành phải cho vào áo quan đưa ông ra đồng. Cô con út học trên tỉnh hay tin, hôm sau mới về đến nhà. Cô đứng lặng như tượng trước đống đổ nát, mặt tái nhợt, mắt nhìn trân trân vô định không khóc nổi tiếng nào. Một lát sau cô hét lên man dại rồi chạy phăng phăng ra ôm lấy mộ bố, toàn thân rung lên như bị cơn động kinh. Chiều hôm sau cô nhờ hàng xóm làm mâm cơm, tự đội lên đầu ra cúng bố. Trăng thượng tuần đã vượt trên đỉnh núi, tức là vào khoảng hơn mười giờ đêm; bà hàng xóm cho Lam Trinh ngủ nhờ thấy nóng ruột vì cô gái chưa về. Bà hô mấy người nữa cầm đền bão ra mộ tìm. Mâm cơm cúng đã hạ xuống, bị ăn nham nhở. Vạt cỏ bên cạnh thì nhầu nát. Tìm quanh và hú gọi hồi lâu vẫn không thấy gì, mọi người đành ra về.
Nửa đêm, Lam Trinh mới lết được đến đầu hồi nhà bà hàng xóm. Mặc cho quần áo bê bết, tơi tả, cô ngủ gục luôn tại đó. Sương lạnh lúc gần sáng làm cô tỉnh giấc. Mọi người trong nhà vẫn ngủ yên. Định thần một lúc lâu, cô mới nhớ chuyện gì đã xảy ra với mình đêm qua. Đau xót, căm hờn ứ tràn lên tắc cổ. Cô gượng dậy vào lấy quần áo khác đi ra giếng thay. Ba ngày tiếp theo cô sốt nóng như hòn than không dứt cơn. Các bài thuốc lá đã lần lượt sử dụng hết mà không thấy đỡ, đành nhờ cấp cứu bên trạm xá của bộ đội. Khám xong bác sỹ tiêm cho một mũi trợ sức và điều ngay xe chuyển lên bệnh viện tỉnh. Cô được xuất viện sau hai tuần điều trị tích cực. Vừa về đến cổng trường cô đã được bảo vệ nhắc lên gặp ban Giám hiệu ngay.
Bà hiệu phó chỉ cho cô chiếc ghế, lạnh lùng hỏi:
- Cô tên gì?
- Dạ thưa cô, em tên là Lam Trinh ạ
          - Trinh cái con khỉ, cái tên sao mà mỉa mai. Cô đã làm ô uế cả cái trường này.
Bà quăng toẹt sổ y bạ trước mặt cô, hằm hằm đi ra ngoài. Giang mai - cái chữ to đùng trong sổ y bạ làm Lam Trinh ngất đi. Một lát sau bà cầm tờ quyết định đuổi học bước vào cùng với chị lớp trưởng của cô. Bà đưa tờ giấy cho chị lớp trưởng:
          - Việc của tôi đã xong. Chị về làm các thủ tục còn lại, nhớ hỏi kỹ xem cô ta có nợ nần ai không, phải thanh toán dứt điểm trước khi bước ra khỏi cổng trường này. Cấm bén mảng trở lại với bất cứ lý do gì.
Chị lớp trưởng nâng Lam Trinh đứng dậy. Chưa ra tới cửa, đã thấy bà hiệu phó lấy cái chổi quét đi quét lại mặt ghế cô vừa ngồi.
Cái tin Lam Trinh bị bệnh giang mai đã lan ra khắp vùng. Chỉ có những kẻ chơi bời đĩ điếm mới mắc phải loại bệnh xấu xa này. Cái cô bé xinh đẹp, lại là con ông giáo sao mà hư đốn đến thế, thật vô phúc. Gặp cô, ai cũng khinh khỉnh và né tránh như gặp một con hủi. 
Đã từng theo bố lên rừng hái lá thuốc, Lam Trinh quyết đi tìm cây lá ngón. Chỉ cần một nắm lá trong tay là cô được giải thoát tất cả. Cô gấp tờ giấy có mấy dòng chữ bỏ vào túi “ Con không có lỗi gì. Tất cả là do mấy thằng lính Trung Quốc đã cưỡng hiếp con ngay cạnh mộ bố. Con mong dưới suối vàng bố mẹ hiểu cho con.” Cô không thể quay về bản quán, một mình một tay nải, Lam Trinh cứ ngược hướng núi cao vắng bóng người mà đi, đi mãi…
Tôi chẳng khó khăn gì khi tìm về đúng miếng đất của cha con ông giáo kiêm ông lang ở gần nơi đóng quân cũ. Nhưng giờ đây chỉ còn là miếng đất bỏ hoang. Nền nhà đã thành một cái vũng nước sâu, ngập tràn cỏ dại. Cây mít già bị xô nghiêng chằng chịt dây leo. Sân ngõ mọc đầy lau lách, chứng tỏ từ lâu lắm không có người qua lại. Chắc là cô đã chết, chứ làm sao một cô gái mới mười tám tuổi đầu chịu đựng được những nối đau ghê gớm lên tiếp như vậy.
Tôi chưa gặp Lam Trinh lần nào, chỉ tưởng tượng ra cô qua câu chuyện của Bình và những lời thêu dệt của cánh lính trẻ đến tiếp thu công trường 130. Ngay cả cái tên Công trường 130 bây giờ cũng đã chìm vào dĩ vãng. Để từ biệt linh hồn cha con ông giáo, tôi thắp một bó nhang cắm lên gốc cây mít già rồi ra đi làm nốt phận sự của mình.
Nghe nói có hiệp hội các bà mế giỏi về cây thuốc trên rừng đã hình thành mấy năm nay, nhiều bài thuốc của họ được xã hội đánh giá cao nên tôi tìm đến. Thật không may, mế Nhặt, người tổ chức ra hiệp hội này lại đi vắng. Có nhiều cô gái còn trẻ đang thái lá, phơi và sao dưới sự hướng dẫn của một mế rất già. Rót cho tôi một 
bát nước cam thảo, mế già kể:
- Mế Nhặt là con nhà Giời cử xuống giúp đấy. Nó giỏi lắm, nên bây giờ các mế mới được như thế này. 
Chuyện kể rằng mấy chục năm trước ở một vùng núi xa lắm, mấy bà mế lên rừng hái thuốc, phát hiện một cô gái xinh đẹp như tiên nằm bẹp bên suối, mặt tái mét. Sờ tay còn thấy ấm mà miệng thì sùi bọt xanh. Ô, nó ăn phải lá ngón rồi. Họ múc nước suối pha ngay thuốc giải độc, cậy miệng cô gái đổ vào. Cô gái rùng mình nôn thốc nôn tháo. Sống rồi, chỉ có người nhà Giời mới sống được khi ăn phải lá ngón chứ. Làm như thế là để thử lòng nhân hậu của người làm thuốc đấy thôi. Họ bỏ cả buổi hái thuốc dìu cô gái về nhà. Đến khi cô gái bình phục, họ vẫn không biết cô con nhà ai, ở đâu vì cô bị cấm khẩu chỉ gật hay lắc đầu ra hiệu. Không sao, bệnh gì cũng có thuốc chữa. Trên rừng có đủ loại thuốc cứu người. Một năm sau cô khỏi tất cả các bệnh và bắt đầu nói được, nhưng mỗi khi nói thì miệng méo xẹo mà tiếng lại phào phào. Rất nhiều người tin mế Nhặt là công chúa trên trời, vì thương dân chúng dưới trần gian sống giữa kho thuốc mà vẫn bị nhiều bệnh tật, đã trốn xuống hạ giới. nên không quê hương bản quán, không cha không mẹ, không chồng con. Bởi bất tuân lệnh Giời, nên bị phạt thành tật méo mồm như hiện nay. Nhưng ở hạ giới không thể không thể không có tên. Các mế nuôi cô đã đặt tên là Nhặt. Cô sống và làm thuốc cùng bà mế nuôi cô đến khi mế qua đời. Năm tháng trôi đi, cô thành mế Nhặt. Mế Nhặt có cái chữ nên biết nhiều thứ lắm. Từ cách hái thuốc theo mùa, cách chế biến bảo quản cho khỏi hỏng, cách mang cây những thuốc quý về trồng gần nhà. Mế dạy tất cả mọi người và tập hợp nhiều mế ở nhiều vùng thành một hiệp hội, thuốc ở vùng nọ bổ sung cho thuốc ở vùng kia nên thuốc của hiệp hội mế Nhặt đã có nhiều cơ sở đông y ở dưới Hà Nội đặt hàng. Lần này chắc là mế Nhặt xuống Hà Nội ký hợp đồng.
Đúng là mế Nhặt xuống Hà Nội, nhưng chỉ để tìm đến một địa chỉ mà mế gìn giữ ở trong đầu mấy chục năm nay. Người chủ mới của ngôi nhà cho biết, ông Bình giờ đã là cán bộ cao cấp, ở nhà A2 khu biệt thự H, phố K. nhưng khó gặp lắm.
Chiều hôm ấy, Lam Trinh thấy một bà mế bày một cái mẹt toàn lá cây rừng ngay gần lối vào nhà mình. Cô chưa một lần tiếp cận với người thiểu số, nên tò mò ra làm quen. May ra bà mế cho phép cô ký họa thì thích lắm. Cô khoe với bà là cô đang học năm cuối trường Mỹ thuật Quốc gia. Không ngờ, ý muốn của cô được chấp thuận ngay. Cô mời bà mế vào trong nhà, nhưng bà bảo cứ để cho bà ngồi đây là tốt lắm rồi. Cô mang giá vẽ và nhờ cậu em trai mang ghế, mang nước ra cho bà. Hỏi thăm quê quán, bà chỉ nói ở trên rừng.
Vừa vẽ Lam Trinh vừa cởi mở trò chuyện :
- Bố cháu vẫn hay kể chuyện đã từng sống ở trên rừng. Đấy là những ngày đẹp đẽ nhất của bố cháu. Em trai cháu tên là Minh Quân. Bác biết không, tên nó là tên nơi bố cháu đóng quân hồi mới vào bộ đội. Còn cháu là Lam Trinh.
Mế Nhặt lặng đi, cắn chặt môi như để ngăn một lời định bật ra. Mế cúi xuống nghẹn ngào cố giấu giọt nước mắt. Mế không muốn giọt nước mắt của mế lọt vào bức tranh của người con gái mang tên mình.
                                                                                                                     Đ.K.C ( 0912124025)
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9