hai1957
-
Số bài
:
2063
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 12.04.2011
- Nơi: South VN
|
TẾT TẢN CƯ
-
11.01.2014 10:57:48
TẾT TẢN CƯ Tuổi thơ tôi gắn liền với một xóm nhỏ ở thị xã Nha Trang ngày đó: xóm Máy nước. Có cái tên gọi này có lẽ vì giữa xóm có một hồ nước rộng, vừa dùng để cung cấp nước sinh hoạt cho dân vừa để cho xe cứu hỏa chạy vào bơm nước mỗi khi có hỏa hoạn xảy ra đâu đó. Cạnh xóm Máy nước là xóm Dừa và xóm Vườn ươn. Xóm Dừa có rất nhiều dừa, không biết trồng lúc nào nhưng hồi đó thân cây đã vươn lên cao ngút. Xóm Vườn ươn có nhiều ngôi mả cũ, ở đây toàn là cát, và là nơi người ta làm vườn, ươn các loại giống cây trồng, vậy nên gọi là xóm Vườn ươn? Từ nhà tôi đi ra đầu đường là đến con đường nhựa, rẽ phải đi ngang qua đài phát thanh chút xíu là băng qua đường sắt đến ngay Mả Vòng. Từ đây có thể đi ngược lên Thành hoặc theo các con đường đi vào trung tâm thị xã. Hồi còn nhỏ tôi chả dám đi đâu ngoài việc lòng vòng quanh ba cái xóm nói trên và giới hạn là ngã ba Mả Vòng, thỉnh thoảng theo tụi bạn đi lang thang dọc đường rầy xe lửa, nghịch ngợm chán thì ngồi ngay trên đường rầy “ỉa giấc” rồi về. Nhưng tôi nhớ nhất là quán tạp hóa bà Mẹng ở đầu đường, bởi vì ở đây có rất nhiều thứ mà tôi thèm muốn. Quán bà Mẹng bán đủ thứ đồ, từ bia con cọp cho đến kim chỉ mắm muối. Dĩ nhiên không thể thiếu được mấy hủ bánh kẹo to thù lù nằm ngay cửa ra vào. Mỗi lần má tôi sai đi mua thứ gì là tôi mừng húm, xăng xái te te đi ngay sau khi không quên kèo nài “Chút nữa tiền thối lại cho con năm cắc mua kẹo nhen má?”. Cũng có khi đồ mua chỉ vừa đủ tiền trên tay, tôi hơi buồn chút xíu nhưng cũng vẫn đi, thôi thì nhìn cho đở ghiền vậy! Hồi đó tôi đã học qua mẫu giáo và lớp năm rồi nên không còn “mù chữ” nữa, đã biết đọc chữ và con số trên mấy đồng tiền. Tôi thích nhất là đồng năm cắc bằng nhôm, một mặt có in hình ông tổng thống và mặt kia có hình cây trúc. Bỏ vài đồng năm cắc trong túi quần bước đi nghe rủng rẻng thật vui tai. Tuy nhiên, có hai loại đồng năm cắc, một loại in “50 su” một loại in “50 xu”. Tôi nghĩ thầm trong bụng ông nào in tiền mà cũng sai chính tả vậy ta, “xu” mới là đúng chứ! Tụi bạn tôi thì thích đồng “50 su” hơn. Tụi nó nói đồng này nặng hơn nên chơi “bắn bạc cắc” dễ ăn hơn đồng “50 xu”. Tôi chơi trò gì cũng dở ẹc nên nghe nói thì hay vậy chứ trong lòng vẫn thích “50 xu”, vì không bị sai chính tả… Năm tôi lên lớp nhất được vài tháng thì đến tết Mậu Thân. Lúc này tôi đang bước qua tuổi mười một. Tôi có thằng bạn học tên Dũng, ba nó làm việc tại đài phát thanh và gia đình nó ở luôn tại đó. Tụi tôi quen gọi nó là thằng Dũng đài phát thanh để phân biệt với thằng Dũng ròm. Mỗi sáng đi học, thằng Dũng đạp xe ngang nhà tôi bấm chuông reng reng, tôi từ trong nhà đạp xe ra, hai đứa băng qua chợ Chồm Hổm, đi tắt qua đề pô xe lửa đến đường Phước Hải, theo đường Huỳnh Thúc Kháng đến ven chợ Xóm Mới rồi rẻ vào đường Bạch Đằng. Trường Giuse nghĩa thục nằm ngay đó. Đây là nơi tôi đã học qua hết thời tiểu học. Cũng có khi chúng tôi đi bộ, hai đứa vừa đi vừa nhai kẹo. Có một lần thằng Dũng cho tôi một viên kẹo rất to, màu đỏ. Nó nói: “Mày ăn đi, ngon lắm”. Tôi vừa đi vừa xé bao giấy bạc bên ngoài, và cũng như bất cứ loại kẹo nào, tôi lủm ngay vào miệng. Tự nhiên những bọt nước đâu đó túa ra, tôi hoảng hốt rồi lúng túng nuốt ngay viên kẹo vào bụng. Từ trong bụng tôi có tiếng sôi ùng ục. Tôi sợ quá nói: “Tao nuốt cục kẹo rồi mày ơi, bây giờ nó đang sôi trong bụng tao nè”. Thằng Dũng nói: “Không sao đâu, đây là kẹo sủi bọt, thường thì người ta bỏ nó vô ly nước chờ tan ra rồi uống, tao thì thích ngậm, miệng hơi cay một chút nhưng ngon lắm”. Tôi vừa đi vừa lo lắng. Lát sau không còn nghe tiếng sôi trong bụng nữa. Tôi mừng, nghĩ là mình xém chết! Quay lại tết Mậu Thân. Đêm ba mươi trời tối thui. Chúng tôi lay hoay mấy bộ quần áo mới từ lúc chiều, cứ vào ra băn khoăn thao thức chờ đợi giao thừa. Mười giờ tối, ba và hai anh em tôi đi lễ nhà thờ, má tôi và mấy đứa nhỏ ở nhà chuẩn bị cho bữa ăn khuya. Bình thường tôi vẫn hay đi lễ nhà thờ Núi theo đường tắt qua đề pô xe lửa leo lên các bậc cấp phía sau. Hôm nay là giao thừa, là năm mới nên mấy cha con đi theo đường chính, ra Mả Vòng rồi đi dọc theo đường Gia Long, ngang qua nhà ga xe lửa, thả bộ bên dưới hàng me già đến chính diện bậc cấp dẫn lên phía cửa trước nhà thờ. Và cũng bởi vì hôm nay là “tết” nên tôi chả thấy buồn ngủ chút nào, cứ ngong ngóng cho mau đến giao thừa để đốt pháo… Thánh lễ rồi cũng xong, chúng tôi tản bộ ra về, đó đây đã nghe có tiếng pháo đùng đùng rẹt rẹt, lòng tôi lại nao nức và chân cứ muốn bước cho mau hơn để về nhà. Gần đến Mã Vòng, ngang qua cây xăng Shell chúng tôi nhìn thấy hàng đoàn thanh niên đang chạy xe Honda 67 rú ga ầm ĩ, sau mỗi xe có cột sợi dây kéo theo mấy cái thùng thiếc đựng dầu hiệu con sò cạ trên mặt đường kêu xổn xoảng. Ba tôi nhăn mặt nói: “Cái tụi thanh niên này, quậy phá kiểu khùng điên không chịu được”. Rồi ông nhắc anh em tôi: “Coi nép sát vô lề đi con, rủi tụi nó tung thì có nước chết!”. Chúng tôi nhảy lên lề đường, khéo nép đi qua Mả Vòng về hướng nhà. Mấy chiếc Honda xổn xoảng đi về phía xa xa… Vừa về đến nhà, không đợi ai sai bảo, anh tôi nhanh nhảu lấy ngay phong pháo to ra sân treo lên cột. “Bây giờ con đốt nhen”, vừa nói anh tôi vừa mở hộp quẹt diêm. “Ừ, đốt đi”, ba tôi còn chưa nói xong đã nghe một tràng pháo nổ thật to và giòn giả. Tôi vừa che mặt vừa lúi cúi lượm lại mấy viên pháo xì văng ra ngoài, có cả pháo chưa nổ. Bọn trẻ trong xóm xúm xít lại đứng coi, đứa nào mặt cũng hớn hở, tươi rói. Đã qua giờ giao thừa, tiếng nổ chung quanh vẫn đì đùng không dứt và có vẻ càng lúc càng mạnh thêm. Ba tôi bước ra sân nhìn lên bầu trời đen đầy dẫy những tia đạn lửa màu đỏ xé ngang xé dọc. Ông nói: “Chà, năm nay sao mà mấy ông lính bắn đạn dữ vậy ta?” rồi hối hả kêu tụi tôi vô nhà vì sợ đạn lạc. Tiếng pháo và tiếng súng nổ cứ râm ran mãi cho đến bốn giờ sáng vẫn chưa thấy ngớt. Cả nhà tôi không ai ngủ được. Thỉnh thoảng nghe có tiếng súng lớn. Ba má tôi tỏ ra lo lắng vì linh cảm có điều gì đó không bình thường. Vừa tờ mờ sáng chúng tôi nhìn ra đã thấy từng đoàn người lũ lượt đi ngang qua xóm. Có người la lên: “VC tấn công đài phát thanh rồi bà con ơi!”. Ba tôi hoảng hốt đi ra đi vào. Ông nói với má tôi: “Đúng rồi, hèn gì hồi khuya mấy cha con đi lễ về thấy tụi thanh niên kéo mấy cái thùng thiếc. Cứ tưởng tụi nào nghịch phá chớ đâu dè là “mấy ổng” kéo đạn vô để chuẩn bị đánh đài phát thanh”. Má tôi thở dài nhìn chung quanh rồi hỏi to: “Thằng Nam đâu rồi?”. Bà quay qua phía tôi hỏi: “Có thấy anh con đâu không?” “Con không biết, chắc ảnh chạy đi coi người ta đánh nhau chỗ đài phát thanh rồi” “Trời ơi!”, má tôi than thở. Ngoài đường vẫn lác đác đoàn người khăn gói đi qua. Ba tôi mặc bộ đồ civil dắt chiếc xe Gobel ra sân. Ông nói với má tôi: “Tôi phải tìm cách chạy về đơn vị rồi tính”. Ông lại dắt chiếc xe vào trong nhà: “Tình hình này chạy xe gắn máy chắc không an toàn, để tôi đi bộ ra phố rồi theo xe nhà binh về trường cho chắc ăn”. Trường mà ba tôi nói ở đây là Trường hạ sĩ quan Đồng Đế, nơi ông làm việc từ những ngày đầu thành lập. Má tôi nói: “Ờ, ông tìm cách đi trước đi. Mấy mẹ con tôi chờ chút nữa rồi liệu cũng chạy theo người ta”. Có tiếng kêu ngoài đường: “Ới anh hai chị hai ơi!”. Má tôi nhìn ra đường: “À, chú hai Sáng nè”. Tôi bon bon chạy ra. Chú hai Sáng đang đẩy chiếc xích lô, phía trên là thằng Cảnh, con Hoa và con Sen cùng đống mùng mền chiếu gối lổn ngổn. Thím hai đi bộ theo sau. Chú nói với ba má tôi: “Tui đi tản cư đây. Có muốn đi thì chuẩn bị đồ đạc sẵn nhen. Chút nữa tui quay lại chở đồ dùm cho”. Má tôi mừng rỡ: “Ồ đi, đi chớ! Chút nữa chú nhớ quay lại đón dùm tụi nhỏ nhà tui với nhen!”. Ba tôi nói nhỏ với má: “Để tôi đi theo ông Sáng, luôn thể biết chỗ tản cư ở đâu, chừng yên ổn tôi về tìm”. Má tôi hối: “Ờ, ông đi lẹ đi!”. Chiếc xích lô của chú hai Sáng và ba tôi tiếp tục đi theo dòng người về hướng chợ Chồm Hổm. Khoảng ba mươi phút sau anh tôi từ trên dốc quán bà Mẹng hướng đài phát thanh chạy về, mặt mày tái mét. Má tôi mắng: “Người ta đánh nhau mà chạy đi coi chi vậy? Lở đạn bắn trúng làm sao?” “Đâu có sao, người ta đi coi đông lắm. Tụi con chỉ đứng xa dòm thôi” “Rồi có thấy gì không?” “Có chớ, lính trong đài phát thanh bắn ra, mấy “ông VC” ngoài bờ ruộng bắn vô, hai bên bắn nhau chéo chéo” “Xạo mày, đạn bắn thì có thấy gì đâu mà chéo chéo” “Có mà, mới nảy đạn bay trúng một người đi coi ngã xuống cái đụi, tụi con sợ quá lật đật chạy về nè”. Tôi nhìn anh tôi với vẻ khâm phục: “Anh có thấy thằng Dũng đài phát thanh không?” “Không, chỗ đó bắn nhau quá trời, thằng bạn mày chắc tiêu đời rồi”. Tôi cảm thấy hơi lo, không biết thằng Dũng và ba má nó có chạy trốn chỗ nào đó được không. Lát sau tôi lại nghĩ đến quán bà Mẹng. Tôi hỏi: “Anh thấy quán bà Mẹng có bị sao không?” Anh tôi lắc đầu: “Không sao, quán bả đóng cửa kín mít”. Tự nhiên trong đầu tôi hiện ra hình ảnh quán bà Mẹng với mấy hủ bánh kẹo bị đạn bắn bể tan tành, những cục kẹo xanh đỏ văng ra tứ tung ngoài đường và tôi đang đứng đó tự hỏi: “Chà, không biết mình lượm mấy cái bánh cục kẹo này thì có mang tội không ta?” Chừng tiếng đồng hồ sau chú hai Sáng đạp xe xích lô trở về. Đẩy xe vào trong sân chú nói gấp gáp: “Lẹ, lẹ đi, chất đồ đạc và mấy đứa nhỏ lên xe, chị hai và hai thằng lớn đi theo sau tui, nhớ đừng để trụt lại phía sau nhen”. Chú hai leo lên yên xe. Anh tôi nhanh nhẹn vọt lên phía trước đầu xe dẫn đường. Má tôi một tay vịn chiếc yên xe, một tay nắm tay tôi, vừa đi bà vừa hỏi: “Mình tản cư đâu vậy chú hai?” “Trường Âu Cơ” “Có đông người ở đó không?” “Đông lắm, trong phòng hết chỗ rồi, nhưng tui có dành được cái hành lang, mình ở đó cũng rộng rãi lắm”. Chiếc xích lô chậm rãi đi qua chợ Chồm Hổm vào đề pô xe lửa đi ra đường Phước Hải. Trường Âu Cơ nằm ở cuối con đường này, nếu tính ra cũng không xa xóm tôi ở nhiều lắm. Nhưng dù sao cũng là tránh xa chỗ đang xảy ra đánh nhau. Trường tiểu học Âu Cơ đầy những người là người. Ai đến sớm thì ở trong phòng học, ghép bàn ghế lại với nhau làm chỗ nằm, đến sau như gia đình chú hai Sáng và nhà tôi thì ở ngoài hành lang, trải chiếu xuống sàn xi măng nằm ngủ, người đến sau nữa hết chỗ phải “cắm trại” ngoài sân trường, lều bạt giăng lên xanh đỏ tím vàng nhìn cũng vui mắt, giống y chang những lần nhà trường tổ chức cắm trại cuối năm. Rải rác đó đây là các bếp lò: bếp củi, bếp than, bếp dầu… những cụm khói trắng khói lam bay lên trong mùi thơm bánh tét dưa hành. Đối với bọn trẻ con như tôi thì tuy có chút sợ hãi nhưng cũng thấy háo hức niềm vui như được dự một cuộc… picnic đại qui mô. Má tôi và thím hai Sáng loay hoay nhóm lửa, bà luôn miệng dặn tôi: “Con nhớ coi chừng em nhen, coi dùm luôn mấy đứa nhà chú hai nữa đó. Không được đi đâu xa kẻo bị lạc không biết đường mà về chỗ của mình. Còn thằng Nam nữa, lại chạy đi đâu rồi?”. Anh tôi biến đi đâu đó một chút rồi lại quay về. Nghe má tôi la anh nói: “Má đừng lo cho con, cả cái Nha Trang này có chỗ nào mà con không biết đâu, làm sao đi lạc được”. “Ai nói chuyện lạc, là nói chuyện bom đạn đầy đường đó chớ”. Anh tôi cười hì hì: “Ngoài đường lính và cảnh sát đứng gác tùm lum, không sao đâu má ơi”… Chúng tôi được cho ăn uống rồi tha thẩn đi chơi lòng vòng trong khuôn viên trường học suốt cả ngày cho đến tối. Lúc này lính và cảnh sát xuất hiện khá đông bên ngoài phố. Họ chặn xét giấy tờ của bất cứ người nào đi ngang qua đường. Buổi tối chúng tôi chen chúc nằm sắp lớp bên cạnh nhau như cá hộp. Nhìn chỗ nào cũng thấy bóng người lớn túm tụm bên nhau trò chuyện, họ hỏi han về tình hình và diễn biến của cuộc tấn công, tôi chỉ nghe loáng thoáng đâu như VC chết rất nhiều, quân đội đang chống trả mạnh lắm. Sáng mồng ba tôi thức dậy sớm nghe anh tôi đang nói với má: “Chút nữa con theo mấy đứa chạy về nhà mình lấy thêm đồ ăn và gạo nhen má?”. Má tôi gằn giọng nói: “Má cấm con nghe chưa! Không đi theo đứa nào hết. Đồ ăn nhà mình vẫn còn đây” “Trời, có sao đâu má, chiều hôm qua mấy thằng bạn con về nhà tỉnh queo hà. Quân mình “ăn” lại rồi”. “Không được, má nói cấm là cấm”. Gần trưa, có mấy chiếc xe nhà binh chạy vô sân trường phân phát lương thực. Dĩ nhiên lúc này trong khuôn viên trường học cũng đã có “ban quản lý lâm thời” để điều hành công việc. Ba tôi từ đâu đó xuất hiện với bao gạo nhỏ trên tay: “Chà, tìm nảy giờ mới gặp nè. Cả nhà yên ổn chớ?”. “Cũng yên” Má tôi trả lời. Nhìn bộ đồ lính chật bó ba tôi đang mặc má tôi cười nói: “Chớ mặc đồ của ai mà chật ém vậy?”. Ba tôi cũng cười: “Thì đó, đồ đạc bỏ ở nhà hết trơn. Qua đó phải mượn đồ của mấy đứa khóa sinh mặc tạm nè”. Mấy đứa em tôi xúm lại níu lấy ba tôi. Tụi nó rờ rẩm trên bộ đồ lính không có bảng tên hay lon lá gì, chỉ có mỗi cái phù hiệu bên vai in hình thanh gươm và mấy tia mặt trời mọc đỏ chói… Nấn ná “tản cư” thêm hai ba ngày nữa rồi lần lượt mọi người quay trở lại nhà. Tôi trở về với xóm Máy nước. Mọi thứ vẫn như cũ, nhìn bên ngoài như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nhà tôi bị một trái đạn nổ ngay phía trên toa lét, khoét một lổ tròn to như cái rổ trên trần bê tông, vụn xi măng rụng lả tả bên dưới. Nhà con Bẹp sát cạnh nhà tôi bị trái đạn ngay phòng khách, cả cái bàn thờ ông bà bị bể tan tành. May nhà nó cũng đi tản cư kịp lúc nên không ai bị gì. Nhân lúc không ai để ý tôi vọt lẹ ra đường chạy đến đài phát thanh. Ngang quán bà Mẹng nhìn vào thấy cửa còn đóng im ỉm. Trước cửa đài phát thanh giờ có thêm mấy hàng rào kẻm gại, bên trong có đông lính gác đi qua đi lại. Tôi lượn qua lượn lại mấy vòng thì thấy thằng Dũng từ bên trong khu nhà ở ló đầu nhìn ra. Xa quá, nói cũng chẳng nghe được. Tôi giơ tay vẫy vẫy. Thằng Dũng cũng giơ tay vẫy vẫy. Tôi vọt lẹ về nhà… Sau tết Mậu Thân hai tháng nhà tôi dọn đi, trả căn nhà thuê ở xóm Máy nước lại cho chủ. Tôi đi cũng khá gấp gáp, không kịp chào hai đứa bạn hàng xóm đồng trang lứa là con Bẹp và thằng Tuyến “bù pha”. Thằng Dũng thì tôi vẫn còn gặp ở trường học. Ba tôi mua hẳn một căn nhà tôn ở lưng chừng núi Sạn đối diện đường ra Hòn Chồng. Từ đường lộ phải đi lên con dốc thoai thoải, băng qua một nghĩa trang mới tới khu nhà ở. Có một vài ngôi nhà đầy mồ mả chung quanh. Ba tôi nói: “Kệ, về ở đây gần đơn vị cho chắc ăn, lỡ có chuyện gì chạy vô “đồn” cũng lẹ”. Khổ cái căn nhà này vừa mái tôn vừa vách cũng bằng tôn nên khá nóng. Má tôi phải mua giấy các tông về đóng phía bên trong cho giảm nhiệt. Những tấm bìa này hình như nguyên trước đây là thùng giấy đựng đồ hộp của Mỹ, trên có in chữ C màu đen to tướng. Mấy má con tôi cứ quen gọi là “thùng C”… Vậy mà gia đình tôi cũng đã gắn bó với nơi đây suốt bảy năm trời, cho đến khi chính thể Cộng hòa của miền Nam không còn nữa. Lê Phú Hải
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.01.2014 15:04:09 bởi hai1957 >
|