BÓNG ĐỔ CHIỀU TRÔI
BÓNG ĐỔ CHIỀU TRÔI Mùa hè năm 2011 anh tôi gả chồng cho con gái. Vì nó là đứa con gái duy nhất của gia đình nên anh tôi muốn sự có mặt đầy đủ của hai bên họ hàng nội ngoại. Cẩn thận hơn anh tôi chọn ngày cưới rơi vào thứ bảy và chủ nhật, lại là ngày 30 tháng tư, sẽ không ai có cớ bận việc để chối từ. Nói đến ngày 30 tháng tư thì chắc ai cũng biết, ở VN đây là ngày lễ kỷ niệm, mọi người đều được nghỉ làm việc trong ngày này. Nếu ngày lễ trúng vào thứ bảy hay chủ nhật thì sẽ được nghỉ bù vào ngày trước hoặc sau đó. Chị dâu tôi quê ở Sài Gòn nên phần lớn anh chị em sinh sống nơi đây. Họ bàn nhau hùn tiền thuê nguyên chiếc xe ca để về quê dự đám cưới. Đoạn đường từ Sài Gòn về Nha Trang khá xa, xe đi nhanh cũng phải mất gần mười tiếng đồng hồ, mọi người bàn nhau nên đi buổi tối để tiết kiệm thời gian. Mấy năm nay tôi sinh sống ở Sài Gòn nên cũng đóng tiền tham gia cùng đi cho tiện. Mọi người đi cả gia đình, riêng tôi chỉ đi mình ên… Nói anh tôi ở Nha Trang là nói cho dễ hình dung hoặc cho “oai” chứ thật ra gia đình anh tôi ở tại xã Diên Xuân thuộc huyện Diên Khánh, cách thành phố Nha Trang gần ba mươi cây số về hướng tây, cách ngả ba Thành gần hai mươi cây số. Tên thường gọi nơi đây là Đất Sét, nguyên trước kia là vùng “kinh tế mới” mà năm 1976, sau khi “cải tạo” về anh tôi và vợ con bị cưỡng bức lên đây lập nghiệp. Dĩ nhiên ngày đó cảnh vật còn hoang vu nhưng giờ đây đã đông vui lắm rồi. Sinh hoạt bán buôn, quán xá cũng nhộn nhịp không khác gì một thị trấn nhỏ… Sau đám cưới mọi người bàn nhau trên đường về sẽ ghé lại biển Nha Trang chơi trong khi chờ chiều tối đi về lại Sài Gòn cho mát mẽ. Tôi chẳng có ý kiến vì Nha Trang đối với tôi có xa lạ gì đâu. Tôi sinh ra, lớn lên và ăn học tại đây cho đến khi mười tám tuổi kia mà… Chiếc xe ca dừng lại chợ Đầm cho mọi người đi chợ trước khi chạy ra hướng biển. Biển cũng như xưa, đường cũng như xưa, chỉ khác là có thêm khá nhiều tòa nhà bê tông cốt thép và hè đường toàn lát gạch xi măng. Nhìn phía biển thấy lác đác mấy cây dừa, và hàng dương ngày xưa bây giờ già ngơ già ngắc, thân xù xì vặn vẹo như ông già hết gân. Chỉ có biển và mấy hòn đảo phía xa xa là hoàn toàn không thay đổi, lặng lẽ và trung thành… Xe chở chúng tôi ngừng ngay bờ biển cạnh đường Nguyễn Tri Phương. Mọi người vội vả chui vào mấy gốc dương tránh nắng và lần lượt bày biện thức ăn, đồ uống. Lũ trẻ con lâu ngày được nhìn thấy biển vui mừng chạy nhảy reo hò inh ỏi. Mà không chỉ chúng tôi, chung quanh còn có khá đông du khách. Nhìn để đoán thì thấy có kẻ ở thôn quê ra, người tỉnh xa mới đến. Ai cũng vui vẻ và hài lòng, vì lúc này đang là dịp cuối tuần và nghỉ lễ. Đã ba giờ chiều mà trời vẫn còn rất nắng. Mặt trời ở đằng tây chiếu xiên qua các tòa nhà đổ bóng xuống đường Duy Tân dọc bờ biển. Từng nhóm người dưới mỗi gốc cây vẫn còn túm tụm nhau ăn uống chuyện trò rôm rả, giấy báo và bịch ny lông bay khắp chung quanh. Có cả những lon bia rỗng không nằm lăn lốc. Loáng thoáng thấy có bóng áo xanh của mấy người đàn bà lao công đang quét dọn. Tôi đưa mắt nhìn ra phía biển, nắng nhuộm vàng cả bãi cát kéo dài. Tự nhiên tôi để ý đến mấy ki ốt lợp tranh lá mọc lên chênh chếch chỗ tôi ngồi. Có cả những chiếc giường gỗ be bé, trên có mấy người đang nằm đọc sách. Ua, cảnh này thấy quen quen, giống như ở mấy cái resort trong Mũi Né mà tôi có qua lại mấy lần. Có cả mấy ông Tây bà Đầm đang ngồi phơi nắng. Thỉnh thoảng lại thấy có anh bồi đeo cà vạt cẩn thận dắt vài ba người khách ngoại quốc ở trần băng qua đường Duy Tân từ một tòa nhà lớn phía đối diện. Họ đang đến với khu vực “resort” mà tôi quan sát nảy giờ. Chuyển cái tò mò sang tòa cao ốc, tôi ngước nhìn lên cao. Hàng chữ hotel Sheraton thật to phía trên tòa nhà hiện ra mà khi mới đến tôi chưa kịp nhìn thấy hết. Cái tên cũng quen quen, có lẽ cái hotel này cũng có “bà con” gì đó với khách sạn Sheraton ở Sài Gòn thì phải? Toàn bộ khu vực tòa nhà nằm ngay góc đường Duy Tân và Nguyễn Tri Phương. Nhớ rồi! Khu vực này sau biến cố bảy lăm là cửa hàng ăn uống, còn trước đó hình như là một cơ quan gì đó của người Mỹ tôi không nhớ rõ. Nhưng có hề chi, dù là gì đi nữa miễn là nó phục vụ cho con người là tốt rồi. Điều ngạc nhiên thú vị ở đây là vấn đề “sở hữu”. Không biết có luật lệ nào qui định hay không nhưng có vẻ như hotel Sheraton sở hữu luôn cả khu vực bãi biển phía trước nó. Tuy không có một sợi dây nào giăng ra nhưng nhìn vào ai cũng thấy bờ biển ngay trước mặt tòa nhà là thuộc quyền riêng tư, không lấn thêm hay hẹp hơn dù chỉ một mét. Chỉ khác ở chỗ các khu resort Mũi Né nằm sát trên bờ cát, việc dành riêng bãi tắm tiếp nối ngay đó không làm mình ngạc nhiên hay thắc mắc, còn ở đây tòa nhà nằm bên kia đường Duy Tân hai chiều xe chạy, tưởng như không có mối liên quan nào tới bãi biển. Bởi vậy nên khi mới nhìn thấy tôi đã ngỡ ngàng tưởng như có cái resort be bé nào đó của Mũi Né rơi ngay xuống bãi biển Nha Trang này. Kể ra thì cũng hay hay, cũng sang trọng, nhưng nhìn tổng thể thấy giống cái mụt cóc trên mu bàn tay thật chướng. Nhưng mà thôi! Đó là chuyện của thiên hạ. Nha Trang trong ký ức tôi vẫn là Nha Trang của tuổi học trò hồn nhiên thơ mộng. Tôi dự định đi bộ lòng vòng qua vài con đường quanh đó xem đổi khác có nhiều không. Cũng ngay góc đường Nguyễn Tri Phương và Duy Tân này là trường Lasan Bá Ninh. Tôi có học tại đây hai năm lớp tám và lớp chín. Trường có nhiều đổi khác. Các dãy lầu cũ phía bờ biển vẫn còn đó nhưng đã mọc thêm nhiều tòa nhà mới bên trong, khoảng sân trông như có vẻ bị thu hẹp lại. Khu vực phía tây thay đổi nhiều hơn, cổng trường cũng đổi khác và có thêm nhiều cổng phụ. Bây giờ nơi đây là trường cao đẳng của tỉnh nên có lẽ họ cần xây dựng thêm tối đa để khai thác. Chỉ tội cho cái sân trường. Nếu tôi nhớ không lầm thì ngày xưa cả Nha Trang chỉ có hai trường Lasan Bá Ninh và Khải Minh (trường Tàu) là có sân bóng rổ… Từ trường Lasan Bá Ninh đi thẳng theo Nguyễn Tri Phương đến cuối đường rẻ trái là trường nữ trung học Huyền Trân, rẻ phải đến đường Bá Đa Lộc, nơi có trường nam Võ Tánh. Kế bên trường nữ trung học, qua bên kia đường Lê Thánh Tôn có trường trung học bán công Lê Quí Đôn, nằm trên đường Tô Hiến Thành. Tôi đã theo học ở đây hai năm lớp mười và mười một cho đến khi giải tán năm bảy lăm. Vì là địa điểm có nhiều trường trung học nên mỗi buổi tan trường ở khu vực này rất vui. Học sinh từ các con đường túa ra như hàng đàn bươm bướm trắng mỗi độ vào mùa. Tôi và mấy thằng bạn đã từng đứng đó tập tễnh làm thơ. Và chắc chắn rằng đã có không ít người sẽ trở thành thi sĩ nhờ những buổi tan trường này. (Đó là chưa kể trường Hưng Đạo, Thánh Tâm và Vinh Sơn ở ngả Sáu, trường Hàn Thuyên và College của người Pháp ở gần đó). Tôi đứng ở ngả tư bâng khuâng tự hỏi không biết những người của ngày xưa nơi đây nay có còn ai không ta? Tự nhiên tôi thèm được nói chuyện với một ai đó, khơi gợi lại chút ký ức thuở học trò xa xưa. Một ai đó chỉ cần đã từng có mặt trong đám đông ngày ấy thôi cũng được, không cần phải là người quen biết… Bên kia đường có một quán cóc, người bán là một phụ nữ trạc thế hệ tôi, to con và có khuôn mặt dễ cảm tình. Thật ra đó không phải là cái quán, chỉ là cái bàn nhỏ, trên để mấy chai nước ngọt và tủ thuốc lá, nằm sát bên trạm xe buýt. Cạnh đó là cái bàn nhựa và bốn cái ghế nhỏ dành cho khách. - Uống gì anh hai? Tôi đưa mắt nhìn vào mấy chai nước ngọt bày sẵn trên bàn. Nắng rọi trên mấy nhãn hiệu màu xanh màu đỏ của chai nước làm tôi thấy ngại ngùng. Tôi nói: - Sao để nước ngoài nắng vậy hả chị, hư hết còn gì? - Dạ để mấy chai làm mẫu thôi anh hai. Nước bán em để trong két phía trong đây nè. Anh uống gì không để em lấy? Tôi nghĩ ngợi chút xíu rồi chọn mua chai nước lọc. Người phụ nữ đặt chai nước và ly đá lạnh lên bàn nói bâng quơ: - Trời sắp chiều rồi mà cũng còn nắng ghê. Ra đường khát nước lắm đây. À, anh hai đi theo đoàn tham quan hả? - Tham quan gì đâu – Tôi cười – theo xe đi ăn đám cưới về ghé biển chơi chút rồi vô lại Sài Gòn. Mùa này chắc khách du lịch đông lắm hả chị? - Dạ, cũng đông. - Sao bán buôn gì có mấy cái ghế vậy, lỡ khách vô nhiều chỗ đâu ngồi? - Bán lề đường mà anh hai. Phải gọn gàng để mỗi khi trật tự đô thị tới thì mình chạy cho nhanh chớ. Người ta đâu có cho buôn bán trên vĩa hè này, sợ mất thẩm mỹ. Tôi tỏ vẻ thông cảm: - Chà, cũng cực dữ ha. - Quen rồi anh ơi! - Nhà chị có ở gần đây không? – Tôi hỏi. - Dạ em ở trên Phương Sài, gần chợ Phường Cũi. - Từ Phương Sài xuống đây bán cũng hơi xa à? - Dạ, bán lâu nên cũng quen anh ạ. Ờ, mà anh hai người Sài Gòn hay ở đâu vậy? - Sài Gòn gì, trước đây tôi cũng ở Nha Trang đó chớ. Người phụ nữ góp chuyện: - Anh hai biết không, nói chắc không ai tin chớ từ nhỏ tới giờ em chưa vô tới Sài Gòn bao giờ cả. Tôi ngạc nhiên: - Ủa, sao lạ vậy? Cũng đâu có xa xôi gì. - Thì bởi vậy mới nói. Thiệt ra em cũng có một vài người bà con xa ở trong đó, và cũng có mấy lần em cũng tính vô Sài Gòn một chuyến cho biết, nhứt là ghé mấy cái chợ lớn coi người ta buôn bán ra sao. Nhưng lưỡng cước rồi cũng không đi. Mà nghe nói trong đó người Sài Gòn hồi xưa không còn nữa, người ta đi hết trơn rồi. - Ủa, người ta đi đâu? - Thì đi di tản qua ngoại quốc chớ đâu. Bây giờ toàn là người mới tới không hà. Tự nhiên tôi có cảm giác hơi giật mình. Người phụ nữ này có cái suy nghĩ thật lạ, mà nghĩ cho đến cùng cũng không sai. Ví như tôi đây cũng chỉ mới lưu lạc sinh kế trong đó chưa tới mười năm, chưa đủ sức dựng cho mình một mái che trú mưa trú nắng. Và những người tôi gặp trong bước đường bươn bả mỗi ngày cũng vậy, chẳng phải họ từ miền bắc, miền trung, hay miền tây về đó hay sao? Kể cả những căn nhà phố, nhà trệt, nhà lầu, chung cư hay biệt thự chẳng hạn, chắc gì chủ nhà là những người Sài Gòn trước kia còn lại? Chắc là không còn. Công việc của tôi đi lại tiếp xúc khá nhiều và cũng chưa hề gặp người nào. Tôi chỉ tay qua bên phía trường cao đẳng: - Trước đây tôi có học trường này hai năm. Hồi đó là trường Lasan Bá Ninh. Còn chị trước có học trường nào gần đây không? - Dạ không, em học ở Phương Sài. - Ủa, Phương Sài có trường nào vậy ta? - Là em nói trường tiểu học đó. Em đang học lớp sáu là “giải phóng”, sau đó có đi học thêm hai năm nữa nhưng nhà cực quá nên nghỉ luôn. Tôi cảm thấy hơi chưng hửng. Cứ tưởng người phụ nữ này nếu không phải đồng trang lứa với tôi thì chí ít chỉ nhỏ hơn hai ba lớp là cùng. Ai dè! Tôi lén nhìn kỹ lại khuôn mặt của chị ta. Kể ra thì cũng chưa đến nỗi “già” như tôi nhưng có lẽ do vất vả và chả sửa soạn gì nên mới nhìn tưởng đã lớn tuổi. Có lẽ hiểu lầm vẻ mặt đang ngớ ra của tôi, cô ta nói tiếp, như là muốn phân bua. - Hồi đó đáng lẽ em cũng còn tiếp tục đi học nữa nhưng vì ba em chết năm bảy lăm nên gia đình cũng sa sút nhiều, đành phải nghỉ học để đi làm. - Vậy năm bảy lăm gia đình chị có đi di tản hay chạy loạn gì không mà bác trai bị chết vậy? - Dạ không. Ba em chết trận. Tôi thoáng chút ngạc nhiên. Còn nhớ rất rõ ngày 10 tháng 3 thất thủ Ban Mê Thuộc, ba tôi bị mất liên lạc trong những ngày này. Sau đó đoàn người di tản đi theo tỉnh lộ 7 về Tuy Hòa. Ngày 1 tháng 4 mất Tuy Hòa, 2 tháng 4 mất Nha Trang. Tôi nói: - Ngày 2 tháng 4 là “giải phóng” Nha Trang rồi. Vậy ba chị chết trận lúc nào. - Dạ, đâu là sau tết. Em nhớ tết đó ba còn về ăn tết mà. Ba chết ở Qui Nhơn. Ba là lính của “sư đoàn bốn lăm”. Tôi im lặng nghĩ thầm, năm bảy lăm người đàn bà này chừng mười hai tuổi, đâu có hiểu gì về chiến tranh, tội nghiệp! Có lẽ ba cô ta là lính của sư đoàn 22. Tôi tò mò: - Hồi đó chị cũng còn nhỏ mà. Có còn nhớ gì về ba không? - Sao lại không nhớ, hồi đó em cũng lớn rồi mà anh hai – Cô ta bỗng trở nên sôi nổi – Anh hai biết không, hồi trẻ ba em rất đẹp trai, ổng làm nghề sửa đồng hồ ở chợ Phương Sài ai cũng biết tiếng. Má em thương ổng nên dù cho phía ngoại không bằng lòng bả vẫn cứ đòi lấy ổng cho được. Cho tới sau này ba tới tuổi đi lính. Không thể sống xa được vợ con nên ổng trốn. Ổng dời tiệm đồng hồ ngoài chợ về nhà làm, khi nào có cảnh sát xét nhà thì ổng lánh mặt. Miết sau này ông trưởng ấp tới nói trốn hoài đâu có được, sớm muộn gì cũng bị bắt nên ba em mới đi đăng lính. Ổng nói đăng lính ở Qui Nhơn cũng không xa, có thể chạy về thăm vợ thăm con được. Cũng bình yên được mấy năm ai dè qua năm bảy lăm thì ổng chết. Tội ghê. Ráng thêm mấy tháng nữa là qua được rồi. Tôi nói theo kiểu xuôi xị: - Thì cũng là cái số thôi chị à, cái số phải chết trận. - Thì đó! Ba bị đạn bắn chết khi hai bên đang đánh nhau. - Rồi có đưa xác về được không? - Có chớ. Má ra Qui Nhơn nhận xác ba. Xe nhà binh chở về trong này. Nghe má kể lại trên xe không phải chỉ có ba, còn có nhiều xác người lính khác nữa. Mà trên đường về cũng rất nguy hiểm, bị chặn đánh và pháo kích dữ lắm, nghe đâu là chỗ cái đèo gì ngoài đó em cũng chẳng nhớ nữa. Cực lắm mới đưa được về tới Nha Trang. Tôi hình dung có lẽ người lính này chết trong những ngày tháng ba năm bảy lăm, ở một trong những trận đánh cuối cùng nào đó của quân đội miền Nam, vì sau đó không lâu thì cả miền trung bị thất thủ. Cô ta kể tiếp: - Đám tang của ba cũng trọng thể lắm anh hai ạ. Hòm của ba có phủ cờ và có lính khiêng đàng hoàng. Có súng bắn tiễn đưa nữa đó. Bây giờ nhắc lại thấy thương ba quá chừng. Người phụ nữ nói xong ngồi rơm rớm nước mắt. Tôi biết cô ta không khoác lác. Lúc đó cô ta chỉ là đứa bé con còn bây giờ thì đâu có lý do gì để nói khoác. Cô ta chỉ đang nhớ ba mình và kể lại những hồi ức chập chờn còn mất. Nhà tôi ở sát bên nghĩa trang núi Sạn nên tôi đã từng nhiều lần chứng kiến người ta chôn cất những người lính chết trận. Có người chôn trong hòm kẽm, có người chôn bằng hòm gỗ, luôn có một lá cờ vàng sọc đỏ phủ lên trên. Tôi còn biết những người nằm trong hòm kẽm là xác đã chết lâu ngày và chuyển từ mặt trận ở xa về. Thường trước khi lấp đất người ta phải dùng xà beng đâm thủng một lổ trên nắp hòm, để thông hơi cho xác chết mau tiêu. Những lúc ấy mùi hôi thối bốc lên thật là kinh khủng. Ba của người phụ nữ này chết trong những ngày tháng cuối cùng của một chế độ, còn kịp đón nhận loạt súng tiễn đưa, xét ra cho cùng vẫn còn may mắn hơn hàng vạn người chết vất vưởng bụi bờ sau đó… Một cái đám cưới, một ngày 30 tháng tư, một chuyến đi và một chút hồi ức về thời học sinh tự nhiên lại dẫn tôi quay về với nỗi ngậm ngùi của những mất mát qua câu chuyện riêng tư của người phụ nữ bán nước ven đường. Tôi trả tiền nước rồi quay về theo hướng biển. Trời đã chiều, ánh nắng chiếu cái bóng tôi dài ngoằng đang bước đi trên hè đường. Cái bóng có vẻ buồn và cô độc. Lê Phú Hải
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.01.2014 14:48:14 bởi hai1957 >
Truyện đã mang vào thư viện
Xin cảm ơn tác giả đa' góp sức cho thư viện
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: