Honoré de Balzac và Tác phẩm Lão Goriot
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm 1.1. Tác giả Honoré de Balzac (1799–1850) là nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ XIX, bậc thầy của tiểu thuyết hiện thực.
Ông sinh ra ở Tour, sau đó chuyển lên Paris sinh sống.
Ông học xong đại học Luật, vì mê văn nên đã đi theo con đường viết văn.
Từ năm 1826 đến 1828, ông kinh doanh bản thảo, nhưng sau đó thất bại và nợ nần chồng chất nên chuyển hẳn sang viết văn.
Sự nghiệp văn học: Năm 1829, ông viết tiểu thuyết
Những người Chouans (Les Chonuans)
Năm 1831, ông tiếp tục viết
Miếng da lừa (La Peau de chagrin)
Năm 1833, hàng loạt các sáng tác của ông ra đời
Những thầy thuốc nông thôn (Le Médecin de campagne),
Đi tìm tuyệt đối(La Recherche de l'absolu),
Eugénie Grandet Năm 1834, ông viết
Lão Goriot (Le Père Goriot)
Từ năm 1841-1850, Balzac đã bắt đầu công việc tập hợp lại các tác phẩm theo chủ đề và thống kê sắp đặt lại trong một hệ thống có tên chung là
Tấn trò đời(La Comédie humaine).
1.2. Tác phẩm Lão Goriot Đây là một tác phẩm thuộc phần
Những cảnh đời riêng(Scènes de la vie privée) của bộ tiểu thuyết đồ sộ
Tấn trò đời(La Comédie humaine).
Tóm tắt tác phẩm: Câu chuyện bắt đầu ở một nhà trọ bình dân, với bà chủ Vauquer và 7 người khách trọ. Trong đó, gây tò mò nhất là lão Goriot vì ban đầu người ta tưởng lão có nhiều tiền và nhìn lão cũng sang trọng. Nhưng sau đó lão sa sút dần, cùng lúc đó xuất hiện bên cạnh lão những quý cô xinh đẹp, danh giá. Và người ta tưởng rằng đó là tình nhân của lão. Nhưng anh chàng sinh viên Luật Rastignac ở gần phòng lão mới là người phát hiện ra đó là hai cô con gái của lão Goriot tên là Anastasie và Delphine. Để bước chân vào xã hội thượng lưu, Rastignas đã nhờ cô em họ dẫn đường để tiếp cận với Delphine. Rastignas đem chuyện kể cho lão Goriot, lão rất cảm động và muốn giúp đỡ cho 2 người hạnh phúc. Mặt khác, ở nhà trọ bình dân, còn xuất hiện thêm tên tù vượt ngục đó là Vautrin. Lão ta rất xảo quyệt, lão đã chỉ đường cho Rastignac giàu sang bằng nhưng âm mưu độc ác. Lão Goriot rất chiều chuộng hai cô con gái, từ một người làm mì, lão đã tranh thủ cơ hội giàu có lên, và gả 2 cô con gái đến chỗ giàu sang danh giá, đưa hết tiền cho chúng sau đó bản thân mình thì đến nhà trọ bình dân. Hai cô con gái liên tục bòn rút, kể lể, than vãn với lão, trong một lần lão xúc động và sinh ốm nặng. Trong lúc đó chỉ có Rastignac và Bianchon chăm sóc cho lão. Ngay đến cuối đời, hai cô con gái của lão cũng không hề đến thăm, lão đã chết trong sự tủi hờn. Lễ tang của lão được tổ chức một cách sơ sài nhờ vào số tiền ít ỏi của Rastignac. Hôm đưa tang, người ta thấy có hai chiếc xe mang gia huy của hai dòng họ Restaud và Nucingen nhưng trên xe trống rỗng. Tác phẩm khép lại bằng cảnh Rastignac nhìn xuống phố phường Paris và thốt lên một câu đầy thách thức: "Bây giờ chỉ còn ta với mi" với dự định đến ăn tối ở nhà Nucingen
2. Lão Goriot- tiểu thuyết hiện thực phê phán Tiểu thuyết hiện thực phê phán ra đời cùng với chủ nghĩa hiện thực phê phán xuất hiện ở Châu Âu thế kỷ XIX với các tác giả tiêu biểu Balzac, Zola,Stendhal, Flaubert, Ch. Dickens, W. Thackerlay.
So với những tiểu thuyết trước đó, tiểu thuyết hiện thực phê phán đã tiến gần đến những giá trị chuẩn mực của tiểu thuyết hiện đại. Nó bắt đầu đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm của nhân vật để bộc lộ tư tưởng của tác giả. Và bằng những thủ pháp nghệ thuật mới, tiểu thuyết hiện thực phê phán đã đánh dấu bước phát triển của thể loại tiểu thuyết ở Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.
Tiểu thuyết
Lão Goriot ra đời sau cách mạng tư sản Pháp năm 1789, khi mà sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản đã khiến đồng tiền ngự trị và biến đổi sâu sắc mọi mặt của xã hội. Trong hoàn cảnh đó, tiểu thuyết hiện thực phê phán góp một ý nghĩa quan trọng đối với xã hội Pháp lúc bấy giờ.
Và vì vậy, tiểu thuyết
Lão Goriotmang một số đặc điểm tiêu biểu của tiểu thuyết hiện thực phê phán:
2.1. Chi tiết nghệ thuật Chi tiết nghệ thuật được xem là bộ phận nhỏ nhất có ý nghĩa của tác phẩm mà nhờ bộ phận này, thế giới nghệ thuật của tác phẩm mới hiện ra một cách cụ thể, sinh động. Trong tiểu thuyết hiện thực phê phán chi tiết nghệ thuật còn đóng một vai trò quan trọng hơn. Bởi nó được xây dựng là những chi tiết điển hình.
Trong
Lão Goriot chỉ với một chi tiết ở đầu truyện khi tả nhà trọ
“những phòng trên cùng có mái được xây bằng đá và quét một lớp vôi vàng, thế là tự nó bỗng dưng tạo ra cho bản thân một sự hèn kém so với tất cả những ngôi nhà thời ấy ở Paris. Những tấm rèm che các khung kính của năm ô cửa sổ không cái nào giống cái nào, nghĩa là mỗi cái một màu, chẳng hề ăn nhập với nhau.” , ta đã hình dung được sự tồi tàn, rách nát và nghèo hèn của ngôi nhà. Những chi tiết Balzac lựa chọn rất đắt giá. Nó thể hiện một sự quan sát rất tỉ mỉ, đồng thời rất chân thật của nhà văn.
Hay như ở chi tiết cuối cùng tác phẩm khi Rastignac
“cúi nhìn lần nữa ngôi mộ, giọt nước mắt cuối cùng của chàng trai trẻ lăn dài, giọt nước mắt trào ra vì những rung cảm thiêng liêng của một trái tim trong trắng, nó rơi xuống mặt đất rồi từ từ vút lên trời cao” thì hình ảnh giọt nước mắt đó cũng mang giá trị nhân văn sâu sắc. Nó xuất phát từ tâm hồn và trái tim của chàng sinh viên trẻ cảm thông và đau đớn trước số phận bất hạnh của lão Goriot tội nghiệp, nhưng đồng thời
“giọt nước mắt cuối cùng” cũng ngầm báo con đường và sự thay đổi nhân cách về sau này của nhân vật. Chi tiết nghệ thuật của Balzac vì rất điển hình nên mang tính biểu tượng cao. Một chi tiết nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa khái quát lớn. Như hình ảnh nhà trọ được xem như một bức tranh thu nhỏ một phần xã hội Pháp.
Đặc biệt, Balzac nổi tiếng với việc miêu tả chi tiết rất tỉ mỉ, cụ thể. Cả nhà trọ được ông miêu tả tỉ mỉ, từ ngoài vào trong một cách rất cụ thể. Dường như chúng ta có thể hình dung được ngôi nhà trước mắt, được ngồi vào bàn ăn của bà Vauquer, được leo lên từng nấc cầu thang mà mỗi ngày khách trọ đi lên đi xuống. Trong đám tang của lão Goriot, từ không gian quán trọ Vô-ke đến nhà thờ hành lễ đến nghĩa trang, tác giả đều miêu tả rất chi tiết với những địa danh có thật. Chi tiết tả thời gian cũng cụ thể, ngắn gọn: lễ cầu hồn kéo dài 20 phút, 5giờ 30 đi ra nghĩa trang và 6 giờ hạ huyệt. Những chi tiết ấy càng ngắn gọn, càng cụ thể lại càng hiện lên một hiện thực cay đắng về sự vội vã, sơ sài và qua quýt của tang lễ. Như vậy, sự miêu tả chi tiết cụ thể và tỉ mỉ của nhà văn có một dụng ý nghệ thuật đặc biệt. Ông như muốn vẽ từng nét nhỏ nhất lên bức tranh hiện thực đời sống của mình. Ông như muốn làm hiện rõ từng chi tiết để phơi bày toàn vẹn hiện thực mình đang sống, đang chứng kiến, và đang trải nghiệm.
Chi tiết nghệ thuật trong tiểu thuyết này đã sử dụng những bút pháp tiêu biểu của tiểu thuyết hiện thực phê phán thế kỷ XIX. Vì vậy, nó càng làm nổi bật đặc điểm tiểu thuyết hiện thực phê phán trong tác phẩm.
2.2. Nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình Đây có thể được xem là đặc điểm nổi bật và đặc trưng nhất của tiểu thuyết hiện thực phê phán. Nó khác hoàn toàn với các thể loại khác như tiểu thuyết hiệp sĩ hay tiểu thuyết trinh thám xuất hiện trước đó ở Châu Âu. Việc xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình đã giúp nhà văn tiếp cận với hiện thực xã hội một cách dễ dàng hơn. Đó là một sáng tạo trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật mới mà đã được Balzac thể hiện rất xuất sắc trong các sáng tác của mình, cụ thể ở đây là
Lão Goriot.
Trong tiểu thuyết, Balzac lần lượt miêu tả bà Vauquer cùng với 7 khách trọ một cách khá tỉ mỉ với những nét đặc trưng nhận biết khác nhau, từ ngoại hình đến tính cách. Nổi bật lên trên hết là hình ảnh của 3 nhân vật: lão Goriot, chàng sinh viên Rastignac và ông Vautrin.
Việc xây dựng nhân vật đã được Balzac ấp ủ từ lâu: mùa Đông năm 1828, một cựu tội phạm chuyển nghề làm cảnh sát có tên Eugène François Vidocq đã phát hành một tập hồi ký nói về cuộc đời tội ác của ông, Balzac đã gặp Vidocq vào tháng Tư năm 1834 và quyết định sử dụng tư liệu về cuộc đời Vidocq để làm hình mẫu cho nhân vật Vautrin
Từ mùa Hè năm 1834,Balzac bắt đầu có ý tưởng về bi kịch của một ông bố bị con gái chối bỏ. Trong nhật ký của Balzac có ghi lại một số mô tả về tác phẩm:
"Nhân vật lão già Goriot - người đàn ông tốt - gia cảnh trung lưu - thu nhập 600 franc - hy sinh mọi thứ cho những người con gái vốn đã có 50.000 franc - chết mòn".
Nhân vật anh sinh viên Eugène de Rastignac vốn từng xuất hiện trong
Miếng da lừa. Ban đầu nhà văn định đặt tên cho nhân vật chàng thanh niên là "Massiac" nhưng rồi quyết định quay về nhân vật Rastignac của
Miếng da lừađể tạo thành kiểu nhân vật “quay trở lại” trong bộ
Tấn trò đời về sau này.
Khi xây dựng hình tượng Vautrin- một tên tù vượt ngục Balzac đã rất công phu và tỉ mỉ. “
Ông ta có đôi vai rộng, thân trên nở nang, các cơ bắp nổi rõ, đôi bàn tay dày, vuông, và nổi bật các đốt ngón bởi những túm lông rậm rạp với một màu hung dữ dội”,
“Giọng nói trầm vang hài hoà với tính vui vẻ không làm ai phải khó chịu. Ông ta là con người nhanh nhẹn và luôn tươi cười.” thế nhưng
“không gì làm cho ông ta phải chịu lùi bước trước một tội ác để thoát khỏi một tình huống rắc rối.” và “
ông ta biết hoặc đoán biết được công việc của những người ở xung quanh mình trong khi đó thì không gì có thể xâm nhập vào ý nghĩ cũng như công việc của ông ta.” Nhân vật Vautrin hiện lên khá sinh động dưới ngòi bút của Balzac. Từ ngoại hình cho đến tính cách, nhân vật hiện lên rất chân thực và sống động. Nó là sản phẩm hoàn hảo của xã hội tư bản, là hiện thân cho những kẻ láu lỉnh và cơ hội, những kẻ xuất hiện đầy rầy trong xã hội Pháp lúc này.
Ngược lại với Vautrin, lão Goriot lại sở hữu một đức tính
“hào phóng vô tâm” nên rất dễ
“bị lừa phỉnh”, “
lão để nụ cười vui sướng của gã tư sản phảng phất trên môi, người ta đã phỉnh nịnh điều mà lão vốn thích.”. Và với cái ước mơ bước chân vào thế giới thượng lưu, lão đã chiều chuộng hai cô con gái hết mình cố gắng sắp xếp cho chúng cuộc sống sung sướng cùng với danh vọng và địa vị. Lão chấp nhận ở nhà trọ, vét những đồng xu cuối cùng để “phụng sự” cho hai cô con gái rồi cuối cùng, chết trong sự lạnh lẽo và cô đơn. Bi kịch của lão Goriot là bi kịch của rất nhiều người trong xã hội tư bản Pháp ngày ấy. Đó là những con người với những ước mong mù quáng về một xã hội thượng lưu phù phiếm, những con người hiền lành và dễ bị lừa phỉnh sẽ bị xã hội tư bản vùi dập.
Nhân vật trung tâm là chàng sinh viên Eugène de Rastignac“
là một trong những thanh niên quen làm việc do sự nghèo khổ, là những người hiểu rõ từ khi còn trẻ tuổi những hy vọng của cha mẹ đặt nơi họ và họ tự chuẩn bị một số mệnh tốt đẹp bằng cách tính toán trước tầm quan trọngnhững ngành học của họ và thích nghi trước với biến động trong tương lai của xã hội để trở thành những người đầu tiên triệt để tận dụng nó”. Một người với những “
quan sát tò mò” và tài “
khéo léo” đã giúp cho chàng có thể dấn thân vào xã hội thượng lưu để đổi đời. Một người vẫn còn những giọt nước mắt đôi khi hối hận, đôi khi xót thương đối với những người bên cạnh mình. Rastignac đại diện cho những người trẻ, những người còn mang trong lòng những rung động yêu thương nhưng lại muốn nhanh chóng giàu sang, mau chóng có địa vị. Đó là hình ảnh của cả một thế hệ trẻ Pháp đang tự dằn vặt, đấu tranh với chính mình trong xã hội tư bản.
Balzac xây dựng ba nhân vật với ba nét tính cách hoàn toàn khác nhau. Nó tiêu biểu cho những kiểu người trong xã hội mà Balzac nhìn thấy và quan sát được. Thế nhưng điểm độc đáo của việc xây dựng nhân vật điển hình trong những hoàn cảnh điển hình là tác giả “ném” cả những nhân vật ấy vào một hoàn cảnh cụ thể, ném họ vào thế giới tư bản chủ nghĩa, thế giới mà đồng tiền có tiếng nói mạnh mẽ và thống trị. Để từ đó, nhân vật dần dần bộc lộ tính cách, thay đổi tính cách. Ông để cho nhân vật của mình tự quẫy đạp trong thế giới của đồng tiền. Và rồi họ lại hiện ra với một gương mặt khác.
Con người Vautrin quá hợp với thế giới đầy xảo trá và toan tính ấy cho nên hắn dễ dàng thích ứng. Hắn biết khôn ngoan để lấy lòng người, biết tận dụng mọi cơ hội để sao cho có lợi cho mình nhất. Nhưng lão Goriot, ông bị nhào nặn trong thế giới ấy. Chúng vắt kiệt của ông đến từng đồng xu cuối cùng, từng hơi thở cuối cùng. Và rồi ông lão cũng ra đi trong sự nuối tiếc và đau đáu hướng về hai đứa con gái bất hiếu. Bên cạnh đó, sự thay đổi và phát triển tính cách nổi bật nhất là Rastignac. Từ những ý nghĩ còn ấp ủ, Rastignac đã dần dần hành động, ban đầu chàng còn gạt phang đi nhưng sau này, Rastignac đã tự trang bị cho mình những hành trang để bước vào xã hội thượng lưu. Những lúc hối hận, dằn xé dần dần chẳng còn nữa, và những giọt nước mắt cũng cạn dần.
Sự tác động của hoàn cảnh, của xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến từng nhân vật. Và việc đẩy họ vào hoàn cảnh điển hình đã làm nổi bật sự biến đổi trong tính cách. Thủ pháp nghệ thuật ấy rất tinh tế và sắc bén, phù hợp với tiểu thuyết hiện thực phê phán.
Ngoài ra việc xây dựng tính cách nhân vật trong sự vận động, phát triển đã phá vỡ kiểu nhân vật truyền thống, từ đầu đến cuối chỉ có một tính cách. Và đây là điểm mới trong tiểu thuyết hiện thực phê phán.
2.3. Kết cấu: Trong tác phẩm, Balzac đã sắp xếp kết cấu tác phẩm đầy dụng ý.
Ở kết cấu bên ngoài ( kết cấu văn bản), tiểu thuyết được chia làm 4 phần:
phần 1.
Nhà trọ bình dân,
phần 2.
Vào đời,
phần 3.
Kẻ đào tẩu,
phần 4
. Cái chết của người cha.
Sự phân chia đó như một sự phát triển ngầm ý đồ của tác giả. Các nhân vật đều xuất phát từ nhà trọ bình dân, rồi sau đó, Rastignac bước vào đời, Vautrin là kẻ đào tẩu, và lão Goriot chết trong cô đơn.
Sự nối kết từ văn bản đến tư tưởng của nhà văn là thể hiện sự thống nhất, toàn vẹn trong kết cấu.
Bên cạnh đó, ở kết cấu bên trong (kết cấu hình tượng), nhân vật Vautrin và lão Goriot được sắp xếp bên cạnh Rastignac để giúp nhân vật này thể hiện rõ tính cách và sự biến đổi của mình. Nếu Vatrin dần dần đẩy Rastignac cuốn sâu hơn và xã hội đồng tiền thì lão Goriot lại khiến Rastignac phải đồng cảm, xót thương và nhỏ những giọt nước mắt tiễn đưa, dù cho đó là giọt nước mắt cuối cùng.
Ngoài ra cách dẫn dắt và cấu tứ tác phẩm của Balzac cũng rất chặt chẽ và hợp lý. Tác giả để cho mọi người tò mò và hiểu lầm về lão Goriot rồi từ từ gỡ từng nút thắt để nhân vật hiện ra trọn vẹn.
Cách kết cấu chặt chẽ và hợp lý này thể hiện sự tỉ mỉ và cẩn trọng của tác giả, đồng thời, nó cũng phù hợp của tiểu thuyết hiện thực phê phán.
2.4. Đề tài chủ đề, tư tưởng Tiểu thuyết hiện thực phê phán có đề tài, chủ đề và tư tưởng là phê phán xã hội. Nhà văn phơi bày để lột trần bản chất xấu xa của xã hội.
Trong
Lão Goriot, Balzac đã phơi bày chân thực thực trạng xã hội Pháp thế XIX, ông nhìn thấy sự biến chất của con người trong xã hội ấy, và sức mạnh của đồng tiền, sức mạnh của địa vị sẽ xóa nhòa dần những giá trị nhân văn cao quý trong con người.
Thông qua các nhân vật truyện tiểu thuyết, tác giả muốn mọi người nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, nhìn thằng vào nhân vật để hiểu rõ, hiểu sâu sắc bản chất của xã hội ấy.
Bên cạnh đó, người ta cho rằng, khía cạnh khẳng định cái đẹp trong
Lão Goriotnói riêng và các tác phẩmcủa Balzacnói chungbị cho là yếu:
"Những nhân vật đức hạnh trong tiểu thuyết Balzac khá mờ nhạt...". hoặc: "
Những nhân vật trong tiểu thuyết Balzac đều có cử chỉ tình cảm và phong cách thông tục”Cái đẹp trong tác phẩm bị lu mờ và tác phẩm chỉ một màu tăm tối.
Ngược lại, những nhân vật gây ấn tượng mạnh nhất và thành công nhất của Balzac là những nhân vật phản diện, thường được tác giả cho xuất hiện nhiều lần trong nhiều tác phẩm để người đọc theo dõi chặng đường phát triển tính cách, số phận, những bước thăng trầm trong cuộc chen chân trong thế giới.
Đúng là tiểu thuyết của Balzac phản ánh hiện thực xã hội không mấy tốt đẹp, nhưng chính Balzac lại từng khẳng định:" Xã hội đã tự tách ra hoặc xích lại gần hơn với những quy tắc vĩnh cửu, với cái chân thực, cái đẹp tiểu thuyết phải là một thế giớitốt lành hơn..." (Lời tựa
Tấn trò đời)
Như vậy, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm không đơn thuần là phản ánh cái thiện, cái ác trong xã hội, mà điều Balzac mong mỏi chính là cải tạo xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
3. Kết luận Lão Goriot là một trong những tiểu thuyết thành công nhất của Honore’ de Balzac. Với ngòi bút hiện thực sắc sảo, Balzac đã trở thành một trong những đại diện xuất sắc nhất của tiêu thuyết hiện thực phê phán.
Ông đã sử dụng thành công những thủ pháp ngệ thuật của tiểu thuyết hiện thực phê phán thể hiện tư tưởng của mình phơi bày hiện thực xã hội từ đó thức tỉnh con người, hướng họ tới những giá trị tốt đẹp hơn.