Dọn nhà đón tết
-
13.01.2014 15:10:46
DỌN NHÀ ĐÓN TẾT
Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
“Vườn quê giậu cúc vàng tươi
Đêm đêm hồn mộng buông xuôi hồn về”
(Nguyễn Trãi)
Mấy ngày áp tết Nguyên Đán, gia đình nào cũng bận rộn rất nhiều công việc. Trong đó có cả việc dọn dẹp, lau chủi và trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp đẽ phong quang để đón Tết. Ngày xưa ở nông thôn còn tục lệ trồng cây nêu. Phải có: “Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh/ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Thì mới thành ngày Tết. Rất tiếc là từ sau ngày Cách mạng tháng tám, không thấy gia đình nào trồng cây nêu nữa. Và bây giờ lại thêm một điều đáng tiếc nữa là, pháo đã bị cấm mất rồi! Không có pháo, những ngày vui người ta phải dùng cái thứ cũng được gọi là pháơ, nhưng khi đốt không có tiếng nổ, mà chỉ phụt ra toàn giấy trang kim cắt vụn. Làm ô nhiễm môi trường. Vì khó quét dọn và lâu phân huỷ.
Kể ra, cái việc cấm sử dụng pháo cũng là một việc làm khiên cưỡng, không phù hợp. Khi vui thì người ta cười, người ta vỗ tay hoan hô, người ta đốt pháo và reo hò. Khi buồn thì người ta khóc. Khi đau thì người ta rên. Đau quá thì người ta gào thét, kêu trời, kêu đất…Đó là tình cảm tự nhiên của con người. Pháo làm cho cuộc sống vui hơn, đẹp hơn. sang trọng hơn. Cũng như bắn 21 phát đại bác chào mừng, khi Nhà nước có khách đến thăm. Nếu cái lệ ấy còn được duy trì, thì việc sử dụng pháo trong những dịp vui mừng cũng không nên cấm bỏ.
Ngày xưa, để chuẩn bị đón Tết, năm nào cũng đúng ngày 23 tháng chạp, ngày ông Táo lên Trời là ông tôi lại trồng cây nêu. Cây nêu được làm bằng một cây tre gai to, cao khoảng trên dưới chục mét. Tre được ngâm “chín” để chống mối mọt, và uốn thẳng tắp, rồi mới trang trí. Trên đỉnh ngọn cây buộc một túm lông đuôi gà trống đỏ chót, đầu lông quay lên ngọn cây, cuống quay xuống. Và cứ cách nhau khoảng 25, 30 phân lại buộc một túm như vậy. Buộc thấp xuống khoảng hơn một mét là đến chỗ của một chú cỏ trắng muốt. Cò làm bằng củ tre, quét vôi. Trên lưng cò cắm một lá cờ vàng. Phía dưới cò, buộc một tâu lá vạn tuế, uốn lượn quanh thân tre như dáng một con rồng. Lá vạn tuế là thông điệp của chủ nhân, gửi lên trời những lời cầu nguyện cho gia đình mình, sang năm mới được AN KHANG THỊNH VƯỢNG. Dưới lá lại buộc mấy vòng lông ga nữa.Thế là thành cây nêu.
Khi cây nêu được trồng đứng thẳng lên, gặp gió, cờ và hàng nghìn chiếc lông gà cùng phấp phới bay trông thật đẹp mắt. Đêm 30 Tết, ông tôi, cũng như nhiều gia đình khác còn buộc ròng rọc, kéo lên ngọn cây nêu một chiếc đèn bão. Khiến bầu đêm đang đen như mực bỗng sáng bừng lên như sao sa.
Khi việc trồng nêu sắp xong, ông tôi bảo: “Mày đi đun cho ông siêu nước. Đun nửa gáo thôi cho chóng sôi con ạ!”. Thời gian ấy chẳng nhà nào có phích nước. Tôi đi rút rơm nấu nước cho ông. Uống trà xong tự tay ông tráng ấm chén, lau khô cất vào trong tủ cẩn thận, rồi mới bất tay vào việc dọn nhà. Ông rất quý bộ đồ trà ấy, sợ tôi làm vỡ, nên không bao giờ sai tôi lau rửa. Sau lớn lên tôi mới hiểu đó là bộ đồ trà cổ. Vẽ ông Lã Vọng (Khương Tử Nha) thuở hàn vi ngồi câu cá ở trên sông Vị Thuỷ.
Ông tôi buộc cái chổi lúa vào một đoạn tre, quét màng nhện bám trên rui mè, thanh xà, gót bấy sạch bóng, rồi mới lau ban thờ. Ông không giầu, nhưng là trưởng họ. Bộ đồ thờ do nhiều đời mua sắm cho nên khá đầy đủ. Từ cỗ ỷ, lư hương, bài vị, mâm bồng, ống hương, chân đèn, đài rượu v.v…tuy cũ nhưng vàng son vẫn còn rực rỡ.
Đồ sứ, quý nhất và đáng kể nhất là đôi lộc bình, vẽ “phù dung chim trĩ”, cao 60 phân. Tết nào ông cũng cắm cành đào. Và cái điếu sứ cổ, vẽ tích “Sào Phủ tẩy nhĩ”.
Lúc bấy giờ tôi còn bé, chỉ biết cái điếu của ông có hình hai thằng người với một con trâu. Về sau, khi đã trưởng thành, tôi mới được nghe kể rằng: Sào Phủ và Hứa Do. Hai ông nhà nho học rộng, đỗ cao. Nhưng không ra làm quan, mà đi cày và ở ẩn, để giữ gìn phẩm giá thanh cao, trong sạch của mình. Rồi một hôm vua sai sứ đến mời Sào Phủ ra làm quan. Tất nhiên là ông từ chối. Nhưng khi sứ đi rồi, ông liền ra suối rửa tai. Vì cho rằng tai của mình đã bị bẩn, khi nghe phải cái chuyện “ra làm quan”. Giữa lúc đó Hứa Do đi cày về, cho trâu xuống suối uống nước. Thấy bạn đang “tẩy nhĩ”. Khi biết chuyện, Hứa Do liền đánh trâu đi, không cho uống nước nữa. Vì sợ uống phải chỗ nước ấy sẽ bẩn mồm trâu !
Thế ra từ thời xửa thời xưa, người ta đã biết và rất coi thường cái nghiệp làm quan. Vì chẳng mấy kẻ giữ mình được trong sạch, thanh liêm, mà hầu hết đều trở thành quan tham lại nhũng. Cho nên những bậc thức giả mới đi ở ẩn, không chịu ra làm quan.
Lau đồ thờ xong, ông sai tôi bê cái bát điếu tiện bằng gỗ đen kít ra vườn đổ bã. Ông lấy dẻ và cát đánh bộ quai, gióng điếu bằng đồng cho sáng loáng lên. Rồi ông thay nước và hút thử, tiếng nõ kêu tanh tách giòn tan.
Tôi đang quét nhà thì bà tôi đi chợ về. Theo tục lệ, bà mua vàng hương, sáu cái mũ và sáu đôi hài giấy để cúng ông Táo. Ngày ấy ở quê tôi còn dùng “vua bếp” , nặn bằng đất sét để thổi nấu. Nhà ông bà tôi có sáu vua. Cứ chụm đầu hai ông và một bà vào là thành một cái bếp. Và cũng theo tục lệ, bà chỉ mua mũ và hài, chứ không mua quần áo. Chẳng hiểu vì sao?...Song, có lẽ chính vì thế cho nên trong dân gian mới có câu ca cười nhạo các Táo rằng: “Kìa xem các Táo đi chơi xuân/ Đội mão đi hia chẳng mặc quần/ Trời hỏi sao thần ăn mặc thế?/ Tâu rằng hạ giới chúng duy tân”.
Ông chia đôi số hài mũ ra: Ba cái mũ, ba đôi hài và ba khối vàng, ông treo lên gốc cây nêu. Còn nửa kia treo ra ngoài ngõ, dưới gốc bụi tre mà chiều hôm qua khi sửa sang, quét vôi chú cò, ông đã đem vôi ra quét gốc tre trắng xoá.
Chiều hôm ấy nhà ông bà tôi cúng tiễn ông Táo lên Trời. Chỉ có rượu, trầu cau, hương hoa và xôi chè. Ông bảo Táo quân là người nhà Trời, chỉ ăn chay chứ không ăn mặn. Khấn vái xong, ông sai tôi đem một chén rượu ra ngõ đổ vào khối vàng để tiễn ông bà Táo đi. Quê tôi ngày xưa không có tục lệ thả cá chép, để ông Táo cưỡi cá bay lên Trời. Cớ lẽ thế lại đúng. Vì cá chép có biết bay đâu.
Mùi hương và mùi rượu thơm lừng, khiến không khí tết tràn ngập từ trong nhà ra ngoài ngõ. Nhưng hôm ấy mới là 23 tháng chạp. Ông tôi xem lịch bảo năm nay tháng chạp đủ. Như vậy là còn vừa đúng bẩy ngày nữa mới đến Tết. Trời đất ơi, tôi mong ngày, mong đêm, mong đứng mong ngồi, thế mà cái quãng thời gian ấy không thèm nhúc nhích đi một tẹo nào!
Thế rồi đêm hôm ấy, trong giấc ngủ tôi mơ thấy sáng hôm mồng một tết. Vừa thức dây, tôi đã chạy ra vại nước múc nước súc miệng và rửa mặt (Ngày ấy chúng tôi chưa biết dùng kem và bàn chải đánh răng). Rửa mặt xong, mẹ lấy quần áo mới cho tôi thay, và mẹ mừng tuổi cho tôi một xu, đồng tiền mới tinh, tròn xoe, bằng đồng vàng choé. Tôi chạy ù qua sân, sang xông nhà cho ông bà. Bà cũng mừng tuổi tôi một xu. Bà bảo: “Năm mới cháu yêu của bà chăm ngoan, học giỏi hơn năm cũ”. Cũng như mọi năm, ông mừng tuổi tôi một chiếc bánh chưng con. Ông vừa vớt ra từ nồi bánh của gia đình. Bánh còn nóng, lá rong xanh biếc, toả mùi thơm ngào ngạt, buộc bằng hai dây lạt bắt chéo, chia chiếc bánh thành bốn ô vuông nhỏ như bốn bao diêm xanh. Lại có cả dây buộc làm quai để tôi xách đi khoe lũ trẻ hàng xóm, và thi xem bánh của đưa nào đẹp hơn. Tôi sẽ để dành chiếc bánh này, bao giờ hết tết mới ăn. ăn ngay thì hết lấy gì chơi ?./.
TP Uông Bí, ngày 22 - 12 – 2012
Tạ Hữu Đỉnh