Ăn tái… nuốt sống! - Chùm chuyện cười - Trọng Huân
nguyentronghuanvov 15.02.2014 13:54:02 (permalink)
 
Ăn tái… nuốt sống! – Chùm chuyện cười - Trọng Huân
Cái thủa ấy - thời bao cấp, thường khu tập thể, nhà nọ dính nhằng nhà kia, ngăn cách nhau chỉ bằng tấm cót; Bên này động tĩnh nhỏ thôi, nhỏ đến mức, cọ, cọ vào nhau, bên kia có thể nghe rõ hết và đôi khi, cả nhìn thấy nữa.
Một nhà nọ, trong khu tập thể, có anh chồng hay hờn dỗi, hay làm nũng, vợ luôn phải chiều chuộng. Cô vợ chiều lắm: sáng dỗ đằng sáng; trưa dỗ đằng trưa; có khi tối khuya, vợ còn phải dỗ dành chồng tiếp. Khuya ấy, lúc đó khoảng quá giờ Ngọ, cô vợ vẫn phải dỗ dành chồng như sau:
- Mình ơi! Mình thích ăn tiết canh, hay lòng lợn, hôm nào em mua cho mình hẳn một suất.
- Ứ ừ ư – đấy là lời anh chồng từ chối, không ưng suất tiết canh, lòng lợn vợ mua cho.
- Hay là mình ăn ốc luộc vậy! Chủ nhật này, em về quê, mua, luộc hẳn nồi ốc to tướng cho mình, toàn ốc nhồi là nhồi thôi, lại luộc nhiều lá chanh, cứ thơm phưng phức!
Đến nồi ốc nhồi, luộc lá chanh thơm phưng phức, ngon lành thế, mà tay anh chồng kia vẫn chưa ưng ý, hắn vẫn làm nũng tiếp:
-        Ứ ừ ư!
Nghe thế, có nộn ruột không - ấy là tay chồng nhà hàng xóm, đang nằm cạnh vợ, lúc đó chưa ngủ, nghe vậy, vừa thèm vừa tức. Thèm vì suất tiết canh lòng lợn, rồi ốc nhồi luộc, nên nước rãi trong miệng tứa ra; Tức vì thằng chồng nhà bên, điên điên, khùng khùng, nó cứ dỗi, cứ chê, cứ ứ ừ ư. Lão hàng xóm nghĩ, vớ phải tay ông, thì cả ốc, lẫn tiết canh lòng lợn, ông xơi ráo!
- Mình ơi (lại tiếng cô vợ nhà kia), hay là mình ăn thịt đùi, thịt chân giò lợn luộc, chấm mắm tép ấy. Tháng này lĩnh lương, em sẽ luộc hẳn cho mình một đĩa tướng!
Lão hàng xóm lại nuốt nước bọt, nghĩ tới đĩa thịt chân giò to ngồn ngộn, toàn những thịt là thịt. Lão tưởng tượng ra cảnh, thịt chân giò sẽ giòn sừn sựt. Lúc ấy, không còn tâm trí mà nằm, lão ngồi chồm hỗm dậy, nghến qua tấm liếp ngăn cách với nhà hàng xóm, mà bực. Bực quá, lão vô tình buột miệng:
- Nó đ… ăn thì thôi. Cứ mang sang đây! Chẳng phải luộc kho gì sất, ông là ông xơi tất. Ông đang thèm nhỏ dãi đây này!
    Tiếp ngay đó là tiếng hét lanh lảnh của mụ vợ lão:
- Này thì…. ăn này! Này thì xơi tất này! Này thì này… này!
 
Đi rình Việt gian
 
Ngày trước ở ta, Việt gian, phản động nhiều lắm! Thế nên, khối làng xóm, nhiều người đêm đêm đi rình mò lũ ấy. Ai rình nhiều, phát hiện ra lắm, được đánh giá là có lòng yêu nước cao, được tuyên dương, đọc oang oang trên hệ thống loa đài của làng, xã.
Một ông A thấy làng xóm hết người nọ, kẻ kia được đọc trên loa, đâm sốt ruột. Thế là đêm đêm lão bí mật đi rình Việt gian. Dù mưa to gió lớn, hay trời rét căm căm, lão vẫn đi rình. Phải đêm mưa gió, lão khoác áo tơi; hôm thời tiết rét mướt, lão quấn bao tải. Vợ lão mới đầu cũng gàn, gàn mãi không xong, cuối cùng thị mặc xác chồng, lão muốn rình mò nhà ai cứ việc, muốn mò mẫm tới đâu, cứ tới. Có đêm lão rình, bị con chó hoang cắn cho một phát, đổ cả bát máu, lão vẫn không chừa.
Đêm nọ, lão rình ở nhà mẹ con bà góa kia, nghe mẹ con nhà này thì thầm, bàn việc giấu giếm chỗ phân bắc – tức cứt người, loại thượng đẳng phân –  không đem ra cân cho hợp tác xã, mà dành để bón ruộng riêng, đất rau xanh 5%. Lão tưởng chuyến này sẽ được nêu gương trên loa, nhưng tay đội trưởng sản xuất bảo:
- Thế cũng gần thành phản động rồi, song phải chịu khó, tìm ra loại phản động điển hình cơ! Phản động phân tro thế, chưa được phản động cho lắm!
Thật rõ chán? Lão vẫn không nản chí. Một lần kia lão rình, trình báo về một mụ già nọ. Mụ già ấy không những mắc tội móc cua, làm vỡ toang bờ ruộng của tập thể, còn cái tội chửi vụng ông chủ nhiệm hợp tác xã ở giữa cánh đồng. Mụ bảo ông ta, ăn trên ngồi trốc.
Nghe vậy, lão đội trưởng phán: Đúng là phản động rồi, phản động trăm phần trăm. Nhưng nếu bắt con mẹ đó đi tù, già thế, xã hội mỗi ngày tốn thêm dăm lạng thóc nuôi mụ, chả bõ; lại mất thêm một lao động, làm yếu đi nền kinh tế tập thể đang trong thế đi lên. Thế có ức không, lại vồ trượt một đứa phản động!
Gần nhà lão, có một tay B, vài tháng nay, đêm đêm cũng bí mật đi rình mò Việt gian; vợ cũng gàn, hắn cũng chẳng nghe. Cuối cùng, con vợ mặc xác thằng chồng.
Đếm ấy là đêm thượng tuần. Vào lúc khuya khoắt rồi, nhìn bằng mắt chả trông thấy gì, có chăng, chỉ dùng tay sờ sờ, hay ngỏng tai lên nghe thôi. Đúng phải đêm rét mướt. Không hiểu sao, lão A tối đó tăm tia đúng nhà lão B. Nguyên do là lão A thấy mấy tháng nay, mặt lão B cứ lấm lét, y như thằng Việt gian. Trong các cuộc bình công, chấm điểm hợp tác, lão cứ lấm la lấm lét, tai dỏng lên như chó hóng.
Lão A trườn qua vườn, tiếp giáp tường nhà lão B. Tiếp cận đúng gian buồng nhà nó. Lão áp tai vào nghe cả tiếng đồng hồ. Lúc ấy khoảng canh ba, lão chợt nghe tiếng cọt kẹt, rồi tiếp đấy, như tiếng liếp cửa bị đẩy, tiếng bước chân, tiếng thì thào,…. Đúng là lũ Việt gian tụ tập rồi. Đêm hôm thế này, chỉ Việt gian, phản động mới tụ tập, bàn việc xấu. Giờ này, người tử tế, ai còn bàn tán chuyện đời sống xã hội, hay khoa học kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu. Lão tập trung nghe tiếp: Hình như là tiếng cọt kẹt giường chiếu. Lạ nhỉ? Lão nghĩ vậy. Hay chúng tập các động tác võ trên giường ? Rồi lão thoáng nghe tiếng thì thào. Vì tiếng động nhỏ quá, lão phải ngỏng tai lên. Thôi đúng rồi:
-        Này thì giết, giết giết này (tiếng đàn ông).
- Ứ… ừ….ư.  Giết… giết nữa đi… Ứ ừ ư (tiếng đàn bà).
Đúng là lũ phản động Việt gian. Chắc chúng bàn cách giết người. Nghĩ vậy, đầu óc lão lóe lên ý nghĩ, phải hô hoán, báo ngay cho dân làng biết, có lũ phản động đang tụ tập, đang bàn chuyện giết người. Thế là lão vụt dậy, thất thanh hô:
- Bớ làng nước ơi! Có lũ phản động đang định giết người!
Hắn còn hét dở, thì xa xa cũng vọng lại:
-        Phản động, bớ làng nước ơi!
Thế là dân làng, dân quân, đèn đuốc sáng choang, súng ống kè kè, rầm rấp kéo tới. Thật kinh hãi! Lũ phản động gồm một đứa đực, một đứa cái, trần như nhộng. Mọi người nghĩ, chắc lũ này đang tập đánh võ, cởi quần áo ra tập tiện. Dân quân giữ nguyên hiện trạng, trói gô cổ bố hai đứa lại, giong ngay ra trụ sở hợp tác.
Khi lão A cùng dân làng giong hai đứa phản động kia ra ngõ được một quãng, gặp luôn đám khác, cũng giong cặp phản động nữa. Dân làng lo lắng, sao đêm nay làng mình lắm phản động thế ! Trong ánh đèn đuốc sáng choang, lão A giật mình, vì nhìn thấy chính con vợ của lão, thị đang bị giong đi cùng một thằng phản động nữa.
Lão tá hoả! Hóa ra lâu nay, có đứa phản động ở ngay trong nhà lão. Điên tiết quá, lão sấn ngay tới:
- Tiên sư cha con phản động kia nhá. Sao mày phản động ở chính ngay trong nhà ông!
 
 
Không  phải, cụ ơi!
 
Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, từ thuở nhà Lý, hay nhà Trần cơ. Ở một huyện nọ, có viên quan tri huyện kia. Ngày ấy tục làm quan, cứ già đến chết mới thôi việc làm quan, không có hạn định như bây giờ; dù quan có chán việc dân, việc nước, đến bảy, tám mươi tuổi, vẫn chưa được nghỉ. Viên tri huyện ấy, tuổi xấp xỉ 80, già yếu đến mức: mắt mờ tai điếc, đi đứng lẩy bẩy, vẫn phải tiếp tục làm quan.
Huyện ấy có tục, cứ vào dịp tết, như tết Sâu bọ - mồng 5 tháng năm, rồi tết nọ, tết kia, huyện nhà đều tổ chức cho dân được gặp mặt quan. Trong buổi đó, vị quan đầu huyện sẽ vỗ về, an dụ dân chúng. Lũ dân đen được bữa gặp quan, háo hức lắm!
Năm ấy không còn nhớ là Tết gì nữa, hình như là tết Trăng tròn, huyện nhà tổ chức bữa quan gặp dân trước cổng công đường. Nó cách xa chỗ dinh quan ở độ trăm mét. Vì già yếu, quãng đường gần vậy, lũ lính vẫn phải xúm vào võng quan ra. Thường những buổi ấy, dân chúng nô nức đứng xem quan.
Thở ấy chửa có loa, chửa có mích như bây giờ, người ta phải dùng loa, dạng như loa của thằng mõ. Thuở ấy cũng chưa có tôn, nên người ta dùng giấy bản, hay mo cau, cuộn, cuộn lại, một đầu loe ra, một đầu thu gọn lại. Đầu nhỏ để quan chõ mồm vào đấy nói, đầu to chõ ra cho dân chúng nghe. Khi phủ dụ dân, quan chỉ việc đọc, bản dụ có chữ viết sẵn, tất nhiên là chữ Nho, vì hồi ấy chửa có chữ Quốc ngữ như bây giờ.
Quan già rồi, chẳng còn viết nổi ra chữ. May bản huyện có thằng lính lệ hay chữ, nên nó viết hộ nhà quan, quan chỉ mỗi việc đọc. Thằng lệ viết chữ to lắm, mỗi chữ bằng cái quạt mo, hay con gà mái ghẹ. Trước đó nó giải thích, dẫn giải, tập tành sẵn cho quan. Đại ý nó đọc trước từng từ, từng chữ, quan bắt chước đọc theo. Tất nhiên khi ra trước bàn dân thiên hạ, thì chỉ mình quan phủ dụ  dân chúng thôi. Thằng lệ mà đọc, quá bằng, nó vỗ về dân chúng thay quan a.
Trong bản phủ dụ, thằng lệ dùng dấu chấm, dấu phẩy. Đó là sáng tạo của nó. Chứ thuở ấy, người ta chưa dùng dấu chấm, dấu phẩy. Nó chấm phẩy để quan biết chỗ mà ngắt nghỉ, đúng từ, ngữ, kẻo lúc ngài đọc, từ nọ dính vào chữ kia, thì bỏ bố thằng dân.
Hôm ấy, sau khi quan được võng ra, lũ lính lệ xúm vào, nhấc quan, đặt lên mặt chiếc chõng tre, một đứa giữ cho ngài khỏi ngã, đứa khác cầm loa, dí vào mồm quan, còn thằng lệ biết chữ, thì đứng áp sát người quan. Thằng này có nhiệm vụ, nếu chỗ nào cụ chưa hiểu, hay đọc ngắc ngứ, sẽ thét vào tai, giải thích cho quan. Ngài vốn điếc nặng, nên thằng lệ cứ phải thét to. Hôm ấy, mở đầu bản phủ dụ, ngài đọc như sau:
- Kính… thưa… toàn… thể…. dân… chúng…  yêu… quý!
Quan đọc chậm lắm, từ này cách chữ kia độ dăm, mười giây. Khi cụ đọc đến hết chữ quý, do thằng lệ khuyên dấu chấm than, nên cụ đọc tiếp:
- Chấng (tức quan đọc dấu chấm)… thang.
Thằng lệ vội hét to:
- Không phải đọc chấng thang đâu, cụ ơi!
       Nghe vậy, quan ta nói theo:
- Không… phải…. đọc….. chấng… thang… đâu… cụ…. ơi!
Chán cho nhà quan quá. Chán đến mức, sau đó quan ta đọc gì, nói năng gì, thằng lệ cứ mặc, chấng, hay không chấng đâu cụ ơi, cứ mặc xác nhà cụ!
 
Thâm niên 
 
Một ông kia làm chức to to, thâm niên thời gian cống hiến độ bốn, năm chục năm. Ông yêu công việc quá. Vì làm lâu năm, nên kinh nghiệm nhiều, đến độ thành thục mọi động tác lãnh đạo. Mỗi sáng, đúng giờ, phút ấy, xe con đưa đến văn phòng, ông mở cửa, bước đúng n bước, quay đúng x độ, từ từ hạ mông xuống, là đít ngự ngay trên mặt cái ghế của ông. Ông ngồi, với tay ra khoảng m xăng ti mét, là đến cái bút, nhấc lên, xoay đúng kz độ, là tay đặt trên tập công văn, ông ký rẹt.
Ngày ngày, mọi động tác của ông chuẩn xác đến độ, không thừa, không thiếu một tích tắc. Nó mẫu mực, chuẩn xác và giống y chang nhau, giống như tư duy của ông trong mấy chục năm bền bỉ cống hiến.
Bà lao công phục vụ phòng ông, cũng là người mẫn cán. Sáng sáng, bà ta quýet dọn sàn phòng, mặt bàn và bê ghế của thủ trưởng ra một chỗ, lau chùi, xong đặt lại nó vào chỗ cũ. Cứ tuần tự, thuần thục và tuân thủ mười hôm như một vậy.
Sáng ấy, không hiểu sao, ông đến cơ quan sớm đúng 15 phút. Ông mở cửa, bước đúng n bước, quay đúng x độ hạ mông và ông ngã ngửa, ngã đập gáy xuống sàn. Cú đập mạnh tới mức, ông đứt mạch máu não. Mặc dù lính tráng khuân nhanh ông tới bệnh viện cứu chữa, ông vẫn chết.
Bà lao công ân hận quá. Bà cứ dằn vặt suốt. Tại sao hôm ấy bà cứ chính xác như mọi hôm; tại sao bê ghế ra chỗ khác, lau chùi và đặt nó vào vị trí sớm hơn mọi hôm đúng 15 phút. Nếu như thế, thủ trưởng đâu ngồi vào cái chỗ trống không ấy! Thủ trưởng của bà, chắc chắn sẽ chưa chết.
Ôi! Thật tiếc thương một người nhiều thâm niên, lắm kinh nghiệm, lại chết vì cú ngã ngồi vào cái chỗ trống không!
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9