Người Thợ Săn
DongSaBang 17.02.2014 07:18:25 (permalink)
Người Thợ Săn

Nắng chiều đã yếu, chỉ còn một cây sào nữa là mặt trời sẽ lặn xuống núi. Tiếng người và tiếng khua lẻng kẻng của cuốc - xẻng - dao - liềm - rựa - búa cũng bắt đầu im dần. Từng lớp người lo thu xếp những thúng, mủng, mo cơm và năm ba cành củi khô lượm trong bìa rừng, hoặc vài trái dưa gang hay nắm ngọn đậu xanh hái trên ruộng Nhôm bỏ vào đôi nừng quảy về làng. Trong chốc lát đoàn người, và trâu bò, từ nhiều ngóc ngách dưới chân núi đổ ra con đê về làng càng lúc càng rộn ràng hơn. Trong tiếng chân người lẫn lộn với tiếng gõ nhịp nhàng của đàn trâu bò là những câu hò, câu hát hố của đoàn người đi rừng trở về trên vai trĩu nặng với những gánh củi.

Con người làm việc quần quật suốt ngày để mong trông thấy hoa màu đơm bông. Họ quay bước chân trở về làng trong niềm lo lắng những ngọn lúa, nương khoai giao lại cho Trời gìn giữ. Nhưng bên niềm lo âu của họ có cả niềm vui của lũ chim lúa và biết bao thú hoang đang chờ chực. Rồi mặt trời cũng lặn. Tiếng “ngá ngọ” của trâu bò và mọi thứ âm thanh đều nằm xuống để nghe tiếng ếch nhái, và côn trùng bắt đầu bò ra rỉ rả. Như một chiến thắng hiển nhiên, mà chúng chỉ chờ để mừng và nhảy múa, khi nghe trên đồng không còn tiếng gì ngoài tiếng gõ lóc cốc của “thằng mõ” đuổi chim giữa đám lúa chín vàng!

Bấy giờ, ngay cả những tiếng kêu "cơm cơm cát" của một loài chim thường xuất hiện trên những mỏm đá khi chiều xuống, hay tiếng chim Tu Hú, chim Cuốc cũng im lìm chìm trong bóng tối. Chỉ còn lại tiếng vọng của rừng xanh, thì là lúc người thợ săn bắt đầu vào rừng!

Lâu rồi cái cảm giác rờn rợn tóc gáy khi đánh bầy trâu đi ngang qua khu rừng rậm của núi Giàng, núi Ông Chánh Hân trở về làng lúc mặt trời lặn, đã vắng bóng trong tôi! Nhưng đôi khi nghĩ về quê với những sinh hoạt hằng ngày nơi đó, tôi vẫn mê, thích và trân quý những kỷ niệm của một thời “vàng son” được sống bên cạnh khu rừng đầy thú vị, và nguy hiểm! Những điều thú vị biến đổi theo từng mùa, từng tháng và dường như không có điểm chấm hết, hay đúng hơn nó bao la huyền bí như núi rừng. Ðôi khi những sự huyền bí và điều vui thú đã lôi cuốn những bước chân đi sâu vào rừng hoang, đến chừng nguy hiểm có thể toi mạng như chơi. Nhưng sống trên đời sự vui thú thường song hành với hiểm nguy thì mới làm nên chuyện.

Mọi ngày cuộc sống nơi đây bắt đầu từ khi mặt trời chưa mọc.

Ngọn gió ban mai thổi nhẹ chỉ đủ để làm những ngọn lúa mơn mởn chuyển mình sau một đêm dài yên giấc, thì người ta đã thấy một đàn cò trắng vươn cánh dài đáp lên những thửa ruộng còn non. Những chân dài bước đi khoan thai, mắt chăm chú tìm từng con cá con cho buổi ăn sáng. Hình ảnh đàn cò trắng nổi bật giữa màu xanh của lúa cứ nhấp nhô di chuyển trên cánh đồng, là lúc anh em ông Phê và cha con ông Thuần quảy nừng đi vào hóc núi. Họ lầm lì mang trên vai cuốc xẻng, thúc giục đàn bò bước đi thoăn thoắt như muốn đánh bại ánh nắng mặt trời sắp lên. Hành trang của họ là lỉnh kỉnh đủ thứ trên vai như những người dân du mục mỗi lần đi tìm nguồn đất mới. Nhưng đặc biệt là đôi ba chiếc bẫy lồng và những con chim cu đất.

Anh em ông Phê và đàn bò vừa đến hóc Tre thì mặt trời cũng vừa nhô lên từ biển Ðông. Việc đầu tiên ông Phê làm là, mang vài chiếc bẫy lồng có con cu đất trong đó đem treo trên ngọn tre bên cạnh suối nước chảy róc rách. Trong khi đó cha con ông Thuần đã đến hố Cả. Bên cạnh hố Cả là ngọn núi. Trên đỉnh núi, đá lởm chởm và trắng bạc phết như râu của Tiên ông nên được gọi là núi Ðá Bạc. Ông Thuần sửa soạn lại chiếc bẫy đan bằng dây kẻm bóng lóang, và đem đặt dưới đất bên cạnh những hòn đá bạc trên đỉnh núi. Cả ông Thuần và ông Phê vừa làm một công việc có thể là thích thú nhất của một ngày làm trên đồng. Công việc này cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho mùa màng nơi hóc núi, nhưng nó mang lại cả một sự chờ đợi của người đặt bẫy, và nhất là của những đứa trẻ mục đồng nơi đây. Vì đối với tuổi trẻ sống bên núi rừng, không có gì vui thú hơn bằng những chuyện săn bắn!

Mặt trời vừa lên, ánh sáng đang chiếu đều trên cánh đồng trong hóc núi thì cả anh em ông Phê, cha con ông Thuần, những người làm rẫy và ngay cả lũ mục đồng dường như đã có mặt đầy đủ.

Họ, không ai nói với ai, nhưng mỗi người đều đeo đuổi một sở thích riêng.

Những thửa ruộng gò mang màu xanh của lúa len lỏi và được bao bọc bởi những cánh đồi dưới chân núi. Một vài người châm ngọn lửa đốt những đống cỏ khô đâu đó tạo thành những đống un, và khói xanh bay là đà bên bìa rừng. Trong hóc núi này người ta nhìn thấy những thửa ruộng xanh len lỏi bên cạnh chân đồi, bóng dáng trâu bò gặm cỏ trên những rẫy, gò, xa xa trên nền xanh biết của lúa là những người nông dân cặm cụi làm cỏ. Và tiếng chim Giòng Giọc kêu ríu rít bên cạnh những chiếc ổ đu đưa trên ngọn tre. Có lẽ trong các loài chim, chim Giòng Giọc là chim làm cái ổ đẹp nhất! Bằng những sợi tranh tước ra hay những sợi cỏ mong manh, chim Giòng Giọc đan những chiếc ổ có hình thù như quả bầu có cái cổ dài treo ngược trên ngọn tre, trông rất công phu và đẹp mắt. Nhưng ngược lại ổ chim Giòng Giọc là ổ chim cu đất, thô sơ, xấu xí và cẩu thả hết chỗ chê! Chim Giòng Giọc thường treo ổ trên ngọn tre cao chót vót nên rất khó bắt được chim con của chúng!

Con người và thiên nhiên nơi đây đã vẽ lên một phong cảnh tuyệt đẹp và êm đềm như một bức tranh thủy mạc. Trong bức tranh có đủ muôn màu cây lá, có tiếng chim ca hót, tiếng sáo tre, bóng hình người tiều phu bên ngọn đồi, trẻ mục đồng trên lưng trâu, và màu xanh của khói lam chiều lẫn lộn dưới chân núi.

Ngoài màu xanh và mùi khét của đống un với những tiếng khua của lưỡi liềm, của rựa búa, người ta còn nghe tiếng gù của con chim mồi ông Phê đang treo chót vót trên ngọn tre. Ông Phê là người bẫy chim cu đất nổi tiếng nhất trong hóc núi này! Ổng nuôi năm ba con chim cu mồi, và ngày nào vào núi ông cũng mang theo với mấy cái bẫy lồng đan bằng nang tre. Những con chim mồi trong chiếc lồng chật hẹp, với bàn tay sành sỏi ông Phê đã chọn nuôi những con chim cu có tiếng gù, tiếng gáy hấp dẫn khác nhau. Những tiếng cu gáy có nhiều cung bậc và nhiều điệu giọng như giọng kim, giọng thổ. Bên cạnh giọng kim thánh thót và cao vút là giọng thổ trầm trầm. Bên trong giọng trầm trầm của thổ lại còn có thổ đồng, thổ gầm để trêu chọc và thúc giục con chim bên ngoài phải sập bẫy mới chịu! Người sành điệu cho rằng con cu với giọng thổ gầm là quý nhất, cái giọng trầm trầm của thổ đồng xen lẫn với tiếng rù rù và được gáy lên với những cung bậc: của chu như tiếng sáo diều; của mỏ như nhẹ nhàng xa xăm; của vấp như tiếng gáy đưa ra rồi lại đứt khoảng như thút thít nhớ thương; của thừa, đủ và đảo như tiếng gù lạ lẫm, đủ các cung bậc đảo qua đảo lại như tiếng than bi ai, tiếng oán trách sa cơ và tiếng gáy đầy chí khí của một anh hùng thất thế! Cho nên những tiếng gáy tiếng gù của con chim mồi ngày nào cũng mang về cho ông Phê thêm vài con chim cu đất mới, ham vui bị sập bẫy!

Nhưng có lẽ đánh chim cu đất có phần dễ và chắc ăn hơn gài chim Cát. Chim cát là một loại chim sống trên rừng núi, thường đi ăn trong những đám tranh và những hòn đá. Chim Cát thân mình to gần như chim Trĩ, đuôi dài, có màu lông trắng xám. Nhưng chim Cát rất “thông minh” nên cũng rất khó gài được nó. Những buổi chiều khi khi mặt trời sắp lặn, những người làm rẫy bắt đầu ra về thì người ta thường thấy chim Cát xuất hiện trên những mỏm đá. Chúng thường đi một mình cô đơn và phát ra tiếng kêu “cơm cơm cát”. Mỗi lần nghe tiếng kêu não nùng của chim Cát là biết hoàng hôn đang xuống núi, tiếng kêu như nhắc nhở người đi núi đã đến lúc phải trả lại sự bình yên cho rừng hoang!

Nhưng sao gọi là chim Cát?

Tương truyền rằng ngày xưa có một đứa bé gái mồ côi mẹ phải sống với dì ghẻ. Suốt ngày đứa bé bị đày đọa làm việc cực nhọc bắt cua bắt cá trên đồng. Nhưng vì càng ngày càng lớn đứa bé càng xinh đẹp, ngoan hiền nên đã làm người dì ghẻ đem lòng ghét bỏ. Lúc người cha đi vắng người dì ghẻ hành hạ, và đem cát trộn trong cơm cho đứa bé ăn! Vì cơm có cát, đứa bé không ăn được nên ốm o sanh bệnh mà chết đi. Người cha nghe tin con chết trở về đau buồn không hiểu tại sao con mình chết, đem xác con chôn dưới chân núi. Những lúc thương nhớ con, người cha thường lên núi ngồi bên mộ con, mắt u buồn nhìn xuống cánh đồng! Sau này xuất hiện một loài chim thường đứng trên mỏm đá nơi bìa rừng khi chiều về cất tiếng kêu “cơm cơm cát”. Và người đời đặt tên cho nó là chim Cát.

Chim Cát rất hiếm. Người đi gài chim Cát đặt bẫy trên những lối đi nhẳng trên núi, nhưng chim Cát thường “đá” cho bẫy sập rồi mới cắn mồi ăn. Vì chim Cát qúa khôn và khó bẫy nên chiếc bẫy chim Cát phải thật bóng và nhạy. Hơn nữa, vì bẫy chim Cát trên núi nên phải làm bẫy bằng sợi dây kẻm để khỏi bị chồn xé bẫy ăn chim. Sau mỗi lần chim Cát “đá” sập bẫy, rức mồi ăn xong, là tiếng kêu “cơm cơm cát” lại vang đi từ trên đỉnh núi Ðá Bạc, thì cha con ông Thuần tiếc hùi hụi, vì một con chim Cát đã hụt bẫy!

Nhưng trong khu rừng nầy, và người dân nơi đây không những chỉ có thú đánh chim cu đất, gài heo rừng, bẫy voi mà còn săn cọp nữa!

Cách đây gần nửa thế kỷ khu rừng nầy có nhiều thú dữ như: cọp, beo, voi, heo rừng, trâu rừng, và rắn độc, vv… Cho nên mỗi buổi chiều khi mặt trời sắp lặn là mọi người đã rời khỏi cánh rừng! Càng về sau, khi chiến tranh càng sinh sôi nãy nở, thì thú dữ như cọp, heo rừng cũng xuống làng nhiều hơn.

Trước thời chiến tranh Quốc – Cộng, những người giàu có trong làng nầy thường có súng săn trong nhà. Họ là những người như ông Bang Tòng, ông Hội Viên Hầu, ông Tám Giai, ông Tá, ông Lũy. Nói đến ông Tá thì người ta nghĩ ngay đến người thợ săn có tiếng trong ngôi làng này. Ông Tá thường đi săn cọp với cây súng trường. Nhưng ông Lũy cũng là một người thợ săn khét tiếng, nhưng không săn hổ. Còn ông Bang Tòng và anh em của dòng họ Nguyễn Mậu thì thường đi săn chồn với đàn chó săn đến vài ba chục con.

Những buổi trưa trời, gió và nắng đang hun đốt khu rừng thì ông Lũy cũng thường mang cái đụt và cái cần câu đi vào Hố Sâu. Bình thường những người mang cần câu vào Hố Sâu là để câu cá. Nhiều loại cá như cá niêng, cá rô thóc và cá trê, cá tràu (cá lóc), cá leo thường thấy trên hố nước. Nhưng thứ mà ông Lũy đi câu lại không phải là cá mà là rắn … hổ mang! Ông thường đi lùng bên cạnh những bụi cây cao hay những chùm cây to lớn bên suối để tìm rắn hổ mang. Với một cái cần câu và một ít mồi ông Lũy thường bắt những con rắn cực độc mang về bán cho người làm thuốc! Nhưng hôm đó ông Lũy đang truy lùng bên bụi tre cao và rậm, khi phát hiện con rắn hổ mang ngựa thì cũng là lúc nó bay sà sà từ ngọn cây xẹt qua đầu ông! Nhanh như tia chớp, ông Lũy la lên như người bị trúng đạn! Và trong cái đau đớn tận cùng của thân xác là, hai con mắt của ông đã nhắm nghiền! Con rắn hổ mang ngựa bay sà xuống và mổ ngay vào mắt khi ông đang tìm cách bắt nó. Và từ đó ông Lũy trở thành người mù!

Ðúng như người đời có câu: “sinh nghề tử nghiệp.”

Ngày đó, bên cạnh hóc ông Thuần là gò Hầm. Gọi là hóc ông Thuần vì trong hóc núi đó ông Thuần có ruộng rẫy nhiều nhất. Ở đây, nơi nào người nào có nhiều ruộng đất nhất thì nơi đó sẽ được mang tên người đó, như hóc bà Mỹ, hóc ông Hựu, núi ông Chính Hân và hóc ông Thuần. Gò Hầm và Hố Sâu là lối đi lên núi cao, nên là đường đi của cọp beo và các thú dữ khác.

Người ta đi săn không những chỉ dùng súng mà còn đặt kẹm và một cách khác là đào hầm. Những lối mòn ở bìa rừng là đường đi của thú dữ người ta đào hầm có đường kính chừng vài thước và sâu chừng mươi thước. Khi mặt trời vừa lặn, người làm trong rẫy và trâu bò đã ra về thì người thợ săn đi vào rừng, lấy cành cây nhỏ đặt lên miệng hầm, xong phủ lên một lớp lá khô. Rồi họ cũng trở về làng trước khi trời quá tối. Sáng ngày họ là những người vào rừng sớm nhất để xem hầm nào sụp thú dữ qua đêm. Ðôi khi có cả cọp, voi, nai, mang và heo rừng cũng sụp hầm, thế là họ dùng lưỡi mác đâm chết xong khiêng về làng. Của rừng là của trời ban nên mỗi khi được thú rừng lớn là cả dân làng cùng nhau khiêng về làng và chia sẻ cho nhau.

Những người đi rừng thường vác trên vai một cái rựa, nếu không có rựa thì vác một khúc cây. Lý do vác trên vai một vật dài và nhọn là do kinh nghiệm người xưa kể lại rằng cọp vồ người bằng cách phủ trên đầu trên vai phủ xuống, nên khi thấy vật nhọn ông Ba Mươi (con hổ) sẽ không vồ vì sợ bị đâm vào người! Một điều nữa mà người miền núi đồn rằng cọp không vồ người lúc đi lên núi, mà nó sẽ chờ và đón đường khi người đi núi trở xuống trên con đường cũ. Cho nên người đi núi thường trở xuống núi bằng con đường khác khi đi lên. Nhưng có một điều rất thú vị là người ta nói ông cọp kỵ với lỗ tai người, nên nếu vồ người trúng vào lỗ tai là cọp sẽ bỏ chạy! Vì lỗ tai là nhĩ, mà nhĩ cũng là tên của ông Phạm Nhĩ là tướng “cao bồi” của nhà Trời và bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian, phong làm Chúa Sơn Lâm. Mà nay cọp cũng là Chúa Sơn Lâm, tức cọp là con cháu của Phạm Nhĩ, nên cọp kỵ lỗ tai hay lỗ Nhĩ là do điễn tích này ra! Ðiễn tích là điễn tích, nhưng ngày xưa Cha tôi có mướn một số thợ mộc dưới Vạn lên xây nhà. Tôi thấy có một người thợ mộc bị sứt một lỗ tai và lỗ mũi cũng bị trầy trụa. Hỏi ra thì nghe nói người thợ mộc ấy có lần lên Súi Bùn mua gỗ bị cọp chụp trúng lỗ tai nên cọp bỏ chạy! Ðây là những chuyện nghe có vẻ huyền bí của rừng xanh, tin hay không tùy người suy ngẫm. Nhưng sống bên rừng thì những chuyện huyền bí thường được những người trong làng nhắc đến để tô thêm những điều bí ẩn của rừng núi!

Có điều ông Tá đi săn cọp thì người trong làng ai cũng biết. Những buổi chiều khi màn đêm buông xuống, khu rừng trở nên âm u với tiếng kêu rỉ rả của ếch nhái, và hơi thở cây cối đang phà lên khu rừng trước làng, là người ta thấy ông Tá lặng lẽ mang cây súng săn và chiếc đèn măng-xông đi vào rừng. Lúc bấy giờ khu rừng nằm im nên ngay cả tiếng kêu xào xạc của loài cầm thú đi qua người ta cũng nghe tiếng chân. Trong khu rừng nầy có nhiều heo rừng, nai và mang thường xuống lảng vảng ở những đám khoai lang, khoai mì, đậu phụng, vv... Và cũng vì đó mà cọp cũng xuống núi kiếm ăn.

Ông Tá treo một ngọn đèn bên cạnh một bụi cây, và núp bên một bụi cây khác cách xa chừng năm sáu thước. Nghe tiếng rộc rạch ông Tá nhìn về phía tiếng động, mùi hôi nồng sặc bay trong gió xông vào mũi, ông Tá biết ngay là ông Ba Mươi đang về! Ông Tá một tay ôm khẩu súng đã lên đạn sẵn, một tay nắm dây thừng giựt nhẹ chiếc đèn măng-xông làm cho nó lay động. Ánh đèn rung rinh từ chiếc đèn măng-xông làm ông Ba Mươi dừng chân lại nhìn chằm chặp vào chiếc đèn. Trong bóng tối giữa rừng núi, ánh mắt của ông Ba Mươi càng hiện rõ ra như hai quả đôm đóm! Bên cạnh chiếc đèn là miếng thịt heo thúi ông Tá cột chặt vào bụi cây. Ông nắm dây giựt nhẹ miếng thịt gây tiếng động và làm cho mùi hôi miếng thịt bay phản phất trong gió. Ánh sáng ngọn đèn chiếu vào làm miếng thịt hiện ra rõ hơn, và ông Ba Mươi găm mắt vào miếng mồi, hai chân bước nhẹ lên những bụi cây như mèo đang rình chuột! Bây giờ giữa ông Tá và ông Ba Mươi chỉ còn khoảng cách của cái chết!

Những người đi săn cọp ban đêm như ông Tá thường dùng ngọn đèn soi vào hai con mắt ông cọp, dưới ánh đèn đôi mắt cọp sẽ sáng lên như hai vệt lửa. Người thợ săn nhắm nòng súng vào giữa hai vệt sáng, tức là giữa trốt ông cọp mà bấm cò. Nếu ông Tá bấm cò mà hụt giữa trốt ông cọp, thì tánh mạng của ông có thể là miếng mồi ngon cho ông Ba Mươi! Vì hụt vào trốt thì cọp có thể chỉ bị thương nhưng chưa chắc sẽ chết. Cọp bị thương nó càng hung dữ hơn trước và sẽ lao mình vào tấn công người thợ săn! Nhưng ông Tá kinh nghiệm đi săn bấy lâu nay có bao giờ bắn hụt vào trốt đâu! Một viên đạn của ông bay ra là một mạng sống của con thú rừng!

Bình thường người đi rừng thấy cọp là đã run người cầm cập, chân tay cứng đơ miệng không phát ra được nửa lời, nhiều khi vì sợ quá mà chết đứng cũng có. Nhưng ông Tá rất bình tỉnh, vì đây không phải là lần đầu tiên ông đối diện với tử thần “Chúa Sơn Lâm.”

Lúc này ông Tá ghì cây súng săn trong tay, chỉ còn chờ ông cọp bước tới thêm vài bước là trốt ông cọp sẽ lọt vào nút rùi súng. Bóng tối của núi rừng càng dày dặc chung quanh. Ngọn gió thổi từ nơi ông Tá về hướng con cọp rằn to lớn. Nó phục hai chân trước xuống và mắt nhìn trân trân về hướng miếng thịt thúi. Ông Tá gì sẵn bá súng trên tay. Một tiếng gió làm lay đông bụi cây, ông cọp liền nhanh như chớp trường mình phóng đến, nhưng nó không chờm vào miếng thịt thúi mà nó lách mình qua một bên và phủ lên lùm cây nơi ông Tá đang núp. Hai vệt sáng con mắt ông cọp bị lệch đi trong ánh sáng ngọn đèn! Ông Tá liền bấm cò súng, tiếng súng nổ vang rền núi rừng! Tiếng cọp gầm lên giận dữ, rồi quay đầu bỏ chạy!

Ông Tá bắn hụt vào trốt con cọp.

Ðể trấn áp, ông Tá nhồi thêm viên đạn và bắn vào rừng, tiếng đạn nổ vang xé tang màn đêm đi vào bóng tối âm u. Ông Tá hoàn hồn lại, bỏ ngọn đèn ôm súng chạy ra giữa rẫy. Trong giây phút hoảng loạn, ông thấy vệt máu từ trên đầu chảy xuống má, ông sờ lên thì một bên lỗ tai bị rách, máu ướt đẫm. Ông xé vãi áo băng tạm vết thương rồi chạy như bay, rời khỏi khu rừng!

Ông Tá, người thợ săn nổi tiếng trong làng lần đầu tiên bắn hụt cọp và cũng bị cọp vồ hụt. Ðã thoát chết!

Ngày hôm sau người ta vào rừng thấy một vũng máu bên cạnh miếng thịt heo thúi, vệt máu loang từng chấm trên mặt đất và càng lúc càng nhỏ dần vào rừng sâu. Người ta kể lại rằng ông cọp trúng đạn săn ông Tá đêm qua, nhưng không chết!

Một thời gian sau, khi lỗ tai ông Tá bị cọp vồ rách đã bớt, thì ban đêm thường có ông cọp ba chân xuất hiện vào làng, gầm như thác đổ và chạy khắp nơi như đi tìm một điều gì. Và một đêm lính làng phát giác có hai ông cọp về làng, lính nổ súng và bắn hạ một con, con kia thóat chết chạy về rừng. Con cọp bị bắn hạ trong đêm chỉ có ba chân!

Người ta đồn rằng cọp khi bị thương nó thường dùng lưỡi liếm vết thương. Nhưng lưỡi cọp độc nên không làm lành vết thương mà càng ngày càng làm hư thối và vết thương lở loét ra thêm. Người trong làng đoán rằng con cọp ba chân này do ông Tá bắn bị thương. Vì do dùng lưỡi liếm mà cái chân bị thương lở loét rồi cụt luôn, trở thành cọp ba chân. Và người dân trong làng nói rằng có những đêm nó trở về làng tìm ông Tá để thanh toán món nợ cũ!

Sáng ngày lính làng mang xác con cọp bị hạ trong đêm bỏ tại cơ quan hội đồng xã. Những người có con nhỏ trong làng mang con đến cho cởi lưng cọp, với niềm tin là đứa bé sẽ chóng biết nói!

Sau lần đó ông Tá giải nghệ, và một hôm ông đem cây súng săn đổi lấy con trâu mọi trên Súi Bùn. Con trâu to lớn phi thường và có cặp sừng lớn, dài, cong vòng chưa từng thấy! Người ta cũng nói rằng Ông Trâu là hình ảnh của nhà Phật. Có lẽ ông Tá đã quy y, sau lần chết hụt vì săn cọp!

Trên đây là câu chuyện của hơn 50 năm về trước ở làng tôi, xã Nghĩa Thành, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Câu chuyện của một thời thanh bình ở miền quê núi rừng được cha ông kể lại, và một số chính người viết đã kinh nghiệm, mà bây giờ làm gì tìm thấy. Khi núi rừng và sông nước người ta đã tận dụng đến tận gốc ngọn thì thú rừng đâu còn mà săn với bắn! Những người như ông Thuần, anh em ông Phê, ông Tá, ông Lũy và nhiều người trong dòng họ Nguyễn Mậu vang tiếng một thời, nay đã trở thành những người thiên cổ! Có còn chăng là linh hồn của họ may ra còn lảng vảng bên khu rừng này, để những buổi chiều về còn nghe văng vẳng những câu hát trong bài ca của ngày nào:

“Ai đang đi trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê,… Ai đang xay, chày buông lơi nghe tiếng vơi tiếng đầy… nghe … tiếng vơi… tiếng đầy…”

Còn tôi, thì đã xa quê lâu lắm rồi! Và chỉ còn nhớ:

“Trong đêm trăng… tiếng chày khua, ai… hát vang trong đêm trường mênh mang…”

Ðồng Sa Băng
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9