Thiên Hùng
-
Số bài
:
332
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 18.02.2008
|
Re:GÁC CU
-
14.03.2014 03:02:59
(tiếp theo) Hôm sau, đập vừa xong đám lúa của bà Tám Xí, trời cũng chưa đứng bóng, trong lúc thiếm Tư phụ những người khác lo gánh lúa về cho bà, chú Tư Thiệt xách rựa lên bờ ruộng đốn cây trăm bầu đã chết khô mà bà Tám đã cho chú thiếm làm củi . Chú cẩn thận chặt nó ra làm hai để dễ vác về nhà . Quay đi chưa được mươi bước, thì từ trong rặng dừa xa xa, một đàn cu vừa xanh vừa ngói bay đáp xuống đám ruộng vừa gặt . Chú Tư Thiệt nhẩm tính cũng trên vài chục con ... và chú vác khúc củi trăm bầu bước nhanh về nhà . Bước qua cây cầu cau, quăng khúc củi trước sân nhà, ực một gáo nước mưa mát lạnh, như để xua tan hết cái nóng bức, mệt mỏi của một ngày đồng áng, chú Tư Thiệt chụm hai bàn tay vòng ngang miệng làm loa quay ra phía vườn sau nhà : - Phệ ơiiiiiiiiiii ... Phệệệệeeeeeeeệ .... Tiếng thằng Phệ đáp lại to không kém, dường như nó lúc nào cũng sẳn sàng khi chú Tư gọi nó : - Con lên liền Chú Tưuuuuuuuưu .... Vấn vừa xong điếu thuốc rê, ngậm vào miệng chưa kịp bật lửa đốt, chú Tư đã thấy thằng Út Phệ nhảy qua mấy cái mương nhỏ chạy đến cây cầu cau bắt vô nhà chú : - Chú mới về hả, chú ăn cơm chưa ? Trong một xã hội mà cái đói lúc nào cũng rình rập những người dân quê tay lấm chân bùn, câu hỏi "ăn cơm chưa" hình như lúc nào cũng là bắt đầu cho câu chuyện sắp tới của họ . Chú Tư cười : - Tao ăn cơm vắt với thiếm bây trên ruộng rồi . Ê, Phệ ... vô nhà lấy cặp lưới giựt ra, phụ tao cột lại cho cho chắc, rồi lên đám ruộng của bà Tám Xí, có đàn xanh ngon lành mậy, còn mấy thằng kia đâu ? - Tụi nó đang ở chổ chị em con Thảo Quăn vó tép á chú Tư, để con kiu tụi nó ... thằng Phệ nhanh nhẩu . - Ừ, kiu tụi nó đi ... tao vô lấy lưới ra . Bốn tên nhóc : Nó, Út Phệ, Hưng Rèo, Đức Cống có mặt đầy đủ tại nhà chú Tư, và nó đã trố mắt nhìn chú Tư cùng 2 tên Hưng Rèo và Đức Cống thoăn thoắt cột 2 tấm lưới bén nylon vào 2 khung tre gổ, mà mỗi khung lớn gần bằng tấm vạt giường . Họ dường như rất quen với công việc nầy, vì nó thấy 2 tấm lưới bén đều có những mẩu dây màu ngoài rìa khớp với những lằn sơn vẽ trên khung tre , trong lúc thằng Út Phệ đang lục đục làm gì đó trong chuồng nhốt 2 con ngói sau nhà chú Tư, mà chú Tư để dành lại làm con mồi .Rít một hơi để điếu thuốc rê cháy đến tận cùng, chú Tư Thiệt phun cái mẩu thuốc xuống sân, vói tay lấy cái túi bự xự có dây đeo để kế bên, đeo lên vai, chú Tư Thiệt khoan khoái : - Phệ ơi, xong chưa mậy ... xong rồi thì mình đi đi kẻo trễ đó ... - Đi đâu chú Tư ? Nó thắc mắc ... nhưng chú Tư chưa kịp trả lời nó, thì thằng Út Phệ từ trong nhà chạy ra, trên tay cầm chiếc lồng nhỏ, bên trong là 2 con cu ngói, đầu được bịt kín bằng 1 chiếc túi nhỏ màu đen, may vừa vặn với đầu của nó, khoét cái lổ để ló cái mỏ ra mà thôi : - Xong ngay nè, chú Tư ... thằng Phệ vừa nói vừa giơ cao chiếc lồng trên tay . Thấy vậy, Nó càng thắc mắc : - Ủa, bao mặt tụi nó lại chi vậy chú Tư ...? Nhìn vẽ mặt ngây ra của Nó, thằng Hưng Rèo tài lanh : - Thì mầy cứ đi theo thì biết ... có đái ... ị ... gì thì làm bi giờ đi, chứ tới đó thì nội bất xuất, ngoại bất nhập nha em ... Nó còn chưa biết ất giáp gì, thằng Đức Cống lại tiếp : - Mầy đừng hỏi nhiều quá, hổng hên nha mậy hihiiii Nhìn vẽ mặt nghệt ra của nó, chú Tư Thiệt thương hại : - Thì lát nữa biết, nhỏ, mình đi đi ... Và chú Tư Thiệt cùng lũ nhóc, con mồi, với 2 khung tre gổ có 2 tấm lưới bén được quấn cẩn thận lên 1 cạnh khung thẳng đường đến đám ruộng vừa gặt của bà Tám Xí khi trời đã quá xế trưa, cũng là giờ chuẩn bị bửa ăn chiều của lũ chim rừng trước khi về tổ . Những cánh đồng lúa trải dài mút mắt hầu như đã được gặt hái xong, phơi mình dưới nắng trưa, lồng trong cơn gió nhẹ tạo một quang cảnh im lìm chịu đựng, như chủ nhân của chúng, những người nông dân tay lấm chân bùn, suốt đời gắn bó với ruộng nương cây lúa . Thời buổi nầy người ta thường xạ lúa chứ không cấy như xưa, và thường là lúa ngắn ngày, nên khi gặt, cây lúa được cắt gần sát gốc, vì vậy rất dễ dàng cho lũ chim rừng kiếm ăn . Chú Tư Thiệt và bọn nhóc vừa đến bờ ruộng của bà Tám Xí thì quả nhiên ... Rầnnnnnnnnnnnn ... một đàn đủ loại chim vút cánh bay lên hướng về phía Mộ Dương xéo xéo bên Đồng Ông Cộ, mà nhìn theo thằng Út Phệ lẩm bẩm : - Cha, đàn con xanh coi bộ mập dử á chú Tư ... - Thì mập cở mầy thôi ... thằng Hưng Rèo đốp ngay, nhưng thằng Phệ không giận chút nào, nó bỉu môi : - Tao mập đở tốn cơm, còn có thằng ăn như heo vẫn ốm như cò ma á ... hà hà ... Thằng Đức Cống vừa để cái khung tre xuống bờ ruộng là quay sang thằng Phệ : - Mầy chê nó ốm, sao hùi sáng cỏng nó té lên té xuống vậy chứ hả ? ... nói vừa xong thằng Đức Cống cười hà hà khi nhìn 2 cái tai đỏ lên cùng cái mặt quê quê của thằng Phệ . Nhưng đâu phải chỉ một mình thằng Phệ quê vì câu nói của thằng Đức Cống, mà cả Nó cũng thấy mặt mình nóng lên khi sáng nay Nó cũng cỏng thằng Đức Cống trước mắt con Thảo Quăn mới chết chứ, vì thằng Phệ và Nó thua hai thằng kia trong trò chơi đánh Trổng* , bởi hai đứa nó lo nhìn con Thảo Quăn kéo vó, không chú tâm nên không bắt được cây cu do thằng Hưng Rèo tán, phải thua điểm . Nhưng bù lại, Nó được con Thảo Quăn cho coi tập hoạt hình vẽ bọn chúng nó trong mùa hè năm rồi, thay vì phải chờ đến khi Nó gần về lại Saigon, mà khi xem xong Nó phái chí, vì con nhỏ vẽ Nó cũng đâu đến nỗi trụi lũi, xấu hoắc như tụi thằng Phệ đã nói với Nó . * đánh Trổng : một trò chơi của con nít và ngay cả người lớn ở quê tôi . Trò chơi gồm 2 thanh tre đực (tức loại tre đặc ruột) - thanh lớn dài khoảng 6 tấc, lớn bằng cườm tay gọi là thanh Trổng - thanh nhỏ dài khỏang 1,5 tấc , lớn bằng ngón tay cái gọi là thanh Cu - Sân chơi thường là ngoài ruộng khô hay vườn rộng ... Người chơi chia 2 nhóm với số người bằng nhau, bao nhiêu người 1 nhóm cũng được, và cuộc chơi có 3 phần : - phần đầu tiên gọi là VÍT - xẻ 1 cái rảnh nhỏ dưới đất ruộng ... đặt thanh Cu nằm ngang cái rảnh, dùng thanh Trổng vít nó ra phía trước, càng mạnh càng xa càng tốt ... mà lúc nầy phe đối phương đã dàn hàng ngang hay dọc, tùy, đón bắt thanh Cu nầy ... nếu họ bắt được thì anh Vít coi như chết ... ra ngồi ngoài ngó ... nếu không thì thanh Cu rớt xuống chổ nào, người của phe đón bắt lúc nảy sẽ có 1 người, người nào cũng được, thường họ chọn người ném hay nhứt, cầm thanh Cu ném về thanh Trổng, lúc nầy đã được người Vít đặt nằm ngang cái rảnh lúc nảy . Ném trúng thì anh Vít cũng chết ... ném hụt thì anh ta được tiếp qua phần 2 . - phần thứ hai gọi là TÁN - cầm thanh Trổng và thanh Cu trên cùng 1 tay thôi, thẩy thanh Cu lên cao (bao nhiêu cao cũng được tùy theo mình), khi nó rớt xuống thì dùng thanh Trổng tán mạnh nó về phía trước, nơi mà nhóm đối phương cũng dàn ra để bắt ... Cũng vậy, đối phương bắt được thì anh vừa tán ra ngồi ngoài, bắt không được thì thanh Cu rớt xuống chổ nào, anh tán sẽ dùng thanh Trổng đo chiều dài của khỏang cách từ chổ đó đến cái rảnh, bao nhiêu thanh Trổng là bấy nhiêu điểm . Tán hụt, cũng ra ngồi ngoài luôn hiihiiiii . Sau khi đếm điểm xong, anh ta sẽ qua phần 3 ... - phần thứ ba gọi là CHẶT GỒNG : để thanh Cu nằm nghiêng trên cái rảnh, 1 đầu ló lên , dùng thanh Trổng đánh ngay đầu nầy cho thanh Cu bật lên cao, rồi dùng thanh Trổng đánh mạnh về trước khi nó rớt xuống ... kế tiếp và tính điểm như tán vậy ... chặt hụt, tức thanh Cu không nẩy lên cũng chết, đánh hụt khi thanh Cu rớt xuống cũng chết ... Cứ thế luân phiên ... mỗi người chơi qua 3 phần như vậy ... tính điểm cộng cả nhóm, nhóm nào nhiều điểm là thắng . Với con nít luôn là chơi ăn cỏng ... tức phe thua phải làm ngựa cho phe thắng cởi chạy cả vòng sân ná thở hihiihii . Và TH tuy không rành môn baseball của mấy anh Mỹ ... nhưng sao thấy nó cũng hao hao như đánh Trổng của quê TH hiihiiii . Nó mở cặp mắt to thao láo nhìn chú Tư Thiệt cùng tụi thằng Phệ, Hưng Rèo, Đức Cống thật nhanh nhẩu bày đồ nghề để giăng chiếc bẩy lưới trên đám ruộng của bà Tám Xí . Hai khung tre có gắn lưới bén bây giờ đã như hai cánh cửa bật áp sát mặt đất ruộng, được giữ nằm yên bởi một bên là 2 vòng sắt có chân dài khỏang 6 tấc cắm lút xuống đất ruộng như cái bản lề, bên đối diện bởi 1 cái chốt bằng cây mù u, bởi loại cây nầy thật dẽo không bao giờ gảy ngang bất tử và nó được căng bởi 2 sợi dây thun đen thật lớn cắt từ ruột xe hơi . Cái chốt giữ được nối một sợi dây cước thật dài , người đánh bẩy chỉ cần kéo sợi dây cước nầy để nhả cái chốt cây mù u thì hai khung tre sẽ bật ngược chiều nhau, tung hai tấm lưới bén trùm lại khỏang không gian giữa hai khung tre đó ... dĩ nhiên đám chim rừng ngờ nghệch kiếm ăn trong đó sẽ bị bắt trọn gói, vì chúng không thể nào bay nhanh lên để thoát qua 2 tấm lưới từ trên chụp xuống ... và 2 con ngói bị thằng Phệ trùm kín mắt, là con mồi được thả vào bên trong giữa hai khung tre nầy, dĩ nhiên chúng nó 1 chân bị cột bằng dây cước vào một khoen sắt cắm xuống ruộng cho khỏi bay trốn . Sau cùng là bọn trẻ chạy đi kiếm gom những bông lúa rơi vải nhiều nơi bỏ vào xung quanh chổ 2 con mồi đang đứng làm thức ăn để dụ lũ chim rừng. Bẩy giăng coi như đã xong, người đánh bẩy chỉ cần cầm thủ hai sợi dây cước nối với cái chốt, tìm chổ dưới gió, núp thật kỷ và chờ đợi ... và thường thì họ núp trong mấy cái chòi tránh nắng của nông dân lúc nghỉ tay uống nước ... Nói thì dài dòng, chứ chú Tư Thiệt và tụi nhóc đã giăng bẩy thật nhanh, và bây giờ thì năm chú cháu kẻ đứng người ngồi, trong cái chòi lá ở đầu trên đám ruộng của bà Tám Xí đăm mắt nhìn vào bẩy, mà trên tay chú Tư và thằng Phệ lăm lăm sợi dây cước ... Hai con ngói mồi, sau một lúc đứng yên, trong hương gió đồng, chúng theo phản xạ tự nhiên đã đập cánh bay lên, nhưng sợi dây cước cột chân đã khiến chúng té lộn nhào xuống, và chắc lần đầu tiên bị mù bất đắc dĩ nên chúng sau vài lần thử bay không được đã chịu đứng yên ... và không biết những lần chớp cánh của chúng như vậy có gây sự chú ý của đám chim rừng nơi đâu đó không, mà chú Tư Thiệt bỗng đưa 1 ngón tay lên ngang miệng ra dấu cho bọn trẻ im lặng dù rằng nảy giờ chẳng có thằng nào hó hé lời gì, khi nghe vẳng lại xa xa tiếng rúc gù gù quen thuộc của loài cu ngói ... Nắng chiều xế dần trong tiếng gió đồng lướt qua hàng cây trăm bầu trồng dọc theo các bờ ruộng, chú Tư Thiệt đang lơ đảng vì thèm rít một hơi thuốc rê thì thằng Út Phệ bỗng kéo nhẹ chéo áo chú nháy mắt vào chổ chiếc bẩy, mà nhìn theo chú vừa thấy một con ngói rừng đáp xuống kế bên hai con ngói mồi vì bị bịt mắt nên vẫn đứng yên gà gật, rồi con thứ hai, thứ ba ... nhưng vẫn không thấy bóng dáng đàn xanh ... nên năm cặp mắt vẫn mở to chờ đợi ... Chờ lâu sốt ruột, và chắc thằng Phệ cũng muốn biểu diễn cho Nó xem, nên thằng Phệ nhìn chú Tư chớp chớp mắt . Hiểu ý thằng Phệ, chú Tư mĩm cười gật đầu, và như cùng lúc, chú Tư, thằng Phệ cùng giật mạnh sợi dây cước trong tay ... Ràoooooooo ... Hai tấm lưới bén vươn lên từ trên không chụp xuống theo đà bật của hai khung tre vừa thoát khỏi cái chốt gài ... Tụi thằng Hưng Rèo, Đức Cống reo lên bám lưng thằng Phệ vừa ném qua bên sợi dây cước trong tay chạy ra chổ cái bẩy, Nó cũng chạy theo khi thoáng thấy vài cánh chim bay lên, nhưng bị vướng vào tấm lưới đang chụp xuống . Chú Tư thản nhiên móc gói thuốc rê định vấn một điếu, nhưng không hiểu sao, chú lại cất vào túi và bước ra theo lũ nhóc . Vừa thấy chú Tư, thằng Út Phệ to mồm nhứt : - Chú Tư ơi, không phải chỉ có 3 con ngói lúc nảy đâu ... còn, còn, còn ... Nó chắc vì quá mừng nên cà lăm cà lặp ... nhưng chú Tư Thiệt cười hà hà vì chú đã hiểu ngay là thằng Phệ định nói còn gì : - Tao biết chắc giờ nầy thế nào cũng có vài tên gà nước, chàng nghịch mò đến đây kiếm chác ... tụi bây gở từ từ, coi chừng rách lưới mắc công vá đó ... Ê, sao tụi bây không đem cái lồng ra đây, bắt lũ chim nầy rồi túm quần tụi bây nhốt nó à ... ? Bốn tên nhóc, không tên nào chịu quay lại cái chòi để lấy cái lồng lúc nảy thằng Phệ dùng để nhốt 2 con ngói mồi, khi chúng dồn ánh mắt vào những đôi cánh chim đang cố vùng vẩy bên trong 2 tấm lưới bén . Chú Tư Thiệt gật gù : - Để tao lấy ra cho, nhưng không thằng nào được mó tay vào ... nhưng chú Tư Thiệt chưa nói hết câu, thằng Hưng Rèo đã mau mắn : - Thôi để con dzọt cho mau chú Tư ... và không đợi chú Tư Thiệt đồng ý, thằng Hưng Rèo, đúng là tên giống như người, đã phóng nhanh về phía chòi, lấy cái lồng không đem lại chổ bẩy, vì nó biết không có cái lồng nầy, chú Tư cũng có cho tụi nó gở bắt mấy con chim dính bẩy ra đâu . Đón chiếc lồng không trong tay thằng Hưng Rèo, chú Tư đưa cho Nó : - Ê, nhỏ ... mầy chưa biết cách gở bẩy, vậy cầm đi ... rồi theo tụi nó coi cho biết nha ... Được rồi, ê ... mỗi bên được bao nhiêu con mậy Phệ ? Thằng Phệ chắc cũng không biết đích xác được bao nhiêu con chim dính trong bẩy : - Bộn chú Tư ơi, gở được chưa chú ? - Ừ, tụi bây dời được con nào ra đầu góc, nhớ bắt ra ngay, đừng ham dời nhiều con lại cùng lúc, không khéo lại để bay mất mấy con như hôm rồi nghe, để tao thu dọn đồ nghề cho ... - Dạ, chú Tư an chí, tụi con biết rồi ... Nói xong tụi thằng Phệ, Hưng Rèo, Đức Cống nhào vô hai tấm lưới, trong lúc Nó cũng háo hức cầm chiếc lồng không nhìn theo ... - Một em, ahahhaaaa , mập ú ... tiếng thằng Phệ ... Ê, Trụi đem chiếc lồng lại đây . Nó chạy lại chổ thằng Phệ, thằng Phệ mở cửa lồng và bỏ vào 1 con ngói vừa bắt trong bẩy ra, và sau đó thì nội chạy qua qua lại giữa 3 thằng khỉ kia, Nó cũng đã thở hào hển, nhưng không phải vì chạy mệt mà vì phái quá khi nhìn lũ chim rừng đập cánh loạn xạ trong chiếc lồng của Nó, mà Nó nhẩm đếm đã gần được chục con nào Ngói, Chàng nghịch, Ốc cao, Sắt ô ... và cuối cùng là 1 con Gà nước bự xộn nhưng thằng Đức Cống không bỏ trong chiếc lồng của Nó mà dùng dây cước cột hai chân đưa cho Nó xách bên ngoài, vì chú Tư nói còn để chổ trong chiếc lồng cho 2 con ngói mồi . Năm chú cháu thu dọn lưới và chiến lợi phẩm xong thì trời đã hoàng hôn, nhìn chung quanh thấy không còn bóng người và trên khoảng trời xanh rộng bao la từng đàn chim rừng đang rủ nhau về tổ, bay về phía Đồng Ông Cộ, Mộ Dương ... Chú Tư Thiệt thấy thèm vô cùng hơi thuốc rê : - Thôi về được rồi, tao thèm thuốc quá ... - Ủa, chú thèm sao không hút đi ... thằng Đức Cống nhìn chú Tư . - Mầy ngu quá, nếu chú Tư hút thuốc chổ nầy, để lại hơi tụi chim rừng hửi thấy thì còn bẩy bung gì nữa chứ ... thằng Phệ cắt lời thằng Đức Cống ngay . Chú Tư Thiệt cười hì hì : - Phệ, mầy hay ha ... mơi sáng đàn xanh thế nào cũng tới, a lê, đi về ... (còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.03.2014 03:04:28 bởi Thiên Hùng >
Mây thiếu gió, mây buồn rơi xuống thấp Gió thiếu cây, há được gọi cuồng phong Cây thiếu hoa, sao tránh khỏi thẹn lòng Hoa thiếu bướm, hoa thẫn thờ rũ cánh
|