Lời giải đáp cho mình

Tác giả Bài
tahuudinhqn
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 30.08.2010
Lời giải đáp cho mình - 06.03.2014 10:47:37
                    LỜI GIẢI ĐÁP CHO MÌNH
 
                                                           Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Đọc bài: “Vấn đề Hồ Xuân Hương đã rõ”, của nhà thơ Trần Nhuận Minh (TNM), in trên báo Hạ Long (số 434, ngày 20/4/2013). Không thấy tác giả đề cập đến chuyện Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc, khiến tôi băn khoăn tự hỏi vì sao vậy?... Rồi sau mới suy ra rằng, trong bài viết ấy TNM đã khẳng định toàn bộ sự nghiệp văn chương của Hồ Xuân Hương (HXH) chỉ có duy nhất một tập “Lưu hương ký”. Còn tất cả những bài thơ khác rất nổi tiếng của bà, đều do các ông đò nho sáng tác và nhuận sấc. Cho nên anh cố ý bỏ qua chuyện HXH và Tổng Cóc đi, để dễ sử lý bài viết. Vì, nếu để thì “vướng” bài thơ “Khóc Tổng Cóc”, là bài ở ngoài tập “Lưu hương ký” mà anh đã không thừa nhận là của HXH. Còn nếu khẳng định HXH không lấy Tổng Cóc, thì sẽ phát sinh ra câu hỏi: Ai là tác giả bài thơ “Khóc Tổng Cóc”, và vì sao tác giả lại phải mượn danh HXH để làm bài thơ đó?
Muốn biết đích xác vấn đề này, tôi đã gọi điện hỏi, và trao đổi với TNM rằng: Tôi có đọc một bài viết về HXH và Tổng Cóc, in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Vì đọc đã lâu (năm 2007), cho nên không nhớ tên bài và tên tác giả. Nhưng vẫn nhớ rất rõ là, trong bài báo ấy có in cả ảnh chụp ngôi nhà gỗ của Tổng Cóc để chứng minh. Và nhất là nhớ rằng người ta đã tìm thấy đôi lộc bình gỗ có bút tích của HXH. Vậy, vì sao trong bài viết của anh lại bỏ qua vấn đề này? Trần Nhuận Minh không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của tôi, mà bảo: “Bài viết đó là văn hoá dân gian”. Còn bài viết của anh là; “Văn chương bác học, bàn về thơ và con người HXH”.
À, thì ra là thế! Như vậy là cả cuộc đời và thơ của HXH, TNM đều chia ra thành hai nửa. Thơ thì nửa này là của bà, nửa kia là của các ông đồ. Còn đời bà thì nửa trước mọi người (trong đó hẳn là không có TNM) vẫn tin là bà lấy Tổng Cóc, thì thuộc về dòng văn hoá dân gian. Tức là loại hình văn hoá truyền miệng. Từ miệng người này sang tai người kia. Không có chữ viết, và cũng chẳng có gì là sở cứ. Cho nên sự việc được phẩn ánh có thể đúng, có thể sai. Hoặc có thể có, nhưng cũng rất có thể không có.
Cái kiểu lập luận mập mờ, lấp lửng như vậy có lẽ đó là sở trường quen thuộc của TNM, muồn gieo vào lòng người đọc một sự hoài nghi cần thiết, để mình phủ định một vấn đề gì đó. Mà ở đây thì chắc là vấn đề HXH và Tổng Cóc? Còn nửa sau đời HXH là từ ngày bà lấy ông Tham hiệp Trần Phúc Hiển, cho đến ngày bà chết theo chồng ở chùa Yên Tử, là thuộc về dòng văn chương bác học. Tức là loại văn chương quảng bác, cao siêu, cao cả mà TNM đã sử dụng để viết bài: “Vấn để Hồ Xuân Hương đã rõ” mà chúng ta đã đọc.
Thưa bạn, mở đầu lịch sử nước ta là chuyện Lác Long Quân lấy Âu Cơ, sinh một trăm con trai (tục truyền từ một trăm trứng). Người con cả được nối ngôi cha là Hùng Vương… Đó cũng là truyền thuyết, là văn hoá dân gian đấy chứ. Nhưng ngôi đền Hùng Vương đang tồn tại ở xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thì là sự thực 100% chứ có phải là huyền thần thoại đâu?
Trong bài: “Thư ngỏ gửi nhà thơ Trần Nhuận Minh”, tôi có yêu cầu anh cho biết, trong thực tế HXH có lấy Tổng Cóc Không? Nếu không, thì ai là tác giả bài thơ “Khóc Tổng Cóc”? Và vì sao người ấy lại phải mượn danh HXH để làm bài thơ đó? Bài viết này đã được đăng tải trên trang mạng của nhà thơ Trần Nhương. Nhưng rất tiếc, đến nay đã hai ba tháng trôi qua, mà vẫn chưa thấy hồi âm! Có thể TNM chưa đọc chăng?...
Thế rồi bỗng một hôm tôi gặp may, lại tìm thấy cái mình cần. Đó là tờ báo Văn nghệ số 30, ngày 28/7/2007, trong đó có bài: “Phát hiện bút tích của Hồ Xuân Hương tại nhà Tổng Cóc”, của nhà nghiên cứ văn hoá dân gian Dương Đình Minh Sơn (DĐMS). Để bạn đọc (ai chưa có dịp đọc bài báo này) tiện theo dõi diễn biến câu chuyện, tôi xin lược trích nội dung bài báo ấy như sau:
“… Cách đây hơn chục năm, chúng tôi lên nghiên cứu lễ hội “Nõ Nường” (Trò Trảm) ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Biết tôi nghiên cứu văn hoá dân gian, nhà giáo Bùi Văn Lợi nói: “Chuyện Hồ Xuân Hương với Tổng Cóc Là có thực. Nếu các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ được vấn đề này trên văn đàn, thì địa phương chúng tôi vui mừng và cảm ơn lắm”. Rồi ông dẫn tôi đi xem các hiện vật của Tổng Cóc và Hồ Xuân Hương để lại. Trong đó tôi lưu ý đôi lộc bình gỗ mít sơn then, hiện ở nhà anh Bùi Văn Thắng, người cùng xã. Mỗi chiếc lộc bình có hai câu thơ chữ Hán. Cả bài chúng tôi dịch như sau:
“Dù tấm gương trong như ngọc bích
Xuân tàn tạo hoá cũng bó tay
Chi bằng ta đang vin cành quế
Tha hồ hoa biếc ngát hương bay”
Nếu so bài thơ này với bài “Vịnh tranh tố nữ” của Hồ Xuân Hương:
“Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
Xiếu mai chi dám tình trăng gió
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh”
Thì, tuy chúng tôi không dám khẳng định, nhưng tứ thơ và khẩu khí trong từng con chữ của bài thơ đề trên lộc bình, không thể là của ai khác, mà hẳn đó là của Hồ Xuân Hương”.
Trong bài viết này tác giả Dương Đình Minh Sơn đã trích một số dòng ở  tập: “Hồ Xuân Hương thơ và đời”, của Lê Xuân Sơn như sau: “Tương truyền cụ “Đồ Xứ” quê ở Quỳnh Đôi, Nghệ An, dòng dõi họ Hồ, cùng chi và đồng hàng bệ với vua Quang Trung. Cụ dậy học ở vùng Sơn Vị (tức tổng Sơn Vị, nay là xã Tứ Xã). Một hôm về thăm nhà, khi đi cụ cho cô con gái út đi theo để học, tên cô là Hồ Phi Mai…” (tức HXH sau này-THĐ). Đồng thời, ông DĐMS cũng trích trong tập: “Hồ Xuân Hương-Con người-Tư tưởng-Tác phẩm”, của Hoàng Bích Ngọc một số dòng: “HXH đẹp người, đẹp nết, thanh tao, đôn hậu, đầy tính nhân văn, văn chương kiệt tác, tâm hồn khoáng đạt mạnh mẽ,,,”.
Rất tiếc là nhà nghiên cứu văn hoá dân gian DĐMS, đã không cho bạn đọc biết hai tập sách ấy do NXB nào in và in vào năm nào, ở đâu? Nếu đúng như vậy thì đến nay đã có bốn tác giả, viết bốn tập sách về HXH, chứ không phải chỉ có Lê Tâm và Xuân Diệu như chúng ta đã biết.
Tác giả Dương Đình Minh Sơn viêt: “…Tổng Cóc không phải là trọc phú ngu si. “Cóc” ở đây là cậu trời, là “gan cóc tía”, một công tử hào hoa, giỏi thơ văn, nhà cự phú giầu có nhất vùng. Tổng Cóc nguyên là Chánh tổng, tên thật là Nguyễn Quang Hoà, ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Xuất thân trong một gia đình dòng dõi, đã từng lều chõng đi thi, nhưng không đỗ. Anh ruột là Nguyễn Quang Lễ, đỗ tú tài, được bổ làm Huấn đạo, cha là “Cậu Ấm” con quan Nghè. Ông nội là Nghè Giáp, Nguyễn Quang Thân, đỗ tiến sĩ năm 1680, tên ghi ở bia 48, Quốc Tử Giám. Thuở đôi mươi, Tổng Cóc đã tòng chinh đạt lên chức Đội, được gọi là Đội Kình. Người ta ví ông như loài cá kình để khen sự tháo vát tài giỏi. Cụ Đồ Xứ gả cô con gái yêu cho Tổng Kình là đặt con vào chỗ giầu sang, quyền quý để con ấm thân. Đồng thời chỗ ngồi dậy học của cụ cũng được ổn định lâu dài. Mặc dù Tổng Cóc đã có hai vợ. (Ở vùng này ngày xưa tám chín tuổi đã có vợ cả). Nhưng khi lấy HXH, Tổng Cóc mới 30 tuổi, “đang xoan”.
“…Anh Nguyễn Bình Phúc, cháu bẩy đời của cụ Tổng Cóc dẫn tôi đi xem các nơi tồn tích của tổ tiên anh. Xóm của Tổng Cóc nằm trong giáp Thạch Cáp, nay là cụm 19, hiện còn một ngôi nhà gỗ (có ảnh in cùng bài báo). Anh bảo: “Cả vùng này trước kia đều là vườn đất của cụ Tổng Cóc, nay phần nhiều là thổ cư của con cháu trong nội tộc. Còn cái hồ kia, bây giờ là của xã…Tương truyền gọi là “Nguyệt Hồ” của cụ Tổng Cóc. Giữa hồ dựng một ngôi nhà, có cầu “kiều” bắc qua, để bà HXH nghỉ ngơi, ngắm trăng, làm thơ, dậy học và tiếp các bạn thơ của chồng…”.
Kết thúc bài báo, ông Dương Đình Minh Sơn viết: “… Nay đã đến lúc cần làm sáng tỏ vấn đề này, hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị cuộc Hội thảo “Mối quan hệ giũa Tổng Cóc và Hồ Xuân Hương”, do Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phat huy văn hoá dân tộc chủ trì, kết hợp với UBND huyện Lâm Thao, UBND xã Tứ Xã và gía tộc Tổng Cóc họ Nguyễn Bình…”.
                                                    *
                                                  *    *
Xin trở lại lúc tìm thấy tờ báo, tôi đọc lại bài : “Phát hiện bút tích của Hồ Xuân Hương ở nhà Tổng Cóc”, của ông DĐMS một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng. Trước những chứng cứ và luận điểm của tác giả dẫn giải cụ thể, khiến tôi hiểu rằng, đây chính là lời giải đáp cho mình về vấn đề HXH và Tổng Cóc. Vì tôi tin, cũng như nhà giáo Bùi Văn Lợi ở Tứ Xã biết chuyện HXH và Tổng Cóc là có thật.
Tôi tin còn vì một lý do nữa. Đó là họ chúng tôi cũng có một ông Tổ bầy đời. Tuy không nổi tiếng như Tổng Cóc. Nhưng Tổ cũng làm chánh tổng, cũng giầu có, và cũng lấy hai ba bà vợ như Tổng Cóc. Họ chúng tôi không còn gia phả. Nhưng: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Chỉ nhờ vào di ngôn từ đời nọ truyền sang đời kia, mà hơn 200 năm sau, cả họ ai cũng biết sinh thời Tổ làm gì? Các bà vợ của Tổ sinh ra những ai là con? Con sinh ra những ai là cháu? Cháu sinh ra những ai là chắt? Cứ thế kế tiếp nhau như một dòng nước chẩy, chẩy mãi về sau… Phần mộ của Tổ ông và các Tổ bà để ở đâu? Giỗ Tổ vào ngày nào? Và năm nào ngày giỗ Tổ, con cháu, dù làm ăn ở đâu xa, cũng về giỗ Tổ. Thế thì chuyện về ông tổ bầy đời (Tổng Cóc) của anh Nguyễn Bình Phúc ở Tứ Xã cũng là sự thật, chứ không phải là truyền thuyết, là huyền thoại được.
Vậy tại sao trên văn đàn nước ta lại có chuyện nghi ngờ một sự thật hiển nhiên như vậy?
Thiết nghĩ, lỗi lầm trước hết là thuộc về các nhà viết sử. Lịch sử đã không dành cho nhà thơ của đất nước một dòng nào. Cho nên hậu thế không có thông tin chính thức và đầy đủ. Người ta chỉ biết một phía HXH là nhà thơ nổi tiếng, Còn Tổng Cóc, chỉ riêng cái danh xưng là “Cóc” đã đủ để phẩm giá của ông tụt xuống hàng thấp nhất trong bậc thang xã hội rồi. Song, ông lại làm chánh tổng, khiến người ta tưởng ông là một tên troc phú ngu si, dốt nát. Như trên văn đàn thời “Tự lực Văn đoàn” vẫn gán cho bọn người này cái biệt danh là “Lý Toét”, “Xã Xệ” để châm biếm, đả kích. Một tên “Lý Toét” như Tổng Cóc mà lại là chồng của một nữ sĩ tài danh như Hồ Xuân Hương thì không thể chấp nhận được ! Rồi từ sự chênh lệch tưởng tượng đó đã dẫn đến sự nghi ngờ. Rồi từ nghi ngờ dần dần đã đi đến phủ định. Người ta cho đó là chuyện hoang đường bịa đặt.
Nếu người ta biết sự thật về bản thân Tổng Cóc, như bài viết trên kia của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian DĐMS. Và nhất là nếu người ta hiểu đúng sự thật là Tổng Cóc đã kết hôn với Hồ Phi Mai, chứ không phải là với Hồ Xuân Hương. Vì khi đi lấy chồng, theo tập quán thời bấy giờ, xuân xanh của cô nữ sinh Hồ Phi Mai chắc chỉ độ “Trăng tròn lẻ” . Mà ở tuổi ấy thì cô chưa thể là nhà thơ Hồ Xuân Hương nổi tiếng được.
Vậy thì một cô nữ sinh, con gái ông Đò nho, kết hôn với anh Tổng Cóc là “Xứng đôi phải lứa”, là “Môn đăng hộ đối”. Chứ đâu phải là “Đũa mốc lại chòi mâm son”. Mà bấy lâu thiên hạ nghi ngờ oan uổng cho họ!./.
 
                                                TP Uông Bí, ngày 15/11/2013
                                                                Tạ Hữu Đỉnh