Ngày đó, tôi vượt biển thành công, vào trại tỵ nạn Thái Lan và quen Thúy.
Thúy bằng tuổi, đẹp và hát hay lắm. Tôi lại biết đàn guitar. Hai chúng tôi cùng làm chung trong ban thư viện trại, gặp gở hằng ngày. Hạp nhau như vậy đó, nhưng thời gian gần gủi còn ít ỏi nên chỉ mới mến nhau như hai ngưòi bạn.
Thúy vào trại trước khá lâu, nên quen chỉ được hai ba tháng ngắn ngủi, gia đình nàng có giấy lên đường định cư tại Mỹ. Đêm trước ngày Thúy rời trại lên đường định cư trúng vào dịp trăng tròn Trung Thu nên Ban chấp hành trại có tổ chức một buổi văn nghệ gọi là vừa mừng Trung Thu, vừa tiễn chân những người may mắn sắp được qua Mỹ xây dựng lại tương lai.
Buổi văn nghệ, Thúy nhận lời hát giúp vui môt bản. Nàng yêu cầu tôi đệm đàn guitar cho nàng lần cuối để ghi lại một kỷ niệm chung cho hai đứa.
Đêm đó, hai chúng tôi được giới thiệu là “Lê Uyên và Phương của Thái Lan”. Thúy hát thật xuất thần, và tôi tuy lần đầu trình diễn trước đám đông nhưng cũng hoàn thành nhiệm vụ. Nói nào ngay, chỉ có một cái Micro nhỏ xíu cho ca sĩ nên khán giả chỉ nghe và ngắm “Lê Uyên” Thúy nức nở với bản nhạc “Ngăn Cách” chứ đâu ai thèm để ý tới “Phương” ThaiNC khép nép đứng sau lưng ôm đàn mà làm chi! Nói thiệt, nhiều khi tôi còn không nghe được tiếng đàn của mình nữa là khán giả.
Sau khi bản nhạc chấm dứt trong tiếng vổ tay vang dội với những tiếng “BIS!” “BIS!”. Có tên còn nêu đích danh bản nhạc ruột của Thúy ra yêu cầu “Huyền Thoại Người Con Gái … đi Thúy ơi”. Tiếng hoan hô và yêu cầu rầm rộ làm Thúy cao hứng quay lại nói với tôi “Huyền Thoại Người Con Gái nghe Thái”
Vậy mà tôi đành lòng nói “Không” với Thúy thật phủ phàng, và không để cho Thúy kịp hỏi tại sao, tôi bước một mạch xuống sân khấu làm Thúy cũng ngỡ ngàng. Thúy có thể hát không cần đàn, nhưng có lẽ cũng mất hứng nên bước xuống theo không hát thêm một bài nào nữa.
Sáng sớm hôm sau tôi muốn gặp Thúy để nói vài lời giải thích, nhưng lúc này mọi người đều bận rộn tiễn đưa nhau. Thúy cũng vậy, nên hai chúng tôi không có một phút nào nói chuyện riêng với nhau được.
Xe đã bắt đầu lăn bánh rời cổng trại mà tôi vẫn chưa nói được lời nào. Thúy ngồi ngay cửa sổ nhìn xuống xe thấy tôi đứng. Nàng vẩy tay chào không nói một lời, mặt buồn rười rượi. Không biết Thúy buồn vì giận tôi, hay buồn vì đang từ giả người bạn một thời khốn khó bên nhau, và tương lai không biết khi nào sẽ gặp lại.
…
Chúng tôi mất liên lạc từ đó mãi đến hôm nay.
Ba mươi bốn năm đằng đẵng.
Thúy đã là …bà ngoại của đưá cháu xinh xắn. Không hiểu sao chúng tôi vẫn còn nhận ra nhau mới kỳ lạ !
Hàn huyên thăm hỏi một hồi, bắt đầu nhắc đến cái đêm văn nghệ năm xưa đó. Nỗi niềm tâm sự chất chứa bao nhiêu năm của tôi bây giờ mới được giải bày.
Ngày đó, tôi chưa kịp nói cho Thúy biết rằng, tay đàn guitar của tôi còn non yếu lắm. Tôi chỉ mới biết đàn sơ sơ vài bản nhạc tủ và một vài điệu slow hay Boléro ruột là còn vỏ vẻ chút đỉnh, còn ngoài ra là tôi ấm ớ ngay. Đại khái với những thằng không biết đàn thì tôi là thằng chột làm vua mà thôi.
Lúc đó, người biết đàn thực sự và đầy đủ căn bản nhạc lý là anh Dũng. Anh Dũng hơn tụi tôi khoảng 6, 7 tuổi, là trưởng ban thư viện kiêm trưởng ca đoàn nhà thờ của trại, anh là anh cả của cả bọn tôi. Nghe nói anh có hôn thê vượt biên trước và đang chờ anh ở Mỹ.
Anh Dũng thương và coi tụi tôi như em. Những khi ngồi hát hò văn nghệ bỏ túi với nhau, những bài căn bản dễ dàng, anh Dũng biết tôi có thể đệm được thì anh để cho tôi chơi. Còn những bài nhanh và khó thì anh ấy đỡ hết. Trông bề ngoài thì có vẻ như tôi và anh ấy chia nhau đàn, chứ đâu biết anh ấy là sư phụ, và tôi chỉ đáng làm học trò.
Cả Thúy cũng không nhận ra điều này. Nàng thấy rằng mỗi lần họp mặt ca hát, bản nào nàng ca cũng có người đàn theo, lúc thì tôi, lúc thì anh Dũng, đâu có gì trở ngại.
Cho nên, bản nhạc “Ngăn Cách” chơi theo điệu Boston chậm, và tôi có chuẩn bị trước nên có thể đệm theo dễ dàng, chứ còn bản “Huyền thoại người con gái” này thuộc loại kích động và nhanh, tôi lại chưa chuẩn bị. Bể dĩa là cái chắc!
Nhưng khi đó tôi không đủ can đảm thú nhận mình không biết. Chỉ nói một chữ “không” trơ trụi như vậy bảo sao Thúy không trách và buồn cho được? Tôi biết, nhưng thà để cho Thúy trách rồi sẽ giải thích sau chứ không dám gồng mình đàn cho nàng ca.
Câu chuyện là vậy đó. Thời gian qua thỉnh thoảng ngồi nhớ lại những lỗi lầm thời trai trẻ, tôi vừa tức cười vừa bứt rứt vì chuyện này.
Nghe tôi nói xong, Thúy cười an ủi.
- Thôi Thái quên chuyện đó đi. Thúy biết lâu rồi. Thông cảm, thông cảm.
Tôi ngạc nhiên
- Sao Thúy biết?
Nàng hỏi lại:
- Biết ông xã Thúy là ai không?
- Ai?
- Anh Dũng chứ ai. Anh ấy nói cho Thúy biết chuyện của Thái từ lâu rồi.
Tôi chưng hửng. Tại sao anh Dũng lại thành chồng của Thúy được nhỉ? Không phải là ngày đó anh ấy đã có hôn thê chờ ở Mỹ hay sao?
- Duyên số hết Thái ơi - Thúy kể
… Không ai ngờ được anh Dũng và Thúy cùng về định cư một tiểu bang, chung thành phố, rồi lại vô đại học chung trường nữa chứ. Thuở đó khi anh Dũng qua tới nơi thì hôn thê cũ của anh không chờ đợi được, đã ôm cầm sang thuyền khác. Tụi này gặp. Anh ấy thương Thúy, Thúy cũng thương ảnh, rồi…cưới nhau. Vậy mà đã 27, 28 năm. Bây giờ tụi này làm ông ngoại bà ngoại rồi đó nghen.
Ôi! duyên số! duyên số!
Họ đúng là duyên số.
Còn tôi, Hic !
Tôi là duyên... không số.
./.
ThaiNC
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.03.2014 01:40:14 bởi ThaiNC >