CỤ ƠI, CHIẾU LỆCH ĐỪNG NGỒI

Tác giả Bài
ductuan091
  • Số bài : 12
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 06.01.2014
CỤ ƠI, CHIẾU LỆCH ĐỪNG NGỒI - 12.03.2014 14:23:00
(Kính gửi Tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh)
CHU GIANG
[link=http://thoiluanvietnam.files.wordpress.com/2014/03/thanhnhaho.jpg][/link]
Thành nhà Hồ
Nếu tôi nhầm xin Tướng quân hồi âm để được cải chính lại bài viết. Có phải CụTrung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh quê ở Thổ Phụ – Vĩnh Lộc, người đồng hương đáng kính của tôi đó không? Nếu đúng thì Tướng quân năm nay đã ngoại bát tuần. Tuổi ấy, là một thường dân không danh vọng chức tước gì cũng đã rất đáng kính. Huống gì khi tôi còn ngồi trên ghế trường Phổ thông thì Tướng quân đã làm Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Cả cuộc đời binh nghiệp vào sinh ra tử suốt hai cuộc kháng chiến, Tướng quân đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuổi tác như thế, công lao như thế không đáng kính sao được! Nhưng kính bao nhiêu càng buồn càng tiếc bấy nhiêu. Sao Tướng quân lại liên danh ký vào kiến nghị với những người mà tư cách và tư tưởng không đáng tin cậy. Kiến nghị góp ý vào Dự thảo Hiến pháp là việc hệ trọng, việc quốc gia đại sự, không thể không cẩn thận. Thầy tôi, nhà văn – dịch giả Ông Văn Tùng thường nói Đức Khổng Tử có cái cốt cách mà kẻ sĩ muôn đời phải noi theo. Ấy là “Tịch bất chỉnh bất tọa/ Nhục bất phương bất thực” (Chiếu trải không ngay ngắn, không ngồi/ Miếng thịt không đầy đặn vuông vắn không ăn). Đức Khổng Tử lấy chuyện đứng ngồi ăn uống để dạy học trò điều lớn hơn: Kẻ sĩ, người quân tử, bậc trưởng thượng làm việc gì cũng phải đàng hoàng chính đính, cẩn thận, chu đáo. Không ương gàn cố chấp nhưng cũng không cẩu thả nộm tạm, dễ dãi a dua, để cho người khác lôi kéo sai sử. Kiến nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân. Tướng quân đứng riêng ra một kiến nghị, một ý kiến, thẳng thắn, có thể mạnh mẽ đến quyết liệt như khi còn cầm quân, chịu trách nhiệm về lời nói và việc làm của mình có phải hơn không. Nếu được vậy thì bản kiến nghị của Tướng quân dù đến tầm mức bờ mé nào, sẽ vẫn được trân trọng, tôi nghĩ như vậy. Đằng này Tướng quân lại ký vào cái văn bản kiến nghị do những người mà tư tưởng và tư cách đều không đáng tin cậy. Thành ra cái tâm huyết của Tướng quân bị đánh đồng với những người hoặc là nông nổi hạn hẹp trong nhận thức hoặc là hoạt đầu cơ hội, là điều mà kẻ hậu sinh này rất lấy làm tiếc. Vì vậy, tôi thấy cần phải nói rõ một vài vấn đề cơ bản, một số nhân vật cần phải lưu ý, đểTướng quân và bạn đọc được tỏ tường. Trong các số trước, một bạn viết đã điểm mặt một số người. Vì chỉ điểm qua nên không vạch ra được chỗ thâm sâu trong tư tưởng và tư cách của một số vị gọi là “tiên phong đổi mới, dân chủ…”. Kỳ này, tôi xin hầu chuyện Tướng quân về nhà văn Nguyên Ngọc.
Ai cũng biết nhà văn Nguyên Ngọc với tác phẩm “Đất nước đứng lên”, “Đất Quảng” (tập I). Nhiều truyện ngắn và đặc biệt bài tuỳ bút “Đường chúng ta đi” hồi chống Mỹ (ký là Nguyễn Trung Thành). Đây là bài tuỳ bút đã thôi thúc hàng triệu bạn trẻ lên đường chiến đấu. Vào năm 1966, tôi đang học lớp 10 ở cấp III Vĩnh Lộc, bài này được giảng kỹ lắm và chúng tôi đã học thuộc lòng. Rồi sau này, cái giọng của “Đường chúng ta đi” đã ảnh hưởng vào văn chương một thời gian dài. Trong sách giáo khoa văn học, Nguyên Ngọc có hai bài ở hai thời kỳ, được đưa vào giảng văn (Bắn Pháp chảy máu và Đường chúng ta đi), một nhà văn như thế là vinh dự lắm. Về giải thưởng văn học, Nguyên Ngọc đã nhận được Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1955). Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu (1965). Giải Hoa Sen của Hội Nhà văn Á – Phi (1973) và Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2001), và vừa đây (2013) là Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội – Nhưng đây là giải thưởng không hay ho gì, nó là sự đầu cơ chính trị, đầu cơ dư luận, tôi sẽ nói sau. Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyên Ngọc được bầu vào Quốc hội, được bổ sung vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, được cử làm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn, sau đó, làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Và sự thay đổi tư tưởng và hành động của Nguyên Ngọc bộc lộ rõ rệt từ đây (có thể về tư tưởng nhận thức, là từ trước đây nữa) khi ông khuyến khích, cổ vũ cho xu hướng văn học đổi mới cực đoan, thực chất là phủ nhận lại tất cả những gì trước đó. Nguyên Ngọc cổ vũ cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho phẩm chất anh hùng trong cuộc sống – cho đến năm 2000 ông vẫn còn viết Có một con đường mòn trên biển rất cảm động. Nhưng đồng thời ông lại đề cao và khuyến khích xu hướng viết nhưcủa Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Đỗ Hoàng Diệu… Một sự thay đổi về tư tưởng và hành động như vậy có thể nói là đột ngột. Song, mọi sự, dù đột ngột hay không, đều có nguyên nhân của nó.
Vậy, với Nguyên Ngọc là gì? Sự thay đổi tư tưởng và hành động của ông là đúng hay sai, có lợi hay có hại cho đời sống cộng đồng hiện nay. Đó là điều nên làm sáng tỏ.
Ông Nguyên Ngọc không đưa ra một tuyên ngôn chính trị, một cương lĩnh, một đường lối, một tư tưởng nào cả. Có thể ông là con người hành động, con người của hành động. Tư tưởng của ông nằm trong hành động. Vì thế ta cần phải xem hành động của ông như thế nào.
Từ ngày bắt đầu đổi mới (1986). Từ ngày ông làm Tổng biên tập báo Văn nghệ đến nay đã gần ba mươi năm. Ba mươi năm, biết bao nhiêu là công việc mà ông đã làm… cho nên chỉ đơn cử một số sự việc, qua đó thấy được về đại thể con người Nguyên Ngọc.
1. THỜI KỲ LÀM TỔNG BIÊN TẬP BÁO VĂN NGHỆ
Khi bắt đầu đổi mới, nhìn nhận lại, phê bình phê phán những sai lầm trong quá khứ, nhận thức được thực tại để hành động là điều cần thiết. Báo chí, dư luận đóng vai trò rất quan trọng ở đây. Nếu Văn nghệ không đăng bài Cái đêm hôm ấy đêm gì của một người đồng hương của chúng ta là Phùng Gia Lộc, quê ở làng Yên Lãng, xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân thì bạn đọc trong cả nước không biết đến tình cảnh thê thảm của người nông dân trong thời bao cấp. Những bài phóng sự đưa ra ánh sáng sự trì trệ, quan liêu, làm khổ dân thường như (Thủ tục làm người còn sống) Người đàn bà quì, Người biết làm giầu và rất nhiều tác phẩm của nhiều tác giả khác… đã làm bừng lên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nói rõ sự thật. Đó là mặt tích cực, cần thiết. Nhưng đi quá, làm quá, chỉ biết đào bới quá khứ, phê phán lên án quá khứ lại là một sai lầm. Truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp là một truyện hay có thể gọi là đặc sắc, nói lên được trạng thái u uất nặng nề, tha hóa của đời sống hiện tại, là đáng khen. Nhưng đi quá đến mức phỉ báng lịch sử dân tộc, anh hùng dân tộc thì không chấp nhận được. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã cất lên cái giọng điệu, cái mùi vịrất hợp khẩu vị các giới phương Tây. Cho nên họ tung hô Thiệp. Một hãng rượu nho ởI-ta-li-a đã trao thưởng cho Thiệp. Và Thiệp đã nói trắng ra: Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh ấy (tức chiến tranh giải phóng dân tộc). Mà là nói ở Thuỵ Điển, chúng tôi đã chứng kiến và nhà thơ Trần Đăng Khoa hôm đó cũng có mặt ở đó, đã ghi nhớ, đã đưa chuyện này ra trên Văn nghệ quân đội số 496 năm 2004. Nghĩa là Nguyễn Huy Thiệp không chỉ nôn mửa vào chúng tôi – những người lính thời chống Mỹ – mà còn cả Tướng quân và thế hệ của Tướng quân nữa. Rồi trước nữa, thế hệ của Cụ Nghè Tống Duy Tân, người đồng hương Vĩnh Lộc kính yêu của chúng ta… thì Tướng quân thấy thế nào? Văn tài bao nhiêu cũng phải lấy con người, lấy sự thực lịch sử làm trọng. Thế mà ông Nguyên Ngọc rất đề cao Nguyễn Huy Thiệp. Tôi không tin Nguyên Ngọc chính là như thế.
Thời kỳ này, còn nhiều tác giả tác phẩm rất cực đoan như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh… rất được Nguyên Ngọc đề cao. Điều đó đẩy đến một khuynh hướng sáng tác văn học là chỉ phê phán phủ nhận từ lịch sử dân tộc đến chủnghĩa Mác, Hồ Chí Minh và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
2. CÁC THỜI KỲ SAU NÀY
Khi không còn chức vị gì trong lĩnh vực văn nghệ, ông Nguyên Ngọc vẫn tiếp tục khuynh hướng hành động của ông. Có nhiều, chỉ xin dẫn mấy trường hợp.
2.1 Miệt thị, bỉ báng Mác và lịch sử dân tộc qua việc tung hô tập truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Về vấn đề này, nhiều người đã nói, xin không nhắc lại. Chỉ xin nhấn mạnh điều này với Tướng quân: Đây là tập truyện vừa cực kỳ dâm loạn, vừa phản chính trị. Xem sự thống trị, đè nén, cưỡng bức, cưỡng hiếp của ngoại bang đối với dân tộc này là định mệnh. Đem trộn lẫn bộ râu của ông Kar (Marx) với những sợi lông đàn bà nhầy nhụa nhớp nháp. Tuổi như Tướng quân ít nhiều cũng có những sợi râu biểu hiện đáng kính của tuổi tác. Tướng quân nghĩ xem thứ văn chương như thế có đáng in đáng đọc không. Thế mà Nguyên Ngọc rất tán dương, ca ngợi. Tướng quân ơi, cái đất Thanh của chúng ta sao mà nghịch thế. Là cái đất nghịch. Không ngờ Đỗ Hoàng Diệu lại là con gái của người bạn văn của tôi, nhà văn Đỗ Văn Phác quê ở Tĩnh Gia, nay đã quá cố. Mới biết sự đời, lòng người nó khó lắm. Người xưa nói còn khó hơn mò kim đáy bể. Chỉ oán thán một điều. Đời cha như thế sao để đời con đến như thế. Nhỡn tiền như thế, chẳng đáng lo ư?
2.2 Đề cao Phan Châu Trinh để hạ bệ Hồ Chí Minh
Cụ Phan Châu Trinh cũng như cụ Phan Bội Châu là những người có tấm lòng vì dân vì nước vằng vặc như sao Khuê. Lịch sử và nhân dân đã ghi nhận. Tôn vinh cụ, nhớơn cụ là điều đúng đắn. Nhưng xem Phan Châu Trinh là nhân vật số một của Việt Nam trong thế kỷ XX là không đúng (Thanh Niên, số ra ngày 11-11-2012). Tuy không nói ra, nhưng nó hàm ý chỉ có đường lối của Phan Châu Trinh là đúng. Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là không có giá trị gì. Về chuyện này, tạp chí Hồn Việt đã có bài nói lại rất xác đáng. Cụ Phan Châu Trinh một lòng vì nước vì dân, dũng cảm. Thời đó mà dám viết thư cho Chính phủ Pháp, cho Toàn quyền Bô, nói rõ cái thực trạng của nước Nam, là dũng cảm lắm, dám chấp nhận cái chết. Có thể sánh với Thất trảm sớ của Chu An thời nhà Trần. Nhưng đường lối cải lương của cụ chỉ làm vui cho dư luận của chính quyền thực dân thôi. Cụ chỉ phê phán, lên án cái tệ quan trường, cái hạn hẹp của dân trí. Đó chỉ là cái ngọn thôi. Đúng như nhà sử học nổi tiếng – cố giáo sưAnh hùng lao động Trần Văn Giàu – đã nhận định: Tư tưởng cải lương của cụ Phan nhưlà việc đặt cái cày trước con trâu. Đủ cả đấy. Nhưng không thể có được luống cày. Mà vấn đề của dân tộc là phải có mảnh ruộng và luống cày của mình. Đường lối cách mạng nó quan trọng như phóng vệ tinh cho đúng quĩ đạo. Người xưa cũng đã nói: sai một li đi một dặm cơ mà. Cho nên, xem Phan Châu Trinh là nhân vật số một của thế kỷ XX, coi như không có thời đại Hồ Chí Minh, là thâm ý lắm đấy, Tướng quân ạ!
2.3 Ca ngợi Phạm Quỳnh
Đang có sự ồn ào về Phạm Quỳnh. Chúng tôi sẽ có bài viết về vấn đề này. Nhưng vì Nguyên Ngọc rất ca ngợi Hoa Đường tuỳ bút và xem đó là sự chuẩn bị cho một cuộc Tổng kết lớn của Phạm Quỳnh, nên cũng cần nói vắn tắt để Tướng quân rõ. Hoa Đường tuỳ bút là tâm sự của một viên quan thất thế, mất việc. Phát xít Nhật không mời được nhà cách mạng Nguyễn An Ninh thì nó dùng Trần Trọng Kim. Nó thừa khôn ngoan. Dại gì đi dùng lại “đứa con cưng” của người Pháp. Sau ngày 9/3/1945, Bảo Đại vẫn còn là Hoàng đế Bù Nhìn nhưng Lục bộ của Nam Triều mà Phạm Quỳnh là Thượng thư đầu triều Thượng thư Bộ Lại – như là Bộ trưởng Bộ Tổ chức vậy) thì không còn. Chức danh không còn, việc làm không còn, chỉ còn có việc ở tư gia (Biệt thựHoa Đường) mà đọc thơ Đường và ngẫm nghĩ sự ấm lạnh của đời người. Nhà chính trị,nhà văn hóa mà như thế thì tầm thường quá. Còn kém xa Ngô Đình Cẩn. (Ngô Đình Cẩn trước lúc bị bắn còn nói được câu: Làm chính trị phải biết chấp nhận có cái ngày nhưthế này!). Hoa Đường tuỳ bút ra đời như thế, ẩn dật ẩn dụ gì đâu. Xin đừng lạm dụng từ ẩn dật, cáo quan như của cụ Tam Nguyên (Lại đề mấy chữ trên bia/ Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu!). Phạm Quỳnh sẽ Tổng kết được gì đây? Khi Phạm Quỳnh thừa nhận sự xâm lược, bảo hộ của người Pháp như là một tất yếu lịch sử (!) khi Phạm Quỳnh xin người Pháp cho một Tổ quốc để thờ, Xin người Pháp hãy hiểu biết và tôn trọng dân tộc, đất nước Việt Nam văn hiến! Rồi kêu gọi hai bên hãy xích lại gần nhau… Hay quá nhỉ! Đúng như câu của Tú Mỡ lúc đương thời với Phạm Quỳnh:
Tòa nhà Khai Trí bên Hồ, trống chầu điểm chát
Tom!
Thái bường quá nhỉ…
Suốt đời cúc cung phụng sự cho người Pháp. Mà nếu được người Nhật dùng, chắc cũng cúc cung tận tuỵ nốt (Xem Hồi ký của Phạm Khắc Hòe: Từ triều đình Huếđến chiến khu Việt Bắc), thì Tổng kết được cái gì nhỉ?
Xin nhắc lại với nhà văn Nguyên Ngọc thế này: Nếu người Pháp không cứu vớt Phạm Quỳnh khỏi điểm liệt (1/4 điểm cho bài luận Hán văn, vì đúng ra, chỉ là 0 (không, zero) điểm; không đào tạo, nuôi dưỡng Phạm Quỳnh thì sự thể đã khác. Theo Nguyễn Công Hoan thì lương tháng của Phạm Quỳnh khi làm báo Nam Phong, do Mác-ti chánh mật thám Đông Dương cấp – là 600 đồng tiền Đông Dương, tính theo thời giá (Theo Tập san kinh tế Đông Dương) thì một cây quế ngọc ở Bù Ta Leo (Thường Xuân, Thanh Hóa) được đấu giá tại gốc năm 1928 là 120 đồng bạc trắng hoa xoè, đồng bạc Đông Dương do Pháp phát hành, tương đương từ 3,3 đến 4 lạng vàng, lạng chứ không phải cây. Vị chi, lương tháng của Phạm Quỳnh khi làm báo ước khoảng 20 lạng vàng. Theo thời giá bây giờ không biết là mấy tỷ VNĐ. Được nuôi như thế thì yêu nước Nam, còn yêu nước Pháp hơn nữa, thì Pháp – Việt đề huề, xích lại gần nhau, bất bạo động… là phải lắm, nên Rồng Nam phải phun bạc để đánh đổ Đức tặc…
Đề cao Phạm Quỳnh cũng là một thâm ý để phủ nhận công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Nhà văn Nguyên Ngọc biết hay cố tình không biết thủ thuật nuôi chim mồi của người Pháp. Bài sau, sẽ xin phân tỏ.
2.4 Đề cao Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh
Về cuốn tiểu thuyết này của Bảo Ninh tôi sẽ có một bài riêng hầu chuyện Tướng quân. Chỉ xin tóm tắt thế này, Bảo Ninh xem những chiến sĩ giải phóng quân – nghĩa là cả Tướng quân và cả chúng tôi – là những kẻ say máu, hiếu sát, không có tư tưởng, lý tưởng, ý chí, không hiểu gì và cũng không cần hiểu gì về cuộc chiến tranh này. Chỉ biết bị gọi đi, giao cho súng đạn và cứ thế mà bắn giết. Cách nhìn cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như thế rất hợp khẩu vị của các giới nước ngoài, muốn phủi tay, lờ bỏtrách nhiệm về cuộc chiến này. Nên họ rất hoan nghênh, đề cao, ban thưởng. Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên và một số nguời khác, là đầu mối, đầu tàu của chuyện này. Tướng quân cần hiểu như thế.
2.5 Nguyên Ngọc nhiều lần nói: Chế độ này thể nào cũng sụp đổ. Chỉ chưa biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào. (Xem Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh). Luận về chuyện này dài ngắn đều được. Nhưng không cần. Vì như thế Nguyên Ngọc tự nhận là kẻ ngoài cuộc, muốn “tọa sơn quan hổ đấu”. Nhưng trong hành động thực tế, như các trường hợp dẫn trên, Nguyên Ngọc ráo riết hành động cho một kịch bản nào đó sẽ xảy ra. Tưtưởng và hành động của Nguyên Ngọc là nguyên liệu chất liệu cho một kịch bản nào đó. Vì sao nó sẽ sụp đổ. Có cách gì cứu chữa, chống đỡ gìn giữ được không? Nguyên Ngọc không nói ra, mà hành xử như một kẻ nhẫn tâm, thấy người bị nạn không cứu giúp, còn bảo: Thế nào rồi mày cũng chết! Nhân văn nhân đạo của một nhà văn mà nhưthế ư! Đáng buồn cho một đảng viên lão thành, một công dân cũng lão thành, là nhưvậy.
2.6 Con người mâu thuẫn hay đầu cơ dư luận?
Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Đường chúng ta đi… thôi không nói nữa. Song, năm 2000, Nguyên Ngọc viết Có một đường mòn trên biển Đông. Nội dung rất tốt, đọc rất cảm động. Lúc đầu tôi không tin là Nguyên Ngọc lại viết được như thế. Nguyên Ngọc vẫn nhận Giải thưởng Nhà nước (2001), trong khi vẫn cho rằng chế độ này thểnào cũng sụp đổ. Kỳ quá ta! Nguyên Ngọc từ chối đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh (2012) nhưng lại nhận Giải hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội (Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch). Tôi xem đây là một vụ đầu cơ dư luận. Tôi là Ủy viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật, Hội Nhà văn Việt Nam, cấp chuyên ngành văn học (theo quyết định số 86/QĐ-TCHV ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Hội Nhà văn Việt Nam). Trong một buổi họp của Hội đồng, tôi có nêu trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc là về phía Hội Nhà văn, đã làm việc, trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc về sự đề xuất giải thưởng chưa. Nếu không, nhỡnhà văn Nguyên Ngọc từ chối thì sao. Hôm đó nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng, nói là đã làm việc với nhà văn Nguyên Ngọc và ông cũng rất vui vẻ. Thế nhưng sau đó thì ông từ chối. Các đài báo chống Việt Nam ở nước ngoài được một mẻ xôm trò. Sao lại như vậy? Và kỳ hơn. Ông nhận giải thưởng của một Hội địa phương do đàn em đồng chí hướng với ông – Phạm Xuân Nguyên – làm chủ tịch. Nhận giải thưởng này, ông muốn tạo đà tạo dư luận cho Phạm Xuân Nguyên, muốn lôi kéo văn nghệ sĩ thủ đô Hà Nội đi theo con đường của ông. Một cái giải thưởng thoạt nghe thì rất buồn cười. Nhưng thâm ý bên trong thì sâu xa lắm. Thủ đoạn chính trị của Nguyên Ngọc quả là đa dạng và phong phú lắm.
Nhà văn Nguyên Ngọc sinh năm 1932. Tuổi tác và công lao với đất nước như vậy là rất đáng ghi nhận. Nhưng tư tưởng chính trị – xã hội từ ngày Đổi Mới của ông là ngược hẳn lại. Có thể nói Nguyên Ngọc Đổi Mới đã chống lại Nguyên Ngọc Trung Thành, đã đi ngược lại Đường chúng ta đi, tay này nhận giải này tay kia chống lại giải kia… tuồng chẳng ra tuồng chèo chẳng ra chèo, nó buồn cười lắm Tướng quân ạ! Có thểnói gì về nhà văn Nguyên Ngọc? Đó là một người hành động thực dụng đến cuồng nhiệt và đầy mâu thuẫn. Đổi mới là sửa sang lại cái cũ, làm cho nó đúng lại, tốt hơn, mới lên, đâu phải là thù hận, xóa bỏ cái cũ để làm hẳn một cái khác.
Tư cách bẩm sinh có ảnh hưởng gì đến con đường văn chương – chính trị của Nguyên Ngọc không? Theo lời của các bạn bè thân thiết của Nguyên Ngọc thì là có đấy. “Nguyễn Văn Hạnh nói, Nguyên Ngọc không có tâm lý làm nhân vật số hai. Anh chỉ có thể làm nhân vật số một” (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh – Chương XX – Nguyên Ngọc). “Nhà anh ở khu tập thể quân đội – 8 Lý Nam Đế. Từ cổng đi vào gặp rất nhiều nhà văn quen thuộc. Anh đi một mạch thẳng, chẳng trò chuyện với ai. Khinh tuốt”.
- “Nguyên Ngọc là người của cái tuyệt đối” (Sđd trên). Gặp nguyên mẫu “tuyệt đối” như Anh hùng Núp thì viết được Đất nước đứng lên. Có những nguyên mẫu nhưPhan Vinh (đảo Phan Vinh) thì viết được Đường mòn trên biển… nhưng viết Đất Quảng được tập I. Đến tập II nghe nguyên mẫu này có biểu hiện dao động, liền xé bản thảo đốt đi, nên vẫn chỉ có Đất Quảng I dở dang.
Con người quyết tâm quyết chí quyết liệt trong cuộc đời là rất hiếm và rất quí. Nhưng hiểu đời để sống quyết liệt nó khó hơn hành động quyết liệt bản năng thiếu lí trí. Một người bình thường có hành động bản năng quyết liệt đã là phiền. Một nhà văn mà như vậy thì rất khó nói Tướng quân ạ! Vì nó quan hệ đến nhân quần xã hội, đến nhiều người. Tôi thấy cái câu của Bút Tre rất đúng với con người Nguyên Ngọc:
“… Hàng đầu chẳng biết đi đâu
Đi đâu chẳng biết hàng đầu cứ đi…”
Trong nghệ thuật cũng như chính trị, cá tính bẩm sinh là quí. Nhưng trước hết phải hiểu qui luật của đời sống xã hội, nhu cầu, nguyện vọng, tình cảm của công chúng… Tổ chức vận động công chúng. Đâu phải là chỗ anh hùng cá nhân thi thố… Đời nay khác thời Tam Quốc Thủy Hử rồi. Tướng quân cả đời bận việc binh đao trận mạc, ngoại giao quốc sự… ít có thời gian cho văn chương chữ nghĩa, cho các nhà văn và khuynh hướng tư tưởng, phẩm chất cá nhân của họ, nên tôi không ngại dám hỗn phép làm mệt mỏi tướng quân mà viết những dòng trên. Thưa tướng quân, Thổ Phụ theo nghĩa chữHán là Đất Cha. Vĩnh Lộc là đất Lộc muôn đời vĩnh viễn. Làng quê của Tướng quân sát ngay Thành Nhà Hồ, di sản của thế giới, của nhân loại, biểu tượng về sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Sinh ra lớn lên ở nơi Đất Thiêng như thế, công lao như thế, tuổi tác nhưthế, tôi cầu mong cho Tướng quân mạnh khỏe trường thọ, làm gương cho con cháu noi theo mà giúp giập cho đất nước, gìn giữ lấy truyền thống của ông cha. Công cuộc xây dựng xã hội mới nó khó khăn lắm. Còn khó hơn binh đao trận mạc. Vì kẻ thù nó lại nằm ở trong mình, trong anh em làng xóm, trong thể chế chế độ của mình. Tôi hiểu sựbực bội bất như ý của Tướng quân trước cuộc sống hiện tại. Nó chính đáng lắm. Nhưng tìm con đường, cách thức cho đúng để cải tạo, sửa sang… cũng khó lắm. Tôi trộm nghĩ trước hết phải có sự hiểu và có niềm tin. Có gì, Tướng quân cứ nói thẳng ra. Lớp cán bộ lãnh đạo ở quê nhà, hay ở quốc gia đều vào hàng con em chiến sĩ của Tướng quân, ngại gì mà không nói, không bảo ban. Nhưng Tướng quân tin theo mấy anh văn sĩ hoạt đầu thì kẻ hậu sinh này lấy làm lo lắng. Có điều gì không vừa ý mong Tướng quân đại xá cho. Cung chúc Tướng quân vạn sự tốt lành.
Tiết nguyên tiêu Giáp Ngọ 2014