Tran Dan Ha
-
Số bài
:
7
- Điểm: 0
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 11.07.2013
|
Bà Chủ - The Proprietress- Tác giả: Lý Y Vân
-
26.03.2014 09:09:29
Bà Chủ Tác giả: Yiyun Li (Lý Y Vân) Chuyển ngữ: Trần Đan Hà Cuộc phỏng vấn với người nữ phóng viên đến từ Thượng Hải không hề khiến bà Cẩm – chủ tiệm tạp hóa nằm bên kia đường trước cổng trại tù của quận-ngạc nhiên. Đây không phải là lần đầu tiên bà được một phóng viên đề nghị nói chuyện kể từ khi bà đón Tố Tố về che chắn cho cô thoát khỏi sự tò mò của những người lạ mặt; nhưng đây là buổi nói chuyện với một tờ tạp chí danh tiếng chuyên giành cho phụ nữ, vả lại Thượng Hải thì khác, nó lớn hơn gấp mấy lần thủ phủ của tỉnh lẻ này, nói gì tới Thanh Thủy trấn-vốn chả có gì gọi là đáng chú ý đối với người ngoài trấn ngoài cái trại tù. Bà Cẩm tưởng tượng tới cái lúc dân Thượng Hải đọc bài viết về bà và tiệm tạp hóa của bà, mặc dù bà không hề là nguyên nhân chính khiến phóng viên tìm tới. Chuyến xe buýt đưa người phóng viên đến thị trấn sẽ đến lúc ba giờ. Trước đó hai tiếng bà Cẩm đã đóng cửa tiệm rồi. Bà lau chùi mấy kệ hàng, phủi bụi mọi ngóc ngách và xịt nước rửa sàn nhà hai lần. Bà bận bộ đồ bằng lụa mới, mang đôi giày da cũng mới, nó là đồ nhập khẩu từ Ý- là cái thùng đựng nó nói vậy. Vốn là dân buôn bán tỉnh táo, bà chẳng dại gì mà tin vô cái thùng, nhưng đôi giày vẫn đẹp hơn bất cứ của ai khác trong trấn, cho nên vẫn xứng đáng để đem khoe dịp này. Đôi giày và bộ đồ là quà tặng của con trai bà, nó là nhà thầu xây dựng khá thành công ở trên tỉnh lỵ. Hồi hai năm về trước, khi bà Cẩm trở nên góa bụa, cậu con này đã nói bà dọn về ở với gia đình cậu trên phố cho được tiện nghi, vẫn hơn là phí uổng thời gian cho cái tiệm tạp hóa nhỏ híu với huê lợi kiếm được trong một-thậm chí hai tháng cũng chỉ bằng cậu kiếm được trong một ngày. Bà Cẩm từ chối. Mặc dù đã sáu mươi tám tuổi, bà vẫn còn đủ mạnh để nhấc một thùng hàng nặng ba ký lô để lên trên cái kệ cao nhất; bà đâu cần phải sống phụ thuộc vào bất kỳ ai-kể cả con trai mình. Ngoài ra, trong hơn hai năm qua bà đã gom về ở chung một số phụ nữ-những người này giờ đây đang sống nhờ vào bà. Bà đâu thể nào bỏ rơi họ để lên phố sống cuộc đời buồn tẻ dưới trướng của cô con dâu, đứa con gái mà bà đã thấy không ưa ngay lần đầu tiên gặp mặt. Sau khi lau chùi dọn dẹp xong bà Cẩm ngồi xuống cạnh bên quầy hàng uống trà. Bà đã treo một tấm biển đàng trước thông báo tiệm sẽ đóng cửa hết ngày hôm nay, nhưng bà biết dân trong trấn vẫn sẽ gõ cửa sau nếu họ cần gì. Tấm biển chỉ để dành cho người đến từ bên ngoài thị trấn, cũng giống như mấy cái bảng giá trong tiệm. Bà Cẩm tin chắc vô một câu thành ngữ cổ đại ý nói con thỏ khôn nhất không bao giờ ăn cỏ ngay miệng hang của nó, và bà luôn tính giá thấp hơn cho người trong trấn, thấp tới nỗi gần như không có lời. Bà đã sống gần trọn cuộc đời ở trấn Thanh Thủy này và đã được ngắm nhìn lũ trẻ con lớn lên, một số bỏ trấn đi xa như con trai bà, số khác ở lại, lập gia đình, sinh con đẻ cái cho bà tiếp tục nhìn ngắm. Bản thân bà cũng đã từng được những người già hơn nhìn ngắm, mặc dù số người còn nhớ bà hồi còn con gái tóc cột đuôi ngựa, hay hồi mới cưới với thân hình tròn trịa dễ ưa giờ đang ít dần đi. Chỉ trong ít năm nữa thôi ký ức về thời son trẻ của bà sẽ ra đi cùng với những người cao niên, và sẽ không còn ai cãi lại nữa dù bà có nói phét cách mấy về cuộc đời mình. Bà Cẩm thở dài. Bà đứng dậy, soi gương nhìn lại mình. Với mái tóc túm buộc gọn gàng và cặp lông mày mới được tỉa tót, bà chăm chú quan sát khuôn mặt mình như một người lạ; một lúc sau bà nhận thấy mình coi vẫn còn được mắt lắm. Đâu phải người phụ nữ nào cũng về già mà vẫn đẹp và sang như bà đâu, bà thấy tự hào như vậy, mặc dù chưa bao giờ bà thổ lộ với ai điều này bao giờ. Người nữ phóng viên đến từ Thượng Hải không đẹp như bà Cẩm đã tưởng-dù lẽ dĩ nhiên cô cũng rất thời trang, nhưng hình như áo váy, nữ trang và son phấn sau này khi cô có tuổi sẽ không giúp cô được như bà hôm nay. Đôi mắt cô ta cách xa nhau quá, khiến cô trông như đang lơ lãng vì một điều gì; tóc thì không dày mấy, đến lúc năm mươi tuổi chắc chắn cổ sẽ phải nghĩ đến chuyện đội tóc giả. “Có những người đàn bà được sinh ra mà ông trời chẳng cho gì nhiều,” bà Cẩm vừa nói vừa mỉm cười. “Tố Tố cũng chỉ là một trong số những người như vậy.” “Người ở tòa án nói với tôi là cô ấy đang sống với bà,” cô phóng viên nói, “Tôi có thể gặp cô ấy được không ạ?” “Nó chưa muốn gặp người lạ đâu,” bà Cẩm nói. “Tôi sẽ không quấy rầy cô ấy nhiều đâu, chỉ là để hỏi một ít điều thôi mà,” người phóng viên nói. Bà Cẩm lắc đầu. Kể từ sau phiên tòa kết án chồng của Tố Tố, bà đã phải bảo vệ cô ấy tránh né đám nhà báo. “Nó cũng giống như con gái tôi, nếu cô có muốn hỏi gì, tôi cũng có thể trả lời được.” “Cô ấy nghĩ gì khi bị tòa từ chối lời thỉnh cầu có một đứa con?” nữ phóng viên hỏi. “Vấn đề không phải là nó nghĩ gì,” bà Cẩm nói. Ngay lúc mới manh nha thôi thì cái ý có con đó cũng đã là một điều điên rồ. Ai lại muốn xin để được có con với một người chồng sắp bị xử tử chứ? “Quan tòa nói không được, thế thì nó phải thôi ngay cái ý định đó.” Dường như điều này khiến cô phóng viên ngạc nhiên. “Thế bà nghĩ sao về điều đó, thưa bà Cẩm?” “Tôi thấy không gì đáng mừng hơn,” bà Cẩm nói. Đám phóng viên này tất thảy đều tới đây với cùng một tham vọng đáng ghét, là được thấy Tố Tố đau khổ vì cái chết của chồng và để phân tích nỗi khát khao điên cuồng được mang thai của cô. Có khi họ nói về ý nghĩa của trường hợp Tố Tố-kiểu như, chưa từng có ai có một thỉnh nguyện như thế, cô đã nêu lên câu hỏi là liệu một người đáng tội chết có được giữ quyền tự do sinh con nối dõi hay không. Thế nhưng nói như vậy chả có chút ý nghĩa gì. Đối với những người bình thường như Tố Tố, có tên trong một vài trang trong sách sử chẳng có chút hào quang nào. “Thử nghĩ coi, các trại tù sẽ ra cái gì nếu như bà vợ nào cũng muốn có con với người chồng đang ở trong đó?” Bà Cẩm nói, “Nó sẽ thành trạm truyền giống chắc?” Người phóng viên mỉm cười. “Tôi nghĩ Tố Tố đã chỉ xin được thụ tinh nhân tạo,” cô nói, rồi giải thích với bà cách thức. “Cái phát minh mới quái gở làm sao,” bà Cẩm kêu lên. “Sẽ có cả đống đàn ông trên thế giới này nhảy ra tình nguyện ngay khi có cơ hội đầu tiên.” Phóng viên lại mỉm cười lần nữa. Bà Cẩm thấy tự cảm phục sự hiểu biết của mình, nó đã khiến người phụ nữ đến từ Thượng Hải cười; và bà thấy mình có thể thích người phóng viên này hơn là như đã nghĩ lúc đầu. Có lẽ bà cũng nên coi lại quyết định của mình mà để cho cô ta gặp Tố Tố trong năm bảy phút-tùy theo cách cô ta hành xử. “Tin tôi đi, Tố Tố sẽ không chịu góa bụa lâu đâu,” bà Cẩm nói. “Nó sẽ sớm có cơ hội được làm mẹ mà. Cá nhân tôi sẽ chờ coi việc đó.” “Bà nói là cô ấy giống như con gái của bà,” nữ phóng viên hỏi. “Bà có phải là thân nhân của cô ấy không ạ?” “Không. Bữa đó nó tới tiệm này rồi kể chuyện đó cho tôi nghe. Tôi thấy thích nó nên mới nói, ‘Tố Tố à, thế giới này tàn ác lắm. Sao con không ở đây với ta một thời gian cho tới chừng nào mọi chuyện nguôi bớt đi để con có thể đi ra ngoài trở lại chớ? Vậy là nó ở lại.” Bà Cẩm quan sát người phóng viên. Con người ta trong thế giới này chia làm hai loại: loại hay tò mò về chuyện của người khác, và loại không. Bà Cẩm đã định rằng nếu người phóng viên không thể hiện chút quan tâm gì đặc biệt về chính bản thân bà thì bà sẽ sớm kết thúc cuộc phỏng vấn và sẽ làm cho cuộc gặp gỡ đến từ Thượng Hải này trở nên vô ích. Cô gái nhướng cao đôi mày. “Bà rước cô ấy về đơn giản vậy thôi sao, dù bà không biết gì về cổ hết?” Cảm nhận thấy cặp lông mày của cô gái đang nóng lòng khai thác câu trả lời và những truyện kể, bà Cẩm thấy mãn nguyện. “Tại sao à? Con người ta cần biết nhiều tới đâu để đưa tay ra cứu lấy một mạng sống đang chìm chứ?” bà nói. “Đối với tôi đây không phải là lần đầu tiên. Đừng bao giờ đóng cửa với người đang cần mình.” Quả thực Tố Tố không phải là người phụ nữ đầu tiên mà bà Cẩm đã ra tay cứu vớt từ ngoài đường, mà chắc chắn cũng chẳng phải là người cuối cùng. Những ngưới này đang sống chung với bà Cẩm trong căn nhà rộng lớn mà bà đã từng ở với chồng. Bà đã được ông cưới về trong bốn mươi ba năm. Chẳng có gì để mà phàn nàn cả về ông-mà thực ra, nếu có ai hỏi, bà Cẩm sẽ nói chồng bà là người đàn ông tuyệt vời nhất thế gian này. Không như nhiều người khác trong trấn, tối ngày say xỉn rồi về nhà đánh đập vợ con, chồng bà Cẩm rất mực ngoan ngoãn; bà luôn là người có tiếng nói quyết định và ông luôn tuân thủ mọi điều, từ màu của mấy tấm màn cửa cho tới tên của đứa con trai duy nhất. Cũng chính bà là người có ý mua tiệm chạp phô gần như không có hoạt động gì này từ chính quyền địa phương hai mươi năm về trước - khi buôn bán nhỏ lẻ không còn bị cho là bất hợp pháp nữa. Thế lỡ khi Cách mạng Văn hóa lại xảy đến với việc cắt bỏ những cái đuôi tàn dư của chủ nghĩa tư bản-chồng bà nói-thì việc kinh doanh cửa tiệm này chẳng hóa ra là cái đuôi tư bản to bự nhất trong trấn sao? Bà Cẩm bảo chồng, con người ta có thể cứ việc sợ chết ngay cả khi đang ngủ trên giường; và nếu ông muốn chọn cách sống ẩn dật như một con rùa thì tốt hơn ông nên nhớ là bà không hề muốn làm vợ rùa. Đó là kiểu nói khó nghe nhất trong đời mà bà đã từng nói với ông, nhưng rốt cuộc nó lại khiến ông ngậm miệng. Bà Cẩm tìm cách lo lót hối lộ cho tất thảy quan chức trong trại tù từ trên xuống dưới để chồng bà được phép hai lần một tuần đem hàng vô đó bán, với giá cắt cổ, từ thuốc lá, diêm quẹt, kem đánh rang, bài cào và nhiều thứ khác nữa, cho những tù nhân không có thân nhân thăm viếng. Với sự làm lụng chăm chỉ của đôi vợ chồng, tiệm tạp hóa cứ thế mà phất lên. Cái ý gom góp mấy người đàn bà về ở chung thoạt tiên không hẳn vì bà cảm thấy quá đơn chiếc sau khi chồng qua đời. Mà đúng hơn là vì bà thấy đó là một giai đoạn mới trong đời mình. Bà đã chăm sóc chồng trong hơn bốn thập kỷ-và cả cậu con trai nữa, trước khi nó ra đi và trở thành một người đàn ông-và giờ đây đã đến lúc cho những trách nhiệm khác. Cũng chả khó khăn gì để tìm gặp những người phụ nữ như thế-mỗi tuần những phụ nữ là người thân của các tù nhân được đến thăm người đàn ông của mình một lần. Một số ghé vào tiệm của bà Cẩm để mua những món đồ nào đó mà họ đã trót quên cho tới phút cuối; đa số sẽ đến sau giờ thăm để được thưởng thức sự chiêu đãi của bà Cẩm-trà nóng và bánh mì mới ra lò không tính tiền. Chỉ trong chốc lát thôi họ sẽ bắt đầu nói về những người đàn ông của họ-những người cha, người chồng, con trai, anh trai-những câu chuyện từa tựa nhau trong đó người đàn bà hoặc tin rằng người thương của họ là vô tội, hoặc sẵn sàng tha thứ cho họ hơn ai hết trên trái đất này. Bà Cẩm sẽ ngồi lắng nghe, tay châm trà và đưa cho họ khăn giấy để chùi nước mắt, để tự nhắc nhớ rằng mình được may mắn biết bao. Có khi bà cũng khóc với họ nữa; và do bởi nhiều giờ đã được bỏ ra để chia sẻ và cảm thông, bà sẽ tính thêm chút đỉnh trên những món đồ họ mua. Họ rời tiệm với lòng biết ơn; một số sẽ trở lại để được uống trà và trò chuyện; một số khác-những người mà người thân trong tù đã được kết án, và hoặc đã được chuyển đi, hoặc đã bị xử tử, sẽ được thay thế bởi những người phụ nữ mới với những câu chuyện na ná như thế. Người nữ phóng viên, ban đầu đến để tim gặp Tố Tố, nay quyết định sẽ viết một câu chuyện về bà Cẩm. Đó sẽ là một câu chuyện hết sức ấn tượng, cô nói với bà, một câu chuyện quan trọng về tình tỷ muội mà chắc chắn sẽ gây xúc động nơi mọi độc giả nữ của tờ báo. Cách nói của người phóng viên giống như trang phục của cô ta, kiểu cách mà tức cười. Cô gọi căn nhà của bà Cẩm là “công xã”, và tôn vinh nghĩa cử của bà là “có tính cách mạng.” Những từ ngữ kiểu như vậy khiến bà Cẩm nhớ tới một đoạn đời trong quá khứ: cha bà đã từng là lãnh đạo của Công xã Nhân dân Thanh Thủy, lúc thị trấn còn là một ngôi làng quê, trước khi vùng đất nông nghiệp bao quanh nó được bán đi để khai thác hầm mỏ. Thế là, bất kể dự tính ban đầu của người phóng viên, bà Cẩm tự quyết định là bản thân bà quả thực siêu phàm và xứng đáng là một câu chuyện, nên khi người phóng viên ngỏ ý đi xem công xã của bà Cẩm bà liền đồng ý ngay. Nữ phóng viên chụp cho bà Cẩm một tấm hình đứng bên kia đường trước trại tù. Nền của tấm ảnh sẽ là ngôi nhà của một đại chủ nhân, bà nói với người phóng viên, lúc này đang thấy thực sự thú vị và bấm chụp lia lịa, cũng như hý hoáy ghi chép vào sổ tay mọi thứ. Một số người dân trong trấn đi ngang qua thấy vậy bèn ghé vô xem và chúc mừng bà Cẩm khi bà nói vói họ là bà sẽ được một tờ bào giành cho phụ nữ viết bài về mình. Bà mỉm cười, gật đầu, thực tâm thấy mình quan trọng. Bà dẫn người phóng viên đi băng ngang thị trấn về nhà mình, một căn nhà gạch to đẹp với sân sau thật lớn. Vừa bước vào cổng, họ đã va phải hai đứa bé đang đuổi nhau chạy như điên. Cô phóng viên làm rơi cây bút. Hai đứa bé, rõ ra là một cặp song sinh mặc đồ giống nhau y đúc, liền ngừng ngay lại-một đứa cúi nhặt cây bút, trong khi đứa kia lí nhí xin lỗi. Bà Cẩm cau mày. Đã nhiều lần bà bảo cặp song sinh này phải hành xử cho phải phép trong nhà bà, nhưng dường như chúng không đủ trí khôn để học bất kỳ điều gì có ích. “Chúng là những đứa trẻ gái nhỏ nhất của tôi,” bà nói mà không giới thiệu hai đứa bé. Do có đôi khi bà bị nhầm lẫn, nên bà chẳng bao giờ gọi tên chúng. Đôi song sinh quan sát người phóng viên và cùng mỉm cười. “Cô ơi, con thích cái túi xách của cô,” một đứa nói, tay chạm vào chiếc túi da của người phóng viên. Đứa kia trao cây bút cho cô và nói, “Cô à, cô có phải là diễn viên không vậy? Con chưa từng thấy ai đẹp như cô.” “Ôi hai đứa dễ thương quá,” người nữ phóng viên nói. “Tụi con bao nhiêu tuổi rồi?” “Dạ sáu tuổi.” Bà Cẩm quan sát cách đôi song sinh ra sức thể hiện tối đa sự yêu kiều của chúng. Với đôi mắt quá to so với khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn, trông chúng có vẻ ngây thơ đến tội. Bà Cẩm gượng mỉm cười và nói với đôi trẻ, “Đừng làm phiền khách, các con!” Hai đứa bé lùi bước, miệng vẫn giữ nguyên nụ cười đồng điệu. “Cha của chúng bị kết án ba mươi năm,” bà Cẩm nói với người nữ phóng viên, “vì tội cướp của của một bà già khiến bà chết vì đứng tim. Cha mẹ chúng dĩ nhiên không hề kết hôn với nhau khi chúng chào đời, cho nên họ phải giấu không khai báo với văn phòng Đăng ký Hộ khẩu.” Hai đứa bé song sinh đi theo bà Cẩm và khách vào phòng khách và ngồi ngay dưới chân ghế sa-lông, như thể câu chuyện chẳng có gì liên quan tới chúng. “Chúng có đang đi học không hả bà?”, người nữ phóng viên hỏi. “Khi chúng tới đây tôi đã làm cho chúng trở nên hợp pháp để được đi học. Chỉ cần bỏ ra một món tiền,” bà nói, chà hai đầu ngón tay với nhau. Đôi trẻ lắng nghe bà Cẩm và người phóng viên, mắt nhìn hết người nọ tới người kia không chớp. “Mẹ chúng đâu rồi thưa bà?” người phóng viên hỏi. “Tôi đã kiếm cho cô ta một việc làm giặt giũ trong bệnh viện của quận,” bà Cẩm nói. “Mỗi tuần cổ về đây một lần.” Hai đứa bé thích thú ngắm người phóng viên ghi chú vào sổ tay. Bà Cẩm đứng dậy đi vào bếp, biết chắc thế nào cô ta cũng sẽ hỏi thăm mấy đứa nhỏ. Bà nghĩ rằng tốt hơn là bà nên không có mặt ở đó khi chúng ra sức ca ngợi bà. Mẹ của đôi trẻ đã đến với bà Cẩm cũng giống như những người phụ nữ khác, với câu chuyện về một cuộc đời khổ cực và một số phận hẩm hiu. Cô ta và cha của chúng quá nghèo đến nỗi không đóng nổi tiền lệ phí đăng ký kết hôn, và cũng không có tiền để đóng phạt cho văn phòng kiểm soát sinh đẻ về tội dám mang thai khi chưa được phép. “Cha chúng rất lạc quan,” mẹ của đôi song sinh đã nói. “Ảnh nghĩ là đến chừng nào có tiền tụi tôi sẽ đóng phạt, hay thậm chí hối lộ. Thế nhưng không có ai làm giàu nổi bằng cách bán tai heo muối, và hai đứa nhỏ không thể tới trường cho tới chừng nào chúng có giấy đăng ký. Bởi vậy ảnh mới đi cướp bà già đó. Thiệt đúng là đồ ngu ngốc. Tôi chẳng bao giờ để anh ta làm như vậy. Nếu biết anh ta có ý định đó tôi thà đi ra làm gái đứng đường còn hơn. Ảnh nghĩ ảnh có thể tự giải quyết mọi thứ, nhưng giờ thì ai biết được chừng nào ảnh mới được thả ra đây.” Bà Cẩm chẳng có hy vọng gì cho người đàn ông, ngay cả khi anh ta không xuống tay giết cụ già đó. Thực ra thì anh ta cũng có kêu xin được giúp đỡ, khi người vợ trở nên vô cảm, nhưng điều đó, theo như bà Cẩm thăm dò, không giúp được gì mấy cho anh ta ở tòa. Lúc đầu bà không định đón người đàn bà đó với hai đứa bé. Hoàn cảnh cô ta quả là có ngặt nghèo thật, nhưng cô ta là một người mẹ, và một người mẹ thì không bao giờ được để cho hoàn cảnh đánh bại. Tuy vậy, đến lần thứ nhì ba mẹ con trở lại tiệm của bà, bà bắt gặp hai đứa bé ăn cắp kẹo lúc bà đứng lên lấy khăn giấy cho mẹ chúng lau nước mắt. Bà đã vờ như không biết, nhưng đến lúc ba mẹ con sắp rời tiệm đi bà đã lấy mấy bịch snack và nhất quyết tự tay mình bỏ vào túi của hai đứa bé. Bà nhéo chúng và đoan chắc là chúng hiểu là bà đã thấy chúng lấy trộm thứ không phải của mình. Vậy mà hai đứa nhỏ không hề có biểu hiện gì sợ hãi. Đã vậy chúng còn thẳng thắn mỉm cười với bà, như thể chúng biết bà sẽ không nói gì với mẹ về tội ấy với mẹ chúng, lúc đó đang đứng ở cửa thở dài sườn sượt, thỉnh thoảng lại kéo áo lên lau nước mắt. Tụi nhỏ này lấy đâu ra kiểu can đảm trơ tráo vậy kìa? Bà Cẩm lại quan sát mẹ chúng lần nữa-trông cô ta có vẻ hơi đần độn; hai đứa song sinh trông xinh hơn nhiều, mắt chúng thông minh hơn những trẻ cùng trang lứa. Chắc hẳn chúng thừa hưởng từ cha. Cái khả năng chúng sẽ lớn lên giống cha, hao phí những tặng vật trời cho ấy vào những ý tưởng sai lầm khiến bà Cẩm thấy khó chịu. Bản án của anh ta quá dài, nên ảnh hưởng của anh lên hai đứa bé có lẽ cũng giảm bớt phần nào; nhưng bà lo rằng người mẹ sẽ không đủ sức nuôi dạy con nên hồn. Bà quyết định lãnh phần nuôi dưỡng hai đứa bé. Người mẹ vốn sẽ đang mừng về việc có người giàu có và thế lực mở lòng lo lắng cho con mình, nên sẽ không khó khăn gì để thuyết phục chị ta đi làm xa con. Cô ta có nói về việc để dành từng xu lương để trả lại cho bà Cẩm, nhưng bà nói rõ là bà không hề cần tiền. “Hãy để dành tiền đó cho tương lai,” bà nói với người mẹ đang lã chã lệ rơi vì biết ơn, “Ta sẽ không ở đây hoài mà chăm sóc chúng cho cô đâu.” Khi bà Cẩm trở lại phòng khách với tách trà cho người phóng viên thì đôi trẻ đang tựa vào người cô để xem cái máy quay nhỏ. Hai cái đứa này, bà nghĩ với thoáng chút khó chịu, lại đang tranh thủ để lấy lòng người khác đây. Chúng ở nhà bà đến nay đã được sáu tháng, và bà vẫn chưa thể gột rửa được sự tinh ranh trong mắt chúng. Đôi khi bà tự hỏi không biết mình có đủ thời gian để uốn nắn chúng theo cái cách bà muốn hay không-là những trẻ gái biết sợ hãi và căm thù những gì vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng. Thật xấu hổ biết bao nếu phải thừa nhận sự thất bại trước một đôi song sinh sáu tuổi. Bà Cẩm vừa đặt tách trà trước mặt người phóng viên, thì ngay tức khắc hai đứa bé liền ngước lên nhìn. “Bà ơi,” một trong hai đứa nói, “Cô nói cô sẽ viết một câu chuyện về bà để cho ai ai cũng biết bà tốt như thế nào.” “Và cô cũng sẽ chụp hình tụi con để cho mọi người được thấy tụi con đã may mắn ra sao nữa,” đứa kia nói. Bà Cẩm khẽ cười, có cảm giác khó chịu vì sự mai mỉa mà bà luôn cảm nhận được mỗi khi nghe chúng ngọt ngào bằng chót lưỡi đầu môi. “Hai đứa con làm xong bài tập ở nhà chưa?” bà hỏi. “Dạ rồi.” “Vậy thì đi vô phòng tập đan đi.” Bà quay sang người phóng viên nói, “Tụi nó phải học nhiều thứ lắm. Tôi muốn chúng được chuẩn bị tốt nhất.” Hai đứa bé đứng lên nhưng chỉ một phút sau đã quay trở lại với kim đan và len và ngồi xuống cạnh bên sa-lông. Người nữ phóng viên ngắm chúng đan và chụp một số hình; dưới ánh sáng đèn flash trông chúng có vẻ nghiêm túc và chăm chú vào việc đang làm ghê lắm, mặc dù chúng chẳng bao giờ nhớ nổi cách cầm đôi que đan nếu bà Cẩm không nhắc. Bà thở dài. Nếu không vì người phóng viên, chắc hẳn bà sẽ nghiêm giọng mà bảo chúng thôi ngay cái trò đóng kịch này. Dạo sau này bà càng lúc càng nói với đôi trẻ khắc nghiệt hơn, vốn chỉ có tác dụng trong vài phút rồi chúng lại sẽ trở lại con người cũ của chúng, cười với bà rồi lại nói như thể chúng là những đứa cháu đáng yêu của bà. Bà Cẩm thấy mừng vì chúng không phải máu mủ của mình. Khi thấy người nữ phóng viên đã cất máy chụp hình đi, bà Cẩm bèn đề nghị cô đi một vòng thăm ngôi nhà; rồi trước khi hai đứa bé kịp nhúc nhích, bà đã bảo chúng đừng có đi theo. Ngôi nhà có hai tầng với hai phòng ngủ ở tầng trệt và ba phòng trên lầu hai. Bà Cẩm dẫn khách lên lầu và cho cô xem hai căn phòng nhỏ ở cuối hành lang, trong mỗi phòng có một chiếc giường đơn nhỏ gọn do chính tay bà Cẩm chuẩn bị. “Đây là giường của hai đứa con gái lớn,” bà nói. “Chúng chỉ về nhà vào cuối tuần, giống như mẹ của cặp song sinh.” Đúng ra thì, nói như vậy cũng không hẳn là nói dối, khi bà Cẩm vẫn hy vọng ngày họ trở lại. Hai thiếu nữ đến đây không cùng lúc nhưng cùng nhau bỏ đi. Đứa lớn hơn, hai mươi mốt tuổi, khá xinh đẹp, không nơi nương tựa sau khi tên bạn trai-một tay buôn lẻ ma túy-lãnh án mười bảy năm tù. Người kia trẻ hơn, mới mười chín, tới đây kể cho bà Cẩm nghe chuyện về người cha kế, kẻ đã hãm hiếp nhiều lần một đứa bé gái tám tuổi, mà mẹ cô chính là người đã mồi chài đưa đứa bé về nhà. Bà Cẩm không biết có thể tin câu chuyện đó hay không, nhưng chắc chắn cả hai đều có thể trông cậy vào sự giám hộ của bà. Lúc đầu hai cô gái phụ với bà trông coi cửa tiệm, mặc dù bản thân bà vẫn có thể quản lý nó hữu hiệu. Bà đã nghĩ là bà sẽ dạy họ cách kiếm sống bằng chính đôi tay của mình trước khi cho họ ra ngoài đời; ấy thế nhưng một ngày kia cả hai cùng lén ra đi, để lại một mẩu giấy giải thích là đã mượn bà ít tiền để đi Thượng Hải. Họ có hứa sẽ trở lại thăm và trả lại tiền khi tìm được việc làm kha khá, nhưng bà Cẩm tin chắc họ sẽ lại rơi vào vòng tay của mấy gã ma cô buôn lậu ma túy. Kể ra cũng khá bực khi họ ra đi không có sự đồng ý của bà Cẩm, nhưng bà biết thế nào bà cũng sẽ tìm thấy hai thiếu nữ khác để lấp chỗ trống; lần tới chắc bà phải cẩn thận hơn để khỏi phải bị thất vọng. Bước xuống lầu, bà Cẩm đi vào hành lang và gõ cánh cửa đầu tiên trước khi đẩy vào và nói, “Bà cụ ơi, con nè.” Không ai trả lời cả như bà đang mong đợi. Bà cụ tám mốt tuổi lũ lẫn này sống trong nhà đã hơn năm nay, như thường lệ cụ đang không hề ở một mình-một thiếu phụ trẻ mảnh mai thanh tú đang ngồi bên cạnh giường, tay nắm chặt những ngón tay lỏng khỏng như chân gà của bà cụ. “Cụ đang kể cho con nghe những chuyện của cụ ông,” thiếu phụ nói với vẻ biết lỗi, và thả lỏng bàn tay mình khỏi tay nắm của bà. Bà Cẩm gật đầu. Toàn bộ ký ức và chuyện kể của bà cụ giờ đây chỉ còn là về người chồng đã chết. “Tôi đã nói cô đừng có mất thì giờ với cụ,” bà Cẩm nói. “Cô đã nghe quá đủ chuyện của bà rồi còn gì.” Người thiếu phụ nhìn xuống chân mình. “Tôi không phiền đâu thưa bà,” cô nói. “Cụ bà thích kể chuyện mà.” “Chúng ta đang có khách tới nhà đó,” bà Cẩm nói. “Tôi đã chuẩn bị bữa tối rồi,” thiếu phụ đáp. Cô gật đầu chào phóng viên rồi lặng lẽ rời khỏi căn phòng. Nữ phóng viên nhìn theo cô đang khép cửa. “Cổ là ai vậy?” cô ta hỏi. Bà Cẩm ngần ngừ giây lát rồi trả lời, “Là Tố Tố đó.” “Cổ đẹp quá,” phóng viên nói. “Đúng vậy,” bà Cẩm đáp, rồi cả hai cùng im lặng, như thể vẫn đang choáng ngợp vì vẻ đẹp của cô ấy. Thật không lành mạnh cho Tố Tố chút nào khi cứ phải nghe mãi chuyện của cụ bà về người chồng đã bị xử tử năm mươi năm trước, nhưng trước mặt khách bà Cẩm thấy không tiện nhắc nhở cô. Lát sau bà Cẩm chỉ tay về phía cụ bà, giờ đang có vẻ lạc hướng vì không còn ai nghe chuyện mình nữa. “Cô có nhớ tôi đã nói là nhà tù đã từng là đất có chủ không? Chủ đất là chồng của cụ đây. Bà là vợ thứ năm của ông.” Rồi nắm tay bà cụ, bà Cẩm cao giọng nói, “Cụ ơi, kể chuyện ông chủ của cụ cho chúng tôi nghe đi.” “Ông chủ thích ăn lòng vịt chấm mù tạt lắm,” bà cụ nói. Điều này thì bà Cẩm mới nghe. Những ngày trước bà cứ được nghe cùng một câu chuyện kể đi kể lại về ông chủ, về việc trước khi định cư ở đây ông đã kiếm được đủ tiền nhờ chu du đó đây với một đoàn hát rong để trở thành chủ nhân lớn nhất vùng. “Bây giờ ông đâu rồi? Chuyện gì xảy ra với ổng vậy bà?” bà Cẩm nói. Cụ bà suy nghĩ giây lát rồi miệng méo xệch như muốn khóc, mặc dù mắt vẫn ráo hoảnh. “Họ đem ông đi rồi,” cụ nói. “Họ đem ổng đi đâu hả bà?” bà Cẩm nói. “Đem ra sông. Ngươi có biết con sông đó ở đâu không? Họ đưa ông tới đó rồi dìm chết ổng, ôi tội nghiệp ông chủ ta quá,” cụ bà vừa nói vừa vỗ chiếc mền để trên đầu gối, y như một góa phụ vừa mới chịu tang chồng. Bà Cẩm chờ trong giây lát rồi nói, “Cụ bà ơi, cháu nghe nói cụ là người vợ yêu nhất của ông phải không.” Cụ bà dịu hẳn lại. “Ông chủ nói ta là người đàn bà đẹp nhất thế gian,” bà nói, gương mặt nhăn nheo ửng hồng như thiếu nữ đang e thẹn. Bà Cẩm lùi lại một bước rồi nói với nữ phóng viên mà không hề hạ thấp giọng, “Thật là đáng buồn cho cụ khi cứ mãi sống với hình bóng người đàn ông đã chết cách đây năm mươi năm rồi.” “Có thật ông cụ bị dìm xuống sông không vậy? “Ông bị xử tử bên sông hồi năm 51,” bà Cẩm nói. “Ông lớn hơn cụ bà ba mươi tuổi.” Nữ phóng viên lặng nhìn bà cụ, không nói được gì mất một lúc. Bà Cẩm bước tới cửa sổ kéo thẳng rèm che, để cho người phóng viên kịp thấm câu chuyện của bà cụ. Bà Cẩm thường không đón người già vào nhà-số phận của họ đã được định rồi và bà không cách gì có thể thay đổi được. Còn cụ bà đây là một ngoại lệ. Cụ tới đây khi người vợ cuối cùng trong số bốn người vợ kia qua đời; cả năm bà đều đã từ chối không chịu tái giá và tiếp tục sống chung với nhau cho tới khi lần lượt lìa trần. “Thế cụ bà đã sống ở đây được bao lâu rồi?” nữ phóng viên hỏi. “Từ khi người thân cuối cùng của bà ra đi,” bà Cẩm nói. “Tới giờ cũng được khoảng một năm.” “Trước đó bà có biết cụ không?” “Có,” bà Cẩm nói. “Tôi biết bà gần trọn cuộc đời tôi.” Đây không phải là nói ngoa-lần đầu tiên bà trông thấy cụ là một cô dâu sáu mươi năm về trước. Lúc đó bà Cẩm mới lên tám, còn là đứa con gái của một nông dân nghèo đứng chen chân trong đám đông hiếu kỳ chứng kiến cảnh bà được người giàu nhất làng cưới về làm vợ. Cô dâu mới xinh đẹp tới nỗi đứa bé gái cứ thầm ao ước tới ngày được trở thành một phần đời của cô; mà khi đứa bé hỏi xin cha bán mình vào nhà phú hộ làm gia nô thì cha nó đã mắng là sao ngu ngốc quá. Nhưng rồi không lâu sau đó, đường đời họ phân ngả khi chồng cụ bà bị xử tử như là kẻ thù của chế độ toàn trị mới trong một cuộc họp công khai: cha bà Cẩm là một trong hai người phiến loạn đã đè kẻ tội đồ xuống bờ sông và nã một viên đạn vào đầu ông. Không ai còn nhớ những chuyện xưa rích đó trừ bà Cẩm. Bà đã đợi trong chừng ấy năm để được trở thành một phần đời của cụ bà; cao xanh kia đúng là đã có ý nguyện riêng. Lòng trung thành trường cửu của bà Cẩm không hề được cụ bà biết đến; cụ thậm chí không hề nhận ra đứa bé gái tám tuổi hâm mộ mình năm xưa, hay đứa con của người nông dân nghèo vốn đã trở thành một nhân vật thế lực sau Cách mạng. “Thế Tố Tố với cụ bà có quen nhau không ạ?” phóng viên hỏi. “Tôi ước chi họ đừng có quen nhau,” bà Cẩm nói. Cụ bà là một ấn tượng xấu, khi cứ mãi giữ ký ức về cuộc hôn nhân ngắn ngủi như toàn bộ những gì mình biết về cuộc đời. Ai sẽ là người ở với Tố Tố và chăm sóc cô ta nếu như cô để mình già đi kiểu đó? “Bà nghĩ tôi có thể hỏi chuyện Tố Tố được không?” phóng viên nói. Thật khó lòng từ chối một người đã hứa sẽ viết chuyện về mình, bà Cẩm nghĩ. Vả lại, bà bắt đầu thấy mệt. Bà đã cật lực làm việc để tạo thiên đường cho Tố Tố, mà cô vẫn từ chối không chịu mở mắt ra nhìn tới tương lai. Toàn bộ các báo cáo về lời thỉnh nguyện của cô gửi tới tòa để xin được có con chắc hẳn phải khiến cô tin là nỗi đau của cô đã được chiếu cố, nhưng thật quá sai lầm khi cứ để tang cho kiểu đàn ông như vậy, nhất là cho anh chồng của cô-một kẻ vô dụng và hoàn toàn có thể thay thế được. Bà Cẩm đã đọc báo nói về vụ án này. Anh chàng hai mươi ba tuổi mới cưới vợ vốn là người yêu thời niên thiếu của mình đã cãi nhau với bà chủ. Anh ta thú nhận với cảnh sát là bà đã tát tai anh mấy lần, khiến anh nổi nóng. Người ta thấy bà bị bóp cổ tới chết trong văn phòng, anh chàng đang gục khóc bên dưới bàn giấy của bà, không thể nhúc nhích nổi khi họ ra lệnh anh ta bước ra. Lần đầu tiên Tố Tố tới tiệm, bà Cẩm đã không hề có chút liên tưởng nào tới chuyện anh chàng được đăng trên báo đó. Không như những người đàn bà khác, Tố Tố không hề nói gì về việc tại sao cô phải tới trại tù, ngay cả khi được hỏi. Bà Cẩm quan sát cô, giọng nói của cô không phải là người địa phương mà là từ tỉnh kế bên; với hông hẹp và đôi mắt còn trong, cô rõ là còn con gái. Cô đẹp một cách yếu đuối, làn da xanh xao gần như trong suốt. Bà Cẩm đã tưởng tới việc chăm sóc cho Tố Tố như con gái mình, để cho khung xương của cô có nhiều thịt hơn và đôi má cô được hồng hào lên. Càng nghĩ tới điều đó bà càng không muốn để cô gái trẻ vuột mất khỏi tay mình. Bà đề nghị cho Tố Tố một căn phòng ở không trong nhà, để cho người vợ trẻ dại này không phải mướn những căn phòng rẻ tiền trong trấn trong khi chờ ngày xử án. Bà Cẩm làm lạp xưởng cho Tố Tố đem vô tù thăm nuôi mà không hề hỏi xem đó là ai. Dần dần Tố Tố mới chịu bắt đầu nói chuyện. Cô cho bà xem album hình đám cưới, trong đó anh chồng cao gầy như một thanh niên mới lớn trông không giống một kẻ sát nhân chút nào. Anh ta bị kêu án tử hình; nếu việc chống án bị thất bại-bà Cẩm nghĩ-thì coi như phần tồi tệ nhất đã qua, và đó là lúc nghĩ đến việc gầy dựng lại cuộc đời người thiếu phụ trẻ. Nỗi buồn của cô không hề làm phiền bà Cẩm, và khi Tố Tố nói về niềm hy vọng được có con với chồng trước khi anh bị xử tử thì bà Cẩm chỉ hơi cảnh giác chút đỉnh. Rồi Tố Tố sẽ nguôi ngoai đi thôi, bà Cẩm đã định như vậy; đó chỉ là một ước muốn nhất thời của người đàn bà đang đau khổ. Nhưng đến khi Tố Tố hỏi mượn tiền để thuê luật sư cho việc thực hiện ý nguyện đó thì bà bắt đầu thấy sợ. Bà đã không hề chuẩn bị để đối phó với con người mỏng mảnh này. Tố Tố quá sai lầm khi đặt cược cả tương lai mình, và cả của đứa bé nữa, vào tình yêu đối với một người đàn ông đã gây nên lỗi lầm xuẩn ngốc nhất đời như vậy. Bà Cẩm sẽ làm mọi thứ để ngăn cản điều đó. Tuy vậy cuối cùng bà cũng đưa tiền cho Tố Tố, vì bà không định chống lại ước muốn của cô gái bằng mọi giá- để rồi mất cô. Bà chỉ thấy nhẹ nhõm khi thỉnh nguyện ấy bị từ chối; không có đứa con nào ràng buộc cô với người chồng đã chết, tương lai cô sẽ lại được mở ra một trang mới với đầy ắp những cơ hội. Bà Cẩm thuyết phục Tố Tố tiếp tục ở lại nhà bà-sau tất cả mọi thứ như thế cô cần có thời gian để được bình phục. Món tiền bà đã đưa Tố Tố hóa ra lại là một hành động thông minh-Tố Tố không phải là loại người có thể từ chối một tâm hồn quảng đại và đầy cảm thông như thế. Bà Cẩm đã đưa nữ phóng viên đi thăm khắp mọi nơi trong nhà xong rồi mới xuống nhà bếp. Tố Tố ngước lên, cô đang xắt mấy thứ rau củ để làm nhân bánh bao. “Tố Tố nè, phóng viên đây muốn nói chuyện với con,” bà Cẩm nói. “Chết là hết. Giờ đâu còn gì mà nói nữa,” Tố Tố nói mà không hề nhìn người phóng viên. “Cổ đã đi xa lắm, tuốt từ trên Thượng Hải xuống đây là vì con thôi đó, vậy có thể mình trả lời vài câu cho cổ đi nghe con?” bà Cẩm nói. Tố Tố liếc nhìn người nữ phóng viên. “Tôi chưa bao giờ đến Thượng Hải,” cô nói. “Chừng nào con thấy đỡ hơn, mình sẽ lên đó chơi một chuyên,” bà Cẩm nói. Tố Tố ngắm con dao trong tay mình một lúc rồi nói, “Tụi tôi đã tính làm tuần trăng mật ở đó, nhưng mà mắc quá.” Bà Cẩm ngó Tố Tố, đang có vẻ mơ màng đâu đâu. Đây là lần đầu tiên cô nhắc về cuộc sống của cô với chồng kể từ sau khi anh bị xử tử một tháng trước. Bà Cẩm tự hỏi liệu Tố Tố có-giống như cụ bà, đang bắt đầu nói về những chuyện để cô có thể nhớ về anh ta hay không. Bà Cẩm cho rằng bà lại đang sắp phải chiến đấu chống lại một người đàn ông đã chết khác. “Tôi xin chia buồn về người chồng vủa cô,” phóng viên nói. Khi không thấy Tố Tố trả lời, cô mỉm cười vẻ hối lỗi với bà Cẩm rồi nói, “Về lời thỉnh nguyện của cô xin được có con với một người đang chịu án tử hình-cô có biết là nó đã làm khuấy động một cuộc tranh cãi trên cả nước về ý nghĩa pháp lý cũng như đạo đức và xã hội của trường hợp của cô không? Cô có thể nói chuyện đôi chút về việc cô nghĩ gì về cuộ tranh cãi đó không?” Tố Tố ngước lên nhìn người phóng viên. “Tôi không hiểu cô muốn hỏi cái gì,” cô nói. “Một số người coi cô là người thách thức hệ thống tư pháp hiện nay; một số người khác nghĩ rằng cô là nạn nhân của xã hội phụ hệ trong đó bổn phận to lớn nhất của người đàn bà là duy trì nòi giống cho người chồng; và một số người khác-xin cô thứ lỗi cho-cho rằng cô đã dùng thỉnh nguyện đó để lôi kéo sự chú ý quá mức cho vụ án của chồng cô-“ “Chẳng phải ảnh đã chết rồi sao?” Tố Tố nói. “Dĩ nhiên tôi không hề nói tôi đồng ý với một số, hay với bất kỳ quan điểm nào,” nữ phóng viên nói. “Tôi chỉ cảm thấy tò mò muốn biết xem cô nghĩ gì về những phản ứng này.” Tố Tố nhìn con dao trong tay mình. “Tôi không có gì để nói,” cô nói, “Tôi xin lỗi.” Phóng viên gật đầu cảm ơn cô. Bà Cẩm thấy nhẹ người. Sau cùng Tố Tố sẽ chỉ là một nhân vật phụ trong câu chuyện của người nữ phóng viên, chính bà mới là một người hùng. Đôi song sinh lẻn vào căn bếp như hai con mèo con đi tìm cái nóng ấm của lò sưởi. Một trong hai đứa cầm bình trà lên rót vào hai cái tách, đứa kia bưng lại cho bà Cẩm và nữ phóng viên. “Cô ơi, cô có sắp chụp hình chúng con không vậy?” chúng hỏi. “Ô, có chứ,” phóng viên đáp. “Lúc trở về Thượng Hải cô có gửi hình về đây cho chúng con không?” một trong hai đứa nài nỉ, rồi đứa kia thêm vào, “Tụi con muốn cho cha xem để cha khỏi phải lo lắng gì cho tụi con hết.” Phóng viên hứa là cô sẽ gửi, và bà Cẩm ngó cách chúng vỗ tay như thể chúng không hề nghi ngờ chút nào về sự nghiêm túc của nữ phóng viên. Chúng chẳng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để trình diễn một màn kịch như vậy, để khiến sự hiện hữu của chúng được thế giới biết đến. Bà Cẩm nhìn chúng rồi nhìn Tố Tố, vốn đang ngó đôi trẻ với đôi mắt mơ màng. Chẳng một ai có thể thay đổi gì được cô, và bà Cẩm tự hỏi bà sẽ mất bao lâu để khiến điều đó xảy ra, và liệu bà có đủ thời gian không. Ý nghĩ này khiến bà thấy kiệt sức, bà quay sang người phóng viên và đột nhiên hỏi cô có muốn lưu lại nghỉ đêm hay không, vì chuyến xe buýt cuối cùng sẽ rời thị trấn chỉ trong vòng một giờ nữa thôi. Phóng viên do dự một lúc rồi nói cô muốn đón chuyến xe đó. Rôi cô hỏi xin được chụp hình cả nhà một tấm trong sân. Đôi song sinh sẵn sàng xong trước hết. Chúng mặc bộ đồ công chúa và mang đôi giày da mà bà Cẩm đã mua cho chúng nhân ngày đầu tiên đi học. Một lát sau cụ bà được Tố Tố dìu ra. Cụ mặc chiếc áo lụa đen với quần thêu hoa cúc vàng, bộ đồ này cụ đã đặt may rất lâu rồi để dành tới lúc mình trăm tuổi. Bà Cẩm có cảm giác không bằng lòng. Bà không biết liệu đó có phải là do sơ suất hay không, nhưng bất luận là gì thì đó cũng là một điềm gở. Bà dặm chút phấn hồng lên đôi má hõm sâu của cụ, thêm chút màu cho may mắn, với hy vọng không có gì hại cho cụ. Bà dẫn cụ tới chiếc ghế đệm ở giữa sân rồi chỉ cách Tố Tố đứng phía sau cụ. Đôi song sinh đứng cạnh bên Tố Tố, mỗi đứa khoác một bên cánh tay cô. Bà Cẩm quan sát cả nhóm, trẻ và già; tất cả những gì họ đang chịu đựng đều do những người đàn ông mà họ đã được định mệnh an bài một cách sai lầm. Bản thân bà có thể cũng đã như họ nếu như số phận không thương tình ban cho bà một cuộc sống dễ dàng hơn: một người cha mà, mặc dù sinh ra trong một gia đình nông dân, đã đứng về phe thắng trong cuộc cách mạng; một người chồng không hề phạm một lỗi lầm xuẩn ngốc nào, và một người con trai tử tế không bao giờ để bà chết trong tay của mấy người y tá vô cảm trong nhà dưỡng lão. Nữ phóng viên nhìn vào máy chụp hình và gọi bà Cẩm đứng nhập vào. Bà bước tới, đứng thẳng lưng, cách xa mọi người một sải tay. Ánh nắng chiều tà làm chói mắt bà, nhưng bà cố không nheo mắt. Bà tưởng tượng, hai mươi năm sau, đôi song sinh, Tố Tố, và tất cả những phụ nữ khác không có trong hình nhưng đã và sẽ đến ngôi nhà vào một lúc nào đó-bà tưởng tượng lúc họ nhìn thấy bức hình trong một tờ tạp chí cũ và kể với nhau rằng bà Cẩm đã làm thay đổi cuộc đời họ như thế nào. Lúc đó có lẽ bà cũng đang vui sướng ngắm nhìn họ từ một thế giới khác, nơi mà cuối cùng cụ bà sẽ nhận ra bà Cẩm là linh hồn trung thành nhất thế giới./.
|