Thử bàn thêm về tính đại chúng trong văn học
-
06.04.2014 11:31:50
Thử bàn thêm về tính đại chúng trong văn học
Tôi có đọc bài “ Tính đại chúng kẻ thù của văn học” của tác giả Nguyễn Hưng Quốc. Một bài nghiên cứu văn học rất hay, có một hàm lượng trí tuệ rất cao. Tác giả đã đưa ra nhiều nhận định rất xác đáng và rất bất ngờ ngược hẳn lại với những quan điểm đang rất thịnh hành trong nền văn học nước nhà. Tuy vậy tôi vẫn không thể đồng ý với anh về cái nhận định: “Tính đại chúng là kẻ thù của văn học”
Tôi vẫn biết có nhiều những tác phẩm được xếp vào hạng kinh điển, khi mới xuất bản, nó đã bị độc giả quay lưng lại trong nhiều năm ví dụ như cuốn Đồi gió hú hay Đỏ và đen, nhưng sau đó một thời gian đọc giả lại đón nhận nó một cách nồng nhiệt và những tác phẩm như vậy ta không thể gọi nó là “Không có tính đại chúng”.
Anh cũng nói rất đúng, nhạc giao hưởng, thính phòng không ai dám nói là dở nhưng ở Việt Nam mấy ai đã nghe. Nhưng cũng có một câu hỏi ngược lại là: “Ở các nước châu Âu loại nhạc bác học đó rất đông người nghe vậy nó có phải là không có tính đại chúng?”
Rõ ràng là :Tính đại chúng phụ thuộc hoàn toàn vào dân trí mà dân trí lại phụ thuộc vào nền giáo dục của một đất nước và còn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế của đất nước ấy nữa. Tố Hữu là một ví dụ điển hình về “Tính đại chúng trong văn học”. Thời của Tố Hữu trình độ dân trí của chúng ta rất thấp đại đa số là thất học, mang nặng một thói quen cảm nhận văn chương mà như anh nói “Ca dao và cổ tích” còn đội ngũ trí thức chỉ là một nhúm rất nhỏ, manh mún vì vậy thơ Tố Hữu được đón nhận một cách nồng nhiệt nhưng càng về sau, khi dân trí được nâng lên thì Tố Hữu càng mất dần người đọc và đến ngày nay thì còn ai đọc Tố Hữu nữa không?
Phủ nhận vai trò của tính đại chúng theo tôi là một sai lầm. Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng sinh ra là nhằm thỏa mãn khát vọng bay lên với cái thiện, cái đẹp của đại chúng chứ không phải chỉ thỏa mãn thị hiếu cứ cho là rất cao của một nhúm nhỏ không đáng kể nào đó. Và cũng chính đại chúng là động lực cho nghệ thuật và văn học tồn tại và phát triển. Xin hỏi “Văn học còn tồn tại không khi mà một cuốn sách in ra chỉ có dăm người mua nó? Nhạc, phim còn tồn tại không khi một cuộc biểu diễn chỉ có dăm người đến xem? Chúng ta phải dũng cảm để thừa nhận rằng: Tất cả chúng ta, những người cầm bút, ai cũng đều nín thở để nghe xem độc giả đón nhận đứa con tinh thần của chúng ta như thế nào vậy thì làm sao có thể nói “Tính đại chúng là kẻ thù của văn học”?
Nhưng ngược lại tuyệt đối hóa tính đại chúng cũng là một sai lầm không kém. Và tiếc thay, hầu hết chúng ta và cả nền giáo dục của chúng ta nữa đang đổ xô vào điều đó. Tuyệt đối hóa tính đại chúng đồng nghĩa với chúng ta khuyến khích thị dân hóa văn chương. Mà văn chương đỉnh cao không thể là loại văn chương thị dân được.
Vậy chúng ta có thể rút ra điều gì từ trường hợp thơ Tố Hữu, từ một nhà thơ có tính đại chúng rất cao trở thành một nhà thơ không còn đọc giả? Chúng ta thấy gì khi Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương dù đã trải qua hơn mấy trăm năm vẫn là những tác giả có tính đại chúng cao nhất hiện nay?
Rõ ràng là nhà văn không thể chỉ thỏa mãn thị hiếu của đại chúng đương đại mà còn phải dẫn dắt được cái thị hiếu ấy vuợt lên phía trước. Tố Hữu đã không làm được điều đó nên Tố Hữu đã chết và một loạt các nhà văn theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã chết vì họ chỉ thỏa mãn được cái thị hiếu thị dân tầm thường (Mà thậm chí cái thị hiếu tầm thường này chưa hẳn đã là thị hiếu của người dân mà là thị hiếu của những người lãnh đạo văn học). Điều này thật là đáng tiếc .
Thật là khó khăn khi vừa phải thỏa mãn được thị hiếu đương đại để có được người đọc làm động lực cho ngòi bút lại vừa phải dẫn dắt được, nâng cao được trình độ thẩm mĩ cho công chúng. Nhưng biết làm sao được! Muốn tồn tại với thời gian. Có phải ai cũng làm nổi điều đó.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Nhưng chúng phải hiểu điều đó, trăn trở vì điều đó để tiến tới có những tác phẩm đỉnh cao.
Văn hóa nói chung và văn học nói riêng là một dòng chảy liên tục nó luôn luôn có tính kế thừa. Chính cái tính đại chúng đã tạo nên tính kế thừa đó. Để thỏa mãn thị hiếu của đại chúng buộc người viết phải gắn chặt với hiện tại , gắn chặt với nền văn hóa của dân tộc mình, cũng đồng nghĩa với gắn chặt với quá khứ của dân tộc mình để viết. Nền tảng văn hóa chính là cái bệ phóng để đưa tác phẩm của nhà văn bay xa và bay cao. Không có bất cứ một tác phẩm kinh điển nào không dựa trên nền tảng văn hóa vững chắc của người viết.
Nhưng tính đại chúng lại là một con dao hai lưỡi . Nó là động lực và cũng chính là nguyên nhân giết chết những cây bút không đủ bản lĩnh. Chạy theo thị hiếu tầm thường của độc giả các nhà văn đã tự đầu độc chính mình.
Có một vấn đề đặt ra là: Tại sao thị hiếu người đọc của chúng ta lại rất tầm thường? Câu trả lời là rất rõ ràng. Tại dân trí. Vậy cái gốc của dân trí nằm ở đâu? Nó nằm trong giáo dục. Cứ tạm tính từ năm 75 đến nay, chúng ta đã trải qua gần ba mươi năm, mỗi năm ta có khoảng một triệu học sinh rời ghế nhà trường vậy thì chúng ta có ba bốn mươi triệu con người được giáo dục.
Một con số không hề nhỏ thế mà mặt bằng dân trí của chúng ta vẫn rất thấp. Trình độ cảm thụ văn học của con người Việt Nam chúng ta vẫn chỉ quanh quanh trong cái hai cái từ “Giải trí” Tầm thường. Tại sao vậy? Tại vì trong giáo dục chúng ta không dạy học sinh của chúng ta cách cảm thụ văn chương. Lẽ ra chúng ta chỉ nên khơi gợi để cho học sinh tự khám phá ra cái hay, cái đẹp trong một tác phẩm văn học thì chúng ta lại đi bắt học sinh của chúng ta phải thích cái điều chúng không thích thế nên mới có cái chuyện trong một cuộc thi học sinh giỏi văn lớp 11 của thành phố Hà Nội khi phải viết một bài luận văn về bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc một em trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn của truờng Việt Đức đã viết “ Em chẳng thấy bài này có gì hay cả”. Tôi nhớ điều này vì chính con gái tôi cũng dự thi trong đội tuyển đó và nó được giải nhì. Khi biết tin nó được giả nhì tôi đã hỏi nó.
-Thế con có thích bài văn tế ấy không?
Nó cười trả lời.
-Ai mà thích được cái bài ấy. May mà trước hôm đi thi cô giáo con lại bồi duỡng cho con đúng vào bài ấy.
Thế đấy! Những học sinh trong đội tuyển giỏi văn còn thế thử hỏi những học sinh bình thường khác sẽ thế nào? Chúng ta không dạy con em chúng ta cách thưởng thức văn chương mà ta dạy chúng thành những con vẹt học nói
Ta hãy làm thử một phép tính để dễ dàng so sánh. Dân số nước ta khoảng 90 triệu người một đầu sách văn học in ra chỉ khoảng 1000 cuốn mà vẫn ế trong lúc dân số mĩ khoảng 200 triệu chỉ gấp đôi chúng ta nhưng một đầu sách in ra hàng vạn cuốn mà vẫn bán hết để thấy mặt bằng dân trí của chúng ta hiện nay.
Những nhà văn của chúng ta sinh ra và lớn lên trong một nền dân trí thấp. Khi cầm bút, họ lại quay lại phục vụ cho một nền dân trí mà cái nền dân trí ấy vì quá thấp nên nó cũng chẳng bao giờ đòi hỏi nhà văn phải nỗ lực hết mình phải học suốt đời. Nó sẵn sàng chấp nhận những tác phẩm văn học “Không gì cả” miễn là có một chút diễm tình, một chút sex, một chút là lạ. Tất cả đều chỉ là một chút. Và khi phải tiêu hóa những món ăn tinh thần như vậy mặt bằng dân trí lại tụt đi thêm một chút.
Đấy là về đại chúng. Còn cái bộ phận không đại chúng thì sao?
Hình như chúng ta quá thừa thãi những ông giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ văn chương. Nhưng thử hỏi các ông ấy làm được gì để nâng cao nền dân trí nước nhà?
Câu trả lời là “Không gì cả”
Các ông viết hàng trăm cuốn sách, cuốn nào cũng dày đến hàng thước trích dẫn hết ông tây lại đến ông tàu nhưng ai đọc? Chỉ có bụi đọc, vì chính các ông cũng chẳng bao giờ đọc của nhau. Vấn đề các ông nghiên cứu to như trái núi và xa tận cung trăng nhưng cái việc cỏn con quyển truyện này hay ở đâu , bài thơ này hay như thế nào để nâng tầm hiểu biết, cảm thụ văn chương của đại chúng tôi đố thấy ông nào viết nổi một bài bình.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến Hoài Thanh. Cuốn thi nhân việt nam mỏng thôi nhưng nó đã tổng kết được cả một giai đoạn văn học nhưng hơn thế (và đây mới là điều thiết thực cho văn học) nó đã nâng tầm cảm thụ văn chương cho biết bao nhiêu thế hệ người đọc nó.
Mảng phê bình và lý luận văn học đã hoàn toàn thiếu vắng trên văn đàn mặc dù có biết bao nhiêu ông hội viên hội nhà văn Việt Nam nằm trong danh sách mảng phê bình và lí luận văn học.
Thỉnh thoảng lắm mới đọc được một bài thì bài đó lại cứ xưng xưng ca ngợi mà chẳng hề phân tích lý giải cho người đọc tại sao như thế, một tác phẩm mà người đọc vừa đọc nó vừa phải lấy tay bịt mũi. Ấy thế nhưng khi có một ai đó viết ra một điều mới lạ khác với cái giáo điều mà các ông được nhồi nhét là các ông xúm lại đánh hội đồng mà Nhã Thuyên và giáo sư Bình là một vụ điển hình.
Thử hỏi với một tư duy như vậy của đội ngũ “Không đại chúng” ấy biết đến bao giờ tầm cảm thụ văn học của đại chúng mới được nâng lên?
Tất nhiên dân trí gồm nhiều vấn đề chứ không chỉ có trình độ cảm thụ văn học nhưng có một điều rất rõ ràng rằng văn hóa đọc là mảng quyết định nhất để nâng cái mặt bằng dân trí của đất nước.
Ai cũng biết lí luận là người dẫn dắt, chỉ đường cho một ngành chuyên môn nào đó nhưng riêng với văn học thì không. Thử hỏi những nhà lí luận phê bình, các ông đã dẫn dắt được gì cho văn học? Xin kể ra đây những thành tích “Vĩ Đại” của đội ngũ phê bình và lí luận văn học
Vụ đầu tiên là vụ nhân văn giai phẩm
Vụ thứ hai là bác bỏ những nhà thơ mới suốt từ năm 1954 đến tận sau năm 1975
Vụ thứ ba cố tình dìm chết Vũ Trọng Phụng .
Vụ thứ tư Đánh hội đồng Nguyễn Tuân
Và còn rất nhiều vụ lẻ tẻ nữa mà gần đây nhất là vụ Nhã thuyên
Các nhà lí luận của chúng ta chỉ là những kẻ ăn theo các cây bút nhưng luôn là người cản trở những cây bút muốn vươn mình thoát khỏi cái cũ mòn sáo rỗng, muốn thoát khỏi sự kiềm tỏa của chính trị. Hình như các ông không định hướng cho văn học mà là người đi định hướng cho dư luận để đào mồ chôn văn học.
Lí luận phê bình văn học là một ngành khoa học. Nhưng một nghiên cứu chỉ thực sự là khoa học khi nó đi được vào cuộc sống xã hội và đẩy được xã hội tiến lên một bước. Với tiêu chí như vậy tôi chưa thấy một nghiên cứu nào của nhóm “Không đại chúng” thực sự là “Khoa học”.
Không một nghiên cứu nào của các ông đi được vào cuộc sống , chính vì thế mà sau bao nhiêu lần cải cách giáo dục, dân tộc ta vẫn là một thằng lùn.
Tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi một tác phẩm đỉnh cao phải nhiều người đọc nó và thích nó như những tác phẩm thuần tính giải trí. Nhưng nếu nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc
“Ở những lúc ấy có thể xuất hiện những nghệ sĩ lớn không cần có tác phẩm lớn và những tác phẩm lớn không cần phải thực sự mang tính thẩm mỹ cao: đó là những tác phẩm có khả năng mang lại một định nghĩa khác và mới về văn học và/hoặc nghệ thuật, khiến, từ đó, địa dư của văn học và/hoặc nghệ thuật thay đổi hẳn; cách hình dung cũng như cách cảm thụ của mọi người về văn học và/hoặc nghệ thuật không còn giống như trước nữa.”
Thì tôi lại nghi ngờ điều đó lắm. Nếu điều đó thực sự xảy ra thì có nghĩa là trên đồ thị (lấy trục tung biểu thị thời gian) sẽ có một bước nhảy thẳng đứng và tại điểm đó mọi quan niệm về mĩ học, văn học, thậm chí là cả đạo đức hoàn toàn thay đổi như là sự bắt đầu đầu tiên của văn học và mĩ học. Thực tế không thể xảy ra điều này. Nếu đấy chỉ là điểm gãy của lịch sử văn học và mĩ học như tác giả nói. (Tức là không có đoạn nhảy thẳng đứng trong đồ thị) điều đó đồng nghĩa với việc bắt đầu từ đó chỉ có một sự thay đổi lớn (Chứ không phải thay đổi hoàn toàn) trong những quan niệm về văn học và mĩ học nhưng những thay đổi đó vẫn gắn chặt với quá khứ của lịch sử văn học và mĩ học. Tôi không biết trong khoa học xã hội đã có điểm đứt gãy nào như thế chưa nhưng trong khoa học tự nhiên điều đó đã từng xảy ra đấy chính là thuyết tương đối hẹp của Anhxtanh. Sau thuyết tương đối quan niệm về không gian thời gian đã thay đổi nhưng thuyết tương đối vẫn phải gắn chặt với lịch sử phát triển của vật lý vì nếu không có cái phát hiện “Vận tốc ánh sáng là không đổi trong mọi hệ quy chiếu” thì thuyết tương đối đã không thể hình thành.
Tôi cho rằng văn học cũng như vây. Tính kế thừa là một thuộc tính cố hữu của văn học.
Văn học không phải là một môn khoa học. Nó là một bộ môn nghệ thuật mà hai từ nghệ thuật lại luôn gắn chặt với hai từ “ Công chúng”
Những quan niệm về “Đẹp” , “Hay” , “Tốt” , “Xấu” là những quan niệm được hình thành do xã hội và người nghệ sỹ sẽ sáng tác trên cơ sở những quan niệm ấy . Nhìn lại lịch sử mĩ học ta sẽ thấy rõ điều này. Tranh của các họa sỹ thời Phục hưng luôn vẽ phụ nữ hơi mập một chút, đùi hơi ngắn và tròn trịa. Tại sao vậy? Vì thời ấy xã hội coi thế mới là một phụ nữ đẹp còn bây giờ xã hội coi một người phụ nữ phải mảnh mai, đùi thon và dài mới là đẹp và những người phụ nữ mập đùi tròn trịa lập tức biến khỏi các bức tranh.
Trong văn học cũng xảy ra những điều tương tự. Hầu như các tác phẩm văn học xưa (Của cả chúng ta và thế giới) đều dùng một hình mẫu phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng thậm chí có chút e dè, chung thủy làm hình tượng vì thời ấy xã hội coi đấy mới là người phụ nữ lí tưởng. Nhưng khi xã hội phát triển lên, người phụ nữ được giải phóng, vai trò người phụ nữ được khẳng định trong xã hội thì hình mẫu người phụ nữ lại là Xinh đẹp, cá tính và mạnh mẽ.
Tác giả Nguyễn Hưng Quốc nhận định rất chí lý rằng:
những tác phẩm văn học nghệ thuật đích thực nào cũng nhằm chống lại người thưởng lãm; đúng hơn, chống lại những sự chờ đợi của người thưởng lãm; chống lại những quan điểm thẩm mỹ, những mô hình về cái hay, cái đẹp đã hoá thạch và ngỡ là bất biến ở người thưởng lãm. Mỗi tác phẩm lớn, với những mức độ khác nhau, tồn tại như một phản đề của một cái gì đó thuộc về truyền thống. Do đó, tôi tin tác phẩm lớn nào, tự bản chất, cũng mang tính phản-đại chúng: “
Nhưng chúng ta phải hiểu cái nhận xét này như thế nào đây? Có thật những tác phẩm lớn là một tác phẩm luôn chống lại đại chúng? Không thể hiểu cái nhận xét sâu sắc này bằng một cách thô thiển như thế
Xã hội luôn biến động. Khi nó biến động đến một cái ngưỡng nào đó thì nó bắt đầu tác động đến cái “ Ý thức xã hội” và khi đó những quan niệm về thẩm mĩ, về đạo đức bắt đầu thay đổi theo . Nhưng cái “ Ý thức xã hội” lại luôn có độ trễ (Có khi là rất dài) so với cái “Hình thái xã hội” đã được hình thành. Và một tác phẩm lớn phải là một tác phẩm thu ngắn được khoảng trễ ấy lại.
Tác phẩm “Nỗi buồn của chiến tranh” của Bảo Ninh là một minh chứng rõ nhất cho điều này.
“Nỗi buồn của chiến tranh”được viết năm 1987, mười hai năm sau khi chiến tranh kết thúc. Một cuộc sống nghèo khó đến cùng cực khác hẳn với những gì mà cơ quan truyền thông của Đảng đã tuyên truyền. Cái đau thương của chiến tranh chưa mất đi, cái đói khổ chùm lên trên nối đau ấy, điều đó khiến cho những những người tham gia cuộc chiến thất vọng . Nhận thức về chiến tranh mà chúng ta vẫn luôn tự hào bắt đầu thay đổi. Cái “ Hình thái xã hội” đã hình thành nhưng tại thời điểm ấy cái niềm tự hào “Đánh thắng hai đế quốc to” vẫn là cái ý thức xã hội chủ đạo trong công chúng. Tại thời điểm đó cuốn nỗi buồn của chiến tranh ra đời và cũng bắt đầu từ đấy người ta bắt đầu nhìn nhận và viết về chiến tranh bằng một con mắt khác.
Tất nhiên nếu không có cuốn nỗi buồn của chiến tranh thì trước sau gì cái nhận thức về chiến tranh của công chúng cũng sẽ thay đổi, nhưng nó chắc sẽ kéo dài không biết đến bao giờ.
Nếu nhìn về hình thức thì đúng là nỗi buồn của chiến tranh “chống lại những quan điểm thẩm mỹ, những mô hình về cái hay, cái đẹp đã hoá thạch và ngỡ là bất biến ở người thưởng lãm. “ như tác giả Nguyễn Hưng Quốc đã nói. Nhưng xét về bản chất của vấn đề thì lại không phải như vậy. Một cách chính xác thì chúng ta phải nói rằng “Nỗi buồn của chiến tranh” Là một cú hích từ phía sau lưng công chúng làm cho công chúng phải ngã vào sự thật
Và đấy cũng là một trách nhiệm đầy vinh quang nhưng cũng vô cùng khó khăn và nguy hiểm của những người cầm bút chân chính. Họ phải tìm cho ra những mạch ngầm đang len lỏi chảy trong lòng xã hội để rồi thay mặt xã hội nói lên những khát vọng của con người.
Hà nội 6-4-2014