Được cộp mác (16+) cùng lời khuyến cáo, “không đọc sách lúc buồn chán, cô đơn” và “hãy đọc sách khi đủ trưởng thành”, tiểu thuyết "Khóc giữa Sài Gòn” của Nguyễn Ngọc Thạch gây không ít tò mò. Tiểu thuyết là câu chuyện về mối tình đồng tính giữa Phan và Nam giữa bối cảnh Sài Gòn với biết bao thăng trầm, với biết bao mảng miếng sáng tối và giữa biết bao con người với những số phận khác nhau đã tạo cho “Khóc giữa Sài Gòn” một sức hút khó tả, một sự suy ngẫm và ám ảnh khôn nguôi.
Đồng tính ư? Có gì ghê gớm. Người đồng tính cũng ái, ố, hỉ, nộ như bao người. Họ cũng tài năng, cũng vươn lên để chạm tay tới thành công trong sự nghiệp. Họ cũng rất đáng quý, đáng trọng. Đó là những điều họ đã thể hiện.
Không dằn vặt, đau đớn, Phan đón nhận xu hướng tính dục của mình một cách vô cùng bình thản. Phan hiên ngang đối mặt với mọi người, dùng khả năng, thành công khiến người ta phải kính trọng và xóa đi tư tưởng xấu về người đồng tính.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch từng ghi dấu ấn với tác phẩm “Đời Callboy”
“Khóc giữa Sài Gòn” của Nguyễn Ngọc Thạch lấy bối cảnh Sài Gòn thời hiện đại, một Sài Gòn rất quen thuộc, nơi có những quán café đa phong cách, có bánh mì, có kẹt xe, có bụi đường, nơi con người tất bật với cuộc sống mưu sinh, bận rộn với những ước mơ đổi đời để rồi bất giác nhìn vào gương, họ dường như không còn nhận ra được khuôn mặt của chính mình. Nhưng vượt trên tất cả, nơi đó có những con người dám sống, dám chết và dám khóc vì nhau.
Trong bối cảnh đó, câu chuyện của Phan và Nam diễn ra chậm rãi với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen. Trở về từ đất Mỹ xa xôi, Phan là chàng trai đầy tham vọng, muốn chinh phục những đỉnh cao trong xã hội. Phan gặp lại Nam, cậu nhóc trước đây đã nhất quyết không chịu đi tiễn mình ngày Phan xa quê hương. Nam bây giờ khác lắm, cứ mãi vùi chôn mình trong nỗi đau, để rồi bằng tình yêu, Phan hồi sinh Nam từ đống tro tàn tuyệt vọng.
Trong những ngày sống cùng nhau tại Sài Gòn, Phan và Nam không đơn độc, họ còn những người đồng hành cùng mình. Ân, Thụy, Mễ, Tú, mỗi con người lại mang trong mình một câu chuyện riêng, rất đặc trưng và rất Sài Gòn.
"Khóc giữa Sài Gòn” được đóng dấu (16+) gây không ít tò mò cho người đọc
"Khóc giữa Sài Gòn” được đóng dấu (16+) cùng lời khuyến cáo, “không đọc sách lúc buồn chán, cô đơn” và “hãy đọc sách khi đủ trưởng thành” gây không ít tò mò cho người đọc. Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, “đây không phải là chiêu trò PR hay marketing, mà thật sự là lời khuyên của tôi muốn gởi đến độc giả”.
“Tôi tin rằng ai đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn, đều khó có thể rời bỏ nó mà không lưu luyến, vấn vương. Nó không đơn thuần là một mảnh đất, nó là ký ức, là ước mơ, là hoài bão của rất nhiều người. Nhưng, tôi cũng tin rằng những ai sống ở Sài Gòn, cũng đã từng có một lần khóc giữa Sài Gòn”, tác giả cuốn sách chia sẻ.
Bạn đọc muốn tìm hiểu về tác phẩm hoặc có cơ hội chia sẻ với tác giả vui lòng liên hệ: [URL="https://www.facebook.com/pages/Maxbooks/684914511552369"]https://www.facebook.com/pages/Maxbooks/684914511552369[/URL]