Nhân có kẻ đốt đền vẩn vơ nghĩ về văn hóa
-
30.04.2014 11:01:47
Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”.
Vũ Khiêu
Nhân có kẻ đốt đền vẩn vơ nghĩ về văn hóa
Phần 1 – những suy tư về văn hóa
Đã đến lúc chúng ta phải dũng cảm để nói với nhau rằng: Nền văn hóa của chúng ta là vô cùng nhỏ bé mặc dù nước ta cũng là một nước vào loại lớn và đông dân trên thế giới. Thử kiểm điểm lại xem chúng ta có gì trưng ra cho thiên hạ để chúng ta có thể tự hào nói rằng :”Các vị hãy xem đi! Chúng tôi có bốn nghìn năm văn hiến”
Kiến trúc? Không trong lúc nước Lào chỉ có ba triệu dân có đền Vàng. Căm Pu Chia chỉ có bảy triệu dân có đền Ăng co…..
Tạo hình? Không!
Mỹ thuật? Không!
Âm nhạc? Không . Nhạc cụ của chúng ta hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Duy nhất có cây đàn bầu và một số thứ nhạc cụ bằng tre nứa vùng Tây Nguyên.
Văn học? Gần như là không!
Sao lại gần như? Bởi vì may mắn quá ta còn có truyện Kiều.Duy nhất có một ngôi đền trong văn học thì lại có hai vị lăm le cầm đuốc để đốt đền. Ai vậy? Xin thưa đó là giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu và một ông kĩ sư cơ khí Đỗ Minh Xuân.
Môt dân tộc đã nghèo nàn về văn hóa thì chớ, nhưng cái dân tộc ấy lại không bao giờ có ý thức phải gìn giữ lấy cái vốn vốn đã quá nghèo nàn của mình. Cứ nhìn vào những ngôi đình chùa của chúng ta thì rõ . Từng ngày một, những ngôi chùa cổ của chúng ta cứ biến mất dần để thay vào đó là những ngôi chùa rất lạ chẳng tây mà cũng chẳng là tàu.
Nói đến văn hóa là nói đến bản sắc. Tất nhiên cũng không thể nói như ông Nguyễn Hoàng Đức. Văn hóa phải là những cái gì to lớn vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành hay Kim Tự Tháp. Một viên kim cương nhỏ thôi nhưng cũng làm cho ta phải chiêm ngưỡng và thán phục. Và còn điều này nữa chúng ta phải luôn nhớ. Những thứ to lớn , kì vĩ trong văn hóa bao giờ cũng gắn liền với sinh mệnh của hàng vạn, thậm chí là hàng triệu con người.
Cứ nhìn vào số người chết trong khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành và Kim Tự Tháp thì chúng ta phải biết ơn những vị vưa xa xưa của chúng ta đã biết thương xót đến sinh mạng của con người mà đừng nên trách cứ tiền nhân.
Chúng ta! Những kẻ hậu thế, đứng nhìn những di sản của tiền nhân để lại rồi bĩu môi chê rằng : Bé thế! Chẳng có gì đáng nói. Nhưng, Nếu như chúng ta chính là những kẻ phải xây những công trình kì vĩ ấy và bị chết vì nó thì chúng ta nói sao?
Tuy vậy , bé thì bé nhưng nếu nó có bản sắc riêng thì nó vẫn là một viên ngọc của văn hóa. Tiếc rằng, nói thẳng ra, chúng ta không có bản sắc. Phải nói rõ ra điều đó để cho thế hệ hôm nay và mai sau biết rằng : Trách nhiệm xây dựng một nền văn hóa mang một bản sắc riêng đó là nhiệm vụ của họ.
Chắc khối nhà văn hóa sẽ nhảy dựng lên khi đọc đến câu này. Nhưng biết làm sao được! Tôi đã nói rồi,Chúng ta phải dũng cảm.
Dân tộc ta rất kiên cường trong chống giặc ngoại xâm nhưng lại rất dễ đầu hàng trước những cuộc xâm lăng của văn hóa.
Cứ nhìn vào âm nhạc, văn học, kiến trúc ngày hôm nay của chúng ta thì chúng ta thấy rất rõ điều này. Phải đau đớn để nói với nhau rằng : Người việt chúng ta không có bản săc.
[link=file://gia/]Gia[/link] đình tôi vừa đón tiếp một gia đình người Hàn Quốc chồng là tiến sỹ, vợ là thạc sỹ có một đứa con ba tuổi. Khi ra về , đứa bé cúi đầu, chắp tay cung kính cúi chào mọi người bằng tiếng hàn. Còn chúng ta? Con cháu chúng ta chào mọi người thế nào? Bai! Và kèm theo một nụ hôn gió còn những người lớn thì reo lên “ÔI! Dễ thương quá”
Đấy bản sắc Việt đấy. Thật đáng đau buồn.
Phần 2- Những suy tư về truyện Kiều
Nói đến văn hóa thì không thể không nói đến mảng văn học. Và ở mảng này chúng ta lại phải thừa nhận với nhau rằng di sản mà chúng ta có cũng vô cùng nghèo nàn.
May mắn mà chúng ta còn có truyện Kiều. Một ngôi đền duy nhất trong văn học.
Trong chúng ta, không phải ai cũng nhận ra cái giá trị to lớnvà cái hay tuyệt đỉnh của truyện Kiều đâu. Chính vì vậy trước khi phê phán hai vị đốt đền tôi xin nói một chút về truyện Kiều.
Nếu ai hỏi tôi, xin anh hãy nói Thật ngắn gọn, chỉ một câu thôi, truyện Kiều hay như thế nào? Thì tôi sẽ trả lời họ rằng;
Truyện Kiều hay đến cái mức dịch nó ra tiếng nước ngoài là không thể!
Tại sao tôi lại nói thế? Vì rằng để thấy , để hiểu cái hay của truyện Kiều người dịch nó phải hiểu biết một cách sâu sắc cùng một lúc hai nền văn hóa. Văn hóa Việt và văn hóa Hán cộng với nền văn hóa của thứ tiếng mà người dịch định dịch sang. Làm sao có thể tìm được người dịch thông thạo một cách sâu sắc cùng một lúc ba nền văn hóa.
Chỉ cần kém hiểu biết đi một trong hai nền văn hóa ấy thì truyện Kiều đã mất đi quá nửa giá trị. Trên thế giới có rất nhiều các tác phẩm thơlớn như : Trường ca Iliat của Home hay kịch của Sexpia nhưng những tác phẩm ấy tinh hoa của nó lại nằm ở cốt truyện chứ không phải ở phần thơ. Truyện Kiều thì ngược lại tinh hoa của Nguyễn Du lại nằm ở phần thơ chứ không phải là ở cốt truyện. Chính vì vậy mà kịch của Sex pia hay Iliats đã được dịch ra tiếng nước ngoài dưới dạng văn xuôi còn truyện Kiều thì không thể dịch được. (Tôi biết có một số bản dịch truyện Kiều ra tiếng pháp nhưng không thành công chính vì vậy cụ Nguyễn Du không hề nổi tiếng ở nước ngoài. Âu cũng là (Như cụ từng nói “Chữ tài liền với chữ tai một vần)
Nói như thế là tôi muốn khẳng định một điều những ai muốn loại bỏ từ Hán Việt trong truyện Kiều là những người không biết gì về Kiều và không có khả năng cảm thụ văn học.
Nếu ai hỏi tôi: Nguyễn Du vĩ đại ở điểm nào? Thì tôi sẽ bảo với họ rằng
-Nguyễn du vĩ đại ở chỗ đã viết nên được một tác phẩm đỉnh cao nhưng lại có tính đại chúng cao nhất mà từ xưa đến nay những văn hào nổi tiếng trên thế giới từng mơ ước nhưng không một ai làm nổi.
Tại sao tôi lại nói như vậy?
Tại vì như Nguyễn Hưng Quốc đã từng nói “Tính đại chúng là kẻ thù của văn học”
Một tác phẩm đỉnh cao thường là một tác phẩm khó đọc. Không phải ai cũng đọc nổi một tác phẩm đỉnh cao. Tôi dám chắc rằng hỏi mười người hay đọc sách(Chỉ tính những người thích đọc sách còn những người không thích đọc sách thì không tính) thì có đến quá nửa chưa đọc chiến tranh và hòa bình. Nếu hỏi mười người đã từng cầm cuốn trăm năm cô đơn, một tác phẩm được giải nobel văn học thì tôi có thể khẳng định với mọi người rằng có đến tám người bỏ dở nửa chừng. Tại sao tôi lại dám khẳng định điều này? Bởi vì tôi rất xấu hổ để thú thật với mọi người rằng chính tôi cũng không thể đọc nổi cuốn sách ấy dù rằng tôi đã vận đến mười thành công lực
Nhưng với truyện Kiều thì khác. Từ những người mù chữ đến những giáo sư văn chương. Từ anh xe ôm đến đến bà bán rau ngoài phố. Không ai là không thuộc dăm ba câu kiều.Truyện kiều đã đi sâu vào trong dân gian và những thứ ăn theo truyện Kiều như lẩy Kiều, bói Kiều nhiều vô kể. Có bao nhiêu học giả đã nổi tiếng nhờ nghiên cứu về “Kiều”
Vừa thỏa mãn được thị hiếu của tầng lớp thị dân, vừa thỏa mãn được thị hiếu của những bậc học giả. Có lẽ Nguyễn Du là người duy nhất làm được điều này
Phần 3- Về những kẻ đốt đền
Dạo này, khi cái độc quyền về thông tin của nhà nước bị internet cướp mất, chúng ta mới ngã ngửa người ra là trong đám ráo sư quốc doanh có rất nhiều ông có lắm vấn đề cả về nhân cách lẫn tri thức. Nhưng thôi! Đừng bàn đến họ cho tốn thời gian và giấy mực. Trong phần này tôi chỉ xin đề cập đến hai vị hiện đang nổi đình nổi đám trong giới văn chương đó là giáo sư Vũ Khiêu và một ông vô danh tiểu tốt Đỗ Minh Xuân, một kĩ sư cơ khí đang ( Nói như một người nào đó ) lắp ráp lại truyện Kiều bằng C lê và búa.
Với ông kĩ sư Đỗ Minh Xuân, tôi cũng chẳng lấy gì ngạc nhiên cho lắm. Tôi còn gặp một ông đã từng hô to “Kéo cổ Nguyễn Du xuống, ta mới là đại thi hào của Việt Nam” nhưng với ông giáo sư Vũ Khiêu thì tôi đã thực sự ngạc nhiên. Tôi đã tự hỏi : Một người danh đã có, lợi cũng đã có và chắc ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách của ngài kĩ sư Đỗ Minh Xuân không phải vì mệnh lệnh của một ai đó thì tại sao lại đi làm cái chuyện này? Tôi chịu không thể trả lời được
Ông Vũ Khiêu nói “Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc”
Vậy thế nào mới là khoa học?
Xét về mặt văn bản chúng ta phải nói rằng “ Một chữ của tác giả ta cũng không được phép sửa đổi”. Đấy không những là khoa học mà cao hơn, nó còn là pháp lý về “Quyền sở hữu trí tuệ”
Văn bản gốc của truyện Kiều do Nguyễn Du viết đã bị thất lạc. Truyện Kiều được lưu giữ cho đến ngày nay là do truyền miệng. Mãi về sau này mới được in thành sách. Trong quá trình truyền khẩu ấy truyện Kiều đã bị sai lạc khá nhiều, do nhớ nhầm. Sau này, khi được in thành sách, truyện kiều vẫn tiếp tục bị sai lạc do tam sao thất bản. Nhưng tất cả sự sai lạc này đều do vô thức tạo nên. Đây là lần đầu tiên sự sai lạc có ý thức xảy ra đối với truyện Kiều.
Chính sự sai lạc này đã làm đau đầu những nhà “Kiều học” Họ đã phải đau đầu, cân nhắc từng chữ, tranh luận với nhau hàng năm trời để cố gắng tìm ra đâu mới là từ mà Nguyễn Du đã dùng. Họ cố gắng đưa truyện Kiều về gần nhất với văn bản gốc. Đó mới là khoa học.
Trên thế giới cũng vậy! Tượng thần vệ nữ người ta tìm thấy thiếu mất hai cánh tay. Các nhà tạo hình trên thế giới hoàn toàn có thể tạo ra hai cánh tay khác để lắp vào bức tượng và bức tượng chắc chắn là sẽ đẹp hơn nhưng họ đã không làm. Tại sao vậy? vì một điều rất đơn giản : Chắc gì hai cánh tay mới làm ấy đã đúng với bản gốc của bức tượng.
Những sửa chữa, tôn tạo để khắc phục sự xuống cấp các di sản văn hóa chỉ được phép làm lại đúng như bản gốc không được phép sửa đổi còn những thứ không có bản gốc thì phải giữ nguyên hiện trạng dù rằng nó chỉ còn là phế tích, mặc dù với kĩ thuật tiên tiến hiện nay người ta hoàn toàn có thể dựng lại hiện trang ban đầu bằng kĩ thuật máy tính
Với một tinh thần “Khoa học một cách nghiêm túc” Ông Vũ Khiêu đã khuyến khích một việc làm ngược lại :Sửa một văn bản mà bao nhiêu người đã cố gắng đưa nó về gần đúng với văn bản gốc thành một văn bản… ( Tôi cũng không biết phải gọi thứ văn bản này là thứ văn bản gì)
Ông còn viết
“ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều”
Tôi không hiểu ông Vũ Khiêu nghĩ gì khi viết câu này!.
Thứ nhất – Về tính đại chúng của truyện kiều thì đâu cần những người trí thức lùn như các vị phổ cập nó. Thử hỏi trong nền văn học Việt từ trước đến nay có tác phẩm văn học nào mà chin mươi triệu người dân thì nói không ngoa phải có đến sáu bảy mươi triệu người biết đến nó. Có tác phẩm văn học nào mà từ Bắc chí Nam ai ai cũng thuộc một đôi câu như truyện kiều.
Thứ hai: Phải khẳng định rằng truyện Kiều là một tác phẩm đỉnh cao. Nghĩa là nó không chỉ dành cho những người có trình độ thị dân mà còn là cuốn sách dành cho những tác giả.
“gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều”
Chẳng lẽ ông không hiểu rằng chính những điển tích mà Nguyễn Du đã dùng chính là tinh hoa của truyện Kiều?
Ta thử xét một câu trong truyện Kiều
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Nếu là một người bình thường, người ta vẫn hiểu được hai cô gái đẹp lắm. Nếu là một học giả họ còn biết cao hơn thế. Khi đọc đến đây họ phải vỗ đùi khen rằng: Sao cụ Nguyễn Du tài thế! Cụ đã dịch được hai câu thơ Đường
Nhất tiếu khunh nhân thành
Tái tiếu khunh nhân quốc
Mà không ai có thể dịch hay hơn. Thay câu thơ này bằng bất cứ câu nào thì cũng tước bỏ đi cái phần dành riêng cho các học giả. Đồng nghĩa với việc biến một tác phẩm đỉnh cao thành một tác phẩm thị dân.
Ta hãy thử xét một vài câu thơ mà ông kĩ sư đã thay để xem thử ông đã tầm thường hóa truyện Kiều như thế nào khi bỏ đi những điển tích.
Rằng: Nghe nổi tiếng cầm đài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kì
Theo ông Thế Anh thì hai từ Chung Kì ở đây được thay bằng hai từ “Ngưỡng vì”
Nên câu thơ trở thành
Rằng : Nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai ngưỡng vì
Thôi được ta cứ hiểu một cách cục mịch như ông Xuân đi thì câu đó có nghĩa “Ta nghe nói nàng nổi tiếng đàn hay ta ngưỡng mộ đã lâu” thế thì hai từ “Nước non” trong câu thơ phải giải thích thế nào đây? Chẳng lẽ là “Cả nước ngưỡng mộ” ? đấy là chưa kể đến hai từ “ ngưỡng vì” Nghe rất “Củ chuối”. Chắc ông kĩ sư cũng chẳng ngu gì mà không tra cứu cái tích của hai từ Chung Kì . Ông biết nhưng ông lại không hiểu.. Khi hiểu hai từ Chung Kì là nói đến Bá Nha và Tử Kì thì câu thơ còn hàm một nghĩa khác không chỉ dừng lại ở cái nghĩa là ngưỡng mộ. Đó là sự khẳng định của Kim trọng “Ta sẽ là người tri âm , tri kỉ của nàng” câu thơ cao vượt lên hẳn vài bậc so với sự ngưỡng mộ thông thường. Và phần này của câu thơ để dành cho những vị học thật chứ không dành cho những người” Học giả”.
(Tôi cũng phải xin lỗi trước là tôi không có quyển sách của ông Đỗ Minh Xuân nên tất cả những từ thay đổi, tôi theo đúng của ông Thế Anh trong bài viết “Tại sao ông Vũ Khiêu lại nối giáo cho giặc”. Nếu có gì sai sót tôi thành thật xin lỗi tất cả mọi người)
Ta thử một câu nữa
Vâng lời khuyên nhủ thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương
Ở đây ông Xuân thay cụm từ “Đã dào mạch Tương” Thành “Đã chào vầng Dương” nên câu thơ trở thành
Vâng lời khuyên nhủ thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã chào vầng dương
Rõ ràng khi thay đổi ba từ này nghĩa câu thơ đã thay đổi hoàn toàn. Ở câu trên câu thơ có nghĩa “ Nghe chưa hết lời khuyên nước mắt nàng đã lại trào ra” Thể hiện một cô gái đa cảm. Ở câu câu dưới câu thơ lại có nghĩa “ Chưa nghe hết lời khuyên nàng đã hớn hở chào đón một ngày mới” Sao tôi lại dùng hai từ hớn hở? Vì cái từ “Chào” mà ông Xuân đã dùng. Thể hiện một cô gái nông cạn và vô cảm. Biến nàng Kiều từ một cô gái đa cảm thành ra một cô gái vô cảm và nông cạn đấy là “Một ý tưởng lớn” của ông kĩ sư cơ khí mà ông Vũ Khiêu đã ca ngợi
Ta hãy xét thử thêm một câu nữa để thấy thay từ thuần Việt cho điển tích câu thơ sẽ ra sao. Câu 507
Phải trò trên bộc dưới dâu
Ông thay bằng “Trên cỏ dưới dâu”. Thoạt nghe có vẻ thuận, Có lý.
Phải trò trên cỏ dưới dâu
Nhưng nếu xét lại cả câu theo cái nghĩa thuần Việt thì câu này vô nghĩa. Chúng ta không có cái trò nào trên cỏ dưới dâu cả. Muốn câu này có nghĩa đúng như cụ Nguyễn Du viết mà lại thuần Việt thì phải viết là
Phải trò mèo mả gà đồng
Nhưng nếu viết thế thì lấy vần đâu bắt cho câu dưới. Để thuần Việt ông bèn biến một câu có nghĩa nhưng cần kiến thức rộng thành một câu vô nghĩa. Thiên tài! Làm gì mà ông Vũ Khiêu chẳng khen hết lời
Ta tạm dừng phần thay đổi những tích Hán Việt ở đây mà chuyển sang phần thay đổi từ ngữ không phải tích Hán Việt xem thử cái mà ông Vũ Khiêu nói
ông đã có ý tưởng lớn
nó như thế nào . Câu dễ thấy nhất là câu
Sè sè nấm đất bên đường.
Ông Xuân sửa là
Se se nấm đất bên đường với lời giả thích (Theo như bài viết của ông Thế anh)
“.Ông phân tích đó là nấm mồ vừa mới đắp, đất hơi se se, cỏ chưa hồi phục hẳn, nên đang còn nửa vàng nửa xanh.
Tài thật! Xin hỏi ông Xuân thế còn hai câu
Trải bao thỏ lặn ác tà
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm
của Cụ Nguyễn Du là chỉ nấm mộ của ai đây?
Còn câu “ Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời”
Ông thay từ vẻ thành từ ve “Ve ngân ngang trời” . Đọc câu này của ông tôi lại sực nhớ đến chuyện Tô Đông Pha sửa thơ của Vương An Thạch
Minh Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm
Thành
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm
Phải bao nhiêu năm sau Tô Đông Pha mới biết kiến thức mình non nớt. Nhưng với từ vẻ thành ve thì chúng ta không cầnphải lâu đến thế. Chỉ cần đưa mắt đọc lên câu trên
Cửa thiền vừa tiết cuối xuân
Thì ta thấy ngay sự non nớt về kiến thức của ông Kĩ sư họ Đỗ. Tiết cuối xuân nghĩa là vào tháng hai đến tháng ba âm lịch lúc ấy thì đào đâu ra ve. Hay là “Tiếng ve năm ngoái còn vờn ông Xuân” ?
Ta hãy xét đến một từ khó hơn mà lại khó hơn rất nhiều đó chính là từ “Chiếc” của cụ Nguyễn Du thành từ “Đơn” hay từ “Lẻ” của ông kĩ sư cơ khí vì từ này để cảm nhận được cái hay của nó cần phải có một sự mẫn cảm hết sức tinh tế và kiến thức sâu rộng của người thưởng thức
Trong thành ngữ của chúng ta có câu thành ngữ rất hay “Chăn đơn, gối chiếc” Chăn đơn là loại chăn mỏng ( chứ không phải là loại chăn chỉ dùng cho một người ). Nó không đủ ấm vào mùa đông nên chăn đơn hàm chỉ sự lạnh lẽo. Gối chiếc là loại gối chỉ dùng cho một người vì vậy nó hàm chứa một nội hàm cô đơn ở bên trong
Trong ca dao có câu
Đêm đêm canh giữ phòng không
Chăn đơn gối chiếc lạnh lùng môt thân
Vậy từ “ Chiếc” luôn luôn đi với sự cô đơn. Còn từ đơn muốn chỉ sự cô độc thì lại luôn đi với từ lẻ thành một từ kép” đơn lẻ”.Ở đây phải thấy sự nhuần nhuyễn về tiếng việt của cụ Nguyễn du. Chỉ sự cô đơn bao giờ cụ cũng dùng từ chiêc
Người về chiếc bóng năm canh
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa soi gối chiếc , sửa soi dặm trường.
Thế đấy ! Muốn dùng từ thuần Việt cũng không hề dễ đâu. Phải thuộc, hiểu một cách sâu sắc về ca dao tục ngữ thì dùng từ thuần Việt mới hay và chính xác. Phải đặt cái từ ấy vào trong tổng thể của cả đoạn thơ chứ không thể bạ từ nào thay từ ấy như ông Xuân đã làm.
Truyện Kiều là một tác phẩm đỉnh cao. Một cây cổ thụ được hai ông Vũ Khiêu và Đỗ Minh Xuân bứng đi trồng thay vào đấy là một cây cỏ dại.
Bỗng thấy thương cho cụ Đào Duy Anh quá. Hai kẻ hậu sinh đã hóa vàng cho cụ bằng chính cuốn « Từ điển truyện Kiều » . Ôi ! những nhà văn hóa !
Hà nội 28-4-2014