Đường Vào Văn Học
Nguyên Đỗ 26.10.2005 15:45:56 (permalink)
Đường Vào Văn Học

Kính tặng người bạn tri âm đang ở Việt Nam
và bạn hữu khắp nơi

Nguyên Đỗ


Không biết những nhà thơ, nhà văn bắt đầu thế nào, riêng tôi bắt đầu vào văn học Việt Nam qua những bài hát ru con của Mẹ tôi và những bài ca dao được nghe thấy hằng ngày. Rồi từ đó những bài dân ca, những câu thơ tình tứ mang tình tự dân tộc đã đưa tôi đến thế giới văn học Việt Nam.

Tôi đã đọc nhiều về nền văn học thế giới có những tác phẩm bất hủ nổi danh khắp nơi, nhưng tôi chưa từng thấy nơi nào mà nền thi ca thịnh hành trong mọi tầng lớp nhân dân qua nền văn chương truyền khẩu, bình dân như ca dao Việt Nam.

Phải chăng vì đó mà đa số người Việt Nam, dù có học hay không, đôi khi cũng xuất khẩu thành thơ? Thi ca hiển hiện trong đời sống hằng ngày, chuyển biến với thời cuộc và ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày. Đọc báo chí Việt ngữ, ngay cả những tờ báo lá cải biếu không ngoài chợ, cũng có những bài thơ trữ tình khác với thi ca nước ngoài, chỉ có thơ trong những tạp chí thi ca. Thơ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Việt, đào tạo nên những mầm non thơ, những thi sĩ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hãy đọc những diễn đàn thi ca trên các mạng lưới cũng phỏng đoán được sức sống của thơ. Hẳn nhiên có những lập lại, có những phỏng theo, những vụng về... nhưng có ai mà đi, chạy, nhảy mà không chập chững lúc ban đầu như những em bé tập bò, tập lết, tập đứng, tập đi trước khi đi lại bình thường hay trở thành những vận động viên thể thao.

Một số người nổi tiếng có cái nhìn bi quan vì tiến trình thi văn tại nước ngoài không có đủ chất lượng vì đã xa rời đất Mẹ, thiếu thực tế vì không trực diện với diễn tiến lịch sử trong nước. Có phải nhìn thấy trước mắt mới có thể tạo nên những tuyệt tác không? Hẳn nhiên là không rồi, nhà thơ nhà văn viết theo cảm nghiệm của linh nhãn, con mắt tinh thần, của chính tâm hồn họ chứ không phải phải đến, nhìn thấy và chiến thắng theo câu nói của Julius Caesar.

Đường vào văn học khởi đầu từ tâm hồn mỗi người. Bao lâu mình còn yêu mến tiếng Việt, còn trau dồi tiếng Việt, còn năng nổ viết lách hoạt động để duy trì và phổ biến tiếng Việt thì dù có xa rời quê Mẹ bao nhiêu, quê Mẹ vẫn hiện diện hằng hữu trong trái tim mình và là khởi nguồn cho yếu tố thi ca trong cuộc sống hằng ngày.

Tôi được một được một người bạn tôi rất ngưỡng mộ đang ở Việt Nam, tuy không tiện nhắc tên ở đây, nhắc nhở tới những điểm hay mà tôi xin chia sẻ với các bạn đó đây.

Những yếu tố làm cho một tác phẩm trở nên có giá trị với đời thì phải nói đến bốn yếu tố:

- Yếu tố Văn - học : Không thể có một tác phẩm gọi là có giá trị một khi tác giả mập mờ trong cách sử dụng từ ngữ ,( hoặc từ không trong sáng) ,hoặc ngôn ngữ quá tầm thường ( chỗ này phải hiểu là có thể dùng ngôn ngữ dù bình dân hay "bác học",đều được nhưng không thể có ngôn ngữ quá thô thiển ).Văn chương thì sức truyền bá rất lớn ,nhưng những tác phẩm không có yếu tố Văn học không thể sống mãi với thời gian và công chúng được .


- Yếu tố Văn - tâm : Ở đây có thể nói đến sự rung động của tác phẩm , có thể nói có khi yếu tố văn học trong tác phẩm không cao lắm nhưng tác phẩm vẫn làm rung động lòng người , bởi vì cảm xúc và cái " thật " trong tác phẩm của tác giả mang ,tải được cái hồn trong ấy. Văn không chính không tà , nên chính cái " Tâm " của tác giả đã tạo ra Chinh/Tà vây.

- Yếu tố Văn tứ : Tác phẩm không mạch lạc , lỗi vần , sai nhịp làm không suông sẽ câu văn ,kết cấu không chặt chẽ , sao gọi là tác phẩm hay? Có thể bảo rằng từ Văn tâm + Văn học đã tạo ra Văn tứ chăng ? Ý hay + Học sâu rộng + Cảm xúc thật sự có lẻ làm cho câu cú trở nên thần diệu và sống động hơn . ..

-Yếu tố Văn tài: Trong một hoàn cảnh , đứng trước sự việc như nhau , nhưng mỗi người có một cách diễn tả khác nhau vì thái độ khác nhau + hiểu biết khác nhau v.v. . . . nên tác phẩm cũng khác nhau , đơn cử một ví dụ : vừa rồi ở Sài gòn có một cuộc phát động các nhạc sĩ không chuyên và chuyên nghiệp sáng tác một ca khúc về bóng đá , rất nhiều ca khúc được sáng tác nhưng chỉ có một vài ca khúc được mọi người yêu mến và hát . Một trường hợp khác , như nhạc sĩ Trịnh công Sơn, nhạc sĩ đã dùng cái tài của mình để làm cho những cái tầm thường trở thành giá trị , những cái không ai để ý tới trở nên cái mọi người phải quan tâm , biến cái không thể thành có thể. . . Đó chính là cái tài của tác giả đã đem vào tác phẩm vậy.

Nói một cách khác, đường vào văn học khởi nguồn từ tâm hồn cảm xúc thật sự dù chỉ là gián tiếp đặt mình vào hoàn cảnh của bài thơ, qua sự diễn tả ngôn từ mạch lạc trong sáng phong phú, qua sự học hỏi nền văn học cổ xưa và hiện đại để phát triển văn tài của mình và diễn đạt ý tưởng của mình cho phù hợp với ước mong của mình cùng rung động tâm hồn người đọc.

Hẳn nhiên, rất có nhiều đường vào văn học. Không hẳn chỉ một lối, nghệ thuật luôn luôn biến chuyển với thời đại và nhu cầu tinh thần. Bốn yếu tố văn học, văn tâm, văn tứ và văn tài cũng có trăm ngàn nét. Điều chúng tôi ghi trên chỉ là khởi điểm trong hành trình kiếm tìm và sáng tạo để đưa nhận thức cá nhân tới điểm hài hoà với cộng đồng dân tộc và thế giới, nhất là đối với người trẻ đang hấp thụ các tinh hoa văn học ở nước ngoài càng cần phải duy trì cân bằng giữa cái mới và cái cũ, canh tân và truyền thống.


Nguyên Đỗ
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9