Truyện ngắn: Đường làng ta - Trọng Huân -
nguyentronghuanvov 09.07.2014 09:48:51 (permalink)
Truyện ngắn: Đường làng ta 
                        - Trọng Huân -
Cả làng nhốn nhào bởi tin ông Việt kiều giàu lắm, giàu nứt đố đổ vách về thăm cố hương. Thực ra, tuổi kẻ ấy chỉ đáng gọi bằng anh thôi, nhưng vì mác Việt kiều, nên được tôn lên bằng ông.
Nghe tin, lão già đang chăn vịt, vội lùa cả đàn về sớm, mặc xác chúng đẻ rơi đẻ vãi trứng, hay vừa đi vừa đẻ; bà gánh dở gánh phân ra đồng, cũng vứt tuột cả phân lẫn cứt, cả đòn lẫn gánh, ù té chạy về; lão đánh dậm thì bỏ luôn cả giậm lẫn mõ, cho nó trôi lều bều, thục mạng chạy về làng. Người chạy nháo nhác, làng như có loạn, miệng ai ai cũng oai oái:
- Giàu, giàu có lắm!
Họ chạy về nhận họ hàng, nhanh chân thì còn kịp, chậm chân, chúng nó về trước, nhận hết, còn nước non đếch gì nữa!
- Này này thằng cháu ơi, cụ tổ nhà tao với cụ tổ mười đời nhà mày, ngày trước thân nhau lắm. Các cụ bạn nối khố đánh giậm với nhau đấy! Đánh ở giếng làng kia kìa!
- Giếng làng, đếch ai cho đánh giậm. Toàn nói điêu. Mà bạn nối khổ giậm, mười đời rồi, nay thì rách tã. Cháu ơi, cụ cố bảy đời nhà tao, với cụ cố tám đời nhà mày, anh em thúc bá đấy. Họ hàng gần gặn lắm, chết phải để tang những mươi năm cơ đấy!
- Giào ơi, thứ anh em họ bảy, tám đời, con cháu nay ra ngườidưng nước lã. Cháu ơi, tao với con mày, chung một mẹ đấy. Về lý ra, tao phải gọi mày bằng bố. Gần gặnchưa? Mày phải về ăn nghỉ ở nhà tao, ăn nghỉ ở chốn ruột thịt nhà mày chứ!
Cậu Việt kiểu cảm động suýt chết. Tận mãi chân trời xa tít tắp bên Tây, về đây tìm lại được một đống họ hàng, còn  thêm ra cả thằng con ruột, già cỡ hơn cả ông nội nó. Cậu ta cảm động nữa, vì tình người, vì sự tiếp đón nồng hậu của thân tộc. Buổi ra mắt, họ hàng nhồi nhét cậu chàng bữa no đẫy tĩ, suýt vỡ tù và: nào bánh đúc đậm đặc vôi tôi; rau lang già nhai nhả bã, như bã trầu; mớ cá diếc ươn, xương dăm mắc họng, phải dùng đũa gắp xương từ tít cổ họng gắp ra,… Nhưng cậu ta còn cảm động hơn về bữa đón tiếp nồng hậu của các ông Ủy ban làng và dân làng.
Làng cậu ta, cứ như cố nội truyền lại, tên Nôm là làng Địn. Vì ở bên Tây lâu quá, nói toàn tiếng Tây, nên cậu chàng chỉ nhớ láng máng mỗi từ Địn, cái tên Nôm của làng cậu ta ngày xửa, ngày xưa. Khi cậu chàng phát âm, nghe cứ tùng tục, các cụ ta luôn phải sửa: Địn, Địn cơ, không phải thế đâu.
Trong bài diễn văn trước Uỷ ban và dân làng, cậu ta trịnh trọng kính thưa dân làng Địn như sau:
- Kính thưa dân làng Đ…
Mọi người nhâu nhâu vào sửa:
- Ấy ấy, không phải vậy. Địn, Địn cơ!
Ủy ban làng tiếp đón long trọng quá, ngoài bó hoa tươi, to như bó rau cải, còn tiếp khách ngoại quốc bằng nồi nước chè xanh tươi, uống bằng đọn, thêm rổ sề khoai lang luộc tướng, bày ngay trên mặt bàn. Ông chủ tịch giảng giải cho ông Việt kiều – gốc là dân làng Địn, giống khoai này quý hiếm lắm, quý như nhân sâm, chỉ có làng Địn mình mới có thôi và chỉ dùng vào lúc cấp cứu người sắp chết lả.
Sau giây phút tiếp xúc chân tình với các ông chính quyền và dân làng, cậu Việt kiều đặt vấn đề, sẽ bỏ tiền ra làm con đường làng rộng thênh thang ta bước. Nghe vậy, cả cán bộ lẫn nhân dân choáng, mặt mũi đờ đẫn. Cậu chàng giải thích, vì sao phải viện trợ cấp tốc con đường:
- Toan cut la cut thoi, nhé!
Nói tới đây, cậu ta vén ống quần tây lên đến bắp chân, thấy vậy ông chủ tịch ớ ra, không rõ cậu chàng này định diễn tả điều gì. Chẳng lẽ cậu ta khoe bắp chân trắng lốp và lông mọc đèn sì ư. May quá có một ông sáng dạ, hiểu ra, vội phiên dịch như sau:
- Cậu ấy bảo rằng : Đường làng ta bẩn quá! Toàn cứt là cứt thôi. Cứt ngập đến tận bắp chân ấy.
À ra thế ! Ông chủ tịch gật gù tán thưởng:
- Đúng … toàn cứt là cứt thôi. Thế ông Việt kiều định viện trợ cho dân làng ta bao nhiêu? (Thực ra cậu này tuổi chỉ đáng gọi ở bực anh, vì còn trẻ tơ, không quá ba mươi, nhưng là Việt kiều, nên được tôn trọng gọi bằng ông). Dự án ấy, bao nhiêu - ông chủ tịch giải thích thêm, sợ cậu kia không hiểu - tiền, tiền ấy !
Đến lúc này, cậu Việt kiều mặt ớ ra, chẳng hiểu tiếng ta – tiền ấy – nó là gì. May quá, làng lại có cậu học trò học trung học phổ thông, biết tí tiếng Anh, nên vừa giơ tay minh họa, vừa hét:
- Măn ni, măn ni...
Ông chủ tịch gật gật đầu, rồi nói tiếp, cũng toàn bằng tiếng Việt của ta thôi:
- À, giờ làng ta còn nhiều công trình, dự án cần tiền lắm – tức măn ni, măn ni ấy, như nhà để đàn bà đẻ đái; nhà âm hồn ở bãi tha ma; cổng chào ra vào của làng, rồi.... À còn mấy trăm hộ nghèo đói nữa, giảm mãi chưa hết nghèo, cứ nghèo xơ xác ra ấy !
Ông chủ tịch định miêu tả tiếp về sự nghèo đói của dân làng, thì mấy mươi ông dân nghèo trực sẵn ở đó, tranh nhau mô tả:
- Nghèo. Nghèo lắm ! Nhà tôi nghèo nhất làng nhé ! Hôm qua mái nhà nhà tôi suýt ụp. Nó mà ụp, thì chết ráo!
Ông bên cạnh không kém :
- Thế ăn thua gì. Nhà tôi ụp lâu rồi, ụp từ năm kỉa năm kìa cơ. Nhà tôi còn nghèo gấp đôi, gấp ba nhà ông. Đến cái máng cho lợn ăn, nhà tôi cũng không có. Lợn phải ăn chung nồi với người đấy!
- Nhà tôi đâu có kém. Chó phải ăn chung, rồi gà, vịt, rồi cả mèo nữa, ăn chung tuốt!
Cứ thế, cứ thế, chỉ đến khi ông Việt kiều tuyên bố, sẽ cho tất, viện trợ tất tần tật, trước mắt viện trợ khẩn cấp con đường rộng thênh thang ta bước. Ông chủ tịch, các ông ủy viên, cùng toàn bộ dân làng sung sướng quá, chuyến này sẽ được nhận ối là viện trợ, chi tiêu đâu cho hết. Sướng quá, nên từ ông chủ tịch chí đến dân thường, tất cả nhảy câng cẫng lên, có ông nhảy quá, vọt lên mặt bàn, làm nó đổ bổ chửng ra, tí nữa thì đè vào chân ông Việt kiều.
Sau hồi mọi người vui tươi phấn khởi, đến khi cậu Việt Kiều đưa ra yêu cầu, con đường thênh thang ấy, xin được đặt tên của cụ cố nội của cậu ta – tên con đường là Nguyễn Văn Cố. Nghe vậy, ông chủ tịch gật đầu liền, ông còn nói:
- Tốt ! Nguyễn Văn Cố ! Hay!  
Cậu Việt kiều tiếp :
- Tôi trực tiếp giám sát măn ni, tức là tiền ấy, giám sát kỹ thuật, giám sát thi công,...
Lạ quá, nghe đến giám sát, từ ông chủ tịch chí đến ủy viên, mặt mũi ông nào cũng ngắn tũn. Họ bấm nhau, lần lượt kéo đi thì thầm. Chắc là hội ý, thảo luận tập thể. Được một lúc, các ông đồng loạt quay lại, ông nào mặt cùng phừng phừng, nhất là chủ tịch. Chủ tịch dõng dạc:
- Kính thưa dân làng ! Thay mặt Ủy ban nhân dân, tôi xin tuyên bố: Nếu cậu Việt kiều trực tiếp quản tài chính (lúc này ông ta hạ bệ cậu Việt kiều xuống cậu), tức là măn ni ấy, thì dân làng chúng ta sẽ rơi vào thế không độc lập, tự chủ tài chính. Qua trao đổi và điều tra lý lịch nhà cậu, chúng tôi phát hiện, về mặt nòi giống, cố nội cậu, trên cố nội nữa, đều là tay sai theo giặc, có nhiều nợ máu với dân, bóc lột thậm tệ người lao động.
Ông chủ tịch đang nói, thì ông ủy viên chen vào:
- Theo gia phả, lão cố nội bảy đời nhà cậu, từng theo đuôi Trần Ích Tắc, lão cố ngoại sáu đời, phù Lê Chiêu Thống; lão cố nội năm đời a dua  theo Nguyễn Ánh, rước quân Xiêm La về giày mả tổ. Riêng lão cụ nội bốn đời, tức Nguyễn Văn Cố, đích thị là tên địa chủ gian ác, bị tử hình bằng hình thức treo cổ, treo thè lè lưỡi ra chưa chết, dân làng phải dùng cuốc bổ thêm mấy phát, mới chết hẳn. Đến nay dân làng còn căm tức, vẫn căm thù, đả đảo tên Việt gian ấy!
Thấy ông ta đảo đảo, nhân dân – tức những hộ nghèo và cả thân tộc của cậu Việt kiều, cũng vung tay, vung chân:
- Đả đảo! Đả đảo!
Lúc đầu nghe ông Ủy ban nói, mặt cậu Việt kiều vẫn tỉnh queo, có lẽ cậu ta không hiểu tiếng An Nam chăng, nhưng rồi hiểu ra, cậu ta phát ngôn liền, bằng tiếng ta hẳn hoi, rất sõi, đúng giọng bản địa, không pha trộn giọng điệu vùng nào. Đại ý rằng: mời các ông Ủy ban hiệp thương. Cuộc hiệp thương diễn chóng vánh chừng dăm phút, khi cậu Việt kiều và các ông Ủy ban quay ra, mặt mũi ông nào cũng hớn hở. Ông chủ tịch tuyên bố ngay:
- Kính thưa dân làng Địn! Cuộc hiệp thương rất thành công. Tới đây, chỉ mấy tháng nữa thôi, làng ta sẽ có con đường thênh thang, phấn khởi hơn,  còn nhiều dự án nữa. Thành công nữa, chúng tôi được đại diện cho dân làng, làm chủ khoản tài chính tài trợ! – Ông ta nói tiếp:
- Kính thưa dân làng Địn. Con đường làng ta sẽ mang tên Nguyễn Văn Cố. Cố, cái tên thật đầy ý nghĩa. Cố, tức là cố gắng, quyết tâm, bền bỉ. Dân làng ta sẽ cố gắng, có gắng học tập, vươn lên làm giàu, noi gương cụ Nguyễn Văn Cố! Noi gương…
Tiếng hô noi gương, đáp lại lời ông chủ tịch của ngàn vạn dân làng cứ nhân lên, vang cao, vang xa... Ngay sau đó, tiền chảy ùn ùn về tài khoản ủy ban làng, toàn bằng đô thôi, xanh ngắt. Chỉ dăm tháng, con đường đã hoàn thành. Lúc sắp khánh thành, có chiếc trực thăng cẩu về tấm bia đồng. Nó được dựng ngay đầu làng. Bia khắc: Đường Cụ Nguyễn Văn Cố, dân làng Địn.
Ngoài ra, hai mặt bia khắc đầy những chữ, về công lao, công đức của cụ Cố! Nay dân làng đi qua, đọc mà hãnh diện về một con người xưa của làng!
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9