Những nẻo đường...
Trăng Gò Công 16.07.2014 00:45:50 (permalink)

 
VẾT SẸO HỒN TÔI!
Truyện ngắn của PHAN NGỌC HẢI
---   ooo    ---
http://www.art2all.net/tho/phanngochai/vetseohontoi.html
 
Trang giấy trắng hồn tôi đã lem rồi vết mực và trở thành dấu ấn suốt đời, dù nhiều lần tôi muốn xóa đi, nhưng không sao xóa được.
Hồi đó, trong lớp tụi bạn gọi chết tên tôi "thằng Thoại ròm”, vì hơn mười tuổi mà người tôi cứ gầy đét quắt queo, trông giống như mới lên bảy, lên tám. Đã vậy, da còn đen nhẻm-nhèm-nhem, nhiều đứa vừa thấy tôi bước vào lớp, lại kêu rống hai tiếng: "Thọai mọi”. Ban đầu tôi cũng ấm ức lắm, nhưng nghe riết rồi thành quen. Có điều, tôi không tỏ ra mặc cảm - bởi về học lực - chưa bao giờ có một bạn cùng lớp, đứng trước tôi. Liên tục năm năm Tiểu học, kết thúc niên khóa nào, phần thưởng "xuất sắc toàn khối” cũng thuộc về tôi. Tuy thích trêu chọc tôi về "sắc, vóc”, nhưng đám bạn vẫn luôn "tội nghiệp” sự đèo đẹt, đen đúa ấy của tôi. Chơi đùa, lúc nào chúng cũng tỏ ra nhường nhịn, bênh vực và che đở cho tôi. Con nít mà! "ác miệng”, chứ có bao giờ "ác ý” đâu?! Tuổi thơ tôi sẽ mãi là chuổi ngày dài êm đẹp, nếu như không có một biến cố….
Đó là buổi sáng tháng chạp, tiết trời khá lạnh; còn cuộn mình trong chăn ấm, thì bàn tay cô luồn vào vai tôi, lay lay . Giọng khẽ khàng:
- Con dậy, rửa mặt ăn sáng nhanh đi. Rồi thay quần áo, theo cô.
Thường khi, cô cũng đánh thức tôi giờ ấy. Chuẩn bị quần áo, cặp vở xong là tôi ăn sáng; sau đó cô đưa tôi đến trường. Hôm nay sao lại – thay quần áo, theo cô?
"Đi đâu”? - Tôi suy nghĩ mãi, không ra câu trả lời.
Cô tôi là một phụ nữ chân quê. Ông bà nội không giàu có, nên không để lại cho cô bác tôi của cải. Ông, bà suốt đời một nắng hai sương "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lam lũ tìm cái sống. Chuyện cơm áo, lo cho con học hành, đó là tâm nguyện của hai ông bà Tuy sinh ra và lớn lên chốn ruộng đồng, nhưng lúc còn mài đũn quần trên ghế nhà trường, tâm hồn cô tôi sớm: "treo ngược cành cây”…Nghe đâu thời tuổi trẻ, "Mối tình đầu của cô là Bài Thơ Dang Dỡ”. Người Bộ đội nằm lại cánh rừng ở miền tây Campuchia năm ấy, đã mang theo tuổi thanh xuân và cả trời mơ mộng của cô tôi đi vào cõi vĩnh hằng. Như bóng nắng qua thềm, khép lại những ngày vui nông nổi, cộng thêm chút kỹ lưỡng, thừa hưởng từ bà nội. ….cô thích thu mình trong mọi mối quan hệ. Lần đó, cô đưa tôi đi thi Học sinh giỏi vòng huyện về, thoáng thấy chú Tâm công tác ngành Nông nghiệp, từ ngõ nhà chạy ra, cô cố tình chạy chậm chờ chú qua khỏi.
Trong bửa cơm, bà nội nói gần, nói xa rồi khen:
- Thằng Tâm, nó cũng được người, hiền hậu, lại có công việc làm ổn định, ba năm rồi nó thật lòng đeo đuổi, con còn suy nghĩ gì nữa?
Cô tôi vừa và cơm, vừa nói tỉnh rụi:
- Con có suy nghĩ gì đâu? Tại anh Tâm tự tạo cái cực cho mình. Má cũng đừng bận lòng. Con rất sợ: rồi sẽ làm khổ cho ai đó… khi cuộc đời con bị ràng buộc. Hạnh phúc nhất với con bây giờ là được gần gũi má và chăm sóc cho bé Thoại.
Hồi mấy tháng trước hễ chủ nhật hoặc ngày nghỉ, cô thường đưa tôi đi đây đó: Khi thì viếng chùa Vĩnh Tràng, khi tham quan trại rắn Đồng Tâm, lúc sang Cồn Phụng thăm cơ ngơi ông Đạo Dừa. Xa hơn nữa, cô chở xuống Tân Thành cho tôi tắm biển, bắt nghêu - chiều trở về mặt mày tôi đỏ au vì nắng gió; còn hành trang của cô sẽ thêm vài câu thơ, để quyển "nhật ký” ngày một dày. Hôm nào không mục đích, hai cô cháu vào thành phố ăn điểm tâm, loanh quanh đâu đó, rồi ra công viên Lạc Hồng ngồi dưới tán cây si già, hóng mát. Tôi vừa ăn kem, vừa chiêm ngưỡng tượng đài Thủ khoa Huân – và thích thú đến say mê, khi nghe cô kể bao chuyện về giòng Bảo Định. Cho đến bây giờ, kí ức tôi vẫn nhớ vẹn nguyên câu cô nói: " Con biết không - cũng trên giòng sông này - giặc Pháp đã đưa người anh hùng dân tộc về chính quê nhà – Mỹ Tịnh An, để xử trảm….”. Cô sớm phả vào tâm trí thơ trẻ của tôi những bài tình ca thắm thiết về Quê Hương, những trang sử liệt oanh và hào hùng của dân tộc Việt…
….Nhưng đó là chuyện của nửa năm về trước, ở những ngày lễ hoặc chủ nhật. Còn sáng nay mới thứ tư!? Gần đây không khí gia đình lại ngột ngạt - mặc dù rất cưng yêu tôi, nhưng cô vẫn không còn thời gian để chiểu theo ý thích của tôi được nữa….
"Hay là bửa nay cô phá lệ, để hai cô cháu được xả hơi”? Nghĩ thế, tôi liền hỏi:
- Mình sẽ đi đâu hở cô?
- Vô tòa án.
Giọng cô khô cong như mặt ruộng tháng tư, khiến lòng tôi chùng lại.
"Vô tòa án” ư? để làm gì?!
Tôi thoáng rùng mình. Trong đầu, hiện lên một ngôi nhà to, màu vàng sậm trang nghiêm, nằm trên con đường có hàng me xanh lá.. "Tòa án” – năm trước, cô đưa tôi đến một lần, để xem phiên xử. Phạm nhân là kẻ giết người, cướp của…. Tôi chỉ nhớ khi tòa tuyên án xong, cử tọa vỗ tay cổ vũ rào rào. Cô tôi là một trong số những người nhiệt tình đó. Trên đường về - ngồi sau xe - tôi thắc mắc:
- Tại sao tòa tuyên án xử người ta chết, mà cô và mọi người vỗ tay hoan nghênh?
Cô chẫm rãi giải thích:
- Mạng sống con người rất quý con ạ! Cô không vui khi biết có một ai đó sắp từ giã cõi đời. Cô và mọi người cổ vũ, là ca ngợi sự nghiêm minh của luật pháp. Kẻ ấy đã gian manh, âm mưu giết người một cách tàn nhẫn, nếu tòa không xử như vậy, mai này hậu quả sẽ tồi tệ hơn. Xử đúng người đúng tội, chứng tỏ luật pháp nghiêm minh, đó con!
Tôi lại vẫn vơ nghĩ – hôm nay, lần nữa cô dẫn tôi đến tòa án, hẳn là phải có phiên đặc biệt? nên thích thú, hỏi:
- Vậy phiên tòa này xử án gì hở cô?
Cô không trả lời, vẫn lặng lẽ lia chổi quét nhà. Tôi thấy tấm lưng thon thả mọi ngày của cô như oằn theo từng nhát chổi đưa.
Vừa nhai khúc bánh mì kẹp trứng, món ăn tôi thích mà sáng nào cô cũng dành phần, tôi nghĩ ngợi mông lung….Có phải vì tối qua mẹ mắng oan tôi, cô đã góp ý, nên mẹ và cô xích mích. Sáng nay để bù lại, cô cho tôi nghỉ học và đưa đi xem tòa xử chăng?
Tôi đã ở hẳn với cô từ năm lên bốn, lúc ba tôi bắt đầu đi làm ăn xa. Tuy ra riêng, nhưng nhà cô tôi sát nhà bà nội (bà nội đang sống chung với ba mẹ), cô thương và chăm sóc tôi như con đẻ, nhất là cô dốc tâm lo chuyện học hành, dạy dỗ cho tôi từng li từng tí….. Cô thường khuyên "con phải cố gắng học thật giỏi, để sau này vào đời đỡ vất vã…”. Suốt năm năm Tiểu học, tôi luôn đứng đầu lớp, chưa bao giờ cô cho tôi bỏ học một ngày, ngoại trừ bệnh hoạn đột xuất.
Tôi được mệnh danh: " một cây thuộc bài”. Chỉ cần đọc qua, nắm ý, tôi nhớ ngay. Vậy mà tối qua, bài Lịch sử chưa quá tám câu, tôi "nhơi” hơn nửa tiếng, đến ngủ gục cũng không sao thuộc được. Vì vậy sáng nay nghe cô bảo nghỉ, lòng tôi khấp khởi mừng thầm.
Cô dừng xe dưới tán me bên đường.
Vẫn ngôi nhà to, màu vàng sậm nghiêm trang ấy, trước sân lác đác vài người qua lại. Cô gửi xe, tôi nôn nao hình dung phiên tòa sắp tới, có lẽ rất quan trọng. Nếu không, cô đâu bỏ cả việc nhà , cất công đưa tôi đi trong một ngày không phải ‘chủ nhật’ hay ‘lễ’ như vậy?!
Nhưng kia! Sao vẻ mặt cô bần thần và tối sầm, khác hẳn với lần đi trước? Cảm giác nôn nao chờ đợi trong tôi bây giờ xen lẫn nỗi bồn chồn lo lắng, không hiểu có phải vì hôm nay lần đầu tôi bỏ hoc mà không lý do?
Chẳng kịp để tôi nghĩ ngợi mông lung, cô đến dắt tay tôi, gương mặt buồn sắt lại: " Mình vô đi con!”
Theo bên cô, tôi rụt rè đặt từng bước chân nặng nề vào một căn phòng rộng lớn. Vẫn căn phòng màu vàng sậm, với những dãy bàn ghế nghiêm lạnh.
Nhưng kìa! Tôi chợt khựng lại, khi gặp đủ ba, mẹ tôi và cả em Ngọc nữa. Tôi ngạc nhiên – tại sao ở hai hàng ghế đầu - ba mẹ, hai người ngồi hai phía, chẳng chung nhau như ngày xưa khi tôi còn nhỏ xíu, ba thường đưa mẹ với tôi đi chơi?
Mẹ bế em Ngọc mà mắt đỏ hoe. Hình như mẹ tôi đang khóc? Sao sáng nay mẹ tôi hốc hác, tiều tụy đến vậy? Còn ba ngồi trầm tư lặng lẽ , đôi mắt đăm chiêu, cứ rít thuốc liên tục, môi mím chặt như suy nghĩ điều gì ghê gớm lắm. Trông khuôn mặt ba khó đăm đăm, điều này xưa nay tôi ít gặp nơi ba. Thoáng thấy tôi và cô, giọng ba uất nghẹn:
- Trời! Chị dẫn thằng nhỏ vô đây làm gì?
Cô tôi im lặng, nhìn ba một giây, rồi kéo tay tôi xuống hàng ghế sau cùng. Tôi muốn hỏi -vì sao hôm nay cả nhà mình đều có mặt ở đây? Nhưng nhác thấy khuôn mặt u -uất của cô, tôi đành thu mình ngồi yên lặng.
Một hồi chuông dài báo hiệu đến giờ làm việc. Tôi ngước nhìn lên thấy những vị mà trước kia cô tôi giải thích: là thẩm phán, là công tố viên, là hội thẩm đoàn….Tự nhiên cái nôn nao ở giây phút đầu bây giờ không còn trong tôi nữa, tôi lo sợ và linh cảm phiên tòa này có liên quan đến ba mẹ tôi.
Thật vậy, linh cảm ấy không đánh lừa tôi. Mặc dù chưa biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn muốn rũ người gục xuống khi thấy ba, mẹ lần lượt lên đứng trước vành móng ngựa. Ba tôi thì nói, nói nhiều lắm. Bình thường ở nhà mẹ vốn lắm lời hơn ba. Mỗi khi mẹ giận, la lớn… là ba lẳng lặng dắt xe ra đi, bà nội ở nhà gạt nước mắt khóc thầm. Thế sao hôm nay, mẹ chỉ đứng gục đầu nức nở? còn ba, sao không năn nỉ như mọi khi mẹ đã khóc? Và tại sao ba bảo bé Ngọc không phải là con của ba, mà là con của chú Vũ???
Tôi ôm đầu đau đớn, tự hỏi - có phải vì những tháng ngày đi làm lụng nơi xa - nỗi vất vã đã khiến ba tôi đổi tánh? Nhưng không! nhất định không. Không phải thế! Chính giây phút này, hình như tôi lờ mờ…. hiểu ra tất cả.
…. Phải rồi, chú Vũ là cán bộ đo đạc ở tỉnh, được cử về xã công tác 6 tháng. Chú Vũ lịch sự, đẹp trai và trẻ hơn ba. Chú thường đến quán mẹ tôi uống nước và nói chuyện với mẹ đến khuya lơ, khuya lắc. Nghe đâu, quê chú ở tận miền Trung, mỗi năm chú chỉ về quê vào dịp lễ Tết. Mẹ nói vợ chú Vũ đã qua đời vì một căn bệnh nan y….. Sau khi hoàn thành công việc, đoàn cán bộ trở về tỉnh, chú Vũ vẫn năng trở xuống thăm mẹ. Có khi chú chở mẹ đi đâu, suốt tối không về. Quán đành đóng cửa.
Đến bây giờ tôi đã hiểu: vì sao gia đình tôi trước kia rất yên ấm hòa thuận, mà kể từ khi chú Vũ xuất hiện trong nhà thì mẹ hay cãi vã với bà nội và cô. Tôi đã hiểu vì sao - mỗi khi chú Vũ đến quán – bà nội hay sang bên nhà cô, hai người nói gì đó, rồi bà tôi lắc đầu thở dài thườn thượt. Và tôi nhớ rất rõ, trong một chuyến ba về thăm gia đình (sau cái đêm chú Vũ ngủ lại nhà tôi), không hiểu lí do gì, đang ngồi học bài ở nhà cô, tôi nghe ba mẹ cãi nhau ghê lắm. Tiếp theo là tiếng đồ đạc vỡ. Rồi ba tôi xách xe đi… Sáng hôm sau mẹ tôi to tiếng với bà nội, bà phải sang nhà cô tôi ngồi khóc. Bà khóc rất nhiều, khóc y như lần bà được tin chú Út hi sinh ở chiến trường nước bạn vậy…
Dòng kí ức đang chảy miên man, bỗng tôi giật bắn người, khi từ bàn thẩm phán có tiếng gọi tên tôi dõng dạc. Một chú cao cao, đến dắt tay tôi lên trước mặt mọi người. Bác lớn tuổi giọng nghiêm, tuyên bố:
- Tòa đã nghị án li hôn giữa hai đương sự xong, bây giờ cháu Nguyễn Trần Minh Thoại được toàn quyền yêu cầu, cháu muốn sống với ai? Cha hay mẹ?
Tôi giống như thân cây sắp đổ gục trong cơn mưa bão, mà sự thật: gia đình tôi đang có cơn bão lớn. Bây giờ tôi đã hiểu điều hệ trọng và đau đớn nhất đời tôi đã xảy ra. Thế là hết. Ba mẹ ơi! Đã từ lâu, dù rằng con sống với cô, dù rằng con thiếu bàn tay chăm sóc của ba mẹ; nhưng trong con bao giờ cũng còn niềm kiêu hãnh với bạn bè - mình có đủ cha lẫn mẹ… Còn bây giờ con sẽ mất một trong hai. Con biết chọn ai đây.?
Kìm lòng không đươc, tôi bật chạy về chỗ cũ, úp mặt vào lòng cô tôi …
Phiên tòa kết thúc. Tôi lủi thủi lê từng bước nặng nề bên cô. Ra đến cổng, cô đi lấy xe. Cái nắng ban trưa gay gắt đổ xuống đầu, tôi đứng nép mình bên cánh cổng, vô tình thấy chú Vũ đã đợi ở đó tự bao giờ. Ngần ngừ một chút như e ngại, mẹ tôi bế em Ngọc, đảo mắt nhìn quanh, rồi vội vàng ngồi lên yên sau. Mẹ không thèm ngó tôi, dù một thoáng. Tôi thấy nhói lòng. Nhớ mấy năm trước, tôi đã vào lớp Một, nhưng vẫn thường được mẹ bế bồng, nựng nịu. Mỗi lần như vậy, tôi hay nép đầu vào ngực mẹ để nghe mùi thơm quen thuộc từ người mẹ, để nghe sau làn áo mỏng, trái tim mẹ đang đập những nhịp yêu thương….Còn bây giờ, sao mẹ lạnh lùng với đứa con trai của mình đến vậy?! Tôi bàng hoàng, thét to:
- Me….ẹ…!
Nhưng chiếc "Đờ-Rim” do chú Vũ lái đã nhẹ lướt trên con đường láng nhựa, rợp lá me rơi… rồi mất hút, bỏ lại trước mặt tôi khoảng trống vô hình . Tôi hụt hẫng, chới với như người từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu…
Cô không đưa tôi về nhà, mà chở vòng vèo qua các phố, cô hỏi:
- Con đói chưa?
Tôi nghe miệng mình đắng chát, nên trả lời:
- Dạ, con không thấy đói.
- Con có mệt không?
Tôi lắc đầu, hỏi lại:
- Cô đi đâu vậy?
- Cô muốn chạy vài vòng rồi đưa con ra công viên hóng mát một lát cho thư giãn, con nha.
Mặc dù trong lòng không một chút hứng thú như mọi khi, nhưng tôi vẫn yên lặng.
Hai cô cháu về tới nhà, trời đã xế bóng.
Trước bậc thềm, bà nội ngồi ủ rủ , đưa đôi mắt lạc thần dõi ra đường.
Hai cô cháu vừa ngừng xe, nước mắt lưng tròng, bà nói giọng uất nghẹn:
- Mẹ con đã đi rồi Thoại ơi!
Tôi vội tụt khỏi xe cô, chạy ù vào nhà. Trước mắt tôi, chuyện xảy ra…
không thể hình dung được…..
Căn buồng ấm cúng của ba mẹ tôi từ lâu, nay hoàn toàn trống trải, vắng bóng. Tấm rèm hoa luôn rũ hờ bên cửa sổ trông nên thơ ngày nào, nay không còn nữa, để lộ khung sắt trơ trẻn nhìn ra bầu trời lồng lộng đến sắt se. Trên chiếc giường lớn, tấm nệm Kim Đan mẹ mới mua hồi tháng trước đã được cuốn đi rồi, thế vào đó chiếc chiếu hụt đầu hụt đuôi, trải xộc xệch.
Tôi cảm thấy thắt lòng khi nhìn ba nằm trên đó, chân trên giường, chân dưới đất. Ba tôi chưa kịp tháo giày, thay quần áo, đầu nằm chẳng gối chăn. Trong giấc ngủ nặng nề, miệng ba lẩm bẩm điều gì, nghe không rõ. Tôi đến gần, hơi thở của ba sặc nồng mùi rượu.
Vừa tháo giày cho Ba, tôi lầu bầu trách móc:
- Từ xưa, ba đã từng lên án rượu kia mà.
Bà và cô tôi bước vào.
Bà nhẹ nhàng kê gối, đắp chăn và lấy khăn ướt lau mặt cho ba.
Cô dắt tôi ra ngoài., nói trong tiếng thở dài:
- Thật khổ thân bà nội con. Tuổi già chừng đó, vẫn chưa được vui bề con cháu.
Dù rất thương mẹ, rất nhớ em Ngọc, nhưng tôi không khỏi bực bội về hành động của mẹ, nên bằng giọng cáu gắt, tôi hỏi cô:
- Tại sao mẹ đã có ba, có con rồi mà không ở nhà, lại bỏ đi theo chú Vũ. hở cô?
Cô tôi cắn môi đến rướm máu, im lặng một lúc, mới bật ra thành tiếng:
- Tại ba con thường đi làm xa, ít ở nhà.
- Chớ sao ông nội chết đã lâu - ba kể lại - bà nội vẫn sống làm lụng vất vã: nuôi cô, nuôi ba con và chú Út ăn học, mà bà có đi theo ai đâu, trong khi mẹ con rất sung sướng ? Nhà mình thật sự tan vỡ rồi phải không cô?
- Trời ơi, tội nghiệp cháu tôi !
Cô nấc lên, gục mặt vào tóc tôi, hai vai run run. Mấy giây sau, giọng cô sũng nước:.
- Thôi, con ráng học đi. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, con nha.
***
 
Vâng lời cô, tôi cố gắng hết mình.
Mười hai năm trôi qua kể từ ngày ba mẹ chia tay, tóc cô tôi giờ chớm bạc. Cô chắt chiu nhựa sống đời mình để lo manh quần tấm áo, cả cái ăn… cho tôi yên tâm học tập. Hơn bốn năm nơi giảng đường Đại Học, nhu cầu tiền bạc ngày càng cao, cô tôi cố bòn nhặt từ mảnh ruộng cằn khô, từ những bài viết còm cỏi của mình để gởi cho tôi, cô không muốn tôi đi làm thêm, phải toàn tâm trong chuyện học hành. Có lần tôi đã quay mặt, giấu giòng nước mắt khi thấy cô - lột đôi bông vàng của bà nội cho, đem bán, cầm tiền đưa tôi để làm đồ án tốt nghiệp. Ngày nhận bằng, biết tôi tốt nghiệp loại Giỏi, cô ra tận cổng đón tôi. Hai cô cháu ôm nhau, niềm vui vỡ òa, cũng là lúc chú Tâm chở vợ con đi ăn giỗ quê ngoại trở về. Họ chào, cô tôi cũng mĩm cười chào lại… Tôi thoáng thấy trên gương mặt bừng sáng của cô, chợt có áng mây buồn lặn sâu trong đáy mắt. Tôi thầm nghĩ: có lẽ cô chạnh lòng trước hạnh phúc của chú Tâm, mà đúng ra – cô là người được hưởng?!
Mười hai năm trôi qua, cây nhiều lần thay lá, bà nội tôi đã qua đời, ba tôi mấy năm trước lại đi thêm bước nữa. Ba tôi và cô Hảo có chung hai con – một trai, một gái. Chúng rất ngoan, mỗi lần tôi đi học xa về, cô Hảo và chúng luôn gần gũi, dành cho tôi những tình cảm ấm nóng, ruột rà…..
Mặc dù tôi vẫn thương ba, kính trọng cô Hảo và quí mến hai em…., nhưng giữa lòng tôi mãi mãi có một vết cứa, không sao lành miệng được. Đó là mẹ tôi, từ sau phiên tòa năm ấy…. không một lần trở lại mái nhà xưa!!! Nhiều khi nhớ mẹ đến cháy lòng, tôi chỉ biết vùi đầu vào sách vở.
Trong tôi nhiều lần nảy lên ý định "đi tìm mẹ và em Ngọc”, nhưng khả năng đứa học trò sống bằng sự bảo bọc của cô, tôi chưa thực hiện được điều mơ ước đó. Tôi chẳng dám mong ước xa xôi, là ba mẹ sẽ cùng về sống chung nhau, để tôi được tắm đẫm trong không khí hạnh phúc, yêu thương như thuở nào….. Lòng tôi chỉ canh cánh – muốn biết tin về mẹ và em Ngọc.
Hồi tôi chuẩn bị thi Tốt nghiệp Phổ thông, có người quen ghé nhà, kể lại với cô rằng - Lúc đi buôn chuyến đường xa, tình cờ gặp mẹ tôi và biết được chú Vũ đã bỏ rơi mẹ để theo một phụ nữ khác. Họ dắt díu nhau về quê cũ miền Trung. Còn mẹ tôi tiếp tục lập gia đình cùng người đàn ông gốc Khơme, hai người đã đưa nhau sang Nam-Vang làm ăn. Tôi không nghe người ta nhắc đến em Ngọc. Tôi chẳng hiểu em bây giờ ra sao? Ba mẹ chia tay nhau ngày ấy, tôi còn được người cô hết lòng thương yêu, đùm bọc và tận tình chăm sóc dạy bảo. Em Ngọc của tôi nhỏ nhoi như chiếc lá, liệu hồi mẹ còn ở bên chú Vũ, có ai để ý chăm lo cho em không? Liệu giờ đây mẹ tôi về sống chung cùng ai đó…em Ngọc có yên ấm hạnh phúc không? hay em lại sớm lăn vào đời tìm miếng sống? Thường đọc báo, thấy những mảnh đời đen tối của trẻ thơ khi cha mẹ bỏ nhau…., tôi thầm cầu mong em Ngọc của tôi đừng rơi vào hoàn cảnh không may ấy!
Nhớ buổi chiều học kì 2, năm thứ nhất…Lúc tan trường, đang lang thang định về kí túc xá, tôi chợt sững sờ, người run bắn… Đi phía trước, cách tôi vài mươi bước, một phụ nữ giống tạc mẹ tôi, tay dắt bé gái độ chín mười tuổi. Trống ngực tôi đánh liên hồi – không lẽ mẹ dẫn em Ngọc đi tìm tôi giữa đất SàiGòn? Vẫn cái dáng thon thả, vẫn mái tóc cắt cao để lộ chiếc cổ trăng ngần… nhất định là mẹ tôi, chứ không ai khác. Lồng ngực muốn vỡ tung khi ngĩ đến niềm vui được gặp mẹ, tôi bật chạy nhanh theo. Muốn làm cho mẹ và em bất ngờ, tôi chạy vọt lên trước một khoảng, rồi quay lại, định gọi to tiếng "Me…ẹ..”, nhưng người phụ nữ kia đã dẫn đứa bé tạt vào lề, nhường đường cho tôi… Tôi dừng lại, thở hào hển và đôi chân muốn khuỵu xuống, bởi trước mắt tôi là người phụ nữ vô cùng xa lạ. Giữa lòng tôi như một triền sông bị sạt lỡ trôi tuột, cuốn phăng tất cả…. Hai tay bưng lấy mặt, tôi muốn khóc thật to trong nỗi cay đắng tột cùng….
Sau khi tốt nghiệp Đại Học, dành thời gian hơn nửa tháng, tôi xin phép cô lên đường tìm mẹ và em gái, nhưng duyên may chưa đến, thì tôi nhận quyết định đi làm. Tôi cũng gửi thông tin đầy đủ về mục "Như chưa bao giờ có cuộc chia li” của Đài Truyền hình, mà gần nửa năm rồi vẫn chưa nhận tin phản hồi… Trong thâm tâm , tôi vẫn tin rằng: một ngày thật gần, tôi sẽ tìm được mẹ và em tôi, miễn là mẹ và em còn sống trên cõi đời này.
***.

Chiều nay ba mươi Tết.
Vì đặc thù công việc, chắc Ba tôi cũng sẽ về muộn. Có năm, mãi gần đón giao thừa, tiếng xe của Ba mới dừng trước cổng trong niềm vui òa vỡ của mọi người.
Tôi cắt mấy cành mai vàng cắm bên di ảnh ông, bà nội và chú Út. Nhìn mâm cơm cuối năm.trên bàn thờ nghi ngút khói hương, thấy cô tôi lặng lẽ lâm râm khấn vái…. Tôi nhớ vô cùng, nhớ đến quăt quay không khí ấm cúng của gia đình vào những ngày Tết, khi tôi còn thơ bé…Cũng chiều nay tôi được súng sính trong bộ quần áo mới, quanh tôi có bà nội, có cô và cả ba mẹ, ai cũng dành cho tôi những bao lì xì nho nhỏ. Ngôi nhà tôi tràn ngập tiếng cười. Niềm hạnh phúc lan tỏa như nắng mùa Xuân chan hòa cùng vạn vật…Tôi thầm nhủ: giá như….
Hai đứa em - con cô Hảo và ba tôi - mặc dù đang tuổi ăn tuổi lớn, nhưng ngoài việc học, chúng cũng biết phụ giúp mẹ lo toan việc nhà. Nhìn chúng ríu rít như chim bên cô Hảo, đang bày chuyện nấu nướng…tôi nghe cổ họng mình nghẹn đắng…
Tôi tự hỏi: không hiểu trong cuộc sống li hương - chiều nay, mẹ tôi có thắp nhang đón Tết? Và em Ngọc của tôi, nơi nào đó có đón mùa Xuân an lành với tuổi hồn nhiên của mình ???
 
PHAN NGỌC HẢI
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.07.2014 09:56:47 bởi Trăng Gò Công >
#1
    Trăng Gò Công 16.07.2014 01:43:20 (permalink)

     
    BÚP BÊ CỦA TÔI
    Truyện ngắn của: PHAN NGỌC HẢI 

    ---   ooo   ---
     
    Búp bê của anh! Anh thề rằng, sẽ chỉ có cái chết mới chia lìa được chúng ta. Anh sẽ làm tất cả, sống tất cả cho em… 
    Đêm tân hôn, tôi đã quì dưới chân Quỳnh. Quì dưới nhan sắc kiều diễm của người vợ thương yêu bé bỏng, âu yếm tháo nốt chiếc giày còn lại… và hôn bàn chân nhỏ nhắn của Quỳnh, nói như vậy.
    Thế mà chỉ sau sáu năm chồng vợ, tôi và Quỳnh đã chia tay. Quỳnh vẫn sống và tôi thì không chết. Trời đất chẳng tang thương. Mắt quỳnh vẫn sáng trong một màu huyền hoặc. Con đường Lê Lợi của thành phố Mỹ Tho vẫn lá me bay, làm thơ mộng thêm những bước chân của nhiều cặp tình nhân, đưa nhau đi dạo phố…
    Chỉ có tôi! Chỉ có tôi khi cất vào túi mảnh giấy "li hôn”, là tôi đã hiểu – kể từ nay – mình phải cật lực, hối hả làm việc gấp hai, gấp ba… hay nhiều hơn nữa, mong đủ tiền trang trải những món nợ lớn với người thân, với bạn bè…
    *
    * *
    Thấy tình cảm tôi đang ngon trớn như bánh xe lăn dốc, Định cố "phanh” lại bằng câu dọa:
    - Quỳnh đang là con bài "át chủ” của đoàn Ca múa tỉnh, xung quanh Quỳnh có biết bao "vệ tinh”, trong khi Oanh thì hiền lành, lại yêu mày chân thật. Đừng thả mồi bắt bóng, cuối cùng ân hận không kịp nghen.
    Tôi cười chống chế:
    - Hoa đẹp ắt có nhiều ong bướm. Quan trọng là Quỳnh yêu ai, lấy ai…. Còn Oanh, bao giờ tao cũng xem là người bạn tốt.
    Nói là nói vậy, chứ trong thâm tôi đã quyết cưới cho bằng được Quỳnh. Nếu không, tôi thề sẽ ở vậy suốt đời.
    Ba tôi buồn cả mấy ngày khi biết tôi đã bỏ công việc ở Công ty –kết quả mấy năm cơm áo gạo tiền học Cao Đẳng – giờ chỉ để về đây "hợp đồng” làm nhạc công cho đoàn ca múa tỉnh.
    Ba gặng hỏi. Tôi đáp nhát gừng "Hồi này tàu xáng phải đi thổi ở những nơi xa như Châu Đốc, Cần thơ… trong khi đồng lương quá ít ỏi….”. "Chớ con không nhớ là trước khi thi vào trường, con đã cam kết –sẽ đi bất cứ nơi đâu, khi được phân công à?!”. Tôi tránh tia nhìn nghiêm khắc của ba và không dám nói thật rằng "Con làm vậy, tất cả vì Quỳnh. Vì con quá yêu nàng…”
    *
    * *
    Chị Thoa cùng chung đoàn, vào thăm Quỳnh tự bao giờ, tôi không hay biết.
    Thấy tôi ngồi gục bên thành giường, chị lay vai tôi, nói khẽ:
    - Con Quỳnh bạn bè nhiều, người yêu nó cũng lắm, nhưng chị chưa thấy ai hi sinh lo lắng cho nó bằng em, đó Khanh. Chỉ tuần lễ Quỳnh nằm viện đây thôi, mà đã vắt kiệt sức khỏe em đến nhường này. Em ra chiếc băng phía sau ngả lưng một chốc, để chị trông Quỳnh cho.
    Tôi cũng cảm thấy thân thể mình rã rời, đầu óc đặc sánh, nặng chịch. Nghe lời chị Thoa, chân tôi bước đi mà người lảo đảo; nhưng lòng tôi còn ái ngại – nhỡ Quỳnh thức giấc, không có tôi….
    *
    * *
    Cả nhà đều nhao nhác khi nghe tôi báo tin cưới vợ.
    Má tôi vừa qua khỏi cơn bạo bệnh, đồng lương thợ hồ của Ba tôi không đủ trang trải thuốc men và sinh hoạt ngày thường. Ngoài giờ đến trường, em trai tôi phải vá thêm xe đạp, em gái phải lo chạy chợ buôn tảo bán tần…
    Quỳnh bàn với tôi:
    - Nhà hai đứa ở trong hẻm chật hẹp, mà đám cưới tụi mình mời cả ban lãnh dạo Sở, lãnh đạo Đoàn, rồi bạn bè cơ quan, bà con thân thuộc nội ngoại hai bên…Em tính: mình nên tổ chức ở nhà hàng Sông Tiền, năm mươi mâm thôi nha anh.
    Tôi ù tai. Năm mươi mâm! Năm trăm khách, khách ở đâu mà lắm vậy?! Tôi nhẹ nhàng bảo Quỳnh:
    - Mình nên giản tiện, để còn lo cuộc sống tương lai nữa em.
    Đôi mi Quỳnh chớp nhanh, lay động hai hạt kim cương lấp lánh từ đôi giếng ngọc sắp vỡ trên má. Trái tim tôi nhói buốt. Tôi không muốn nhìn Quỳnh khóc, không muốn thấy búp bê xinh đẹp yêu thương của tôi màu mắt nhuốm u sầu.
    Tôi liền gật đầu. Và rồi nào quần áo, soa rê, mượn xe bạn bè, mướn thêm xe du lịch đời mới đưa rước dâu, rồi quay phim chụp ảnh….. Bao nhiêu điều kiện của Quỳnh đưa ra, tôi đều chấp nhận.
    Ba tôi đã gạt nước mắt, ngăn đôi và bán bớt một nửa căn nhà để đổi lấy hạnh phúc cho tôi.
    Ngày cưới, nhìn những ánh mắt thoáng lo âu của đàn em, tôi chợt nao lòng; nhưng rồi những lời chúc tụng của bạn bè, những câu trầm trồ ngợi khen của hàng xóm : "Chà! Cô dâu đẹp như tiên”, "Kìa, vợ chú Khanh xinh như hoa hậu”… là tôi lấy lại ngay niềm kiêu hãnh.
    *
    * *
    Chúng tôi được phân cho một căn phòng vừa phải trong dãy nhà tập thể của Đoàn.
    Quỳnh vẫn là ngôi sao sáng. Sở trường của Quỳnh là ca cổ, nhưng Quỳnh tấu hài, ca tân… cũng được. Nhất là những bản nhạc nước ngoài vui nhộn, với vóc dáng búp bê xinh xắn – Quỳnh nhảy thật điêu luyện, rất nhiều bạn trẻ ưa thích và yêu cầu. Quỳnh bây giờ như "Cái đinh” không thể thiếu của Đoàn nghệ thuật tỉnh. Cấp trên hết sức cưng chiều Quỳnh, tôi cũng hết sức sung sướng.
    Rồi đến giai đoạn định biên, một số công nhân viên năng lực yếu… lần lượt rời đoàn. Tôi bị cắt hợp đồng, nên đi theo Ba tôi làm phụ hồ. Từ đó, đối với căn hộ tập thể của Đoàn, tôi là kẻ "ăn theo”.
    Mùa nắng, Quỳnh thường đi diễn. Chiều tan tầm, tôi ghé tiệm mua thức ăn chế biến sẵn về, trong lúc bắt nồi cơm điện thì tôi tranh thủ bê chậu quần áo hai người bỏ vào máy giặt, trước khi dọn cơm.
    Hai người ăn xong, Quỳnh lo trang điểm, tôi dọn rửa chén bát rồi tắm táp.
    Khi chiếc Toyota của Đoàn chở cờ, đèn, kèn, trống… và đưa Quỳnh cùng bạn bè đến điểm diễn, tôi cũng dẫn chiếc xe máy cà tàng của mình ra cầu Quay hay bến xe…Hi vọng vài cuốc xe đêm giúp đồng lương thợ hồ của tôi bớt phần chật vật. Nhưng đâu phải đêm nào cũng như đêm ấy. Có đêm, hơn mười một giờ khuya tôi mới trở về, không một xu dính túi.
    Vậy là sáng hôm sau, lúc Quỳnh còn say giấc ngủ - trước khi đi làm - tôi nuốt vội chén cơm nguội và không quên dằn dưới lọ hoa một trăm nghìn để Quỳnh thức dậy mà đi ăn sáng… Tôi không muốn Quỳnh phải bận chuyện bếp núc, hãy để thời gian tập trung cho chuyện tập dượt…
    Dù không ai nói ra, nhưng tôi và Quỳnh tự giao ước ngầm rằng – toàn bộ cuộc sống gia đình tôi phải lo liệu. Còn tiền lương của Quỳnh, để Quỳnh chi dùng trong việc phấn son, quần áo. Tôi tự hào khi được làm tán cây to che mát cho Quỳnh và rất vui vẻ khi đi bên Quỳnh – người vợ xinh như búp bê, rực rỡ như bà hoàng.
    *
    * *
    - Anh ơi! Chiều nay lão Thịnh chồng con Nga mới rinh về cho nó bộ loa Bose 301 với dàn Ampli Jarguar pa-300D cực sốc. Quỳnh thỏ thẻ với tôi.
    Sau ngày cưới, tôi đã tạm ứng liên tục nửa năm lương mới đủ mua cho Quỳnh một dàn máy, tuy không cực sốc nhưng cũng ít người có được, vậy mà bây giờ đã trở thành "quá đát” với Quỳnh. Đồng lương phụ hồ hiện tại của tôi làm sao đáp ứng được mơ ước của em đây?! 
    Nhưng kìa! Đôi mắt Quỳnh như bầu trời tháng bảy. Tôi không nở nhìn những giọt nước long lanh dưới hàng mi đen rậm ấy. "Nín đi cưng, búp bê của anh. Anh hứa sẽ cố gắng…”. Lúc Quỳnh cắn môi úp mặt vào ngực tôi, mười đầu ngón tay búp măng luồn vào mái tóc tôi nũng nịu, là lúc tôi nghĩ đến Phi – thằng bạn buôn bán hàng điện tử trong nhà lồng chợ Mỹ Tho…
    Rồi mùa mưa đến, Quỳnh không đi diễn vẫn có lương. Mùa mưa đến, không người xây nhà, tôi thất nghiệp, nhưng sinh hoạt hàng ngày trong gia đình tôi phải cáng đáng.
    Buổi sáng sau kì lương, Quỳnh tung tẩy cùng bạn bè đưa nhau ra phố mua sắm, tôi nằm nhà vắt tay lên trán suy nghĩ, rà soát đếm tới đếm lui những người bạn, những người quen, xem ai có khả năng giúp mình?!
    Tôi rất mong có một đứa con với Quỳnh, nhưng khi đề nghị, Quỳnh lắc đầu nguầy nguậy:
    - Nghề nghiệp của em còn dài, tụi mình còn trẻ bao giờ có con mà chả được. Bộ anh hết muốn em đẹp nữa rồi sao?
    Không. Bao giờ tôi cũng muốn Quỳnh của tôi thật đẹp, để tôi yêu chiều. Tôi muốn Quỳnh vẫn là búp bê suốt đời xinh xắn của riêng tôi.
    Một sáng đưa Quỳnh đi khám bệnh trên chiếc xe Đờ-rim cũ, em ngồi khép nép vẻ mặt không vui. Bất chợt một đôi trai gái lướt qua trên chiếc SH 300I, bỏ lại phía sau nụ cười như như pha lê. Quỳnh áp má vào vai tôi, thì thầm:
    - Biết chừng nào vợ chồng mình mới có được chiếc xe như thế hở anh? Được sung sướng một ngày rồi em chết, cũng vui...
    Tôi thoáng lạnh người trước ước mơ quá lớn của Quỳnh. Chợt Quỳnh thở dài rồi im lặng. Tôi càng buốt lòng với tiếng thở dài ấy. Tôi nhất định không để cho đôi mắt búp bê phải úa màu, lúc nào tôi cũng muốn Quỳnh vui, yêu đời… nhưng bạn bè tốt giúp tôi cũng có hạn. Nhiều khi tôi cũng có ý trách ông Trời, sao không cho tôi giầu có, để tôi lo cho Quỳnh của tôi đầy đủ hơn… Thế là tôi đành đi "vay nóng”.
    Biết tôi xoay sở được số tiền đủ mua chiếc xe, Quỳnh thủ thỉ:
    - Hay mình mua xe về để má đứng tên cho bạn bè không dị nghị. Ai hỏi, mình nói là của má cho nghen anh.
    Tôi gật đầu ngay. Có gì đâu, Má Quỳnh cũng là má tôi.
    Thấy vợ chồng tôi đưa nhau về thăm nhà vi vu trên chiếc SH láng cón, mới toanh, Ba tôi tròn mắt ngạc nhiên, Tôi liền trấn an:
    - Của má vợ con tặng tụi con đó.
    Niềm vui đồng thời là sự kính phục rực tràn trong ánh mắt các em thơ, khi chúng nhìn vợ chồng tôi. Chỉ có Ba, lặng lẽ cau mày.
    *
    * *
    Em thằng Định nhắn tôi lên thành phố. Nó tìm cho tôi một chân in hoa trên áo thun, lương cũng hậu. Làm chưa đủ tháng, tôi được điện của Quỳnh gọi về.
    Tôi bàng hoàng chới với trước tờ giấy li hôn, Quỳnh đã viết và kí sẵn. Quỳnh yêu cầu tôi kí tiếp. Quỳnh khóc rấm rứt, má vợ tôi sa sầm nét mặt:
    - Mày làm gì đến nỗi phải đổ nợ đổ nần ra như vậy? Mày ăn ở với con gái tao, còn gian dối gây nợ nần… là để nuôi ai?
    Thì ra trong thời gian tôi đi vắng, khách nợ đã ùn ùn kéo đến tìm. Không kịp để tôi trần tình hay phân minh, Quỳnh dậm chân, đập đồ đạc, cương quyết đòi li dị và không cùng tôi nghiêng vai gánh số nợ ấy. Má Quỳnh lại chế thêm dầu vào lửa: "Li dị đi, tài sản cái nào của chung thì hai vợ chồng ra tòa chia đôi”.
    Tôi điên người, muốn nhào đến nện cho mẹ con bà một trận, rồi sự việc xảy ra đến đâu thì mặc.
    Tôi phải bươn chải, mang thân đi tha phương làm lụng cực khổ như thế này là để lo cho ai? Và bà thừa biết chiếc SH đó do đâu mà có chứ? … Nhưng tôi kịp nhận ra, khi tôi đảo mắt nhìn quanh căn phòng hoàn toàn trống vắng. Đồ đạc đã di tản đi đâu cả rồi?!
    Tôi lắc đầu choáng váng trước sự sắp xếp có tính toán này. Trong phòng có cái gì còn lại là tài sản chung đâu? Cái dàn máy gồm Ampli và loa mới sắm thì Quỳnh đứng tên. Chiếc SH thì má Quỳnh giữ chủ quyền, và chính tôi đã từng tuyên bố với mọi người rằng "của má vợ tặng”…Giờ đương đầu với sự thật, tôi có khác chi Từ Hải?!
    Tôi ngao ngán, biết mình không thể kéo dài nổi tình trạng sống như thế này. Tôi đưa tay lên túi áo, rút vội cây viết – kí tên ngay.
    *
    * *
    ….Sau sáu năm dài ràng buộc. Hôm nay tôi trở lại cuộc sống của thằng đàn ông độc thân với hai bàn tay trắng và số nợ xấp xỉ tám cây vàng!
    Gặp tôi ở cửa Tòa án, bằng đôi mắt xót xa, Ba tôi chỉ thốt được mỗi câu ngắn ngủi " Đến nông nổi này lận sao con ?!”
    Bây giờ thấm thía trận đòn đời, thì đã muộn. Tôi xem như mình vừa thua một ván bài, nhưng tôi kịp nhận ra một sai lầm hệ trọng trong đời là – Cưới vợ, tôi quên nghĩ, người ấy sẽ cùng tôi chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. Tôi chỉ muốn nhìn vợ mình đẹp như búp bê hào nhoáng chưng bày trong tủ kính… Thời gian qua, tôi như con thiêu thân, choáng ngợp đến mù quáng trước ánh sáng mê hồn của sắc đẹp.
    Tôi ngộ nhận đó là Tình Yêu đích thực
     
    PHAN NGỌC HẢI
     
     
    #2
      Trăng Gò Công 17.07.2014 21:36:32 (permalink)
       

       
      CHỊ GÁI TÔI
      Truyện ngắn: Phan Ngọc Hải
      ---   ooo   ---
       
      [link=http://phanngochai.vanthoviet.com/news/n/1697/3053/chi-gai-cua-toi.html?l=vn]http://phanngochai.vantho...-gai-cua-toi.html?l=vn

      [/link]
             Trân trối nhìn người phụ nữ đối diện, không còn gì để lầm lẫn nữa. Tôi  vụt bước tới cầm lấy tay chị, nói như hét:
      -   Kìa, chị Gái. Chị Gái của em đây mà!
            Người phụ nữ cứ nhìn tôi đăm đăm từ đầu đến chân, rồi bất ngờ rút nhẹ bàn tay, miết lên vết sẹo dài nơi trán tôi. Giọng chị run run đầy kinh ngạc:
      -   Trời ơi! Vĩnh, Vĩnh đây sao? Vĩnh của chị…
                  Hai giọt nước vỡ òa từ khóe mắt, lăn dài trên đôi gò má lấm tấm tàn nhang, chị tiếp:
      -  Đã hơn ba mươi năm còn gì hở Vĩnh?
      Tôi cắn chặt môi, cố dằn cơn xúc động.
      Phải, hơn ba mươi năm trôi qua trong xa cách, mặc dù đôi lúc nhớ thương chị đến cháy lòng, nhưng tôi chưa một lần hình dung được rằng sẽ có một ngày chị em tôi hạnh ngộ trong hoàn cảnh như thế này. Chị tôi - một nhân vật "thời sự” mà địa phương đang phát huy. Còn tôi, một người viết tự do, đang đi tìm tư liệu.
      Chị em tôi cứ tay trong tay bổi hổi, mặc cho bao cặp mắt của những người giới thiệu chị, tò mò dò xét. Mặc cho bao công nhân đang thao tác, phải dừng tay nhìn nhau ngỡ ngàng…
                                                       *   *   *
           Gái – cái tên mà bà ngoại tôi và cả gia đình đã thân ái đặt cho chị từ hồi còn bé. Thật ra, chị có cái tên rất dễ thương: Phan Ngọc Duyên. Cũng như cái tên, chị tôi không đẹp, nhưng có duyên hết biết. Đôi mắt to, đen thăm thẳm nép dưới rèm mi dài và rậm, trông lúc nào cũng ướt át, thu hút hồn người. Có lần bà ngoại bảo với mẹ tôi: "Đôi mắt con Gái đẹp mà buồn quá, tao sợ sau này nó khổ về đường duyên phận…”. Tuy làn da chị tôi rám nắng nâu dòn, nhưng bù lại chị sỡ hữu khuôn mặt trái soan, sống mũi thẳng, trông rất thanh tú. Nét duyên nhất ở chị là đôi lúm đồng tiền lún sâu bên khóe miệng, làm nụ cười tươi tắn hẳn.                  
          Năm sáu mươi lăm, trong một vụ tai nạn xe cộ, không may cậu mợ tôi và đứa con trai lớn qua đời, để lại chị - cô con gái mới tròn bảy tuổi, sớm chịu cảnh cút côi. Dạo ấy cậu Út đã vào cứ, nên chị về sống và lớn lên bên bà. Nội của chị, tức là Ngọai của tôi.
                                              *  *  *
          Ngày trước, tuy là gái thôn quê, nhưng mẹ tôi được ông bà ngoại cho ăn học đàng hoàng. Sau khi ông Ngoại chết, mẹ lên Sài gòn học tiếp ban tú tài. Ở đấy ba mẹ tôi gặp, yêu và cưới nhau.  Hai người cùng nghề giáo, tôi ra đời, nghiễm nhiên là đứa trẻ thành phố.
      Mỗi dịp hè, để thay đổi không khí, ba mẹ thường gởi tôi về quê Ngoại, đó là một cù lao nhỏ bên giòng Cửa Tiểu. Chính vùng quê nghèo này, tôi đã cơi giữ được những tháng ngày ấu thơ tràn đầy kĩ niệm bên cạnh chị Gái.
      Dù là vai em nhưng tôi lớn hơn chị Gái một tuổi, thế mà chị tỏ ra khôn ngoan, giỏi giắn hơn tôi nhiều. Mới lên mười, chị biết giúp bà sàng gạo, nấu cơm, phơi củi rồi giặt giũ cho tôi. Chị làm việc như một người lớn.
      Tuy vất vã nhưng chị tôi chưa đánh mất tuổi hồn nhiên. Đồ chơi của chị em tôi là những bông mướp vàng, những chùm mồng tơi tim tím, những chú chuồn chuồn kim màu đỏ rực…
          Khi những trận mưa rào tháng sáu ập xuống mát trời mát đất, thằng bé thành phố trắng trẻo là tôi, cũng biết xách thùng lon ton chạy theo chị Gái ra rẫy bắt còng bắt ốc, chiều về ghé bờ sông hái đọt gừa đọt choại để bà nấu canh rau. Rồi những trưa nắng gắt, chị rủ tôi trốn ngủ, lấy dây cước nhỏ thắt vòng , ra mé sông  giật cá thòi lòi, cá bống.
      Và cũng chính trên quê hương nghèo này, tâm hồn tôi được tắm đẫm trong những câu hát ru, những bài ca dao dịu ấm…Những lúc bên cánh võng, tôi và chị Gái ngồi tỉ mẩn tìm nhổ từng sợi tóc sâu cho bà, bà thường khắc họa vào tâm trí chị em tôi những hình ảnh của cô Tấm, cô Cám, An Tiêm, Thạch Sanh – Lý Thông…Bà dạy cho chúng tôi biết phân biệt những điều thiện ác; những chuyện đúng, sai … để sống ở đời. Ơi, không hiểu sao giây phút ấy, tôi bắt gặp trong đáy  mắt thẳm sâu của chị Gái – những sợi khói buồn lan tỏa.
          Mỗi năm, khi học kì "hai” sắp kết thúc, ngồi trong lớp học nhìn ra cửa sổ, nhác thấy những búp Phượng trổ sớm như đốm lửa trong sân trường, tôi lại nôn nao chờ đợi một mùa hè mới.
      Tôi về quê, thường mang tặng chị Gái lắm truyện sách Tuổi Thơ. Có khi chị em tôi ngồi với nhau cả buổi, tôi kể lại từng nhân vật trong những tác hay mà mình đã đọc, hoặc bình những đoạn Văn  của mấy tác giả nổi tiếng… Chị vẫn vui vẻ tiếp thu, nhưng tâm hồn tôi ấp ủ mộng văn chương bao nhiêu, thì chị Gái tỏ ra có năng khiếu về Toán bấy nhiêu.
       "Sau này là nhà văn, Vĩnh có viết về quê Bà, Vĩnh có viết về chị không?  Còn chị thích làm cô giáo dạy học trò…”. Tôi rưng rưng xúc động trước mơ ước hiền hòa, bình dị như bãi lúa, như dòng sông quê Ngoại… của chị Gái tôi.
       
             Mùa hè năm bảy hai, tôi về thì lưng ngoại đã còng nhiều hơn năm trước, bà đi lại chậm chạp. Chị Gái bây giờ không những gánh vác việc gia đình, mà còn chăm sóc cho bà tôi nữa.
             Một buổi trưa, tôi ngồi vắt vẻo trên nhánh sung thấp de ra mương, nhìn những chú chuồn chuồn kim chao lượn bên bè rau ngỗ trôi dập dềnh, nghe tiếng gió chạy đuổi nhau trên khóm dừa nước lao xao. Chị Gái mải miết giặt đồ trên cây cầu gỗ dưới tán sung. Đôi mắt vốn buồn của chị càng buồn hơn, khi chị ngước nhìn tôi:
      -    Vĩnh ơi! Tựu trường này chị vào lớp chín, nhưng năm nay bà già yếu rồi… chắc chị thôi học.
            Chị thôi học ư? Tôi nghĩ đến ngày chị tôi thôi học, sẽ thiếu vắng bạn bè, thầy cô. Rồi chị tôi cứ phải quẩn quanh trong khu vườn nhỏ bé với bếp núc, heo gà… Trái tim non nớt của tôi như có bàn tay ai bóp mạnh. Tôi hốt hoảng, ngơ ngác:
      -   Đừng nghỉ học chị ơi! Nghỉ học buồn lắm. Rồi còn giấc mơ làm cô giáo dạy học trò nữa. Nhất định giấc mơ ấy phải trở thành hiện thực , chị nha.
      Giọng chị rưng rưng:
      -   Nhưng ba má chị chết cả rồi.
      Ơi, giọng nói của chị nghe hiền làm sao?! lúc ấy tôi thương chị Gái biết chừng nào. Thương đến phát khóc.
      Tôi vẫn tiếp tục những ngày hè hiếm hoi bên bà, bên chị Gái. Tôi luôn được bà và chị cưng chiều, chăm sóc thật chu đáo. Nhưng tâm hồn tôi, tự lúc nào len lõi nỗi buồn mênh mang… Có lẽ từ buổi trưa, nghe chị Gái báo tin sẽ thôi học?..
              Lại một buổi trưa.
      Sau giấc ngủ ngon lành, tôi choàng dậy dụi mắt nhìn quanh chẳng thấy chị Gái đâu.  Định chạy đi hỏi bà, tôi chợt nghe tiếng dầm khua nước ngoài mương. Thì ra trong lúc tôi ngủ, chị Gái bơi xuồng ra sông, len lách tìm dừa nước, đốn về đãi tôi.
      Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đỏ hồng, lúc chị khệ nệ bê quày dừa nước từ dưới xuồng lên, tôi thấy chị giống như cô Tấm dịu hiền mà bà tôi thường kể.
      Hai chị em vừa lúi húi bổ những trái dừa màu nâu, vừa nói chuyện rơm rã. Trong lúc chị thẳng tay giơ dao định bổ một phát xuống trái dừa đang kê sẵn, rủi ro lưỡi dao rời khỏi cán, bay vút sướt qua trán tôi, tạo vết dài. Tuy vết thương không sâu nhưng máu ra nhiều lắm, máu thấm ướt cả vạt áo trắng học trò của tôi đang mặc. Bà tôi cuốn quít, còn chị Gái sợ hãi, mặt mày tím tái, không khóc được. May nhờ có anh hàng xóm chạy sang rửa ráy và băng bó vết thương cho tôi. Bấy giờ chị Gái tôi mới khóc, khóc nức nở. Anh hàng xóm nhìn chị thiết tha, an ủi. Tôi ngước lên, bắt gặp trong đôi mắt sáng, đẹp của anh ấy: Hình ảnh chị Gái tôi ngự trị thật tròn đầy.
          Lần trở về thành phố năm đó, chị Gái bơi xuồng đưa tôi qua sông và xách va-li tiễn tôi ra tận thị trấn. Trên đương đi, hai chị em không vui đùa, cười giỡn như những bận trước.
      Khi chiếc xe bắt đầu chuyển bánh, chị Gái chồm lên cầm chặt bàn tay tôi, vẫn đôi mắt u buồn và giọng nói đứt quãng:
      -   Hè năm sau…. nhớ về nữa nghe… Vĩnh. Chị ch..ờ..
      Tôi im lặng giấu niềm thổn thức, xiết chặt bàn tay chị và gật đầu lia lịa.
           Nhưng rồi chiến tranh càng lan rộng và ác liệt. Tân Thới ngày đêm phải gồng lưng gánh chịu bao nhiêu bom đạn… Ba mẹ tôi quyết định không cho đứa con trai duy nhất của mình về nghỉ hè quê ngoại nữa.
      Cánh cửa tuổi thơ của tôi cũng khép lại từ mùa hè năm ấy.
      Hai năm sau được tin Ngoại qua đời, chỉ một mình mẹ tôi về thọ tang. Những mùa hè kế tiếp, sống quẩn quanh nơi thành phố, tôi nhớ chị Gái vô cùng.
                                                       *   *   *
           Tôi học dỡ dang năm thứ nhất Văn khoa thì Hòa Bình. Mấy tháng sau tôi bận lao vào công tác Học đường, mẹ tôi về thăm quê Ngoại. khi quay lên, mẹ mang theo tin:
      Cậu Út đã về. Cậu lấy vợ, hai người làm việc tại huyện nhà. Cậu mợ Út giới thiệu và gã chị Gái cho một người bạn quen hồi trong cứ. Lễ cưới "thời đại” chỉ tổ chức đơn sơ…
      Tôi bâng khuâng: Chị tôi phải bỏ vùng cù lao yêu dấu, sang sông về quê chồng ở miệt đồng xa lắc. Chị tôi ra đi, còn gửi lại mối tình đầu ở miền quê sông nước.
          Cuối năm bảy mươi sáu, trước khi tình nguyện đi TNXP, tôi có về Tân Thới giỗ Bà. Lần ấy, tôi không ngờ gặp lại một chị Gái tàn tạ đến xót xa. Tôi hoang mang tự hỏi: đâu rồi chị Gái của tôi ngày nào hồn nhiên, sáng trong như giọt nước? Đứng trước tôi bây giờ là một phụ nữ tuổi chưa tròn mười chín, mà hốc hác, tiều tụy, tay bồng con thơ khóc ặc ẹo… ngỡ ngoài ba mươi. Đâu rồi đôi giếng mắt ẩm ướt dưới hàng mi rậm, luôn nhìn xa xôi như thu hồn thiên hạ? Lúc này chỉ còn lại ở chị Gái, đôi hốc mắt khô khốc đến lạc thần. Có lẽ ngày tháng qua chị tôi đã khóc, khóc trong âm thầm, khóc đến nguồn nước mắt đã cạn?  Càng nhìn chị, tim tôi càng đau thắt.                  
          Chị Gái bơ phờ cho biết: anh rễ tôi đang phụ trách xã Đoàn, anh đã bỏ nhà, quan hệ với một nữ thanh niên. Mỗi lần về, anh khảo tra tiền bạc và hành hạ mẹ con chị rất tàn tệ…
      Bất giác tôi nghĩ thầm – Không hiểu trong lúc đau khổ thế này, chị tôi có nuối tiếc lại mối tình đầu tươi đẹp ngày nào và có oán trách cậu Út không? Rồi nếu biết hoàn cảnh truân chuyên của chị Gái hiện tại, không hiểu anh láng giềng ngày trước từng yêu chị tôi, có hát giùm:
      "Bướm vàng đậu nhánh mù u,
      Lấy chồng sớm quá… lời ru thêm buồn..”
                                        *   *   *
           Trải qua mấy năm TNXP, chàng thanh niên thành phố ốm yếu đã mất hẳn trong tôi. Những ngày nắng lửa, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đầy khốc liệt, đã để lại đôi vai tôi những vết chai sần vì cáng thương tải đạn. Bàn chân tôi đã tứa máu sưng vù trong rừng Le, rừng Khộp của miền Đông. Giọt mồ hôi tôi đã hòa cùng những cơn mưa ào ạt trên nông trường Lê Minh Xuân, An Phú…
       
          Cùng đồng đội bước qua những gian khổ, nhưng vẫn có những đêm một mình ngắm sao bên bờ suối vắng, hoặc những chiều bấm đàn bên dòng kênh mới đào trên cánh đồng bao la… tôi bỗng bâng khuâng nhớ về quê ngoại lạ lùng. Tôi nhớ cù lao Tân Thới, nơi gắn liền hình ảnh chị Gái và một thời tuổi thơ của tôi thật êm đềm. Nhưng hình ảnh chị Gái cộm lên trong trí tôi lúc ấy không còn ngây thơ tươi tắn nữa, nó rúm ró đau thương như nét mặt chị Gái mà tôi đã gặp hôm giỗ Bà.
      Tôi đâm lo: "Không hiểu bây giờ ông anh rễ đa tình kia có hồi tâm, trở về với mái ấm gia đình cùng vợ con chưa?”.  Tôi sợ thời gian và nỗi buồn gậm nhấm, sẽ giết chết đời chị tôi khi tuổi còn xuân sắc.
      Tôi lại mơ một chuyến về quê thăm chị. Vậy mà vừa rời áo TNXP, tôi chuyển hẳn sang Bộ đội. Mãi đến năm tám mươi chín, tôi trở về thành phố khi Bộ đội Việt nam đã hoàn thành nghĩa vụ Quốc tế trên đất bạn Kampuchia.
          Tôi nhất định năm đó sẽ về Tân thới giỗ bà, dịp ấy chắc chắn sẽ gặp lại chị Gái; nhưng mẹ tôi cho biết: cách nay hai năm cậu Út đã qua đời sau một cơn bạo bệnh, không bao lâu mợ Út đi thêm bước nữa, nên mẹ mới rước bà về Thành phố giỗ. Tôi nghĩ và thương chị Gái vô cùng. Chưa kịp làm một chuyến viễn du thăm chị, thì tôi có giấy báo gọi vào trường Đại Học.              
      Ra trường tôi cưới vợ, một cô giáo ngoại thành. Rồi ba tôi mất. Bấy giờ tôi là thằng đàn ông trụ cột của gia đình, phải đương đầu với bao lo toan: cơm, áo, gạo, tiền…Lo cho mẹ già, cho vợ và cho cả hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học…Đôi lúc tôi cảm thấy chóng mặt trước cơ chế thị trường… dần dần, hình ảnh quê Ngoại và chị Gái đã lu mờ trong tôi.
                                              *   *   *
           Tháp tùng phái đoàn của một doanh nghiệp về khánh thành khu du lịch tại Gò Công, trong lúc trà dư tửu hậu, tôi "đánh hơi” vùng bên có mô hình "Xóa đói giảm nghèo” làm ăn rất khá, địa phương rất quan tâm, muốn lấy đó làm điển hình để nhân rộng.
       Đáp ứng yêu cầu của tôi, anh Hào –cán bộ Ủy ban huyện gọi điện liên hệ với Xí nghiệp may thêu ‘Nắng Sớm’. Trước khi tôi tìm đến Xí nghiệp, anh Hào, bỏ nhỏ:
      -   Đây là mô hình xóa đói giảm nghèo làm ăn rất ổn định và tương đối nổi bật nhất trong huyện. Bằng nghiệp vụ của mình, anh khéo mà khai thác. Tuy rất vui vẻ cởi mở với đối tác cũng như với công nhân trong xí ngiệp, nhưng khi tiếp xúc nhà báo lại không thích  nói về mình, đó là đặc điểm của vị nữ Giám đốc này.
            Tôi vốn sợ những cá nhân nói về mình hay đơn vị bằng những bảng báo cáo thành tích, bởi nó tròn trĩnh và khô khan làm sao. Tôi thích tiếp xúc và tìm hiểu họ qua những câu chuyện gần như tâm tình, ở đó mới bật lên những ngỏ ngách, những suy nghĩ riêng tư… Thế nên thoạt nghe anh Hào nói, tôi bỗng có cảm tình ngay với vị nữ Giám Đốc mà tôi sắp gặp. Tôi tin vào khả năng mình, sẽ hoàn thành được bài Phóng sự như ý sau chuyến đi…  nhưng điều tôi không thể ngờ được – người tôi cần gặp – lại chính là chị Gái của tôi.
            Tất cả … vừa xảy ra, đối với tôi như một chuyện cổ tích.
       
      Đưa tôi sang phòng làm việc của mình, chị Gái vồn vả:
      -    Vĩnh cứ ngồi nghỉ một lát, chị sẽ dẫn Vĩnh về nhà nấu cơm, chưng mắm đồng đãi Vĩnh ăn như ngày nào Bà và chị đã đãi Vĩnh vậy.
      Tôi quên sao được, những bữa cơm ăn rau đắng luộc với khúc mắm đồng chưng tớp mỡ, tiêu, hành, ngọt lịm…. Nhớ hình ảnh bà và chị Gái luôn gắp để vào chén tôi những miếng mắm thơm và ngon nhất, khiến nước bọt tôi ứa ra đầu lưỡi….
           Tôi ngồi quan sát nơi chị Gái làm việc. Căn phòng tuy nhỏ, đơn sơ mà sạch sẽ, thoáng mát. Tôi ngắm chị không chớp mắt và nỗi ngạc nhiên đong đầy trong tôi.
      Chị Gái hôm nay tuổi ngoài năm mươi, thân hình đầy đặn của người phụ nữ viên mãn. Đôi mắt tuy mệt mõi nhưng vẫn còn đen dưới hàng mi rậm. Hai má lấm tấm tàn nhang, song đôi lúm đồng tiền mãi là duyên của chị.
      Phép màu nào đã biến một chị Gái hom hem tiều tụy, đôi mắt lạc thần của hơn ba mươi năm trước, trở thành chị Gái hôm nay đường bệ trên chiếc ghế Giám đốc của một Xí nghiệp?
      Dòng suy nghĩ đang miên man trong tôi, bất giác chị Gái thở dài, hỏi:
      -   Dượng bệnh thế nào và lâu mau mà qua đời vậy Vĩnh?
      -   Dạ, Ba em bị xơ gan trong thời gian em học ở Hà Nội. Hơn một năm thì Ba em mất.
      -   Vĩnh với cô có thường về quê Ngoại không?
      -   Sau ngày cậu Út qua đời, mẹ em rước bà về trên ấy giỗ. Mà nghĩ lại, mợ Út cũng tệ thật.  Cậu mới mất chưa đầy năm, mợ đã đưa chồng mới về ở nhà, nên mẹ em buồn…
           Đôi mắt vốn buồn của chị Gái bỗng long lên tia giận dữ:
      -   Chị phải đi lấy chồng tức tửi và cuộc đời hơn mười năm khổ hận… cũng vì thiếm Út đó.
      Tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Bàn tay chị Gái cầm tách nước run run. Tôi hỏi chị Gái bằng mắt, bằng cả sự im lặng. Chị cười nhạt:
      -    Hôn nhân là việc hệ trọng cả đời. Chị làm sao lấy được một người xa lạ không yêu thương, trong khi……
      Đang nói, chợt chị Gái thở dài như nén cơn xúc động, rồi tiếp:
      -    Thiếm Út sợ chị còn ở lại cái nhà ấy lúc nào, là chị hưởng cái gia tài của Bà để lại lúc ấy, nên ngày đêm thiếm đốc xúi chú Út gã chị. Nhưng thôi…
      Chị Gái mím môi như muốn xóa đi một phút lỡ lời vì nỗi buồn dĩ vãng, bởi chị tôi chưa quên thời con gái của mình bị chôn vùi trong đau khổ. Chị vội trở lại ngay bản tính cố hữu của người đàn bà Việt Nam hiền thục, chịu đựng và sẵn sàng tha thứ. Chị nói tiếp:
      -    Nhưng thôi, mỗi người đều có số phận Vĩnh à!
      Số phận ư? Số phận gì mà cay nghiệt vậy? đã đày đọa chị - nghười phụ nữ hiền lành trong ngần ấy năm chịu đau khổ… Tôi hơi bực dọc:
      -    Rồi hai người bỏ nhau bằng cách nào, anh ấy li dị chị à?
      Chị Gái buồn bã, lắc đầu:
      -    Con người ta khi muốn hướng thiện, muốn vươn lên thì rất khó, có khi phấn đấu cả đời vẫn chưa tới đích. Còn đã lỡ sa chân rồi, không khéo giữ, chỉ trong nháy mắt sẽ rơi xuống vực thẳm. Trường hợp của anh Khải là vậy. bao lần cơ quan đoàn thể kiểm điểm xây dựng, chẳng những anh không hồi tâm, mà còn từ lỗi lầm này đẩy đến lỗi lầm khác. Cuối cùng từ một Đảng viên từng gan lì trong những năm chiến tranh gian khổ khốc liệt, để trở thành một kẻ đớn hèn, chối bỏ quê hương… chui rút, chạy trốn ra nước ngoài nương  náu…
      -    Còn cháu bé em đã gặp chị bế hồi giỗ bà?
      Khuôn mặt chị Gái sáng lên:
      -     À, cháu là Huệ Liên, năm nay ngoài ba mươi rồi. nếu chịu lấy chồng như người ta, thì bây giờ đã con bế con bồng.
      Tôi nói với chị mà như nói với chính mình:
      -     Nhanh, thời gian nhanh thật. Rồi bây giờ cháu làm gì hở chị?
      -     Ôi, những năm tuổi thơ sống với mẹ quá khổ, nên lớn lên cháu chăm học lắm. Tốt nghiệp Đại học kinh tế, ra trừơng vừa làm việc ở một công ty trên thành phố, vừa học Cao học. Giờ cháu đang đi nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Bỉ mới hơn một năm.
      Tôi không giấu được niềm vui:
      -     Bây giờ chị Gái của em là người hạnh phúc nhất rồi.
      Đang vui, chị Gái chợt ngưng cười:
      -     Chị sống bằng niềm tin và súc lực của chính mình. Chị thường dạy cháu Liên như vậy.
             Nhìn chị Gái, đắn đo một lúc, tôi hỏi:
      -     Còn chuyện này, em muốn chị trả lời thật nhé: Anh hàng xóm ngày xưa… yêu chị, bây giờ ra sao, gia thất có đề huề?
             Chị Gái nhíu mày như suy nghĩ sau câu hỏi của tôi. Chợt chị cười, nụ cười buồn hơn nước mắt:
      -     À, em muốn hỏi anh Thiện, người chạy sang băng giúp vết thương cho em dạo ấy?
             Tôi gật đầu, chị nói tiếp:
      -     Lúc đó anh Thiện học ngoài thị xã, cũng về quê nghỉ hè như em. Rồi đang học năm nhất Đại học Nông Nghiệp tại Cần Thơ, nghe tin chị sắp lấy chồng, anh vội về. Hôm đó chị mượn cớ đi xay lúa, anh Thiện bơi xuồng đưa chị ra vàm, trông  anh buồn đến thẩn thờ. Sự bất lực của hai đứa, cứ kéo dài bằng thời gian im lặng. Cuối cùng như tìm ra lối thóat, anh bảo: " Để anh đưa ba má sang nhà thưa chú thiếm Út, tụi mình cưới nhau em nha!”. Nhưng Vĩnh biết rồi đó, một lời hứa của chú thiếm Út với người khác, là đời chị xem như ván đã đóng thuyền.
               Chị về quê chồng được vài tháng, lại hay tin: anh Thiện "bỏ Đời theo Đạo”. Anh đã xuất gia. Giờ anh là một Đại Đức, nghe đâu đang trụ ở ngôi chùa nào đó ngoài Vũng Tàu….
              Chị Gái vẫn cười. Nhìn nụ cười của chị, tôi thấy tím cả tim gan. Tôi hiểu, trong lòng chị - những tình cảm ngọt ngào ngày xưa chưa thể mất, nhưng trứơc mắt:  Đạo – Đời, đã hai lối rẽ.
              Tôi sợ càng đào sâu quá khứ, càng chất thêm nỗi buồn trong lòng chị Gái, nên trở lại hiện tại, tôi hỏi:
      -     Chị Gái à, rồi từ một tuổi trẻ đau khổ là vậy, chị phải bắt đầu như thế nào để ngày nay ngồi đỉnh đạc trên chiếc ghế Giám Đốc?
      -    Chà, lại giở ngón nghề ra với chị phải không?
              Chị Gái đứng dậy, cười giòn:
      -    Này, em hãy gọi điện về báo cho cô và gia đình yên tâm, rồi đèo chị ra chợ mua thức ăn, không khéo chợ tan đó. Còn chuyện ấy, nhất định chị sẽ trả lời Vĩnh sau bữa cơm, với tư cách người được phỏng vấn. Thôi, đi em.
            Chị Gái cầm chìa khóa xe. Tôi bước theo chị giữa hàng trăm chiếc máy khâu đang thao tác. Tiếng máy khâu, tiếng dập khuy, tiếng máy cắt … tạo thành một hợp âm rất vui tai. Giống như ngày nào dưới cơn mưa tháng sáu mát trời mát đất - thằng bé thành phố trắng trẻo ốm yếu - là tôi, xách thùng lon ton chạy theo chị đi rẫy bắt còng, bắt ốc ./.
       
      PHAN NGỌC HẢI
       
       
       
      #3
        Ct.Ly 28.05.2015 19:07:22 (permalink)
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9