(Trích đoạn tiểu thuyết) Xin mọi người góp ý để có thể hoàn thiện...
Trái tim là lá xanh 16.07.2014 04:46:16 (permalink)

…những khoảng trời sao…

 
Các cô gái sắp xếp đồ đạc, ba lô quần áo vào một góc gian nhà ngang. Nhóm nữ được ở trong một khu nhà tách biệt bên sườn núi, xung quanh rời rạc một vài ngọn cây thưa, còn lại là cỏ rậm. Còn nhóm nam bị ẩn ra nghỉ tạm trong các khu lều bạt mới dựng chiều nay quanh vườn chùa. Điều tách bạch này là thường lệ trong lối văn hóa tập quán chung của người Việt, nhưng nó vẫn gây cho Nguyệt Hà một ngạc nhiên nhỏ nhỏ, xen lẫn một chút gì kiêu căng, hãnh diện… Trước giờ cô và Trọng vẫn có những cuộc đàm luận nhỏ về giá trị người phụ nữ trong Phật giáo. Trong cuộc tranh luận anh  nhường nhịn cô, dù cho những dẫn chứng anh đưa ra làm  cô luôn phải dấu diếm đi một nỗi buồn nhỏ nhoi nào đó mang tên nữ tính. Những lúc như thế Hà cứ tự hỏi rằng cô sẽ làm gì để kéo anh ra khỏi luồng tư tưởng xa vời hiện thực ấy… Có thể chăng?
Chỉ đến đây vài ngày nên đồ mọi người đều nhẹ. Có tiếng vị Đại đức trung tuổi nhắc nhở:
-       Các con để các đồ đạc thường ngày ở góc khuất này, tối nghỉ ngơi ở đây. Trong này có tượng thờ nên các con đừng nằm ở gian giữa. Các tài sản giá trị các con có thể đưa vào phòng khách nhà Tăng. Thầy sẽ cắt cử người trông giữ.
Nhóm nữ vâng vâng dạ dạ… Thực ra nhóm thanh niên phật tử hầu hết là các Phật tử trẻ thuần thành, bởi vậy cuộc tu tập đối với họ vô cùng quý giá. Không ai trong số họ mang theo những thứ máy móc hiện đại từ thế giới bên ngoài, hay những trang sức phù phiếm.Chỉ có Nguyệt Hà lúc nào cũng mang theo máy ảnh và máy ghi âm, một người nữa là Hương, một nhà báo trẻ của tờ Ngọn Đuốc. Hà biết trụ sở tòa báo này, nó nằm gần cầu vượt nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh, giữa khoảng Nhà xuất bản Bản đồ và trường đại học Luật. Cô ấy có cái máy ảnh chuyên dụng to gấp mười lần máy ảnh du lịch nhỏ xinh của Hà. Hương đang loay hoay tháo ống kính. Trong nhóm nữ Phật tử này Hà, Hương, cùng Trầm - sinh viên năm cuối khoa sử học Phương Đông -chơi thân với nhau. Ba cô gái trẻ ngồi đợi mọi người mang đồ ăn lên, ăn rồi tổng duyệt lần cuối cho đêm lửa trại ngày mai.
Các hộp đồ ăn được phát dần tới từng người. Đó là hộp xốp trắng nhẹ, kèm theo một thìa nhựa ràng buộc bằng một chiếc chun lỏng lẻo. Trước đây Hà không hào hứng gì với các đồ ăn chứa trong hợp chất này, nhưng từ dạo tham gia tìm hiểu về Phật giáo, cô đã bớt gợn lòng nhiều. Hôm nay nhà chùa thiết mọi người món cơm trắng, rau cải xào, và lạc rang đơn giản. Trong những bữa ăn cơ động  họ không chuẩn bị canh nên nhóm cũng đã mua sẵn mấy thùng nước khoáng để thay thế. Cô nhìn suất ăn không mấy hấp dẫn, nhưng cũng không có ý chán nản. Những miếng cơm trắng hơi nát, Hà nhẩn nha nhai chậm và kĩ, cho đến khi từ bờ lưỡi loang ra vị ngọt nhẹ tỏa lên vòm họng. Cô không thích ăn lạc nên gẩy gẩy chúng sang một bên… Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần thấy món lạc, cô lại nhớ đến thầy dạy hội họa hồi xưa. Dạo đó cả sinh viên lẫn giảng viên khi ăn chung thì độ thịnh soạn cũng chỉ nhỉnh hơn thế này một chút, thêm được món thịt rang hay trứng kho gì đó… Thầy hay vui vẻ gắp lạc và nói:
-       Thích ăn lạc là thích vui chơi hưởng lạc…
Cô và các bạn không phải lo thiếu nụ cười bên những người thầy trẻ và vui tính ấy.
Nói chung ăn uống với Hà rất có lợi, cô ăn chậm , nhai kĩ, lại chỉ ăn các món đơn giản, những món cô không thích, cô tuyệt đối không chạm vào. Vậy nên Hương và Trầm thi thoảng chọc  vào hộp của cô, thoải mái xúc lạc. Cô thường để món ngon nhất sau cùng, vì không biết nên Trầm nheo mắt nhìn cô:
-       Chị không ăn rau cải à?
Hà ngạc nhiên trả lời:
-       Có chứ.
Chỉ có Trọng là ngay lần đầu tiên đã đoán ra kiểu ăn uống của cô, anh thường nói:
-       Kiểu ăn này là khổ trước sướng sau đấy. Anh cũng thế…
Cô chỉ ăn được nửa hộp cơm, chưa bao giờ cô ăn hết, cô thích ăn đồ rau xơ hơn là ăn đồ bột với đạm. Rau cải có vị đắng, Hà kiên nhẫn nhai rồi nuốt… trong lòng vẫn nguyên sự thú vị như buổi đầu tiếp xúc với món chay. Các loại món ăn không tồn tại sự hiện diện trực tiếp, hay gián tiếp của động vật… mang trong mình vị ngọt ngào thanh đạm khó lý giải vô cùng. Sự thán phục ấy lúc đầu ám ảnh, dần dần hiện hữu kiên cố trong tiềm thức đức tin cô…
Trong vài tiếng ban tối, cô và các bạn tập đi tập lại đến năm lần, sống lưng ai cũng ướt đẫm mồ hôi, các lọn tóc bết vào trán và cổ. Thật chẳng dễ dàng nhảy múa (1) trong cái nóng gần ba mươi độ mùa hè, với sự hỗ trợ của vài chiếc quạt điện cũ kêu rệu rã. Hà thực sự thấy bực bội, vì nóng - cô mặc áo phông với quần thể thao từ sáng đến giờ. Đây không phải là vườn hoa hay công viên để mặc áo hai dây với quần soóc ngắn cho mát mẻ. Hà thấy Trầm thì im lặng vẻ nhẫn nại hơn, còn Hương rất nhiệt tình tham gia chỉnh sửa các lỗi nhạc và phân cảnh múa… Khi nhìn các bạn khác tích cực hào hứng, cô lại cố dấu diếm thái độ mình, hòa trong đám đông hân hoan phủ phục…
Rồi cũng đến lúc đi tắm. Lúc này cô mới được ló mặt ra khỏi khu nhà khách ven sườn đồi. Ngôi nhà nằm trong tổng thể kiến trúc núi Tiên Du này là nơi xây mới nhất, nên đẹp và kiểu cách hơn hẳn. Bên ngoài là cả thềm trăng phủ, trộn lẫn với ánh sáng điệu đà từ vài cột đèn điện kiểu cách cung đình. Tòa nhà ba gian xây giả cổ với những mái đao đình cong vút , trên đỉnh mái là hai con lân nâng ngọc bích, mờ ảo trong nền ánh sáng phức tạp cộng hòa với màn đêm. Xung quanh nhà là một hành lang rộng viền vuông vức để mọi người có thể đứng ở mọi bên nhìn xuống khung cảnh đèn điện sáng rực bên dưới, không bị giới hạn tầm mắt. Bậc cầu thang rộng và dài nương theo triền núi đưa mọi người xuống thấp dần. Không khí bên ngoài thoáng mát  thoảng một mùi hương nhè nhẹ, khác hẳn với không khí bí bức trong gian nhà khi nãy. Cô ngẩng mặt nhìn trời, mắt hút về phía khung trời xa thẳm, nơi hằng hà sa số những ngôi sao lấp lánh, vẻ đẹp hiếm hoi mà thỉnh thoảng cô cố kiếm tìm ở Hà Nội tân thời. Cái mùi hương vừa lạ vừa quen này, nó có phải mùi của không khí trong lành, mùi của hoa cỏ dại thiên nhiên, hay là mùi hương của một gốc hoàng lan nào đã từng hòa vào không gian ở một quá khứ xa xôi…
Cô đeo túi hộp nhỏ đựng máy ảnh bên mình, tay cầm bộ quần áo ngủ. Cảm thấy phiền toái quá nên Trầm  nhanh nhẹn kiếm một cái túi, bỏ quần áo của ba chị em vào. Lúc này Hà mới để ý rằng Hương không mang theo máy ảnh. Hỏi bạn, bạn phá lên cười:
-       Tớ gửi thầy rồi còn đâu.
Đúng là tác phong nhà báo luôn dứt khoát mau lẹ.Trong nhóm ba người các cô thì Hương nổi trội nhất về tính quảng giao. Hà thì hay tham gia hội nhóm với tư cách người phản biện, hơi lạc lõng. Còn Trầm nhỏ tuổi nhất, luôn líu ríu đi cùng hai người vui chơi nhảy múa là chính.
Vì nhà chùa chưa xây phòng tắm bên nhà khách nên các cô gái phải ra ngoài tắm ở nhà dân. Mọi người đi theo con đường gạch cũ hai bên là rừng cây thưa, các lều tạm đã dựng xong, nhóm nam thanh niên ngồi túm tụm ở các góc sáng sủa, vui vẻ hưởng thụ cảnh đẹp bên trời cao gió lộng. Hà thoáng góc nhìn rộng, chỉ mong kiếm tìmmột điểm nhìn nào đó. Hình như anh không có trong mấy nhóm này. Sáng nay lúc lên xe, anh lên trước và dành cho cô một chỗ. Nhưng lúc cô lên,thì Hương và Trầm lại kéo cô vào ghế ba người ở cuối xe. Từ đó đến giờ, cô và Trọng chưa hề nói chuyện với nhau.
Thỉnh thoảng có một vị sư thầy đi ngang qua con đường Hà đi. Các cô khẽ ngiêng mình chắp tay chào theo nghi lễ. Từ lúc tham gia các hoạt động tôn giáo đến giờ, cung cách của Hà chưa thay đổi mấy. Cô không nói cụm từ “A di đà Phậtt…” trước câu chào hay câu nói của mình. Cô cảm thấy cụm từ ấy hơi khó hiểu. Hay là mọi người thường hỏi chuyện thầy chùa bằng câu “Bạch thầy”, “Bẩm thầy”… vô cùng cổ điển. Còn Hà, Hà thường nói “Con chào thầy”, hay “Con thưa thầy”… Thế thôi! Trong nhóm thanh niên Phật tử chùa Quán Sứ này, mọi người không để ý đến những sự lạc lõng hay phá cách của nhau, nên Hà quả thực khá an toàn. Như thế cũng không có nghĩa là Hà tự hào về sự khác biệt đó. Mỗi khi nhìn Trọng và mọi người kính cẩn hành lễ, cô lại nhận ra rằng đức tin của cô nhỏ bé, yếu ớt đến không ngờ.
Chùa Vạn Phúc không phải cụm di tích quá tách biệt với thế giới bên ngoài. Tất cả chùa, ngọn Lạn Kha, với các nhà dân xung quanh, đều hòa hợp bên trong khung cảnh rừng cây lác đác, đất đá sỏi trần trụi, với đường chân trời nhấp nhô những ngọn núi mờ xa. Mải nghĩ, Hà đã đi qua cổng chùa không có tường bao phân cách, đi về hướng xa xa lấp ló vài khu nhà tầng của người dân làng. Đường vào trong xóm không được sáng sủa, nên Hà và mọi người không nói chuyện nữa, mà thận trọng nhìn xuống chân mình. Thật ngạc nhiên là dân làng ở đây có vẻ đã sẵn sàng dịch vụ tắm với giá cả khá hợp lý: mười lăm nghìn một người với đầy đủ dầu gội và sữa tắm. Hà, Hương và Trầm cùng vài người đi vào căn nhà có góc sân rộng rãi, bên trong là một dãy ba nhà tắm cạnh nhau, các cô quyết định chia từng nhóm tắm chung.
Thấy Hà có vẻ lưỡng lự định tắm sau, Hương giục:
-       Tắm luôn đi cậu ạ. Tắm khuya dễ cảm lắm.
Cô đành vào tắm chung với mọi người.
Trong lúc tắm, tự dưng Hương hỏi cô:
-       Cậu chưa tắm chung bao giờ à?
-       Ừ – Cô trả lời.
-       Việc gì phải ngại, sống tập thể mà thế thì dễ bị để ý lắm…
Hương với chiếc khăn tắm nhờ Hà cọ lưng.
Mọi người tắm rất nhanh, ra về trước. Hóa ra cô,Hương và Trầm chậm nhất, lúc ra mọi người về cả rồi. Trả tiền xong,ba người lững thững về. Hà là người luôn thích thú với những cảnh tượng hùng vĩ, nhìn lên trời xa lấp lánh ánh sao, cô nhảy cao rồi xoay mặt về phía mọi người hỏi:
-       Trời đẹp không? Mọi người đang nghĩ đến ai này?
Hương bật cười:
-       Còn nhớ đến ai nữa? Nhớ người yêu rồi.
-       Đi chùa mà vẫn còn nghĩ đến chuyện phàm tụục? - Cô kéo dài giọng như để chế diễu…
-       Ô, con người chứ có phải nhà sư đâu mà đòi thoát tục – Hương quả quyết bảo vệ ý kiến.
-       Nhưng mục đích con người vào chùa là để giải thoát những khao khát tầm thường – Hà nheo mắt.
-       Đúng rồi, phải giải bớt những mơ ước tầm thường để có chỗ cho những điều tốt đẹp. Nhờ vào chùa mà cụ Từ Thức gặp được Giáng Hương – Hương hỉ hả.
Cả hai người phá lên cười vì sự bao biện gượng ép ấy.
Nhưng điều này cũng đã xoa dịu cho những nỗi ám ảnh trong vô thức của Hà. Như trước đây cô thường nghĩ, cô vào chùa vì mục đích viết truyện. Còn bây giờ, nhiều khi cô tự hỏi, cô có thể tìm một ngôi chùa khác, nơi không có bước chân của Trọng, để tự bước những bước đi của riêng mình…
-       Trời trong gió mát, chả cần quạt cũng ngủ khò – Trầm xen vào, tay xách bọc quần áo ướt.
Thực ra không ai bắt em làm. Trong nhóm ba người, Trầm luôn tự nguyện xách các đồ vật nhỏ, vì nếu đồ to vác nặng thì Hà và Hương đã xốc vác từ trước rồi.
Cô và các bạn đi lại con đường cũ, qua cổng chùa, theo con đường xuyên giữa các tán cây trầm mặc. Hình như nhóm nam đã đi ngủ hết, chỉ còn lác đác mấy người trực Sao đỏ ven đường. Đội Sao đỏ này gồm một số nam thanh niên cắt cử nhau cùng một số sư thầy giữ gìn trật tự. Cô giật mình khi nhìn thấy Trọng và Trung đứng trong số đó. Hình như anh đang cố gắng quan sát người đi đường để tìm người. Hà mắt tinh nên nhìn ra anh ngay, cô thực không thoải mái vì đang mặc quần áo ngủ. Trời tối thế này, cô đoán anh mắt cận sẽ không nhìn ra cô. Nên cô định tảng lờ đi qua anh. Không ngờ một người trong nhóm trực tiến lên hỏi:
-       Mô Phật, mọi người đi đâu về ạ?
Hương mau mắn trả lời:
-       Bọn em đi tắm mà.
Họ bảo tiếp:
-       Các em mau về phòng đi, mai phải dậy sớm đấy.
Hà tránh mắt nhìn của Trọng, sải bước chân theo mọi người lên phòng. Có tiếng Trung, bạn cùng phòng trọ với Trọng, nói vống lên khoái trá:
-       Hà đấy, nhận ra chưa?
Cô cùng các bạn chạy lập cập lên phòng tìm chỗ ngủ. Vì khuya quá rồi, không biết gửi ai, nên cô đành ôm cái túi đựng máy ảnh bên mình. Đèn đã tắt, mọi người không ai còn rì rầm gì nữa, chỉ còn tiếng quạt xoay khó nhọc. Dường như chỉ còn mình cô thao thức. Hóa ra từ khoảng tối đến giờ, anh đã gọi nhỡ vào máy cô sáu lần. Sao anh không nhắn tin nhỉ, cô không hiểu có chuyện gì. Không khí trong phòng đang ấm dần lên, có lẽ vì đông người quá. Hà không quen ngủ chung nên cứ nằm trằn trọc mãi. ..
…Vùng đất này xưa là nơi non xanh nước biếc, núi ngậm trong mình nguồn suối mát, từ đỉnh núi thoát ra thác nước trắng ngời dội xuống vực đá sâu. Năm ấy trong ngày hội hoa, vì muốn cứu một cô gái trẻ bị sư sãi “bắt vạ” hái trộm hoa ở cổng chùa, chàng quan trẻ Từ Thức không ngần ngại cởi áo gấm chuộc người đẹp. Đêm về tương tư mong nhớ, thao thức cả đêm, ông sai người thả thuyền cho ông cầm giầm bơi đi. Càng đi càng xa, càng xuôi càng rộng, lạc tới nơi non nước lạ lùng. Thuyền tự dừng ở chỗ mây kết thành chùm hoa sen bao phủ, thì thấy người đẹp hồi hôm – chính là nàng tiên nữ Giáng Hương - đang đợi ông ở cửa động đào…
Cô mệt mỏi xoay người, rồi cuối cùng quyết định bật dậy mở cửa bước ra ngoài. Cánh cửa nhà chùa rít lên khe khẽ như thể hiện một sự khó chịu với những biểu hiện lạc lõng ngoại đạo, một luồng ánh sáng tràn vào theo vòng cung cửa. Thềm trăng sáng rực hơn Hà tưởng tượng. Cô nhìn xuống thềm nghỉ rộng dài ngập ánh sáng lung linh. Xa xuống dưới là con đường mòn cũ kĩ, nơi treo những ngọn đèn leo lét, cô quạnh. Không khí tĩnh mịch và ảm đạm vô cùng. Hà cố gắng ngước nhìn lên đỉnh núi chắc chỉ cao hơn vài tầng nhà nữa. Một nơi huyễn hoặc nhào trộn giữa các trầm tích tôn giáo với những khao khát thần tiên của loài người thuở sơ khai…
-       Hà không ngủ được à? – Hóa ra Hương và Trầm đã đứng phía sau cô.
-       Ừ, tớ cứ lạ nhà là mất ngủ thế đấy – Cô khẽ bao biện cho mình.
-       Bọn mình đi dạo một vòng đi. Sẽ dễ ngủ hơn  – Đột nhiên Trầm rủ mọi người.
Cô ngần ngại, còn Hương đồng ý. Hai người thong dong bước xuống thềm nghỉ phía dưới.
-       Chị Haàa… - Trầm quay lại, khẽ gọi cô.
-       Thôi, mọi người đi đi. Tớ ở đây.
Cô thấy không thoải mái nếu đi lang thang ban đêm trong khung cảnh tôn giáo cổ kính này. Cô rút máy ảnh du lịch, cố gắng chụp vùng trời đêm cao lồng lộng. Máy của cô chỉ mô tả được những ánh đèn điện loang sáng bên dưới, còn khoảng trên của tấm ảnh chỉ hiển thị một vùng tối đen như mực. Hà cảm nhận rõ sự bất lực trong việc mô tả lại một vẻ đẹp quí giá đang hiện hữu… Cô khẽ lật những trang ảnh cũ, cho đến khi cơn buồn ngủ kéo đến.
Sáng hôm sau, khi những hồi chuông chùa gióng lên phá tan không khí trầm mặc, mọi người lục tục dậy, mặc áo pháp ra chính điện thực hiện nghi lễ thiền sáng. Hà chẳng nhớ đã vào ngủ như thế nào, chỉ mang máng là cô ngủ trước lúc hai cô bạn gái quay về. Bây giờ là năm giờ sáng, khá sớm cho những con người thành thị, ngược lại, là khá muộn với những con người chân tu. Nghe nói đằng sau cánh cổng chùa, các sư thầy đi ngủ lúc mười một giờ đêm và dậy tụng kinh lúc ba giờ sáng. Cô khoanh chân ngồi thế tòa sen khá dễ dàng. Lim dim mắt cố tìm lại khoảng thời gian đêm qua đã lạc mất trong trí nhớ… Bỗng nhận ra cô đang động tâm, liền xả thiền và cố gắng nhập thiền lại từ đầu…
Khi trời sáng rõ và đã khấn xong bài kệ buổi sáng(2), cô và mọi người bắt đầu tản đi các nơi theo sở thích. Vừa đó đã thấy Hương vác cái máy ảnh đen trũi , thoăn thoắt tác nghiệp, chụp hình. Hương gọi cô rồi khẽ nháy mắt, cô hiểu ý, giơ tay tạo dáng, Hương hướng máy về phía Hà, bấm máy, rồi ra ý ảnh chụp thành công. Hà và Hương quen nhau chưa lâu lắm, có lẽ xét về mức độ thân mật, hai người chỉ là bạn bè thường cùng chung mục đích tìm hiểu về tôn giáo. Trong các hoạt động của đoàn thanh niên Phật tử Quán Sứ, Hương luôn hăng hái dẫn đầu. Hương không thể hiện sự hiểu biết về tôn giáo qua những buổi đàm luận lý thuyết. Điều này hơi ngược với Hà , người hay để suy nghĩ tràn ra ngoài – cách gọi Hà của một chị gái bên chùa Định Quán. Nhưng dù sao đối với Hà, Hương là người bình thường hơn cả ở nơi đây.
 Không hiểu sao,bỗng cô nghĩ tới cái điện thoại. Hà rút máy ra và ngạc nhiên khi thấy Trọng đang gọi tới (nghề viết lách khiến cô luôn để máy trong chế độ im lặng).
-       Em ra chỗ chân núi đi.
-       Ơ, là ở đâu thế ạ?
-       Chỗ bậc thang lên nhà khách em ngủ đêm qua ý… - Trọng khẽ bật cười trong máy.
Hà vâng rồi đi về phía nhà nghỉ đêm qua. Tới nơi đã thấy anh đang đứng, cười cười. Trước mặt cô là một anh chàng mọt sách sống động, kiêm nhân chứng hiên ngang cho sức mạnh tôn giáo đang len lỏi trong tâm thức con người. Hà chạy tới gần anh, ngạc nhiên hỏi:
-       Ra đây làm gì ạ?
-       Anh muốn rủ em xem điều này…
Anh xoay người đi theo con đường mòn tạo ven sườn núi đá chạy lên tới đỉnh. Cô nhìn quanh, ngại ngùng nhìn xem có ai để ý tới mình không, rồi len lén chạy theo. Hóa ra con đường lên núi nhỏ nhắn nằm ngay cạnh dãy cầu thang kiên cố lên nhà khách đêm qua, mà cô không để ý. Cô vui vẻ đi theo anh  ngắm nhìn hai hàng cỏ lơ thơ ven đường. Có lẽ triền núi này đã bị lãng quên khá lâu rồi, vì sự xác xơ hoang dại đến vụng về của cây cỏ nơi đây. Anh thỉnh thoảng quay lại nhìn cô, như sợ cô lạc mất. Hà thì nhíu mày khoái trá khi phát hiện raTrọng đang đi giày da, cô liền chạy vụt qua anh, vẫy tay trêu trọc. Cuối cùng cô cũng lên tới đỉnh…




Đỉnh núi mơ trong ánh sáng mặt trời…

Đỉnh núi không như cô tưởng tượng, đây là một triền đất hoang vu, thoảng hoặc vài cành cây khẳng khiu nhỏ lẻ. Trước mặt cô là hai phiến đá to cao cỡ lớn, khuất bên tay phải xa hơn là các tháp đá cao thấp khác nhau, rõ ràng là nơi yên nghỉ của các tăng sĩ cao niên cao phẩm. Giữa ánh sáng ban ngày, nơi đây vẫn còn chất chứa màn sương u tịch, ảo ảnh của thời quá khứ đã qua. Nếu không có cảnh ruộng lúa và đường đê với các xe chạy qua lại ở phía dưới, có lẽ cô sẽ mất định hướng về không gian và thời gian hiện hữu. Trọng đã lại gần cô, vui vẻ nói:
-       Em có biết tên núi này là gì không?
-       Có ạ, núi Lạn Kha (3)… - Cô trả lời, không dấu nổi ánh mắt thất vọng.
-       Anh biết Hà tìm hiểu nhiều tích cổ mà, kia là hai bàn đá tương truyền là bàn cờ tiên thủa xưa đấy.
Anh lại gần hai bàn đá vuông vức, khẽ chạm vào một cách tò mò thú vị, rồi quay lại nhìn Hà.
Và như mọi lần, chính cô là người kéo anh về hiện tại theo cô:
-       Khung cảnh hơi mâu thuẫn nhỉ, cạnh bàn đá tiên là tháp xá lị ạ.
-       Sao lại mâu thuẫn, các vị phật và các vị tiên đều đáng được tôn kính như nhau.
Cô im lặng, anh biết cô đang cố tìm lời lẽ để bảo vệ ý kiến của mình. Trọng tỉnh táo đổi chủ đề:
-       Em ngủ ngon không? Anh lo em mất ngủ.
-       Chả ngủ được tý nào – Cô nhõng nhẽo.
Anh thở phào như thể hoan hỉ trút đi một trọng trách lớn. Trọng tìm một chỗ ngồi nơi tảng đá nhỏ thấp gần bàn cờ tiên rồi loay hoay tháo giầy. Không ai dại dột đi chơi núi bằng giầy da thế này. Cô không biết là sáng hôm qua anh phải chạy qua công ty để họp đột xuất rồi mới có thể ra điểm tập kết lên xe. Hà vặn vẹo:
-       Sao anh lại đi giày da thế, anh cởi giày làm gì?
Trọng chỉ vào phiến đá bên cạnh:
-       Em ngồi đây này, dưới kia cảnh đẹp quá. Hà chụp không? – Rồi anh rút cái điện thoại của anh ra, chọn cảnh chụp.
Cô im lặng…
Tự dưng anh hỏi, làm cô ngạc nhiên:
-       Sao Hà không thể hỏi anh có đau chân không à? Hà không thể hỏi anh tối qua ăn uống thế nào, ngủ có quen không à?
Cô há hốc miệng. Hà thường nghĩ anh sẽ không bao giờ có những biểu cảm nông nổi đó, vì anh không giống cô. Cô xuống ngồi cạnh anh, mỉa mai châm biếm:
-       Cái gì làm đau được chân anh, anh quen đi giầy da mặc vest từ hồi ba tuổi rồi còn gì. Em biết là anh ăn rất ngon,cơm nhà chùa vừa thanh vừa sạch, rất hợp với khẩu vị anh. Đêm nào sau khi tụng thiền xong, anh chả ngủ say không mộng mị.
Anh bật cười xắn tay áo chì cho Hà thấy những vết đỏ tấy ở cánh tay.
-       Tối qua anh trực đến mười hai giờ đêm mới được ngủ. Vào lều thì bị kiến đốt sưng hết một bên bắp tay.
Ngọn núi tiên mơ đã sáng hơn khi mặt trời dần trôi cao. Nhưng nơi đây vẫn ẩn chứa một cơn mộng mị nào đó xa xăm, nhữnguẩn ức thần tiên trộn lẫn với ước mơ giải thoát. Hà thường nhận ra những điều tỉnh táo ấy, khi đứng trước một bước ngoặt nào như thể cánh cổng tương lai – với anh bên cạnh. Và lòng ám ảnh vì những nhân tình lỏng lẻo trên thế gian, dễ tan không dễ hợp.
                                                                                                                    (còn nữa)
 
 
 
 
 
 
P/s: (1) Hoạt động múa của nhóm Phật tử trẻ: Họ sử dụng các điệu múa mang tính chất tôn giáo, nhưng không quá câu nệ nghi thức truyền thống để biểu diễn trong các kì hội trại Thiện sinh hoặc các buổi giao lưu giữa các nhóm Phật tử. Đây là một trong những hoạt động nhằm trẻ hóa, và hiện đại hóa các hoạt động tôn giáo vào các năm gần đây. Các bài múa của họ chủ yếu sử dụng tiết tấu nhịp điệu nhạc Phật giáo Ấn Độ.
(2) Chùa Vạn Phúc tự (chùa Phật Tích – Bắc Ninh) là chùa theo Phật giáo tịnh độ tông. Pháp tông này sử dụng các bài kệ, tụng niệm làm phương pháp tu tập. Nhưng trong các buổi hành lễ sáng và tối, tông phái này cũng đan xen cả phương pháp thiền trong thời gian ngắn ở thời điểm bắt đầu buổi lễ. Chùa Quán Sứ cũng theo Tịnh độ tông.
(3) Núi Lạn Kha: Đây là ngọn núi tượng trưng cho những giá trị tinh thần bị ảnh hưởng từ Đạo Lão thần tiên. Tương truyền rằng xa xưa có người tiều phu lên núi đốn củi, len lén nhìn trộm hai vị tiên đánh cờ. Cho đến khi tàn cuộc cờ thì nhìn sang bên chiếc rìu đã nát vụn mất rồi. Vậy nên người đời sau đặt tên núi là núi Lạn Kha: Lạn là nát, Kha là rìu.
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9