(Trích đoạn tiểu thuyết) Chương 1: CÁNH CỔNG PHƯƠNG TIỆN
Trái tim là lá xanh 20.07.2014 03:15:49 (permalink)
 
 
     Bảy giờ kém mười lăm phút, Nguyệt Hà bật dậy vơ lấy điện thoại, có cả chục cuộc gọi nhỡ của sếp và đồng nghiệp, hôm nay là ngày thuyết trình ý tưởng mới. Cô luống cuống rút sạc pin laptop, cho vào balo, rồi vào nhà tắm. Dù trời long đất lở thì cũng phải tắm trước khi ra đường, thói quen của cô là vậy.  Đến khi đeo balo và dắt xe ra khỏi nhà, Hà cố ngoái lại nhìn đồng hồ một lần nữa: bảy giờ ba mươi phút. "Giá mà đừng tắm có hơn không?" - cô thoáng hối hận, rồi lao xe đi, lòng thầm mong không gặp cảnh tắc đường... 
     Quẳng xe cho bác bảo vệ, Hà cám ơn, chạy thục mạng về phía cửa thang máy trong tầng hầm, đèn báo thang máy đang ở tầng năm. Bác nói to:
- Nó đang lên tầng tám. Đi bộ đi!
     Cô ngao ngán nhìn về phía cầu thang bộ, công ty cô ở tầng ba.
     Lúc cô thò mặt vào phòng họp cũng là lúc anh Tuân nói vọng ra:
- Minh gọi lại xem Hà dậy chưa?
- Em đến rồi ạ - cô thở dốc, cố nói rõ từng từ.
     Anh im lặng nhìn Hà. Ba đồng nghiệp trong phòng vẫy tay, Lâm ra dấu "very good" (ngón cái) cùng cái nháy mắt.
- Em xin lỗi mọi người, em đến muộn! - cô khẽ cúi đầu nhận lỗi.
    Tiện chiếc bút trên tay, Tuân chỉ về phía ghế ngồi, Hà lon ton chạy vào, tháo balo ngồi xuống.
- Em lại dậy muộn à? Sao em không đặt chuông nhiều lần vào?
- Vâng! - Cô gật đầu, cười trừ...
- Chúng ta bắt đầu họp nhé! - Tuân đưa điều khiển lên cao bật máy chiếu, chị Minh thư kí đứng ngoài  khép cửa.
   Nguyệt Hà làm cho một công ty tư nhân chuyên về ấn phẩm truyện tranh. Tiền thân của công ty là một nhóm vẽ, chuyên nhận hợp đồng sao chép các tác phẩm truyện tranh nước ngoài, được cấp phép xuất bản tại Việt Nam. Song song đó công ty thành lập một trang web riêng biệt về truyện tranh để thu hút giới trẻ. Sau ba năm hoạt động trên thế giới ảo, công ty xin giấy phép xuất bản tạp chí bán nguyệt san. Đến nay mảng báo giấy bên cô đã ra được bốn mươi số, gần tròn hai tuổi.
- Những nhân vật trung tâm của truyện, Nguyệt Hà?
     Nguyệt Hà giật mình, nhìn lên sơ đồ phả hệ đời Trần trên màn chiếu:
- Ừm, vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Toản, Trần Quốc Tảng, Lê Phụ Trần, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, công chúa An Tư, Thoát Hoan...
- Sơ sài quá! Thông tin cá nhân, mối quan hệ?
     Cô nói một hơi:
- Thời điểm 1282: Vua Trần Nhân Tông 24 tuổi - lịch sử, lấy Bảo Thánh công chúa, con Hưng Đạo Vương làm hoàng hậu - lịch sử. Hưng Đạo Vương 54 tuổi - lịch sử, có 4 con trai 2 con gái, trong đó có 1 con gái nuôi - lịch sử. Trần Quốc Tảng con trai thứ 3 của Hưng Đạo Vương - giả thiết, bằng tuổi vua Nhân Tông - giả thiết. Trần Quốc Toản con Trần Bà Liệt, cháu Trần Thừa - giả thiết, 16 tuổi - giả thiết. Lê Phụ Trần 64 tuổi - giả thiết, chồng Chiêu Thánh công chúa - lịch sử. Trần Bình Trọng con riêng Lê Phụ Trần - giả thiết, 40 tuổi - giả thiết. Phạm Ngũ Lão 27 tuổi - lịch sử, danh tướng của Trần Hưng Đạo - lịch sử, lấy con gái nuôi của Hưng Đạo - giả thiết…
- Tốt - Tuân ngắt lời - Tạo hình nhân vật đâu rồi Nga Yuna?
     Nga rút trong tập bìa cứng trên bàn một tệp giấy A4 đưa Tuân, anh dùng nam châm đính lên bảng.
- Mọi người có nhận xét thế nào?
     Nguyệt Hà nhìn bản phác thảo của Nga, buồn buồn. Hà là nhân viên mới hơn cả, lúc nộp đơn xin vào đây, cô ứng tuyển vị trí họa sĩ truyện tranh. Không ngờ lúc gửi anh Tuân giám đốc một tác phẩm cô tự sáng tác, anh đọc rồi quyết định cho cô vào vị trí biên tập tác phẩm mới. Công việc của cô là kiểm duyệt nội dung, hình vẽ truyện các tác giả trẻ gửi về. Trong giới hạn cho phép của tác giả, cô biên tập lời hoặc sửa chữa một số hình ảnh trong bản thảo trước khi in cho tạp chí. Tuân giải thích với Hà rằng cho cô làm vị trí đó vì anh tin tưởng khả năng thẩm mỹ lẫn văn chương của cô. Một tuần trước, anh chuyển cô về phòng thiết kế, vì công ty đã xin được tài trợ cho dự án viết truyện tranh lịch sử này. Vấn đề là cô phụ trách mảng phát triển nội dung cốt truyện, còn Nga Yuna thiết kế tạo hình.
- Lâm, bối cảnh?
- Em chụp kha khá theo yêu cầu chị Hà gửi rồi anh ạ. Còn thiếu vài cảnh liên quan đến tôn giáo, bản đồ...
- Có thể tìm ở những đâu nào?
- Bản đồ thì có rất nhiều trong các tài liệu nghiên cứu sử- Nguyệt Hà trả lời - nhưng về các lễ nghi, phong tục tôn giáo thì ít hình ảnh minh họa quá...
- Thôi được, Lâm Lorry đi chụp một số lễ hội đình chùa nữa đi. Những cái gì không có mình phải tận dụng trí tưởng tượng thôi Hà ạ.
- Vâng - Cô thờ ơ trả lời, lòng thầm nghĩ không biết phải tưởng tượng thế nào cho đúng.
- À, còn kịch bản thì sao?
     Cô nhìn anh trả lời:
- Ừm, em dựng hòm hòm rồi. Đêm qua em đã gửi mail cho anh.
- Được rồi, anh chốt nhiệm vụ tại đây nhé: Hà phụ trách kịch bản, Trung Peter Pan và Nga Yuna vẽ chính, Lâm Lorry hậu cảnh... Nga cùng Trung phác thảo bằng đồ họa, chiều gửi anh. Lâm đến Trúc Lâm Yên Tử luôn hôm nay đi, qua phòng kế toán lấy kinh phí, nhớ mua vài sách đĩa lễ hội. Nguyệt Hà ở lại.
    Đợi mọi người ra hết, Tuân mở file word, phóng to trên màn hình máy chiếu, làm cô ngượng chín mặt vì dòng chữ được bôi đậm đầu trang.
- Tên truyện là VÌ SAO THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA ĐI TU hả Hà?
- Không ạ, em quên không xóa.
     Anh lăn con trỏ cho văn bản trôi xuống dưới:
- Còn đây nữa "Rahula là sự ràng buộc", Rahula là sao?
- Rahula là con của Thái tử Tất Đạt Đa ạ - cô ngượng ngịu gãi đầu.
- Trong trang năm của em đang nói về công chúa An Tư lại có title "cái bát trôi ngược" và "tiền kiếp của Đức Phật và hoàng hậu Yoshi..." gì đó thì phải? Những điều này có liên quan gì đến tác phẩm của chúng ta không?
     Anh ngồi xuống đối diện cô, khẽ gõ ngón tay lên tay vịn ghế hồi lâu.
- Em còn nhiều khúc mắc lắm phải không?
     Cô cúi mặt không trả lời. Anh rút ví ra hai tấm danh thiếp cũ kĩ, đưa về phía cô:
- Đây là số điện thoại của hai nhà sử học Lê Văn Lan và Dương Trung Quốc, nếu có thể, em hãy liên lạc với họ, sẽ rất bổ ích cho tác phẩm của chúng ta.
     Hà vâng dạ rồi đón lấy hai danh thiếp.
- BEST là một nhóm hoạt động rất ăn ý  nhưng về ý tưởng họ khá yếu. Trong khi đó em có trí tưởng tưởng phong phú, đáng tiếc là nét vẽ của em lệch tông với mọi người. Anh rất mong trong dự án này em sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò viết kịch bản, chúng ta hãy cùng vì lợi ích chung của công ty nhé.
- Vâng, em hiểu mà - cô không có ý kiến gì thêm.
- Hôm nay là thứ sáu, anh cho em ba ngày. Thứ hai nộp lại kịch bản cho anh, đừng phân tán tư tưởng nữa.
 
                                                         *     *      *      *
 
     Hà ngồi trong thư viện chùa Quán Sứ, đọc vu vơ một bài trên báo Giác Ngộ. Phòng thư viện Phật học không lớn lắm, người quản thư là một phụ nữ trung tuổi, có dáng vẻ hiền hậu nhu mì. Bác hỏi nhu cầu của Hà, gợi ý cho cô đọc báo - một ấn phẩm của Giáo hội Phật giáo. Không khí phòng rực mùi trầm hương tỏa từ những cây nhang vòng quấn quện vào từng ngóc ngách. Cạnh bác quản thư là một đài casset nhỏ, đang phát một bài hát gì đó giai điệu đều đều, thỉnh thoảng chen lẫn tiếng keng nho nhỏ như âm thanh của một chùm chuông gió. Cô vẫn chưa thể để tâm đến nội dung tờ báo, vô thức nhìn xung quanh. Phòng còn có hai người gồm cô gái trẻ mặc áo dáng như áo dài xưa rộng thùng thình màu xanh lam nhạt, và một cụ ông rất già, miệng lẩm nhẩm đọc, bàn tay run run mỗi khi lật trang sách. Mắt cô đưa tới góc tường bên giá sách: một bức thư pháp quốc ngữ, người thủ bút chính là tác giả bài thơ. Cô nghiêng đầu ngắm, đọc, rồi cuống quýt chép lại:
Mộng!
Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mông.
 
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng.
= Thiền Sư Thích Thanh Từ =
 

       Bỗng ngoài cửa có tiếng chào và một thanh niên trẻ bước vào. Bác quản thư vui vẻ đứng lên chạy ra đón, có vẻ rất thân quen. Cô chống cẳm nhìn ra phía họ dò xét. Người thanh niên tầm tuổi cô dáng cao, rắn rỏi khỏe mạnh, mắt đeo kính cận đúng kiểu thư sinh, anh đeo một cái túi chéo kiểu túi đựng ipad. Đứng phía nắng chiếu vào nên mỗi khi khẽ nghiêng đầu, cặp mắt kính của anh lại lia những chùm sáng trắng loang loáng trông thật vui mắt.
- Lâu quá không gặp, gia đình cháu dạo này thế nào?
- Mô Phật, cháu cảm ơn cô, bố mẹ cháu vẫn khỏe.
- Cháu đưa ông bà lên đây ở chưa?
- Dạ chưa ạ, bố mẹ cháu vẫn thích sống ở Hải Phòng hơn.
- Còn cháu công việc thế nào, bao giờ lấy vợ?
- Ôi cháu còn lâu lắm - anh ta có vẻ ngượng ngịu, chắc chưa có người yêu - Cháu có ít sách đóng góp cho thư viện, bác cầm giúp cháu ạ.
     Anh ra bê vào một chồng sách, để lên bàn bác quản thư.
- Quý hóa quá, đúng là hoan hỉ, bác xin phép các thầy cảm ơn cháu. Sau này cháu lấy vợ cũng nên chọn người cùng đạo cháu ạ. Chỉ có người chí hướng như mình mới hiểu được những việc mình làm. Phải như thế mới mong gia đình trong ấm ngoài êm, làm tròn Phật sự được.
     Cô ngán ngẩm vì cái đề tài muôn thuở mà bậc tiền bối luôn dành để bàn luận với thanh niên: dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái. Kể cả ở trong môi trường tưởng miễn nhiễm màu sắc dục này.
     Bác nữ quản thư và anh thanh niên nâng niu từng quyển sách, lấy một khăn mỏng lau mặt bìa rồi   xếp sang góc bàn kia, họ bàn luận về một bài kinh Phật thuyết pháp, hình như tên là Kinh Hoa Nghiêm thì phải "mỗi ngày có thể tụng ba lần Kinh Hoa Nghiêm, thì phúc đức vô lượng kiếp", "trước đây có một phật tử đang bị ung thư, sau khi tụng đủ một vạn lần Kinh Hoa Nghiêm thì hết bệnh"... Cô cúi mặt vờ đọc sách, chăm chú lắng nghe, cho đến khi họ dẫn nhau ra ngoài bái sư trụ trì. Lúc đó cô mới để ý ở dãy tường đối diện cô là một loạt các tủ sách lớn, có cửa kính che chắn và khóa trái, bên trong là những hàng sách dày cộp, Hà đoán là các bản Kinh văn cổ đại. Căn phòng yên tĩnh trở lại, cô bắt đầu để tâm hơn đến những cuốn tạp chí trước mặt, cô tìm trong các trang sách thông tin liên quan đến Phật giáo đời Trần. Hóa ra trong này có khá nhiều, họ còn chụp cả tranh ảnh chùa chiền, và các khóa lễ liên quan, cô thích thú ghi vào quyển sổ con con của mình, thỉnh thoảng lấy máy ảnh ra chụp cho nhanh.
   Hơn mười một giờ trưa, căn phòng không còn mát mẻ mà đã nóng dần lên, chiếc quạt trần cũ kĩ chạy chậm chạp, lưng áo cô lấm tấm mồ hôi. May là lúc đó bác quản thư bước vào, Hà xếp báo vào chỗ cũ, đứng lên cầm giấy bút đi về. Qua bàn bác, cô khẽ chào:
- Cháu về đây ạ.
- Cháu ơi, cháu đang tìm đề tài viết báo phải không?
    Sáng nay Hà có giải thích là viết truyện, chắc là bác ấy quên, cô sửa:
- Dạ, chính xác là cháu viết truyện tranh lịch sử đời Trần ạ.
- Ừ, thế thì không liên quan lắm nhỉ. Cô tưởng cháu muốn phỏng vấn các Phật tử trẻ thì ở trong chùa có một nhóm thanh niên Phật tử đang hoạt động rất sôi nổi. Họ tổ chức các buổi tu tập vào tối thứ sáu hàng tuần bên nhà Từ đường cháu ạ.
     Bác nói luôn một hơi, không kịp để cô phản ứng. Cô suy nghĩ rất nhanh rồi trả lời:
- Ôi hay thế ạ! Cháu cũng đang quan tâm đến việc tu tập ạ, làm thế nào để có thể tham gia thưa bác?
-Cứ là người mộ đạo là được hết - bác bật cười - người trẻ có nhóm của người trẻ vào tối thứ sáu. Người lớn tuổi các cô có nhóm vào tối thứ ba. Tối nay cháu tham gia nhé, có thầy trụ trì giảng pháp hay lắm.
- Vâng ạ - cô gật đầu xác nhận.
     Bác cầm một cái danh thiếp trong hộp trên bàn đưa cho cô:
- Quán ăn chay này mới mở, ngày rằm mùng một Phật dạy nên ăn chay để giải nghiệp cháu ạ.
     Hà cầm tấm danh thiếp: một quán cơm chay với cái tên Tịnh Tâm, địa chỉ tại số hai trăm ngõ Văn Miếu, nhận đặt cỗ cưới, tiệc sinh nhật chay. Cô chào bác rồi háo hức bước ra sân chùa đầy nắng.
 
     Chùa Quán Sứ nằm trên mảnh đất khá vuông vức, dù không được rộng lắm. Gian chính điện của chùa được xây riêng biệt và cao hơn hẳn quần thể kiến trúc còn lại, khiến gian nhà thành điểm trung tâm của mắt nhìn dù đứng ở bất cứ góc nào. Xung quanh chùa không có nhiều cây, chỉ lác đác vài cây hoa đại. Hồi xưa, bà ngoại của Hà bảo cây hoa đại thường có các linh hồn trú ẩn. Vậy nên trên nền chùa rải rác những cánh hoa vương, Nguyệt Hà cẩn thận tránh dẫm vào các xác hoa ủ rũ.
     Từ góc phòng thư viện Phật học, chính là ở phía bên trái tay người nếu đứng ở cửa chùa nhìn vào, cô đi theo con đường lát xi măng sâu vào bên trong. Nằm cùng dãy nhà với thư viện là một quầy sách nhỏ, ở đó lác đác vài vị mặc áo lam như kiểu cô gái trẻ Hà nhìn thấy trong thư viện. Cạnh đó là gian trưng bày đồ lưu niệm: những vòng tay vòng cổ, chuông khánh, mõ, và nhiều đồ nhỏ xinh khác... chúng nằm dưới cầu thang lên gác hai của dãy nhà. Góc sân này cũng có một cầu thang rộng trải xuống, dẫn lên lưng tòa chính điện. Trông nhóm người ở đây đều như còn ở tuổi đi học, họ đang bàn chuyện rất rôm rả với một chú mặc áo nâu sòng, nhưng không trọc đầu, Hà đoán là chủ cửa hàng. Cũng đã trưa nên Hà không muốn vào bắt chuyện, cô đi tiếp. Trên gác hai của dãy nhà này có vài căn phòng yên tĩnh, thảng hoặc vài người trung tuổi ra vào, ở cửa có tấm biển: Ban trị sự Báo Giác Ngộ. Dãy nhà xây bao quanh chính điện tạo thành hình chữ U, ở dãy thứ hai vuông góc với dãy đầu có một phòng học to rộng, bên trong có một bức bích họa lớn hình Phật Thích Ca ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề. Cô đoán đây là nhà Từ đường, dành cho việc giảng pháp. Góc này không có cầu thang đi lên tầng hai, họ đã xây một đường nối thẳng từ gian điện chính lên tầng hai dãy nhà này, ngay trên đầu Hà. Góc còn lại có Phòng tiếp khách, phòng trụ trì, nơi nhận lễ vật cúng tiến, và phòng bảo vệ. Theo đường mòn, cô quay lại mặt tiền của tòa chính điện, đứng trước lư hương lớn, Hà chắp tay vái ba vái rồi bước ra khỏi chùa. Cô ra ngoài ngoái nhìn cổng chùa một lần nữa, đây là kiểu cổng tam quan xây bằng xi măng, cổng giữa tên Từ Bi Hỉ Xả, hai cổng bên nhỏ thấp hơn mang tên Tùy Duyên và Phương Tiện. Hà rút máy ra chụp cho khỏi quên, rồi đợi sang đường để lấy xe.
   Hà đứng sát mép đường, chờ các xe qua lại. Bỗng có tiếng còi ô tô  làm cô giật mình. Chiếc xe địa hình Land Cruiser đang từ vỉa hè chuyển bánh xuống lòng đường. Trong xe là chàng thanh niên trẻ vừa tặng sách khi nãy. Anh ta chăm chú nhìn về phía cô, nơi góc gương chiếu hậu trái. Tự dưng nghịch ngợm nổi lên, cô nhìn thẳng về phía chủ nhân chiếc xe, nghiêng đầu vẫy tay cười. Chiếc xe phanh kít, chàng trai ngơ ngác nhìn Hà. Hà bật cười quay lưng đi sang đường, xe máy của cô gửi ở tòa nhà đối diện.
   Theo địa chỉ ghi trên card, cô hỏi đường đến quán Tịnh Tâm. Hóa ra quán không nằm mặt đường mà trong ngõ. Đi xe cách xa khoảng hai chục mét có thể nhìn thấy biển tên quán đặt nhoài ra lề đường. Ngõ này rất rộng nhưng có vẻ không phải nơi giao thương sầm uất, có lẽ đời sống dân cư tương đối cao nên họ không tận dụng mặt tiền để kinh doanh buôn bán. Các ngôi nhà trong ngõ đều sơn lát sạch sẽ, sáng sủa, kiểu kiến trúc nhã nhặn, nhà nào cũng trang trí vài bồn cây cảnh ở ban công, trông thật mát mắt giữa nắng hè. Cô đỗ xe trước cửa quán, nơi có khá nhiều xe máy và ô tô. Đây là một căn nhà bốn tầng, mặt tiền nhỏ phủ bằng cửa kính, bên trong sâu hút. Cô gật đầu với một nhân viên mặc đồng phục quán đang tiến tới, nhờ cất xe hộ rồi bước vào. Trong nhà không mát lắm, vì không lắp điều hòa, bốn bàn ở đây không có ai ngồi. Hà kéo ghế ngồi ở bàn gần cửa ra vào cho dễ quan sát chung quanh.
- Em thích ăn cơm suất hay gọi món? - Một cô gái trẻ tiến lại chỗ cô, hỏi.
- Cho em cơm suất. Ít cơm thôi ạ! - Hà trả lời, nhìn lên các bức tường.
     Các tranh ảnh trang trí quán ăn này tổng hợp khá nhiều tông phái. Có một tấm tranh bìa mầu lớn vẽ vòng luân hồi, có chú thích bằng chữ và hình ảnh các cảnh giới (1). Một bức sơn mài đen nhỏ nhắn, khiêm tốn hơn, ghi "lời qua tiếng lại, đưa ta đến đâu... Thầy Thích Nhất Hạnh" (2). Ở phần chiếu nghỉ cầu thang lên tầng hai có treo một tấm ảnh chân dung cỡ lớn của người phụ nữ béo tốt, trắng trẻo không rõ tuổi, kiểu cách ăn mặc hơi giống bộ trang phục của các bà đồng cốt, mầu sắc đỏ chủ đạo làm Hà ngờ ngợ. Lúc đó cô bắt đầu bị thu hút bởi âm thanh trong chương trình truyền hình vọng đến. Cô chăm chú ngước nhìn ti vi, được đặt trên cao phía quầy thu ngân. Chương trình đang đăng đoạn phim về một chú chó tốt bụng cứu người, sau đó khuyên con người không nên ăn thịt các loài đông vật. Xung quanh đoạn phim chạy rất nhiều các chữ nước ngoài: một dòng chữ Hán, một dòng chữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái, Việt Nam, và cả tiếng Ả Rập... nhằm dịch nghĩa cho đoạn hội thoại đang phát. Cô nhìn lên góc trên bên phải màn hình và giật mình bởi dòng chữ uốn cung dưới lô gô nhỏ: "SUPREME MASTER" (3).
     Cô gái trẻ cỡ sinh viên đại học đem khay đồ ăn ra, gồm có một đĩa tròn đựng cơm và thức ăn, một bát canh nhỏ, một đĩa nước chấm xì dầu, một cốc nước chè xanh. Hà rút đũa và thìa ra lau, nhìn ngắm suất cơm của mình. Cô đã gọi suất ít cơm mà chỗ cơm này cũng phải hai bát. Họ cho cơm vào bát loa tròn, lèn lại, rồi úp vào giữa đĩa để có một bát cơm tròn tròn hình đầu nấm. Xung quanh có chia làm nhiều góc thức ăn nhiều mầu sắc. Một góc là súp lơ xanh xào với một loại gì đó nâu, mỏng, dẹt như thịt bò. Một góc khoai tây xào vàng óng. Một góc có vài miếng hình chữ nhật dày dặn mầu nâu đỏ như thịt lợn, kèm nước sốt cà chua. Góc cuối cùng là một ít dưa góp gồm giá đỗ, bắp cải, rau thơm. Hà nhấp thử một ít canh rau muống nấu gừng, không thấy gì đặc biệt. Cô xúc thử một thìa cơm. Cơm dẻo, ngọt, thơm. Hà lại xúc một ít nước xì dầu ở khay nhỏ bên cạnh, tưới vào cơm rồi ăn thử. Nước xì dầu chay này đăng đắng và mằn mặn, không như vị xì dầu bình thường, cô chán nản thử sang món khác. Món thịt bò xào súp lơ  khiến cô ngạc nhiên, thịt này làm từ loại bột gì đó (4) dai dai, mặt cũng có thớ như thớ thịt nhưng không có vị tanh mà đượm mùi thơm của húng lìu, tỏi. Lại còn món thịt kho nữa. Miếng thịt kho hình chữ nhật vừa mềm béo như kiểu thịt đông thường ăn, lại hơi ướm mùi bơ ngậy làm cô thích thú. Hà nhẩn nha ăn thức ăn với cơm, nhìn vào gian bếp.
     Gian bếp sạch sẽ, có hẳn một tủ kính to rộng đựng các đồ đã chế biến, ốp sát trên tường cao là một dãy dài các ngăn tủ đựng bát đũa. Các cô nhân viên ở đây đều độ tuổi sinh viên, có giọng vùng khác. Ngăn cách phòng bếp với phòng ngoài là một cái tủ ly cao ngang ngực, để một số túi đồ ăn chay, Hà để ý thấy có cả đặc sản bánh Pía Sầu Riêng. Trên nóc tủ để một số tấm ảnh, có cả một đĩa sơn mài khắc chữ Tâm, nhưng mọi người để ngược. Cô không nhịn được cười quay về phía cầu thang, mặt lại đối mặt với anh chàng ban sáng. Anh ta đang đi xuống, mắt kính loang loáng cười lại. Hà  cúi mặt với lấy cốc nước chè xanh uống, chỉnh đốn thái độ. Hình như anh ta tới đây ngồi ăn trên gác. Xem ra đây  là nhân vật nổi tiếng, các cô sinh viên líu ríu trêu chọc, anh vẫn không tỏ vẻ à ơi gì. Nhưng anh nấn ná lại chứ chưa muốn đi ngay, người này tên là Trọng. Cô ngồi vểnh tai nghe ngóng, nhẩn nha ăn mấy hạt cơm... Có vẻ Trọng vẫn chưa buôn hết chuyện, mà Hà thì không muốn đứng lên trả tiền để đối mặt anh. Cô liền lôi điện thoại ra, nhí nhoáy chơi điện tử. Một lúc lâu sau, Trọng đành chào mọi người ra về, lúc đó cô mới đủng đỉnh cất điện thoại, xin phép vào bên trong rửa tay rửa mặt. Tiện lúc ra, cô sửa lại chữ Tâm cho đúng rồi xem giá túi bánh Pía. Gần năm mười nghìn một gói, Hà tò mò mua hai gói ăn thử. 
- Bọn em biếu chị!
- Dạ? - Bây giờ lại lên "chị", cô ngớ người.
- Đây là quà của quán bọn em. Mời chị lần sau lại đến ạ!
- Vậy suất cơm thì bao nhiêu? - Cô run run hỏi.
- Miễn phí cho người lần đầu đến ăn ạ - hai cô phục vụ nhìn nhau rồi nói.
- Thế à? - Cô không giấu nổi giọng ngạc nhiên.
- Đây là chương trình thường xuyên của quán hả em?
- Vài tháng có một lần thôi ạ - một cô cười cười trả lời - Chị là người duy nhất may mắn.
     "Liệu có phải vì nhờ nhiều nhà hảo tâm tài trợ nên những quán cơm chay kiểu này thường hoạt động không cần lãi?" Cô tò mò suy diễn, vui vẻ cầm hai món quà may mắn ra về.
     Nhưng Hà không đến công ty mà quay lại chùa Quán Sứ.
*     *      *
     Bây giờ chỉ khoảng một giờ chiều, thư viện Phật học chưa mở cửa, Hà đi về phía nhóm thanh niên mặc áo lam ngồi rải rác trong hành lang góc quầy lưu niệm. Cô lại gần, xin phép đọc một cuốn sách trên giá. Một chị nhỏ nhắn mặc áo nâu sòng trông cửa hàng khác anh ban sáng, chị nhìn cô rồi gật đầu đồng ý. Cô lướt qua mấy quyển sách luận tử vi tướng số, rồi xem chỉ tay, luận giải giấc mơ… chẳng biết nên đọc cái gì, đành rút lấy một tờ Giác Ngộ. Trưa nắng oi ả thế này mọi người chắc mệt, ngồi nhắm mắt. Cô ngạc nhiên quan sát họ, không hiểu vì sao những người này  không về nhà mà nghỉ ngơi.
-          Mô Phật, Mô Phật… Xin chào thầy ạ! – Có hai chị đon đả bước tới, mặc quần áo hoa đời thường, đi qua ai cũng chắp tay chào luôn miệng.
      Cô nhìn quanh không thấy vị sư nào, chắc đây là cách xưng hô của những người đồng môn với nhau. Trong hai người thì người hay đon đả chào trước khoảng bằng tuổi Hà, người còn lại trông trẻ và xinh hơn. Người bằng tuổi Hà đi qua Hà lại cúi đầu chào, cô mỉm cười chào lại. Chị rất vui vẻ hỏi Hà:
-          Em ở đâu đến đây? Mới tham gia phải không?
-          Vâng, em nhà gần đây chị ạ. Em chưa tham gia bao giờ. Chị nhà ở đâu ạ?
-          Quê chị ở Sóc Sơn, chị học Mầm non trên này. Chị tham gia được có mấy tháng thôi. Em bao nhiêu tuổi?
-          Em hai tư chị ạ! – Hà cười.
-          Trời, hai tư á! Sao mà trẻ thế? Mọi người nhìn này, em này hai tư rồi đấy. Em kém chị một tuổi, chị là Trà, còn em?
-          Em là Hà ạ, Nguyệt Hà.
     Chị Trà có nước da trắng, khuôn mặt mỏng manh, đôi mắt sắc và đôi môi dày khêu gợi. Người chị gọn gàng săn chắc. Hồi xưa thầy dạy mỹ thuật có bảo đây là vẻ đẹp kiểu liêu trai, ma mị. Chị liến thoắng nói cười, có vẻ cũng quảng giao. Mọi người đều  thân thiện, sôi nổi hòa nhập với chị. Duy chỉ có chị Phượng là người mặc áo nâu sòng thỉnh thoảng ứ hự khi tham gia câu chuyện, không hiểu thái độ gì. Còn cô bé Hường trông xinh như búp bê đi cùng chị Trà nói chuyện luôn  mềm mỏng và lễ phép.
-          Câu lạc bộ mình thành lập được sáu năm rồi, là câu lạc bộ Thanh niên Phật tử đầu tiên ở Hà Nội – chị Phượng ôn tồn giải thích – Hiện nay mô hình này có ở khắp các chùa, nhưng nói về những lá cờ đầu vẫn là chùa Sùng Phúc, chùa mình, chùa Đình Quán, và chùa Cót.
-          Chị ơi – Hà ngập ngừng hỏi – các câu lạc bộ bên mình hoạt động theo tiêu chí nào? Có phải là tuyển lựa những phật tử có căn tu để đào tạo không?
Mọi người lăn ra cười khi cô hỏi, làm cô tái mặt. Chị Trà vỗ vai Hà giải thích:
-          Đâu dễ đi tu thế em ơi. Phải có duyên từ vô lượng kiếp mới mong xuống tóc. Các anh em tu tập ở đây chỉ mong  tu sửa , chuyển hóa, nghe kinh để giải nghiệp chướng thôi em ạ.
Cách hành văn của họ nghe thật lạ tai đối với cô. Cô im lặng lắng nghe mọi người:
-          Nhóm câu lạc bộ chúng ta nằm dưới sự dẫn dắt của ban giáo hội Phật Giáo Trung ương, nên không phải là một nhóm thanh niên chỉ chuyên tu tập tụng kinh để sửa đổi bản thân đâu – chị Phượng hắng giọng – Chúng ta cũng mang nhiệm vụ tiên phong, hoằng pháp… để mở mang suy nghĩ cho những đối tượng thân tâm chưa có nơi nương tựa. Mà như em nói cũng là một ý đấy, nơi đây cũng là một môi trường thử thách cho những phật tử có ý chí phát nguyện đi tu. Trong lời nguyện của chúng mình cũng có câu “đệ tử và chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo” mà.
-          Vậy các anh chị đều ăn chay trường hết ạ? – Cô dò xét.
-          Ôi, nếu ăn chay trường được thì tốt quá! – chị Phượng bật cười.
-          Là sao ạ? – Hà không hiểu.
-          Không phải ai cũng ăn chay trường được. Mọi người chỉ cố gắng ăn chay ngày rằm và mùng một.Vì trong cuộc sống đời thường còn có nhiều cám dỗ, ta chưa thoát hẳn với cuộc sống phàm tục nên khó phát nguyện ăn chay .- Chị Trà đỡ lời cho chị Phượng.
-          Vậy tức là mọi người vẫn ăn thịt phải không? – Hà thờ phào.
-          Có một vài bạn ở đây ăn chay trường đấy – chị Phượng khoe – tối nay em sẽ được gặp trực tiếp.
Cô hỏi kỹ về câu lạc bộ. Mọi người đùn đẩy cho chị Phượng trả lời. Chị suy nghĩ một lúc rồi nói:
-          Người đỡ đầu câu lạc bộ mình là cô Giang, cô làm trong tòa soạn báo Giác Ngộ. Cô giỏi lắm, chồng cô làm bên tuyên giáo Trung ương…
-          Trời, cô có chồng à…- Hà thất vọng.
-          Ô, cô có con, con gái cô cũng lấy chồng sinh con rồi ấy chứ.
-          Thế ạ! – Hà tiu ngỉu.
Cô nhớ ra hai túi bánh, mở ra mời mọi người, họ đều khen cô may mắn quá. Hai túi có tám chiếc bánh mà ở đây có mười mấy người, nên hai người chia nhau một cái.
-          Hình như quán này là quán của anh Trọng đấy.
Có ai đó nói làm Hà giật mình. Cô im lặng cắn bánh.
-          Đúng rồi, Trọng kín tiếng lắm. Hôm trước em đến đó xem được hóa đơn mua bộ bàn ghế, tủ ly… ghi tên anh Trọng mới biết đấy.
Hà định ăn thêm miếng bánh mà lại thôi. Chị Trà hỏi, cô càu nhàu:
-          Bánh ngọt quá chị ạ!
Đáng lý ra sáng nay Hà về nhà viết lại kịch bản, nhưng việc anh Tuân cho Lorry đi Yên Tử làm cô nảy sinh mong muốn được tiếp xúc trực tiếp với môi trường tôn giáo nào đó. Không thể lý giải vì sao cô lại chọn lựa đến chùa Quán Sứ, đoán được căn phòng kia là thư viện Phật học mà vào. Và bây giờ cô lại ngồi đây, xung quanh là những con người kì lạ. Họ cứ như những ngọn nến nhỏ  leo lét, bé bỏng khi so sánh với dòng đời hào nhoáng ngoài kia. Điều gì đã họ dồn vào một chỗ, nương tựa chở che nhau, nuôi dưỡng một niềm tin về sự rửa sạch thân tâm. Họ còn nói về một thứ duyên nghiệp gì đó trói buộc và dẫn dắt con người, và họ cầu sự hư không, chấm dứt tái sinh.
Hà quay đầu nhìn ra phía cổng chùa, hơn sáu giờ rồi nhưng trời còn sáng lắm. Có một dáng thanh niên trẻ đi vào. Cô biết đó là ai. Như tất cả những gì cô vừa được mở mang từ những con người xa lạ, cô tin cô đoán đúng. Và với lần gặp gỡ thứ ba đã được chính thức hóa này, Hà hoàn toàn tự tin nhìn anh mỉm cười.
Trọng tiến đến gần mọi người, cách họ cúi đầu chào nhau và chắp tay nói “A Di Đà Phật…” với âm “Phật” kéo dài làm cô thấy thật kì lạ. Cô gật đầu chào anh, rồi quay sang nói chuyện với chị Trà. Không ngờ Trọng với chị Trà thân nhau từ trước.
-          A Di Đà Phật, giới thiệu với chú Trọng, đây là em Hà, em đang tìm tư liệu viết… tiểu thuyết.
-          Chào anh ạ.
-          Giới thiệu với em Hà, đây là chú Trọng, một Phật tử thuần thành. Học giỏi nhé, bây giờ ra trường mở công ty riêng. Một đại diện tiêu biểu cho hình ảnh Phật tử nhập thế, tốt đời đẹp đạo. Ảnh của chú với ảnh các thầy được treo trang trọng trên kia kìa.
Cách nói tối nghĩa của Trà khiến cả nhóm cùng phì cười. Hà gật đầu khen ngợi:
-          Anh Trọng giỏi thế. Công ty của anh ở đâu ạ?
-          Công ty anh làm dự án phần mềm với trường Quốc tế Việt – Sing trong khu Bách Khoa. Còn Hà làm ở đâu?
-          Em làm trên phố Bà Triệu, công ty V-NEWS ạ.
-          Đó là công ty gì nhỉ?
-          Công ty em chuyên phát hành các ấn phẩm truyện tranh Việt.
-          Vậy chắc Hà vẽ đẹp lắm?
-          Hàii… - Cô cười – em làm trong phòng biên tập, không phải phòng thiết kế.
Rồi cô chép miệng:
-          Nhưng mà em cũng biết vẽ.
Anh bật cười nhìn Hà và nói;
-          Chúng ta có duyên với nhau đấy Hà ạ.
Cô nhướng mắt ngạc nhiên.

          Đã đến bảy rưỡi tối, mọi người nghiêm cẩn trong bộ áo pháp màu lam. Cô chầm chậm đi theo mọi người, sao chép các hành động. Mọi người đi vào nhà Từ đường, bây giờ cô mới nhìn chính diện bức tranh Đức Phật thành đạo  và choáng ngợp về độ lớn. Mọi người ngồi xuống chờ một lúc đến khi được loan tin thầy trụ trì sắp vào. Tất cả  đứng lên, chắp tay nghiêm cẩn hướng về phía hành lang. Các Thanh niên Phật tử trang nghiêm đứng đợi Thầy đi qua để cúi đầu đảnh lễ. Và khi Thầy đã an tọa, họ quay lại nhìn về phía bục giảng, nơi có Bức họa bích, bắt đầu tụng kinh Tám điều. Lời tụng của họ trầm ấm, rền vang làm tay Hà run rẩy. Vì cô không thuộc, nên cô không đọc theo mọi người được. Thay vào đó cô lắng nghe kinh và ngắm bức tranh lớn trên tường. Hà giống đang đứng dưới đáy vực sâu, nhìn lên trên trời cao gầm rung  những tràng sấm âm thanh hùng bạo. Rồi những sấm âm ấy đổ xuống hai vai cô, dồn cục như đá tảng, khiến cô ngã quỵ, khuất phục hoàn toàn. Như cách duy nhất để  tiếp nhận sự giác ngộ là hạ gục bản ngã vô minh, mù quáng.
          Sau khi tụng hết bài kinh rồi hồi hướng, Hà và mọi người ngồi xuống.
-          Hôm nay, thầy sẽ kể lại cho các con nghe câu chuyện Vì sao Thái tử Tất Đạt Đa đi tu. – Vị sư thầy trung tuổi cất giọng âm vang.
          Bài giảng sử dụng các điển tích liên quan đến Đức Phật, với giọng văn nhỏ nhẹ truyền cảm, Thầy kể một cách say sưa. Những điều này Nguyệt Hà cũng đã đọc trong sách rồi, nên đối với cô  không có gì mới lạ. Nhưng khi được nghe trực tiếp lần này, cô bỗng nghĩ có rất nhiều thứ giản đơn và hiện hữu, nhưng lại bị những lớp màng bảo thủ, cố hữu, bướng bỉnh, cố chấp bao phủ; khiến ta không dễ tìm ra. Liệu có phải rằng nếu có một ai đó tiếp nhận và ghi nhớ những đạo lý này dễ dàng hơn cô – như những người ở đây, chính là vì lòng họ ít hoài nghi hơn, ít mâu thuẫn hơn, và sẽ ít khổ đau hơn…
          … Trong muôn ngàn lượng kiếp trước trước kiếp Đức Phật thị hiện, đản sinh và thành đạo; Người đã trải qua muôn vàn hình thể và các dạng chúng sinh: từ đất đá, cây cỏ, đến những muông thú hay con người… Sau khi trải qua chướng ngại, thử thách hay bị dày vò bởi những điều độc ác từ thế gian, thân tâm Người vẫn trong sáng, Đức Phật vẫn luôn phát nguyện đời đời làm việc có ích cho muôn loài. Cho đến một trong hai kiếp sau cùng trước kiếp Đức Phật đản sinh, người đã gặp tiền thân của công chúa Yasodhara, được tiền thân của công chúa đem lòng yêu mến. Chỉ vì muốn cúng dường Đức Phật quá khứ những đóa hoa tươi thắm nhất, Người chấp nhận sự ràng buộc vợ chồng từ kiếp này đến muôn kiếp về sau, với một lời hứa mãi mãi rằng: khi chàng trai xuất gia, cô gái sẽ không ngăn trở… Mối duyên lành ấy sẽ chỉ tiêu tan khi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – vô diệt vô sinh.
 
P/S: (1) Theo kinh Phật có 25 cõi luân hồ i. Chúng sinh sẽ bị đọa từ cõi này sang cõi khác dựa vào căn tu và nghiệp lực. Chỉ có cõi thứ 26 – cõi Niết Bàn mà Phật Thích Ca chứng đắc là thoát khỏi vòng luân hồi.
(2) Thầy Thích Nhất Hạnh và tu viện Làng Mai bên Pháp là người khởi xướng phái tu Tiếp Hiện, trong phái này các môn đồ có sáu lời phát nguyện. Đây được gọi là một pháp tu Nhập thế.
(3) Supreme Master: là pháp hiệu của bà Thanh Hải Vô Thương Sư . Bà và pháp tu của bà không được coi là chính thống ở Việt Nam.
(4) Vì Hà chưa ăn chay bao giờ nên không biết. Hầu hết các món thịt chay được làm từ bã đâu phụ ép; kì công và bổ dưỡng hơn thì làm từ phù trúc (tàu hủ ky) bằng cách đun nóng sữa đậu nành rồi hớt váng đậu để nguội. Cho vào khuôn ép thành các hình dạng nhất định rồi ướp hương vị.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9