Bệnh Tim Mạch
Asin 13.10.2003 06:56:20 (permalink)
Phần 1
HƯỚNG DẪN DÀNH CHO NGƯỜI CAO HUYẾT ÁP

Cao huyết áp còn gọi là tăng huyết áp và khái niệm thường dùng trong dân chúng là bệnh tăng xông (tension)

Cao huyết áp là bệnh lý thuờng gặp trong cộng đồng và gia tăng theo tuổi. Chiếm 8-12% dân số.Một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ cao huyết áp như tiều đường, thuốc lá, tăng lipid máu, di truyền.Cao huyết áp là bệnh lý gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nữa người, hôn mê với đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim ,thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống ( không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong.Do đó điều trị huyết áp cao là vấn đề cần lưu ý trong cộng đồng vì những hậu quả to lớn của nó.

Ngày nay với sự tiến bộ về kỷ thuật chẩn đoán (máy đo huyết áp phổ biến rộng rãi) và càng có nhiều loại thuốc điều trị ít tác hại, việc điều trị đã mang đến cho bệnh nhân sự cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đáng kể tử vong và các di chứng(liệt nữa người, suy tim) do cao huyết áp gây nên.

Người bệnh cao huyết áp cũng cần quan niệm rằng cần phải chấp nhận việc điều trị tốn kém lâu dài để đổi lấy một cuộc sống an toàn. Cao huyết áp thường không triệu chứng do đó nhiều người chỉ nhận ra bản thân họ bị cao huyết áp khi họ bị tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quî). Không thể căn cứ vào triệu chứng nhức đầu, chóng mặt để uống thuốc hạ áp bởi vì nhức đầu, chóng mặt không phải thường xuyên xuất hiện khi huyết áp tăng cao đột ngột và các triệu chứng này có thể gặp ở bệnh lý khác( ví dụ nhức đầu do căng thẳng,viêm xoang, và chóng mặt có thể do tụt huyết áp...).Tốt nhất nên thường xuyên kiểm tra huyết áp định kỳ với những người chưa cao huyết áp và khi nghi ngờ cao huyết áp cần đo huyết áp nhiều lần .Nếu huyết áp vẫn cao thì nên bắt đầu biện pháp điều chỉnh cách sống(tập thể dục, cai thuốc lá, điều chỉnh chế độ ăn) và xem xét điều trị thuốc.

Huyết áp không phải là con số hằng định

Trị số huyết áp thay đổi rất nhiều khi có yếu tố tác động như tâm lý(lo âu, sợ hãi, mừng vui...) vận động(đi lại , chạy nhảy) hoặc môi trường (nóng lạnh), chất kích thích(thuốc lá, càphê, rượu bia) và bệnh lý (nóng sốt, đau đớn).Trong những trường hợp trên, huyết áp thường tăng cao hơn bình thường.Ví dụ huyết áp của bạn lúc nghỉ thường 130/80mmHg khi bạn lên cầu thang lầu 3,nếu bạn đo huyết áp ngay thì trị số huyết áp của bạn có thể 150/80-180/90mmHg.Trong những trường hợp này không thể cho rằng bạn bị cao huyết áp.Do đó tốt nhất bạn phải nghỉ ngơi ổn định trước khi đo huyết áp nếu bạn muốn có trị số huyết áp trung thực và phải đo nhiều lần sau đó tính trung bình sau 3 lần đo.Bạn cũng đừng thắc mắc nhiều nếu huyết áp trước đó khác với trị số bây giờ.

Nhịp sinh học huyết áp của bạn thường dao động rõ rệt, huyết áp thường cao dần từ lúc bạn thức giấc và gia tăng tùy theo bạn vận động hoặc căng thẳng hay không. Vào chiều tối khi bạn nghỉ ngơi thư giãn huyết áp xuống nhẹ và sẽ xuống thấp nhất khi bạn ngủ say vào ban đêm cho đến gần sáng.Các nghiên cứu ghi nhận rằng ở người cao huyết áp mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức hoặc tăng vọt vào buổi sáng đều là yếu tố bất lợi vì dễ bị đột quî do cao huyết áp.

Khi nào gọi là cao huyết áp ?

Người ta thường dùng khái niệm huyết áp tâm thu (hoặc huyết áp tối đa) cho trị số huyết áp trên và huyết áp tâm trương (hoặc tối thiểu) cho trị số huyết áp dưới.Ví dụ khi bác sĩ của bạn ghi huyết áp của bạn : 180/95mmHg tức là huyết áp tâm thu (hoặc tối đa của bạn là 180mmHg và huyết áp tâm trương (hoặc tối thiểu) là 95mmHg.

Khi trị số huyết áp tâm thu > 140mmHg và huyết áp tâm trương >90 mmHg được xem là cao huyết áp.Đối với người già, dạng cao huyết áp phổ biến là cao huyết áp tâm thu đơn thuần tức là chỉ số huyết áp tâm thu >160mmHg nhưng huyết áp tâm trương không cao(<90mmHg).

Ở trẻ em trị số huyết áp có thấp hơn quy ước của người lớn.

Cách đo huyết áp:

Để có trị số huyết áp đúng, việc đo huyết áp là bước chẩn đoán quan trọng nhất vì tránh được việc điều trị quá mức hoặc không đầy đủ.Cần đo nhiều lần và nhiều vị trí khác nhau (2 tay, 2 chân) để so sánh đôi khi phát hiện bệnh lý mạch máu ví dụ như trong teo hẹp eo động mạch chủ huyết áp chi trên cao hơn chi dưới.


Đo huyết áp cần thực hiện trong phòng yên tỉnh, trạng thái tinh thần thoải mái.Tư thế đo huyết áp thông thường là tư thế nằm và ngồi để làm sao băng quấn cánh tay ngang mức với tim.Băng quấn cánh tay(cuff) phải phù hợp kích thứơc cánh tay. Trẻ em cần có băng quấn cánh tay kích thước nhỏ hơn.
Hướng dẫn đo huyết áp:

Nên sử dụng máy đo huyết áp nào?

Máy đo huyết áp thủy ngân được xem là tiêu chuẩn. Ngày nay người ta giảm dần việc sử dụng máy đo huyết áp thủy ngân vì độc tính với môi trường.Các loại máy dạng đồng hồ thường phổ biến sử dụng trong giới thầy thuốc,trong khi đó các máy đo huyết áp điện tử thường sử dụng rộng rãi trong dân chúng vì dễ đo.Theo Uỷ Ban phối hợp quốc gia về cao huyết áp Hoa Kỳ(JNC)ø và Tổ chức Y tế Thế Giới(WHO), đối với máy đo huyết áp điện tử, chỉ nên sử dụng loại băng quấn cánh tay,không nên sử dụng cổ tay và ngón tay vì không chính xác.

Bạn có thể chọn máy đo huyết áp đồng hồ hoặc có thể máy đo điện tử để tự đo huyết áp ở nhà. Máy đo huyết áp đồng hồ thường kèm theo ống nghe thường giá rẽ hơn máy đo huyết áp điện tử nhưng đòi hỏi bạn phải được nhân viên y tế huấn luyện cách đo . Đối với máy đo huyết áp điện tử ưu điểm là dễ sử dụng , nhưng nhược điểm là các máy tại thị trường Việt nam chỉ có số ít Hãng như Omron là được kiểm định theo tiêu chuẩn Anh Mỹ.Khi chọn máy đo huyết áp điện tử các bạn nên chọn các loại máy đo huyết áp đã được các tổ chức uy tín kiểm định chất lượng. Hiện nay 2 tổ chức có uy tín trong kiểm tra chất lượng máy đo huyết áp là Hiệp hội cao huyết áp Anh quốc (British Hypertension Society) và Hiệp hội Phát triển Dụng cụ y tế Hoa kỳ (Association for Advancement of Medical Instrumentation).

Sau đây là một số máy đo huyết áp điện tử được khuyên dùng:

Loại tự động :

AND UA-767,và Sunbeam 7652

Omron HEM-711, Omron HEX -712

Omron HEM-705CP, Omron HEM-735C, Omron HEM-713C, Omron HEM -737 Intellisense,

Loại bán tự động(bơm tay) giá thành rẻ hơn:

AND UA -702, Omron HEM- 412C, Lumiscope 1065, Sunmark 144.

Một số máy có thể chấp nhận sử dụng:

Omron HEM 703CP, Omron M4, Omron MX2, Omron HEM-722C

Một số máy không chấp nhận sử dụng:

Philips HP5332, Nissei DS-175

Omron HEM 706, Omron HEM 403C

Bên cạnh đó một số máy ra đời sau này được cải tiến về chất lượng tốt hơn đã được bày bán trên thị trường nhưng chưa được kiểm định bởi 2 tổ chức trên. Do đó bảng trên đây chỉ có giá trị tham khảo.

Các xét nghiệm cần làm khi bạn bị cao huyết áp:

Xét nghiệm cơ bản đối với tất cả các bệnh nhân:

Tổng phân tích nước tiểu

Công thức máu toàn phần

Sinh hoá máu (kali, natri. creatinin, glucose, cholesterol toàn phần, HDL cholesterol)

ECG

Xét nghiệm tối ưu:

Độ thanh thải creatinine,vi đạm niệu, protein nước tiểu 24 giờ, calcium, axit uric , triglyceride lúc đói,LDL cholesterol, glycosolated hemoglobin, TSH,

siêu âm tim.

Xét nghiệm tìm nguyên nhân:

Huyết áp cao xãy ra >90% không tìm thấy nguyên nhân hay còn gọi là vô căn. Chỉ một số ít bệnh nhân cao huyết áp có nguyên nhân gây ra.Cao huyết áp có nguyên nhân cần nghi ngờ ở những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc quá lớn tuổi, kém đáp ứng điều trị hoặc khởi phát cao huyết áp đột ngột. Do đó bác sĩ của bạn sẽ cho thêm những xét nghiệm tầm soát tốn kém hơn để tìm nguyên nhân của cao huyết áp và như vậy mới có thể giải quyết tận gốc nguyên nhân cao huyết áp.

Nếu huyết áp dao động nhiều có những cơn kịch phát kèm nhịp tim nhanh,vả mồ hôi, nhức đầu nhiều bác sĩ của bạn sẽ nghi ngờ khối u ở thượng thận tủy sẽ cho thêm các xét nghiệm: siêu âm thận tìm khối u vùng thượng thận và xét nghiệm catecholamine nước tiểu 24 giờ và chất chuyển hoá vanillyl madelic acid (VMA), chụp đồng vị phóng xạ MIBG

Nếu cao huyết áp kèm chênh lệch huyết áp chi trên và chi dưới hoặc mạch đùi khó bắt cần xem xét hẹp eo động mạch chủ .Có thể sử dụng siêu âm Doppler mạch máu ,chụp mạch máu chọn lọc DSA. chụp mạch bằng cộng hưởng từ(Magnetic Resonance Angiography).Những kỷ thuật này có thể sử dụng khi nghi ngờ hẹp Động mạch thận.

Các xét nghiệm Renin, Aldosterone và Cortisone cũng giúp ích nhiều trong xác định cao huyết áp do bệnh lý nội tiết tố như hội chứng Conn và Cushing...

Tại sao phải điều trị huyết áp cao?

Huyết áp cao thường gây tai biến nghiêm trọng như tử vong và hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nữa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận, phinh bóc tách động mạch chủ... Do đó mục đích chính của điều trị cao huyết áp là để phòng ngừa những biến chứng này.

Thông qua trị số huyết áp được hạ bằng thuốc hạ áp chúng ta có thể nhận biết huyết áp có thể kiểm soát tốt hay không. Tốt nhất nên đưa trị số huyết áp về < 140/85mmHg;đối với người gia,ø trị số huyết áp ban đầu có thể đưa về <160/90mmHg sau đó điều chỉnh tùy theo sự chịu đựng của bệnh nhân.

Điều trị huyết áp cao là điều trị suốt đời,do đó khi huyết áp đã trở về gần bình thường cũng không nên ngưng thuốc hạ áp mà phải điều trị tiếp tục vì huyết áp gia tăng trở lại khi ngưng thuốc.Cần tham vấn thường xuyên bác sĩ của bạn khi huyết áp quá cao hoặc quá thấp trong quá trình điều trị.

Điều trị thuốc hạ áp có thể phối hợp các nhóm thuốc khác nhau để tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ (do sử dụng liều thấp).Cần lưu ý đến tác dụng phụ của thuốc khi điều trị đặc biệt là tụt huyết áp ở người già. Ơû người già, bác sĩ điều trị thường cho thuốc hạ áp với liều khởi đầu chỉ bằng nữa liều người trẻ vì người già dễ tụt huyết áp do thuốc hơn.

Ngoàøi việc điều trị huyết áp, cần lưu ý điều trị các yếu tố nguy cơ khác kèm theo như tiểu đường , tăng lipid máu...

Bạn sẽ được bác sĩ điều trị gì khi bạn bị cao huyết áp?

Thông thường khi đo trị số huyết áp của bạn cao >140/90nnHg với nhiều lần đo trong nhiều ngày bạn có thể được xem là cao huyết áp.Nếu huyết áp của bạn không cao lắm tức khoảng 140/90-150/95nnHg và tình trạng chung tốt và không mắc các bệnh làm xấu thêm tình trạng tim mạch.Bạn có thể không dùng thuốc mà cần phải điều chỉnh cách sống. Nếu huyết áp cao hơn hoặc không cải thiện thì có thể xem xét điều trị thuốc ngay sau khi cân nhắc cẩn thận.

Việc điều chỉnh các sống bao gồm:

Điều chỉnh chế độ ăn uống như giảm ăn mặn (<6g natri chlorua), giảm mỡ,giảm đường (nếu có tiểu đường), không uống quá nhiều bia rượu mặc dù uống với số lượng hạn chế cũng giúp có lợi cho sức khoẻ của bạn (chừng 15ml rượu ethanol, 360ml bia/ngày)

Tập thể dục đều đặn là cách thức giảm cân, hoạt động thể lực aerobic hàng ngày 30-45 phút hầu hết các ngày trong tuần.

Ngưng hút thuốc lá.

Đời sống tinh thần thoải mái nghỉ ngơi giải trí hợp lý

Điều trị thuốc hạ áp:

Bác sĩ của bạn sẽ điều trị bệnh cao huyết áp bằng thuốc cho bạn khi trị số huyết áp khá cao, huyết áp cao có ảnh hưởng tim,mắt ,thận , não.hay chưa cũng như kèm theo các bệnh liên quan khác (tiểu đường, tăng mỡ trong máu.)

Một số thuốc hạ áp thường dùng:

Nhóm thuốc lợi tiểu:

Furosemid(Lasix, Lasilix)

Hydrochlorothiazid(Hypothiazid)

Indapamid(Natrilix SR)

Nhóm thuốc ức chế can xi:

Nhóm Dihydropyridine : Nifedipine(Adalat,Procardia) chỉ nên sử dụng chế phẩm tác dụng kéo dài không nên sử dụng các chế phẩm tác dụng ngắn đặc biệt là dạng ngậm dưới lưởûi vì không an toàn (gia tăng cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim và tử vong).

Felodipine(Plendil), Amlodipine(Amlor.Amdepin, Amlopress)

Nhóm Không Dihydropyridine :Tildiem(Tildiazem), Verapamil(Isoptin)

Nhóm thuốc ức chế men chuyển:

Captopril (Lopril), Enalapril (Renitec), Lisinopril (Zestril), Peridopril (Coversyl)

Nhóm thuốc ức chế bêta giao cảm:

Propranolol (Avlocardyl, Inderal), Atenolol (Tenormin), Metoprolol (Lopresor),Acebutolol (Sectral), Pindolol (Visken)

Việc lựa chọn thuốc hạ áp nào là phụ thuộc vào tình trạng huyết áp và tình trạng bệnh lý saün có( tuổi, bệnh tim, bệnh phổi,bệnh thận.).Ví dụ người có bệnh phổi như hen suyễn hoặc nhịp tim chậm(<60 lần/phút) thì không nên sử dụng thuốc ức chế bêta.Nhưng thuốc ức chế bêta có lợi hơn ở những bệnh nhân huyết áp cao kèm thiếu máu cơ tim mà nhịp tim nhanh. Người có suy tim thì thuốc ức chế men chuyển có lợi hơn. Thuốc ức chế can-xi Dihydropyridine thường được chỉ định rộng rãi vì ít tác dụng phụ, nhưng tốt nhất sử dụng dạng tác dụng kéo dài.Nhóm không Dihydropyridine (verapamil, diltiazem) có tác dụng tốt cao huyết áp kèm bệnh mạch vành , nhưng làm chậm dẫn truyền và suy giảm sức bóp của tim do đó cần thận trọng với blốc A-V, và suy tim.

Theo dõi hiệu quả điều trị:

Các cách thức theo dõi điều trị:

Đo huyết áp tại phòng khám:

Đây là cách thức thường áp dụng cho bệnh nhân. Nhược điểm là trị số huyết áp tại phòng khám thường cao hơn trị số thực sự 20-30mmHg, dù kỷ thuật đo của bác sĩ là đúng. Hiện tượng này còn gọi là hiệu ứng áo choàng trắng.Sự gia tăng huyết áp này là do tâm lý bệnh nhân khi đến môi trường y tế.Điều này làm bác sĩ thay đổi thuốc hoăïc tăng liều sẽ gây bất lợi là tụt huyết áp do điều trị quá mức.

Đo huyết áp tại nhà: Thật là lý tưởng nếu bệnh nhân tự đo huyết áp ở nhà nhiều lần trong ngày để kết hợp với trị số đo tại phòng khám. Với các máy đo huyết áp điện tử hiện nay( đặc biệt những máy có kiểm định chất lượng tốt) sẽ hổ trợ lớn cho bác sĩ và bệnh nhân theo dõi điều trị.Một khó khăn thường gặp là làm sao để bệnh nhân đo tại nhà đúng kỷ thuật và không phải tất cả bệnh nhân đều có maý đo huyết áp tại nhà dù giá máy hiện nay tương đối chấp nhận.

Đo huyết áp với kỷ thuật theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ (ABPM) trong điều kiện ngoại trú:

Ngoài ra, khi bạn không có máy đo huyết áp tại nhà, bác sĩ của bạn có thể đề nghị bạn mang 1 máy đo huyết áp theo dõi liên tục 24 giờ (ambulatory blood pressure monitoring-ABPM), là máy đo huyết áp trong điều kiện ngoại trú. Đây là loại máy hoàn toàn tự động, ban ngày máy có thể đo mỗi 15 phút 1 lần và ban đêm mỗi 30 phút -1 giờ 1 lần đo.Sau đó 24 giờ sẽ nạp vào máy vi tính và bác sĩ chuyên trách sẽ in ra cho bạn 1 bảng kết quả đo và biểu đồ huyết áp dao động trong ngày.Nhờ số lần đo >60 lần/ ngày mà bác sĩ của bạn sẽ biết được chính xác hơn huyết áp của bạn đã trở về gần bình thường chưa và biết được thời điểm nào huyết áp bạn lên cao hoặc có tụt huyết áp không để điều chỉnh thuốc hạ áp cho bạn.Chi phí cho một lần đo 24 giờ chừng 200.000 đồng là tương đối cao nhưng hiệu quả đánh giá tình trạng huyết áp trong khi điều trị là khá lớn và cho đến nay đây là biện pháp tốt nhất để đánh giá hiệu quả điều trị so với đo huyết áp tại phòng khám hoặc tự đo tại nhà.

Hình 2: Một người cao huyết áp đang mang máy theo dõi huyết áp 24 giờ (ABPM)

Điều trị cao huyết áp chỉ thật sự ích lợi khi trị số huyết áp được đưa về gần như bình thường.Với trị số này mới có thể ngăn ngừa biến chứng do cao huyết áp.Vấn đề quan trọng là việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân và sử dụng thuốc hợp lý của bác sĩ.Trong nhiều khảo sát gần đây cho thấy chỉ 40-50% bệnh nhân được điều trị cao huyết áp có trị số huyết áp trở về gần bình thường .Người cao huyết áp không tuân thủ đúng điều trị một phần do chưa hiểu hết tầm quan trọng của điều trị huyết áp, do công việc không tái khám và uống thuốc đúng giờ, chi phí thuốc và các xét nghiệm kèm theo trong mỗi lần khám khá đắt và tác dụng phụ của thuốc.

Việc theo dõi điều trị có hiệu quả hay không là vấn đề quan trọng.Có thể bạn tự đo huyết áp ở nhà trung bình > 3lần /ngày sau đó ghi vào sổ theo dõi huyết áp. Khi tái khám bạn nên đem theo để bác sĩ của bạn tham khảo kết hợp với trị số đo huyết áp tại phòng khám bệnh.

Mặc dù huyết áp bạn có thể đã ổn định trong giới hạn cho phép nhưng điều đó không có nghĩa là bạn tự ý ngưng thuốc. Bạn cần khám định kỳ tại bác sĩ chuyên khoa tim mạch mà bạn tin tưởng và tái khám ngay khi bạn thấy có thay đổi bất thường như choáng váng, khó thở...

Luôn luôn tìm nguyên nhân gây ra cao huyết áp:

Hầu hết các trường hợp cao huyết áp đều là không rõ nguyên nhân, do đó ngoài việc điều trị bằng thuốc hạ áp phải lưu ý đến điều trị các yếu tố nguy cơ như tiểu đường ,tăng lipid máu, giảm ăn mặn,chế độ ăn kiêng hợp lý, tập thể dục đều đặn.

Ở người trẻ hoặc người quá già có cao huyết áp cần lưu ý một số nguyên nhân mà việc điều trị can thiệp phẩu thuật có thể chửa trị khỏi hoàn toàn như hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận,u tủy thượng thận.
#1
    Asin 13.10.2003 07:00:51 (permalink)
    Phần 2
    NHỒI MÁU CƠ TIM

    Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm đe doạ tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim.Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ vùng cơ tim âý sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội .Đồng thời tim là nơi co bóp để duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan khác, do đó khi không còn cung cấp máu sẽ tạo ra mất ổn điện học và tim không duy trì nhịp co bóp đều đặn và gây loạn nhịp trong những giờ đầu thường là rung thất và ngưng tim sau đó người bệnh sẽ tử vong.Một số bệnh nhân nếu may mắn thoát chết thường phải đối mặt với bệnh vẫn còn tiến triển hoặc biến chứng suy tim ...

    Việc ghi nhận sớm triệu chứng cũng như chẩn đoán sớm là việc rất quan trọng để có thể cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

    Những dấu hiệu nào cần nghi ngờ nhồi máu cơ tim?

    Biểu hiện thường gặp là đau ngực trái dữ dội, kéo dài hơn 15-30 phút .Đau có khi kèm vả mồ hôi và khó thở, mệt nhiều, không dám vận động nặng vì gia tăng cơn đaụĐau có thể lan ra cánh tay cẳng tay trái đến ngón út và áp út bàn tay trái, hoặc có thể lan sau lưng hoặc hàm dưới tráị Ở những người đã có tiền sử bệnh thiếu máu cơ tim, đau ngực dữ dội không giảm sau khi sử dụng nitroglycerine hoặc isosrbide dinitrate (Risordane) ngậm dưới lưởi, cần tham vấn bác sĩ ngaỵĐối với những người trên 40 tuổi,có tiểu đường, tăng lipid máu, hút thuốc lá ,béo phì mà trước đây chưa được chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim(thiểu năng vành) khi triệu chứng đau vẫn tiếp tục cần đến các cơ sở y tế ngay để bác sĩ giúp tìm nguyên nhân đau ngực có phải do nhồi máu cơ tim hay không. Trong quá trình di chuyển đến cơ sở y tế cần di chuyển bằng các phương tiện an toàn(xe cấp cứu hoặc tắc-xi), tránh vận động gắng sức trong quá trình di chuyển.

    Một số người bị nhồi máu cơ tim có thể chỉ biểu hiện bằng khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực. Do đó có thể nhồi máu cơ tim sẽ bị bỏ sót. Cho nên trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn có thể gặp những trường hợp chỉ than mệt trước đó vài giờ sau đó đột nhiên tử vong làm cho gia đình nạn nhân rất hoang mang.

    Các xét nghiệm nào cần làm khi nghi ngờ nhồi máu cơ tim ?

    Mặc dù khai bệnh là khá quan trọng nhưng quyết định chẩn đoán là các xét nghiệm vì nó khách quan và trung thực hơn trong định bệnh.Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn thực hiện các xét nghiệm sau đây khi nghi ngờ bạn có bệnh nhồi máu cơ tim nếu bạn có cơn đau ngực trái nhiều và kéo dài 10-30 phút.

    Xét nghiệm đầu tiên cần làm là Điện Tâm Đồ(ECG):

    Tùy theo hình ảnh sóng ECG mà quyết định xử trí ban đầu:

    Nếu đoạn ST chênh lên trên ECG điển hình nhồi máu cơ tim cấp(chỉ gặp 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim), cần sử dụng aspirin và nitroglycerine và các thuốc tiêu sợi huyết ngay(nếu không có chống chỉ định theo phán quyết của bác sĩ) và nhập viện theo dõi ngaỵTại bệnh viện, bệnh nhân nhồi máu cơ tim sẽ được theo dõi ECG và thực hiện xét nghiệm máu (men tim,glucose máu, creatinine)

    Nếu thay đổi ST không đặc trưng ( ST chênh xuống, hoặc gần bình thường) cần theo dõi tiếp tục, có thể xử trí ban đầu với nitroglycerine và aspirin khi nghi ngờ có bệnh thiếu máu cơ tim cấp.Cần xác minh hoặc loạïi trừ nhồi máu cơ tim bằng xét nghiệm tìm hoại tử cơ tim.

    Xét nghiệm máu tìm tổn thương cơ tim:

    Khi cơ tim bị hoại tử do nhồi máu, một số thành phần cơ tim được giải phóng ra và sẽđi vào máu do đó người ta sẽ xét nghiệm máu để tìm những thành phần nàỵ

    Nếu đau ngực xãy ra < 6 giờ thì nên chọn xét nghiệm Myoglobine,CB-MB và có thể xét nghiệm lại sau 6-8 giờ.

    Nếu đau ngực xãy ra > 6 giờ nên làm xét nghiệm CK-MB và Troponin I hoặc T.

    Ở các cơ sở y tế chưa được trang bị các xét nghiệm trên thường sử dụng SGOT & SGPT , LDH để tham khảo mặc dù độ chính xác không bằng nhưng cũng là dấu hiệu gợi ý. Hầu như các nước tiên tiến đã từ bỏ xét nghiệm SGOT &SGPT trong qui trình chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.

    Khi xét nghiệm cho thấy trị số tăng cao thì có thể chẩn đoán nhồi máu cơ timvà bác sĩ sẽ điều chỉnh điều trị trước đó theo hướng tích cực hơn

    Các xét nghiệm khác: Chỉ xem xét sau khi đã có chẩn đoán rõ ràng hoặc nhằm loại trừ bệnh lý khác mà không nghĩ đến nhồi máu cơ tim.

    Chụp Xquang tim phổi: Để đánh giá thêm tình trạng phổi như có tràn khí -tràn dịch màng phổi hay không, cũng như xem xét bóng tim có lớn không.

    Siêu âm tim: nhằm xem xét có tổn thương cấu trúc ( phình vách tim, tràn dịch màng tim ) và xem xét chức năng co bóp tim có tốt hay không.

    Bạn cần làm gì khi có cơn đau ngực kéo dài ?

    Khi cơn đau ngực như mô tả xãy ra bạn cần lưu ý như sau:

    Ngưng ngay hoạt động và công việc đang làm ví dụ đang lái xe nên tấp xe vào lề, báo ngay thân nhân (bằng điện thoại), có thể nằm nghỉ, sử dụng thuốc nitroglycerine ngậm dưới lưỡi nếu bạn đã được bác sĩ của bạn chẩn đoán bệnh mạch vành trước đây .

    Nếu sau 10-30 phút tình trạng đau ngực không đỡ, đặc biệt khi đã sử dụng nitroglycerine ngậm dưới lưởi . Cần được đưa đi nhập viện nagy bằng phương tiện an toàn và nhanh nhất.

    Những xử trí nào được thực hiện tại bệnh viện?

    Tại bệnh viện khi bạn than phiền đau ngực trái nhiều kèm vả mồ hôi,sau khi bác sĩ đo huyết áp và thăm khám cho bạn, các xét nghiệm cần thiết sẽ thực hiện khẩn trương .ECG là xét nghiệm quyết định ban đầu bạn có bị nhồi máu cơ tim hay không để có thể điều trị sớm với thuốc tiêu sợi huyết. Nếu chẩn đoán được xác minh là có nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ được chăm sóc chặt chẽ hơn tại giường.

    Được theo dõi ECG liên tục tại giường, đo huyết áp thường xuyên

    Thiết lập đường truyền tỉnh mạch .

    Thở oxy

    Sử dụng thuốc dãn mạch vành(Nitroglycerin, Risordane), thuốc ổn định tim (thuốc ức chế bêtămetoprolol, atenolol...).Xem xét thuốc làm tan cục máu đông trong mạch vành(streptokinase, alteplase,,rPẠ.) và thuốc aspirin...

    Nếu đau nhiều cần phải sử dụng thuốc giảm đau mạnh :Morphin tiêm tỉnh mạch để giảm đaụ Với sử dụng ngắn hạn có kiểm soát theo chỉ dân bác sĩ người bệnh sẽ không lo bị nghiện.

    Ơû một số nước tiên tiến, khi cần thiết và nguy cấp do tắc động mạch vành người ta có thể nong động mạch vành ngay để máu trong mạch vành có thể lưu thông trở lạị

    Một số lưu ý đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim

    Trước khi xuất viện vì nhồi máu cơ tim , người bị nhồi máu cơ tim sẽ kiểm tra tim mạch trước khi xuất viện như xét nghiệm men tim, thực hiện nghiệm pháp gắng sức để đánh giá khả năng gắng sức mà qua đó bác sĩ sẽ khuyên người bệnh được phép gắng sức đến mức nào trong sinh hoạt hằng ngàỵ

    Người bệnh cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ về chế độ ăn, vận động thể lực thường xuyên với mức độ cho phép,cách dùng thuốc và thời gian tái khám.

    Cần cảnh giác với những cơn đau ngực và các dấu hiệu khác vì sau nhồi máu cơ tim không có nghĩa là bệnh đã hết hẳn mà phải điều trị tiếp tục vì tổn thương mạch vành có thể xãy ra ở những nhánh động mạch khác một khi nguy cơ của nó không khắc phục( huyết áp cao, tiểu đường, tăng mỡ trong máụ..)
    #2
      Asin 13.10.2003 07:04:34 (permalink)
      Phần 3

      ĐỘT TỬ

      Đột tử là cái chết tự nhiên do nguyên nhân tim mạch được báo trước bằng mất tri giác trong vòng 1 giờ.Có thể biết hoặc không biết bệnh tim trước đó và không thể dự đoán trước cách thức và thời gian tử vong.

      Theo ghi nhận của y văn, 46% nạn nhân đột tử có khám bác sĩ trong vòng 4 tuần trước đó nhưng 3/4 trong số đó đi khám bệnh không liên quan với bệnh tim. Hầu hết các nạn nhân đột tử đều không có triệu chứng trước khi ngừng tim xãy ra và nhiều người không được xem là nguy cơ cao đột tử. Thông thường diễn tiến đột tử liên quan rõ rệt với loạn nhịp xãy ra. Người ta nhận thấy ở nạn nhân có loạn nhịp rung thất thì 23% được cứu sống nhờ sốc điện kịp thời nhưng ở nạn nhân xuất hiện loạn nhịp chậm (vô tâm thu) thì không có khả năng cứu sống.

      Những tiền triệu xãy ra trước khi đột tử

      Tiền triệu xãy ra trong vòng 1 giờ có thể là đau ngực , hồi hộp, khó thở, mệt sau đó nạn nhân tiến triển mất tri giác và tử vong.Bởi vì những triệu chứng báo hiệu trước đột tử cũng có thể gặp ở những bệnh lý khác cho nên không thể sử dụng chúng để dự đoán ai sẽ là người dễ đột tử trong vài giờ tới. Do đó cách duy nhất đối với người bệnh khi có dấu hiệu tương tự nêu trên đặïc biệt người có bệnh tim, tiền sử gia đình có người thân bị đột tử trước đây nên tham vấn bác sĩ và nhập viện ngay.

      Loạn nhịp nặng (nhanh thất,rung thất thường tiến triển vô tâm thu) có thể phát hiện nếu nhập viện sớm và là dấu hiệu bắt đầu diễn biến đột tử . Nạn nhân chỉ sống khi xử trí kịp thời và có phương tiện hồi sức đầy đủ và chuyên nghiệp.

      Suy tuần hoàn: cũng thường xãy ra khi bắt đầu diễn tiến đột tử, biểu hiện thường tụt huyết áp, vả mồ hôi, da xanh tái, thở mệt.

      Những đối tượng nào dễ có nguy cơ đột tử

      Ở Mỹ, đột tử thường có nguyên nhân hàng đầu là bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim cấp) và đột tử đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của bệnh mạch vành.

      Các nguyên nhân gây đột tử :

      Bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), những bệnh nhân tim mạch đặc biệt có suy tim giai đoạn cuối do bệnh van tim (hẹp hở van hai lá và van động mạch chủ) bệnh tim bẩm sinh (tứ chứng fallot, thông liên thất...) .Ngoài ra còn có bệnh cơ tim (dãn nở vàphì đại) và loạn sản thất phải gây loạn nhịp cũng thườy gây đột tử .

      Những người có Hội chứng QT kéo dài trên điện tâm đồ, Hội chứng Brugada (blốc nhánh phải kèm ST chênh lên trên điện tâm đồ). Những bệnh lý này thường liên quan với tiền sử gia đình (có người thân trong gia đình bị đột tử).

      Ngoài ra một số nạn nhân sức khoẻ trước đó hoàn toàn bình thường đột nhiên sau giấc ngủ đến sáng người nhà mới phát hiện đã chết .trường hợp này nếu gặp ở người già thường là do cao huyết áp gây xuất huyết não, nhồi máu cơ tim gây loạn nhịp mà trước đó triệu chứng nhẹ ít quan tâm đến sức khoẻ nên không được chẩn đoán. Nếu là người trẻ thường rơi vào bệnh lý cơ tim phì đại , loạn sản thất phải, hội chứng QT kéo dài, hội chứng Brugada, nhồi máu cơ tim...

      Các xét nghiệm nào có thể dự đoán khả năng đột tử?

      ECG lúc nghỉ: là xét nghiệm thường quy rất ích lợi để xác định nguy cơ đối với các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng QT dài, hội chứng Brugada...

      Siêu âm tim: nhằm xác định chức năng tâm thất trái, nhiều nghiên cứu chứng minh khi phân suất tống máu giảm(EF) thì dễ nguy cơ đột tử

      Điện tâm đồ nhật ký: Đo ECG liên tục 24 giờ (Holter ECG) sẽ giúp xác định những bệnh nhân ngất do loạn nhịp tim nguy hiểm( nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh ) do đó sẽ có biện pháp điều trị thích hợp nhằm ngăn ngừa đột tử.

      Điện tâm đồ trung bình điện thế: là xét nghiệm nhằm dự đoán nguy cơ đột tử thông qua phát hiện điện thế trễ là dấu hiệu quan trong loạn nhịp thất.

      Điện sinh lý trong buồng tim: nhằm kích thích thất bằng xung điện để tạo ra các loạn nhịp quan trọng (nếu có) đề có điều trị phù hợp. Đây là xét nghiệm khá quan trọng trong dự đoán tử vong do loạn nhịp.

      Các biện pháp điều trị dự phòng nhằm hạn chế đột tử

      Sử dụng thuốc:

      Thuốc ức chế bêta (atenlol, metoprolol và bisoprolol): nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn cho thấy thuốc ức chế bêta sử dụng cho người nhồi máu cơ tim làm giảm tỉ lệ tử vong chung và đột tử.

      Thuốc chống loạn nhịp (amiodarone,flecainide,sotalol): Mặc dù bệnh nhân đột tử thường tử vong do loạn nhịp thất nặng nhưng các thử nghiệm lâm sàng sử dụng thuốc chống loạn nhịp đề ngăn ngừa tử vong vẫn không chứng minh hiệu quả.

      Cấy máy khử rung : máy khử rung được người ta cấy vào cơ ngực và nối dây điện cực vào trong buồng tim giúp phát hiện loạn nhịp nguy hiểm (rung thất, nhanh thất) và sử dụng nguồn điện để phóng điện xoá loạn nhịp. Một số máy đời mới có thể kết hợp kích thích điện để tạo nhịp tim đập lại đều đặn khi tim chậm lại hoặc ngưng kéo dài(còn gọi là máy khử rung-tạo nhịp). Đây là biện pháp tương đối hiệu quả làm giảm tỉ lệ đột tử ở người nguy cơ đột tử. Giá máy hiện nay khá đắt so với điều kiện kinh tế cuả đại đa số người Việt chúng ta.
      #3
        Asin 13.10.2003 07:07:56 (permalink)
        Phần 4
        SUY TIM : Tình huống khó xử

        Phần lớn các bệnh nhân suy tim sung huyết đều có giảm chức năng thất trái và rối loạn chức năng tâm trương các mức độ khác nhau.Người ta cũng ghi nhận có đến 40% bệnh nhân có triệu chứng suy tim rõ rệt có chức năng tâm thu bình thường nhưng có rối loạn chức năng tâm trương đơn thuần hay còn gọi là suy tim tâm trương.

        Triệu chứng và dấu hiệu suy tim tâm thu và tâm trương khác nhau dù cơ chế sinh lý bệnh hoan toàn khác nhau.Traí với rối loạn chức năng tâm thu là mất khả năng bơm máu của tim, thì rối loạn chức năng tâm trương mất khả năng dãn ra nhanh chóng của tim và mất khả năng làm đầy thất ở áp lực bình thường.Phân suất tống máu bảo tồn (EF) nhưng chức năng làm đầy giảm và có thể dẫn đến sung huyết phổi.

        Rối loạn chức năng tâm trương cần phải nghi ngờ khi bệnh nhân có triệu chứng có dấùu hiệu và triệu chứng suy tim sung huyết nhưng chức năng tâm thu thất gần như bình thườngbởi EF>40%.

        Chẩn đoán xác định suy tim tâm trương luôn là thách thức và yêu cầu phải có triệu chứng nghi ngờ suy tim sung huyết, phân suất tống máu bảo tồn, có chứng cứ áp lực làm đầy thất trái gia tăng.

        Siêu âm tim có vai trò quan trọng trong việc loại trừ rối loạn chức năng tâm thu, bệnh van tim , bệnh màng ngoài tim, tim bẩm sinh, tâm phế mãn và cần kết hợp các xét nghiệm loại trừ các tình trạng khác (bệnh phổi mãn, bệnh khớp, dãn tỉnh mạch và béo phì).Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí sử dụng siêu âm tim doppler là hiệu quả nhất trong đánh giá suy tim tâm trương nhưng thực tế chỉ 1/3 bệnh nhân suy tim thực hiện xét nghiệm này.

        Các xét nghiệm khác cũng có vai trò quan trọng đánh giá rối loạn chức năng tâm trương như MRI, chụp thất đồ bằng đồng vị phóng xạ và thông tim.Mặc dù thông tim được xem là tiêu chuẩn vàng đánh giá rối loạn chức năng tâm trương nhưng đây là kỷ thuật xâm nhập do đó khó áp dụng trong thực hành hàng ngày.

        BNP là peptide được cơ tâm thất sản sinh ra khi có dày thất trái, tăng stress và tăng áp lực trên thành cơ tim. Từ tháng 11 năm 2000, FDA đã công nhận xét nghiệm Natriuretic peptide type B (BNP) là xét nghiệm nhanh chóng giúp chẩn đoán suy tim. Để đi đến quyết định này,FDA tham khảo nghiên cứu 250 bệnh nhân khó thở cấp , những bệnh nhân được chẩn đoán suy tim tâm trương có nồng độ BNP trung bình 1076pg/ml và ở người không có suy tim tâm trương nồng độ BNP trung bình 38pg/ml.Xét nghiệm này cho thấy có độ nhạy cảm 98% và độ đặc hiệu 92% trong chẩn đoán suy tim tâm trương.

        Điều trị suy tim tâm trương:

        Tránh việc sử dụng chế độ ăn nhiều muối

        Cả quá tải thể tích và thiếu máu cơ tim đều có thể gây suy tim tâm trương . Sử dụng lợi tiểu phù hợp trong những trường hợp quá tải thể tích và nitrates phù hợp cho thiếu máu cơ tim. Trong những trường hợp này nên cho liều thấp ban đầu để tránh tụt huyết áp.

        Phục hồi và duy trì nhịp xoang

        Làm chậm nhịp tim để kéo dài thời gian làm đầy thất : thuốc ức chế bêta và ức chế can xi không thuộc nhóm dihydropiridine(verapamil, tildiazem) có tác dụng làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp, cải thiện tình trạng thiếu máu.

        Thuốc ức chế men chuyển thường được kê vì làm giảm phì đại thất trái và hạ huyết áp mà không làm giảm lưu lựơng tim.Các thử nghiệm về hiệu quả ức chế men chuyển ở bệnh nhân suy tim tâm trương không nhiều.

        Nguồn thông tin:
        Diastolic heart failure: A clinical quandary. Patient Care 2001;8:13-24.
        MARIO J. GARCIA, MD, is Director, Echocardiographic Laboratory, Cardiovascular Imaging Center, Cleveland Clinic Foundation, Cleveland, Ohio.
        STEVEN A. GOLDSTEIN, MD, is Director, Noninvasive Cardiology Laboratory, Washington Hospital Center; and Clinical Professor of Medicine, George Washington University School of Medicine and Health Sciences, Washington, DC.

        HOWARD D. WEINBERGER, MD, is Assistant Professor of Medicine, Division of Cardiology, University of Colorado Health Sciences Center, Denver
        .
        #4
          Asin 13.10.2003 07:15:54 (permalink)
          Phần 5
          NGẤT
          Ngất là tình trạng không còn nhận biết thế giới xung quanh(mất ý thức) thoáng qua do không cung cấp máu đầy đủ cho não bởi nhiều nguyên nhân khác nhau (xem bảng dưới)

          Do đặc tính đa nguyên của ngất cho nên ngất do nguyên nhân này có thể lành tính ít gây nguy hiểm tính mạng nhưng do nguyên nhân khác có thể gây đột tử. Do đó khi có triệu chứng ngất xãy ra người bị ngất cần đi đến bác sĩ để khám và làm các xét nghiệm cần thiết .
          Ngất khác với đột tử là bệnh nhân còn có cơ may tỉnh dậy nếu do nguyên nhân loạn nhịp

          Các bác sĩ phòng khám cấp cứu thường có những khó khăn trong việc quyết định bệnh nhân nào cần phải nhập viện và bệnh nhân nào có thể điều trị ngoại trú.
          Những dấu hiệu nào được gọi là ngất?

          Tình huống xãy ra thường là người bệnh đang sinh hoạt bình thường như đọc sách, đi lại, nói chuyện... đột nhiên lăn ra bất tỉnh , không đáp ứng đau khi cấu véo, lay gọi bệnh nhân không thể mở mắt trả lời, có thể kèm theo tím tái, lạnh người , vả mồ hôi.Sau vài giây đến vài phút bệnh nhân sẽ hồi tỉnh lại và da trở nên hồng hào lại. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân dễ bị té ngã gây chấn thương não, gãy tay chân.Trong bệnh lý ngất có một số nguyên nhân loạn nhịp tim nếu không chẩn đoán sớm sẽ gây đột tử.


          Nghiên cứu của S D Crane và cs qua tham khảo 210 bệnh nhân mới nhập viện từ 1998 cho thấy rằng việc áp dụng tiêu chuẩn nhập viện theo hướng dẫn cuả The American College of Physicians giúp hổ trợ cho bác sĩ lâm sàng quyết định nhập viện hợp lý cho bệnh nhân ngất.
          1. Nhóm 1: Nhập viện bắt buộc:
          Tiền sử bệnh mạch vành, suy tim sung huyết, nhanh thất
          Có triệu chứng đau ngực kèm theo
          Có dấu hiệu suy tim, bệnh van tim, đột quỵ hoặc dấu thần kinh khu trú
          Dấu hiệu ECG: thiếu máu cơ tim, loạn nhịp (như nhịp chậm hoặc nhanh nặng), QT dài, blốc nhánh
          2. Nhóm 2: Xem xét nhập viện:
          Mất ý thực đột ngột có gây chấn thương, có nhanh tim hoặc ngất xãy ra khi gắng sức
          Nghi ngờ bệnh mạch vành hoặc loạn nhịp
          Tụt huyết áp tư thế nặng và vừa
          Tuổi trên 70
          3. Nhóm 3 : Được xuất viện điều trị ngoại trú nếu không liên quan với các tiêu chuẩn trên.
          Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng 47 bệnh nhân(22%) thuộc nhóm 1 cần nhập viện, 63 bệnh nhân (30%) thuộc nhóm 2 và 100 bệnh nhân (48%) thuộc nhóm 3 được xuất viện. Sau 1 năm theo dõi, có 24 bệnh nhân tử vong. Nhóm 1 có 36% tử vong và nhóm 2 có 14% tử vong và không có bệnh nhân nào thuộc nhóm 3 tử vong.
          Điều rút ra từ nghiên cứu này là nếu sử dụng các tiêu chuẩn đề ra như trên có thể giúp phân loại bệnh nhân ngất theo tiên lượng đề quyết định nhập viện cho bệänh nhân. Điều mà các bác sĩ cấp cứu và phòng khám cần lưu ý là đối với bệnh nhân ngất khi thăm khám để quyết định ban đầu thì tiên lượng quan trọng hơn chẩn đoán
          #5
            Asin 29.12.2003 01:22:15 (permalink)
            “Trẻ hóa” bệnh động mạch vành

            Hiện nay, số ca bệnh động mạch vành đang tăng lên đáng kể, đáng chú ý là số người trẻ tuổi bị căn bệnh này ngày càng nhiều. Những nguyên nhân chính gây ra bệnh động mạch vành là căng thẳng đầu óc, ít vận động, ăn nhiều chất mỡ, uống nhiều bia, rượu, hút thuốc...

            Tổ chức Y tế Thế giới vừa ra khuyến cáo, hiện nay bệnh động mạch vành đang tăng lên rất nhanh, lan rộng như một bệnh dịch và đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thương tật và tử vong. Việt Nam chưa có con số thống kê chính xác về bệnh này, song hằng năm tại các cơ sở điều trị bệnh tim, số người mắc bệnh và tử vong tăng đến mức báo động.

            Năm 2002, có tới hơn 5.000 ca bệnh điều trị tại Viện Tim mạch TP. Hồ Chí Minh từ 313 ca tăng lên 4.448 ca. Tỷ lệ tử vong 5-7%. Các chuyên gia tim mạch lo lắng nhất là hiện nay xu hướng bệnh tim đang "trẻ hóa" và đã xuất hiện cả ở những người chưa đến tuổi 40, thay vì trước đây là 50 tuổi trở lên. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân dẫn đến những cơn nhồi máu cơ tim cấp. Xơ vữa động mạch tiến triển rất âm thầm, nếu không kiểm tra thường xuyên thì không thể phát hiện được. Ngay cả những người trẻ cũng đã có những biểu hiện của bệnh này mà dễ bỏ qua như thoáng cảm giác nghẹn ở ngực, khi hoạt động thấy nhanh mệt mỏi, đôi khi có cơn đau ngực khó chịu... Qua kinh nghiệm điều trị, các bác sĩ phát hiện bệnh xuất hiện ở đối tượng mà công việc thường ngày ít vận động, đầu óc luôn căng thẳng đặc biệt ở những người làm lãnh đạo.

            Theo GS - TS Phạm Gia Khải, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch là do ăn uống có nhiều chất mỡ, uống nhiều bia rượu, nghiện thuốc lá và mắc bệnh tiểu đường, ít vận động... Với những người thường xuyên làm việc căng thẳng hay bất thường đã vô tình tạo điều kiện làm tăng men tim, gây tổn thương ở tim. Một số người tưởng mình hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng trên thực tế cũng có thể bị một cơn nhồi máu cơ tim. Biểu hiện rõ nhất là cơn đau ngực, đau vùng xương ức (có khi diễn ra từng cơn), cảm giác nghẹn. Có người không đau mà chỉ thấy mệt thỉu, mồ hôi vã ra. Những cơn nhồi máu nhẹ có biểu hiện đau ngực kéo dài, mỗi lần đau vài chục giây rồi hết. Một số người bị suy động mạch vành mạn cũng nhiều khi không có cơn đau thắt ngực mà biểu hiện bằng dạng khó thở khi gắng sức hoặc mệt, cảm thấy kiệt sức khi gắng sức.

            Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh suy động mạch vành là nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực. Trên thực tế có những người đã bị mắc một số bệnh lý ở phổi, dạ dày, ruột, thành ngực, kể cả tâm thần cũng có các cơn đau ngực. Nhưng nếu cơn đau thắt ngực xảy ra với những người có một trong các tiền căn như cao huyết áp, đái tháo đường, nghiện thuốc lá thì chắc chắn là đã bị bệnh động mạch vành. Ngược lại, ở người lớn tuổi, hoặc bệnh nhân đái tháo đường thường ít khi có biểu hiện cơn đau thắt ngực mặc dù đã bị động mạch vành. Các bác sĩ khuyên khi có cảm giác đau thắt vùng ngực, mệt mà nghi bị nhồi máu cơ tim thì tốt nhất người bệnh phải nằm im, sau đó gọi xe cấp cứu để chuyển đến viện sớm. Người bệnh không nên lo lắng sợ hãi chạy đi chạy lại Điều này sẽ làm tăng vận động, dẫn đến càng làm tắc nghẽn động mạch vành hơn, nguy cơ tử vong rất cao.

            Hiện nay ngoài việc điều trị bệnh động mạch vành bằng phương pháp nội khoa, các nhà khoa học tim mạch Việt Nam đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại can thiệp, trả lại cuộc sống cho hàng nghìn người bệnh như nong động mạch vành bằng bóng, dùng khung đỡ (stent), cắt tạo mảng xơ vữa và tái tạo lòng mạch bằng laser, sonde nạo hút mảng xơ vữa qua lòng mạch máu, cắt mảng xơ vữa bằng mũi khoan.

            Để phòng tránh bệnh tim mạch, các chuyên gia khuyên mọi người cần ăn uống có nhiều chất xơ, hạn chế mỡ, rượu, bia, thuốc lá; cần tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng. Hằng năm nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm xơ vữa động mạch. Phụ nữ tuổi mãn kinh và nam giới tuổi 40, nhất là những người có hiện tượng béo phì cần đi khám sức khỏe thường xuyên. Với những người đã bị bệnh động mạch vành, ngoài việc dùng thuốc đều theo chỉ dẫn của bác sĩ, chú ý không được tắm nước quá nóng hoặc tắm hơi vì việc này sẽ làm giãn mạch quá mức, tim phải co bóp mạnh dễ dẫn đến làm bong mảng xơ vữa động mạch.
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9