Thay đổi thói quen sống giúp ngăn ngừa căn bệnh Alzheimer
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Cambridge (Anh) đăng tải trên tạp chí Y khoa The Lancet ngày 14/7, có thể ngăn chặn được hàng triệu trường hợp mắc chứng Alzheimer bằng cách thay đổi thói quen sống vốn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây bệnh mất trí nhớ trầm trọng.
Alzheimer là một chứng bệnh liên quan tới sự lão hóa của não bộ, mà các chuyên gia cho rằng xuất phát từ hai nguyên nhân suy giảm các gen và yếu tố môi trường.
Theo dự đoán, bùng nổ dân số và tuổi thọ của con người lớn hơn đồng nghĩa với việc có hơn 106 triệu người sẽ mắc chứng Alzheimer vào năm 2050 - cao hơn nhiều so với con số 30 triệu người mắc chứng Alzheimer năm 2010. Tuy nhiên, qua phân tích, các nhà khoa học phát hiện 7 nhân tố nguy cơ là nguyên nhân rõ rệt gây ra chứng bệnh này - gồm tiểu đường, cao huyết áp tuổi trung niên, bệnh béo phì tuổi trung niên, lười vận động, suy giảm thể lực, hút thuốc lá và tình trạng thiếu kiến thức về sức khỏe.
Ông Carol Brayne - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trên - cho biết nếu giảm khoảng 10% nguy cơ liên quan tới một trong số những nhân tố này, sẽ có thể giảm khoảng 8,5% tỷ lệ bệnh nhân Alzheimer trên toàn cầu vào năm 2050, đồng thời ngăn chặn được khoảng 9 triệu trường hợp mắc bệnh mới.
Theo một ước tính từ năm 2011, cứ hai trường hợp bệnh Alzheimer thì có một trường hợp có thể được chữa trị thông qua thay đổi lối sống và tinh thần của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, số liệu ước tính này là quá cao do một vài trong số những nhân tố nêu trên lại có liên hệ với nhau. Chẳng hạn, bệnh tiểu đường, cao huyết áp và béo phì liên quan tới việc lười vận động và trên tất cả đều xuất phát từ nguyên nhân thiếu sự giáo dục và kiến thức về sức khỏe.
Nhà khoa học Brayne khẳng định ông và các cộng sự sẽ từng bước nỗ lực nâng cao sức khỏe cũng như đẩy lùi nguy cơ suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi thông qua những phương pháp đơn giản ban đầu như khắc phục tình trạng lười vận động, góp phần giảm tỷ lệ béo phì, bệnh cao huyết áp, tiểu đường.../.