Có một giáo sư đã đặt tên cho một đặc san xuân của trường trung học Hòa Vang Quảng Nam ngày ấy là "Hoa vàng" theo cách chơi chữ để gọi Hòa Vang. Tôi cũng được phép gọi tự truyện của tôi là "Kỷ niệm hoa vàng"
1
Tôi về trình diện trường trung học phổ thông Hòa Vang vào một buổi sáng mùa đông nhưng đẹp trời. Tôi nhớ mãi ngôi trường với dãy hành lang hình chữ U cùng cái sân ngợp màu xanh của những cây cao tõa bóng. Từ phòng Hội đồng, tôi nhìn bao quát ra ngoài, bên phải, sát cổng, tường rào là nhà xe. Trong sân, học sinh nam nữ lô nhô, đồng phục xanh trắng, một cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu.
Người đầu tiên tôi gặp là thầy Hồ Điền, Giám học của trường. Ông cầm sự vụ lệnh rồi nhìn tôi từ đầu đến chân.
Ông nói:
- Anh quá trẻ thế này mà dạy lớp 12, lại môn Triết thì có ổn không?
Rồi ông nói tiếp:
- Thôi được! Tôi sẽ giao anh dạy 3 giờ triết tại lớp 12 B, giò còn lại tôi sẽ để anh dạy 2 lớp 10 môn sinh ngữ 2 Pháp văn, và 2 lớp 8 môn Quốc văn. Cọng tất cả là trên 23 giờ rồi.
Tôi cười:
- Sao cũng được, tùy anh.
Thế là tôi bắt đầu nghề dạy kể từ đó. Năm đó là năm 1972 hình như là tháng 12. Tôi đâu ngờ rằng bước qua năm hai , thời khóa biểu phân cho tôi, toàn chi chít giờ triết: 12A1, 12A2, 12A3, 12B, 12C. Tôi cầm thời khóa biểu vào văn phòng gặp anh Hồ Điền, la lên:
- Tội em quá anh Điền, anh cho bớt giờ triết đi!
GS Hồ Điền rút ra một tờ đơn, đưa cho tôi:
- Anh xem, HS có nguyện vọng được GS Nguyễn Lương Tuấn dạy triết. Vậy thì làm sao? Anh cố lên nghe!
Tôi cười hết ý kiến.
Tôi tìm thấy ở trường trung học Hòa Vang không khí dạy học rất vui. Ngoài giờ đứng lớp, các GS gặp nhau tại phòng Hội đồng chuyện trò, trao đổi, chuyện vặt rất thú vị. Mỗi GS có một tính cách nhưng người nào cũng nhã nhặn, lịch sự. Ấn tượng nhất là GS giám học Hồ Điền, ông nói chuyện pha hài hước vui, sống động; GS Võ Văn Lượng, hiệu trưởng cũng dạy triết như tôi lại đứng đắn, phong thái nghiêm trang, chuẩn mực, điềm đạm; một GS dạy triết khác nữa là cô Nguyễn Thị Hạnh rất duyên dáng, Hạnh nói nhanh giống như tác phong của cô khi bước đi trên hành lang đến lớp. Ngoài ra có nhiều GS rất trẻ mới hoặc đi dạy chỉ chừng vái năm, tha hồ cho các GS nam chưa vợ để mắt tìm kiếm. Và đó cũng là đề tài cho những buổi chọc ghép đôi lồng trong mẫu chuyện pha tếu của các GS đàn anh.
Về trình diện cùng lần với tôi, có Nguyễn Bình dạy vật lý. Ông ít nói, chỉ ngồi yên thỉnh thoảng đằng hắng, hình như thành cố tật. Cũng như tôi và nhiều GS khác còn độc thân, Bình thường được một số đồng nghiệp người Huế cặp đôi và đối tượng là Nguyễn Thị Thanh, cũng mới ra trường.
GS Hồ Điền chọc:
- U chu choa! Thầy Bình gặp cô Thanh thì quá tốt đôi – Thanh Bình.
Nguyễn Thị Thanh chỉ mĩm cười nhún vai rất điệu còn Nguyễn Bình thì “đằng hắng” liên tục.
Chính vì tính đằng hắng như vậy mà GS Bình có biệt danh là “Bình khịt”.
Bên cạnh Thanh người Huế còn có một Việt Anh dạy môn Hóa, Lý rất sôi nổi và năng động. các giờ dạy của cô luôn tất bật vì phải chuẩn bị đồ để làm thí nghiệm. Việt Anh không đẹp, mũi tẹt nhưng được cái là ăn nói duyên dáng dạn dĩ, GS Hồ Điền chọc Việt Anh, V.Anh sẽ trả đũa ngay, và thường bao giờ mọi người cũng cười xòa vui vẻ.
Ngoài ra còn có một số GS người Huế khác vẫn trẻ chưa có gia đình như Nguyễn Văn Xoa, người Kim Long, dạy sử địa, tính tình chất phác, Kim Phượng dạy Pháp văn, mỗi khi cười thường lấy tay che miệng, Nguyễn Thị Toàn dạy pháp văn thực tập, ít nói nhưng không ngờ gây scandale với GS Tăng Đãng dạy công dân, Kim Oanh dạy toán, Nguyễn Văn Tự dạy Công dân trường chi nhánh, …
Một số GS trẻ chúng tôi chơi thân với nhau, thường tập trung, rủ nhau đi ăn chè hay cà phê, vẫn nhớ quán chè chuối ở đường Cô Giang, quán cà phê Lộng Ngọc đường Phan Đình Phùng. Vui nhất là mùa hè, chúng tôi về Huế và cùng đi chơi, tổ chức cà phê salon, tại nhà rất đầm ấm thân mật.
Đội ngủ GS Hòa Vang đông, có đến 60 người, ngoài trường chính, Hòa Vang còn có cơ sở 2 ở đó chỉ có cấp 2, nhiều người tôi chỉ gặp khi họp đại hội đồng ví dụ GS Nguyễn Văn Tự dạy công dân hay thầy Nguyễn Văn Nhơn dạy Pháp Văn. Năm đầu tiên đến dạy Hòa vang, tôi biết có nhiều GS trẻ khác. Họ tốt nghiệp đại học sư phạm Huế như Lý Năng Nhường dạy môn Pháp Văn người Đà Nẵng, Nguyễn Thanh Sang dạy Toán người Bắc hay Lê Thị Kim Ngân tốt nghiệp Đại học sư phạm Anh văn, người Bắc. Bên cạnh còn có Nguyễn Thị Mai, GS tư nhân dạy giờ môn Anh văn người mãnh khảnh xinh xắn, nước da ngâm đen, cắt tóc ngắn, dáng đi mạnh mẽ, Mai có phong thái người miền Nam, …
Kim Ngân, Nguyễn Thị Mai luôn cặp kè cùng nhau và là hai nhân vật nổi đình nổi đám trong giới HS. Vào nhà vệ sinh thấy ngang dọc những dòng chữ cặp đôi cô Mai với người này, cô Ngân với người kia làm thầy Hồ Điền sùng máu nói trong phòng hội đồng là phải tìm cho ra tác giả của những hàng chữ kia.
Sau này có GS Ngô Trần Ái sĩ quan biệt phái về dạy. Tôi nhớ kỷ niệm một buổi chiều tôi có giờ rơi, giờ thứ ba. Tôi đến phòng hội đồng, thấy có một sĩ quan trẻ mang lon chuẩn úy, ngồi tại đó. Người này không cao, da ngâm đen, cặp mắt hơi lồi, nhưng tia nhìn trực diện. Tôi tò mò hỏi:
- Anh là GS mới về trình diện.
Ái đứng dậy bắt tay tôi niềm nở và tự giớ thiệu về mình. Ái học đại học sư phạm Sài Gòn, về trường dạy Vạn Vật. Sau này tôi với Ái thân nhau. Ái thường hay mặc áo cộc tay nhưng có cố tật là lại xăn tay lên một nấc nữa. Ái năng động, vui vẻ, rất thích hoạt động và đặc biệt Ái thích ga lăng với phái nữ và nhất là với … Kim Ngân.
Ái ở với mẹ tại một ngôi nhà ở ngã ba Cẩm Lệ. Có những lần tôi ở lại qua đêm với Ái tại đây. Buổi tối chúng tôi chơi bài xì lác. Về khuya mẹ Ái nấu lẩu cá chúng tôi ăn rất tuyệt.
Bây giờ nhớ lại những ngày ấy sao vui và êm đềm quá.
Như đã nói, GS Hồ Điền vui tính và có máu hài rất thú vị, ông ứng đối rất giỏi mọi tình huống. Hồ Điền kể có lần, ông gặp một HS bỏ áo vào quần nhưng không có nịt. Ông ra hiệu HS này dừng lại và hỏi:
- Nịt quần của em đâu?
HS này không trả lời, đưa tay chỉ vào ông. GS Điền lúc đầu không hiểu, ngạc nhiên hỏi:
- Em muốn nói gì?
- HS vẫn không nói, nhưng lần này chỉ thẳng vào lưng quần của ông. GS Hồ Điền nhìn xuống và phát hiện sáng nay ông quên mang nịt quần. Một phút lúng túng. Sau đó ông nói ngay:
- Thầy có vợ rồi còn em có vợ chưa?
HS này cười. Hồ Điền nghiêm trang:
- Tôi hỏi em đã có vợ chưa, trả lời tôi!
HS lúng túng:
- Thưa thầy chưa.
- Vậy thì em không được phân bì tôi! Thôi tôi bỏ qua, lần sau nhớ phải có nịt quần!
Về phòng Hội đồng GS Hồ Điền kể lại, mọi người cười ngất
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.08.2014 19:02:39 bởi Tuấn Nguyễn >