CHẾT – VÀ CÁC ĐỀ TÀI LÂN CẬN
NguyễnNhânTrí 18.08.2014 19:15:48 (permalink)
Lời Mở Đầu


Sự chết là một điều chắc chắn tuyệt đối sẽ xảy ra với tất cả mọi sinh vật.
 
Đây cũng là nỗi sợ hãi lớn nhất của loài người từ khi bộ óc của họ phát triển đủ để có thể suy nghĩ. Nhất là khi tất cả mọi nỗ lực của con người để đối phó với nỗi sợ hãi nầy cho đến nay hầu như đều vô hiệu quả.
 
Mọi sinh vật, kể cả con người, đều có khuynh hướng gắn bó với sự sống thay vì sự chết. Đó là một kết quả tự nhiên và hiển nhiên trực tiếp từ quá trình tiến hóa của chủng loại. Đây là một điều ích lợi cho sự sống còn, nhưng nó cũng thường làm giới hạn sự hiểu biết của chúng ta về sự chết. Chúng ta thường bàn luận, nghiên cứu, tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến sự sống và có khuynh hướng tránh né phải đương đầu trực tiếp với sự chết.
 
Người ta thường không thảo luận về sự chết một cách thoải mái. Người ta thường không thể trực diện với hiện tượng nầy. Người ta dùng những mỹ từ, những phong tục, những quy luật xã hội để cố phân cách sự chết ra khỏi cuộc sống hàng ngày của họ. Người ta cũng dùng trí tưởng tượng của họ dưới hình dạng tín ngưỡng, tôn giáo để tự an ủi, khỏa lấp hay che dấu thực trạng của sự chết và những gì xảy ra sau khi chết.
 
Ở đây, tôi có ý định đem đến một cái nhìn khách quan hơn về sự chết. Những dữ kiện trình bày ở đây dựa trên tài liệu tham khảo của nhiều tác giả khác nhau. Một trong những tài liệu nầy là tác phẩm “The Romeo Error”, ấn bản năm 1976, của một sinh vật học gia tên Lyall Watson.
 
Những dữ kiện trình bày ở đây dựa trên kiến thức khoa học, có nghĩa là những kinh nghiệm đã được kiểm chứng giữa lý thuyết và thực tế. Tuy nhiên, những dữ kiện nầy được trình bày dưới tư cách một cuộc thảo luận chớ không phải như là những kiến thức chân lý tuyệt đối. Đó là vì kiến thức khoa học luôn luôn có những giới hạn của nó. Đây là một tính chất cơ bản đặc thù và cũng là một lợi thế thúc đẩy dẫn đến sự tiến triển không ngừng của nhân loại. Nếu có sai lầm hay thiếu sót gì về phương diện lý luận hay về sinh học, vật lý học trong các lập luận ở đây thì xin độc giả hãy dùng chúng như là chất xúc tác để góp phần thêm vào cuộc thảo luận nầy.
 
Cũng như lời mở đầu của Watson trong The Romeo Error, tôi gọi mời quý độc giả hãy “gỡ bỏ cách nhìn bị che chắn bởi kinh nghiệm hạn hẹp và thay vào đó bằng một đôi mắt tìm tòi rộng mở”.
 
(còn tiếp)
 
Nguyễn Nhân Trí
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9