Lang Thang - Viết ngắn Nguyễn Đình Phùng
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 18 trên tổng số 18 bài trong đề mục
frank 29.08.2014 04:19:08 (permalink)
 
Bún Thang
 
Tôi thích món bún thang! Không có gì lạ cả! Con gái thích bún thang. Con giai thích bún thang. Lovers thích bún thang. Nên dĩ nhiên là tôi phải thích món này! 
Bún thang ăn ngon nhất phải ăn trên Đà Lạt. Thuở đó tôi mê ăn bún thang ở quán Mỹ Hương. Quán này nằm ngay khu Hòa Bình, gần đó có tiệm sách, cách mấy căn là cà phê Tùng. Bà chủ quán đã già, lúc nào cũng mặc áo dài, khoác thêm chiếc áo len mỏng, đầy vẻ dân Hà Nội ngày xưa trước 54. . Bát bún thang bà làm bưng ra nóng hổi, thơm phưng phức. Bún không mềm quá, không dai quá, vừa phải. Thịt gà xé phay lẫn với giò nạc cắt mỏng. Điểm thêm trứng tráng cắt dài vàng óng. lẫn với những lá thơm xanh đậm. Một vài chú tôm khô nằm rải rác. Rồi một lô những đĩa nhỏ xíu bày bên cạnh. Củ cải phơi khô, dầm cắt mỏng, mằn mặn, ngọt ngào, nhai vào sần sật . Nuốt miếng bún thang phải có chút củ cải khô dầm nước mắm mới đúng kiểu. Một đĩa nhỏ khác là mắm tôm. Tôi không ăn được mắm tôm, nhưng nhiều người ăn không có món này không được. 

Rồi sau cùng ăn bún thang phải có cà cuống. Nếu đúng là cà cuống nguyên chất, chỉ cần dúng đầu tăm vào lọ cà cuống rồi khuấy trong tô bún thang là đủ thơm đúng vị. Bây giờ không còn món này nguyên chất vì nghe đâu cà cuống tại Việt Nam đã tuyệt chủng. Chỉ còn cà cuống nhân tạo Thái Lan làm là những chất hóa học, tôi không muốn đụng đến. Thà không có còn hơn. Nhưng bún thang thiếu cà cuống đã mất đi 50% hương vị của món Bắc Kỳ chính cống này. Thật là đáng tiếc biết bao!

Ăn xong bún thang Mỹ Hương, dạo một vòng phố Hoà Bình, ngắm các nàng thiếu nữ Đà Lạt xinh như mộng, má đỏ như trái đào, môi hồng mời mọc, đẹp như mơ! Rồi thả bộ xuống dốc, đi vòng quanh hồ Xuân Hương, vào Thủy Tạ uống ly cà phê nóng. Cuộc đời sao đẹp tuyệt vời như chuyện thần tiên! 

Biết bao giờ tôi mới được ăn lại bún thang ngon như bún thang Mỹ Hương của Đà Lạt! Và chợt nghĩ ra rằng. Nếu có ai trên cõi đời này làm được bát bún thang thần diệu như thuở ngày xưa tôi đã được thưởng thức. Thì dù có chân trời góc biển, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua, tôi cũng sẽ xin tìm đến ngay cho bằng được! Để xin một lần! Rồi thôi!
#16
    frank 29.08.2014 04:24:40 (permalink)
     
    Schadenfreude
     
    Tôi có anh bạn mắc chứng Schadenfreude nặng! Tôi mới biết từ ngữ này khoảng vài năm nay, nhưng thấy chữ này hay vô cùng. Schadenfreude là tiếng Đức, có nghĩa mình cảm thấy vui, hạnh phúc, trước những bất hạnh của người khác! Dân Đức có vẻ nặng về triết học, tâm lý, các triết gia, tâm lý gia nặng ký thấy toàn là dân gốc Đức!, nên dùng hai chữ Schaden có nghĩa tai họa và freude có nghĩa vui sướng, ghép lại để diễn tả tâm tính của những kẻ xấu bụng này! Schadenfreude không có chữ Anh dịch ra được nên dân Mỹ thích nói chữ thuổng luôn tiếng Đức này thành tiếng Anh, lâu lâu dùng để lòe người khác!

    Schadenfreude là phản ứng thường, có lẽ là tự nhiên của con người. Kẻ nào ta ghét, hay ganh tỵ vì kẻ đó hơn mình, gặp chuyện không may, như khánh tận, mất hết tiền bạc, vợ bỏ, con cái hút sách, bị đụng xe, làm bậy phải ra tòa, bị stroke, ung thư...tự nhiên ta thấy vui hẳn lên. Đáng đời! Cho mày chết! Ai biểu cứ vác cái mặt kên kên! Cũng thế xem TV thấy toàn chuyện bắn giết, chuyện scandal, xấu xa của kẻ khác, lý do là vì người xem thích những chuyện này! Chuyện cháy nhà, thảm họa, lụt lội, tornado kinh khủng, TV chiếu đi chiếu lại vì được rating cao, bao nhiêu người xem. Ngồi ăn cơm, an bình, thoải mái, rồi rung đùi xem người khác bị tai ương. Lâu lâu chép miệng một chút để lương tâm đỡ cắn rứt là có niềm khoái lạc schadenfeude khi thấy người khác khổ: "Tội quá nhỉ!" Rồi chăm chú xem tiếp, thấy mình sung sướng vì không bị như vậy!

    Đàn bà đỡ bị chứng Schadenfreude hơn đàn ông! Hình như empathy, lòng thương xót, nghịch lại với schadenfreude, chỉ đàn bà mới có khả năng này. Mấy anh đàn ông xấu xa, có khuynh hướng đánh lộn, giải quyết cái gì cũng bằng vũ lực, nhìn đời bằng cặp mắt đen xì xì nên hay bị schadenfreude nặng! Khoa học cũng chứng minh điều này rõ ràng. Làm brain scan mấy anh này, cho mấy ảnh xem chuyện xấu, đau khổ của mấy người ảnh ghét, ganh tức, tự nhiên thấy trung tâm trong óc về khoái lạc gọi là ventral striatum của mấy ảnh sáng rực hẳn lên! Rồi kích thích tố oxytocin, cũng là loại về vui vẻ, khoan khoái của mấy ảnh tiết ra ào ào. Càng chuyện khổ cho mấy tên ảnh ghét, càng thấy mấy khu vực về khoái lạc rực sáng như đèn xe hơi, oxytocin ra nhiều như suối chảy!
    Anh bạn của tôi bị schadenfreude rất nặng. Trước kia tôi chưa biết chữ này nên không để ý lắm. Nhưng khi đọc thêm về đề tài này mới nghiệm ra là anh bạn bị loại này y chang! Như khi nghe tin người bạn nào vừa qua đời, nhất là trẻ tuổi hơn anh, anh thốt lên: "Ồ! Thấy mình sướng thật! Nó trẻ hơn mà đã đi rồi!". Không hề nhắc đến chuyện anh bạn kia qua đời để lại vợ trẻ, con thơ! Chỉ nghĩ đến chuyện mình sướng. Vì vẫn đang sống!
    Anh bạn bị schadenfreude cũng thích gossip loại nặng! Anh tự hào là có chuyện gì anh cũng biết, sớm sủa hơn mọi người khác! Nhất là những chuyện người này người kia bị vợ bỏ, gia đình tan hoang, con cái lêu lổng! Hay có ai bị bankrupt, thất nghiệp, mất nhà mất cửa, anh vui như tết, kể chuyện hào hứng, gossip không ngừng!

    Lâu ngày tôi không gặp anh. Rồi một ngày gặp lại, anh than: "Moa mới bị accident nặng lắm! Tưởng chết! Nhưng toa biết không! Lúc moa nằm nửa tỉnh nửa mê, nghĩ rằng mình sắp đi đứt, vừa buồn vừa sợ. Nhưng moa nghĩ lại: "Chết rồi! Mình bây giờ mà tịch, nhiều thằng ghét mình từ trước đến giờ, chúng nó sẽ sướng lắm! Chúng nó sẽ cười. Cho chết! Đáng đời Cáo phó sẽ chỉ được đề là hưởng dương, không được gọi là hưởng thọ! Chết như vậy cho đáng kiếp! Moa nghĩ đến đây, thấy giận điên lên. Không được, phải sống để cho bọn khốn nạn đó chúng nó thất vọng! Thấ là moa chống đối với ý tưởng buông xuôi, moa vật lộn với thần chết! Bác sĩ bảo moa là có ý chí ham sống mạnh lắm, nhờ thế mà họ cứu được!"

    Tôi nghe xong thấy phục anh bạn vô cùng! Hóa ra anh bạn tôi bị schadenfreude nặng. Nhưng anh biết mình biết người. Mấy tên bạn khốn nạn của anh bị schadenfreude còn nặng hơn! Và chỉ vì ý thức được điều đó mới giúp được anh bạn phấn đấu, chống lại thần chết. Và nhờ đó anh mới qua khỏi được hiểm nghèo. Và tiếp tục sống đến ngày hôm nay! Để xem những tên bạn khốn nạn kia lần lượt ra đi trước mình! Rồi rung đùi khoan khoái: "Tội cho chúng nó quá nhỉ!!!"
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 29.08.2014 04:35:28 bởi frank >
    #17
      frank 01.09.2014 22:27:43 (permalink)
       
      Boléro
       
      Hồi mới về ở thành phố này, tôi hay đi party ở nhà các người quen. Cũng đã lâu lắm rồi, dạo đó bắt đầu có phong trào văn nghệ hát hỏng tài tử. Chưa có karaoke, nên tổ chức văn nghệ ở nhà phải thuê ban nhạc. Lúc đó chưa có keyboard tối tân như bây giờ, hiện nay chỉ cần một người chơi kiểu one-man's band, nếu điệu nghệ có thể hay như cả một ban nhạc hòa tấu. Ban nhạc tài tử ngày xưa thường chỉ có một tay lead guitar, một tay đệm, một người giữ base rồi một tay trống. Nhạc đánh một đàng, người hát một nẻo, nhưng ai cũng mặc kệ, miễn vui là được rồi!

      Lần đó, người tổ chức mướn một ban nhạc quá tệ, chắc mới bắt đầu ra quân. Tôi lại gần xem ban nhạc chơi ra sao. Thấy tay lead đang hò hét mấy tên đàn em:

      "Mày bấm sai rồi, nhích xuống một chút, một chút nữa. OK! Bây giờ mới đúng là gamme La . Giữ nguyên nó nghe mầy!". 

      Rồi thấy hắn hò tay đánh trống: 

      "Đánh điệu Boléro, chậm chậm một chút" 

      Tay trống hỏi: 

      "Cái gì? Bô lê rô chơi làm sao mày!"

      Tay lead:

      "Đồ ngu! Mày đánh kiểu Bố Con Lệ Rỗ chứ làm sao! Chát...Chùm Chùm...Chát..Chùm! Nhớ chưa!"

      Tay trống cười:

      "Rồi! Nhớ rồi! Mày nói Bố Con Lệ Rỗ tao mới biết, cái gì mà Boléro ai biết đâu!"

      Tay lead phán:

      "Chị Liên hát Chiệng tình goa thiêng lý, không biết tông nào, La minưa hay La madưa, đánh đại đi, không trúng sửa sau nghe chúng mày! Chị Liên sửa soạn đi! Ban nhạc dzô nghe!"

      Thế là ban nhạc nhào dzô đánh tứ tung. Tôi nghe chán quá, định bỏ đi. Bỗng nghe tiếng nói sau lưng:

      "Chơi thế này mà cũng lập ban nhạc!"

      Quay lại, tôi nhận ra ngay một người bạn học cùng lớp ngày xưa. Đã mấy chục năm không gặp, nhưng nghe tiếng cười tôi biết ngay là bạn cũ. Anh học cùng lớp nhưng hơn tôi đến 4 hay 5 tuổi. Thời đi học, anh bạn đã là tay chơi. Những năm đó có phong trào nhạc trẻ, anh bạn đã lập ra ban nhạc lấy tên là Black Caps, một trong những ban nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn. Tôi vốn thán phục anh bạn vì học giỏi, lúc nào cũng đầu lớp, lại chơi đàn giỏi. 

      Hồi đó chúng tôi học trường thầy dòng. Mấy ông frères lắm tiền có khu trang trại nghỉ mát ở Thị Nghè, sát bờ sông. Chúng tôi lâu lâu cả lớp được đi picnic ở khu này, thích vô cùng. Được tắm sông, chơi nhiều trò chơi thú vị. Buổi chiều cả lớp ra ngồi hóng mát ở một căn chòi ngay trên sông, gió mát lồng lộng. Anh bạn mang theo cây đàn guitar, ôm đàn hát cho cả lớp nghe. Anh hát hay, hát những bản nhạc Pháp như Aline, Histoire d'un amour. Rồi hát sang nhạc Việt "Tôi đi giữa hoàng hôn" của Văn Phụng. Cả lớp vừa nằm vừa ngồi nghe bạn mình hát, thích thú, khoan khoái, thấy đời sống thần tiên thật!

      Rồi bỗng dưng hai năm cuối trước khi lên Đại Học, anh bạn bỏ hẳn chuyện văn nghệ, đàn địch. Anh chăm chú học hành, theo ngành luật, ra luật sư. Tôi không gặp lại anh từ những năm hồi còn học Đại Học, cho đến ngày hôm nay, trên đất Mỹ, ở thành phố này, mới gặp được người bạn xưa cũ. Hỏi thăm nhau đủ mọi chuyện, sau cùng tôi hỏi anh sao lại bỏ chuyện chơi nhạc. Anh trả lời:

      " Bao nhiêu năm rồi moa không kể cho ai. Nhưng hôm nay mình gặp lại nhau để moa cho toa biết mọi chuyện. Toa nhớ hồi lớp mình đi chơi ở Thị Nghè về, thằng Sơn đòi theo moa học đàn, chơi ban nhạc."


      Tôi ngắt lời anh bạn:

      "Sơn nào? Cả lớp mình chỉ có một thằng tên Sơn. Nó bị đau màng óc chết. Cả lớp đi đưa đám nó mà!"

      Anh bạn lắc đầu:

      "Các toa không biết, nhà nó dấu kín. Sơn nó tự tử chết! Để moa kể nốt! Sơn đi chơi với ban nhạc của moa. Nó mê con ca sĩ của ban nhạc. Mê như chưa bao giờ có ai mê như vậy. Con này ngang ngược. Không thích gì thằng Sơn, nhưng để nó tưởng bở, theo để hầu hạ, sai bảo. Rồi đến khi nó có kép mới, đá thằng Sơn tàn nhẫn! Sơn bỏ ăn bỏ học. Rồi nó bị depressed nặng, tự tử chết!
      Ngày moa đi đưa đám, lúc hạ huyệt moa thề với vong hồn nó. Là moa sẽ bỏ chơi đàn, không bao giờ sờ đến cây đàn guitar nữa!"

      Anh bạn ngậm ngùi nói tiếp:

      "Toa biết không? Cuộc đời có những chuyện không bao giờ ngờ được. Giả sử lần mình đi chơi Thị Nghè năm đó, thằng Sơn không đi. Hay moa không mang cây đàn đi để chơi cho các bạn trong lớp nghe. Hay Sơn nó năn nỉ mà moa không dạy nó đàn, cho nó đi theo ban nhạc. Để nó không bị mê muội, rồi tự tử chết chỉ vì thất tình. Moa suốt đời ân hận vì chuyện thằng Sơn. Không bao giờ quên được. Nên bao nhiêu lần thèm chơi đàn mà đụng đến cây guitar lại nhớ đến nó và lời thề năm xưa. Rồi bỏ cây đàn xuống! Hôm nay cũng vậy! Thấy bọn ban nhạc chơi dở quá, muốn lên chơi giúp chúng nó để party khỏi bể. Mà cũng phải thôi! Cuộc đời như thế đó toa ơi! Cũng chẳng làm thế nào khác hơn được toa à!"
      #18
        Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 18 trên tổng số 18 bài trong đề mục
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9