Chán Như Cơm Nếp
Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng cao nguyên, mưa gió lạnh lùng vào tháng Chín, tháng Mười hay Mười Một, có khi mưa dài lê thê cả tuần... Ngồi trong nhà nhìn trời mưa gió, tìm hết sách này sang sách khác đọc cho hết giờ, thay vì ngồi ngáp dài như những lúc ngồi nghe chuyện người ta kể đi kể lại ngày này qua ngày khác chỉ loanh quanh bằng đó chuyện chán như cơm nếp khi ngồi bó chân trong nhà. Cơm nếp vừa thơm vừa dẻo, ăn nhiều chất bổ dưỡng no rất lâu không cần thức ăn, rau cỏ bầu bí thịt thà gì cho ngon miệng, thực phẩm chính của các dân tộc vùng cao hay Lào, nhưng ăn hoài cũng ngấy lắm, như nguời Việt tha hương ở Âu châu, hay Mỹ xơi bánh mì hoài cũng ớn .
Hôm nay, trời cũng mưa lê thê ở California, mấy ông bà kéo tới nhà nhậu nhẹt, uống cà phê ngồi tán phét . Có khi trong lòng tôi lầm bầm rủa thầm, họ là cái rớt gì mà tôi phải ngồi chăm chú lắng nghe những chuyện bá vơ, những chuyện ngày xửa ngày xưa họ làm chức này chức nọ, làm cái này cái kia không bằng chứng nào cả, những chuyện làm phúc, chuyện từ thiện mà trong thực tế mà tôi thấy chỉ là vẽ vời lấy tiếng, lấy tiền công chúng đóng góp vào làm của mình hoặc lấy tiếng riêng cho mình kiểu ông bà tổ tiên mình gọi " Của người bồ tát của mình lạt buộc!" Nhà của người khác thì cứ xúi bán đại được đồng nào hay đồng nấy hay vứt của chạy lấy người khi không phải như vậy còn mấy thứ đồ vứt bỏ của mình đem ra sân bán ki cóp từng xu, trông đến nực cười ...
Vớ vẩn thật, đúng là đã đến lúc thật chán chường, sự chán chường hiện ra cả trên khuôn mặt! Tôi phải câm nín mãi sao? Một bà già mặt mày không còn chút nhan sắc treo quanh nhà những phông hình lớn phóng ra từ những hình thời bà còn trẻ đã được thẩm mỹ hoá qua kỹ thuật hiện đại của photoshop cứ lúc nào cũng mỹ nhân cứu anh hùng mạt lộ, mà thực ra xưa nay chỉ ngồi nhà lãnh tiền già, tiền bệnh SSI ở Hoa Kỳ . Nói ra thì, thiện tai, ác khẩu ... Xú nhân hại anh hùng thì có! Chỉ được cái miệng thôi, chứ chẳng có tâm lòng gì . Bà chi mong vài ba năm nữa khi bà đủ bảy năm hợp thức hoá vợ chồng hoặc, ác khẩu nói bây. chẳng may ông nhà bà mất đi lại là số hên độc đắc của bà, bà được số tiền bảo hiểm nhân thọ mà bà từng khoe bạc triệu theo chính sách bảo hiểm ô dù (Umbrella life policy ) . Bà tha hồ mặc áo gấm về làng vinh qui bái tổ, xâm xoe nói tiếng Anh theo giọng Hà Tĩnh, " anh lít mô, tôi biệt cắc! " Tội nghiệp ông lão Mỹ nghe chẳng hiểu gì cứ gật gù gút gút ( Good! good! ) tháng nào tháng nấy cứ chi hết tiền hưu của ông cho bà! Nghe nói bà ép ông làm giấy hôn thú với bà một cách vội vã vì mấy con ông định đưa ông vào nhà dưỡng lão để có bác sỹ y tá coi sóc hằng ngày. Mỹ nhân cứu anh hùng, chao ơi trào phúng lạ!
Thật ra tôi thấy ở viện đưỡng lão cũng có nhiều điều hay điều dở, những người già cùng lứa tuổi được gần gũi chia sẻ với nhau những buồn vui cuộc sống, nhưng đôi lúc trông họ cô đơn đến não nùng khi họ lẩn thẩn nói lẩm bẩm một mình hay gào thét đến chẳng ai nghe . Nếu giả như phối hoà được viện dưỡng lão và người thân hằng tuần chia nhau thăm viếng thì lý tưởng vô cùng, chứ cả ngày nhìn bốn bức tường trắng lạnh căm thì không bệnh cũng có ngày nhuốm bệnh thôi, chẳng thuốc nào chữa được bệnh chán nản thất vọng, mà ở nhà đâu có bác sĩ hay y tá hay điều dưỡng viên chuyên môn để nấu nướng cho mỗi người ...
Thức đêm mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng ngay ác hiền ... Ông bà xưa ví von sao mà đúng ghê đúng gớm chẳng sai chút nào . Người ta miệng niệm nam mô mà trong dạ độc cả bồ dao găm, chơi nhau sát ván, chẳng nhân nhượng xót thương gì cả, chặt ai được thì chặt không tha ai ... Vừa mới gặp là đòi kết bạn, kết nghĩa anh em, mẹ con, chú cháu, rồi tuỳ lúc đổi thay, quay mặt làm ngơ hay nói hành nói tỏi, diệt nhau tới cùng ... Không khác chi cuộc chiến đấu để sống còn của các loài vô tri giác không văn hoá, giáo dục ... Thật đúng là kẻ nội thù hiểm nguy còn hơn đối phương bên ngoài, khác nào chuyện phản gián đầu tiên cổ xưa thời An Dương Vương mất nước.
Chuyện kể rằng An Dương Vương được thần Kim Quy ban cho chiếc nỏ thần để giữ vững thành Cổ Loa chống lại kẻ ngoại xâm . Bao nhiêu lần Triệu Đà đưa quân xâm lấn đều bị thất bại nên Triệu Đà sai con là Trọng Thuỷ kết thân và cầu hôn cưới Mỵ Châu, nàng công chúa xinh đẹp, con gái yêu của An Dương Vương. Tin chồng, Mỵ Châu đem nỏ thần do thần Kim Quy tặng kể hết cho chồng. Trọng Thuỷ báo tin bí mật quốc phòng cho Triệu Đà . Triệu Đà gian manh sai người làm nỏ giả theo mẫu để Trọng Thuỷ kín đáo đem về Cổ Loa tráo đổi ... Triệu Đà lấy được nỏ thần lập tức xua quân lấn chiếm Âu Lạc, An Dương Vương ỷ y có nỏ thần không phòng bị nên mất Loa thành đem Mỵ Châu chạy trốn. Mỵ Châu vắt lông ngỗng trên áo dạ của mình rắc trên đường để ám hiệu cho Trọng Thuỷ dẫn quân tìm theo . Cùng đường túng thế, An Dương Vương khấn cầu thần Kim Quy cứu giúp lúc nguy nan . Thần Kim Quy hiện ra, bảo: "Giặc ngồi sau lưng vua đấy!" An Dương Vương tỉnh ngộ không ngờ con gái yêu đã làm hại cả cơ nghiệp nhà Hùng, tức giận rút gươm giết Mỵ Châu rồi nhảy xuống biển tự trầm. Thần Kim Quy rẽ nước đưa An Dương Vương đi mất, không biết về đâu...
Có bao giờ An Dương Vương cũng lưu lạc tha hương như cháu con Tiên Rồng bây giờ ở năm châu bốn biển các nơi trên thế giới không? Có khi nào thần Kim Quy linh hiển đưa An Dương Vương cùng cháu con Âu Lạc khắp nơi về xây lại Cổ Loa chống lại giặc trong thù ngoài?
Nguyên Đỗ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.09.2014 22:35:34 bởi Nguyên Đỗ >