VĂN HÓA ỨNG XỬ
Hồi đó, mẹ tôi dạy chúng tôi rất kỹ về văn hóa ứng xử dù mẹ chỉ là một nông dân chính thống và chỉ học tới lớp năm trường làng.
Có một lần tôi bị rầy oan. Nhưng tôi chẳng hề buồn mà còn biết ơn mẹ bởi mẹ đã dạy dỗ chúng tôi đến nơi đến chốn về cách ứng xử tối thiểu khi có khách đến thăm nhà.
Chuyện xảy ra khi tôi mới mười hai tuổi. Hôm đó có một người bạn của ba ghé chơi nhà. Ngoài tôi ra, các chị em khác đều vắng nhà. Vì là bạn lâu năm mới gặp nhau, ba tôi tay bắt mặt mừng với bác ấy. Mẹ tôi từ nhà bếp lên, thấy tôi đứng trân người ra mà chẳng thấy tôi chào hỏi gì vị khách đó, mẹ lườm tôi một cái, mắt sắt như lá lúa. ( Thực ra, tôi đã định chào khách nhưng không biết xưng hô như thế nào nên còn lưỡng lự.) Mẹ bảo tôi xuống dưới nhà rót nước mời khách. Rồi mẹ quay qua trò chuyện với khách rất vui vẻ. Ba mẹ tôi nổi tiếng là người hiếu khách, bạn bè, họ hàng rất thích ghé thăm. Ba tuy hiền, ít nói nhưng thật thà. Mẹ thông minh, nhạy bén, vui vẻ và có khiếu ăn nói. Chúng tôi ít nhiều cũng tiếp thu được cách ứng xử của ba mẹ trong giao tiếp hàng ngày đủ để người khác cho rằng chúng tôi có giáo dục.
Sau khi khách ra về, mẹ kêu tôi lại, mắng cho một trận. Tôi chẳng phân bua, cuối đầu nhận lỗi. Mẹ bảo:
_ Lần sau, ai đến chơi nhà, con phải ra chào hỏi đàng hoàng. Người quen, chào hỏi theo vai vế. Còn người mà con chưa biết xưng hô như thế nào thì hãy nhìn vào người đó mà gọi cho phù hợp. Đáng tuổi chú thì gọi chú, đáng tuổi dì thì gọi là dì.... mẹ mà thấy con một lần nữa như thế, mẹ sẽ phạt con đó....
À, sau khi chào hỏi xong, con rót mời khách... Khi ba mẹ nói chuyện với khách, con đừng đứng nghe và nhất là đừng nói leo, xen vào chuyện của người lớn, con nhớ không?
_ Dạ, con nhớ rồi. Con không dám như thế nữa.
Từ đó về sau ...cho đến bây giờ, tôi luôn làm theo lời mẹ tôi dạy. Và dạy cho con cháu tôi cách ứng xử như vậy.
Mẹ tôi còn dạy chúng tôi biết kính trên nhường dưới, biết lễ nghĩa ở đời, biết ơn người giúp mình và báo đáp lại khi có thể. Mẹ dạy biết thương người cùng khổ, cơ nhỡ, đừng bao giờ khinh khi người không có điều kiện như mình. Biết sẻ chia, san sớt cái mình có cho người kém may mắn hơn mình.
Mẹ tôi - một người ít học nhưng được giáo dục chuẩn mực từ gia đình, rút tỉa, chiêm nghiệm những điều tốt trong cuộc sống. Chúng tôi tự hào vì đã được sinh ra và lớn lên trong gia đình còn giữ được văn hóa ứng xử truyền thống như vậy.
Văn hóa ứng xử - ai cũng biết, không phân biệt già, trẻ.... học vấn cao hay thất học. Đừng đổ lỗi vì... không được học mà... ngụy biện cho lỗi của mình.
Đơn cử một ví dụ như vầy :
Một buổi sáng, tôi cùng chị bạn đạp xe về sau khi tập thể dục. Trên đường, chúng tôi gặp một em bán vé số khiếm thị. Em vô tình đụng tay vào cổ xe chị bạn. Xe chị nghiêng, chạm vào xe tôi. Chúng tôi xuýt ngã lăn ra đường. Nghe tiếng rầm , chú bé biết điều gì đang xảy ra vội xin lỗi :
_ Cô có sao không? Cho con xin lỗi.
Tôi vội đáp:
_ Không sao đâu con.
Tôi nghe mát dạ. Một đứa trẻ khiếm thị, bán vé số thì có thể học được đến đâu ? Để có được tiếng hỏi thăm và lời xin lỗi thì bé trai đó học ở đâu? Gia đình hay trường đời?
Từ đó, tôi cảm thấy buồn cho những người học vấn cao mà một lời chào cũng khó thốt ra. Còn gì đau xót hơn khi họ thốt ra những lời....đan mạch... đối với người thân, họ hàng. Riết rồi họ hàng xem nhau như người dưng, gặp - phớt lờ không quen biết, lời nói không chuẩn mực.
Văn hóa ứng xử của người Việt rất đẹp, dần dà bị mai một. Lời chào, xin lỗi, cảm ơn... liệu có dần vào quên lãng? Trường dạy văn hóa, rèn luyện con người? Gia đình là nền tảng đạo đức của xã hội? Trường đời là nơi sản sinh ra những con người có kỹ năng sống tốt? Tôi đang nghi ngờ về những điều đó bởi thực tế ít nghe lời chào, lời xin lỗi, cảm ơn....
PEARL