Cảm Ơn Mùa Thu

Tác giả Bài
PEARL
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.10.2010
  • Nơi: TP HCM
Cảm Ơn Mùa Thu - 16.09.2014 03:30:19
Cảm Ơn Mùa Thu
 
                   Lặng ngắm bầu trời trong xanh qua khung cửa sổ lênh loang nắng . Cảm được hơi mát của cơn gió tràn trề , mơn trớn , dịu làn da. Ngoài kia , những chiếc lá nhuộm vàng một góc sân . Trên cành , chồi non he hé . Cây cao su đầu ngõ chao nghiêng , thả từng chùm trái xuống chạm đất . Tiếng hạt cao su tách ra khỏi vỏ  nghe  lốp bốp,  vui tai . Cũng chính là lúc tôi cảm nhận mùa thu có mặt đâu đây .
                 Tôi nghe lòng lâng lâng . Cái cảm giác khó tả , thân quen mà năm nào tôi cũng nếm trải chợt ùa về . Có lẽ thu  là mùa lãng mạn nhất trong năm . Từ giã cái nắng hong hanh , chia tay với tiếng ve ra rả , cánh phượng rực cháy cành . Bỏ lại sau lưng những ngày hè ướp lệ , đỏng đảnh cơn mưa chiều . Không gian  khoác chiếc áo voan vàng lá rũ . Tuyệt vời thay khoảnh khắc giao mùa : chầm chậm , lờ mờ như người con gái vừa tắm táp, trong lành mà rạng rỡ .
                 Thu gắn bó với tôi qua từng kỷ niệm . Nhẹ nhón đôi chân trần dạo chơi trong vườn , tôi cảm nhận được đất khẽ cựa mình chuyển đổi : âm ấm , nồng nồng . Ngồi dưới bóng cây râm mát , dạo khúc nhạc vu vơ , tưởng chừng từng nốt  bay lên , hòa vào khoảng không bao la , xanh vời vợi , lẫn vào trong gió   vi vu thật tuyệt . Tôi ngã mình trên thảm lá vàng khô . Nhắm mắt lại , lắng nghe từng chiếc lá trở mình , bỗng thấy lòng bình yên lạ ! Tạm quên  mọi toan tính đời thường , tôi lặng đi ,  tận hưởng hương mùa thu lảng đãng . Này  là hương Chanh thoang thoảng . Kia Ngọc lan sực nức mùi . Phong lan  lúng liếng vươn cao , khoe sắc . Nhớ lại ngày nao ôm sách vở ra vườn ôn thi , mắc võng nằm tòng teng dưới gốc xoan , miệng nhẩm bài , chân di di mặt đất . Cái cảm giác bềnh bồng như đi trên mây đưa tôi vào giấc ngủ thiu thiu . Cho đến khi một giọt mưa thu đọng trên môi ngòn ngọt , mát rượi , tôi mới giật mình tỉnh giấc , nhìn quanh ,đỏ mặt , sợ có ai bắt gặp .
                   Ngày ba tôi ra đi vĩnh viễn lại đúng vào mùa thu ảm đạm . Cơn mưa phùn đã tiễn ba về cõi vô thường . Tôi đau đớn như bị cắt đi phần xương thịt của mình . Tôi đã từng tự nhủ lòng : Nếu có thể đánh đổi tuổi thọ của tôi để ba  được sống  thêm vài giây nữa tôi cũng cam lòng . Nhưng thu dường như không biết được điều đó ,  vô tình mang ba đi xa . Thu năm ấy đối với tôi dài hơn thế kỷ .
                  Thu nay lại về theo đúng quy luật của thiên nhiên giữa niềm vui và nỗi buồn đan xen . Tôi muốn nói thật nhiều với những người thân yêu của tôi niềm khát khao cháy bỏng , nỗi trăn trở , sự đa đoan . Nhưng hình như thu  dịu dàng , quyến rũ đủ để lòng tôi mềm ra , sẵn sàng gác lại những băn khoăn về cuộc sống muôn màu , để tận hưởng tinh hoa của mùa thu mộng . Tôi thấy mình đáng sống hơn , yêu cuộc đời này hơn bao giờ hết . Và tôi thì thầm : cảm ơn mùa thu .

 
PEARL               

<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.09.2014 03:44:31 bởi PEARL >

PEARL
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.10.2010
  • Nơi: TP HCM
Ông Lẫy - 24.09.2014 03:44:00
Ông Lẫy
 

        Ông Lẫy .  Mọi người đều gọi ông như thế bất luận già hay trẻ trong khu phố tôi đang sống  ai ai cũng quen với cái dáng gầy gò , khọm nhom của ông .
               Hồi đó , tôi còn là một thiếu niên , ông đã ngoài ba mươi . Nhưng trí não ông chậm phát triển , chỉ như trẻ lên mười . Suốt ngày , ông lẩn quẩn quanh nhà , nhặt rau , nấu tấm heo , cho má ông chạy chợ . Hôm nào trời nắng gắt , miệng ông " phun mưa " phèo phèo . Bắt chước điệu bộ tài xế mô tô , ông khuỳnh hai tay ra , lạng qua lạng lại trên đường . Cả đám con nít chạy theo sau ông chế nhạo : " Liêu liêu ông Lẫy ...hahaha " Càng nhận được sự " cổ vũ " của bọn nhỏ , ông càng thích chí , chạy càng nhanh . Bỗng " phựt " Ông vấp ngã . Bọn nhỏ cười ồ , xúm nhau đứng thành vòng tròn , vây quanh ông . Chúng vỗ tay reo hò . Lúc đó mặt ông méo xệch , dần chuyển sang hồng , mắt long lên .Bọn nhỏ hoảng sợ , chạy tán loạn . Còn ông lồm cồm ngồi dậy , tay chân rớm máu .
           Rồi năm tháng cứ trôi ...Tuổi đời tăng thêm nhưng trí não của ông vẫn vậy . Đã ngoài năm mươi , ông không hề biết đến mùi đàn bà . Ông cô độc . Suốt ngày ông làm bạn với chiếc giỏ bàng rách mướt . Gặp tôi , ông xòe bàn tay gầy guộc ra :" Cô giáo , cho năm ngàn đi ! " Lúc nào ông cũng xin đúng có năm ngàn đồng .Cho ít hơn ông cũng không buồn . Cho nhiều hơn ông vẫn không vui . Ông hay nói :" bao nhiêu đây , đủ uống cà phe rồi ...." Tôi nhìn ông ái ngại ...
           Tuy là một giáo viên , nhưng thú thật , tôi không thể sống nổi bằng chính đồng lương của mình . Cũng như các đồng nghiệp khác dạy môn tiếng anh , tôi phải " cày " ngày lẫn đêm . Thời gian luôn là thứ xa xỉ nếu tôi phung phí . Nên công việc nhà tôi thường bê trễ . Thậm chí cỏ mọc đầy ngõ tôi cũng không có thời gian để nhổ . Ông _ người thường xuyên làm chuyện đó thay tôi , mân mê từng gốc cỏ và nhổ một cách kỹ lưỡng .  Làm xong , ông ngồi trước cổng nhà chờ tôi đi dạy về . Tôi biết ý ông không hề mặc cả . Tôi cũng trả công ông rất hậu hĩnh _ Chủ yếu giúp cho ông là chính . Ông cười một cách ngây ngô nhưng lời lẽ của ông không ngờ nghệch chút nào : " Cảm ơn cô giáo . Bao nhiêu đây đủ uống một ly cà phe ....ăn một tô hủ tiếu ...no rồi hén ! "
                  Trong khu phố , nhà nào có tang lễ , nhà đó có mặt ông . Ông chạy lăng xăng . Lúc lau bàn , khi quét nhà , ông làm mọi thứ . Cô bác lớn tuổi thường rĩ tai nhau : "Dại như thằng Lẫy mà sống như bát nước đầy còn hơn khối thằng khôn mà quên hết mọi nghĩa tình ..." 

               Và thật tình cờ , tôi  chứng kiến một cảnh khiến tôi vô cùng phẫn nộ . Số là ở khu phố tôi sống có đám tang của một bác gái . Ông Lẫy cũng theo thói quen đến đấy. Ông đang lui cui lau bàn ,dọn  ghế , rót nước mời khách . Bỗng xuất hiện  một thanh niên khoảng chừng ba mươi . Hắn ăn mặt rất sang trọng , mang kính râm . Vừa bước xuống từ chiếc xe hơi đời mới bóng lộn , hắn đi nhanh về phía ông Lẫy , miệng hét lớn thiếu điều văng bọt mép ra ngoài :  
        _ Cái ông khùng này , ai cho ông vào đây hả ?
    Rồi hắn nói với vào bên trong :
        _ Chị Tư ơi , lấy cái gì cho ông ấy ăn  , rồi chị biểu ổng đi cho khuất mắt tôi . Nhà có đám mà cho cái thứ …đồ…như vậy vào thì coi sao được .
            Người được gọi là  chị Tư hớt hải chạy ra . Tay chị bưng một bát cơm với đủ thứ đồ ăn hầm bà lằn trộn lẫn vào nhau .Tôi há hốc miệng . Trời ạ ! Ông Lẫy nãy giờ đứng lặng yên vì câu quát của gã kia , bỗng phản ứng kịch liệt :
       _ Không . Tôi không ăn đâu . Để tôi đến thắp nén nhang cho bác gái .
     _ Nè , ông ăn nhanh lên rồi đi đi , kẻo cậu chủ rầy tôi đó . Tôi năn nỉ ông mà .
 Chị Tư cố sức thuyết phục ông trong vô vọng .
        Mặc những lời van nài của chị giúp việc , mặc những ánh mắt nửa cảm thông nửa thương hại , ông Lẫy đi thẳng đến trước linh cữu của người chết , xá lạy lia lịa . Đoạn ông quay vội ra cửa ,  quáng quàng đi như chạy .Tôi nhìn theo bóng ông xiêu vẹo , khuất sau cánh cổng cao to mà nhói đau nơi lồng ngực . Cổ họng tôi khô , đăng đắng …
                 Mấy hôm nay trời nóng quá . Tôi không thấy  dáng ông đâu . Mảng cỏ trước ngõ đã mọc đầy . Đám tang nhà bên cũng vắng bóng ông . Tôi đâm lo . Ghé vào quán cốc ven đường , nghe mọi người kháo nhau , tôi mới hay sự việc . Thời tiết khắc nghiệt , ông Lẫy đã nhuốm bệnh . Bọt mép trào ra , ông co giật  và ngất lịm . May nhờ có người phát hiện sớm , đưa ông đi cấp cứu . Tối hôm đó , tôi trằn trọc mãi , thầm cầu mong sao ông chóng hết bệnh . Dù chỉ là một ông Lẫy ngây dại , nhưng ông đã vượt xa những người khôn ngoan lại vô hạnh _trong cuộc sống mà đạo đức một số  người xuống cấp trầm trọng và phẩm hạnh đôi khi được đo lường bằng tiền châu , của quế như hiện nay ...

           Thế mới biết ở đời mà xét người qua vẻ bề ngoài , quả là điều đáng tiếc !  . Ông Lẫy  điển hình cho một  lớp người tuy khiếm trí nhưng tràn đầy tình thương yêu con người . Ông mãi vô tư trong bộ óc của trẻ lên mười _ mà để lại trong lòng tôi  cũng như những ai có lương tri bao suy nghĩ … Còn lắm những cậu chủ giàu sang nhưng hợm hĩnh , chỉ biết có bản thân mình , không màng đến những mảnh đời khốn khó.
           Tôi đang miên man bao  suy nghĩ , chợt một giọng nói quen thuộc vang lên :
     _ Cô giáo ơi cho năm ngàn đi  !
          Tôi quay lại . Một cái bóng chao nghiêng trong ánh nắng chiều tà . Tôi đưa tay vào túi .
    _ Cảm ơn cô giáo nha … bao nhiêu đây đủ ăn một tô phở và uống một ly cà phe rồi hé …
          Bóng ông  ngã dài trên con đường hun hút , thênh thang .

PEARL


<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.09.2014 03:49:45 bởi PEARL >

PEARL
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.10.2010
  • Nơi: TP HCM
Hắn - 25.09.2014 01:53:37
   Hắn    
          
             Hắn vừa đi vừa la lớn . Hắn say .  Như "Chí Phèo thời hiện đại" , hắn trách cứ người đã sinh ra hắn để đời hắn khổ thế này . Mà thật ra đời hắn có khổ lắm đâu ! Ba mươi lăm tuổi , một vợ , ba con , hắn không tự lực cánh sinh vì cái thói chây lười đã bám rể trong tiềm thức . Hắn sống dựa vào người mẹ già , giàu lòng vị tha .Vậy mà hắn cứ ca cẩm , than vãn như thế những lúc hắn say .
                  Tôi biết hắn đã lâu lắm rồi khi hắn còn là cậu học trò lớp 8 hiền lành , nhút nhát . Hắn được ba mẹ gởi lên Sài Gòn học nghề thợ tiện . Lúc đầu không quen với lối sống thị thành , phồn hoa , đô hội , nhớ nhà nhiều , hắn cứ khóc miết , đòi về với mẹ . Song , vì lo cho tương lai của con sau này , ba mẹ hắn _ tức Dì Dượng Bảy sống cạnh nhà tôi _ đã cắn răng , kiềm nỗi nhớ con , động viên hắn học nghề chăm chỉ . ở quê Dì Dượng nhịn ăn , nhịn mặc , chắt nhặt từng đồng gửi lên cho hắn ăn học . Thời gian lặng lẽ trôi qua , Ba hắn qua đời .Mẹ hắn tiếp tục " thân cò lặn lội đồng xa " . Lúc nhổ cỏ mướn , khi gặt lúa thuê , ai mướn gì Dì làm nấy , làm gấp ,đôi gấp ba lần lúc Dượng còn sống để đủ tiền chu cấp cho hắn . Đến khi hắn trở thành người thợ lành nghề , tiền bạc cồm cộm trong túi , hắn đâm ra hư đốn . bao nhiêu thói hư tật  xấu đã tiêm nhiễm hắn rồi ! Hắn bắt đầu đánh đề , cờ bạc , cặp bồ với bao cô gái , cá độ , đánh bi da ...Rồi cái gì đến cũng đến . Hắn như con thiêu thân lao vào con đường nghiện ngập . Cái giá phải trả của hắn là năm năm trong trung tâm cai nghiện Bình Triệu . Trở về nhà , hắn lâm vào cảnh thất nghiệp . Tôi những tưởng hắn hồi tâm , chuyển ý , biết lo làm ăn và chăm sóc mẹ già . Ai có ngờ đâu vào một buồi trưa hè oi ả , hắn dắt về nhà một cô gái với bầu thai sáu tháng , bắt Dì phải công nhận là dâu . Khổ thân Dì đã nghèo , còn phải cưu mang thêm hai vợ chồng hắn . Nét thanh xuân của người phụ nữ đẹp nhất nhì trong xóm  nay đã tàn phai theo bao đêm thức trắng , lo cho con . Giờ chỉ còn lại những vết hằn sâu nơi khóe mắt , cánh mũi và quanh cái miệng móm mém trơ xương . Trông Dì già hơn tuổi lục tuần , xanh xao , ốm yếu . Nhưng ở Dì toát ra cái bản lĩnh bẩm sinh vốn có ở các phụ nữ giàu nghị lực .Đặc biệt tôi tìm thấy ở Dì một lòng vị tha , thương con vô bờ bến . Dì thường ngồi hàng giờ khuyên hắn những đạo lý ở đời . Nước mắt Dì rơi hắn cũng thấy mủi lòng . Nhưng chứng nào tật ấy , hắn vẫn thế . Nhớ lại chuyện cách đây vài tháng , hắn đánh đề , cờ bạc mắc nợ đến vài trăm triệu . Dì phải bán rẻ sào ruộng cho hắn trả nợ . Nợ cũ vừa trả xong , nợ mới lại xuất hiện . Hắn nói với Dì :" Mẹ đem sổ hồng quyền sử dụng nhà cầm cho ngân hàng , lấy tiền trả nợ giùm con . Nếu không bọn xã hội đen sẽ đánh con chết ...Mẹ ơi cứu con lần này nữa đi mẹ ." Và Dì đã cứu hắn thật . Trong thâm tâm Dì nghĩ hắn sẽ dần tỉnh ngộ sau bao lần lầm lỗi , biết chú tâm tìm việc làm , lo cho vợ , cho con . Mặc khác Dì không biết phải làm gì để có tiền trả nợ cho ngân hàng ; nếu không Dì cũng chẳng còn nơi nương thân . Tôi cũng hy vọng " cái tôi tốt " của hắn đè bẹt được những tật xấu , thức tỉnh hắn thành người con hiếu thảo , chăm lo cho người mẹ già đầy độ lượng , khoan dung .
                 Nhưng cái giọng nhè nhè , dáng đi khập khểnh của hắn cứ vang lên bên tai , đập vào mắt những người láng giềng ngày này qua ngày khác . Và hình ảnh người mẹ gầy gò , lặn lội trên cánh đồng , gặt lúa mướn , nhổ cỏ thuê vẫn còn tiếp diễn ... Tôi bỗng thấy nao lòng ! Tôi không thể nào lý giải nổi vì sao bên cạnh những tấm gương hiếu thảo biết kính yêu , chăm sóc ba mẹ già còn sót lại những đứa con hư đốn , chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình mà quên đi công ơn sinh thành , dưỡng dục của mẹ cha . Vẫn còn lẫn khuất đâu đây những số phận nghiệt ngã của các bà mẹ hết mực thương con dù đứa con đó có hư hỏng đến đâu đi nữa . Tôi chỉ thấm thía hơn một điều : Lòng mẹ bao giờ cũng khoan dung độ lượng , bao la như biển Thái Bình , hy sinh cho con đến hơi thở cuối  cùng , sẵn sàng tha thứ cho những đứa con biết nhận ra lỗi lầm và quay về nẻo chính ...
                   Mùa Euro năm nay hắn lại say . Nhưng lần này hắn nằm bẹp gí ở nhà . Thỉnh thoảng tôi lại thấy vài gã mặt mày dữ tợn ngồi đồng nơi quán nước đối diện nhà hắn . Tôi bắt gặp vẻ mặt buồn thiu , thất thểu của dì Bảy mỗi lần đi đâu đó . Hắn lại chứng nào tật ấy , đánh chết cũng không chừa ...

                   ...  Đêm nay trời đầy sao . Một ngôi sao bỗng rơi vào khoảng không bao la . Tôi nhắm mắt lại , thầm cầu mong thế giới này luôn tươi đẹp : tràn ngập những người mẹ hiền cùng những đứa con hiếu thảo ... Nếu tôi có phép mầu , tôi sẽ biến mơ ước đó thành sự thật .

PEARL
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.09.2014 02:08:33 bởi PEARL >

PEARL
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.10.2010
  • Nơi: TP HCM
Chuyện Kể Của Bác Bàng Già - 08.10.2014 01:16:40
 

Chuyện Kể Của Bác Bàng Già
( Phần mở đầu)
  
*

Xin chào các bạn gần xa

Tôi tự giới thiệu bàng già là tôi
Nắng mưa vẫn đứng trơ trơ
Giữa trời sừng sững sự đời ngẫm suy .
             
             Ố là la , các bạn đừng bảo tôi chảnh nhé ! Già nhưng chịu chơi hết ý đó nghe . Tự giới thiệu bằng thơ mới oách chứ lị ...Hihihi...
           

               Cách đây khoảng ba mươi năm
               Tách mình ra khỏi hạt trầm đất sâu
                Dậm chân rướn cổ lên cao
               Tay đầy lá thắm , ngắm sao trên trời .


           Mèm đét ơi , tôi trở thành một thanh niên thật cường tráng tự bao giờ tôi cũng không hay . Chỉ biết kể từ  đó , tôi rất thích đùa với chị gió Lào hừng hực , khiến cành lá tôi teo tóp lại như sắp cháy khô .  Bấy giờ , tôi lại ước có một cơn mưa nào đó gội xuống mái đầu già cỗi lốm đốm xanh , vàng ua úa  . Rồi thân tôi to đùng ra , xù xì . Táng lá  xòe  như cái nia khổng lồ , chụp xuống mặt đất một  mảng mát rộng lớn . Đó cũng chính là nơi dừng chân của biết bao lữ khách lỡ đường , muốn nấn ná giây lát , hít thở luồng oxy mà tôi đã tạo ra , rồi quàng oải ra đi . Vui nhất là khi  các cô cậu học trò nhí rượt bắt nhau quanh thân của tôi và cười vang , làm chấn động cả một góc trời . Thật tình , Bàng tôi thích  những buổi trưa hè , lim dim ngàn mắt biếc ngái ngủ khi dưới chân mình những câu chuyện của các vị khách cứ vang lên . Bi , hài , thượng vàng , hạ cám  , mê li , kỳ bí đều có cả...
             Bây giờ ,  Bàng tôi mạn phép các bạn , mở dấu ngoặc kép , khai bút cho loạt chuyện kể của Bàng tôi với tựa đề " KÝ ỨC TUỔI THƠ "
 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2014 01:19:38 bởi PEARL >

PEARL
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.10.2010
  • Nơi: TP HCM
Chuyện Kể Của Bác Bàng Già - 08.10.2014 01:24:25


PHẦN 1 : KÝ ỨC TUỔI THƠ


*
 
 

               Ừ ...Cũng tại ...bị ..cái tính Bàng tôi thích ngóng chuyện của người khác nên có câu chuyện này đấy các bạn  . Trưa hôm đó , Bàng tôi đang thiu thiu ngủ bỗng choàng tỉnh . Bởi ...như có ai đó dùng vật nhọn chọt vào thân nghe nhồn nhột . Bực . Ai mà trưa không cho mình ngủ vậy chứ ? Mở choàng ngàn đôi mắt tim típ , Bàng tôi vươn mình nhìn xuống ...Thì ra ...Một đám người trẻ tuổi vừa nam lẫn nữ ,đang ôm ghì lấy thân tôi , cố dùng  dao mò mẫn tìm kiếm gì  tôi cũng không rõ nữa . Giá mà tôi có thể nói được và họ có thể nghe thì tôi đã thét to lên rồi  . Kệ ! Không bàu nhàu nữa , tôi lắng nghe câu chuyện của họ .
                     _ Sao thế nhỉ ? Tớ nhớ hồi ấy tớ khắc lên chỗ này ...bây giờ mất tiêu rồi . Cô gái có cái bím rất dài nói .
                Cậu trai đeo kính  nhíu đôi mày rậm , chặc lưỡi vài lần , ra chiều tiếc rẻ :
                     _ Tớ tiếc vì không còn dấu vết của một kỷ niệm đáng nhớ ...Nhưng không sao , giờ nhóm Lục Lạc bọn mình có thể nói là thành đạt cả rồi . Chắc tại cây lớn lên ...và vỏ nó đã liền lại những vết khắc .
                  Tại tôi lớn lên ư ? _ Vừa tự vấn mình , tôi vừa quan sát nhóm thanh niên đang ngồi quây quần dưới chân tôi . Tôi cố hình dung ra từng khuôn mặt chúng cách đây mười lăm năm ........
                     Sau một hồi lục lạo trong tiềm thức của một lão Bàng già , tôi nhớ ra từng chút một , rất rõ nét .
                    À ! Cô có cái bím tóc xinh xinh ...hồi đó là một bé gái bán bánh tiêu . Đã bao lần ngồi dưới bóng mát của tôi khóc thút thít . Cảm thương cô bé bị cha ruồng bỏ , mẹ lấy chồng khác , một buổi học ở trường , buổi còn lại trôi nổi giữa dòng đời lo việc mưu sinh . Tôi rùng mình , khóc . Chẳng ngờ vì quá xúc động , lá , cành của tôi rơi lã chã xuống mâm bánh của cô . Nhìn thấy thế , cô bé càng khóc to . Tôi cảm thấy mình có lỗi nên nhắm nghiền mắt lại . Tĩnh tâm . Đang sám hối lỗi lầm mình gây ra cho cô bé , Bàng tôi bỗng nghe những bước chân chạy huỳnh huỵch , tiếng la hét của đám con trai . Bịch ...Chát ...bóc bóc ...Loạn , loạn cả rồi ! Giặc đến à ? Khiếp quá ! Tôi cố bình tâm , mở mắt ra ...nhìn xuống . Con bé co rúng người , núp phía bên này thân tôi . Còn phía bên kia ...Trời ! Một bãi chiến trường ...Cây , gậy ...Và một đống " đổ nát " . Tôi cố lắm mới nhìn ra đó là gì . Bởi nó giống như một đống giẻ rách phủ lên trên cơ thể di động của con người . Bất thình lình , các cơ thể đó tách ra rõ mồn một . Ôi , thì ra là hai cậu nhóc  ! Rồi tôi lại bị chúng tra trấn bằng những âm thanh hỗn độn .
               _ Mày là thằng không có cha , nên mẹ mày làm vợ bé cho người ta để kiếm tiền nuôi mày đấy , thằng mốc  !
              _ Im cái miệng mày lại đi , thằng bán vé số , không thì tao quánh mày sặc máu mũi bây giờ .
              _ Mày  dám không ? Tao thách ...
               Hai đứa như hai con gà nòi , mặt đỏ như gấc , tay phình ra , chân dang rộng hình chữ ngũ , đứng ở tư thế hổ sắp vồ mồi . Ồ , không phải , chỉ là võ cua hay còng gì đó thôi . Càng lúc tôi càng bị lôi cuốn vào câu chuyện của chúng :
             _ Mày không được nói xấu Mẹ tao . Chuyện nào ra chuyện ấy . Hồi sáng sao mày phá tao ?
             _ Tại mày gian dối , tao ghét ..!
     Thằng bán báo vừa nói vừa phun  nước bọt xuống đất , vô tình trúng vào chân tôi . Gớm ! Không thể chịu được , tôi hét trong vô vọng : " Đề nghị giữ vệ sinh chung ! "  bởi nó làm sao nghe được tiếng tôi nói . Tức ! Tôi lại càng muốn nghe cho hết câu chuyện .
             _ Ê , cái thằng bán báo kia , mày có hơn gì tao . Hôm nọ , mày lấy  một trăm ngàn đồng của ông già mù ...Mày nhớ không ?
             _ Tại ổng đưa tao trước và khẳng định là tờ mười ngàn , tao nói hoài ...ổng có nghe đâu ...Tại ổng , đâu phải tại tao . Còn mày thì sao ...Lấy vé số cũ , đã xổ rồi ...lừa người khác . Tội mày lớn lắm đó thằng mốc !
             _ Tao không lừa ai hết , ai kêu bà ấy không đọc kỹ ngày mở số , tự nguyện mua , tao đâu có ép ...
            Thì ra đây là  màn lừa đảo ngoạn mục của hai đứa nhỏ . Chúng lại còn lớn tiếng biện minh cho hành động sai trái của mình .  Tức tối . Tôi cố vươn mình thật mạnh , cành lá khô rơi lả tả xuống  đầu hai đứa coi như là lời cảnh cáo . Đúng là chúng lãnh đủ sự trừng phạt đó , nhưng không ngừng chì chiết .
            _ Chết tiệt cái cây bàng này , đã già , da xù xì , lại xấu nết , làm bẩn hết báo của tao rồi , làm sao mà bán  được đây ...chết này ...chết này ...
           Và tôi nhận cả một núi đấm của nó . Tôi cười nức nẻ , vì được gãy ngứa không tốn phí .
               Tôi đang tít mắt bởi cảm giác khoái chí , chợt giật mình vì tiếng la của bọn nhỏ . Định thần lại , tôi thấy cảnh tượng thật khác so với lúc đầu . Hai thằng bé đang lay lay con bé bán bánh tiêu , nằm ngất dưới chân tôi . Nước mắt , nước mũi chúng chảy ròng ròng xuống khuôn mặt đầy lo âu , sạm nâu của chúng . Sao thế nhỉ ? Tôi đâm lo , bèn lắng nghe cho rõ . Giọng thằng bán báo cằn nhằn đứa bán vé số :
                  _ Tại mày đó ...Đồ háo thắng . Nó can ...mà mày nỡ lòng nào cho nó một thoi vô mặt , nó có bề nào ...huhuhu.....má nó đang bị bệnh nữa đó ....mày ác quá ...thằng mốc !
                  _ Tao nhắm vào mày ...ai dè ....Nó là con gái mà gan quá trời . Tao ...tao...
                         Thằng bán vé số bất ngờ dừng lại ...bởi nó thấy tay con bé động đậy . Nó la  lên và hai tay xá lia xá lịa vào tôi , miệng lẩm bẩm :
                  _ Á ...nó tỉnh rồi Mốc ơi ! Cảm ơn trời phật , cảm ơn ông bà , cảm ơn thần cây Bàng ....
        Ô hay , Thằng bé này cũng lẽo mép thật đấy , mới lúc nãy còn đấm thình thịch vào tôi , giờ quay sang cảm ơn , rõ thật là ...Nhưng thôi , hãy lắng nghe xem chúng nói gì .
                  Con bé mở to cặp mắt đen lay láy , nhưng miệng nó méo xệch vì đau , nó thì thào tôi cố gắng lắm mới nghe được :
               _ Hai cậu đừng đánh nhau nữa nhé , bọn mình nghèo cần giúp nhau vượt qua khó khăn , phụ giúp cha mẹ và học thật giỏi . Mình biết việc hai cậu làm rồi ...như thế không phải , không ngoan chút nào ...
             _ Cậu biết à ? sao cậu biết ? _ Thằng Mốc há hốc miệng hỏi .
             _ Mình núp sau gốc cây và đã nghe hết .
             _ Thế giờ mình phải làm gì để chuộc lỗi lầm
             _ Mốc à , cậu trả tiền lại cho bác mù ...Còn Meo , cậu tìm bà lão hôm trước và chuộc lại lỗi lầm . Cậu hiểu ý mình nói chứ ?
             _ Mình hiểu mà ...Mốc , mày ....ơ....cậu có nghe không hử ?
             _ Tao ...ơ ....tớ có tai mà ...Tớ hiểu rồi .
             _ Mình rất mừng vì hai cậu đã hiểu ý của mình .
             _ Này Nhí , cậu bỏ lỗi cho bọn mình nhé !
                   Thì ra tên của con bé là Nhí .
             _ Ừ. Nhưng làm thế nào để chứng minh các cậu sửa đổi tính tình và ngoan hơn đây nè .
             _ Mình có ý này : Ba đứa mình thành lập nhóm lục lạc nhé ! Từ rày sẽ làm việc tốt , không đánh nhau , lừa lọc nữa ...  Chăm ngoan và học giỏi cho cha mẹ vui lòng .
            _ Ý kiến hay  . Sẵn mình có con dao để xắc bánh đây . Chúng mình sẽ khắc tên cả ba đứa lên thân cây bàng này với lời hứa là chăm ngoan , học giỏi , các bạn đồng ý không ? _ Thằng Mốc nhanh nhẹn đề nghị .
            _ Đồng ý !
       Chúng đồng thanh la to , làm tôi nổi gân guốc toàn thân . Rồi chúng đâm từng mũi dao sắc lẹm vào từng thớ vỏ của tôi . Tuy đau nhưng tôi cố gắng chịu đựng , lòng tràn ngập niềm vui vì mình cũng góp phần làm thay đổi bọn trẻ . ....
              ....Bao nhiêu năm rồi trôi qua , nhóm Lục Lạc đã trưởng thành . Con Nhí làm y tá trưởng ở một bệnh viện lớn trên thành phố . Thằng Meo là công nhân nhà máy dệt , kiêm chức quản đốc phân xưởng . Còn thằng Mốc mở đại lý vé số tại mái nhà xiên vẹo ngày xưa , nay là một tòa vila tráng lệ . Đô thị hóa đã làm nó đổi đời sau cơn sốt đất . Cả nhóm chúng nay đều thành đạt , tìm về gốc cây mà ngày xưa chúng từng lưu lại một kỷ niệm khó quên . Một kỷ niệm làm thay đổi số phận  . Một " KÝ ỨC TUỔI THƠ " đầy sóng gió mà suốt đời chúng không thể nào quên được .
                      Cơn gió vô tình thổi tung tà áo cô gái để lộ một mảng da trắng muốt , mịn màng . Hai cậu trai cùng vô tình nhìn thấy , bừng đỏ mặt . Cả ba im lặng giây lâu . Rồi bỗng cười lên ngặt nghẽo . Thật đáng yêu làm sao , phải không các bạn ? Thôi , Bàng tôi đi ngủ đây , đêm đã khuya rồi  .
 


 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2014 01:42:10 bởi PEARL >

PEARL
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.10.2010
  • Nơi: TP HCM
Cái Tâm - 17.12.2014 00:52:57
     Cái Tâm
 
                Không ít lần tôi đã khóc . Khóc cho những mảnh đời bất hạnh của học sinh lớp 9/6 _ lớp tôi chủ nhiệm cách đây đã nhiều năm .
                 ...Dạo ấy , trường tôi có chủ trương lớp chọn , lớp yếu . Tôi được phân công chủ nhiệm lớp toàn học sinh yếu. Khi nhận nhiệm vụ  tâm trạng tôi thật khó tả . Nghĩ đến chặng đường giảng dạy trước mắt , tôi bỗng rùng mình . Thực tế lớp tôi chủ nhiệm giống như Tú Xương từng miêu tả : " ...Học trò dăm đứa , nửa người , nửa ngợm , nửa đười ươi ." Ba mươi ba em là bấy nhiêu cảnh đời khác biệt . Có em ba mẹ ly dị , sống thiếu tình thương . Em này mất cha , em kia mồ côi mẹ . Lại có em được sinh ra ngoài ý muốn của bà mẹ trẻ lỡ lầm , nay sống với ông bà hay cô cậu . Rồi có em ba đi theo vợ bé , mẹ ngoại tình , gia đình lâm vào cảnh bế tắc . Em khác lại quá ương ngạnh , nghe lời dụ dỗ của bạn bè xấu vui chơi , trốn học " quên cả đường về " . Và có em bị bệnh bẩm sinh , sức khoẻ yếu ảnh hưởng nhiều đến việc học tập . Đối diện với một lớp như thế , tôi tưởng mình lâm vào tình cảnh bế tắc , không lối thoát . Tưởng như bao nhiêu năm kinh nghiệm của mình đã tan biến hết , vỡ vụn ra ...Và kế tiếp là những đêm trằn trọc , những lúc suy tư . Tôi dần tìm ra biện pháp hiệu quả cho từng trường hợp .Tôi không còn nhớ nỗi đã bao lần tôi tiếp phụ huynh , đến nhà động viên các em tới lớp. Không ít lần tôi đến các dịch vụ internet , quán bi da , thậm chí quán cà phê khuyên răn , đưa các em về với lớp . Em nào không có tiền đóng học phí , tôi lại giúp . bằng chính đồng lương ít ỏi của mình , giúp các em được bao nhiêu tôi cứ giúp . Tôi lại hoá thân làm người chị tâm tình , giúp các em tháo gở thắc mắc về tâm sinh lý tuổi dậy thì . Lại phải làm mẹ canh từng giấc ngủ trưa , lo từng bữa ăn cho các em ( vì lớp tôi là lớp bán trú ) . Nhiều lúc tôi kiệt sức . Nhưng khi nhìn các em ngủ , em nào cũng ngây thơ , hồn nhiên như trang giấy trắng , tôi bỗng chạnh lòng và tôi đã khóc( tôi thường khóc thầm lúc các em ngủ trưa vì tôi sợ các em bắt gặp giây phút yếu lòng của mình ) . Tôi khóc không phải vì bất lực , không tìm ra biện pháp giáo dục tốt . Tôi khóc vì thương các em . Tôi tự hỏi tại sao cũng ở độ tuổi như bao học sinh khác , mà các em chịu quá nhiều thiệt thòi , thua kém các bạn cùng khối . Các em đâu muốn thế ! Giá mà người lớn đừng ích kỷ , nghĩ đến con trẻ và sống có trách nhiệm hơn thì tôi tin chắc rằng sẽ không có những học sinh như thế trong lớp của tôi . Nghĩ về những thiệt thòi các em phải gánh chịu , tôi quyết tâm bù đắp bằng chính tình thương của người cô , người bạn , người chị , người mẹ ...bằng tất cả cái tâm của chính mình . Rồi kết quả thật bất ngờ . Qua một học kỳ lớp đã đi vào nề nếp . Các em chăm , ngoan  , học hành tiến bộ hơn . Năm ấy , lớp 9/6 của tôi tốt nghiệp THCS 100% . Điều vui nhất của tôi không phải vì kết quả cao , thành tích tốt mà vì lớp của tôi không còn nghịch ngợm , phá phách như ngày nào . Lớp nay đã chững chạc , giỏi giang hơn .
                   Kể từ đó , năm học nào tôi cũng dùng cái tâm của mình để cảm hoá một số học sinh chưa ngoan thành ngoan , yếu lên trung bình , khá . Tôi đã làm được điều đó từ việc vận dụng những kinh nghiệm mà tôi có được khi chủ nhiệm lớp 9/6 .
                   Giờ đây , trường tôi đã xoá bỏ lớp chọn , lớp yếu . Nhưng những mảnh đời bất hạnh của các em vẫn còn lẫn khuất đâu đây , trong từng lớp học . Và tôi lại bằng cái tâm của mình tiếp tục cảm hoá các em .

 
 
Tháng 5-2006
PEARL
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.12.2014 00:57:15 bởi PEARL >

PEARL
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.10.2010
  • Nơi: TP HCM
Truyện ngắn : Cháy ! - 19.06.2015 15:00:46
Cháy!
  
 1. Cháy …cháy…cháy…
Tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm khi nghe tiếng kêu thất thanh của ai đó cùng những bước chân chạy huỳnh huỵch trước sân nhà.Cháy …cháy ở đâu?Câu hỏi  vừa hình thành trong đầu còn lơ mơ, ngáy ngủ cũng là lúc tôi hất chiếc mềm mỏng ra khỏi người , bật dậy như lò xo. Tôi luýnh quýnh vớ lấy cái xô , xỏ vội chân vào đôi dép , tung cửa , nhảy bổ ra sân, hòa vào dòng người vừa chạy vừa la lớn : Cháy…cháy…cháy…
 
2. Dòng người chạy vào con đường nhỏ dẫn ra xóm nhà ở tách biệt hẳn với khu dân cư đông đúc . Trời còn tối lắm nhưng tôi vẫn nhận ra được từng người nhờ giọng nói và vóc dáng của họ. Chạy lướt qua hai cái bóng còm nhom , nhỏ thó mà tôi nghĩ là chú Ba Ròm và cô Năm Nhí Nhảnh , tôi hỏi cái bóng cao to, vạm vỡ đang thở hổn hển bên cạnh :
_ Cháy ở đâu vậy , anh Tư ?
_ Thằng Mén .
_ Có ai bị sao không anh?
_ Hai …bị thương , hai… mất tích.Giọng anh ngắt quãng theo nhịp thở gấp.
_ Trời!
Tôi kêu to làm anh Tư giật mình khựng lại, quát:
_ Nhanh lên đi , thằng nhóc!
Một ý nghĩ hờn mát thoáng qua đầu : Mình lớn rồi mà còn bị gọi là nhóc , ức thật! Nếu như lúc khác tôi sẽ nói lý lẽ với anh ta . Nhưng trong tình hình nghiêm trọng này , tôi đành nuốt cục giận xuống tận ruột gan và im như thóc.Vậy mà chiếc dép bên chân phải của tôi không buông tha ,cố tình xiết chặt mấy ngón chân , gây cho tôi cái cảm giác tê buốt, khó chịu . Tôi lại nghĩ thầm :Mặc kệ!
 
3.Tôi ngửi thấy mùi khói nồng nặc bốc lên từ ngọn lửa nghi ngút . Những cái bóng hối hả bưng xô , xách thùng , thậm chí bê nồi , thau tạt nước vào đám cháy như đưa thoi. Tôi cùng nhóm người mới đến , nhào tới cái ao , múc nước và tạt vội vào đám cháy .Vừa làm , anh tổ trưởng khu phố - anh Tư vừa động viên  : Cố lên ! Nhanh lên mọi người !
 
4.Khoảng nửa giờ sau, đám cháy bị dập tắt. Mấy cây cột đen thui còn xì khói đứng xiêu vẹo như trêu ngươi chúng tôi. Tôi chạy vội đến nơi phát ra tiếng khóc thảm thiết của ai đó. Anh Mén! Anh đang quỳ xổm bên hai cái xác cháy đen còn hăng mùi mở , anh kể lể:
_ Nuôi chúng mầy mấy năm nay rồi , mến tay , mến chân , sao chúng mầy nở bỏ tao đi …hu…hu.
_ Thôi, anh nén thương tâm …để lo hậu sự .
Giọng nói cảm thông, an ủi ấy phát ra từ cái bóng cao to , vạm vỡ.
_ Hả?Anh Mén đứng phắt dậy _ Hậu sự….? Rồi anh lại khóc to hơn nữa.
Anh Tư tổ trưởng đứng như trời trồng , há hốc miệng . Vừa lúc bà Sáu – ngoại anh Mén chạy tới , gọi giật giọng :
_Mén ! Mén! Tìm được rồi , cả hai . chúng nó đang ăn lá lang  của Chú Tư tổ trưởng .
_ Sao? Cả đám người nhốn nháo khi thấy bà Sáu ôm hai chú heo con mũm mĩm chạy tới.
_ Còn hai cái xác cháy đen đó…?Một giọng phát hoảng hỏi .
_ Con heo mẹ và heo cha .Anh Mén định thần trả lời tỉnh queo.
_Trời ơi ! Thì ra…..
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm . Giờ tôi mới nhìn kỹ . Chỗ cháy là chuồng heo của anh Mén . Còn ngôi nhà cấp bốn vẫn còn đứng trơ trơ giữa khu vườn um tùm . Bà Sáu và anh Mén cảm ơn chúng tôi ríu rít sau khi nghe mọi người hứa sẽ lợp lái cái chuồng heo cho hai bà cháu trong nay mai.
 
5.Tôi như trút gánh nặng hàng trăm ký trên vai . Vừa đi vừa suy nghĩ những việc đã xãy ra . Tình làng nghĩa xóm vẫn nguyên vẹn , ấm áp trong khi đây đó có không ít những người vô cảm , với lối sống ích kỷ cho riêng mình, không nghĩ gì đến mọi người xung quanh.
 
6. Dòng người tản ra mọi hướng để trở về nhà mình. Anh Tư và tôi  sống cùng ngõ nên còn tám chuyện:
_ Ha…ha…ha…buồn cười thật!
_ Vậy mà anh nói: hai …bị thương , còn hai ..mất tích.
Tôi trách móc.
_ Thiệt vậy mà .Há…há….há….
Anh Tư lại cười to hơn , ngặt nghẽo đến nỗi cái xô trong tay rơi xuống đường.
_ Cười gì vậy , anh Tư ?Tôi hỏi một câu thật ngố giống hệt như khuôn mặt đang tồ ra của tôi lúc ấy vậy.
Anh không trả lời , chỉ vào chân tôi , nhặt vội cái xô , mở cổng, rồi lách mình vào bên trong cánh cửa chỉ khép hờ giờ đã được anh đóng kín. Tôi bực! Anh này chỉ giỏi nói nửa lời , ai mà hiểu được .
 
Nuốt cục bực xuống bụng, tôi định sẽ “phục thù” lần sau. Nhón nhẹ chân , tôi bước vào nhà để không phải kéo lê đôi dép , gây tiếng động. Tôi sợ má tôi thức . Người già quý nhất là giấc ngủ. Loay hoay một lúc tôi cũng bật được đèn. Tôi mở tủ lôi ra bộ đồ sạch để thay vì quần áo tôi vương mùi khói và cáu bẩn trong lúc giúp chữa cháy.Tôi hậu đậu đến nỗi làm rơi bộ đồ xuống đất. Tôi cúi nhặt nó lên .
_ Á…!
_ Sao vậy con trai? Má tôi giật mình hỏi giọng ngáy ngủ.
_ Dạ, không có gì đâu má . Má ngủ tiếp đi , mới có bốn giờ hà .
Tôi trả lời má trong khi phải nhịn  cười . Chiếc dép bông đỏ thẳm có đính hình con thỏ của má tôi thì khít chặt vào chân phải . Còn chân trái tôi đang mang chiếc dép màu thiên thanh hình con heo mà tôi thích nhất.
Tôi chép miệng : Hèn gì…rồi lịm dần vào giấc ngủ ráng.Thoảng xa đưa lại tiếng chuông nhà thờ thánh thoát.
 
PEARL 


<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.06.2015 18:43:02 bởi PEARL >

PEARL
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 01.10.2010
  • Nơi: TP HCM
Re:Cảm Ơn Mùa Thu - 28.01.2023 19:58:07
VĂN HÓA ỨNG XỬ

Hồi đó, mẹ tôi dạy chúng tôi rất kỹ về văn hóa ứng xử dù mẹ chỉ là một nông dân chính thống và chỉ học tới lớp năm trường làng.
Có một lần tôi bị rầy oan. Nhưng tôi chẳng hề buồn mà còn biết ơn mẹ bởi mẹ đã dạy dỗ chúng tôi đến nơi đến chốn về cách ứng xử tối thiểu khi có khách đến thăm nhà.
Chuyện xảy ra khi tôi mới mười hai tuổi. Hôm đó có một người bạn của ba ghé chơi nhà. Ngoài tôi ra, các chị em khác đều vắng nhà. Vì là bạn lâu năm mới gặp nhau, ba tôi tay bắt mặt mừng với bác ấy. Mẹ tôi từ nhà bếp lên, thấy tôi đứng trân người ra mà chẳng thấy tôi chào hỏi gì vị khách đó, mẹ lườm tôi một cái, mắt sắt như lá lúa. ( Thực ra, tôi đã định chào khách nhưng không biết xưng hô như thế nào nên còn lưỡng lự.) Mẹ bảo tôi xuống dưới nhà rót nước mời khách. Rồi mẹ quay qua trò chuyện với khách rất vui vẻ. Ba mẹ tôi nổi tiếng là người hiếu khách, bạn bè, họ hàng rất thích ghé thăm. Ba tuy hiền, ít nói nhưng thật thà. Mẹ thông minh, nhạy bén, vui vẻ và có khiếu ăn nói. Chúng tôi ít nhiều cũng tiếp thu được cách ứng xử của ba mẹ trong giao tiếp hàng ngày đủ để người khác cho rằng chúng tôi có giáo dục.
Sau khi khách ra về, mẹ kêu tôi lại, mắng cho một trận. Tôi chẳng phân bua, cuối đầu nhận lỗi. Mẹ bảo:
_ Lần sau, ai đến chơi nhà, con phải ra chào hỏi đàng hoàng. Người quen, chào hỏi theo vai vế. Còn người mà con chưa biết xưng hô như thế nào thì hãy nhìn vào người đó mà gọi cho phù hợp. Đáng tuổi chú thì gọi chú, đáng tuổi dì thì gọi là dì.... mẹ mà thấy con một lần nữa như thế, mẹ sẽ phạt con đó....
À, sau khi chào hỏi xong, con rót mời khách... Khi ba mẹ nói chuyện với khách, con đừng đứng nghe và nhất là đừng nói leo, xen vào chuyện của người lớn, con nhớ không?
_ Dạ, con nhớ rồi. Con không dám như thế nữa.
Từ đó về sau ...cho đến bây giờ, tôi luôn làm theo lời mẹ tôi dạy. Và dạy cho con cháu tôi cách ứng xử như vậy.
Mẹ tôi còn dạy chúng tôi biết kính trên nhường dưới, biết lễ nghĩa ở đời, biết ơn người giúp mình và báo đáp lại khi có thể. Mẹ dạy biết thương người cùng khổ, cơ nhỡ, đừng bao giờ khinh khi người không có điều kiện như mình. Biết sẻ chia, san sớt cái mình có cho người kém may mắn hơn mình.
Mẹ tôi - một người ít học nhưng được giáo dục chuẩn mực từ gia đình, rút tỉa, chiêm nghiệm những điều tốt trong cuộc sống. Chúng tôi tự hào vì đã được sinh ra và lớn lên trong gia đình còn giữ được văn hóa ứng xử truyền thống như vậy.
Văn hóa ứng xử - ai cũng biết, không phân biệt già, trẻ.... học vấn cao hay thất học. Đừng đổ lỗi vì... không được học mà... ngụy biện cho lỗi của mình.
Đơn cử một ví dụ như vầy :
Một buổi sáng, tôi cùng chị bạn đạp xe về sau khi tập thể dục. Trên đường, chúng tôi gặp một em bán vé số khiếm thị. Em vô tình đụng tay vào cổ xe chị bạn. Xe chị nghiêng, chạm vào xe tôi. Chúng tôi xuýt ngã lăn ra đường. Nghe tiếng rầm , chú bé biết điều gì đang xảy ra vội xin lỗi :
_ Cô có sao không? Cho con xin lỗi.
Tôi vội đáp:
_ Không sao đâu con.
Tôi nghe mát dạ. Một đứa trẻ khiếm thị, bán vé số thì có thể học được đến đâu ? Để có được tiếng hỏi thăm và lời xin lỗi thì bé trai đó học ở đâu? Gia đình hay trường đời?
Từ đó, tôi cảm thấy buồn cho những người học vấn cao mà một lời chào cũng khó thốt ra. Còn gì đau xót hơn khi họ thốt ra những lời....đan mạch... đối với người thân, họ hàng. Riết rồi họ hàng xem nhau như người dưng, gặp - phớt lờ không quen biết, lời nói không chuẩn mực.
Văn hóa ứng xử của người Việt rất đẹp, dần dà bị mai một. Lời chào, xin lỗi, cảm ơn... liệu có dần vào quên lãng? Trường dạy văn hóa, rèn luyện con người? Gia đình là nền tảng đạo đức của xã hội? Trường đời là nơi sản sinh ra những con người có kỹ năng sống tốt? Tôi đang nghi ngờ về những điều đó bởi thực tế ít nghe lời chào, lời xin lỗi, cảm ơn....

PEARL