PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái

Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 30 trên tổng số 47 bài trong đề mục
Tác giả Bài
Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 03.10.2014 23:35:43
 
                                             PHẠM NGỌC THÁI

                                                                            
                                                PHÊ BÌNH  
                            &             
                TIỂU LUẬN THI CA

 
  


                       Phê bình và tiểu luận thi ca


             

                              
                                                                      
                          NHÀ XUẤT BẢN VĂN HOÁ THÔNG TIN
                                             Hà Nội - 2013

   
 
 
 
 
 
             
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.11.2022 21:25:03 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 03.10.2014 23:45:54
 
 
          Lời giới thiệu đầu sách:
 
                           PHẠM NGỌC THÁI NHÀ THƠ CỦA TỰ DO



 kí họa chân dung nhà thơ Phạm Ngọc Thái
                                                                                                         Anh Trần 
    Tuy là một nhà thơ tự do nhưng Phạm Ngọc Thái có chân dung văn học mang  tầm vóc lớn trong thi ca. Ông đã sáng tác được một khối lượng đồ sộ thơ tình hay, ghi dấu ấn riêng biệt của ông trong lòng người yêu thơ. Với hàng bậc của các nhà thơ hiện nay, ta có thể khẳng định rằng: Ông là một trong những nhà thơ tài năng bậc nhất ở đương đại này.
     Như nhà bình luận Nguyễn Đình Chúc trong bài "Phạm Ngọc Thái có chân dung một nhà thơ tình lớn của dân tộc", đã nói về ông như sau:
-  Thi ca Phạm Ngọc Thái dù là thơ tình hay thơ đời, những bài đã đạt độ viên mãn về ý tưởng nhân văn cũng như ngôn ngữ nghệ thuật là rất nhiều. Mức độ hay của mỗi bài khác nhau, song những tình thi đó đều có thể làm rung cảm trái tim ta.
     Đặc biệt là thơ tình: dù ký ức về tình thuở ban mai hay buổi hoàng hôn... khi nhà thơ đã vào tuổi hoa niên, cũng đều tha thiết và tiếc nuối. Chưa từng có thi nhân nào viết được nhiều thơ tình hay đến thế! Phạm Ngọc Thái có chân dung một nhà thơ tình lớn của dân tộc. Một nhà thơ tình hiện đại sâu sắc. Rồi mai sau ông có cả trăm bài thơ tình đứng trường cửu với đời và nền văn học nước nhà - Trong đó có đến vài chục tình thi của ông đạt vào cung bậc các tình thơ hay vô giá...
       Đọc "Phê bình & tiểu luận thi ca", độc giả hoàn toàn có thể nhận ra được những giá trị đó. Bài viết của tác giả Nguyễn Đình Chúc về Phạm Ngọc Thái cũng được in trong tập sách này, đồng thời cũng đã được đăng trên vài chục website văn học - từ trong nước sang Âu Châu, tới Mỹ và đến Toà báo Việt Nam Úc.
     Không chỉ thế - Phạm Ngọc Thái còn là một tay bút bình luận thi ca sắc sảo. Văn của ông súc tích, hấp dẫn cũng như thơ ông, nó có hồn và giàu cảm xúc để lôi cuốn lòng người. Đọc tập "Phê bình & tiểu luận thi ca", bạn sẽ thấy cả một thế giới thơ huyền diệu với những lời bình sắc sảo đã được chau chuốt, gọt giũa… rất đáng chiêm ngưỡng.
     Dù đó là bài ông bình cho đời hay đời bình thơ hay của ông, đều hiện lên một thi nhân Phạm Ngọc Thái đầy tài hoa. Ông đã để lại cho nền văn hiến Thăng Long một khối lượng thơ hay rất lớn, với những giá trị nghệ thuật văn học tuyệt vời. Những năm qua trên văn đàn các trang mạng Việt toàn cầu, thơ ca và những bài bình luận của ông được đăng rất nhiều, danh tiếng cùng chân dung thi nhân ông đã vang khắp. 
     Về cuộc sống đời thường - Phạm Ngọc Thái là một người vô cùng giản dị, sống rất đạm bạc. Ngày ngày, ngoài việc cùng với người vợ của mình bươn bả vì miếng cơm, manh áo, ông lại tìm đến bầu bạn với văn chương. Ông chính là tác giả của hai tập thơ có tiếng tăm được nhiều người biết đến:

-  Tập "Rung động trái tim", Nxb Thanh niên 2009 thật đặc sắc… và tập "Hồ Xuân Hương tái lai", Nxb Văn hoá Thông tin 2012 với 298 tình thơ, dày 400 trang. Trong đó nhiều thi phẩm hay hoặc đạt độ kỳ thơ.
     Hiện nay ông đang cùng gia đình sống trong một ngôi nhà nhỏ gần bên hồ Tây, cạnh một ngôi đền cổ. Một hồ nước đã từng có nhiều dấu ấn trong thi ca của các thi nhân xưa nay, như thi sỹ Tản Đà từng ca ngợi:
                     Hiu hắt hồ Tây chiếc lá rơi,
                     Đêm thu vằng vặc bóng theo người
                     Mảnh tình xẻ nửa ngây vì nước
                     Tri kỷ trông lên đứng tận trời.

                                 (Tây Hồ vọng nguyệt)
     Hay bà Hồ Xuân Hương cảm xúc trong bài "Chơi Tây Hồ nhớ bạn":
                     Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa
                     Trấn Bắc rêu phong vẫn ngấn thờ,
                     Nọ vực trâu vàng trăng lạt bóng
                     Kìa non Phượng Đất khói tuôn mờ.
     Với nhà thơ Phạm Ngọc Thái, hồ Tây cũng ghi lại rất nhiều những hình ảnh chan chứa trong thơ ông, còn là nơi lắng đọng nhiều kỷ niệm tha thiết của tình yêu. Như ông viết:
                     Anh ở hồ Tây mênh mông sóng vỗ
                     Vẫn thấy bóng em trong màu hoa thương nhớ
                     Ôi, màu hoa son sắt trái tim em
                     Cái màu tím buồn của những cuộc ly tan!
     Một số bài rất đặc sắc khi trái tim nhà thơ thao thiết ở bên hồ, như: Một góc hồ Tây, Tình thơ gặp lại ở Tây hồ, hay "Anh vẫn ở bên hồ Tây" – là một bài thơ tình khá hay, viết vào lúc tuổi thi nhân đã xế chiều, mái tóc trên đầu cũng điểm nhiều sợi bạc:
                    Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại
                    Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
                    Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi
                    Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...
     Vào những tháng năm trước, giai đoạn nhà thơ được biệt phái ra công tác ở nước ngoài, kết hợp làm kinh tế - Lúc nào ông cũng nghĩ về quê hương, nhớ đến gia đình và những người thân. Ông đã sáng tác cả một tập thơ “có một khoảng trời”, Nxb Hà Nội 1990 chỉ viết về vợ con. Trong đó - hình ảnh hồ Tây, mái phố, bóng đa, ngôi đền cổ… thường da diết trong ký ức ông mỗi khi nhớ cố hương. Như những hình ảnh được khắc hoạ trong bài "Tiếng hát đời thường"… gửi về cho người vợ hiền ở quê:

                   Trong một phố nghèo có người vợ trẻ
                   Vẫn đón con đi, về… như thường lệ
                   Vóc em thanh cũng thể mùa xuân
                   Đôi mắt em: đôi mắt ấy màu đen.
                   Ngôi nhà nhỏ bên đền
                   Gốc đa, quán báo
                   Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (*)
                   Đêm hồ nước trăng soi
                   Chiều lá me, lá sấu
                  Cung thành xưa dấu đại bác còn…(*)



 

   Tôi chỉ xin viết ít lời giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm. Đọc “Phê bình & tiểu luận thi ca”, tập sách sẽ nói đầy đủ hơn, mãnh liệt hơn, cũng như sự thuyết phục còn hơn bất cứ một lời ca ngợi nào.
     Mong rằng tác phẩm sẽ mở ra cánh cửa để bạn đọc có dịp khám phá một tâm hồn sâu sắc, một trí tuệ tài năng và mang đến cho mọi người sự đam mê, hấp dẫn trên từng trang sách - cùng những giá trị tinh thần vô hạn trong văn học và cuộc đời.
            A.T
NS Sân khấu & Điện ảnh HN

 ---------------------
 
(*) Đó là những biểu tượng gắn liền trong truyền thuyết của dân tộc: Hình ảnh một thuở nào bà Thị Lộ đi bán chiếu gon ở Tây Hồ đã gặp ông Nguyễn Trãi và những vần thơ đối đáp giữa hai người - Rồi hình ảnh cổng thành Thăng Long phía bắc vẫn còn in dấu đạn đại bác của giặc Pháp bắn vào. Khi thành Thăng Long thất thủ, quan tổng đốc Hoàng Diệu đã phải thắt cổ để tuẫn tiết.
     Tất cả đã vào trong thơ ông cùng với nỗi thương nhớ quê nhà.


 
                                           
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.11.2022 21:03:00 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 03.10.2014 23:56:58
 
 
                                Phần I 


                             
 
             
             BÌNH THƠ & TIỂU LUẬN
  
                                       ---------------------------------------------------------------                            


   
               THI PHÁP THƠ HÀN MẶC TỬ
                QUA "Mùa xuân chín"
                                    
            MÙA XUÂN CHÍN
 
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.

 
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

 
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây…
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…

 
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

                                     Hàn Mặc Tử


Lời bình:   “Mùa xuân chín” được rút ra từ thơ điên của Hàn Mặc Tử (đề mục Hương Thơm). Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có nhận xét bao quát về mảng Hương Thơm này như sau:
-  Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói.
    Nhưng đã xem Mùa Xuân Chín ta thấy chẳng những thơ không điên, lòng thi nhân thanh tao, cõi hồn siêu thoát, tựa thể ông đang ngồi thụ cảnh thiên thai của bậc khách tiên sa. Mạch thơ cũng tách bạch ra khỏi hẳn cõi sao trăng, ảo tình sương khói ấy:

                    Trong làn nắng ửng khói mơ tan
                     Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

     Đây hẳn là những mái nhà đã được lợp bằng rạ vẫn còn mới ở thôn quê, bởi những sắc màu của rơm rạ còn ánh lên lấm tấm vàng, dưới làn nắng sớm ban mai. Cảnh thơ như bức gấm thêu, đây đó vấn vương vài làn sương mỏng. Toát lên tấm tình của thi nhân với nơi thôn dã rất thân thiết. Đến hai câu sau đó:
                     Sột soạt gió trêu tà áo biếc
                     Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang

       “…tà áo biếc” ở đây để chỉ cái dáng xanh mềm mại của giàn thiên lý, khi gió thổi qua giàn mới phát ra tiếng kêu “sột soạt”. Nếu gió thổi ngoài trời: nhẹ thì hiu hiu, vi vút… gió to sẽ rít lên ào… ào…
     Nhưng cũng chưa hẳn là khi gió thổi qua giàn thiên lý có tiếng kêu “sột soạt” như thế? vì giống lý lá nhỏ, âm điệu chỉ reo… reo… thôi. Hai tiếng “sột soạt” như tiếng của những tấm áo cánh mỏng, mặc hơi căng cọ mài lên da thịt của các nàng thôn nữ mà phát ra vậy. Cảm giác ấy đã dấy lên trong tâm thức của thi nhân để vận vào tả cảnh giàn cây. Chất thơ hơi da thịt này cũng thường có trong Hàn Mặc Tử (HMT)! Các hình tượng thơ miêu tả, nhưng lại đầy cảm giác tình ái. Nào thì “gió trêu”; âm thanh “sột soạt”; còn giàn thiên lý lại được ví như “tà áo biếc" - Thành thử thơ tả thực mà rất sống động.
     Tất cả những hình ảnh: nắng ửng, khói mơ, mái nhà tranh lấm tấm vàng, thiên lý và gió… hòa hợp, được khoác lên chiếc áo tân thanh mùa xuân mà tạo thành “bóng xuân sang”. Sang đoạn thơ thứ hai:
                    Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
     “cỏ” gặp gió lượn thành sóng, nghĩa là cỏ mọc đã hơi cao. Ở đây ta liên tưởng tới một câu thơ của cụ Nguyễn Du: Cỏ non xanh rợn chân trời /- “xanh rợn” là cỏ mới chỉ mọc nhú, lún phún. Nhưng cả một miền cỏ dầy, phẳng, non mướt và xa hút tạo nên một độ sắc gai người, tựa thể sờ vào có thể đứt tay. Còn “sóng cỏ xanh tươi” trong câu thơ HMT thì màu xanh đã lả lướt để “gợn tới trời ” chứ không ” rợn” như trong thơ cụ Nguyễn Du. Vậy là, tuy cũng tả về miền cỏ hút đến chân trời… nhưng miền cỏ trong thơ HMT vẫn mang sắc thái riêng.
                     Bao cô thôn nữ hát trên đồi
                     - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy:
                     Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

     Một mảng đời sống dân gian đã tràn vào trong bức tranh cảnh mùa xuân của Ông: rằng, ngày mai trong đám xuân xanh ấy… có kẻ lấy chồng, theo chồng – sẽ không còn sự vô tư, nhàn nhã mà đi dạo mùa xuân như thế nữa! Ý nói “bỏ cuộc chơi”, nhưng câu thơ chưa hẳn đã phải là nuối tiếc cho cô thôn nữ kia, mà chính trong lòng thi nhân đang nuối cảm? Bộc lộ một tâm trạng bâng khuâng, hiu hắt, có phần xa xót. Bệnh tật đã không cho Ông được hưởng cái hạnh phúc đời thường ấy! Cảnh đời thanh thái của mùa xuân ấy như thể đã cách xa hàng thế giới. Cái ước muốn nho nhỏ: có một tổ ấm gia đình, vợ chồng hạnh phúc… với Ông cũng không bao giờ có. Tâm khảm thi nhân dồn vào tình thơ đằm thắm, thiết tha. Đến đoạn thơ ba:
                    Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi 
     Thơ nghe như lời đồng dao chốn dân gian:

                    Hổn hển như lời của nước mây…
                    Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
                    Nghe ra ý vị và thơ ngây…

    Trước cảnh xuân đẹp chứa chan, không phải là nước mây “hổn hển” đâu, chính là lòng thi nhân đang hổn hển…
    Đến đây tôi xin nói ít lời về thi pháp tượng trưng trong thơ hiện đại Pháp mà HMT đã ảnh hưởng khá sâu sắc. Thơ tượng trưng của nền thơ hiện đại Pháp nửa sau thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX (dựa theo tuyển dịch và giới thiệu của Đông Hoài, Nxb Văn học 1992), là thứ thơ diễn tả theo phép loại suy - Tức là quan hệ tương đồng giữa hai sự vật, nhìn nhận mọi sự vật bằng biểu tượng. Nhưng trường phái thơ tượng trưng Pháp được hình thành và phát triển theo khuynh hướng của hai thuyết tương ứng: tương ứng cảm quan và tương ứng trí năng.
     Về thuyết “Tương ứng cảm quan” do Charles Baudelaire (1821-1867) khởi xướng. Ông là tác giả của tập “Những bông hoa ác” nổi tiếng. Ông đã được các nhà thơ sừng sỏ nhất trong văn học hiện đại Pháp coi là bậc thầy mở đường, nhà tiên khu của trường phái thơ tượng trưng. Baudelaire đã từng định nghĩa trong “Tương ứng”, một trong sáu bài thơ danh giá nhất của ông như sau:
                     Thiên nhiên là một ngôi đền mà trong đó
                                                                          những cột sinh linh
                     Thỉnh thoảng phát ra những ngôn ngữ mơ hồ,
                     Con người đi trong thiên nhiên qua những rừng biểu tượng
                     … Hương thơm, màu sắc và thanh âm tương ứng.

     Nghĩa là: giữa vật này với vật khác, giữa con người – cuộc sống với thiên nhiên, đều có thể thay thế nhau bằng biểu tượng. Để phản ảnh một cách tương ứng, nhưng dựa vào cảm thụ được phát ra từ các giác quan (gọi là cảm quan), hay từ trong tâm linh. Cho nên thỉnh thoảng ngôn ngữ mơ hồ…
     Thuyết “Tương ứng trí năng” – Người tiêu biểu là Stéphane Mallarmé (1842-1898), cũng là một nhà thơ Pháp đứng đầu trường phái tượng trưng đã chủ xướng. Quan điểm cơ bản về thuyết “Tương ứng trí năng” của Mallarmé là: Biểu tượng được tượng trưng phải rành mạch, rõ ràng, bằng một sự áp đặt hợp lý của lý trí, chứ không theo khuynh hướng cảm quan như Baudelaire.
     Nhớ tới lời của cố Chế Lan Viên đã viết tựa trong Tuyển thơ Hàn Mặc Tử xuất bản 1988 rằng:“Tử trong thời gian chúng tôi gần, chỉ thấy Anh nói về Baudelaire…”! Bởi vì những yếu tố thơ tượng trưng được HMT sử dụng rất nhiều, đã nhuần nhuyễn trong thi pháp thơ Ông, nhưng hầu hết đều theo khuynh hướng “Tương ứng cảm quan” của Baudelaire.
     Trở lại với Mùa Xuân Chín – Những câu thơ: “hổn hển như lời của nước mây”, “tiếng ca vắt vẻo”, “sột soạt gió trêu tà áo biếc”, rồi cả đến câu thơ cuối cùng: “sông trắng nắng chang chang”… đều là những hình ảnh của thơ tượng trưng cảm quan, để bộc lộ thay cho tâm trạng, tình cảm con người, hay một hiện thực đời sống. Ngay đến tên đề của bài thơ: Mùa xuân chín, cũng mang tính tượng trưng đó rồi. Trong nhiều bài thơ khác của Hàn Mặc Tử ta cũng hay gặp những yếu tố của loại thơ tượng trưng này. Thí dụ:
                    Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
                     Đợi gió đông về để lả lơi…

     Hay là:
                    Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
                     Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

      Đặc biệt với các giác quan cảm thụ rất nhậy bén của thi nhân, ngôn ngữ chứa đầy hồn, cảnh trí thiên nhiên rất sống động. Ở trong câu ba của đoạn thơ thứ ba, ta còn thấy một cụm hình ảnh: Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc /- Tiếng “trúc” ở đây, với hình ảnh “lá trúc” trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ:
                     Lá trúc che ngang mặt chữ điền
     Đều thuộc loại ngôn từ mỹ học, để làm biểu tượng về làng quê. Tôi xin phân tích tiếp đoạn thơ cuối:
                     Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
                     Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
                     - Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
                     Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

     Sắc điệu “…trắng nắng chang chang?” vẽ ra cảnh trắng toát bên con sông mộng. Cảnh thực trong hồi ức mà như ảo ảnh. Thi nhân đã mô tả những hình ảnh đó bằng ngôn ngữ thông qua cảm xúc nhớ làng da diết, đưa tình cảm bài thơ lên tới tột cùng, không chỉ thuần tuý là bức tranh tả cảnh mùa xuân nữa.
     Cũng nhiều nhà bình luận đã bàn về hình ảnh “chị ấy” trong bài thơ là ai? Người thì nói: “chị ấy” là người yêu xưa mà thi nhân nhớ lại? Kẻ lại bảo: Đó là chị ruột của thi nhân?…Tôi nghĩ: Xét về đời sống riêng tư của HMT, những người thân thiết nhất của thi nhân không thể không nhắc đến người mẹ, cùng người chị ruột hiền từ vẫn thường chăm bẵm Ông trong cuộc sống. Như ở bài hồi ký “Nhớ Hàn Mặc Tử” của anh Nguyễn Văn Xê, người đã chăm sóc thi nhân trong thời gian bị bệnh cho đến khi tạ thế tại nhà thương Qui Hòa, kể rằng:
     Sau khi Trí (tên thường gọi của nhà thơ) chết chôn được ba ngày, qua ngày hôm sau… mẹ và chị Lễ của Trí tức tốc vào Qui Hòa. Tôi hướng dẫn gia đình Trí đi thăm mộ. Nơi đây tôi không thể cầm được giọt lệ trước một người mẹ khóc đứa con yêu, một người chị khóc em trong buổi chiều mùa đông se se lạnh… Tôi đã chứng kiến có một mẹ tiên và một chị tiên đến khóc nức nở bên mộ Trí.
     Phải chăng người “chị ấy” trong thơ của thi nhân chính là chị Lễ! Mùa Xuân Chín chẳng những chỉ là một bức tranh thiên nhiên đẹp, còn trắc ẩn cả tình làng và đây đó quấn quít đôi chút lòng nhi nữ. Một bài thơ chân quê. Từ biểu tượng của ngôn ngữ, nhạc điệu đến cảnh tình qua cảm xúc… đã dan díu quyện lấy nhau mà tạo nên một bản xô-nát về “khối tình đời” độc đáo và hoàn bích.
    PNT.                                                                           
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2022 12:29:50 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:11:10
 
                          BÀI THƠ ĐÂY THÔN VỸ DẠ" CỦA HÀN MẶC TỬ
 
                                                                          Phạm Ngọc Thái

 
 
          ĐÂY THÔN VỸ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

                 Hàn Mặc Tử


 
 Lời bình: Bài thơ được mở đầu với lời trách móc của người con gái. Lời trách ấy có lẽ do một hoàn cảnh gặp gỡ nào trước đó được thi nhân nhớ lại:
                   Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
      Câu mở đầu như thế giúp cho ý tưởng kiến thiết bài thơ thôn Vỹ gắn với nỗi nhớ người xưa, được gợi lên trong kỷ niệm:
                Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
               Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
       Nghĩa là, từ hàng cau đến cái nắng mới vào buổi sáng ấy... màu xanh của vườn cây đều là cảnh hiện lên trong hồi tưởng. Thôn Vỹ nói riêng cũng như mỗi làng quê Việt Nam nói chung: Hình ảnh hàng cau thường đọng lại những ấn tượng sâu sắc, nhất là với những người khi đã xa quê. Ta cũng thấy ở trong thơ Nguyễn Bính từng viết:
                Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
      Hàng cau dưới ánh nắng mới vào buổi sớm thì trong mát, thanh thiên lắm! Cảnh quê cô đọng được hoà quyện vào mối tình đầu trong sáng, mơ mộng của thi nhân. Dù mối tình với nàng Hoàng Cúc chỉ đơn phương về phía Hàn Mặc Tử. Tình cảm sâu lắng đã trở thành hoài niệm mãi trong cõi nhớ của ông, bởi thế màu xanh của lá cây trong vườn cũng lung linh mà "xanh như ngọc"... 
    Như vậy cảnh nhớ ở ba câu đầu tuy chỉ là hồi tưởng, nhưng lại xuất phát từ cảnh có thực. Sở dĩ tôi nhấn mạnh về chữ "thực", vì chỉ đến câu thứ tư hình ảnh thơ đã có ý nghĩa tượng trưng:
                Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
     "lá trúc""chữ điền" thuộc những ngôn từ mỹ học! Hình tượng cây trúc làm tượng trưng trong thơ HMT, ta còn thấy ở trong bài thơ Mùa Xuân Chín:
                Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
    "trúc" là hình ảnh biểu tượng cho làng quê, còn "mặt chữ điền": theo cách nói cổ nho của người phương Đông, là ví cho gương mặt nam nhi. Trong bài thơ này, gương mặt chữ điền ấy để biểu tượng cho chính bản thân thi nhân.  Hai chữ "che ngang" kia - Nghĩa là thôn Vỹ với nhà thơ giờ đây chỉ còn ở trong kỷ niệm, mãi mãi phải cách xa... nên đã bị "cắt ngang".
     Ngay bốn câu của khổ thơ đầu, ta đã nhận thấy cấu trúc và tư duy thơ HMT đều được thiết lập theo trình tự suy lý... về nỗi cảnh mà lập thành tứ. Sau đó phát triển sâu hơn ở khổ thơ thứ hai, khi nói đến tình duyên dang dở giữa hai người:



                Bà Hoàng Thị Kim Cúc

               Gió theo lối gió, mây đường mây...
      Ý là:
                Em theo đường em, anh đường anh
                Duyên phận đôi ta có thế thôi!
      Tả cảnh nhưng chính để nói nỗi đời:
*   Dòng nước buồn thiu (tĩnh), hoa bắp lay (động)...
      Cái (tĩnh) và (động) ấy chỉ để bộc lộ một cõi lòng, tâm trạng cô đơn và buồn. Thi nhân ngồi nhớ người xưa, lòng ông lặng lờ buồn bã như dòng nước hắt hiu, nhưng trái tim vẫn bổi hổi, xôn xao như làn "hoa bắp lay"... 
                Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
                Có chở trăng về kịp tối nay?
       Đây là hai câu thơ thần cảm. Hình ảnh thuyền và sông trăng theo cảm xúc ùa vào trong thơ mà bật ra làm cho tình thơ thêm rộng rãi, rung rinh, nỗi thơ càng mênh mang, da diết.
     Xin nói thêm, cảnh thuyền và sông trăng ở đây theo như một số nhà bình luận: Người thì cho đó là cảnh trong một bức ảnh về Huế mà nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân khi đang lâm bệnh phải điều trị ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Nhưng cũng có người lại nói rằng nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân tấm ảnh mặc áo dài trắng? Chứ không phải là phiến cảnh "thuyền" và "sông trăng" đó.

      Nếu vậy thì cảnh trong thơ chỉ là cảnh mà thi nhân nhớ lại nơi thôn Vỹ chăng? Cũng chưa thật ngã ngũ về hướng nào...
      Tóm lại cảnh của hai khổ thơ đầu ấy là cảnh thuộc về trí tưởng, dù vào buổi sớm dưới hàng cau hay trong một đêm trăng trên sông nước. Trong bài bình của nhà bình thơ Vũ Quần Phương, đến đây có nhận xét rằng:
   "Bốn câu đoạn hai không có liên hệ gì về chi tiết với đoạn một... thoáng nhìn bài thơ có vẻ đầu Ngô mình Sở...", (hay là) "Những ý thơ rất xa nhau về ý nghĩa hoá ra lại vẫn có chỗ liền nhau...".

     Nhà bình thơ cho rằng: "chỗ liền nhau ấy trong thơ HMT chỉ là nhờ vào tâm trạng xúc cảm"...
        Theo tôi, HMT là một thi nhân viết thơ bằng nội tâm theo tư duy thế giới trong, xúc cảm chỉ làm đà cho mạch thơ, hơi thơ tuôn chảy... còn ý tứ thường được diễn tả rất mạch lạc, rõ ràng. Mượn cảnh làm biểu tượng để diễn đạt nỗi tình thơ. Đoạn thơ thứ hai ấy cần phải hiểu sâu sắc bằng thế giới bên trong như đã bình trên, mới thấy cảm xúc về ý tứ của bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ hoàn toàn liên kết chặt chẽ với nhau, từ đoạn thơ đầu tiên cho đến đoạn cuối cùng.  Đấy chính là cốt lõi để tạo ra thi phẩm vô giá của ông. Đây Thôn Vỹ Dạ là một tuyệt tác thi ca! Nếu cho rằng đoạn thơ thứ hai chỉ là để tả cảnh buồn mênh mang... thì sẽ không thấy hết được cái hay và sâu sắc của bài thơ.
    Tôi xin bình sang khổ thứ ba:
              Mơ khách đường xa, khách đường xa
              Áo em trắng quá nhìn không ra
              Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
              Ai biết tình ai có đậm đà?  
    Như đã nói mối tình giữa HMT với nàng Hoàng Cúc chỉ là một mối tình đơn phương về phía thi nhân. Có thể nàng không hay biết về tình yêu của chàng? Hơn nữa trong lễ giáo phong kiến thời ấy, giữa gia đình thi nhân với gia đình nàng còn có một khoảng cách về đẳng cấp xã hội. Hoàng Cúc thuộc gia đình một quan lại, còn HMT là gia đình lớp bình dân. Ông vốn tính lại rụt rè... Yêu tha thiết mà chỉ dám đứng từ xa chiêm ngưỡng người đẹp như trong mộng, rồi thương thầm, nhớ trộm. Thi nhân đã dồn hết tình yêu của mình vào thơ ca. Sáng tác cả một tập "gái quê" để tặng nàng.
     Giờ đây thì cả cái mối tình đơn phương ấy cũng đang trôi vào dĩ vãng. Thi nhân lâm bệnh nặng phải sống cách ly. Sự ngăn trở giữa hai người càng xa hơn. Nên trong bài thơ nói về người yêu mà thi nhân lại dùng chữ "khách" là vì thế! Ông mơ về nàng dẫu tình thì sâu nặng mà vẫn như mơ về một người khách lạ...
    Hình ảnh: Áo em trắng quá.../ - Hẳn  là màu áo trắng  của Hoàng  Cúc thường mặc phải gây ấn tượng trong trí nhớ của HMT hơn các màu áo khác !?  Nhưng màu áo trắng ở đây còn là ảnh ảo, khi thi nhân mơ tưởng người đẹp ở trong trăng...  Màu trăng ấy thường hay thấy trong thơ HMT:
               Người trăng ăn vận toàn trăng cả...
     Còn tại sao "áo em trắng quá" mà lại "nhìn không ra"? Ý là mối tình ấy đã cách biệt, giờ đây khoảng cách giữa hai người xa vời như người khách lạ qua đường. Còn cảnh tượng:
                  Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 
       Đó vừa là cảnh thực của nơi ông đang sống và chữa bệnh hiu quạnh, khói sương, heo hút ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Nhưng đồng thời cũng để nói lên trong cảnh ngộ của Người về thân phận "mịt mờ nhân ảnh". Tâm trạng Ông đang rơi vào trong vực thẳm trước sự quên lãng của người đời,  lòng càng da diết mà hỏi:
              Ai biết tình ai có đậm đà?
      Tiếng "ai" bộc lộ một tâm trạng  vẫn rất tha thiết của ông:  Liệu nàng còn nhớ đến ta chăng? Cái tâm trạng xa xót ai oán ấy, ông cũng đã từng bộc lộ nhiều lần khác:
              Một mai kia ở bên khe nước ngọc
             Với sao sương, anh nằm chết như trăng
             Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
             Đến hôn anh và rửa vết thương tâm!
      Đây  Thôn Vỹ Dạ là một bài thơ được dệt  thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và kí ức. Ý, tình  khúc triết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập "thơ điên",  nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!
              (Trích tập " Phạm Ngọc Thái - Phê bình & tiểu luận thi ca",
                                                             Nxb Văn hóa  Thông tin 2013)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2022 12:31:08 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:14:37
 
                           TẬP THƠ "ĐÔI HỒN"
                       VÀ MỘT THIÊN DIỄM TÌNH


  
                                                     Phạm Ngọc Thái     
 
     Tập thơ "Đôi hồn" là sản phẩm thi ca của một mối tình đã được thăng hoa giữa thi nhân Hàn Mặc Tử (HMT) cùng nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình (MĐ). Mối tình ấy diễn ra cũng như thơ của cả hai người đều đã được viết từ trước đây hơn nửa thế kỷ.
      Bây giờ ở trên đỉnh cao Gành Ráng, Qui Nhơn bên bờ biển Đông, mộ của thi nhân HMT quanh năm sóng phủ. Thơ của Người đang được nhân gian truyền tụng như những vì sao sa sáng láng. Đúng như lúc đương thời Người viết:
                Với sao sương, anh nằm chết như trăng
     Nhưng khi còn trong cõi sống, Người đã phải chịu bao nhiêu khổ hạnh vì bệnh tật. Tạo hoá đã cướp đi một tài hoa lúc đương độ rực rỡ, khi cuộc đời Ông mới chỉ vừa 28 tuổi. Ngẫm thế, kiếp người có khác gì kiếp nợ! Phải chăng muốn hoá siêu nhân thì trước hết con người phải chịu đựng những sự đầy đoạ ở phàm trần?         

     Nhưng thế giới sinh linh này cũng thật huyền diệu và bí ẩn, chính thiên diễm tình ấy lại nẩy nở trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc sống. Khi mà thi nhân lâm vào căn bệnh phong ác nghiệt, thì nàng Mộng Cầm - người con gái quê Phan Thiết đã từng một thời yêu thi nhân, lại bỏ đi lấy chồng, đẩy thi nhân thêm vào cảnh đau đớn, cô đơn.
    Trời đất đã cho một ái nữ khác đến với Người. Theo như lời kể của Đắc Trung (trên báo Phụ nữ Việt Nam số 28 ra ngày 11-1-1994 ), thì ái nữ ấy:

     "Xuất thân trong một gia đình quan lại quê Nông Cống, Thanh Hoá. Thân phụ nhậm chức tại Phan Thiết, mười sáu tuổi sống bên cha, sau này vào ở Sài Gòn. Cô thiếu nữ ngây thơ xinh đẹp, rất được cưng chiều...”.
   Chính là nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình. Nàng lại còn thông tuệ về văn thơ cùng với Người để tạo nên một thiên bi tình khả ái, với tập thơ "Đôi hồn" lai láng yêu đương. Tập thơ ấy được thi nhân cùng nữ sỹ giao lưu trong mối tơ duyên và viết suốt ba năm (1937-1940): gồm 54 bài, kể cả hơn chục bài thơ mà bà Mai Đình viết sau này, khi HMT đã qua đời ngày 11-11-1940.
     Đến nay năm tháng trôi qua, cuộc đời riêng chung biết bao biến đổi, nhưng lòng người nữ sỹ vẫn:
                Nói sao cho xiết nỗi buồn?
                Một trời binh lửa, một hồn cô liêu.
                Hồn tôi theo đám mây chiều,
                Tìm chàng trong một túp lều tranh con.
                                        (Âm thầm - MĐ)
      Đó chính là cái túp lều tranh ở Gò Bồi, trên một khu cát rộng phía Tây thành phố Qui Nhơn. Cách đây trên nửa thế kỷ (1939), người nữ sỹ đã đến thăm thi nhân khi ông mắc bệnh hiểm nghèo phải sống lẩn tránh cả chính quyền địa phương. Vì bệnh lây nên chính quyền buộc gia đình phải đưa HMT vào bệnh viện "cùi" Qui Hoà để chữa bệnh và ẩn náu, cách biệt tất cả mọi người. Đó cũng là lần đầu tiên nàng mới gặp mặt người yêu. Vì trước đó đôi năm tình yêu của hai người chỉ trao đổi qua các áng thơ, như nàng kể lại:
 -    Đến trước túp lều tranh xơ xác, xiêu vẹo... vén tấm mành che cửa... một người đàn ông nhỏ bé, gầy yếu, ngồi trên chiếc giường chõng, cạnh bàn viết. Bàn là một tấm gỗ thùng đặt trên khung chân cũ. Người đàn ông ngước đôi mắt đen sáng long lanh nhìn tôi dò hỏi. Tôi đứng lặng đi. Hàn Mặc Tử đấy ư? ...
    Nàng tả về đôi mắt trong sáng như hai ngôi sao của thi nhân, tấm thân thì ốm yếu tàn tạ, nhưng thông minh và cám dỗ. Vâng, nàng đã yêu trong hoàn cảnh ấy:
                Em theo mây gió anh ơi,
                Em đi đi mãi vào nơi vô hình...
                Yêu anh trên bước phiêu linh,
                Để lòng bớt khổ, để tình bớt đau.
                                        ( Biệt ly - MĐ )
      Mặc dù chỉ là một nữ nhi khuê các nhưng sức mạnh tình yêu của nàng không gì ngăn cản nổi, hoàn cảnh càng khắc nghiệt thì tình nàng càng đằm thắm, thiết tha:
                Yêu anh trong lúc anh lâm chung,
                Mới thấy tình em yêu lạ lùng.
                                  ( Anh hứa đi anh - MĐ )
     Vượt lên trên tất cả sự chỉ trích của người đời:
                Kịp nghĩ miệng đời hay mỉa mai,
                Tảng lờ ngừng bước và im hơi,
                Mộng hồn em gửi theo chiều gió
                Để được gần anh ngỏ ít lời.
                                    (Biết anh - MĐ)
   Ta cảm thấy rợn tóc gáy, không thể không khâm phục ý chí quyết liệt trước lời tuyên bố của nàng:
                Tôi chẳng sợ cảnh nghèo hèn đói khổ,
                Tôi không kiêng thứ da thịt khác người
                Vì lòng tôi, tôi chỉ biết yêu thôi!
                                           (Tuyên bố - MĐ)
      Hoàn cảnh bi ai, sầu thảm nhưng tình nàng không chỉ đằm đìa mà còn trong sáng, mộng mơ một cách lạ kỳ:
                Yêu anh chết nửa cõi lòng,
                Gửi hồn bay bổng mấy tầng mây xanh.
                                            (Tơ sầu - MĐ)
      Còn thi nhân HMT, người yêu của nàng cũng mộng mơ không kém:
                Dưới túp lều tranh, trên chõng tre,
                Tứ bề cửa khép với phên che,
                Kéo mền ủ kín toàn thân lại,
                Để thả hồn bay gửi mộng về.
                               (Hãy đón hồn anh - HMT)
      Cảnh ngộ thì khổ sở, nghèo hèn nhưng tâm hồn họ thật thanh tao, hoành tráng biết bao. Đúng là, một túp lều tranh, hai trái tim vàng! Nàng đáp lại:
                Bây giờ em đã bên anh
                Đói nghèo em chịu, rách lành cũng vui.
                               (Em vẫn bên anh - MĐ)
      Tuy vậy, nhưng nào họ có được ở bên nhau? Chỉ thăm người yêu ít ngày rồi nữ sỹ lại phải chia tay về gia đình tận Sài Gòn. Hàn Mặc Tử với bệnh tình đành nằm lại trong túp lều tranh ở Qui Nhơn. Người phương Bắc kẻ phía Nam. Hoàn cảnh đã khắc nghiệt mà không gian ly biệt thì xa vời, nhớ nhau cũng chỉ biết:
                Anh đứng cách xa hàng thế giới
                Lặng nhìn trong mộng miệng em cười.
                               (Lưu luyến - HMT)
      Nhưng theo dõi hồn thơ ta có cảm nhận như đang gặp một cuộc tình duyên nơi chốn cung động thiên thai nào đó, chứ không phải ở trần tục đời thường. Thi nhân viết:
                Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn
                Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt.
      Hay là:
                Quí như vàng, trọng như ngọc trên đời
                Mai! Mai! Mai! Là Nguyệt Nga tái thế...
                                (Thắm thiết - HMT)
      Nàng thì ví mình như Ngọc Nữ còn chàng là Kim Lang, vì để rơi chén vàng cho nên Ngọc Hoàng đẩy xuống trần thế, mặc dù nay đã hết hạn họ vẫn quyết ở lại bên nhau không về tiên giới:
                Ta đã ở bên chàng nơi cõi tục,
                Quyết không về điện ngọc sống cô đơn!
      Để rồi:
                Bốn bàn tay cùng chung xây hạnh phúc,
                Túp lều tranh hơn cõi thiên đường.
                                 (Hạnh phúc - MĐ)
      Và tình yêu ấy đã đạt đến độ say đắm, giông bão khôn cùng:
                Tôi ôm nàng, muốn cắn chết nàng đi!
                                 (Thắm thiết - HMT)
      Nữ sỹ Mai Đình kể lại khi họ gặp nhau:
-   Vì sợ lây bệnh cho người yêu, nên Hàn Mặc Tử không dám đụng vào người Mai Đình...
      Nàng nói:
-   Những phút ấy mặt Hàn Mặc Tử đỏ rần lên rồi tím đi, còn Mai Đình cũng chết cả ruột gan không biết phải xử trí làm sao?
      Thật là đau khổ và hy vọng:
                Anh lành anh sẽ tặng em chi?
                Tặng cả đời anh cả hồn thi,
                Với tất những gì anh ước vọng,
                Cả hồn, cả xác, cả tình si.
                              (Anh hứa đi anh - MĐ)
      Nhưng cũng như tình thường của bao đôi trai gái khác, tình yêu không chỉ có quấn quít "đôi hồn" mà cũng có lúc ghen tuông:
               Em muốn thu anh thành vật nhỏ
                Để em nắm kín ở trong tay...
                Cho các cô nường hết ngất ngây.
                                           (Ghen - MĐ)
      Trong bài "ghen với Mộng Cầm" ta còn nhận thấy mặc dù Mộng Cầm là người con gái đã đến trước, được hưởng đầy đủ khoái lạc của tình yêu lúc thi nhân đang lành lặn, mà lại ruồng bỏ khi Người lâm bệnh. Nhưng với tư cách của Mai Đình vẫn tỏ ra là người tao nhã, trang trọng. Ghen đấy mà không phỉ báng, còn cảm thông với lẽ đời thường của một tấm lòng nhân hậu, khoan dung, độ lượng:
                Mộng Cầm hỡi, nàng là tiên rớt xuống,
                Hay là vì tinh tú giáng trần gian?
                Diễm phúc thay, sung sướng biết bao vàn,
                Đầy đủ quá, nàng thương chăng kẻ thiếu?
                                  (Ghen với Mộng Cầm - MĐ)
      Đã bộc lộ tình cảm day dứt của một người con gái tha thiết yêu mà tâm sinh lý không được thoả mãn. Hàn Mặc Tử có lúc cũng không ra khỏi sự nghi kỵ, dằn vặt đời thường. Có lúc ông nghi oan người yêu có tình ý với người khác, buông ra những lời thơ hờn giận:
                Mai tiên nữ! Đọc hồn ta cho rõ:
                Đau không rên, chết cũng mặc mình thôi!
                Mối tình si đã lỡ vỡ tan rồi,
                Ta chỉ biết lặng nhìn thiên hạ khóc...
      Hay là:
                Tim hồn ta quằn quại giữa lầm than
                Để trở lại những ngày đầy huyết lệ!
                                   (Thầm lặng - HMT)
      Sự mặc cảm đó cũng dễ hiểu: bản thân ông bệnh tật, người yêu thì trẻ đẹp lại ở cách xa...
      Hôm nay trong lẽ sống thường tình trước mọi sự đổi thay, thăng trầm nhân thế, ta thưởng thức những tri âm, tri kỷ ấy càng thấy thiên tình duyên trác tuyệt này như một sự lạ cõi đời. Trong thời buổi kinh tế thị trường chi phối cả trong tình yêu trai gái và những mối quan hệ xã hội khác, thì cuộc tình xưa hẳn như một đài thơ diễm lệ, cho ta ngưỡng mộ và cảm phục!
    Có phải chăng duyên ấy, phận này cũng đã là tiền định như khi nữ sỹ khóc bên mộ Người vào tháng 4-1941. Khoảng nửa năm sau khi thi nhân tạ thế:
                Em đã về đây bên mồ cát trắng
                Túp lều tranh muôn thưở đã chung đôi
                Tự nghìn năm thượng đế định cho rồi...
                                     (Em đã về đây - MĐ)
      Hay cảm vì phận mỏng, tình dở dang, nàng than:
                Anh ơi, xin hãy chờ em với!
                Hết nợ rồi em sẽ trở về.
                                    (Chắp lại đôi hồn - MĐ)
      Ta chạnh nhớ tới câu thơ của cụ Nguyễn Du khi nàng Kiều than ở sông Tiền Đường:
                Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!
     Về thơ của thi nhân HMT thì chúng ta đã biết nhiều. Ở đây, qua tập "đôi hồn" còn cho chúng ta thưởng thức tài hoa của nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình, như Kiều Văn đã nhận xét trong lời giới thiệu tập thơ:
-   Đó là một giọng thơ giản dị, chân thực mà sâu sắc, nồng nàn... Là thứ thơ huyết lệ. Hàm chứa những tình cảm cao quí thiêng liêng, thuỷ chung...Xứng đáng là tiền bối của thơ tình Xuân Quỳnh và các nữ sỹ khác sau này.
      Nói thế có lẽ vẫn chưa đủ, bút pháp thơ của nữ sỹ Mai Đình có lúc quặn thắt, đau đớn như nàng viết:
                Nguyện để tang anh suốt một đời!
      Nhưng trước tình yêu non sông đất nước, ta lại còn chứng nhận một phong cách cũng thật hào khí:
                Chút nợ ân tình trả chưa xong
                Đành mang tâm sự mãi bên lòng
                Sắt son đã chẳng cùng nhau trọn
                Em phải đem mình gửi núi sông.
                                     (Trăng cũ - MĐ)
       Gợi ta nhớ tơi âm hưởng những câu thơ đầy hùng khí, trác tuyệt của nữ sỹ Ngân Giang trong bài "Trưng nữ vương":
                Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
                Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi,
                Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá!
                Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.
      Vào năm 1996, báo chí đã đưa tin về nữ sỹ Mai Đình khi đó Bà bước vào tuổi thọ 80. Bà đã đến Gành Ráng, Qui Nhơn một lần nữa để thăm lại mộ của cố nhân. Một lần nữa, những giòng lệ xót thương lại chảy tràn trên đôi mắt Bà như thưở còn con gái, như câu thơ Bà đã viết:
                Tóc trắng, tình xanh mộng chửa tàn.
      Khi đó tuy tuổi đã già, cũng theo lời kể của Đắc Trung:
-   Nữ sỹ Mai Đình vẫn giữ được những nét đẹp kiêu sa, quí phái. Mái tóc dài bạc trắng chải rất mượt, búi rất gọn. Da hồng, mắt sáng, miệng tươi. Giọng nói nhỏ nhẹ mà đầy âm hưởng. Khăn hoa áo lụa hảo hạng...
     Để kết thúc bài viết về thiên tình ca trác tuyệt có một không hai này, tôi xin trích dẫn những lời thơ trăng trối của thi nhân Hàn Mặc Tử viết để lại cho người yêu. Đấy cũng là những bút tích cuối cùng, trong thi phẩm cuối cùng của ông lưu lại cõi trần gian. Người đã "Trút linh hồn" trước lúc đi xa:
                Ta trút linh hồn giữa lúc đây
                Gió sầu vô hạn nuối trong cây,
                - Còn em, sao chẳng hay chi cả?
                Xin để tang anh đến vạn ngày!


<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.11.2022 21:35:08 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:19:52
 
 
                 BẰNG VIỆT VỚI BÀI THƠ TÌNH HAY
                                                                Phạm Ngọc Thái
 

                   NGHĨ LẠI VỀ PAUTỐPXKY
 
                                            1.
                Đồi trung du phơ phất bóng thông già.
               Trường sơ tán. Hồn trong chiều lặng gió
               Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
               Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu...
 
            "Lẵng quả thông" trong suối nhạc nhiệm màu
               Hay "Chuyến xe đêm" thầm thì mê đắm
               Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
               Một bàu trời vĩnh viễn ướp hương hoa.
 
                - "Có thể ngày mai ta cũng đi qua
               Một cánh cửa nao lòng trong truyện "Tuyết"?
               Có tiếng chuông rung và con mèo "Ackhip"
               Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong..."
               Xa xôi sao... Thời thơ ấu sau lưng!
 
                                           2.
                 Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
                                                     cuộc đời không phải thế!
               Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể
               Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
               Khi em đến bên anh, trước biển cả dâng triều.
 
               Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
               Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời.
               Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
               Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi...
 
               Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng.
               Nốt cao quá trong đời xao động quá!
               Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
               Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn.
 
               Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
               Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất
               Anh qua cả màu không gian ngây ngất
               Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao...
 
               Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao!
 
                                         3.
                Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
               Có thể, ngày mai thôi... Có thể...
               "Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ"
               Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm...
 
               Pautôpxky là dĩ vãng trong em
               Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
               Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
                                  anh hiểu rằng không phải...
               Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
 
               Đưa em đi... Tất cả thế xong rồi
               Ta đã lớn. Và Pautôpxky đã chết!
               ... Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện "Tuyết"
               Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
                                                                             Bằng Việt
 
Lời bình:   "Nghĩ lại về Pautốpxky" thuộc trong những bài thơ tình hay nhất của đời thơ Bằng Việt.  Anh đã làm bài thơ này vào thưở còn rất trẻ, có lẽ khi đó chỉ mới bước qua ngưỡng cửa đời sinh viên, ngoài tuổi đôi mươi. Mà cũng chỉ có tâm hồn một thanh niên trí thức đa cảm, lại sống vào giai đoạn xã hội, đất nước và con người của những năm trong thập kỉ sáu mươi, bảy mươi ấy... Bằng Việt mới có được một hồn thơ say sưa, tình thơ trong trẻo và bay đến như thế! Mặc dù, hình như anh viết về một mối tình thơ dại đã qua đi.
      Bài thơ được chia làm ba khúc. Tôi rất thích một câu thơ dài mà tác giả điệp lại đến hai lần:
          Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế!
     Nghĩa là cuộc đời đang ở phía trước. Cuộc sống, những thử thách buồn vui, hạnh phúc và đau đớn, tất cả vẫn đang chờ đợi chứ không phải là cái ta được, mất... đã qua rồi. Bài thơ cứ luôn luôn mở ra như thế, tất cả vẫn đang đón đợi, đừng vì thế mà buồn. Pautôpxky với bao thần tượng về tình yêu lãng mạn, mộng mơ, ngọt ngào trong những truyện "Lẵng quả thông", "Chuyến xe đêm ", truyện "Tuyết" - Những tình yêu như truyền thuyết ấy đã nhập vào trong tình cảm, cuộc sống của nhà thơ và cả của em. Nhưng đó đã là dĩ vãng, dù nó vẫn còn ngân nga, vang vọng mãi trong tâm hồn anh.
      Khúc (1) - Tác giả để hồn thơ bay dưới những bóng thông già mà nhớ về tuổi đã qua:
                    Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
                    ... Một bàu trời vĩnh viễn ướp hương hoa
   Tình yêu như những nốt nhạc rung đầu đời của nhà thơ với một thiếu nữ nào đó. Nó vừa thực lại vừa mơ hồ như ảo ảnh, khi qua đi để lại thoang thoảng của mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm. Nó lóng lánh như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu. Chập chờn như ánh nến hạnh phúc soi vào đôi lứa. Đó chính là "suối nhạc nhiệm màu" cứ thầm thì, thầm thì mê đắm mãi.

      Nếu ta chưa đọc Pautôpxky thì ta chưa hiểu về chuyện con mèo "Ackhip", tiếng chuông rung và những sự thần kỳ trong truyện "Tuyết"! Nhưng đâu có cần cứ phải đọc Pautôpxky mới hiểu được thơ cơ chứ? Chỉ cần nghe lời thơ và những âm hưởng của tình thơ, ta cũng có thể mơ hồ hiểu trong sâu thẳm, cái mối tình thưở ban đầu mà nhà thơ gợi ra ấy đã đẹp, trong sáng, say mê, mơ mộng đến chừng nào. Thế cũng đủ cho ta phải yêu rồi:
                      Có thể ngày mai ta cũng đi qua
                      Một cánh cửa nao lòng trong truyện "Tuyết"?
                      Có tiếng chuông rung và con mèo "Ackhip"...
                      Xa xôi sao... Thời thơ ấu sau lưng!
      Sang khúc (2):
                     Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao!
     Câu thơ kết khúc ấy phải chăng nó đã gói trọn bao niềm tâm tư, tình yêu và khát vọng, hạnh phúc cùng những đớn đau của nhà thơ? Nhưng cũng phải chăng như nhà thơ muốn nói: Tình yêu của anh và em đã không vượt được qua không gian, thời gian? Bởi vì:

                    Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể
      Biển cả cuộc đời thì đầy bão tố phũ phàng, mà tình yêu ấy dẫu khát khao, trong suốt như giọt nước ban mai rơi xuống tuổi thanh xuân, lại còn quá yếu đuối, mỏng manh. Biển thì mặn mòi sôi sục bao nhiêu, mà khi em đến bên anh: Lúc ấy sóng không yên, gió không lặng, tựa như đang cả triều dâng. Nhưng chính tuổi trẻ - Phải, tuổi trẻ đã vượt lên trên cả sự tan vỡ và thử thách đó. Chỉ có tuổi trẻ mới:
                   Thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
                   Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời.
     Nhưng tôi thích đôi câu thơ mà tác giả đã ví:
                   Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
                   Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi...
    Cuộc sống là như thế! Khi khát vọng ước mơ đến trong ta, nó như cả một bầu trời cao xanh vời vợi và ánh hồng chan chứa nơi nơi. Lòng ta mở rộng đón chờ với bao niềm vui khó tả. Nhưng cái gì mà chẳng có mặt trái của nó: Ước vọng càng cao thì dữ dằn bão tố, bất hạnh cũng rình rập, muốn vùi dập ta vào trong bóng đêm trôi choán ngợp cả bàu trời. Hai câu thơ đã vạch lên trên đường chân trời của cuộc đời rằng, đấy là thử thách mà tuổi trẻ cần phải vượt qua! Không có con đường hạnh phúc nào đi đến toàn bằng phẳng, thênh thang. Trong cả tình yêu lứa đôi của anh và em, hạnh phúc chúng ta phải trả giá và sự tan vỡ ban đầu ấy, phải chăng cũng là lẽ tất nhiên? Nếu không, thì đó cũng chính là cái nghiệm ban đầu, để rồi ta sẽ đi đến. Tình yêu và cuộc sống vẫn đang đón đợi ta ở phía xa kia! Nhà thơ lại ru mình và ru em:

                    Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
                   Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất
                   Anh qua cả màu không gian ngây ngất
                   Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao...
    Đúng như vậy. Tình yêu như một vùng nắng mới với cả màu không gian ngây ngất, trong những chiều của ngàn lá cây rung và tiếng nói thầm của người yêu vẫn lao xao trong đó. Đẹp, đẹp quá nhà thơ ạ! Tôi đã nghe thấy tiếng nói thầm ấy, rung động và bay xa lắm. Nó vượt lên trên cả bão tố dữ dằn và sóng gió mịt mùng kia. Tiếng nói thầm đáng yêu, tưởng chừng có thể làm nứt vỡ trái tim ta!

      Đây là khúc thơ chính của bài. Giọng thơ say sưa, lời thơ đằm thắm. Thơ được dùng nhiều ngôn ngữ hình tượng, màu sắc sinh động. Trong thơ có nhạc, lắng càng sâu càng thấy hay. Đôi khi anh sử dụng một cách nói rất thông thường bên cạnh những câu thơ có ngôn ngữ thanh cao, để thơ khỏi rơi vào sự mượt mà, bóng bẩy. Thí dụ như:
                  Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
                  Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn.
      Những câu thơ mộc mạc như thế, âu cũng là những sự chấm phá cần thiết tạo nên một sự gồ ghề, thô ráp nhất định. Như những nét trạm đơn giản mà tôn tạo hình ảnh của các câu thơ khác cao lên.
      Khúc cuối:
                  Đưa em đi... Tất cả thế xong rồi
                  Ta đã lớn. Và Pautôpxky đã chết!
    Nhà thơ đã kết thúc bài thơ một cách dữ dằn như thế đấy! Nhưng câu thơ không phải để nói về Pautôpxky nhà văn Nga quá cố đâu, mà là tình yêu trong sáng, lãng mạn, mộng mơ thuở đầu đời của anh và em đã không còn. Như tác giả viết:

                Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm
      Hay là: Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao!/ -  Nhưng đọc thơ anh sau ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn thấy như đang gặp một Bằng Việt cứ nguyên mơ mộng, nhẹ nhàng và bay bổng của thuở đã xa xưa ấy. Tôi không nói về Bằng Việt của tuyên huấn, làm chính trị... mà là một Bằng Việt của nhà thơ, trong thơ, mới thật đáng yêu sao! Phải, thuở ấy... anh đã khóc khi tiễn mối tình thơ dại với người con gái ban đầu của cuộc đời anh:
                ... Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện "Tuyết"
                Dẫu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
      Về thi pháp nghệ thuật có thể nói "Nghĩ lại về Pautôpxky" là một bài thơ đã viết trong mối giao cảm, được hoà nhập bởi hai dòng thơ: Một của dòng thơ lãng mạn thuần tuý viết tràn theo cảm xúc, như thời "thơ mới" Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ... vào những năm bốn mươi. Một nữa của dòng thơ tượng trưng cấu trúc đã súc tích hơn, với những hình ảnh giàu tính triết lý... mà nhờ đó Hàn Mặc Tử đã viết nên Đây Thôn Vỹ Dạ và Mùa Xuân Chín.
      Ta hãy nghe xem tác giả cứ để cảm xúc mình chảy tràn ra, rơi lệ xuống cả trang thơ:
                  Pautôpxky là dĩ vãng trong em
                  Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
                  Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
                                                              anh hiểu rằng không phải...
                  Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
     Tôi nghĩ đã đến lúc có thể gấp lại bài bình ở đây. Bởi, thơ anh viết như thế cũng đã quá đủ rồi... còn cần gì nữa để tôi phải nói thêm.



<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2022 12:36:43 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:25:07
 
                        HOA HUỆ 

 
                    Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
                    Sao bóng hoa trên tường lại đen?
 
                    Em đừng nhìn đi đâu thế em
                    Anh không biết vì sao, ai có lỗi...
                    Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
                    Sao bóng hoa trên tường lại đen?
                                          
        Bế Kiến Quốc
                                                
 (1949 - 2002)


 
                  Lời bình Phạm Ngọc Thái
      Bài thơ đưa ta đến một cảm giác với bao mâu thuẫn của tình yêu:
                  Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
                  Sao bóng hoa trên tường lại đen?
      Màu hoa huệ trắng đặt trước một bức tường cũng trắng như sự trắng trinh thơm ngát ở người con gái, mơ mộng và nên thơ. Nhưng:
                    Sao bóng hoa trên tường lại đen?
      Đó lại là hai mặt mang đầy kịch tính. Tôi nói “kịch tính”, bởi vì: Bông hoa nào dù trắng trong và hương ngát bao nhiêu chăng nữa, nhưng khi bóng của nó hắt lên tường thì đều thành màu đen cả
(nghĩa đen). Ý là tình yêu đã mang đến cho ta niềm vui sướng, hạnh phúc vô biên - Ngược lại, tan vỡ cũng gây không ít những đau đớn và thất vọng. Cái mâu thuẫn ấy có mấy đôi trai gái không thường vấp phải? Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã sử dụng hình tượng bóng đen đó (theo nghĩa bóng)
, để nói lên nỗi lòng mình đang tan nát.
      Henrich  Haine một nhà thơ lớn nước Đức (1797-1856), trong bài thơ "Những hoa hồng tím nhạt" đã viết:
                    Em có hiểu vì đâu?
                    Những hoa tím im lặng
                    Trên cánh đồng xanh mầu?
     Tình cảm đồng điệu từ những bông hoa tím được nhà thơ sử dụng chỉ cốt  bộc lộ nỗi đau thầm nén của lòng người con trai trên cánh đồng xanh mướt, tha thiết tình yêu  kia! Ông viết tiếp:
                    Vì sao trên không trung
                     Chim sơn ca than khóc?
                     Vì sao đoá hoa thơm
                     Tỏa một mùi chết chóc?
     Hình ảnh bông hoa được sử dụng thêm một lần nữa nhưng ở mức độ cao hơn, khốc liệt hơn -  Rằng, một đóa hoa thơm cũng mang nỗi khổ hạnh khi trái tim tình yêu người bị đớn đau. Như lời của Nguyễn Du:
                    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
      Việc sử dụng hình ảnh bông hoa để  nói về tình yêu của nhà thơ Bế Kiến Quốc và Henrich Haine khác nhau là ở chỗ: Hình ảnh của nhà thơ Đức thông qua trạng thái ở bông hoa mà biểu đạt nỗi xót xa về tình cảm, hay sự quặn thắt trong lòng người - Nhưng bông hoa trong bài thơ "Hoa huệ" thì lại được xây dựng hẳn thành một biểu tượng cho tình yêu! Anh viết bài thơ này từ năm 1969, khi còn là một sinh viên trường Đại học Tổng hợp. Nghe nói những năm tháng ấy các sinh viên của trường anh thường lập ra những nhóm thơ, tìm tòi nhiều, cả thơ trong nước và thơ thế giới. Bài thơ đã ảnh hưởng trường phái thơ tượng trưng của văn học châu Âu. Tuy nhiên, đó là sự ảnh hưởng về phương pháp sử dụng hình tượng nghệ thuật thể hiện, tư duy thơ vẫn bắt nguồn từ tình cảm bản thân trong đời sống tình yêu lứa đôi, dồn nén của trái tim mà ra. Cho nên  bài thơ tuy viết theo dạng biểu tượng súc tích nhưng tình cảm vẫn  tha thiết, đằm thắm:
                Em đừng nhìn đi đâu thế em
                Anh không biết vì sao, ai có lỗi...
      Sau hai câu đầu đưa ra sự đối ngược giữa hình ảnh bông hoa trắng với cái bóng trên tường lại đen, tác giả bắt ngay vào diễn tả trạng thái riêng tư. Đó là sự trách cứ người yêu hờ hững chăng? Anh tiếc nuối hay anh phân bua về sự tan vỡ ấy? Câu thơ:
                Anh không biết vì sao, ai có lỗi?
    Ta thấy lòng nhà thơ vẫn còn rất  tha thiết với người con gái năm xưa, dù mối tình đã tan có thể không bao giờ còn hàn gắn lại được. Tuy có đôi chút yếu lòng nhưng thơ không rơi vào bi lụy. Có vẻ trách đấy mà đâu có trách. Cảm hóa ta về một mối tình đẹp và trong sáng.
      Tất cả chỉ có sáu câu. Hai câu kết tác giả trở lại với hình ảnh của bông hoa và cái bóng đen trên tường để  khóa bài thơ:
                Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
                Sao bóng hoa trên tường lại đen?
      Cái bóng đen của bông hoa in trên nền tường trắng là một bóng... buồn. Câu hỏi:
               Sao bóng hoa trên tường lại đen?
       Mãi mãi còn day dứt, trăn trở trong trái tim người con trai. Nhìn "bóng hoa đen"... lòng anh lại càng xa xót về một kỷ niệm đã xa xưa. Sự đối ngược giữa hình ảnh bông hoa trắng và bóng đen tự thân đã mang theo một  quan điểm triết lý về sự hợp tan, lành dữ trong trời đất. Đó cũng chính là ý nghĩa  tự nhiên của tình yêu và cuộc sống, vừa hạnh phúc mà lại vừa đau khổ.
      Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã tạo nên bức tranh "Hoa huệ" không kém phần độc đáo.



<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2022 12:38:13 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:29:03
 
            BỜ SÔNG VẪN GIÓ

 
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
                           người không thấy về

Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối... một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Cây cau cũ, giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần
Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...
                                    
   Trúc Thông

            
 

                 Lời bình Phạm Ngọc Thái  
     Đây là bài thơ mà nhà thơ Trúc Thông khóc mẹ. Mới đọc ngỡ như anh đang đứng trước hương hồn người mẹ của mình đã khuất nơi chín suối, để trào ra những dòng thơ thương cảm. Nhưng không, bài thơ này Trúc Thông đã viết vào năm 1983 trong một lần trở về thăm quê, khi đó người mẹ của anh vẫn đang cùng anh sống ngoài Hà Nội. Một năm sau đó (1984) mẹ của nhà thơ mới qua đời. Nghĩa là, linh cảm về cái mất của bà mẹ già yếu đang gấp gáp đến gần, nên lời thơ nghẹn ngào xúc động, thấm đầy lệ.
   Đứng bên con sông Châu chảy qua tỉnh Hà Nam, cũng chính là dòng sông chảy qua quê hương của cố nhà văn Nam Cao, đồng tỉnh với quê hương của nhà thơ. Bên bờ sông ấy nhà thơ than thở:
                  Lá ngô lay ở bờ sông
                  Bờ sông vẫn gió
                                                người không thấy về
    Hình ảnh bờ sông, bãi ngô rất thân thiết, gần gũi với một làng quê Việt Nam. Đọc câu thơ ta liên tưởng tới bài thơ nổi tiếng "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi nhân Hàn Mặc Tử, có câu Người đã viết:
                  Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
    Thông qua hình ảnh "... hoa bắp lay": âm hưởng lay lắt, chuyển động yếu ớt của những bông hoa bắp như thể hơi thở trút ra mỏng manh, cô quắt đồng hoạ với cảnh "dòng nước buồn thiu" để diễn tả tâm trạng cô đơn, buồn nản vì thương nhớ người yêu cách biệt trong mối tình đơn phương của thi nhân.
    Nhưng cái từ "lay" của những lá ngô trong bài thơ Bờ Sông Vẫn Gió của Trúc Thông thì lại diễn tả tâm trạng xao động, xót thương nghĩ về mẹ chứa chất một cái gì đó đang dâng lên ở trong lòng. Đồng vọng với tiếng "lay" kia thì tiếng gió thổi: Bờ sông vẫn gió.../- cũng dào dạt mạnh mẽ,  để rồi tác giả hạ nốt nửa vế của câu thơ: ...người không thấy về/- Vậy là, dù cùng một từ "lay" với hình ảnh gió ven sông nhưng ở hai bài thơ đã diễn tả hai trạng thái tình cảm khác nhau, đều súc tích đạt đến hiệu quả của mỗi tình thơ riêng.
   Đoạn giữa là khổ thơ chính của bài, liền mạch tám câu nhưng ý thơ được cấu tứ thành bốn cặp. Cứ mỗi cặp hai câu nối tiếp nhau đan kết một cách khái quát quanh tình cảm và cuộc đời người mẹ cùng với quê hương:
                 Xin người hãy trở về quê
                 Một lần cuối... một lần về cuối thôi
   Ta thấy sự gắn bó giữa quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn với tình thân mẫu của nhà thơ. Cái điệp khúc "một lần cuối" hơi thơ dồn dập, bởi nỗi lòng mong mỏi, khắc khoải của người con, điệp với ý cụm từ "một lần" ở khổ thơ giữa:
                Một lần cuối... một lần về cuối thôi
    và:
                Còn nghe gió thổi sông xa một lần
    Đến câu kết được điệp lại một lần nữa, thả dần tình thơ... như việc xây dựng cao trào xong rồi cởi nút kết thúc một vở kịch vậy:
                  Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...
    Nỗi thơ thêm quặn thắt, tạo thành tụ điểm của tình cảm, tư tưởng nhà thơ. Nhưng nhà thơ mong mỏi người mẹ của mình kịp về quê một lần nữa để làm gì?
                  Về thương lại bến sông trôi
                  Về buồn lại đã một đời tóc xanh
    "Bến sông" nghĩa là quê hương. Còn "bến sông trôi..." - Chữ "trôi" ở đây để nói về năm tháng chìm nổi của mẹ đã trải cả "một đời tóc xanh...". Hai câu thơ không chỉ nói về nghĩa gian truân, mà còn hàm ý sâu sắc sự gắn bó máu thịt giữa quê hương với cuộc đời của mẹ. Hai chữ "thương""buồn" dùng thật đắt. Nó không phải chỉ để gợi lại nỗi sầu khổ của cuộc đời, mà nếu có thì cũng quyện trong những tình cảm thân thương da diết, làm cho tình thơ cảm kích một cách lạ thường.
    Thực ra khi tác giả viết:
                  Lệ xin giọt cuối để dành
    Chỉ là cách nói trào ra do cảm xúc thơ, chứ còn cả bài thơ đã đầy lệ rồi! Cái giọt lệ cuối ấy để đến khi:
                  Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
    Câu thơ này Trúc Thông đã đề cập đến mối quan hệ, tình cảm phu thê gắn bó không thể tách rời trong cuộc đời của mẹ. Trong thời hiện đại chúng ta ngày nay, nền giáo lý bị sàm sỡ quá nhiều. Nghĩa phu thê nhiều lúc, nhiều nơi bị phá vỡ từng mảng. Đạo vợ chồng cũng không còn giữ được mối quan hệ đạo đức cần thiết. Chồng thì thiếu sự mực thước, vợ lại quá trớn không có được đức tính tốt đẹp của người phụ nữ. Có lẽ do tác động của cả bề mặt xã hội làm cho lòng tác giả nhức nhối. Nhưng căn bản chính đạo nghĩa sâu sắc của cha mẹ đã in sâu trong ý thức, trái tim nhà thơ để anh khắc họa lên.
    Thành thử bài thơ tuy viết khái quát mà vẫn đa diện: gia đình và xã hội, tình cảm, đạo đức gắn bó với tình yêu quê hương tha thiết. Trong thơ những hình ảnh cụ thể nhưng lại có ý nghĩa biểu tượng như "cây cau cũ", "cái giại" ở hiên nhà
(là tấm bình phong đan bằng tre thường thấy ở một số làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ), được tác giả đưa vào trong thơ. Nó gắn bó cả cuộc đời của mẹ và gia đình anh.
    " Bờ sông vẫn gió" của Trúc Thông là một bài thơ lục bát đạt đến độ chuẩn mực, kết hợp với lối  gieo thơ theo cảm xúc phóng khoáng của thơ hiện đại. Hình tượng ngôn ngữ giầu chất dân gian, phong thái thanh tao, âm hưởng nhẹ nhàng thường thấy ở dòng thơ cổ phương Đông. Nhịp điệu khi thì đều đều theo nhịp hai, như:
                  Lá ngô/
                                 lay ở/
                                              bờ sông...
    Khi thì dồn nén, hối hấp theo sự thôi thúc của tình cảm, chuyển sang nhịp bốn ở câu sau:
                  Bờ sông vẫn gió/
                                                người không thấy về
    Hoặc là chuyển thành nhịp ba ở câu bốn:
                  Một lần cuối/
                                          một lần về/
                                                               cuối thôi...




 
    Tạo thành mạch liên hoàn từ đầu đến cuối.  Những câu chữ, hình ảnh được lựa chọn khá tinh tế, gần gũi, chân thực với đời sống mà ý tứ vẫn sâu sắc. Giọng thơ trong tiếng nhạc lòng trầm, buồn... nhưng thơ vẫn mới, vẫn tươi. "Bờ sông vẫn gió" là bài thơ hay nhất của nhà thơ Trúc Thông - Theo như ông nói: Ông viết thể nghiệm và đã thành công khi sáng tác bài thơ lục bát này.



<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2022 12:40:19 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:32:54
 
               ĐỌC THƠ BÙI VIỆT MỸ 
                                           Phạm Ngọc Thái
                   
     Qua tập "Những luống cầy vắng mùa", Nxb Văn học 2010 - Tôi cứ phân vân đọc hết trang này đến trang khác cả tập thơ trên 80 bài của Bùi Việt Mỹ, hiện là Tổng biên tập Tuần báo Người Hà Nội, mà rồi vẫn không biết nên bắt đầu từ chỗ nào? Tập thơ đề cập đến nhiều góc cạnh cuộc đời và cũng giàu tình nghĩa. Nhưng khi gấp sách để suy ngẫm, vô tình lại mở ra một trang bất chợt gặp bài "Vầng trăng trong ngõ xóm" -  Một bài thơ thắm thiết tình quê, sâu lắng và rất  đáng yêu. Vâng, tôi xin bắt đầu những dòng bình luận về thơ anh từ bài thơ ấy!



     Đó là cái vầng trăng mùa thu khi tác giả trở về thăm một làng xóm cũ:
                    Tôi về giữa mùa thu
                    Bóng tối lấp đầy ngõ nhỏ
                    Lần từng bước tìm lối xưa chẳng rõ
    Qua bài thơ hiện lên một người thôn nữ, có vẻ như cũng đã từng dan díu với anh trong cuộc tình xưa mà đến nay đối với anh vẫn còn son sắt, trắng thơm như hạt gạo quê ta:
                    Và em là vầng trăng riêng
                    Cho sáng đèn đêm đi giã gạo
    Có phải vì người con gái ấy đã chờ anh hay bởi tình cảnh nhà còn neo nút, đến nỗi bao mùa xuân qua em vẫn chưa lấy chồng?
                    Mẹ già yếu chìm vào xóm cũ
                    ...Nên em lặng thinh nén nghẹn những trang thư
      Trở về với kỷ niệm thương mến ấy lòng nhà thơ day dứt, một nỗi đau nào đó đang trích sâu vào trái tim anh:
                    Gặp lại em vào giữa đêm thu...
                    Thoáng gương mặt em làm tôi bối rối
                    Cái nóng vội năm kia còn gượng chín đến bây giờ.
      Nó vừa gắn bó cả tình quê với tình gái trai tha thiết, một tình thơ thật nhân ái và trung hậu. Một bài thơ khác nữa cũng được anh viết trong trăng, nhưng không phải trăng đêm mà là... "Trăng chiều" - Bài thơ gồm toàn những câu thơ ngắn, mỗi câu thường chỉ có 3 hay 4 chữ:
                     Phòng lạnh buốt
                     nỗi đam mê
                     trang giấy gói chiều thu
                     đầy quạnh vắng
     Đó là một buổi chiều hiu quạnh, chiều trong hoà bình. Bỗng nhiên một mảnh trăng ló lên qua ô cửa - Thế là cùng với nỗi lòng đang trống vắng cô đơn, kỷ niệm cũ tràn về theo bóng trăng ùa vào trong phòng cùng với nhà thơ. Hồn thơ Bùi Việt Mỹ vụt ắp ra một bản thơ tình, dù đó cũng chỉ là một mối tình mộng mơ của tuổi thanh xuân:
                     Nhớ thời thanh đạm
                     em tìm trăng giữa chiều xanh
                     mái tóc hương chanh
                     rừng già, lá trẻ
                     em thông minh
                     bày trò chơi thơ bé
                     thả nỗi buồn nhớ mẹ
                     vào chiến tranh
     Rồi theo năm tháng lùi vào dĩ vãng, tình cũng qua đi, người thiếu nữ đã xa... để phút giây anh thi sĩ bồi hồi tưởng lại:
                     Em đi rồi
                     hình vẫn đó trong xanh
                     ai biết
                     một khuôn trăng lạc khuất
                     dưới phố
                     chỉ dòng người mải miết
                     ngày trong hoà bình
      Cuộc sống cứ cuồn cuộn trôi đi như thế, ngày hoà bình lại càng thêm vội vã. Tuy những câu thơ ngắn nhưng những hình ảnh ngôn ngữ gợi lên súc tích, nhịp gieo khá điệu đàng. Thơ từng khúc, phân tứ rành rọt được gợi ra từ ký ức, giàu tính nhạc chảy xao xiết trong trăng.

      Có lần đi ngang qua Quảng Trị dừng chân bên thành cổ, nhà thơ bùi ngùi tưởng nhớ đến vong hồn của những người đã khuất. Họ là những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến tranh năm xưa:
                      Chọn ngày lễ về thăm anh
                      Lẽ là vui lắm
                      Nhưng chỉ gặp hình hài anh trên nòng súng
                                                  (Trò chuyện ở thành cổ Quảng Trị)
    Nhà thơ thủ thỉ tâm tình với những con người đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương ấy:
                      Xin hầu anh chén rượu, nhành hoa
    Cắm những nén hương khấn cầu cho linh hồn họ được siêu thoát. Người sống và người đã khuất cảm đồng nhau trong bao thương cảm:
                     Thương anh tôi ngậm khóc
                     ... Nhìn con run tay một nén hương trầm
     Đi dọc theo con đường đất nước, tấm lòng nhà thơ còn về với bao hình ảnh thân thương của một thời được gợi lên từ cuộc chiến tranh:
                     Hôm nay rẽ ngang Trường Sơn
                     Bạn gái mở đường giờ nằm đâu không biết nữa
                     Đường lội suối đã biến cầu trải nhựa
                     Dáng em mình thành bảy sắc dương gian.
    Một tấm lòng tri ân đầy tình nghĩa, bởi nhà thơ cũng là một trong những con người đã từng sống những tháng năm của cuộc chiến tranh máu lửa ấy. Bài thơ thật cảm động và nhắc nhở ta không bao giờ quên những người đã từng ngã xuống trên đất nước này.
     Trong những bài thơ mà tác giả viết bằng hồi ức khi nhớ về những ngày tháng máu lửa mà anh đã từng tham gia trong đó, ta còn phải kể đến bài thơ "Không có con trong đoàn quân ấy" - Tác giả nhớ về người mẹ khi có đoàn quân đi qua. Vẫn còn văng vẳng đâu đây khi anh nghe thấy tiếng của mẹ gọi? Vì mẹ tin trong đoàn quân ấy sẽ có con mình. Nhưng mẹ gọi mãi, gọi mãi... không hiểu vì sao con mình không dừng lại? Một câu chuyện mà tác giả tưởng tượng lại chỉ từ lòng thương nhớ, nhưng đó lại là một câu chuyện có thật năm xưa. Cũng như bao bà mẹ đã từng tiễn con đi, đoàn quân nào cũng ngóng, cũng thấp thỏm bồi hồi và mong rằng sẽ có con mình trong đó! Nghĩ vậy mà lòng anh đau. Rồi khi hết chiến tranh anh trở về quê gặp mẹ - Thì than ôi! Mẹ đâu còn? Ở đây ta thấy sự mất mát, sự hy sinh vô bờ bến, tấm lòng yêu thương như biển cả của các bà mẹ Việt Nam. Thông qua chính tâm tư của một người lính là tác giả, nhớ về người mẹ ấy:
                      Giải phóng rồi Mẹ ơi, con trở lại quê nhà
                      Háo hức được oà vào lòng mẹ
                      Nhưng tất cả, đâu? cứ lặng thầm, vắng vẻ
                      Chỉ câu chuyện kia, khe khẽ tuôn...rơi
     Bài thơ thật da diết và cảm động. Có một buổi anh bất chợt gặp lại, hay là đi đến một nơi mà ở đấy in dấu kỷ niệm của đời anh trong cuộc tình với một người con gái. Đó có thể là dưới bóng của một cây phượng vĩ vào một mùa hạ trước. Thế rồi hết mùa hạ này đến mùa hạ khác cứ trôi qua:
                     Lại gặp nữa một mùa hạ trắng
                     Ve chơi vơi rơi cánh phượng vàng
                                                      (Phượng vàng)
    Hoa phượng vẫn rơi, nhưng giờ đây đâu còn thấy bóng em xưa? Thế là cứ theo những dòng kỷ niệm, nhà thơ để cho lòng mình cùng trái tim giằng xé. Rồi anh tưởng tượng:
                      Tôi đến muộn, đâu phải em không đến
                      ...Vệt cỏ nhàu, lặng dấu gót chân xưa?
   Thật ra tất cả chỉ là hồi ức trong tâm trí của Bùi Việt Mỹ mà thôi. Nỗi lòng trong anh tràn ra, cái vệt cỏ nhàu xưa đến gót chân em còn đó. Hồn thơ đầm đìa thương cảm, nhưng đồng thời đọc lên lòng ta lại thấy nhuốm chút xót xa mà cảm đồng với những thương tiếc, nhung nhớ của nhà thơ. Đúng như anh đã viết trong hai câu thơ kết:
                     Vịn vào câu thơ tránh nỗi buồn da diết
                     Đứng bóng rồi, trơ cánh phượng bơ vơ
    "Phượng vàng" là một áng thơ tình đẹp, giàu cảm xúc.
     Hình ảnh về vùng ngoại ô thành phố trong thơ anh cũng thật sâu sắc. Đó là thứ tình yêu rất máu thịt về một miền quê, nó gắn bó với bao buồn vui của cuộc đời:
                      Quê hương mình lạ lắm em ơi!
                      em có biết nơi cắm diều và nơi dừng cơn mưa
                                                        là đường biên ngoại thành phía bắc
                      nơi ta gặp nhau và thương nhau
                      cho hẹp lại không gian xa lơ, xa lắc
                                                         (Tản mạn ngoại thành)
     Ta bắt gặp những hình ảnh mà ở đó từa tựa có cái gì như Nguyễn Bính:
                      Chúng tôi mỗi làng mỗi đứa
                      tắt qua giậu thưa mà sang nhau
                      Con đường từ Thành phố đi về đâu không ai biết...
     Tôi chưa biết quê anh ở đâu? Và anh lớn lên thế nào? Nhưng đọc thơ anh tôi thấy tình cảm mà anh trào ra trong những dòng thơ thân thương quá! Cả trong những phút "buông thả thời gian" như anh nói, nhưng tình cảm ấy vẫn là điểm tựa của cuộc sống, dan díu những kỷ niệm tình yêu trái tim anh. Nguyễn Bính thì viết:
                      Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
                      Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn...
     Còn ở trong thơ anh:
                      Nơi mưa ào qua nắng còn thở nồng nàn
                      ... bên kia em lỡ bữa
                      bên này chờ tím sẫm hoa mua
     Vẫn rất Bùi Việt Mỹ. Những hồi ức và thực tại đan chồng lên nhau mà trào lên những dòng thơ, đẹp và rất quê! Đời tiếp đời, như thể cõi luân hồi. Đó là ý tưởng của bài thơ "Sẽ như là":
                      Tôi cứ làm như cha, mẹ tôi và phía trước là con tôi
                      Cứ làm
                      Tựa những người lính hành quân rất vội
                      Biết hy sinh, vẫn vượt rừng già hắt tối
     Cuộc đời người cha bám biển, ngực dô ra biển, được hay thua thì ngày tháng vẫn gánh chài, ra đi từ lúc nửa đêm. Vẫn nuôi cả gia đình, các con khôn lớn. Hay như người mẹ:
                      Mẹ tôi cũng tròn một phận
                      Đồng chiêm, chân váng mặn, chua
     Da sạm lại, quanh năm vẫn quần quật tảo tần, lo cho chồng, chăm con. Đấy, cuộc đời cứ thế, cứ thế mà đi mãi, sinh tồn như vũ trụ, trời đất vậy. Nhưng đọc thơ ta thấy những triết lý ấy nó tự nhiên, vững chãi, bền bỉ của cõi dân gian:
                      Ngày, mỗi ngày lại qua
                      Khó khăn nhiều biết mấy
                      Hiểm nguy cũng nhiều biết mấy
     Con người và sự sống tồn tại máu thịt trong nhau. Qua đó laị thấy tình thương yêu của con người bao la như trời biển, sống chết bên nhau đùm bọc và yêu thương. Ta càng nhớ về cội nguồn, gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn của đời mình.
    Phân tích cho tương đối đầy đủ về tập thơ của Bùi Việt Mỹ thì sẽ còn dài, tôi chỉ xin bình luận qua một số nét để thấy sự sâu sắc trong thơ anh. Những dòng thơ chảy ra từ xúc cảm trái tim, nó thường được lấy trong đời sống thực nên những hình ảnh thơ gần gũi đời thường. Cùng với những chiêm nghiệm qua tháng năm mà xây dựng, đúc kết nên tình thơ thấm thía. 
     "Những luống cày vắng mùa" là một tập thơ đề tài rất phong phú, sinh động trong cuộc đời, đã được tác giả dồn nén trái tim mình lên đó. Nhiều chỗ còn được nhà thơ triết lý cho thấu tình, đạt ý. Đọc thơ anh ta có thể rút ra nhiều vấn đề trong cuộc sống, cũng như cảm nhận được tấm lòng bao dung, nhân ái của mối quan hệ con người. Tình yêu quê hương cùng với tình nam nữ, chính là hai chủ đề rất cốt lõi đã chi phối tập thơ anh. Bùi Việt Mỹ đã có thêm một tập thơ đẹp và đáng yêu! Mừng anh trên cánh đồng thi ca  gặt hái được một mùa bội thu.

   PNT.
Mùa đông 2011
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2014 11:36:36 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:42:05
 
          CẢ MỘT TRỜI MƯA            
        NGHIÊNG XUỐNG EM


Cả một trời mưa nghiêng xuống em
Tôi không thể đi theo mà che chở
Mà ngăn lạnh mưa và cồn cào gió
Cả một trời mưa - chỉ có riêng em...

Bàn tay tôi có thể hóa mặt trời?
Tâm hồn tôi có thể dăng thành mái?
Để chở che bóng người con gái
Áo trắng bàng hoàng xiêu bạt giữa mưa rơi.

Tôi muốn cùng em chia gió lạnh giữa trời
Được đưa cho em bàn tay thương nhớ
Bởi tôi biết có phút giây nào đó
Tôi yếu mềm đau đớn giữa mưa bay...

Và em sẽ đặt vào tôi những ngón tay
Nâng đỡ tôi vượt qua bão tố
Như hôm nay nghiêng trời mưa đổ
Tôi vô hình lặng lẽ bước bên em...
                             
      Phạm Đức

               
  Lời bình Phạm Ngọc Thái
   Một bài thơ tình, ở đó ta thấy bóng dáng của nhà thơ đang run rẩy, thương nhớ một người con gái. Phạm Đức đang yêu! Nói đúng hơn, anh đang tha thiết muốn yêu vào một ngày mưa đổ:
                 Cả một trời mưa - chỉ có riêng em
     Nhìn cảnh trời mưa, lòng nhà thơ cảm thấy xót xa về sự cô đơn của người con gái trong mưa? Phạm Đức nghĩ, trời mưa gió thế mà không ai che chở cho em. Cũng với tâm trạng ấy ở trong câu thơ thứ tám, anh viết:
                  Áo trắng bàng hoàng xiêu bạt giữa mưa rơi...
   Đó là vì anh nghĩ thế đấy chứ! Phạm Đức đang cô đơn hay người con gái kia cô đơn đây? Nhỡ bên người con gái đó đã có một người khác che chở cho em rồi thì sao? Xiêu bạt giữa mưa rơi, nghĩa là xiêu bạt giữa cuộc đời. Nhưng dù gì đi nữa, khi đọc thơ vẫn làm cho ta cảm mến vì cái tình yêu thương nhân ái của anh thi sĩ. Đó là một câu thơ đẹp, câu thơ hay!
    "Áo trắng bàng hoàng xiêu bạt giữa mưa rơi.../- Hình tượng mang màu sắc thơ mỹ học, sống động lạ thường. Còn cảnh:

                   Cả một trời mưa nghiêng xuống em
     Thì không phải chỉ có riêng trời mưa… mà cả lòng nhà thơ đang nghiêng xuống em đó! Đó là cơn mưa gió cuộc đời, anh muốn chở che cho người con gái, như anh nói:
                   Mà ngăn lạnh mưa và cồn cào gió
   Nhà thơ khao khát được cùng em chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống. Như ở đoạn thơ hai:
                   Bàn tay tôi có thể hóa mặt trời?       
                   Tâm hồn tôi có thể dăng thành mái?                 
                   Để chở che bóng người con gái...
   Anh thi sĩ đã yếu lòng:
                  Bởi tôi biết có phút giây nào đó
                 Tôi yếu mềm đau đớn giữa mưa bay
    Nghĩa là cả trái tim yêu đang run rẩy. Anh chợt bàng hoàng, lo lắng: không biết rồi tình yêu rồi có đến với anh không? Người con gái ấy có đến với anh không? Nhà thơ biết chính tình yêu em sẽ nâng đỡ anh vượt qua bão tố cuộc đời. Đến cuối bài hình ảnh thơ trở về thực tại, cái thực tại lúc nhà thơ cô đơn, đang đứng giữa trời mưa đổ, lòng cồn cào thương nhớ. Trong thơ anh lặng lẽ đến bên mà không biết em có hay:
                   Như hôm nay nghiêng trời mưa đổ
                  Tôi vô hình lặng lẽ bước bên em...
   Phạm Đức là một nhà thơ của "Đơn phương" (*).  Anh đơn phương suốt đời và suốt đời yêu... tha thiết, chung thủy, xót xa. Cũng không hiểu vì sao, một con người đáng yêu đến nhường ấy? vị tha, nhân hòa nhường ấy… vẫn ngày ngày bóng lạnh, cô đơn? Tôi cứ nghĩ, chắc anh phải là người sẽ được nhiều phụ nữ cảm mến lắm! Chỉ có thể trách rằng thượng đế đã không công bằng?
  " Cả một trời mưa nghiêng xuống em" là một bài thơ rất máu tim và giàu cảm xúc, tình ý chân thành,  giọng điệu nhịp nhàng, làn điệu thơ bay, đọc lên dễ làm xao xuyến hồn người.
-----------------
       
(*) "Đơn phương" - Là nhan đề một tập thơ của Phạm Đức. 
 
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:45:57
 
              XUÂN ĐA TÌNH
                          Lời đôi trai gái người Êđê
YBNâu (nàng):
 -   Đêm nay vui bạn bè anh em

Ta uống cho say trời đất

Chóe rượu này vơi lại sẽ đầy

Em cho anh uống cả hai bầu vú em

Rượu tình không bao giờ cạn...


KPaLUNG
(chàng):
-   Chóe rượu của anh lúc nào cũng đầy

Em như con nai tơ động đực

Nhưng anh muốn uống hai chóe rượu
trên ngực em
Bằng lòng không bằng lòng, ơi con nai non!
Anh chạy theo mặt trời chiều sẽ tóm được.

                               Nguyễn Anh Biên
              
 (Bài thơ trích trong truyện ngắn cùng tên của chính tác giả) 

 
                  
  Lời bình Phạm Ngọc Thái 
    Nguyễn Anh Biên là một nhà viết kịch, đồng thời trong nghiệp bá văn chương ông còn viết rất nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông chưa bao giờ làm thơ. Ấy thế mà khi viết thiên truyện ngắn "Xuân đa tình", cao hứng ông đã tung bút để nẩy ra một bài thơ tình thật độc đáo và cũng... thật điên! Bài thơ trên thực ra không có tên đề, tôi tạm lấy tên truyện ngắn của ông mà đặt vào cho nó. Có thể nói bài thơ đã chứa đọng những yếu tố rất nhân lõi cho truyện ngắn của ông.
      Đó là những lời yêu đương nồng nàn của một đôi trai gái người Êđê, ngồi bên chóe rượu cần vào đúng cái đêm 30 tết. Đêm ấy trong ngôi nhà bản, họ hân hoan tiếp đón một tổ trinh sát, bộ đội miền xuôi lên. Lui lại những tháng năm trước, thời kỳ của cuộc kháng chiến ta từng chứng kiến những tình cảm quân dân cá nước sâu đậm và gắn bó, nhất là ở những vùng đồng bào thiểu số. Cho nên lúc say rượu, say tình bả lả, không chỉ tình quân dân mà cả tình gái trai cũng đã rạo rực trong trái tim người con gái dân tộc. Bởi vì trước mắt YBNâu, những anh bộ đội đáng kính ấy là những chàng trai người kinh tuyệt vời, đầy cám dỗ. Nàng đã hát:
                Đêm nay vui bạn bè anh em

                Ta uống cho say trời đất
      "Ta uống cho say trời đất" - Nghĩa là trái tim nàng đã say. Trái tim người con gái hay là trái tim đàn bà đã rung lên xao xuyến... vì cả rượu lẫn tình yêu. Men tình, men rượu ngấm vào tận da thịt cơ thể YBNâu như tác giả đã tả trong truyện:
      "... YBNâu với thân hình cao lớn cân đối, da nâu bóng, tóc rễ tre đen nhánh hơi quăn, buông xõa trên vai trần, đôi mắt nâu mí to xa vời vợi, mơ mộng như rừng buổi sớm khi bình minh chưa kịp tở. Trông nàng tựa như cô gái Bô-hê-miêng ".
      Nàng đã mượn rượu, mượn đà để mà thổ lộ ra những lời lả lơi, tình tứ:
                Chóe rượu này vơi lại sẽ đầy

                Em cho anh uống cả hai bầu vú em.
      Đọc câu thơ đến sửng sốt, gai góc giật mình. Ta phải vỗ đùi đánh "đét" mà kêu lên:
-  Nguyễn Anh Biên chơi thơ thật tuyệt!
      Viết đến như thế mà tình người con gái vẫn trong sáng, không tục mới sướng chứ? Tôi chợt nhớ tới đôi câu thơ của bà Hồ Xuân Hương trong bài "Thiếu nữ ngủ ngày":
                Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm

                Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
      Bà cũng đã đi vào cỗi rễ, nhưng đấy là cỗi rễ của thơ bà Hồ Xuân Hương. Còn Nguyễn Anh Biên đã để cho người con gái bộc lộ hết mình và tình thơ đã tự kết lại. Nó có vẻ tục mà vẫn thanh tao chăng? "thanh" vì nó chân chất, hồn nhiên không dụng ý. Cả cái suồng sã ấy cũng là thứ trong trẻo của đất trời, tạo hóa phú ban. Ta thấy sướng thơ, nó ngâm ngấm và muốn nhấm nháp hương vị hoa nhài, hoa lan của tình thơ ấy. Thật là ngôn ý phàm trần mà vẫn thơ. Viết được những câu như thế đâu phải dễ? Như anh họa sỹ vẽ nuy về người đàn bà, không giỏi thì người xem thấy sượng. Rõ ràng ngôn ngữ ấy được tác giả nẩy ra từ sự rung cảm, thăng hoa của tâm hồn. Trong sáng tác không có khả năng cảm thụ ngôn ngữ cao viết sẽ hỏng ngay. Tình thơ lả lơi ấy còn có lý bởi vì: YBNâu là một cô gái dân tộc rất đa tình, mà bản chất người dân tộc là chân chất, thật thà.
      Quyến rũ sự ham muốn tình tứ cũng là một tính cách rất phụ nữ, dù đó là phụ nữ miền xuôi hay miền ngược, thiểu số, người kinh hay là các da màu khác nhau. Nàng YBNâu đã buông ra những lời chan chứa yêu đương: Nàng muốn hiến dâng! Trái tim nàng đang rực cháy, đòi hỏi. Sau đó, cũng qua lời người con gái tác giả hạ một câu chốt, khóa lại khổ thơ đầu:

                Rượu tình không bao giờ cạn.
    Ngắn gọn, súc tích. Tất cả đều có thể thay đổi hoặc mất đi, nhưng tình là vĩnh cửu. Thế giới không có sự đam mê gái trai... sẽ không còn sự sống. Tôi gọi YBNâu là cô gái, vì trong tình thơ bộc lộ những tình cảm nồng nàn trai gái, mặc dù YBNâu đã là vợ của KPaLung - Một chàng trai Êđê.
      Tôi bình sang khổ thơ thứ hai. Tội nghiệp cho cái anh chàng KPaLung thật thà quá, vợ mình đang lả lơi, ve vãn với mấy anh bộ đội kia, ấy thế mà chàng vẫn tưởng vợ mình tình tứ với mình? Cho nên chàng mới họa tiếp:
                   Chóe rượu của anh lúc nào cũng đầy

                   Em như con nai tơ động đực
                   Nhưng anh muốn uống hai chóe rượu trên ngực em.
      Vậy là trong tình ái say sưa, tình cảm muốn hiến dâng của người phụ nữ với mong muốn hưởng thụ của người con trai rất giống nhau - Làm cho thơ cấu kết lại. Sức truyền cảm, lay động của tình thơ thêm tụ đọng. Nguyễn Anh Biên đã mượn rượu, mượn cảnh, mượn tình, khai thác tính cách dân tộc - Để tung hồn, tung bút viết phóng. Thế mà thành thơ, còn đậm đà và chan chứa tình. Ngôn ngữ mạnh bạo quyết liệt, tha thiết của trái tim, thấm được vào lòng người. Ông để cho KPaLung ví người con gái kia:
                Em như con nai tơ động đực

      Trong thi ca ví von đến thế thật đáng "sợ"! Nhưng đọc lên hóa ra lại có ý khen và ca ngợi. Huống chi đó là lời của một chàng trai Êđê, ý nghĩ hết sức trong sáng và hồn nhiên. Tôi chắc là các cô gái khi đọc những vần thơ đó sẽ không cự lại nhà thơ đâu? Ông nói đúng tâm trạng đấy chứ! Hơn nữa thời nay chị em chỉ thích làm Thị Mầu, có mấy ai lại muốn mình thành Thị Kính?
      Bây giờ phong cách thơ ca thời đại đang được mở rộng ra phong phú rất nhiều, để đáp ứng những đòi hỏi cảm thụ mới. Bài thơ đã thành công, hàm súc, giàu tính nhân bản. Ta bàn đến hai câu thơ chót:
                   Bằng lòng không bằng lòng, ơi con nai non!
                   Anh chạy theo mặt trời chiều sẽ tóm được.
      " Bằng lòng không bằng lòng..." - Không biết tác giả muốn đặt câu hỏi hay có ý khẳng định? Nhưng đọc cả hai câu ta thấy ngay tình tha thiết của người con trai. Lửng lơ như thế hóa ra làm ý thơ thêm tinh tế, mềm mại, không bị cứng nhắc. Lời như câu hát:
                  Anh chạy theo mặt trời chiều...

      Cách nói thật rất Êđê.
    
Toàn bài thơ chỉ có 10 câu, tách biệt làm hai khổ. Nguyễn Anh Biên đã hoàn thiện tình thơ "Xuân đa tình": Tình đời thì thanh thiên, say đắm, đáng yêu. Với bản sắc của bài thơ, nó vẫn có khả năng tách biệt ra khỏi truyện ngắn của ông, để có mặt và góp tiếng nói trong thi đàn đương thời mà không sợ ngượng.
      Mừng cho ông tuy không làm thơ nhưng đã có một bài thơ thật thú.
 
 


nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:48:40
 
      HÀ NỘI QUA THƠ CỦA NHỮNG THI NHÂN
                                                                                   Phạm Ngọc Thái
    
                 
      Hà Nội qua thơ của những thi nhân và trong dân gian nhiều không kể hết, cũng giống như bóng trăng trong tâm khảm mọi người, đậm tình và giầu hương sắc. Trải qua bao thế hệ đã trở thành trung tâm tụ hội chính trị, văn hoá xã hội cùng tình cảm ý chí dân tộc.
      Cụ Nguyễn Du trên đường đi sứ qua Thăng Long (1813), xúc động mà hoài cảm về những kỷ niệm xưa:
                Núi Tản, sông Lô vẫn núi sông,
                Bạc đầu còn được thấy Thăng Long...
                Người đẹp thưở xưa nay bế trẻ,
                Bạn chơi thưở nhỏ trở thành ông.
      Từ kỷ niệm riêng tới chung với đất nước, lòng cụ bồi hồi:
                Thành mới trăng xưa bóng tỏ mờ
                Thăng Long nghìn trước chốn kinh đô,
                Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa
                Điện mới xô bồ nhịp trúc tơ.
                                   
( Thành Thăng Long )
      Còn nữ sỹ Hồ Xuân Hương lại ngợi ca tiên cảnh ở Tây Hồ:
                Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa...
                Trấn Bắc rêu phong vẫn ngấn thờ,
                Nọ vực trâu vàng trăng lạt bóng,
                Kìa non Phượng Đất khói tuôn mờ.
                             
( Chơi Tây Hồ nhớ bạn )
      Á Nam Trần Tuấn Khải (1894-1983) chơi ở thành Cổ Loa, lòng gợi nhớ tới sự tích thời Thục An Dương Vương và bi tình Mỵ Châu - Trọng Thuỷ:
                Thành quách còn mang tiếng Cổ Loa
                Trải bao gió táp với mưa sa,
                Nỏ thiêng hờ hững dây oan buộc,
                Giếng ngọc vơi đầy giọt lệ pha.
                            
( Chơi thành Cổ Loa )
      Nhà thơ Nguyễn Khuyến dẫu 30 năm xa cách, vắng bóng, mà lòng vẫn khôn nguôi nhớ về hồ Hoàn Kiếm:
                Ba chục năm trời cảnh vắng ta,
                Hồ Gươm dấu cũ đã phai nhoà...
                Chiếc én tìm về quên lối cũ,
                Đàn cò tối đậu lẫn sương mờ.
                             
( Hồ Hoàn Kiếm )
      Vũ Trấn Quốc cùng thời với cụ Cao Bá Quát đã ngợi ca cảnh phường Bích Câu:
                Thành Tây có cảnh Bích Câu,
                Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao,
                Đua chen thu cúc xuân đào,
                Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông.
                              
( Cảnh Bích Câu )
      Nhưng kinh đô Thăng Long trong tâm khảm các nhà thơ thời trước không chỉ được ngợi ca phong cảnh đẹp, mà còn ghi nhiều dấu ấn chống ngoại xâm - Trần Quang Khải (1241-1294) viết trên đường đưa vua về kinh đô:
                Bến Chương Dương cướp giáo giặc
                Cửa Hàm Tử bắt quân Hồ.
                              
  ( Phò tá về kinh )
      Lý Thường Kiệt (1019-1105) - Ông từng làm thơ, vừa để huấn dụ vừa khích lệ lòng tự hào dân tộc của ba quân:
                Nam Quốc sơn hà Nam đế cư,
                Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
      Thời tiền chiến - Hình ảnh Hà Nội cũng rất gắn bó trong nỗi tình thơ của các thi nhân. Họ ghi lại những tâm trạng, những kỷ niệm vui, buồn... trong cuộc đời ở nơi phố phường. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương sau bao năm tháng phiêu bạt trở về phố cũ, lòng ông vẫn xốn xang:
                Ôi chốn ngày xưa vai sánh vai...
                Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu...
                Thấp thoáng hè qua đài phượng rụng,
                Lào rào thu muộn lá xoan rơi.
                Nửa kiếp lênh đênh dừng phố cũ,
                Tình thơm mộng nhỏ tóc buông vai.
                                         
( Phố cũ )
      Tản Đà thì mô tả trong đêm ở hồ Tây:
                Hiu hắt hồ Tây chiếc lá rơi
                Đêm thu vằng vặc bóng theo người,
                Mảnh tình xẻ nửa ngây vì nước
                Tri kỷ trông lên đứng tận trời.
                              
( Tây Hồ vọng nguyệt )
      Trần Huyền Trân thả nỗi niềm về những ngày tháng sống lận đận trong cái túp lều bên hồ Cống Trắng, ở phố Khâm Thiên. Lòng tri kỷ với phố mà vẫn buồn man mác:
                Tôi ở lều gianh Cống Trắng này
                Chạnh lòng cá nhảy với chim bay,
                Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức
                Giăng phải hồn tôi một lưới đầy.
                             
  ( Mưa đêm lều vó )
      Nhà thơ Thế Lữ đứng giữa đêm giao thừa Hà Nội trước năm 1945, than cho kẻ phải sống lang thang bụi đời:
                Lê gót mòn trên đá,
                Ngẩng đầu trông cơn gió thổi
                Lá vàng rơi lác đác
                Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành,
                Những cây khô đã chết cả mầu xanh...
                Hỡi người bạn! Anh định về đâu đó?
                               
  ( Con người vơ vẩn )
      Nhà giáo và cũng là một nhà thơ Vũ Đình Liên lại hoạ cảnh một Ông Đồ thường ngồi bên phố, viết câu đối thuê cho khách:
                Nhưng mỗi năm mỗi vắng,
                Người thuê viết nay đâu?
                Giấy đỏ buồn không thắm,
                Mực đọng trong nghiên sầu.
                                
( Ông Đồ )   
     Nguyễn Bính nói về cảnh chia ly của những người trên sân ga:
                Những cuộc chia lìa khởi tự đây...
                Những chiếc khăn mầu thổn thức bay
                Những bàn tay vẫy những bàn tay
                Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
                Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
                             
( Những bóng người trên sân ga )
      Nhưng Hà Nội trước kia không phải chỉ có buồn như thế. Nữ thi sỹ Anh Thơ đã mô tả về nỗi lòng rạo rực về một cảnh đêm Hà Nội:
                Căn phòng ta thênh thang hai cửa sổ
                Mây trắng đi qua, sông Hồng thả gió,
                Mỗi năm mùa hè, tắt điện đón trăng khuya...
                             
  ( Căn phòng ta )
      Thơ ngợi ca về Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến cũng rất nhiều. Hồi đánh Pháp, Nguyễn Đình Thi đã không nén nổi xúc động khi đứng giữa Thủ đô đã được giải phóng:
                Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
                Ta lại về đây giữa phố xưa...
      Ông reo lên như muốn vỡ tung tim:
                Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
                Leng keng chuông xe điện đổ hồi
                Lòng ta bỗng như dòng suối mát
                Ta đã về đây Hà Nội ơi!
                                 
  ( Ngày về )
      Những năm đánh Mỹ nhà thơ Nguyễn Mỹ đã viết về cảnh chia ly ở Hà Nội nhưng khác hoàn toàn cảnh sầu thảm xưa kia, bởi vì cuộc chia ly này Hà Nội đã tiễn người đi chiến đấu để giữ nước:
                Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
                Tươi như cánh nhạn lai hồng
                Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
                Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa...
      Và nhà thơ kết luận:
                Như chưa hề có cuộc chia ly!
                             
( Cuộc chia ly màu đỏ )
      Vũ Quần Phương mô tả về Hà Nội trong những ngày tháng chống chiến tranh phá hoại của Giôn Xơn, để sau 12 ngày đêm lịch sử Hà Nội đã trở thành lương tri và phẩm giá loài người:
                Cả Hà Nội rung lên, xe xích chạy rung đường,
                Đêm ấy tôi nghe những em bé qua tôi
                                                            vẫy bàn tay sơ tán.
                Bé lên mười dắt bé lên năm,
                Hà Nội toả đi xa những cô giữ trẻ,
                Bệnh nhân đi và thầy thuốc đi theo.
                Hà Nội nhận vào lòng những cỗ pháo phòng không,
                Những cỗ xe tên lửa.
                                 
   ( Tâm sự một căn nhà )
      Dù xưa hay nay, chiến tranh và hoà bình, đến thời buổi kinh tế thị trường mở cửa này... Hà Nội quay chóng mặt - Nhưng Thủ đô của chúng ta vẫn mãi là một thành phố trữ tình, như nhà thơ Xuân Diệu đã viết:
                Em đưa anh vào trong bóng trăng
                Anh đưa em cành liễu thung thăng
                Đường Láng thơm bạc hà kinh giới
                Xuống đây, đi với anh đêm trăng.
                              
   ( Đêm trăng đường Láng )
      Thanh Thảo viết:
                Gia đình mình đã sơ tán chưa em,
                Chiều thứ bảy em có về phố nhỏ
                Có ngập ngừng trước khi mở cửa,
                Lá sấu rơi xúc động bên thềm...
                Gốc sấu này mòn dấu em chờ anh.
                              
   ( Dòng chữ cho em )
     Nỗi tình của nhà thơ Tế Hanh thì lại được ông diễn tả đầy thi vị:
                Thế là Hà Nội vắng em...
                Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây?
                               
  ( Hà Nội vắng em )
      Tôi cũng có nhiều kỷ niệm về Hà Nội. Dù Hà Nội đã có bao thay đổi, nhưng vẫn mãi mãi là những hồi ức như thưở còn thơ, tựa thể một ngoại ô xưa. Hơi hiu hắt mà thơ mộng, có lá sấu rụng, lá me rơi. Tối tối những đôi trai gái dắt nhau ra tình tự bên hồ. Những tiếng xe điện leng keng thưở xa xưa, những chuyến tàu chạy xình xịch vào ga Hàng Cỏ. Người tiễn kẻ đi xa, người đón kẻ trở về:
                Hà Nội cứ suốt đời nghe lá rụng
                Những ngọn đèn ô cửa mùa đông
                Trái sấu nhỏ bàng hoàng như kỷ niệm
                Nước hồ xanh rêu bám kín Tháp rùa.
 
                Hà Nội cứ rầm rì trang tình tự
                Của những đôi trai gái bên bờ...
                Tà áo trắng em bay một thời thiếu nữ
                Theo anh hoài đến tận lúc già nua.
 
                Hà Nội mới mà như là cổ tích
                Phía nhà ga đoàn tàu đến rồi đi,
                Những giọng nói lẫn vào lời gió thổi...
                Ai trở về... và ai sắp chia ly?
 
                Đêm tóc trắng lại nghĩ về Hà Nội
                Nằm thở dài, nhớ quá! Bóng em xưa...
                            
   (Nghĩ về Hà Nội - Phạm Ngọc Thái)

      Hà Nội mãi mãi sống trong lòng và trái tim tôi.
 

nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:53:13
 
        Chử Văn Long với bài thơ
              đậm tính nhân tình thế thái
                                               Phạm Ngọc Thái
 
         TRƯỚC HỐC ĐẠN THÀNH CỬA BẮC
 

Cùng bạn ngồi trước thành Cửa Bắc
Hốc đạn cổng thành xưa nhìn lại phía tôi
Phút đối diện với trăm năm còn mất
Lại diễn ra trong tiệc rượu vui cười.
 
Tôi nghĩ về những cuộc chiến tranh đã đi qua đó
Bao máu xương, xương máu ngập đầy
Người ta đã lấp đi bao đau thương
                                             để trồng hoa cấy lúa
Lưu lại làm gì một vết đạn ở đây?
 
Mùa xuân phủ lên thêm một lần rêu nữa
Thêm một lần quên quá khứ thương đau
Hốc đạn giờ nhìn giống chiếc nút chai bật mở
Khi hơi men đã chếnh choáng trong đầu.
                                             
  Chử Văn Long
                  
Lời bình:  Đi qua con đường Phan Đinh Phùng, dừng lại giữa phố trông thấy một cổng thành khá lớn: mặt đá đã cũ, những mảng rễ đề, rễ đa mọc chằng chịt cùng  rêu phong mưa gió - Đó chính là "Cổng thành Cửa Bắc".  Bên cổng đối diện mặt phố, ta lại thấy một hốc đạn đại bác sâu hoắm. Sự hiện diện của hốc đạn như muốn lưu lại tàn tích về một cuộc chiến tranh đã đi qua hàng thế kỷ. Dấu vết của viên đạn đại bác mà Thực dân Pháp lần đầu tiên xâm lược nước ta cuối thế kỷ 19, khi chúng đổ bộ đánh ồ ạt vào thành đô Thăng Long. Tại đây, thành Thăng Long thất thủ, quan Tổng đốc Hoàng Diệu đã phải thắt cổ tự tử để tuẫn tiết.
      Vào một chiều mùa xuân, tôi cùng nhà thơ Chử Văn Long ngồi với nhau trong một quán bia nhỏ, trước cổng thành xưa…vui chuyện đàm tiếu việc văn chương. Nhìn cái hốc đạn đã cũ, rêu bám xanh rì tựa như một hốc mắt lớn - một ý thức liên tưởng giữa lịch sử với sự sinh tồn của giống nòi cứ xoáy vào tâm trí anh?... và bài thơ "Trước hốc đạn thành Cửa Bắc” đã ra đời!
      Cái hốc đạn như hữu lý lại trở thành một nhân chứng lịch sử đang đối diện trước nhà thơ, để anh viết những câu:
                     Hốc đạn cổng thành xưa nhìn lại phía tôi
                     Phút đối diện với trăm năm còn mất

    Toàn bộ chủ đề tư tưởng, nỗi đau và tình người trong sự vận động thăng trầm xã hội đã được nghén thai từ đó. Ngồi trong quán bia, tức là ngồi trong thời buổi kinh tế thị trường, những tiếng va chạm các vỏ chai, những cốc bia sủi bọt cùng những lời chúc tụng của người đời. Cái hốc đạn lại càng xoáy sâu hơn, tất cả đều: diễn ra trong tiệc rượu vui cười / - Phải chăng "phút đối diện với trăm năm còn mất" chính là ý thức về nhân quả của sự tồn tại đời sống chúng ta hôm nay?  
     Nhưng nếu hốc đạn của quá khứ kia cũng chỉ lưu lại như một kỷ niệm thường tình, chắc chưa làm cho nhà thơ phải nhức nhối tâm can mình đến thế? Thơ được vọt trào ra từ trong sự thảng thốt của tâm hồn và trái tim anh:
                Tôi nghĩ về những cuộc chiến tranh đã đi qua đó
                Bao máu xương, xương máu ngập đầy
      Ý nghĩ không dừng lại để chiêm nghiệm về quá khứ, mà đưa nhà thơ đến một bờ bến xa hơn: Lưu lại làm gì một vết đạn ở đây? /-  Bởi đó, không chỉ còn là dĩ vãng khi chúng ta đang phải chứng nhận bao nhiêu sự tàn bạo, đau thương ngày ngày vẫn xẩy ra của thế giới này? Nào chiến tranh vùng vịnh, máu đổ ở châu Phi, Mỹ-la-tinh, rồi nội chiến nước Nga… cùng sự tan vỡ của hệ thống XHCN ở Đông Âu. Ngay đất nước chúng ta hôm nay, cũng đâu đã có được sự bình yên? Chiến tranh vẫn đang rình rập từ nhiều phía.
Những tác động thực tiễn đó để tác giả buông ra hai câu mang đầy nỗi u uẩn trong lòng, kết lại bài thơ:
                Hốc đạn giờ nhìn giống chiếc nút chai bật mở
                Khi hơi men đã chếnh choáng trong đầu.
    Rượu vãn, tiệc tàn, mặt người thì chếnh choáng hơi men. Hình ảnh cái hốc đạn lại hiện lên như chiếc nút chai sâm banh bật mở, bọt bắn tứ tung… cũng giống như các tia lửa từ hốc đạn xưa cứ chĩa thẳng vào mắt ta mà bắn - Ý của câu thơ là vậy. Bên trong tình thơ bọc chứa một tâm linh thánh thiện và khát vọng hoà bình.

     Nói về khát vọng hòa bình trong ý tưởng thi ca Chử Văn Long còn gặp ở nhiều bài thơ khác, như "xuân về trên mộ hai người lính":
                Một phía bên kia, một phía bên này...
     Chiến tranh thì người lính phía bên nào cũng... chết! Dẫu về phía ta sự hy sinh còn vì chính nghĩa, vì dân tộc. Nhưng người lính trận phía bên kia thì sao? - Họ đâu phải là thủ phạm của cuộc chiến tranh?

    Thực chất cả hai người lính đều là nạn nhân của các cuộc chiến tranh đó. Bởi vậy  đứng trước nấm mồ của hai người lính trận, nhà thơ cùng với quê hương xót xa mà ru những linh hồn được yên giấc ngàn thu:
                Hoa đồng nội bừng lên quanh hai nấm mộ
                Cánh bướm ngây thơ cũng tới vẽ vòng
                Cả tiếng sáo tận bờ tre êm ả
                Ru vọng về giấc ngủ ngàn năm.

     Đó chính là tư tưởng hoà hợp dân tộc, nhân sinh và thế giới quan nhà thơ.  Chử Văn Long là thi sỹ của đồng quê. Anh có một giọng thơ hiền lành, dịu ngọt rất đáng yêu.
     Tôi trở lại với bài "Trước hốc đạn thành Cửa Bắc" - Tình thơ được viết vào mùa xuân, mà mùa xuân thì cây cối tốt tươi, đất trời trong mát với muôn hoa đua nở. Nhưng mùa xuân ở đây lại là:
                Mùa xuân phủ lên thêm một lần rêu nữa
                Thêm một lần quên quá khứ thương đau.
     Những hình ảnh rất riêng của thơ Chử Văn Long. Ý muốn nói, thời gian sẽ rêu phong và rịt lành các vết thương. Nỗi đau nào rồi cũng dần nhoà phai theo năm tháng. Ta hãy quên cái đau mà nghiêng về phía ngọt ngào, để tác giả hạ xuống hai câu thơ hay nhất bài, có tính triết lý về sự sống:
                Người ta đã lấp đi bao đau thương
                                                        để trồng hoa cấy lúa

                Lưu lại làm gì một vết đạn ở đây?
      Tôi xin phân tích ít nét đôi câu thơ sâu sắc này: "cấy lúa" mang ý nghĩa đồng nội để nói về sự sống - còn "trồng hoa" lại biểu tượng cho hạnh phúc, niềm khao khát hoà bình. Hai biểu tượng ấy kết hợp lại với nhau có nghĩa như một câu ngạn ngữ châu Âu: "Bánh mỳ và hoa hồng" - Qui luật tồn tại tất yếu của xã hội con người. Câu thơ mang ý nghĩa đời sống rất điển hình ấy được trào ra từ trong cảm xúc của nhà thơ. Đó là sự kết đúc những trải nghiệm của cuộc đời anh ở chốn đồng quê, hàm chứa cả tính triết học. Dù bất cứ đau thương nào, người ta vẫn phải lấp đi để tiếp tục "trồng hoa cấy lúa", tồn tại và vươn đến một đời sống xã hội tốt đẹp hơn.
      Nay mái tóc của nhà thơ đã bạc, biết bao nhiêu mùa xuân vui, buồn qua đi  trong đời Chử Văn Long. Đọc lại "Trước hốc đạn thành Cửa Bắc” càng thêm thấm thía tính nhân tình thế thái ở thơ anh. Thế mới biết đời người tựa bóng câu ngang qua. Mới ngày nào còn ngồi vui chuyện với anh trong buổi chiều mùa xuân ấy, giờ như tất cả đã xa xưa.
            
PNT.
       Hà Nội – Ngày đầu thu 2013 
 
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 11:56:55
 
                                            Phần II.                    


            BÀI VIẾT CỦA NHIỀU TÁC GIẢ

 
                                                 
               Ảnh ký hoạ chân dung nhà thơ
 
 
 
            THƠ PHẠM NGỌC THÁI
                    VỚI LỜI BÌNH



 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2014 12:02:37 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 12:06:20
 
               KHOẢNG TRÔI TRONG LÁ

 
Bỗng cồn nhớ một thời dĩ vãng
Gió cứ trôi không hữu hạn bến bờ
Nhưng vẫn đó: em, anh - cuộc sống
Xa nhau rồi, tình cũ đến bơ vơ...

Có bao lá cây rơi, em đã vào xa vắng
Lá nuốt em. Giờ sống thế nào rồi?
Em sung sướng? Ưu phiền? Lãng quên hay bụi cát?
Mặt trăng trên trời. Tim anh rất mồ côi!

Hỡi những hàng cây xanh! Những con đường lá đổ!
Chỉ dùm ta đôi gót đỏ thời thiếu nữ em xưa…
Kỷ niệm về trái tim đau thổn thức
Chỉ dùm ta. Nào, chỉ giúp ta đi!

Bài hát năm xưa... bên anh em đã hát
Giờ đây trong lá nẻo trời nào?
Anh đi qua chỉ thấy toàn mây trắng
Mặt trăng tít trên trời. Em ở tận nơi đâu?

Con đường ta đi có bao đôi trai gái
Ai cũng một thời yêu, em nhỉ! Để xa nhau,
Để được nhớ, được buồn, được khóc,
Được nghe quanh đời những tiếng lá bay theo.

Hãy níu lại dùm ta! Một thời dĩ vãng…
Gió vẫn trôi, lá vẫn bay vèo
Nhưng vẫn đó: em , anh - cuộc sống
Và một mối tình ta đã tặng cho hết thảy trăng sao.

                                                        Phạm Ngọc Thái

           Lời bình PHƯƠNG LOAN:
    Tác giả nhớ về kỷ niệm với một thiếu nữ. Năm tháng qua đi, lá rụng hết lớp này đến lớp khác:
                    Bỗng cồn nhớ một thời dĩ vãng
                    Gió cứ trôi không hữu hạn bến bờ
                    Nhưng vẫn đó: em, anh - cuộc sống
                    Xa nhau rồi, tình cũ đến bơ vơ...
      Người con gái ấy giờ đây ra sao? Cuộc sống thế nào? Nhà thơ không biết! Chỉ còn lại mặt trăng trên trời với trái tim mồ côi, những làn mây trắng và tiếng lá cứ bay đi xa, xa mãi:
                    Bài hát năm xưa, bên anh em đã hát
                    Giờ đây trong lá nẻo trời nào?
                    Anh đi qua chỉ thấy toàn mây trắng
                    Mặt trăng tít trên trời. Em ở tận nơi đâu? 
      Tình yêu ấy hát trong hư vô và trăng sao, dưới những hàng cây xanh, bên những con đường lá đổ. Đoạn cuối tình thơ được điệp lại như muốn níu kéo về mối tình đã qua đi:
                    Hãy níu lại dùm ta! Một thời dĩ vãng…
                    Gió vẫn trôi, lá vẫn bay vèo
     Quấn trong tiếng lá rụng và bóng trăng hư ảo trên trời: “ Khoảng trôi trong lá “ là một bài thơ tình da diết, được viết bằng thứ ngôn ngữ giàu hình tượng mang màu sắc hơi trừu tượng, vẳng ra từ trong ký ức và trái tim thương nhớ của nhà thơ! Lắng trong tình ý thi ca có thể làm xao động trái tim ta.

nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 12:14:40
 
      PHẠM NGỌC THÁI
      VỚI "Chùm thơ hay về tình yêu và đàn bà"
                                                            Trần Tứ Đức
                                                 
     Cái tên gọi "tình yêu và đàn bà" không phải do tôi đặt ra, mà là nhan đề một chùm thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Thái đã đăng nhiều trên các trang mạng. Trong bài của một văn nghệ sỹ ở Việt-Nam-thư-quán "Về một huyền thoại thi ca", khi bình phẩm thơ ông - có đoạn viết:
-   Phạm Ngọc Thái là một nhà thơ của tự do. Thơ ông sâu tựa bể, giàu hương sắc như hoa ngàn. Ông viết về nỗi đời dân gian, về tình yêu và đàn bà.  Đọc thơ ông như đi vào trong động, càng vào sâu càng huyền thẳm vô biên.
    Hiện ông đang sống cùng gia đình trong một ngôi nhà gác nhỏ. Phía trước trông ra khu quảng trường thành phố, mặt sau soi bóng xuống hồ Tây quanh năm sóng vỗ. Cõi trần ai ông đã nếm đủ mùi khổ hạnh, đắng cay... cũng từng có những tháng năm phiêu du qua hải ngoại, rồi trở về vui thú trong cảnh sống phong trần của một thi nhân - Viết để lại cho đời một Bộ-thi-ca-thời-đại tầm vóc với bao nhiêu áng thơ tình huyền diệu, sẽ còn sống mãi với sơn hà...

     Thơ tình hay ở các cung bậc khác nhau của Phạm Ngọc Thái thì nhiều, tôi chỉ chọn ra đây ba bài theo ý riêng mình và chưa có ai bình. Gọi là để đàm đạo ở tao đàn cùng vui trong chốn văn chương:
        1.  "Người đàn bà trắng" -  Một đỉnh cao trong thi ca.
        2.  “Cây thầm tiếc bóng”
        3.  “Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ”.
             Xin đi thứ tự từng bài một:    

                      A.        NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG 

                                    Người đàn bà đi trong mưa rơi

                              Chứa một trời thầm như hoa vậy...
  

                       Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời
                     Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
                     Đôi mắt em đong những áng mây
                     Người đàn bà trắng!

                     Em đi, về... chao những hàng cây
                     Hồ gió thổi lệch vành mũ đội
                     Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội
                     Xoã ngang vai mái hất tơi bời.

                     Nỗi niềm thao thức
                     Những đêm trăng nước...
                     Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai!
                     Người đàn bà ai mà định nghĩa?

                     Đường xưa đó về đây em ơi!
                     Những con đường đã đầy xác lá rơi
                     Xác ve, xác gió và xác của mưa.

                     Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
                     Anh cũng không làm chàng Trương Chi
                                                               suốt đời chèo sông vắng
                     Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
                     Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.

                     Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
                     Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
                     Khúc thơ tình anh lại viết về em!
                     Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
                                                    Phạm Ngọc Thái

  Lời bình:  Theo như bình luận ở giới văn chương, báo chí: "Người đàn bà trắng" là bài thơ tình hay nhất của nhà thơ Phạm Ngọc Thái. Trên con đường vô định của tình yêu, những đêm hoang vắng và sâu thẳm trong không gian mênh mông, lòng nhà thơ vẫn âm thầm khắc khoải nhớ về mối tình đã qua:
                     Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
                     Khúc thơ tình anh lại viết về em!
                     Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
      Những ngôi sao trên vòm trời xa xôi kia, ngọn gió đêm vô tình... nó cũng hiu hắt như nỗi vắng vẻ, trống lạnh của lòng chàng. Tác giả gọi em là "Người đàn bà trắng", thực ra khi ấy em vẫn còn là một thiếu nữ. Từ chiếc mũ vải trắng mềm một thuở nào người yêu thường đội lệch trên đầu, lẫn vào trong khóm mây. Khóm mây đó lại vờn bay trên mái tóc nàng - Tất cả đã trở thành ấn tượng để nhà thơ mô tả về hình ảnh người đẹp:
                     Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời
                     Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc   
                     Đôi mắt em đong những áng mây
                     Người đàn bà trắng!
     Đó là đôi mắt của mùa thu huyền diệu và xa thẳm. Bích Khê cũng từng mô tả về đôi mắt đẹp của người mỹ nữ trong bài thơ "Tranh loã thể" nổi tiếng của ông, rằng:
                     Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường...
     Nó chìm ngập một thế giới, chiếu rọi vào ngõ nghách tâm hồn của thi nhân sáng bừng lên. Hay như Xuân Diệu tả về đôi mắt người yêu cũng thật kỳ ảo:
                    Mắt em thăm thẳm như màu gió
                    Thơ cũng vàng trong như nắng hanh
     Ta trở lại với bài Người Đàn Bà Trắng: Đôi mắt em đong những áng mây /- Như thể đã bao lần nhà thơ từng phiêu du trong đôi mắt ấy. Nó bộc lộ một sự hiền hoà, nhân ái. Tác giả lấy hình ảnh của vũ trụ qua cảm xúc mà mô tả, quyện với mái tóc nàng trong mây bay, gió cuốn... hiển hiện dưới bầu trời cao vời vợi. Bầu trời ấy vừa để nói về tình yêu của người đàn bà ở cõi nhân sinh, vừa là bầu trời của quê hương đất nước ta vậy.
     Sang khổ thơ thứ hai - Hình bóng người thiếu nữ hiện lên trong một khung cảnh thiên nhiên rực rỡ:
                     Em đi, về... chao những hàng cây
                     Hồ gió thổi lệch vành mũ đội
                     Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội
     Cả thềm nắng hắt lên mình em như tơ lụa đất trời, có gió thổi, cây đưa... Vẫn chiếc mũ vải trắng mềm xưa mà em thường đội lệch, che lên khuôn mặt đẹp như một vầng trăng. Cái bờ hồ gió thổi ấy chứng kiến bao nhiêu kỷ niệm, những tháng năm anh đã sống êm đềm trong hạnh phúc tình yêu. Giờ đi lại trên con đường đã qua, anh như nghe thấy cả khúc tình ca đang sống lại. Mái tóc người con gái xưa vẫn xoã bay trên đôi vai trần trắng của nàng:
                     Xoã ngang vai mái hất tơi bời
     Bồi hồi trong kí ức, hồn nhà thơ tựa con đò mộng lạc vào nơi bến vắng. Chỉ còn nghe thấy tiếng gió táp, mưa sa... cùng những chiếc lá vàng rơi phủ xuống trong trời đất:
                     Đường xưa đó về đây em ơi!
                     Những con đường đã đầy xác lá rơi
                     Xác ve, xác gió và xác của mưa.
     Tiếng lòng nhà thơ cất lên để gọi vọng tình em. Con đường giờ đây hoang dã trong qui luật bụi cát của thời gian. Con đường mà người con gái đã đến với cuộc đời anh. Năm tháng cứ trôi nhưng hình bóng em không phai nhoà. Hình ảnh đoạn thơ nghe như trong giấc mộng: xác gió, xác mưa, đã đầy xác lá, xác ve... trôi. Tưởng như cái bờ hồ gió thổi đó ngàn năm sau vẫn còn quyến luyến bóng hình người yêu ở đấy, mãi mãi trong trái tim thương nhớ của nhà thơ.
     Xin trở lại để phân tích sâu thêm về khổ thơ thứ ba:
                     Nỗi niềm thao thức
                     Những đêm trăng nước...
                     Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai!
                     Người đàn bà ai mà định nghĩa?
     Hình ảnh đã được cách điệu hoá: Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai! /- Biểu tượng thơ mô tả tuy mang màu sắc trừu tượng nhưng vẫn rất gợi cảm.
     "Chùm trinh em hát...": Nó đã mang cái của nàng bay lên! Suy cho cùng vũ trụ và thế giới đều tồn tại, sinh ra ở đó. Vừa vĩ đại và man dại. Nếu không có cái chỗ thiên thai ấy của người đàn bà thì không có cả linh hồn lẫn sự sống, cũng không có ý nghĩa gì về lịch sử của thế giới này. Còn câu thơ:
                     Người đàn bà ai mà định nghĩa?
     Đại văn hào Lép-Tônxtôi -  Ông là một thiên tài xây dựng hàng trăm tính cách về đàn bà có những mẫu mực khác nhau. Người từng nói những câu đại ý rằng: Không thể đưa ra những nguyên lý có tính khuôn mẫu nhất định đối với người đàn bà, chỉ có những sự tìm tòi, tìm tòi và tìm tòi mãi...
     Nàng không thể nào định nghĩa được trong sự tồn tại của đời ta? Câu thơ treo trên đầu ta như một câu hỏi vĩnh cửu, lại như thể một định mệnh.
    Tôi bình khổ thơ thứ năm:
                     Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
                     Anh cũng không làm chàng Trương Chi
                                                         suốt đời chèo sông vắng
                     Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
                     Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.
     Là một mảng thơ đời, đã triết lý về những mâu thuẫn giữa tình yêu và cuộc sống của nhà thơ với người-đàn-bà-trắng. Đó cũng là một nghịch lý cuộc đời: Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu /- Còn anh cũng không đầy mình để làm mãi cái anh chàng Trương Chi suốt đời chèo thuyền trên con sông quạnh vắng, cô đơn, rồi tương tư nàng Mỵ Nương mà chết. Hay, cái con-đường-lông-ngỗng-trắng mà nàng Mỵ Châu đã rắc cho chàng Trọng Thuỷ theo, thần tượng thì rất đẹp, nhưng để cuối cùng chàng cũng nhảy xuống biển mà chết, hoá thành ngọc trai giữ tình son sắt với nàng. Nó bi ai quá!
     Cái hay của khúc triết lý trong bài thơ Người Đàn Bà Trắng là đã được viết như đời. Dẫu mối tình bị tan vỡ phải chia lìa năm tháng, nhưng tình thơ không kết thúc bằng sự bi thảm. Đôi trai gái vẫn phải sống và tồn tại, dù là theo chiều gió cuốn cuộc đời. Phải chăng đó cũng là một cuốn tiểu thuyết "cuốn theo chiều gió" như bao bi kịch tình-đời trên bờ bến nhân gian? Cả đoạn thơ thấm đẫm máu tim, được bật ra trong đời sống đầy mất mát và đau đớn của tình yêu.
     Đây là một trong hai mảng thơ xương cốt nhất - Mảng thơ thứ nhất như trên đã nói, chính là khổ thơ thứ ba:
                      Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai!
     Cùng với khổ thơ thứ năm này - Làm thành nền tảng, như tim óc, tuỷ sống cho cả tình thi. Nhà thơ vẫn thiết tha khao khát gặp lại người thiếu nữ:
                      Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
     Ngọn lửa tình đã từng sưởi ấm trái tim anh. Để rồi bài thơ được kết thúc bằng một câu thơ đẹp nhất về nàng:
                      Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
     Đây là một câu thơ siêu thực chứa đầy trầm tích đã được thăng hoa. Một thiên tạo vĩ đại đang nép trong tấm thân người đàn bà trẻ hay chính nàng là một vầng trăng? Cái vầng trăng ấy của nàng nó cứ nguyên thuỷ như hang động thời tiền sử, lại huyền bí như thánh linh. Nhưng chao ôi, dù gì thì nàng cũng "ngậm" cả cái vầng trăng của nàng rời bỏ nhà thơ để đi rồi! Những tháng năm buồn nhớ người yêu, anh đã viết ra thiên tình ca Người Đàn Bà Trắng bất hủ này để lại cho thế gian.
     "Người đàn bà trắng" là một bài thơ tình hay thuộc vào hàng đỉnh cao trong thi ca, với sự viên mãn và hoàn bích của nó. Tình thi sẽ còn sống mãi với thời gian cũng như nền văn học nước nhà.
         TTĐ.

                      B.           CÂY THẦM TIẾC BÓNG
                        Nàng đi mãi mà không trở lại
                        Gió bên đường kéo liễu hát trong mưa
                        Và mặt nước bi bô lời than thở
                        Chiều buông rèm tàn tạ nắng buồn mơ.

                        Anh ngắm liễu bên hồ càng nhớ bóng
                        Ai ru mình trong trăng sáng nép vào anh
                        Làn da trắng, vòm ngực nàng hưng phấn
                        Tan tành rồi! Ôi, mộng thuở ái ân...

                        Người đàn bà ra đi không trở lại
                        Để cây thầm tiếc bóng hoá bơ vơ
                        Và gió nữa cũng giông cuồng rồ dại
                        Hồn thi nhân tan tác giữa hư vô.

                        Đôi mắt đẹp nàng dịu dàng đong trời biếc
                        Thân hoa thơm mà lại ủ bão dông
                        Anh tê dại cõi hồn hoang biền biệt
                        Bao sầu tư vương vấn các nẻo đường.

                        Người đàn bà ra đi không trở lại
                        Bãi-cuộc-đời cát bụi, gió mưa
                        Hoa sẽ úa, nhị sẽ tàn và lụi
                        Một đời trôi theo năm tháng xô bồ...
                                                    Phạm Ngọc Thái
                                        
Trích tập "Rung động trái tim" 2009


  Lời bình:  Một bài thơ tình mà lại có cái tên "Cây thầm tiếc bóng"? Ta thấy trong khổ thơ thứ ba đã viết:
                        Người đàn bà ra đi không trở lại
                        Để cây thầm tiếc bóng hoá bơ vơ
                        Và gió nữa cũng giông cuồng rồ dại
                        Hồn thi nhân tan tác giữa hư vô.
     Hình ảnh cây âm thầm tiếc bóng - Không phải là bóng của nó, mà là bóng của người đàn bà đã ra đi không trở lại ấy! Tác giả chỉ lấy thiên nhiên, trời đất làm biểu tượng cho sự chia ly tình yêu đó thôi. Đến gió cũng phải "giông cuồng rồ dại", hồn thi nhân thì tan tác, năm tháng hoá hư vô.
     Tôi sẽ quay trở lại nói thêm về những câu thơ này - Giờ ta đến với khổ thơ thứ nhất:
                        Nàng đi mãi mà không trở lại
                        Gió bên đường kéo liễu hát trong mưa
                        Và mặt nước bi bô lời than thở
                       Chiều buông rèm tàn tạ nắng buồn mơ.
     Khung cảnh: liễu đứng hát trong mưa và những lời thở than của nước - mỗi khi tiếng sóng vỗ xô bờ khe khẽ, xôn xao... vào trong cảm xúc nhà thơ như là những tiếng lòng thương nhớ, thuở nàng vẫn thường cùng anh đến bên hồ. Giờ sóng vẫn vỗ mà em thì mãi mãi không trở về. Rồi cái ánh hoàng chiều của một ngày tàn như bức rèm buông xuống phủ trùm lên mặt đất, để vào những giấc mơ đêm tưởng nhớ đến người yêu. Cách diễn tả tâm trạng hoà trong hình ảnh thiên nhiên đồng vọng tạo nên sự huyền thẳm của thi ca, chứa chất ý tình. Giọng điệu, ngôn ngữ thơ đọc lôi cuốn như lời hát mà vẫn sâu. Tuy không nói về người nhưng cảnh vật được nhân sinh hoá - Nghĩa là những cảnh vật ấy biết nói, thể hiện sự vui buồn, thương nhớ từ trong tâm tư, tình cảm của nhà thơ. 
     Về hình ảnh câu đầu:
                        Nàng đi mãi mà không trở lại
     Hay là: Người đàn bà ra đi không trở lại /- Được điệp khúc nhiều lần bộc lộ một tình thương yêu da diết, song cũng là nhằm nhấn mạnh tình ý, chủ đề của cả bài.
     Sang khổ thơ thứ hai:        
                        Anh ngắm liễu bên hồ càng nhớ bóng
                        Ai ru mình trong trăng sáng nép vào anh
                        Làn da trắng, vòm ngực nàng hưng phấn
     Đó phải là một người đàn bà đẹp và nhà thơ rất yêu nên lời thơ mới say sưa, hình ảnh duy mỹ như vậy. Mỗi khi ngắm những nhành liễu ru bên hồ, thi nhân lại nhớ tới bóng xưa. Những đêm trăng sáng hồi ấy, như vẫn còn đây cả tấm thân, hơi thở của nàng... lòng Người lại bồi hồi, da diết: Làn da trắng, vòm ngực nàng hưng phấn /- Thế mà nay chỉ còn là kí ức?... rồi tác giả buông xuống một câu thơ đầy xa xót:
                       Tan tành rồi! Ôi, mộng thuở ái ân...
     Ta tưởng như chính lòng mình tan vỡ. Về mặt cấu trúc đã đạt được độ viên mãn ngay của khổ thơ. Sang đoạn thơ thứ ba mà tôi đã nói ở phần đầu cũng thế - Cuối đoạn đã được gieo một câu thơ rất mạnh:
                     Hồn thi nhân tan tác giữa hư vô
     Cho nên, tuy viết tung hứng theo sự thăng hoa của tâm hồn mà thơ vẫn súc tích, không rơi vào dàn trải tràn theo cảm xúc thường thấy của dòng lãng mạn trước kia. Hình tượng thơ giàu chất sống và đầy ắp nội tâm. Có khi những hình ảnh đó còn mang theo cả tính triết lý về tình yêu và đàn bà. Thí dụ, ta xem tiếp khổ thơ thứ tư:
                        Đôi mắt đẹp nàng dịu dàng đong trời biếc
                        Thân hoa thơm mà lại ủ bão dông
                        Anh tê dại cõi hồn hoang biền biệt
                        Bao sầu tư vương vấn các nẻo đường.
     Thi nhân mô tả đôi mắt đẹp của người yêu... "đong cả trời biếc" - Còn khi tả về tấm thân nàng lại đưa ra một biểu tượng rất triết học:
                       
Thân hoa thơm mà lại ủ bão dông 

     Để nói cả hai mặt: Người đàn bà vừa nồng nàn, êm ấm lại vừa là trái gió, trở giời và dông bão... làm trái tim ta đau đớn. Tấm thân đàn bà thật huyền diệu cũng như sức mạnh của tình yêu là vô bờ bến. Câu thơ sinh động mà tích tụ cả một đời sống tâm lý bên trong. Vì tha thiết nên lòng thi nhân mới: "... tê dại cõi hồn hoang biền biệt" -  Nghĩa là khi người yêu xa, lòng thì sầu, tâm hồn thành hoang vắng, cô đơn.
     Giọng thơ hay lại hàm chứa, tạo nên vẻ đẹp và tấm vóc của thi phẩm. Đến khổ thơ cuối cùng:
                        Người đàn bà ra đi không trở lại
                        Bãi-cuộc-đời cát bụi, gió mưa
                        Hoa sẽ úa, nhị sẽ tàn và lụi
                        Một đời trôi theo năm tháng xô bồ...
     Hình ảnh câu thơ: Người đàn bà ra đi không trở lại /- Được điệp thêm một lần nữa để khắc sâu vào lòng người sự nuối cảm. Một đặc điểm thơ Phạm Ngọc Thái khi nói về chốn dân gian, nhà thơ thường dùng hình tượng "bờ bãi...". Thí dụ như trong bài Váy Thiếu Nữ Bay:
                        "Bờ bãi con người" em trổ hoa trái ngọt
                        Đến đế vương cũng khum gối cầu mong
     Hay tình thơ Em Về Biển:
                        Bờ-bãi-đời-người cuộc sống tình yêu
                        Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân phật tổ!
     Còn bài Cỏ Hoang sáng tác ở nước ngoài, nói về hình ảnh một cô gái cùng những người xuất khẩu lao động sống trôi dạt trên đất khách quê người, tác giả viết:
                        Ôi, cuộc bèo hoang trời đất trầm luân
                        Và bản chất muôn đời còn muông thú
                        Nhà chính khách cùng đứa du côn tranh thủ chơi thánh nữ
                        Em vũ ba lê trong thế giới hỗn mang gieo hoa cấy linh hồn...
     Đó chính là chốn bể dâu của đời người, bèo dạt mây trôi...  với những sướng khổ, buồn vui, hạnh phúc và mất mát. Trong khổ thơ cuối của bài này, người đàn bà ấy cũng đang trôi dạt ở nơi đó. Như câu:
                       Bãi-cuộc-đời cát bụi, gió mưa
      Theo qui luật thời gian - Năm tháng cứ trôi... tất cả sẽ úa tàn, bụi cát. Thơ đưa ta vào cõi vô định của cuộc sống con người, chỉ có tình yêu trường cửu mãi không già. Giờ đây chỉ còn lại khoảng trời xưa, những nhành liễu, bờ hồ, trăng sao cùng những cơn mưa gió của lòng anh, của đất trời và cuộc sống với bao xô bồ, vật vã.
     Điều đặc biệt bao trùm trong bài thơ là hầu hết đều dùng cảnh họa lòng. Những cảnh vật đó được tắm trong hồn, đầm đìa tình ý. Như trên đã nói, nào là: Liễu hát trong mưa, hồ nước than thở, chiều buông rèm mơ, nàng ru mình trong trăng sáng, cây thầm tiếc bóng, gió lại giông cuồng rồ dại, trái tim thì tan tác, cuộc sống hoá hư vô, đôi mắt người yêu dịu dàng đong cả bầu trời, tấm thân nàng tắm hoa thơm nhưng lại ủ cả cuồng phong dông bão, v.v...
    
Một tình thơ làn điệu du dương được tác giả sáng tác cũng chính ở trên "bãi cuộc đời..." đầy cát bụi, gió mưa ấy - Nơi thi nhân cùng với người đàn bà đẹp từng tha thiết yêu nhau. Tình yêu của họ đã một thời đơm hoa, kết nhụy. Dù nay đã xa vời, nhưng tình thi vẫn đang truyền cảm, cuốn hút ta trầm sâu hơn vào ý nghĩa của thi ca. Như nhiều văn nghệ sĩ khi thưởng thức thơ anh vẫn nói: Thơ Phạm Ngọc Thái càng đọc càng hay! "Cây thầm tiếc bóng" là một bài thơ tình nhiều hương sắc, khá độc đáo và hấp dẫn của văn đàn.

         TTĐ.          
 
           C.     DƯỚI HÀNG SẤU ĐÊM VÀ CON PHỐ NHỎ
                             Phố vẫn phố hàng sấu xưa rụng lá
                         Ngỡ yên rồi... còn lạc bước canh khuya
                         Nên câu thơ anh theo đông về vội vã
                         Tình của đôi ta dòng sông chảy man mê...

                         Đêm đã lạnh, vầng trăng còn thao thức
                         Trăng bay trên trời, anh cứ thương em
                         Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác
                         Gió nhắc thầm thì, em có nhớ không?

                         Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa...
                         Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em?
                         Thuở đó đẹp nhiều mộng mơ, em nhỉ!
                         Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm.

                         Anh lưu giữ chút tình trên trang giấy
                         Đi hết phố xa về khắc khoải bên thềm
                         Rồi tự trách với mình sao buổi ấy
                         Lại giục em lấy chồng để đau mãi con tim?
                                                       Phạm Ngọc Thái
                                                       
Mùa đông 2010
                                        
Trích tập "Hồ Xuân Hương tái lai" 2012


  Lời bình:  Đi lại những đường phố đêm dưới hàng sấu xưa, lòng nhà thơ bồi hồi nhớ về một thuở:
                         Phố vẫn phố hàng sấu xưa rụng lá
                         Ngỡ yên rồi còn lạc bước canh khuya    
                         Nên câu thơ anh theo đông về vội vã
     Bài thơ được viết vào mùa đông năm 2010, khi anh đã ngoài tuổi lục tuần, nhưng tâm hồn thi nhân thì còn trẻ mãi. Con sông tình ngày đêm vẫn xao xiết chảy trong trái tim anh, như câu thơ đã viết:
                        Tình của đôi ta dòng sông chảy man mê...
    Chưa thấy ai đảo ngược chữ "mê man" để viết thành "man mê..." như Phạm Ngọc Thái, để cho âm điệu thơ không rơi vào sự cũ càng. Cũng thấy là lạ, hay hay. Có một nhà giáo khi khi bình thơ anh đã viết:
     Ngôn ngữ thi ca Phạm Ngọc Thái là ngôn ngữ của hình tượng hội hoạ. Khi đọc những thi phẩm hay của ông, giống như bức tranh hoàn bích, càng đằm sâu vào trong tranh càng chứa chất ý, tình.
     Theo con gió đông nhà thơ "lạc bước" lang thang, hồn vía đang bay về một phương nào?... thuở em yêu vẫn cùng anh đêm đêm dưới hàng sấu phố khuya này. Cái phố nhỏ với hàng cây xưa thật thân thiết. Bao năm qua tưởng tình cũ đã yên, nào ngờ đêm nay thi nhân lại chạnh lòng thổn thức, rồi bài thơ "Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ" ra đời.
     Mặc dù nhà thơ đã nói với mình và khuyên người yêu:
                         Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa...
                         Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em?
     Ai mà chẳng có lúc bồi hồi vương vấn tới tình xưa? Nói rằng: "Em đang ngủ bên chồng..." - Nhưng đọc thơ không thấy sượng, còn tăng thêm sự cảm khoái, diễn đạt ý tình thấm thía hơn. Khi nhà thơ tự vấn: thôi, đừng tiếc nữa! /- Tức là lòng anh đang... mong nhớ. Anh còn biện hộ cả với  người xưa: Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em? /- Có nghĩa, đây là mối tình dang dở mà sự tiếc nuối của cả hai người chứ không chỉ đơn phương về phía thi nhân.
     Khuyên thế thì khuyên: Rằng, đừng nhớ thương, đừng tiếc nữa em yêu! Song, chính nhà thơ vẫn hoài vọng, tự ru mình trong giấc xa xăm:
                         Thuở đó đẹp nhiều mộng mơ, em nhỉ!
                         Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm.
     Tình yêu không chỉ là sự êm ái và niềm vui sướng, còn mang lại cho hồn thơ anh biết bao cảm xúc ngọt ngào. Trong cuộc sống xô bồ, cát bụi... mỗi khi nhớ về thuở ấy, thi nhân như được tắm trong niềm hạnh phúc của tình yêu, như lời thơ đã viết: Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm /- Tôi trở lại phân tích về khổ thơ thứ hai:
                         Đêm đã lạnh, vầng trăng còn thao thức
                         Trăng bay trên trời, anh cứ thương em
                         Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác
                         Gió nhắc thầm thì, em có nhớ không?
   Thao thức cùng với nhà thơ, vầng trăng trong đêm đông giá lạnh kia có ngủ được đâu, như lòng người hiu hắt bay vơ vẩn trên trời. Vẫn nguyệt đó mà sao nay thấy lạ? Hồi cùng em tắm trong trăng êm đềm và mơ mộng, giờ trở nên xa vời và lòng anh càng cô quạnh. Cơn gió khuya cũng không ngủ, cứ thầm thì bên tai: Liệu em có còn nhớ đến thuở của đôi ta? Cả đoạn thơ với hình ảnh gió, trăng... thấm đẫm hồn, xao xiết một nỗi tình. Như câu thơ trên đã nói:
                        Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa...
     Nhà thơ Phạm Ngọc Thái ơi, đọc thơ anh mà tôi thấy nao lòng. Người ta đã ngủ với chồng rồi, anh còn nghĩ đến làm gì? Nhưng phải chăng chuyện tình, khi lòng đã tương tư, mấy ai gỡ ra được? Như Nguyễn Bính từng viết:
                       Gió mưa là bệnh của trời
                       Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
     Bài thơ có sức truyền cảm, như thể ngòi bút thi nhân hoà lẫn máu tim mà viết ra. Trong canh khuya yên tĩnh, dưới trăng sao, gió thổi và vòm trời. Khi cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ đêm. Chỉ còn nhà thơ lặng lẽ đi dưới hàng sấu xưa và con phố. Chúng đang thì thào tâm sự với anh. Dòng thơ cứ nhè nhẹ, dìu dịu tuôn trào ra như vậy. Lời thơ như mơ và đầy chất mỹ học. Hình tượng thơ không kiêu sa mà thanh thoát, tình thơ thấm đượm sự thương yêu.
     Như những tiếng đàn tình gảy lên trong không gian sâu thẳm, mênh mông. Tiếng đàn ấy ru theo bước chân người thi sỹ, cùng những cánh lá sấu nhỏ đang rụng xuống tâm hồn mộng mơ của thi nhân, để những lời thơ say đắm bay ra:
                         Phố vẫn phố hàng sấu xưa rụng lá
                         Ngỡ yên rồi... còn lạc bước canh khuya
     Đây là hai câu thơ hay nhất chăng? không hẳn vậy - Những câu thơ khác cũng rất hay, thí dụ:
                         Đêm đã lạnh, vầng trăng còn thao thức
                         Trăng bay trên trời, anh cứ thương em
     Vầng trăng kia thao thức hay chính tiếng lòng của chàng đang thao thiết dưới trăng? Bóng nguyệt thì trôi mãi vào cõi vô biên, còn hồn thi nhân bay theo những áng thơ đến tận bến xa vời...
     Đấy, thi ca Phạm Ngọc Thái là thế! Đọc câu thơ nào cũng thấy đầy chất sống và sâu lắng. Mỗi câu lại có một hương sắc và sự hay riêng. Tiếng thơ mỏng mảnh tựa dây đàn, như trái tim của thi nhân khẽ bật lên là rung. Nghe êm đềm và tha thiết, nhưng lại có chút gì đó khắc khoải ở bên trong.
     Tôi xin bình vào đoạn kết:
                         Anh lưu giữ chút tình trên trang giấy
                         Đi hết phố xa về khắc khoải bên thềm
                         Rồi tự trách với mình sao buổi ấy
                         Lại giục em lấy chồng để đau mãi con tim?
     Vậy, lý do vì sao nhà thơ lại giục người yêu đi lấy chồng? Không ai biết cả. Nhưng như thế cũng đã hé mở ra căn nguyên của mối tình bị đứt đoạn này: Hai người cùng yêu nhau nhưng hoàn cảnh éo le không thể lấy nhau được. Một bi kịch tình đời chăng? Biết không thể lấy được nhau, sao lại còn yêu để giờ phải khắc khoải nhớ thương? Nhưng cuộc sống vốn dĩ cũng thường hay nghịch lý như vậy mà. Nếu không thế thì đã không có thi ca!...
     Nhà thơ vì quá yêu nên tự dằn vặt với mình đó thôi. Đoạn thơ kết lại như lưu giữ một tấm tình kỷ niệm trong ảo mộng, rồi những đêm lang thang trong phố hay về khắc khoải bên thềm, thi nhân lại cảm xúc sáng tác ra những vần thơ tình chan chứa yêu đương, để thêm nhiều áng thi ca hay cho nền văn học nước nhà.
     "Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ" là một bài thơ tình gan ruột: Rất Phạm Ngọc Thái! Phong điệu nhẹ nhàng, lời thơ súc tích, hoà quyện tình yêu - cuộc sống với hình ảnh thân thiết của thành phố quê hương mà rung cảm trái tim những người yêu thơ.
         
                   Trần Tứ Đức                   
 
Nguyên CB Viện ngôn ngữ & Văn hoá dân gian       



<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2014 12:20:36 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 23:07:58
 
                                    EM VỀ BIỂN
                         Bờ bãi đời người - Cuộc sống tình yêu
                         Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân phật tổ!
                         Ta cũng thể loài cua còng trong bể cả
                         Yêu thương nhiều hưởng đã bao nhiêu.

                                   ( kỉ niệm K.A:  Người nữ sinh trường SPNN năm xưa.
                                                              Quê hương thành phố biển)

Em về biển để vùi vào trong cát
Nỗi buồn nước mắt
Những nát tan vòm ngực đã thương đau.

Biển cứ vỗ tan... nát tình biển cả
Xô mãi bờ với lá thông reo
Người thiếu nữ ấy dần thành cát trắng
Mang nỗi niềm không biết đã đi đâu?

Tháng năm trôi…tình cũ cháy như khêu
Dòng suối thần tiên nuôi đời ta mục ải
Đôi gót đỏ ánh mắt nhìn thơ dại
Đã thổi thành bão tố ở trong anh.

Hàng bạch đàn năm xưa còn đó
Anh còn đây. Em hỡi, anh còn đây!
Nhớ những buổi đón em bên cổng trường sinh ngữ
Tóc nửa bạc rồi chỉ thấy gió mưa bay...

Tóc nửa bạc rồi. Tình vẫn đó, em ơi!
                                        Phạm Ngọc Thái
                                

             Lời bình PHƯƠNG TUẤN:
       Bài thơ kể về mối tình của một cô nữ sinh trường Sư phạm Ngoại ngữ với nhà thơ. Nỗi thơ đầy lệ:
                        Em về biển để vùi vào trong cát
                        Nỗi buồn nước mắt
                        Những nát tan vòm ngực đã thương đau.

     "biển" ở đây là thành phố quê hương của người con gái (như trong tựa đề bài thơ đã viết), nhưng hình ảnh biển còn là biểu tượng của bãi-biển-đời-người hay là tình-em-biển-cả:
                        Biển cứ vỗ tan... nát tình biển cả
                        Xô mãi bờ với lá thông reo
      Cái hàng thông năm tháng đứng trên bờ biển hát, vừa như sự vô tình mà lại hữu tình của thiên nhiên, với con sóng xô nát bờ khắc khoải mãi về người trinh nữ. Một biển cuộc đời đầy sóng bão, người sống trong nó và... nó có thể nghiền nát con người:

                        Người thiếu nữ ấy dần thành cát trắng
                        Mang nỗi niềm không biết đã đi dâu?

     Người con gái ấy đã đi không trở lại. Hình ảnh "cát" trong bài thơ này mang màu sắc thơ siêu thực, tức là dạt vào trong chốn cát bụi đời người...
     Tôi xin phân tích bốn câu thơ làm tựa đề:
                          Bờ bãi đời người - Cuộc sống tình yêu
                          Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân phật tổ!
                          Ta cũng thể loài cua còng trong bể cả
                          Yêu thương nhiều hưởng đã bao nhiêu.
     Tình yêu của em đưa ta về nơi thánh thiện. Em chính là cả toà sen nát bàn phật tổ của đời anh! Thế mà, trên "bờ bãi đời người" thân phận em vẫn nổi chìm như kiếp rong rêu. Thì ra tình yêu không chỉ mang cho ta hạnh phúc, mà còn là bi kịch đớn đau trong cuộc đời. Đây là bốn câu thơ hay nhất bài, hình tượng đã đạt đến điểm đỉnh, khái quát nội dung tư tưởng của toàn bài để đưa tấm phẩm bích Em Về Biển vào trong miếu mạo của thi ca.

     Xin bình tiếp vào bài:
                           Tháng năm trôi…tình cũ cháy như khêu
                           Dòng suối thần tiên nuôi đời ta mục ải
                           Đôi gót đỏ ánh mắt nhìn thơ dại
                           Đã thổi thành bão tố ở trong anh.
       Tình cũ như ngọn đèn càng khêu càng cháy. Người con trai cũng như cây thông mòn mỏi mãi, năm tháng dần thành mục ải... thì mối tình trong trắng thơ ngây, thơm mát như ban mai của người con gái xưa lại hiện về xoa lên nỗi đau của lòng anh. Hình bóng người sinh nữ cứ lặng lẽ, âm thầm mà cào xé tưởng như những trận bão lòng không dứt.
    Em Về Biển tuy không đi sâu vào miêu tả tấm thân bên trong của người con gái, hồi ức chỉ phục lại những ấn tượng có tính điển hình, như:
                        Đôi gót đỏ ánh mắt nhìn thơ dại
    Hay là:

                       Những nát tan vòm ngực đã thương đau
    Nghĩa là không thấy những hình ảnh yêu thương trần tục xuất hiện trong tình thi này, chỉ có những hương vị thơm tho, thanh thoát, nên thơ... nhưng vẫn đầy cảm xúc da diết, mộng mơ mà năm tháng không phai nhoà trong anh.
     Đời hiện hữu mà tình yêu lại là ảo ảnh. Cuộc sống chỉ còn là một bãi cát vô vi, trắng phau để những trận bão tố lòng anh thổi mãi không thôi. Đến đây một mảng thơ hiện thực được tràn vào, tình thơ lại càng thêm tha thiết:
                         Hàng bạch đàn năm xưa còn đó
                         Anh còn đây. Em hỡi! Anh còn đây,
                         Nhớ những buổi đón em bên cổng trường sinh ngữ...
      Những buổi đón người yêu bên cổng trường... gợi lại bao nhiêu kỷ niệm để nói về một thời đôi trai gái đã say đắm yêu nhau. Ta có thể mường tượng, bóng trăng huyền diệu thuở ấy, bước chân em đi nhè nhẹ, những chiếc lá rơi khẽ khua lên xào xạc. Ôi! Tấm thân của người con gái như một tảng thiên thạch trinh trắng vô vàn, cuốn hút cả những linh hồn. Chạm vào thiên thạch ấy, mọi sức mạnh đều tiêu tan mềm nhũn để tan hoà thành nước. Ánh mắt, đôi môi, cả cặp "tuyết lê" trắng ngần, trinh khôi của người thiếu nữ tựa như đôi mỏm núi kỳ vĩ nhô lên làm nên luỹ thành sừng sững nghìn năm, là thiên kiệt tác nhân sinh của loài người.  Khi ta áp môi hôn, khi đôi bàn tay man dại của tạo hoá đặt vào đó, nó nóng hổi và huyền thoại...
      Nhà thơ đã từng sống qua nửa thế kỉ, chứng nhận bao điều lớn lao cùng những điên đảo xẩy ra trong thế giới loài người, để cuối cùng anh lại quay về, chỉ ngợi ca người yêu bất tử hơn mọi thứ trên đời. Thế mà đời người như bóng câu bay qua trong vòm trời vô định, tất cả đều tan vỡ lẫn vào trong cát bụi cuộc đời - Như những dòng thơ kết thúc trong Em Về Biển này :
                         Tóc nửa bạc rồi chỉ thấy gió mưa bay...
                         Tóc nửa bạc rồi. Tình vẫn đó, em ơi!
    Mái tóc sương nhà thơ soi xuống dòng sông vô cùng, vô tận của thời gian, lẫn nhoà trong tiếng gió mưa phủ kín đất trời. Năm tháng qua đi lặng lẽ mà héo úa, như bao chiếc lá vàng rơi rụng xuống, phủ lên trên những hồi ức về người con gái xưa một nấm mồ tình.

nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 23:12:56
 
              KHÓC BÊN HỒ NÚI CỐC
 
Anh đã đến bên Hồ Núi Cốc
Gửi hồn theo dòng nước trôi thây...
Gió gào thét trong lặng chìm tim óc
Em khoả thân nằm trên bóng bến xưa bay.

Nước mắt nàng Công khóc tan ra suối
Cốc chết bên sồi lại hoá thành non...(*)
Nhưng để làm gì khi tình vô vọng?
Chút hương nàng vẫn ấm khoảng đời con.

Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ
Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu!
Ôi, hồ núi cứ xanh rì muôn thuở
Máu ta đổ đầy cho tạo hoá tạc phù điêu.

Anh đến bên Hồ Núi Cốc giữa chiều
Thơ rỏ đôi hàng, lệ tràn một chén
Khóc chuyện tình xưa là khóc mình lắm lắm
Mai chết rồi làm nước tắm cho em...

                                           Phạm Ngọc Thái
                                     Hồ Núi Cốc – Đêm 9/7/1997

(*)  Huyền thoại kể: nàng Công (con gái quan lang dân tộc) thương nhớ chàng Cốc khóc mà chết. Nước mắt nàng chảy thành suối nay biến ra hồ. Chàng Cốc (chỉ là một tiều phu đốn củi) thương nàng Công cũng chết dưới gốc cây sồi, hoá thành non bao bọc lấy hồ - nên mới có tên gọi: Hồ Núi Cốc!
 
                        Lời bình DIỄM LOAN:
     Tác giả kể lại: vào một đêm mưa gió, không gian hồ núi huyền thẳm, hoang dại và vô tận. Con người cô đơn! Từng làn gió rít vút qua ngàn, mưa táp trên mặt hồ nước mênh mang màu xanh thẫm. Niềm hạnh phúc lớn nhất của đời anh là được sống bên nàng, một niềm đam mê man dại. Có phải chăng con người sinh ra trên thế gian này, chỉ có tình yêu gái trai là bất diệt? Toà Thượng Đài ngự trị cả trên triết học và chính trị. Tâm hồn và thể xác hoà quyện nhau đưa anh về cõi cực lạc vô biên. Bài thơ Khóc Bên Hồ Núi Cốc được dựng lên bên câu chuyện tình cổ của nàng Công, chàng Cốc bất hủ trong truyền thuyết vọng về. Và - chính giữa đêm mưa gió, tình thi diễm lệ ấy đã ra đời!
      Gọi là Khóc Bên Hồ Núi Cốc nhưng bài thơ không phải là tiếng khóc, nó là một khúc tình ca. Nhà thơ viết thế cho có vẻ đượm màu sắc lâm ly mà thôi:
                    Anh đã đến bên Hồ Núi Cốc
                    Gửi hồn theo dòng nước trôi thây...
      Hồn chàng theo dòng nước cuốn đến với nàng. Thiên nhiên đang bao trùm sự lạnh lẽo hoang vắng. Giờ anh đứng đây nhìn ra dòng nước mênh mang trôi dạt kia, chỉ còn lại một thế giới trong anh vô vi và trống rỗng. Mà cái "thây" nó cũng đang trôi về phía vĩnh cửu đấy chứ? Biểu tượng "trôi thây" đã dược thăng hoa từ trong cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ, để mở đầu cho bản tình luyến ái gái trai ngàn năm vô bến, vô bờ. Xin bình tiếp câu ba:
                     Gió gào thét trong lặng chìm tim óc
     Trong cái tiếng gió mưa cào xé đất trời kia
(bên ngoài) , lại đang bao bọc cả một thế giới tĩnh lặng đến rùng mình của tim óc con người (bên trong), cùng chứa đựng một khát vọng mãnh liệt tột cùng cả thể xác và tâm hồn tình yêu trong nó. Đẩy nỗi thơ đi đến điểm cực đại, mà bắn vọt ra một bức tranh hoành tráng, hoàn bích nhất về nàng:
                    Em khoả thân nằm trên bóng bến xưa bay...
      Ta chạnh nhớ tấm thân nàng Kiều được Nguyễn Du mô tả:
                    Rõ màu trong ngọc trắng ngà
                    Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên.
      Nhưng bức tranh Nguyễn Du mô tả là bức tranh mĩ miều có thật của Kiều đang khoả thân trong khi tắm, còn bức tranh khoả thân của Khóc Bên Hồ Núi Cốc chỉ là bức tranh ảo, bởi ấn tượng từ kí ức, sự cồn cào trong trái tim nhà thơ mà bật ùa ra. Ta thấy tác giả không tả một nét gì trên thân thể, thế mà nàng vẫn hiển hiện lên vẻ đẹp không kém kiêu sa. Tình thơ tuy có bạo loạn nhưng trong sáng. Rõ ràng đây là một khúc tình ca chứ đâu phải là một bi kịch tình?
      Những yếu tố cảm xúc của bài thơ này đều theo thi pháp dòng thơ tượng trưng hiện đại Pháp cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX, nhưng đã được hoà phối với dòng thơ lãng mạn để hình ảnh ngôn ngữ, ý tình được hàm súc, cô đọng. Chứ không viết chảy tràn theo tình cảm như hầu hết các thi nhân trong phong trào "thơ mới" thời tiền chiến ở nước ta đã viết.
      Sang đoạn thơ hai là sự gắn bó giữa câu chuyện huyền thoại xưa với câu chuyện tình nay , nói về cái chết chung tình của một đôi trai gái:
                    Nước mắt nàng Công khóc tan ra suối
                    Cốc chết bên sồi lại hoá thành non...
      Mối tình đôi trai gái ấy đã bị các quan lại và lễ giáo phong kiến ngăn cấm. Họ quyết quên sinh để giữ trọn lòng chung thuỷ sắt son. Nàng thì biến ra hồ nước, còn chàng lại hoá thành non. Không có tình yêu tất cả trở nên vô nghĩa. Tình yêu là nơi trú ngụ, ý nghĩa tồn tại của đời ta:
                    Nhưng để làm gì khi tình vô vọng?
                   Chút hương nàng vẫn ấm khoảng đời con!

     Ba chữ "khoảng đời con" ở đây mang theo ý nghĩa ẩn dụ. Ý nói rằng, không có sự ấm áp trong tình yêu của người đàn bà mang lại cho những "khoảng đời con" ấy, thì thử hỏi: Sự sống tồn tại trên trái đất này để làm gì? Không có sáng tạo hay tiến bộ xã hội nữa. Không có ý nghĩa của cái "khoảng đời con" thì cũng không có những vĩ đại. Cho dù tác giả có đặt câu hỏi:
                    Nhưng để làm gì khi tình vô vọng?
      Chẳng qua là người than cho câu chuyện tình của nàng Công, chàng Cốc trong trời đất và cũng than cho chính mình. Mượn người xưa để nói nỗi đời nay, ý tình cứ rền xiết lên nhau như hai câu trong đoạn thơ cuối đã viết:
                    Thơ rỏ đôi hàng, lệ tràn một chén
                    Khóc chuyện tình xưa là khóc mình lắm lắm
      Cảm xúc thơ tràn ứa mà đẫm lệ. Tôi bình sang đoạn ba, là đoạn thơ máu thịt nhất của bài:
                    Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ
                    Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu!
                    Ôi, hồ núi cứ xanh rì muôn thuở
                    Máu ta đổ đầy cho tạo hoá tạc phù điêu.
      Khi mưa gió phủ táp xuống miền hồ núi, ta nghe như tiếng câu chuyện tình xưa nghiền xé vang lên: Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ /-  Tình đời là một dải băng tang trắng ư? Tình yêu gái trai cho ta nguồn suối yêu thương hạnh phúc, song cũng gieo lên cuộc đời những bất hạnh đớn đau.

      Nghĩa là, trời đất cũng để tang cho những linh hồn và trái tim son sắt của tình yêu! Nói về thủ pháp nghệ thuật sáng tác của tác giả trong đoạn thơ ba này, lấy ba câu thơ ảo (câu 1-3 và 4) là thơ trừu tượng, để nuôi một câu thơ thật, thật và rất đời. Chính là câu thơ hai trong đoạn:
                    Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu!
      "máu ta đổ đầy..." là biểu tượng nói về tình yêu. Thơ ngả sang màu siêu thực. Cái bóng xanh rì muôn thuở của non ngàn, với "bức phù điêu" đã được tạc trong thiên nhiên kì vĩ kia, là bởi máu và nước mắt tình của những đôi trai gái tắm vào trong nó. Nghĩa là cả trong bất hạnh đau thương tình yêu cũng tô đẹp, là bản tình ca bất hủ trong vũ trụ cũng như cuộc sống con người. Đoạn thơ ba như một bức hoạ dựng sững giữa trời.
        Bằng một cách định nghĩa thi ca Chế Lan Viên đã viết:
                    Anh phải mang tiếng hát từ bờ này sang bờ kia đấy
                    Bờ bên kia hư ảo - Bờ thơ.
                                                        
(trích di cảo CLV - Bờ bên kia )
      Nhưng sự hư ảo ở đây phải là cái hư ảo thấm đầy huyết, đầy hồn, đầy sự sống và ma lực trong thế giới thơ của nó!
      Xin trở lại để nói tiếp về câu thơ hai của đoạn. Nếu không có "vú người yêu" thì thử hỏi: Hồ núi có xanh thắm hơn thế nữa, thiên nhiên có đẹp hơn thế nữa, để làm gì? Cả chiến tranh và hoà bình trong thế giới này, nếu không có vú người yêu thì loài người gây ra nó cũng để làm gì? Cắn Vú Người Yêu là một hình tượng rất đời được đưa vào trong thơ, hình ảnh thơ đọc vẫn không thô, không sượng. Viết được câu thơ như thế là một thành công trong thi ca, đưa bài thơ đi xa trên bến-bờ-thi...
      Đến đây tôi chỉ xin nói thêm một chút nữa về câu thơ cuối cùng của bài:
                    Mai chết rồi làm nước tắm cho em...
      Xuân Diệu thì nói rằng:
                    Anh không xứng là biển xanh
                    Nhưng cũng xin làm bể biếc
      Còn đây, tác giả lại viết: "mai chết rồi…" - Phải, con người có thể làm bao chuyện phi thường, lên cả vũ trụ mà chinh phục sao Hoả, sao Kim, sáng tạo những phát minh khoa học vĩ đại, chế ra cả tên lửa xuyên lục địa, bom nguyên tử, đầu đạn hạt nhân để tiêu huỷ hoàn cầu v.v. Ấy thế mà, liệu còn gì có thể cao xa hơn là làm một dòng suối mát, một hồ nước xanh, hay chỉ là một bồn nước trong nho nhỏ tắm cho cuộc đời và thân thể của người yêu?
      Đấy, nhà thơ của bài Khóc Bên Hồ Núi Cốc này chỉ muốn kết tình thơ ở đó, để cho đời suy ngẫm!?

 
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 23:16:26
 
               MỘT GÓC HỒ TÂY
    
     Anh đến mình anh trong chiều muộn
     Nhặt thơ tình ở một góc hồ Tây
     Ngắm mặt gương hồ vào chập tối
     Mặt trời lại ngỡ bóng trăng soi.

    
     Lơ đễnh đọt mây qua phớt trắng
     Vừa đơn côi mà không đơn côi...
     Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng
     Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi.

   
     Chiều lễnh loãng bóng đa gù bên phố
     Mõ chùa buông thay tiếng nói của tình yêu!
     Trong sân gạch sư già quét lá
     Bước người đi thầm lặng cõi hư hao.

   
     Chiều hồ Tây - Chiều Tây Hồ lộng gió
     Ta và người: cõi mộng khác chi nhau?
     Người quên hết! Còn ta yêu tất cả
     Trong tiếng lá bay chầm chậm bóng ta theo...

                                                   Phạm Ngọc Thái
                                       
                   Lời bình NHƯ Ý:
     Thỉnh thoảng ta bất chợt bắt gặp cái bóng mặt trời khuất muộn trong cảnh chiều chập choạng, giống như bóng trăng sáng trắng vừa hơi viên mãn, vừa như ảo. Tác giả đến bên hồ, một người một cảnh trăng nước vơi đầy:                                                                
                      Anh đến mình anh trong chiều muộn
                      Nhặt thơ tình ở một góc hồ Tây
                      Ngắm mặt gương hồ vào chập tối
                      Mặt trời lại ngỡ bóng trăng soi.
      Rõ ràng cái bóng mặt trời như bóng trăng sáng hơi bàng bạc kia đã hòa điệu với tâm hồn và nỗi lòng u uẩn của nhà thơ. Khi anh nhìn lên, đọt mây bay ngang qua ấy cũng mang màu phớt trắng:
                     Lơ đễnh đọt mây qua phớt trắng
     Nhưng tại sao lại "lơ đễnh"? Bởi vì tâm trạng của nhà thơ lúc ấy:
                    Vừa đơn côi mà không đơn côi...
     Nó chơi vơi nửa vời. Lơ đễnh đấy mà đâu có phải là lơ đễnh? Tình thơ da diết như muốn níu kéo một hồi ức nào đó đã xa xăm, vẫn còn tha thiết ở trong anh.
  Sau đó tác giả có nhắc đến một người con gái nào đó, nhưng hình như không phải là một cô gái cụ thể, hay một cái tên cụ thể? Đó là nỗi khao khát của một con người đang bước vào tuổi hoa niên:
                    Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng
                    lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi.
     Nó không chỉ còn là cảnh chiều trời đất nữa mà là buổi hoàng của cuộc đời anh. Hình ảnh chiếc lá vàng lại rơi vào đúng chỗ ngồi của người con gái năm xưa, đằm thắm mà xót xa. Thì có mấy ai đã vui mãi, yêu mãi được suốt đời? Hạnh phúc gái trai mà nhà thơ từng có, theo thời gian nay đã trôi vào dĩ vãng. Buổi hoa niên của đời anh trở nên vô vi, hư ảnh. Nhà thơ đi giữa cuộc đời như một cái bóng. Thế giới này với anh đã trở thành vô nghĩa rồi chăng? Hình ảnh “Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi” là một câu thơ hay!
     Nhưng buồn hơn nữa, giữa cảnh chiều tà người nước vơi đầy ấy thì tiếng mõ chùa lại vang lên? Từ chiếc lá vàng rơi thay vào chỗ ngồi của người yêu đến tiếng mõ chùa, như một bản sám hối cuộc đời. Tạo cho bài thơ Một Góc Hồ Tây từ một bản tình xô- nát mơ mộng pha thêm chút thê lương. Đáng lý ra tiếng nói bên nhà thơ phải là tiếng nói ngọt ngào, âu yếm của người con gái, thì giờ đây chỉ còn vẳng lên tiếng cầu nguyện của chùa chiền:
                    Chiều lễnh loãng bóng đa gù bên phố
                    Mõ chùa buông theo tiếng nói của tình yêu!
                    Trong sân gạch sư già quét lá
                    Bước người đi thầm lặng cõi hư hao.
       Cái cây đa bên phố cũng trở nên "gù", thật đầy bóng phật đền. Phố xá trong thời buổi kinh tế thị trường mà cảnh cứ như chiều thôn quê. Lòng nhà thơ đã bay vào chốn cửa thiền. Rồi lại hiện ra bóng của nhà sư già đang quét lá sân chùa. Thì giữa hai cảnh đời: một bên là anh thi sĩ cô đơn, với một người đã trốn tránh nơi trần tục để đi tu - Hai mà như một. Cảnh tình thật hư hao, có mà cũng hoá không, đến hàn huyên nơi cửa phật nhưng lòng vẫn nuối nả tình trai gái.   
                    Trong tiếng lá bay chầm chậm bóng ta theo...
      Lòng anh mênh mang u hoài như những chiếc lá đang bay. Mặt sau của tình thơ chứa cả một khát vọng tình yêu!
     Những hình ảnh cảnh chiều lễnh loãng, bóng đa gù bên phố, mặt trời cũng giống như vầng trăng sáng nhạt và bóng người hư hao...  tạo cho bài thơ tựa như một bức tranh thủy mạc. Tình mà đời, tất cả đều quyện trong một buổi chiều hoàng ở bên hồ, buồn tẻ, chênh vênh, bởi cõi lòng nhà thơ đang cô đơn vì thiếu vắng bóng em yêu!

nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 23:19:13
 
        CÔ QUÉT LÁ ĐÊM HỒ
 
Một đêm hồ nước đầy sương gió
Người đi không rõ mặt người
Liễu ru nhè nhẹ quanh bờ vắng
Em thầm thì quét lá, bên tôi!

 
Em quét lá lẫn đời lẫn kiếp
Tiếng chổi mòn kêu xiết vào tim!
Em hóa thành thơ rơi lặng lẽ
Trong cõi lòng tôi buồn triền miên.

 
Trăng như đứa không nhà trôi lạc lõng
Con nai vàng chết bóng thu xưa…
Tôi đứng trông em mịt mờ ảnh vọng
Cô quét lá đêm hồ khe khẽ vào khuya.

                                     Phạm Ngọc Thái
                           

                   Lời bình HOÀNG NGỌC:
        Vào một đêm trời đầy sương gió, tác giả đã gặp cô quét lá bên hồ nước, chính là người quét rác trong phố khuya. Đó là những con người lao khổ, cuộc sống cũng giống như những chiếc chổi tre ngày tháng quét lê trên đường để mòn vẹt dần đi:
                     Em quét lá lẫn đời lẫn kiếp
                     Tiếng chổi mòn kêu xiết vào tim!
       Cái tiếng chổi đời, chổi kiếp ấy kêu xiết vào trái tim người thi sĩ, để những giọt thơ từ trong anh rơi ra. Thông qua bức chân dung Cô Quét Lá Đêm Hồ, nhà thơ muốn phản ánh cuộc sống cùng nhân ảnh của những con người lao động trong cõi dân gian. Giữa khối lòng buồn tình buồn của nhà thơ, nhưng lại ở trong cõi mộng. Nó mơ mộng đến mức hình ảnh cô quét lá trên đường hóa thành như tiên nữ từ trong tranh bước ra, lặng lẽ đi vào bến bờ thi:
                    Em hóa thành thơ rơi lặng lẽ
                    Trong cõi lòng tôi buồn triền miên

      Tấm hình của bức chân dung trở thành siêu thực. Siêu thực theo đúng nghĩa của nó: thực mà đã siêu trần. Cảm giác vừa xa xót, vừa mộng mơ hòa quyện trong tâm hồn tác giả như ở đoạn thơ hai ta vừa phân tích, tạo thành nhân cốt của bài thơ. Nhưng đây là "nhân cốt đời"!
    Sở dĩ tôi nói “nhân cốt đời“ bởi vì: nếu ta phân tích tới hai câu đầu của đoạn thơ thứ ba, sẽ lại gặp một nhân cốt  khác nữa, nhưng nó đã là những hình ảnh mang tính tượng trưng ra khỏi bến trần ai thường tình:              

                     Trăng như đứa không nhà trôi lạc lõng
                     Con nai vàng chết bóng thu xưa..      

    Nhà thơ tâm sự: nhìn sâu vào trong đêm đó, giữa anh và cô quét lá đêm hồ ấy như có hai khoảng đời cách biệt. Một đằng anh thi sĩ mộng mơ, còn em lại đang quét lá rơi. Nói một cách khác, em đang lao động kiếm sống vì miếng cơm manh áo, còn tâm trí nào mà cảm đồng với những xúc cảm lãng mạn của nhà thơ? Chung quanh tiếng lá cây reo nghe bình thản một cách rờn rợn, lạnh lùng. Bóng trăng trên đầu cũng trở nên nhợt nhạt, côi cút trong cả khoảng không gian vô tận, vô bờ. Cô quét lá có cô đơn không, nhà thơ không biết? Cô cứ thầm thì lặng lẽ quét, chẳng hề để ý đến sự có mặt của anh lúc đó. Nhà thơ thấy chính lòng mình cô đơn! Câu thơ:
                    Trăng như đứa không nhà trôi lạc lõng 
      Đã ra đời như thế. Bóng trăng trên đầu đã được hóa thân để kết hợp với câu thơ dưới:
                    Con nai vàng chết bóng thu xưa...
     Tạo nên những hình ảnh đồng điệu. Nhưng nguyên nhân vì sao lại có cảnh con nai vàng bị chết giữa bóng của rừng thu? Từ nỗi đời mà ra. Hình ảnh cô quét lá cứ quét ngày, quét tháng cũng như chiếc chổi tre năm tháng  mòn vẹt dần, còn con người thì lại... "không nhân ảnh". Vậy những kẻ bần khổ ấy làm gì có tâm hồn mà mộng với sầu như cố thi nhân Lưu Trọng Lư, để mơ đến cảnh bóng con nai vàng của Tiếng Thu kia? Thế là từ cảnh ngang trái của đời nảy ra ý ngược thơ: con nai vàng phải chết!

     Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô... trong thơ cố thi nhân, nó bọc chứa cả thế giới huyền ảo như cổ tích nằm bên trong tình thơ. Còn hình ảnh "con nai vàng chết" của bài thơ Cô Quét Lá Đêm Hồ này, ý nghĩa xã hội lại nằm bên ngoài tình thơ, để phản ảnh tới sự mất mát cả giá trị đời sống cũng như tinh thần của người lao động. Đây là hai câu thơ hay nhất bài, nâng tầm vóc của bài thơ cao lên!
    Tôi xin quay trở lại bình đoạn thơ mở đầu:
                     Một đêm hồ nước đầy sương gió
                     Người đi không rõ mặt người
     Miêu tả cảnh trời sương gió
(nghĩa đen), để phản ảnh cảnh lầm lụi gió sương của những con người lao động đang lặn lội ở đó (nghĩa bóng). Hình ảnh hồ nước biểu tượng về nước non xứ sở, mảnh đất mà mồ hôi họ đã tắm vào trong đó. Thế mà họ lại:

                     Người đi không rõ mặt người…
     Đấy chính là nhân ảnh của dân gian, chẳng khác nào những kiếp phù du? Nghĩa là bài thơ không dừng lại ở thân phận cô quét lá. Nhà thơ đã chạnh lòng nghĩ đến những kiếp đời của chốn nhân quần, cái lớp người thời nào mà chẳng phải chịu những sự bất công? Sống vật vã suốt đời chỉ để lo miếng cơm, manh áo cũng không xong. Đến cuối bài thơ hình tượng nhân ảnh mờ mịt này còn được tác giả nhắc lại một lần nữa:
                     Tôi đứng trông em mịt mờ ảnh vọng
     Suốt dọc bài thơ từ không gian gió sương hay cuộc sống con người, cái chổi tre, vầng trăng, đến cả bóng con nai vàng... đều là những hình ảnh mang theo hàm ý biểu tượng. Ta hãy nghe tác giả tả về cảnh liễu hồ:
                     Liễu ru nhè nhẹ quanh bờ vắng
                     Em thầm thì quét lá, bên tôi!
     Cái tiếng liễu đìu hiu ru quanh hồ vắng bên những bước đi âm thầm của cô quét lá: cảnh ấy, đời ấy... như Nguyễn Du đã viết:

                     Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
      Đã được hòa tấu bằng một giọng thơ trầm lắng và hơi hiu hắt. Có lẽ chỉ những rặng liễu kia đã cùng thức để cảm đồng với nhà thơ mà lặng lẽ ru cuộc đời cô quét lá? Đưa ta vào khoảng không gian thật mơ hồ, nửa thực, nửa không. Nhà thơ xót với nỗi đau đời mà hóa buồn chăng? Chính trong tâm trạng ấy, cô quét lá đêm hồ thành thơ rơi vào cõi lòng anh.
     Ở ngoài kia, xa kia, cô quét lá vẫn đang lặng lẽ quét, lặng lẽ đi, khuất dần vào trong màn sương tối. Khoảng không gian giờ đây chỉ còn nghe thấy những vần thơ của thi nhân vẫn vọng lên ở đó, với một bóng trăng ngàn thu cô đơn soi mãi trên đầu đi vào cõi muôn năm...

 
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 23:22:59
 
             LÀM MA EM VỢ               
                       Kính viếng hương hồn cụ Nguyễn Du

Em kết liễu! Tự giải thoát mình khỏi " kiếp"
Chết thật hèn, nhưng sống thế càng ôi...
Anh thắp cho em một nén nhang đời
Và lễ tạ: Nam-mô-di-phật!

Người sống đưa chân người chết đây
Đầu bạc làm ma mái xanh này
Mẹ, cha... queo quắt còn ham thọ
Em nhởn thanh xuân lại vội quay.

Em ơi: chữ “kiếp” trước chữ “người”!
Sống cần cố gắng. Chết rồi thôi
Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ... (*)
Anh ở vì chưng trả nợ đời.
                           Phạm Ngọc Thái
                       

(*) Nàng Kiều trẫm mình trên dòng sông Tiền Đường muốn quyên sinh nhưng lại được Giác Duyên vớt cứu. Theo thuyết bản mệnh ở Phật giáo trong tác phẩm Kiều của Nguyễn Du: Nàng chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời!


                 Lời bình ĐÀO VIẾT MINH:
     "Làm ma em vợ" là một bài thơ khóc. Đứng trước bao cảnh đời khốn khổ trên bờ bến nhân gian, với tâm khảm xót xa một người em vợ, nhà thơ đã viết ra bài khóc tang này:
                        Em kết liễu! Tự giải thoát mình khỏi "kiếp"
                        Chết thật hèn, nhưng sống thế càng ôi...

        Hai câu mở đầu cách thức cảm xúc của tác giả, giọng điệu tựa như những lời khóc van khi đưa đám trong dân gian. Ta xem trong câu hai, nửa vế đầu viết: " Chết thật hèn", nửa vế sau lại nói:"... nhưng sống thế càng ôi" - Như thế là ngay trong một câu thơ đã đưa ra hai nhận định về cả lẽ sống và cái chết của người em vợ. Chết như nó thì dở, thì hèn. Còn sống mà sống kém, sống tệ như vậy cũng…? - Bởi đây là bài thơ khóc trước vong linh em, có thể trách nó về sự chết uổng, chết phí... thì còn được, nhưng nếu đem cả cách sống tệ ra trách móc trước mồ mả em, e sẽ trở thành bất nhẫn?
      Tôi xin trích những lời của Hoài Thanh khi nói về cái chết của Hàn Mặc Tử trong Thi Nhân Việt Nam, ông đã viết: " Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ chết rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn".
      Trở lại với bài Làm Ma Em Vợ  -  Thế là lòng nhà thơ mâu thuẫn. Muốn viết một bài thơ khóc tang sâu sắc thì phải nói đến cả nghĩa sống và cái chết. Huống hồ tính nhân bản trong thi ca, nó đòi hỏi phải đặt ra một giác độ nhìn nhận trách nhiệm của một con người trước xã hội cũng như cộng đồng, mà ở đoạn cuối tác giả có nói:
                        Sống cần cố gắng. Chết rồi thôi...
       Bởi vậy để đỡ cho hai câu thơ khóc rất thật đầu tiên ấy, nghĩa tử là nghĩa tận, lệ của nhà thơ đã nhỏ xuống, anh xót xa thắp nén hương lòng khấn cầu cho vong hồn em  sớm được siêu thoát:
                        Anh thắp cho em một nén nhang đời
                        Và lễ tạ: Nam-mô-di...phật!

       Trách là trách những người thân đang sống quanh không cứu vớt được nó? Trách thực tế cộng đồng không đủ sự nhân ái cần thiết đưa nó ra khỏi bờ vực thẳm? Nhưng thôi, dù sao thì em cũng đã chết rồi! Hãy để cho vong hồn em được an ủi, yên nghỉ nơi suối vàng. Nhưng ý tưởng bao trùm tình thi đã được tác giả khai phá ngay từ câu thơ đầu. Tôi quay lại để bình xét về câu thứ nhất ấy:
                      Em kết liễu! Tự giải thoát mình khỏi "kiếp"
      Ba chữ "tự giải thoát" là tiếng kêu trong trời đất và xã hội, từ dưới đáy hạ tầng của lớp chúng sinh. Cuộc đời đến mức phải tự kết liễu để giải thoát mình ra khỏi "kiếp sống", thật là bi thương! Nhìn theo quan điểm nhân đạo, suy cho cùng nó cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương của xã hội mà thôi. Tiếng kêu chúng sinh đó đòi hỏi, thậm chí chất vấn...cả thượng tầng kiến trúc kia?
      Đến câu thơ thứ chín, ta thấy nhà thơ còn nhắc lại chữ "kiếp" ấy một lần nữa:
                          Em ơi: Chữ “kiếp” trước chữ “người”!

     Huống hồ cảnh đời còn bao thương tâm, oan nghiệt, phi lý, bất công vẫn đè nặng lên lớp nhân quần lương thiện. Chữ "kiếp" đã được vọt trào ra chính vì nỗi đau đời đó! Tôi bình sang đoạn thơ hai:
                         Người sống đưa chân người chết đây
                         Đầu bạc làm ma mái xanh này
      Cái lời tiễn người đã chết ở đây nó ngược cảnh: đầu bạc lại làm ma mái đầu xanh, nghe rền rĩ như tiếng kèn đám ma. Đó là sự bi ai của cuộc sống.
Trong dân gian lắm khi cảnh gia đình lục đục, cha mẹ già hay ông bà tính khí trái nắng giở giời...thường rít lên rỉa rói con cháu: Đến con giun, con dế nó còn muốn sống nữa là con người? Tâm lý cảnh đời thường ấy đã được tác giả vận vào hai câu sau của đoạn thơ hai, để nói lên nỗi xót xa đối với người em:

                        Mẹ, cha...queo quắt còn ham thọ
                        Em nhởn thanh xuân lại vội quay.
       Quay là quay lơ, lăn ra chết... đi liền với "nhởn thanh xuân" (nhởn nhơ tuổi thanh xuân): nghĩa thơ có ý trào lộng. Ngôn ngữ, nhịp điệu hợp với sự cúng điếu của cảnh khóc tang. Lời than ấy giống như những người đi theo xe tang khóc viếng, đưa linh hồn kẻ chết về nơi chín suối. Nghĩa là, một cái chết tội tình đáng thương thay! Mẹ, cha đã phải chịu đựng bao nhiêu khốn khổ, tủi nhục, đắng cay mà vẫn sống đó? Em còn trẻ, dù có cảnh đời thế nào đi nữa, cũng việc gì phải phẫn chí tìm cách quyên sinh!
      Bài thơ tuy cũng dựa trên một nỗi đời cụ thể, nhưng nó có cấu trúc của một bài thơ tượng trưng, nhuốm đầm sắc thái theo quan điểm của nỗi kiếp đoạn trường,  nơi bể khổ dân tình của cụ Nguyễn Du.  Cho nên tác giả đã kết:
                        Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...
                        Anh ở vì chưng trả nợ đời.
      Để cho rõ ý nghĩa hàm súc của hai câu cuối đó, xin liên hệ đôi nét về thân phận nàng Kiều: trải qua bao khổ ải, nhục nhã ê chề phải trẫm mình xuống dòng sông Tiền Đường để chết, nhưng lại được Giác Duyên vớt cứu - Nàng chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời! Như thế món nợ Kiếp của Kiều, dù đã phải trải qua hai lần thanh lâu, mấy lần muốn tự vẫn không thành:
                        Làm cho sống đoạ thác đầy
                        Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!

                                                                  ( Kiều )
      Còn cái việc nàng đã được cụ Nguyễn Du cho tái hợp lại với chàng Kim Trọng để cuộc đời bi thảm của Kiều có phần kết hậu, âu đó cũng chỉ là món nợ đời cuối cùng mà nàng phải trả nốt đó thôi: món nợ tình! Bởi 15 năm khổ ải định chết, chết không xong. Tới khi được Giác Duyên cứu sống lại rồi, Kiều chỉ muốn đem tấm thân đã "dơ" của mình:
                        Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru?
      Để mà yên thân nơi cửa chùa:
                        Đã đem mình bỏ am mây...
                        Mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
      Thế mà phận cũng có được yên đâu? Khi Kiều từ chối duyên tái hợp với chàng Kim kia, từng thốt ra than:
                        Nói chi kết tóc xe tơ
                        Đã buồn cả ruột mà nhơ cả đời...
      Thế mà Vương Ông vẫn còn trì triết , mắng con gái rằng:
                        Tình kia, hiếu nọ ai đền cho đây?
      Vì "hiếu" đã phải bán cả tấm thân trong trắng, ngà ngọc của mình để chuộc cha. Với "tình" lòng vẫn thuỷ chung son sắt, cũng đành phải dứt duyên nhờ em là Thuý Vân thay mình!... Hiếu, tình sâu nặng đến thế, mà vẫn chưa đủ trả? Cuối cùng Kiều vẫn cứ phải đem cái tấm thân mình, như nàng đã nói:
                        Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa...
      Để mà đền nốt cho chàng Kim. "Món nợ kiếp người" tưởng cũng chỉ khổ đến thế là cùng.

     Trở lại với bài Làm Ma Em Vợ, câu thứ ba của đoạn thơ này:
                         Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...
     Cái nạn kiếp người nơi hạ tầng của chúng sinh thời nào mà chẳng khổ? Trải qua những thăng trầm bể ải trong nhân tình thế sự, chiêm nghiệm trong thẳm sâu tâm linh cuộc đời mình, thấm đẫm về chữ "kiếp" luân hồi ấy để nỗi xót thương từ trong lòng tác giả trào ra: Em chết, là coi như đã trả hết nợ đời đó em!

     Vì muốn nó cũng có sống lại được nữa đâu? đồng thời đó cũng là lời an ủi, xoa bớt nỗi đau cho vong hồn người em nơi chín suối. Mặt sau của bản thơ là tiếng kêu cứu xã hội, tiếng khóc nấc bật ra từ trong khối cộng đồng của thời đại hiện đại này!
   Ta trở lại với câu thơ đầu tiên:
                        Em kết liễu! Tự giải thoát mình khỏi "kiếp"
    Lời khóc tang của bài Làm Ma Em Vợ này là tiếng khóc bật ra từ trong nỗi kiếp nhân gian:
                        Anh ở vì chưng trả nợ đời.
       Anh còn phải sống tiếp, cũng chả sung sướng gì đâu? Bao khổ nạn ê chề, chẳng qua vì đời chưa hết nợ, trả hết nợ rồi anh cũng đi thôi! Bài thơ chỉ như một lời khấn cầu từ bi nơi cửa phật để thắp cho đứa em tội nghiệp, cùng những kẻ đáng thương đã sinh ra ở trên cõi sống trần ai đây một nén nhang đời!

nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 04.10.2014 23:26:23
 
                        CỎ  HOANG
                             Thuở ấy quê người đất khách
                           Trong buổi tha phương mưu tính cuộc đời
                           Tôi đã gặp những người con gái
                           Dẫu yêu kiều, nhưng cũng bèo thôi...

                                  (viết trong đám người xuất khẩu lao động ở nước ngoài )

Cô gái bay đi ngỡ làn mây dại
Trôi lang thang đầu bãi, cuối giời
Em tự do như thể là cát bụi
Có đôi lần giời cũng khóc, mưa rơi!

Loài lạc thú phồn vinh hơn gió
"Cơn hồng hoang" thả cỏ xuân xanh
Em phá bỏ những đức qui kiềm chế
Yêu phanh phui, yêu đến tan tành...

Tôi nghĩ: Thôi thế đã thoả lòng ham hố
Khoả thân mây đùa rỡn cả linh thiêng
Huống hồ buổi thường bán buôn đạo lý
Có dễ gì thân gái, trách chi em!

Hỡi Thiên đường - Địa phủ: Trần gian
Loài người mãi sao tràn lan tội ác?
Ta từng ngợi ca chủ nghĩa nhân văn chân thiện nhất!
Em gái bay đi vẫn thích cởi truồng...

Ôi, cuộc bèo hoang trời đất trầm luân
Và bản chất muôn đời còn muông thú…
Nhà chính trị cùng đứa du côn tranh thủ chơi thánh nữ
Em vũ ba lê trong thế giới hỗn mang gieo hoa, cấy linh hồn...
                                                       Phạm Ngọc Thái
                                 
                Cuối thập kỷ 80, thế kỷ XX

                     Lời bình BẢO NGỌC:
     “Cỏ hoang” vừa để biểu thị chất hoang dã của người con gái vừa muốn nói đến những người xuất khẩu lao động ra nước ngoài, chẳng khác nào những đám cỏ hoang trên đất khách, quê người:
                        Cô gái bay đi ngỡ làn mây dại
                        Trôi lang thang đầu bãi, cuối giời
                        Em tự do như thể là cát bụi
                        Có đôi lần giời cũng khóc, mưa rơi!
      Nghĩa là sự tự do của em như kiểu tự do của cát bụi: xô bồ, hỗn loạn, vô luân. Đây là những hình ảnh thơ siêu thực. Cảnh bay lang thang đầu bãi, cuối giời tựa một làn mây dại, ý của nó để nói về sự nổi trôi của người con gái và những kẻ tha phương cầu thực kia. Xin trở lại với bốn câu thơ mà tác giả lấy làm tựa đề cho bài:
                       Thuở ấy quê người đất khách
                       Trong buổi tha phương mưu tính cuộc đời
                       Tôi đã gặp những người con gái
                       Dẫu yêu kiều, nhưng cũng bèo thôi...
      Bài thơ muốn khái quát lên cái hiện thực chẳng khác nào tấn bi kịch của cuộc sống. Hình ảnh trong sáng, ngây thơ của người con gái đã đắm mình trong đám người hoang dã, rồi buông thả theo chiều gió cuốn:
                       "Cơn hồng hoang" thả cỏ xuân xanh
                       Em phá bỏ những đức qui kiềm chế
                       Yêu phanh phui, yêu đến tan tành...
       Trong bối cảnh tha phương thì những cảnh quan hệ tình dục nam nữ hỗn tạp làm cho ta phải sởn gai óc? Đó chính là lớp người ở đáy cùng cuộc sống, mặc dù nhà thơ cũng đã từng biện hộ cho người con gái:
                       Huống hồ buổi thường bán buôn đạo lý
                       Có dễ gì thân gái, trách chi em!
     Sự xuống cấp của xã hội đã xô đẩy người con gái cùng những đám người xuất  khẩu lao động đến thế! Ta hãy đến với đoạn thơ thứ tư:
                          

                       Hỡi Thiên đường - Địa phủ: Trần gian
                       Loài người mãi sao tràn lan tội ác?
                       Ta từng ngợi ca chủ nghĩa nhân văn chân thiện nhất!
                       Em gái bay đi vẫn thích cởi truồng...
      Khi nhà thơ nhìn thế giới mà trong bài gọi là "trần gian": vừa là thiên- đường vừa là địa- phủ, tức là tác giả đã nhìn bằng con mắt của những người lao khổ.  Xã hội vẫn còn bao bất công, tàn ác, đẩy những chúng sinh vào sự khốn cùng. Xin phân tích sâu hơn câu cuối đoạn:
                       Em gái bay đi vẫn thích cởi truồng...
     Thực ra đây là hình ảnh một câu thơ tượng trưng để nói về khát vọng muốn được sống của người con gái? đồng thời nó còn mang cả bản chất muông thú rất “cỏ hoang” của con người theo tính chất thuyết Đác Uyn, cho nên mới dùng câu “…vẫn thích cởi truồng“. Đến hai câu thơ cuối ta thấy thái độ nhà thơ bộc lộ quyết liệt:
                       Nhà chính trị cùng đứa du côn tranh thủ chơi thánh nữ
                       Em vũ ba lê trong thế giới hỗn mang gieo hoa, cấy linh hồn...
    Đây là hai câu thơ hay nhất bài phản ảnh thái độ nhân văn của nhà thơ đã chĩa mũi dùi vào đả phá những kẻ làm chính trị nhưng đạo đức giả, thậm chí loạn luân không khác gì những đứa du côn. Suy cho cùng, cô gái cùng đám người xuất khẩu lao động kia cũng chỉ là nạn nhân xã hội mà thôi. Hình ảnh:
                       Em vũ ba lê trong thế giới hỗn mang gieo hoa, cấy linh hồn...
       Cái vũ điệu ba lê của người con gái "gieo hoa, cấy linh hồn..." ấy, có nghĩa em chính là  hoa thơm, trái ngọt trong tình yêu và cuộc sống con người, dù cộng đồng vẫn đang phải đắm chìm trong đầy rẫy hỗn mang, đầy đoạ lên những kiếp cảnh bụi bờ lớp chúng sinh. Câu thơ huyền ảo như một bức hội hoạ, nhưng tính xã hội cùng thế giới quan lại vô cùng sâu sắc để đưa tình thơ lên đến tột cùng trong ý nghĩa của thi ca!


<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2014 23:28:52 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 05.10.2014 10:57:43
 
              THÔNG VÀ BIỂN
 
  Cuộc sống như đoàn tàu nghiền ta tan nát
Con sông thời gian có mùa thu xanh và bèo cỏ dềnh trôi…
Anh đứng làm cây thông trên đá, sỏi
Vi vu kêu...tình thiếu nữ qua rồi!

Cuộc sống - Tình yêu: trái tim ta vĩnh cửu!
Kéo đoàn tàu chạy ngược phía hư không...
Tháng năm xa em hoá biển vô cùng
Cùng dấu trong lòng một loài hoa tan vỡ!

Biển thì xô. Thông suốt đời quạnh quẽ
Thân xù xì, nắng héo, mưa dông
Gió khát màu trắng tinh da nguyệt
Cái thời vú biển hãy còn non.

Thời con gái em lưu lại an-bom
Đừng buồn nhé! Thành đá chẳng bao giờ già cả
Anh vẫn ngủ giữa hồn trinh nữ
Nhìn tóc mình biết tóc em phai.

Vỗ mãi anh thành cát mất thôi
Tình chỉ mộng, đời cũng là hư ảo
Biển xa xót, dịu dàng và sóng bão
Lời anh ru như gió thổi mây ngàn...                    

                                   Phạm Ngọc Thái
                          
                   Lời bình NGỌC TRÂM:
       Cây thông trên bờ biển là hình tượng người con trai. Biển ở đây, chính người con gái ấy! Thông Và Biển là tiếng hát tâm tình, thủ thỉ của người con trai với người con gái:
                      Cuộc sống như đoàn tàu nghiền ta tan nát
                      Con sông thời gian có mùa thu xanh và bèo cỏ dềnh trôi…
      Vào đầu bài thơ ta đã nghe như có tiếng của đoàn tàu chạy xình xịch, tác giả  mô tả về sự hung dữ của cuộc sống giống như một đoàn tàu nghiền đời ta thành tan nát. Sang câu thơ thứ hai là hình ảnh về "Con sông thời gian...", nhịp thơ được trải ra như mặt sóng chảy tràn xuống nhẹ dần, đỡ lấy sự rền xiết của câu thơ thứ nhất. Hình ảnh "mùa thu xanh" làm biểu tượng cho niềm vui sướng, êm ả, hạnh phúc. Còn cảnh "bèo cỏ dềnh trôi…" để nói đến những vật vã, tạp nhạp, bức bối đời thường. Đó là hai hình tượng tương phản lấy trong thiên nhiên để biểu thị cho những mâu thuẫn của đời sống. Đọc lên lời thơ vẫn êm và nhẹ. Cảnh vật có ánh sáng đang cùng chảy trôi trên con sông thời gian, con sông cuộc đời. Nỗi tình sâu lắng bên trong những hình ảnh, lời thơ.
      Vậy chỉ bằng hai câu thơ mở đầu, tác giả đã khái quát về năm tháng và sự sống. Đây là một bài thơ tình được viết ra từ trong cõi lòng và trái tim đang bị dầy vò bởi sự cô đơn:
                      Anh đứng làm cây thông trên đá, sỏi
                      Vi vu kêu... tình thiếu nữ qua rồi!
      Nhà thơ vọng hát về mối tình xưa. Ta bỏ cách đoạn hai, tôi bình trước đoạn thơ ba:
                      Biển thì xô. Thông suốt đời quạnh quẽ
                      Thân xù xì, nắng héo, mưa dông
      Tình yêu không bao giờ yên lặng, cũng như biển cả cứ gào thét, xô vỗ xung quanh cây thông đứng quạnh quẽ suốt đời. Năm tháng để lại sự mỏi mòn, trống vắng và nuối tiếc trong lòng anh. Chàng chai sạn, xù xì như thân của cây thông, chịu đựng trong "...nắng héo mưa dông":
                      Gió khát màu trắng tinh da nguyệt
                      Cái thời vú biển hãy còn non
      Rõ ràng đây là thời nhớ về thuở em còn trinh nữ, qua hình ảnh của biển cả. Cái làn gió khát khao đang mơn man xung quanh "màu trắng tinh da nguyệt" kia, chẳng phải cũng như ngày nào chàng vẫn từng mơn man xoa trên... đôi "tí" của người yêu? Bởi vì ngay câu sau đó, hình ảnh “vú biển” bỗng nhiên được nhảy vào trong thơ. Nếu như cả bài thơ người con gái được hoá thân thành biển, thì đến đây chất đời tràn vào hình tượng biển để trả lại thân thể cho người con gái ấy! Thuộc lối thơ " thi cảm tượng trưng".
 

      Lại nói về biển mà có...vú, thật siêu hình, lại còn là thời "vú biển hãy còn non"? Như trên đã nói, thời ấy em vẫn còn trinh nữ. Từ biển người trinh nữ đi ra, vú nàng nguyên khôi, non tươi như hoa trái. Như thế, hai câu thơ trong cặp hình ảnh đồng điệu này diễn tả chung về một biểu tượng: đôi vú của người yêu. Thơ trở thành có da, có thịt. Đó là những cảm xúc đã mang sự ham muốn về thân thể của người yêu, tình thơ mãnh liệt hơn.
      Nếu ví như ánh sáng qua một chiếc gương kính hội tụ, thì hình ảnh của hai câu thơ ấy chính là điểm hội tụ, phản quang ánh sáng của cả bài. Tình thơ trở nên xao xuyến, có hồn và có xác. Làm cho mối tình trong Thông Và Biển thêm sống động. Tôi xin quay trở lại để bình vào đoạn thơ hai:
                      Cuộc sống - Tình yêu: trái tim ta vĩnh cửu!
                      Kéo đoàn tàu chạy ngược phía hư không...
                      Tháng năm xa em hoá biển vô cùng
                      Cùng dấu trong lòng một loài hoa tan vỡ!
       Loài hoa tan vỡ ấy chính là "hoa trái tim"! Ngàn năm thông đứng reo với tiếng sóng biển gào bằng trái tim của cả đôi trai gái, chẳng phải để tạc tình yêu ấy vào trong  đất trời đó sao? cho nên:
                      Cuộc sống - Tình yêu: trái tim ta vĩnh cửu!
       Và hình ảnh đoàn tàu ở câu thơ mở đầu giờ quay trở lại trong đoạn thơ này. Cái đoàn tàu cuộc sống đó cứ nghiến rít mãi trên đường ray cuộc đời mà họ đang đi về phía hư không. Tháng năm chỉ còn nghe tiếng sóng biển vỗ vô cùng... và trái tim đôi trai gái thành tan nát.
       Đến đoạn thơ thứ tư, hình ảnh người con gái đã tạc vào năm tháng mà hoá đá:
                      Thời con gái em lưu lại an - bom
                      Đừng buồn nhé! Thành đá chẳng bao giờ già cả...
       Năm tháng trôi qua họ không còn trẻ, nhưng tình yêu vẫn đó như đôi trống mái giữa biển khơi, em mãi mãi trắng trong với mối tình trinh nữ giữa hồn anh:
                      Anh vẫn ngủ giữa hồn trinh nữ
                      Nhìn tóc mình biết tóc em phai 
        Cây thông tháng năm trên bờ đầy sỏi đá cuộc đời, để nghe sóng biển gào thét quanh mình: cô đơn, khát vọng và xót xa!  Đến cuối bài tình thơ trở về với làn điệu ru lòng biển xanh:
                      Vỗ mãi anh thành cát mất thôi
                      Tình chỉ mộng đời cũng là hư ảo
                      Biển xa xót, dịu dàng và sóng bão
                      Lời anh ru như gió thổi mây ngàn...
       Không có tình yêu cuộc đời thật mà ra ảo và năm tháng hoá hư vô. Bên bờ sóng vỗ khi thì xa xót như lòng biển, khi dịu dàng như người yêu, nhưng có lúc biển lại gào thét đầy sóng bão. Đây là đoạn thơ kết có sức rung động đưa trái tim ta vào hoan lạc trong một bờ bến vô vi. Dẫu vậy, thông vẫn cứ đứng reo bên biển, gió núi, mưa ngàn để hát mãi về tình em. Nó hát rằng: Trong sự tồn tại của đất trời, vũ trụ cùng thế giới con người: tình yêu gái trai là bất tử!

<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2014 10:59:21 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 05.10.2014 11:04:36
 
                  SÁNG THU VÀNG
                              Gặp lại em một sáng thu vàng
                              Nơi em đứng nắng tràn ngoài phố
                              Với trời xanh, hồ xanh gió
                              Gió đưa làn tóc em bay...                       

              (Kỉ niệm Đ. Gặp lại em sáng đó bên hồ gió, anh
               đã viết để cho đời bài thơ mùa thu diễm lệ này)

Sáng thu này trĩu cả hàng cây
Đô thành dịu mát
Ông lão ngồi bên gốc cây

                  bán những cây sáo trúc thổi vói lên trời
Bà xúc tép váy khều khào nước…
Một thời xa lắc
Em nghiêng chao về một thời xa.

Người con gái đã thành chính quả!
(phảng phất trên đầu đôi nét phôi pha)
Đôi mắt em bóng trúc bay xoà...
Đường phúc hậu vầng trăng đầy nở...
Nghe không gian đổ vỡ cả mùa thu!

Sáng thu vàng mông mênh mênh mông
Anh đứng trông em bên bờ sóng vỗ
Hồn đã mất trong rừng hoang thiếu nữ
Và trái tim cũng không còn.

Sáng thu vàng xang xênh xênh xang
Những con đường xưa tắm hơi em
Môi em cười...hoa lá nát đau thêm
Thời gian trôi cuộc sống buồn tênh.

Một mùa thu lá lá
Nơi ấy giờ chỉ còn có cỏ
Bướm vàng hoa cũ vẫn bay ngang
Người đàn bà em nuốt mùa thu tan...

                                            Phạm Ngọc Thái
                         
                Lời bình TUYẾT THUÝ:
       Sáng Thu Vàng được sáng tác tựa một thiên tình ca, trong khoảng không gian thiên nhiên dựng bên câu chuyện tình như truyền thuyết. Đó là một buổi sáng đô thành dịu mát, có:
                    Ông lão ngồi bên gốc cây
bán những cây sáo trúc thổi vói lên trời

      Chữ "vói" nghe như những tiếng sáo trúc réo rắt vút lên trong mùa thu. Ở bên hồ, bà xúc tép thì "váy khều khào nước...". Đô Thành hôm nay đang ngày càng trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại, thương mại hoá và thị trường kinh tế hoá. Sáng Thu Vàng gợi cho ta nhớ về một Hà Nội trong ký ức xa xưa. Sang đoạn thơ hai thì câu chuyện tình mùa thu thực sự được bắt đầu, nhưng ngay ở cuối đoạn thứ nhất tác giả đã hạ hai câu:
                    Một thời xa lắc
                    Em nghiêng chao về một thời xa
       Cả một mùa thu nghiêng chao theo người con gái để nhắc lại một thời đôi trai gái đã từng hạnh phúc yêu nhau. Chân dung của người con gái được hiện lên:
                    Người con gái đã thành chính quả! 
      Có nghĩa, giờ đây nàng đã thành một người đàn bà trẻ. Như qui luật sinh nở của tạo hoá, thiếu nữ năm xưa đã khai hoa, kết trái. Hai chữ "chính quả" nghe như có cả tiếng kinh nguyện của chùa chiền, báo về sự đắc đạo của nàng. Một sự chuyển hoá từ tiết trinh sang tiết hạnh. Có lẽ lúc này khi gặp lại người tình xưa ấy, lòng nhà thơ đã vấn an vào chốn cửa thiền nên ngôn ngữ thi ca mới chứa chất tính phật đài như thế. Cả đến câu sau khi anh miêu tả:
                    Phảng phất trên đầu đôi nét phôi pha
     Năm tháng trong tạo hoá tất thảy đều không tránh khỏi qui luật rêu phong. Nói đến khối tình trần tục mà thơ đượm màu sắc phật. Ta hãy nghe tác giả tả về nàng:
                    Đôi mắt em bóng trúc bay xoà...
      Đây là đôi mắt đẹp của mùa thu thăm thẳm, mơ màng. Bóng trúc phủ trong đôi mắt, thơ trìu tượng. Hai chữ "bay xoà" mang màu sắc ảo rợp lên, hình tượng thơ từ trong cảm rung đã thần xuất mà thành. Còn:
                    Đường phúc hậu vầng trăng đầy nở...
      Để nói lên cả tấm thân, làn da, vóc dáng đến tâm hồn nàng toát ra đẹp một cách dịu dàng, mộng mơ và cám dỗ như trăng... chứ không phải chỉ riêng khuôn mặt. Rồi tác giả hạ một câu kết đoạn:
                    Nghe không gian đổ vỡ cả mùa thu!
      Ta nghe như có tiếng mùa thu rơi, đổ sập từ trên trời cao xuống. Tức là trái tim và tâm hồn chàng đang tan vỡ! Có thể coi đoạn thơ thứ hai này là nhân trung, thần cốt, điểm hội tụ chói sáng nhất của tình thơ. Nó chứa đầy bích ngọc bên trong đưa Sáng Thu Vàng đậu lên tầm vóc của một bài thơ mùa thu đặc sắc.

     Những đoạn ba-bốn-năm sau đó phát triển cùng với những kỉ niệm xưa trong nỗi lòng nhà thơ tan nát. Cuộc sống trống vắng, mùa thu vàng thì xa xót bay rợp bóng xuống ngổn ngang:
                    Hồn đã mất trong rừng hoang thiếu nữ
                    Và trái tim cũng không còn.
     Tình yêu thiếu nữ như một cánh rừng hoang ư? Hay là, thiếu nữ đi rồi để lại trong anh cả một cánh rừng hoang? Trái tim chàng tan vỡ đã đành, đằng này lại... không còn tim?... Nghĩa là trái tim cũng đã rời bỏ nhà thơ để đi theo người con gái mất rồi! Hay là ở đoạn thơ thứ tư:
                    Môi em cười...hoa lá nát đau thêm
                    Thời gian trôi cuộc sống buồn tênh.              
      Hoa lá đến mức độ phải héo hắt, nát đau trước đôi môi người đàn bà trẻ, thì không biết đôi môi em mĩ miều, chan chứa đến mức nào? Mỗi đoạn thơ đều được níu giữ bằng những câu thơ sâu sắc ấy, bởi vậy tuy các tứ thơ được viết ra tự do, phóng túng mà cảm xúc vẫn đằm đìa, cô đọng ở trong thơ. Chỗ này, chỗ khác trong suốt tình thơ, những khung cảnh thiên nhiên được phục hiện bao quanh đôi tình nhân năm xưa. Nào là quang cảnh gặp nhau:
                    Gặp lại em một sáng thu vàng
                    Nơi em đứng nắng tràn ngoài phố
      Tiếp đến tác giả miêu tả về mùa thu đó:
                    Sáng thu này trĩu cả hàng cây
      "…trĩu cả hàng cây" tức là, một mùa thu đang trĩu xuống và chín mọng. Đến đoạn ba thì tình thơ trào lên dào dạt:
                    Anh đứng trông em bên bờ sóng vỗ 
      Tựa như đang ở bên một bờ biển xanh, đầy sóng. Rồi cảnh gợi lại những con đường mà đôi trai gái dẫn nhau đi ngày xưa:
                    Những con đường xưa tắm hơi em 
      Và:
                    Nơi ấy giờ chỉ còn có cỏ
                    Bướm vàng hoa cũ vẫn bay ngang 
      Quang cảnh ở hai câu thơ này thuộc cảnh thơ trìu tượng, cảnh có mà không có, nó chỉ được gợi lên trong tâm thức mà thôi.

     Về phương pháp nghệ thuật Sáng Thu Vàng  được xây dựng theo nhịp điệu như một cánh võng mùa thu, làn điệu thơ chuyển dần. Đầu tiên thì còn đưa nhẹ:
                    Với trời xanh, hồ xanh gió
                    Gió đưa làn tóc em bay...
      Hình ảnh người con gái tóc xoà bay trong gió, giọng thơ ru uyển chuyển. Sang đến đoạn ba và bốn thì cánh võng đã được đẩy lên bay bổng:
                    …Sáng thu vàng mông mênh mênh mông 
                    …Sáng thu vàng xang xênh xênh xang 
      Một cánh võng mùa thu để chứa trong lòng nó mọi điều về mối tình đôi nam nữ. Đến đoạn cuối hình ảnh thơ xoà ra, thả xuống một mùa thu đầy lá:
                    Một mùa thu lá lá
                    Nơi ấy giờ chỉ còn có cỏ
                    Bướm vàng hoa cũ vẫn bay ngang
      Nghĩa là nơi gặp gỡ em ngày xưa giờ đây quạnh vắng, cỏ dại mọc đầy lên. Như trên đã phân tích, ảnh bướm vàng và hoa cũ ấy… như thực mà phi thực. Đó chỉ là ảnh nuối tiếc của ký ức, để rồi tác giả kết bài:
                    Người đàn bà em nuốt mùa thu tan...
      Chẳng ai nuốt được mùa thu cả. Chữ “nuốt” đầy sắc thơ siêu thực. Em đi để cả mùa thu trống vắng còn ở lại, hay đã mang theo mùa thu đi mất rồi? Ai có thể trả lời? không ai cả... vì chính tác giả cũng không thể trả lời!

     Sáng Thu Vàng phảng phất phong dáng của trường ca, các hoạ tiết thơ được phát triển xum xuê, tạo nên cả một khoảng trời mùa thu toả bóng xuống thi ca.
 
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 05.10.2014 11:10:17
 
            CHIỀU HOÀNG HÔN  
                               Hồn mây gió lang thang
                               Mà đầm đìa mưa bão
                               Đời - tư lợi không tham
                               Chán trò danh bốc hão.

Chưa đi đến tuổi già
Mà yêu hoàng hôn đỏ
Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...

Soi mặt nước xanh veo
Trầm tư và lặng lẽ
Đàn muỗi phố đã kêu
Quanh bàn nơi quán nhỏ
Chiều đang buông dần chiều.

Sợi tóc mình ngơ ngác
Có nên bạc hay không?
Tuổi trẻ sợ già nhanh
Giờ điềm nhiên đến lạ
Cái màu hoàng hôn đỏ
Cháy như là khai sinh!

Ôi, hoàng hôn hoàng hôn
Trái tim là bất diệt!
Ngày mai anh có chết
Cũng nhẹ như lá vàng.

Mang suối tóc của em
Đi rồi yêu vĩnh viễn
Anh sẽ hoá rừng thông
Ngàn năm reo cát, sóng...

                          Phạm Ngọc Thái
                   
                  Lời bình KIỀU TUẤN:
       Vào một chiều trước khi trời tối, bóng hoàng hôn chiếu hắt trên nền trời qua làn mây xa đỏ rực. Nhà thơ đang ngồi trong một cái quán nhỏ bên phố, ngẫu cảnh  tình mà viết ra:
                    Chưa đi đến tuổi già
                    Mà yêu hoàng hôn đỏ
                    Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...
     Con người sớm yêu bóng chiều hoàng hơi cô liêu này, hẳn cõi lòng cũng đã đi vào độ sâu lắng của cuộc đời. Nhưng đây là cảm quan trước cái mầu đỏ cháy rung rinh như sắp muốn nổ tung trong trời đất hoà cùng tâm trạng bồi hồi, suy tư của nhà thơ mà cảm xúc:
                    Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao... 
      Bắt đầu vào thơ nó đã tiên báo về sự bùng nổ của nội tâm tác giả. Sang đoạn hai có một cái gì đó hình như hơi đìu hiu, quạnh quẽ đã hắt lên trong hồn anh:
                    Soi mặt nước xanh veo
                    Trầm tư và lặng lẽ
     Rõ ràng sự trầm tư lặng lẽ này đã không hề còn trầm lặng. Xung quanh thì:
                    Đàn muỗi phố đã kêu
                    Quanh bàn nơi quán nhỏ
                    Chiều đang buông dần chiều
      Những con muỗi kêu vo ve ở ngoài đời khi nó đốt ta đến khó chịu, nhưng được đưa vào trong thơ lại trở thành hình ảnh rất thi vị - Tạo cho Chiều Hoàng Hôn nằm trên một bức phông cảnh đời rất thực, đời sống ấy đang thường nhật. Những nét thơ phố này cũng làm cho tình thơ thêm sống động. Đến đoạn ba thì nỗi lòng sâu kín nhất trong tác giả như mạch suối ngầm được bắn oà ra:
                    Sợi tóc mình ngơ ngác
                    Có nên bạc hay không? 
     Nhân cách hoá mái tóc nhà thơ là câu thơ hay, nó ấp ủ tâm tư thầm kín của tác giả chạnh nuối về tình cảm yêu đương gái trai thời tuổi trẻ. Khi nhà thơ tự hỏi: Có nên bạc hay không?/-  Có nghĩa là chính đầu anh đã chớm bạc mất rồi! Phải chăng cũng như Xuân Diệu đã viết:
                    Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
                    Em, em ơi... tình non sắp già rồi!
      Nhưng không, bên một chút buồn vừa thoáng qua lòng tác giả, cái tình cảm luyến ái một thời ấy giờ theo mái tóc đã điểm gió sương cứ dần dần rời xa anh -  Ta lại thấy một mảng đời khác đang xô đến, vụt phá trong tâm hồn. Đó chính là cái nửa cuộc đời chiều đang khai hoa, kết trái và đầy niềm tin yêu đẹp đẽ qua hình ảnh những câu thơ:
                    Cái mầu hoàng hôn đỏ
                    Cháy như là khai sinh! 
      Để lòng nhà thơ bình thản lại, ung dung mà đón nhận tuổi hoa niên của đời mình. Sở dĩ tác giả đã có một triết lý sống an nhiên, thanh thản còn xuất phát từ một nỗi lòng sâu xa khác, mà ngay trong đoạn thơ làm tựa đề của bài đã được nói tới:
                    Hồn mây gió lang thang
                    Mà đầm đìa mưa bão
                    Đời - tư lợi không tham
                    Chán trò danh bốc hão.
      Anh trở về với sự yên tĩnh thanh tao để sống cho trọn nghĩa. Nếu có phải từ giã cõi trần ai này thì lòng cũng chỉ nhẹ thoảng như một làn gió bay, hay bóng chiều hoàng dần tắt sau một ngày đã đốt hết mình để nắng. Trái tim anh cũng đã đập trọn vẹn với đời:
                    Ôi, hoàng hôn hoàng hôn
                    Trái tim là bất diệt!
                    Ngày mai anh có chết
                    Cũng nhẹ như lá vàng
      Thực ra hình ảnh câu thơ như chiếc lá vàng rơi... đã mang ý nghĩa của sự vô vi, cát bụi. Song điều đáng nói ở đây, bao trùm lên cả chính trị, triết học là tình yêu và cuộc đời! Chỉ có tình yêu trường cửu mãi không già. Nó đã được vụt lên trong bốn câu thơ kết tạo thành một bức phông cảnh lớn nhất, hoàn bích nhất của bài:
                    Mang suối tóc của em
                    Đi rồi yêu vĩnh viễn
                    Anh sẽ hoá rừng thông
                    Ngàn năm reo cát, sóng...
      Đó chính là bản tuyên ngôn của Chiều Hoàng Hôn, là bài ca tình yêu cuộc sống. Cát và sóng - Phải, trên biển cả mênh mang trường tồn vô định kia, nó xoá đi bao hạnh phúc lẫn khổ đau của con người. Cát cứ xoá, nhưng ngàn năm thì sóng vẫn xô vỗ... thét gào trên biển cả như sự sống mãi mãi còn tồn tại. Đấy là cuộc đời, hiện hữu và hư ảo, sắc sắc không không. Bản tuyên ngôn về tình yêu trai gái bất hủ ấy đã kết lại tình thơ để đi về phía mặt trời, mặt trăng của sự sống vĩnh hằng, bất diệt!

        KT.
 
                Lời bình TRÚC THÔNG:
     Bài thơ được viết một mạch vì đã đi vào trúng mạch, thơ dần dần hiện ra ở khổ thơ thứ ba:
                 ... Tuổi trẻ sợ già nhanh
                 Giờ điềm nhiên đến lạ
    Chính mạch đây rồi! Thơ lập tức vọt ra:
                Cái màu hoàng hôn đỏ
                Cháy như là khai sinh!
    Khai sinh cái gì? Khai sinh một thức ngộ:
                Ngày mai anh có chết
                Cũng nhẹ như lá vàng
     Thật sung sướng, thật hạnh phúc khi tự mình thức ngộ, sở hữu một triết lý sống an nhiên, tự chủ, tự tin đến vậy. Coi chết không là gì, để sống đắm đuối hơn, mở rộng tình yêu, tình người đến vô biên:
                Mang suối tóc của em
                Đi rồi yêu vĩnh viễn
    Chỉ là biểu hiện vừa cụ thể, vừa tượng trưng cho nhân tính phát triển cao chứ không phải chỉ khoanh vào một em nào. Người biết thức ngộ: Trái tim là bất diệt!/ - Như trong bài thơ này không thể chỉ cuồng say đàn bà một cánh ích kỷ theo lối sở hữu và bạo hành!
    Sau khi mạch thơ đã vọt trào tác giả viết tiếp thoải mái và vững vàng hai đoạn nữa. Ý, tình, hình ảnh, âm điệu đều hay. Không quá bốc, vừa sung mãn đúng độ - Để tác giả kết thúc:
               Anh sẽ hoá rừng thông
               Ngàn năm reo cát, sóng...
     Hai đoạn vào đầu, ngẫm đi ngẫm lại cũng vẫn được.  Để gây không khí tịnh tiến như ông thày bắt mạch. Vả, lối thơ cảm khoái theo thể năm chữ cũng phải bắt đầu vào dần dần như thế:
               Soi mặt nước xanh veo
               Trầm tư và lặng lẽ
               Đàn muỗi phố đã kêu
               Quanh bàn nơi quán nhỏ
               Chiều đang buông dần chiều.
     Dĩ nhiên cổ thể nhưng ý tình hiện đại. Cảm xúc hiện đại đã làm Phạm Ngọc Thái quên phắt mình đang tuân theo lối thơ năm chữ, buột phá:
               Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...

                               (câu này 7 chữ)
    Sự "nổi dậy" của cảm xúc thơ thời đại mới nhắc nhở rằng: Trong khi tận dụng hết cái cổ điển của thể loại truyền thống, chúng ta có quyền cơi nới, biến động. Nhưng phải tự do trong qui luật của nghệ thuật, nghĩa là mức độ, tiết chế, hài hoà.
         TT.
Nhà thơ HNVVN
-----------
 *   Bài đã được in trong Tuyển bình luận thi ca, tên đề "100 bài thơ hay - Có lời bình", Nxb Thanh niên.




nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 05.10.2014 11:12:59
 
          TRĂNG LẶN

Trăng đã chán trời nên đi mất
Cứ hững hờ, tiêng tiếc, phân vân
Em có chán anh giống vầng trăng không biết?
Mất trăng rồi, còn lại trời đêm.

Biển vỗ vào anh, biển vỗ vào em
Em hoá đá để sóng ghềnh ôm mãi
Năm tháng, nắng mưa: đá vẫn còn nguyên đấy
Anh phong ba, anh nhẫn nại suốt đời.

Bài thơ tình còn viết em ơi!
Đá vẫn đá, người vẫn người - không thể khác
Biển hư vô cả những khi cầm bút
Xé rách lòng cho cánh thơ bay.

Mất một vầng trăng lại mọc một vầng trăng
Sóng khốn khổ hôn mãi hòn đá trắng...

                                          Phạm Ngọc Thái
                           
                Lời bình ĐOÀN BÌNH:
     Nói là "trăng" mà lại là... không trăng! Trăng không mọc vì trăng chán trời, không biết em có chán anh giống vầng trăng kia không? Đó là chủ đề tư tưởng khái quát của bài thơ "trăng lặn" này. Bài thơ được viết vào một đêm trăng... không mọc:
                    Trăng đã chán trời nên đi mất
                    Cứ hững hờ, tiêng tiếc, phân vân

                    Em có chán anh giống vầng trăng không biết?
                    Mất trăng rồi, còn lại trời đêm.
      Và trong biển cả tình yêu - nàng đã hoá thành đá để cho sóng ghềnh của lòng chàng vỗ mãi, hôn mãi quanh cái hòn “đá trắng“:
                    Anh phong ba, anh nhẫn nại suốt đời 
      Cuối cùng tác giả lại trở về với hình tượng vầng trăng, nhưng đó không phải chỉ mỗi vầng trăng trời, mà còn là “vầng trăng em“  soi mãi trong hồn anh:

                    Xé rách lòng cho cánh thơ bay...
       Nàng không chỉ biến thành "đá" mà còn hoá ra "trăng"! Từ ngôn ngữ đến hình ảnh, giọng điệu bài thơ luôn có sự bứt phá, đồng thời nó được nhân cách hoá để tạo nên nét độc đáo và hấp dẫn trong thi ca.
                   Mất một vầng trăng lại mọc một vầng trăng
                   Sóng khốn khổ hôn mãi hòn đá trắng.
     Dù sáng tác vào một đêm trăng không mọc, nhưng Phạm Ngọc Thái đã có một bài "thơ trăng" rất đáng yêu!
                  
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 05.10.2014 11:15:08
 
           NGƯỜI CON GÁI SÔNG XƯA
                                  Nhớ lại thời chinh chiến qua làng
 
Sông Hồng chảy muôn năm vẫn đỏ
Bãi ngô non xanh gió chân mây
Người con gái anh gặp thời chiến sĩ
Cái buổi qua làng lâu bấy đến nay.

Một làng bé quanh con nước lớn
Với quê hương thầm dịu thuở chiến tranh
Lòng thôn nữ như vầng trăng tỏa sáng
Lại trở về man mác trái tim anh.

Làng em lũy tre xanh bất tử
Mới gặp một đêm mà đã thấy thương thương...
Bóng nhìn anh mắt theo giờ còn biếc
Như phù sa cứ bồi mãi khôn cùng.

Lá tre rụng bao mùa trôi dĩ vãng
Và quê em đời sống có nâng cao?
Người năm ấy, em ơi! Giờ tóc trắng
Đang bồi hồi thao thiết giữa trăng sao...

Người con gái sông xưa, ơi có biết!
Một thời trai bão táp cuộc hành quân
Đêm thành phố nhớ em buồn da diết
Em bây giờ có hạnh phúc không em?

                                       Phạm Ngọc Thái
                              
 LỜI TÁC GIẢ:   Tôi không còn nhớ tên em, nhưng hình ảnh từ đôi mắt tới dáng hình em thì tôi vẫn man mác nhớ. Đó là vào một buổi trong những tháng năm còn chiến tranh, đơn vị của chúng tôi hành quân qua một ngôi làng nhỏ bên ven sông Hồng. Thuở ấy tôi mới chỉ là một anh chiến sĩ binh nhì chưa đầy hai mươi tuổi:
                    Sông Hồng chảy muôn năm vẫn đỏ
                    Bãi ngô non xanh gió chân mây
                    Người con gái anh gặp thời chiến sĩ
                    Cái buổi qua làng lâu bấy đến nay.
      Chúng tôi đã dừng lại nghỉ tại làng và "tổ ba ba" của tôi được bố trí ngủ ở nhà em. Tối đó tôi ngồi nói chuyện với em khuya lắm, trong một mái bếp xóm quê. Bên bếp lửa bập bùng ánh lên khuôn mặt hiền xinh và thơ trẻ,. Người em đậm đà, tiếng nói cũng nhỏ nhẹ dễ thương. Nhìn nhau bên bếp lửa, đôi mắt em lung linh, trong sáng lạ thường. Bên em lòng tôi không khỏi dấy lên những cảm xúc bồi hồi...
      Phía trước của người lính là chiến trận. Chỗ đứng của người lính là nơi còn đang trong bom đạn. Yêu thương đến mấy thì cũng phải dứt áo mà đi…để không bao giờ còn gặp lại. Mối tình đời lính chớp nhoáng của tôi chỉ vẻn vẹn có vài tiếng đồng hồ như thế! Ấy vậy mà mấy mươi năm chiến tranh qua lâu rồi, tôi cũng đã quên đi nhiều thứ, nhưng hình ảnh về người con gái thì tôi vẫn còn nhớ mãi:
                    Lá tre rụng bao mùa trôi dĩ vãng
                    Và quê em đời sống có nâng cao?
                    Người năm ấy, em ơi! Giờ tóc trắng
                    Đang bồi hồi thao thiết giữa trăng sao...
      Để rồi vào một đêm buồn thành phố… lại nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào của thời xa, tôi đã cầm bút viết bài thơ Người Con Gái Sông Xưa này.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2014 11:16:25 bởi Nhân văn >
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 05.10.2014 11:18:28
 
         SÁNG XUÂN NAY

Sáng xuân nay không chít khăn tang,

                                     không mang áo cưới…
Gió đi đâu không thấy thổi trên đường
Thơ nằm khóc trong nấm mồ êm ái
Anh chỉ ngồi thầm lặng bên em.

Hương phảng phất bay lên từ mái tóc
Tình trắng tinh như ngửa đôi bàn tay
Đôi mắt em hóa thành mây trôi đi mất
Hồn anh chao dưới những lá cây rơi!

Cứ yên lặng,
Ông lão Giăng Van Giăng yên lặng…
Tôi cũng như ông chỉ thấy lá vàng thôi
Người đàn bà ấy đẹp giống cô Cô Dét
Nàng yêu tôi, nhưng nàng đã đi rồi!

Em về nơi "bờ bãi con người"
Anh trở lại viết thơ tình rồi rót lệ
Đời là thế! Thế thôi, đời là thế!
Mối tình mình chẳng thể cưới, cũng không tang…

                                        Phạm Ngọc Thái
                          
 LỜI TÁC GIẢ:   Trên đời này có bạc bẽo nào hơn cái bạc bẽo đối với lão Giăng Van Giăng cơ chứ? (tiểu thuyết " Những người cùng khổ" của V.Huygô). Suốt cuộc đời lão dành tình yêu thương cho nàng Cô Dét, lão sống hết cho nàng! Ấy vậy mà, tới khi lão chết vẫn chỉ một nấm mồ thui thủi, cô đơn. Đành rằng, trước lúc lão mất, nàng cũng đã cùng người yêu đảo qua thăm lão một lần. Chỉ có những chiếc lá vàng, hết tháng năm này sang tháng năm khác là đều đặn rơi trên mồ lão.
     Gặp lại em buổi sáng xuân ấy, ngồi bên em giây lát… tôi lại nhớ tới cái lão Giăng Van Giăng kia. Lão có khác tôi không?
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 05.10.2014 11:27:22
 
               PHẠM NGỌC THÁI
        VỚI NHỮNG TÌNH THƠ ÁO TRẮNG 
                                                        Đình Bồng
 
     Có thể nói những bài “thơ tình áo trắng” của Phạm Ngọc Thái là một chùm thơ gối đầu đối với lớp sinh viên, đặc biệt là các nữ sinh. Trong đó có hai bài được trích ra từ tập “Rung động trái tim”, còn bài Cô Áo Trắng thì ở tập “Hồ Xuân Hương tái lai”. Đó phải chăng là những hoài cảm trong ký ức nhà thơ về kỷ niệm tình yêu thuở ban mai hay nhớ lại một mối tình nữ sinh xa xưa nào? Tôi xin bắt đầu bình bài thứ nhất:
 
         A-    THỜI ÁO TRẮNG
 Trả lại cho anh một thời áo trắng
Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!
Những bông hoa mùa xuân thôi không nở
Đi dưới bóng điện đêm lòng sẽ rất buồn.
 
Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách
Mắt em cười mùa thu xanh lên!
Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học
Tà áo trắng động vào...khe khẽ nát tim anh!
 
Trả lại cho anh một thời áo trắng
Đã đi qua và... đã đi qua...
Với cả dòng sông trôi mơ mộng
Lá lá rụng vàng, tóc tóc hóa sương pha.
 
Nghe gió thổi hàng cây vi vút
Em biển xanh xa mãi vô cùng…
Anh đứng lặng một mình bên bờ biếc
Những âm thanh kêu bổi hổi trong lòng.
 
Trả lại cho anh một thời áo trắng
Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!
                          
Phạm Ngọc Thái

 
LỜI BÌNH:   Tiếng vọng từ trái tim nhà thơ về một khoảng xa xăm, mỗi khi động vào lòng anh lại quặn lên đau xót. Những kỷ niệm trong sáng mà êm đềm, da diết biết bao:
                    Trả laị cho anh một thời áo trắng
                    Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!

       Em đi rồi.../- Thực ra sự đi này là sự rời bỏ tình yêu tuổi thanh xuân của người con gái với cuộc đời anh khi đã về chiều. Người thiếu nữ đi... để lại cả một  thành phố hiu hắt vì buồn. Cái thành phố có trái sấu rụng, lá me rơi với những tháng năm tình yêu tuổi trẻ, giờ chỉ còn hoài niệm. Đồng thời đó cũng là một thành phố trong hồi ức tượng trưng, thành phố của tình yêu mà không có người yêu. Tất cả lùi vào dĩ vãng với bóng nhà thơ bước vào buổi hoa niên cuộc đời, lang thang trong khoảng vắng. Lòng anh thảng thốt kêu lên: Trả lại cho anh.../-  Hai câu thơ đầu là cả một khúc tình ly biệt. Đó là sự ly biệt bởi quy luật tàn úa của thời gian, rêu phong tháng năm phủ lên trên trái tim tình vẫn tha thiết thương yêu.
      Khi xưa còn em, trên bàu trời thành phố đêm đêm đầy những sao xa, ánh điện sáng lung linh, hàng cây bên đường thì nở hoa thơ mộng. Thế mà hôm nay:
                    Những bông hoa mùa xuân thôi không nở
                    Đi dưới bóng điện đêm lòng sẽ rất buồn
     Sang đoạn thơ hai, những kỉ niệm từ ánh mắt, tiếng cười và những hình ảnh xưa của người thiếu nữ lại hiện về:

                    Mắt em cười mùa thu xanh lên!
       Hay là:
                    Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học
                    Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh!
         " khe khẽ nát"  -  Ta nghe như những mảnh trái tim anh đang tan vỡ khi tà áo trắng của em động vào. Âm thanh phát ra khe khẽ, nhưng  lòng người thì thổn thức, quặn thắt. "...khe khẽ nát tim anh" -  là hình ảnh của câu thơ hay, hé ra những ham muốn, khao khát được tìm tòi, lần cởi những gì có bên trong người con gái. Một sự ham muốn đầu tiên về cả tâm hồn và thể xác người yêu.

      Thời Áo Trắng là một bài thơ tình chớm nở thuở ban mai. Cái thời còn ngồi trong giảng đường đại học vẫn cùng em cắp sách đến trường:
                    Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách
                    Mắt em cười mùa thu xanh lên!
      Đoạn thơ ba, âm hưởng tiếng vọng của người con trai với người con gái cứ vang mãi. Nỗi thơ đã được đẩy cao lên, lòng anh bàng hoàng:

                    Trả lại cho anh một thời áo trắng
                    Đã đi qua và... đã đi qua...
                    Với cả dòng sông trôi mơ mộng

                    Lá lá rụng vàng, tóc tóc hoá sương pha
       Trên con đường đời mái tóc sương của nhà thơ cứ ngày bạc phai thêm, anh càng không thể nào níu kéo lại được cái "thời áo trắng" cho mình được nữa? Lặng lẽ đứng nhìn mà nuối tiếc. Những người con gái đã chia ly, họ đâu còn quấn quít màng về tình yêu đối với nhà thơ nữa? Chỉ còn lại những mùa thu tàn và lá vàng rơi ngày ngày phủ dày mãi lên cuộc đời đang tàn tạ của anh. Đoạn thơ đã kết ở đó!

        Nhà thơ Chế lan Viên cũng từng thốt lên: “Chiều rồi! Phải, chiều rồi!...” . Tình thơ áo trắng này đã được viết ra trong cái cảnh vào chiều của đời người như thế! Những câu thơ bay ra từ trong tâm trạng thảng thốt và trái tim rỉ máu, tưởng như lệ đã đẫm cả hồn thơ.
       Sang đoạn thơ thứ tư, những âm thanh hoài cảm ấy vọng cả đất trời:
                    Nghe gió thổi hàng cây vi vút
                    Em biển xanh xa mãi vô cùng...
                    Anh đứng lặng một mình bên bờ biếc
                    Những âm thanh kêu bổi hổi trong lòng.
      Những âm thanh ta không nghe thấy nhưng lại rền xiết trong trí não ta. Một cảnh biển đầy sóng, thơ tượng trưng... để diễn đạt thời gian và không gian của tình yêu trong cuộc đời. Tình thơ đã được kết tụ lại hóa mình vào trong biển, vào cây, vào vũ trụ, thành hương, thành gió bay đi.

      Đến cuối cùng hai câu thơ đầu lại được nhà thơ hạ xuống để kết bài:
                    Trả lại cho anh một thời áo trắng
                    Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!

       Giờ đây cái thành phố tình yêu đã trống vắng, buồn tẻ và đầy  thương nhớ, nhưng khúc tình ca "thời áo trắng" của Phạm Ngọc Thái thì sẽ còn vang mãi...
             ĐB.
      
              B-   PHỐ THU VÀ ÁO TRẮNG 
 Tà áo trắng em đi qua phố
Mùa thu rơi phủ mắt anh
Tà áo trắng của người sinh nữ
Anh nhìn xác phượng khóc rưng rưng.
 
Chỉ còn lại con tim rớm đỏ
Áo quệt vào máu rỏ hai tay…
Ôi, mùa thu mùa thu êm ả
Sao lòng anh tơi tả thế này?
 
Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc
Lang thang vài cánh bướm bơ vơ
Áo trắng in ngang trời - sét đánh!
Lưỡi dao nào cào nát tim thu?
 
Anh cũng có một thời bên áo trắng
Cũng bế bồng và cũng đã ru em!
Cái thời ấy chìm vào xa vắng
Phút gặp lòng đâu hết ngổn ngang.
 
Thêm một mùa thu, một mùa thu vỡ
Câu thơ nẩy những bông hoa buồn
Thôi, đừng hát để ướt lòng trinh nữ
Em đi rồi, anh chết cả mùa đông.
                        
Phạm Ngọc Thái

 
LỜI BÌNH Nếu như bài thơ Thời Áo Trắng là sự hoài cảm những kỷ niệm về một thời đã qua, thì Phố Thu Và Áo Trắng lại là những cảm xúc tình yêu xa xót của tác giả bật ra cũng về "thời áo trắng", nhưng ở đương thời. Có một buổi nhà thơ đang đi trên phố, bỗng nhiên anh bắt gặp những tà áo trắng các nàng thiếu nữ phấp phới bay lướt qua anh. Trái tim nhà thơ xốn xang, tưởng chừng chỉ muốn vỡ tan ra:
                     Tà áo trắng em đi qua phố
                     Mùa thu rơi phủ mắt anh
                     Tà áo trắng của người sinh nữ
                     Anh nhìn xác phượng khóc rưng rưng
     Đó là những chiếc áo dài trắng mà các nữ sinh mặc vào buổi khai trường mùa thu. Nhìn những cánh hoa phượng đang rụng rơi xuống đất, lòng anh chạnh nhớ lại những ngày được cùng em cắp sách đến trường. Anh khóc hoa phượng hay anh khóc cho mình đây? Câu thơ: Anh nhìn xác phượng khóc rưng rưng /- Đã

ra đời như thế!
     Vậy tà áo trắng này là tà áo trắng thực và phố này cũng là phố thực, nó khác với thành phố ở bài Thời Áo Trắng là hình ảnh mang màu sắc tượng trưng. Nhà thơ nấc lên:   
                    Chỉ còn lại con tim rớm đỏ
                    Áo quệt vào máu rỏ hai tay...
                    Ôi mùa thu, mùa thu êm ả
                    Sao lòng anh tơi tả thế này?
     Nếu như trong Thời Áo Trắng diễn tả: Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh! /- Chỉ là khe khẽ, xao xiết... Thì ở bài Phố Thu Và Áo Trắng, mức độ day dứt lên trái tim người thi sĩ mạnh hơn. Anh bàng hoàng nhớ về một thưở đã yêu thương người thiếu nữ, giờ như con dao cứa vào cào nát trái tim anh. Mặc dù mùa thu vẫn êm ả trong xanh, nhưng còn đâu sự yên lành như thuở xa xưa ấy:
                Áo trắng in ngang trời, sét đánh!
                Lưỡi dao nào cào nát tim thu?
      Hình ảnh lưỡi dao cào nát cả trái tim mùa thu là một biểu tượng đã được thăng hoa, nó đẩy nỗi thơ cao lên. Còn hình ảnh đoạn thơ:

                Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc
                Lang thang vài cánh bướm bơ vơ...

     Quyện giữa mùa thu và tà áo trắng như một bức hoạ in trên nền trời, thật sinh động và rất bay. Cái cảnh vài cánh bướm vàng bay bơ vơ chính là hồn của nhà thơ đang lang thang trong những làn mây bạc, bộc lộ khát vọng yêu thương tha thiết của một con người khi bước vào tuổi hoa niên. Tuổi trẻ qua đi, nhưng tâm hồn và trái tim thi sĩ thì cứ trẻ mãi cùng khát vọng tình yêu. Giây phút anh bồi hồi tưởng lại năm tháng đã từng ân ái bên người thiếu nữ:
                Anh cũng có một thời bên áo trắng
                Cũng bế bồng và cũng đã ru em
                Cái thời ấy chìm vào xa vắng
                Phút gặp lòng đâu hết ngổn ngang...

     Ôi, tình yêu cuồng nhiệt và nóng bỏng, giờ thì chỉ còn những tháng năm lạnh lẽo của buổi hoàng hôn. Anh nghĩ đến cái thời từng ôm ấp tấm thân trẻ trung, mềm mại trong vòng tay. Khoảnh khắc ấy bỗng trở thành kỉ vật thiêng liêng, theo thời gian nay đã trôi vào quá khứ. Nó lý giải cảnh ngộ vì sao khi gặp những tà áo trắng đi qua lòng nhà thơ lại rạo rực, cảm xúc mãnh liệt đến thế!
     Như Nguyễn Du đã viết:
                    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

       Phút gặp lại trăm mối ngổn ngang. Nhà thơ đã phác hoạ lên sự nghịch cảnh giữa thiên nhiên thanh bình với sự tan vỡ trong lòng:
                    Thêm một mùa thu, một mùa thu vỡ
                    Câu thơ nấy những bông hoa buồn
                    Thôi, đừng hát để ướt lòng trinh nữ
                    Em đi rồi, anh chết cả mùa đông.
      Nói là: " thôi đừng hát..." -  thực ra anh vẫn muốn hát mãi về tình yêu! Câu thơ mang ý ẩn dụ. Mỗi một mùa thu đến lại một lần lòng anh thêm tan nát. Rồi mùa đông tới, trái tim nhà thơ chắc sẽ càng hiu hắt bởi cô đơn?

            ĐB                                                                                                                      
 
          C-   CÔ ÁO TRẮNG
Anh lại có một cô áo trắng
Mắt nàng nhìn trong biếc mùa thu
Mái tóc xoã, bàu vú nàng hưng phấn
Ngủ đi em, nghe bài thơ anh ru!

Đất Sài Gòn mùa xuân đến trong mơ
Có em tôi đi giữa đêm dài thành phố
Em ơi em, những khi trời trở gió
Có thấy bóng anh về thao thức bên em?

Anh nhẹ hôn thầm ở dưới ánh đêm
Em khoả thân mình để hoá thành nữ thánh!
Áo em trắng hay là da em trắng
Có em rồi cuộc sống sẽ vô biên.

Ta mặc cho năm tháng chảy, nghe em!
Chỉ có anh và em, chỉ có trời và đất
Thế giới văn minh ta không cần gì hết
Em dẫn anh vào buổi hoang muội nguyên sơ.

Đêm Sài Gòn khi ấy sẽ như mơ
Em bọc trong anh không cần quần áo
Ôi, nguyệt của em đây một động sâu huyền ảo
Chứa cả thiên đường và vũ trụ bên trong.

Em đừng hỏi vì sao anh yêu em!

Anh lại có một cô áo trắng
Vào buổi hoàng hôn hoang vắng cuộc đời
Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm
Bàu vú nàng mùa hoa trái sinh sôi...

                     Phạm Ngọc Thái
                            
LỜI BÌNH  Riêng bài “Cô áo trắng” này lại không phải tình yêu thưở ban mai, mà là một bài thơ tình trong buổi hoàng hôn cuộc đời. Như anh đã viết:
                     Anh lại có một cô áo trắng
                     Vào buổi hoàng hôn hoang vắng cuộc đời
                     Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm
                     Bàu vú nàng mùa hoa trái sinh sôi

     Tôi không biết người đó còn là một thiếu nữ hay đã là thiếu phụ? Chỉ biết rằng,  anh cảm xúc người đẹp mà nảy ra tình thơ chỉ qua một bức ảnh. Nghe nói bức ảnh đó cô em mặc một chiếc áo cánh trắng mỏng, bó sát lấy tấm thân thon thả của một thục nữ thành phố Sài Gòn.
     Vào một mùa xuân muôn hoa đua nở, nhà thơ thương nhớ người đẹp ở trong mơ:
                     Đất Sài Gòn mùa xuân đến trong mơ
                     Có em tôi đi giữa đêm dài thành phố
                     Em ơi em, những khi trời trở gió
                     Có thấy bóng anh về thao thức bên em?

     Tình thơ chứa chất một tình cảm lãng mạn xen lẫn sự ham muốn về thân thể của người yêu. Tình thơ được khai thác khá sâu sắc. Tác giả diễn tả về cái thế giới bên trong người đẹp như cả vũ trụ:
                     Đêm Sài Gòn khi ấy sẽ như mơ
                     Em bọc trong anh không cần quần áo
                     Ôi, nguyệt của em đây một động sâu huyền ảo
                     Chứa cả thiên đường và vũ trụ bên trong

     Hình ảnh thơ mang màu sắc triết học, càng làm cho tình thơ trở nên huyền thẳm. Ngôn ngữ sắc bén, sinh động tựa lưỡi dao cứa ngọt vào trái tim làm ta tê tái. Kết hợp với giọng thơ du dương, nên tuy  là thơ tự do mà cảm xúc rất uyển chuyển: 
                      Anh nhẹ hôn thầm ở dưới ánh đêm
                      Em khoả thân mình để hoá thành nữ thánh!
                      Áo em trắng hay là da em trắng

                      Có em rồi cuộc sống sẽ vô biên
     Hay là:
                      Ta mặc cho năm tháng chảy, nghe em!
                      Chỉ có anh và em, chỉ có trời và đất   
                      Thế giới văn minh ta không cần gì hết

                      Em dẫn anh vào buổi hoang muội nguyên sơ
     Cô Áo Trắng là một tình thơ sâu sắc và gợi cảm. Tuy có nơi, có chỗ tác giả đã sử dụng hình ảnh thân thể như “bàu vú nàng”, hoặc “nguyệt của em đây”... nhưng đọc lên không làm cho tình thơ trở thành dung tục. Nó chỉ cốt tăng thêm sự hấp dẫn, đáng yêu, viên mãn và hay hơn.
        Nói chung thơ Phạm Ngọc Thái viết theo cảm xúc, được tung toả ở nhiều  khía cạnh trong cuộc sống. Tác giả đi hết gam để đẩy nỗi thơ đến tận cùng mà vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo. Nhà thơ như thể bóc cả mình ra cho thơ tuôn trào như suối, vẫn không kém phần khúc triết của một trái tim thơ!
       Đình Bồng
Giáo viên Trường THPT
     Ba Đình Hà Nội
 
nhanvan

Nhân văn
  • Số bài : 996
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.12.2007
Re:PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA - Phạm Ngọc Thái - 05.10.2014 11:31:42
 
            PHẠM NGỌC THÁI CÓ CHÂN DUNG
   MỘT NHÀ THƠ TÌNH LỚN CỦA DÂN TỘC

                                             
                  Nguyễn Đình Chúc

        Qua hai tập thơ đã xuất bản: "Rung động trái tim", Nxb Thanh niên 2009 và "Hồ Xuân Hương tái lai", Nxb Văn hoá Thông tin 2012 - Có thể nói đó là cả một tuyển thơ dầy dặn có tầm vóc của Phạm Ngọc Thái. Với hàng chục các bài thơ tình hay như: Người đàn bà trắng, Em ơi! Thành phố lại mưa, Đêm nay trời lại không mưa, Anh vẫn ở bên hồ Tây, Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ, Con đường phượng đỏ, Cô áo trắng, Tiếng hát đời thường, Váy thiếu nữ bay, Biển hát, Tiếng rúc chim đêm, Hàng cây lá đổ, kí ức mùa thu, Em bán xoài, Khóc bên Hồ Núi Cốc, Mái tóc con gái… Chưa kể đến nhiều bài thơ tình khác nữa của anh cũng rất hấp dẫn và súc tích: Thành phố mưa rơi, Thời áo trắng, Trước núi Mỹ Nhân, Người con gái sông xưa, Một góc hồ Tây, Em về biển, Đêm tóc đá, Trăng lặn, Sáng thu vàng, Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ... Hay những bài thơ đời sâu sắc như: Cô quét lá đêm hồ, Làm ma em vợ, Em bé cầu bơ, Chiều hoàng hôn, Nỗi trăn trở người đi tìm vàng.
    Chưa từng có thi nhân nào viết được nhiều thơ tình hay đến thế! Thi ca Phạm Ngoc Thái dù là thơ tình hay thơ đời, những bài đạt độ viên mãn về ý tưởng cũng như ngôn ngữ nghệ thuật và tính nhân văn, mức độ hay mỗi bài khác nhau nhưng những tình thi có thể cảm hoá được trái tim người yêu thơ là rất nhiều. Về bút pháp nhiều bài thơ tình của anh được hoà trộn trong khuynh hướng của dòng thơ tượng trưng hiện đại châu Âu cuối thế kỉ XIX  đầu thế kỉ XX. Điển hình là thuyết "tương ứng cảm quan" của nhà thơ tượng trưng bậc thầy Charles Baudelaire (1821-1867) lúc đó chủ xướng. Thí dụ trong bài thơ Người đàn Bà Trắng ở tập "Rung động trái tim" anh viết:
                        Chiếc mũ trắng mềm em đội bàu trời
                        Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
                        Đôi mắt em đong những áng mây
                        Người đàn bà trắng!
     Hay là:
                        Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu

                       Anh cũng không làm chàng Trương Chi 
                                                               suốt đời chèo sông vắng
                       Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng

                       Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau!
 
                      Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
                      Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
                      Khúc thơ tình anh lại viết về em!
                      Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
     Như trong lời bình ở tập Rung Động Trái Tim viết:
-   Mối tình  của nhà thơ với “Người đàn bà trắng” cũng chỉ là một bi kịch tình. Vết thương trái tim đôi trai gái ấy tháng năm vẫn không hàn gắn lại được, nhưng cái Con-đường-lông-ngỗng-trắng... mà nàng Mỵ Châu đã rắc cho chàng Trọng Thuỷ theo thần tượng thì rất đẹp, để cuối cùng chàng cũng nhảy xuống biển mà chết, hoá thành ngọc trai giữ tình son sắt với nàng. Nó bi ai quá! Cái hay của khúc triết lý  trong bài thơ là nó đã được viết như đời.
     Trong tấn bi kịch tình yêu ấy: dẫu mối tình bị tan vỡ phải chia lìa năm tháng, nhưng tình thơ đã không kết thúc bằng sự bi thảm một định mệnh. Đôi trai gái vẫn phải sống và tồn tai, dù là theo chiều gió cuốn của cuộc đời! Phải chăng đó cũng là một cuốn tiểu thuyết "cuốn theo chiều gió" như bao bi kịch Tình - Đời trên bờ bến nhân gian? Cả đoạn thơ thấm đẫm tình bật ra trong đời sống đầy mất mát và đau đớn của tình yêu.

     Hoặc như bài Sáng Thu Vàng có những đoạn thơ tượng trưng tả về người đàn bà đẹp, hay tới mức điển hình:
                       Phảng phất trên đầu đôi nét phôi pha

                       Đôi mắt em bóng trúc bay xoà...
                       Đường phúc hậu vầng trăng đầy nở...

                       Nghe không gian đổ vỡ cả mùa thu!
      Có nghĩa, đôi mắt nàng huyền diệu mơ màng như bóng trúc phủ và nàng phúc hậu dịu dàng tựa vầng trăng, đến cả mùa thu cũng phải đổ vỡ dưới chân nàng. Hay là:
                      Môi em cười, hoa lá nát đau thêm...
     Đến hoa lá còn phải nát đau dưới đôi môi của người đàn bà, thì mới biết nàng đẹp và có sức cám dỗ đến thế nào. Khi anh tả về nỗi cô quạnh vì vắng bóng người yêu:
                      Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng
                      Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi...
                                                     
(Một góc hồ Tây)
    Hình ảnh chiếc lá vàng rơi đúng vào chỗ ngồi của người con gái năm xưa, nó đằm thắm mà xót xa, gợi về một mối tình đã qua. Cảnh rất đời và chứa chất để tạo thành câu thơ hay. Còn trong bài Em Về Biển thì hình tượng tình yêu đã đạt đến điểm đỉnh của sự thánh thiện và mang tính triết học:
                      Bờ bãi đời người - Cuộc sống tình yêu
                      Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân phật tổ!
     Nghĩa là tình yêu đã đưa ta đến cõi nát-bàn. Anh đề cao tình yêu trong chốn dân gian, nơi bờ-bãi-đời-người. Xét tưởng khó có thể tìm thấy một biểu tượng tình yêu nào cao hơn. Cuối cùng tình thơ được kết trong nỗi khắc khoải của cuộc đời:
                       Tóc nửa bạc rồi chỉ thấy gió mưa bay...
                       Tóc nửa bạc rồi tình vẫn đó, em ơi!
     Hình ảnh đầy xúc cảm đó đưa ý nghĩa của bài thơ viên mãn đến tột điểm.
     Trong bài thơ tình Hàng Cây Lá Đổ chỉ bằng hai câu mở đầu đã ôm trọn cả một khoảng không gian, thời gian cùng với nỗi niềm ly biệt của tình yêu:
                        Thế là hết! Em đi, chôn chiều vào gió
                        Ta lang thang qua lá đổ hàng cây....
     Hình tượng "chôn chiều vào gió..." nó biểu thị một nỗi tình sâu lắng với bước chân lang thang của người thi sĩ dưới một bàu trời hoang vắng, cô liêu. Ngôn ngữ thi ca có thể đặt ngang những câu thơ hay trong thi đàn. Còn bài Thời Áo Trắng, tác giả nhớ về mối tình thuở ban mai. Có lẽ đó là tình yêu của anh trong thời còn sinh viên, vào một đêm trăng nào đó cùng ngồi học bên người bạn gái:                          Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách

                         Mắt em cười mùa thu xanh lên
                         Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học

                         Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh!
     Đó là những cảm giác yêu đầu tiên trong cuộc đời. Tâm trạng vừa xao xiết, bồi hồi, trái tim lại như muốn... vỡ tan!
     Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh! /-  Là hình ảnh của câu thơ hay, gợi cảm, lắng sâu vào âm hưởng trong đó có thể làm tâm hồn ta run rẩy. Với nỗi lòng khắc khoải, tác giả muốn níu kéo lại cái thời xa vắng ấy:
                           Trả lại cho anh một thời áo trắng
                           Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!
     Những âm thanh ta không nghe thấy nhưng nó lại rền xiết trong trí não ta, như bão gió tình yêu của buổi đầu đời.  Hầu như bài thơ nào của Phạm Ngọc Thái cũng muốn đẩy tình thơ đến tột cùng. Ở bài Thành Phố Mưa Rơi, thành phố mưa thì ít nhưng lòng tác giả lại mưa nhiều hơn, thậm chí còn bão nữa, là khi trái tim anh nhớ đến người yêu:
                    Gió nhè nhẹ! Em ơi, mưa nhè nhẹ!

                    Chỉ riêng lòng anh bão không thôi
                    Cứ để hồn anh trong nước lạnh

                    Với màu mây hoang trôi đến xa vời...
    Trong "chùm thơ tình trong mưa" anh còn có cả bài sáng tác vào một đêm... không mưa. Nhà thơ nhớ lại một mối tình "gió mây", xúc cảm trong lần gặp gỡ cuối cùng trước khi người yêu đi lấy chồng! Anh viết:
                    Mùa thu đã qua ta nghe lá rụng

                    Buổi cuối cùng em đến để chia tay
                    Ngày mai em lấy chồng phải xa vĩnh viễn

                    Chẳng sao mà, trời có mưa đâu, em ơi?
      Đó là bài "Đêm nay trời lại không mưa". Dẫu là tình gió mây nhưng thơ rất trong sáng và tha thiết:
                    Kìa không mưa mà áo anh lại ướt

                    Mùa thu đi sao nắm mãi bàn tay?
                    Ai nói tình gió mây sẽ quên trong chốc lát

                    Bao năm trời hồn anh vẫn mưa bay...
     Nhưng hay nhất là đoạn thơ cuối, chỉ cần đọc những câu thơ này cũng đã làm ta yêu say thơ Phạm Ngọc Thái rồi:                                                                      

                    Ta lại bước lang thang trên phố ấy
                    Đến mỗi gốc cây có vệt cũ em ngồi  
                    Tiếng hát xưa đưa bờ hồ gió thổi 
                    Bóng với mình đi mãi tới ban mai   
                    Cứ tưởng buổi cuối cùng em đến… đã chia tay?
    "Chùm thơ tình trong mưa" là một chùm thơ nổi tiếng của anh, cùng với hàng loạt các chùm thơ khác anh đã đăng rất nhiều trên các mạng internet ở trong nước và thế giới vào những năm qua, như: Chùm thơ áo trắng, chùm thơ tình mùa thu, Thơ tình sông hồ, Thơ tình thời con gái, Thơ tình viết dưới cây, Tình yêu và đàn bà, Thơ tình trong trăng, Chùm thơ tình biển, Tình chiều hoàng hôn - Hầu như chùm nào anh cũng có bài thơ hay xuất sắc.
     Phần lớn thơ tình của Phạm Ngọc Thái là tình chia ly và tan vỡ, tác giả nuối lại những kỷ niệm xưa. Cũng chẳng rõ với hàng trăm bài thơ tình như thế xuất phát từ bao nhiêu mối tình, với bao nhiêu thiếu nữ hoặc những người đàn bà trẻ? Chỉ biết là bài thơ tình nào, dù là kí ức về thuở ban mai hay tình của buổi hoàng hôn trong cuộc đời, tác giả cũng đều tha thiết và tiếc nuối.

     Có thể nói thế này: Nếu thời tiền chiến ta đã có một Xuân Diệu, thì nay lại có một Phạm Ngọc Thái. Anh có chân dung một nhà thơ tình lớn của dân tộc. Một nhà thơ tình hiện đại, sâu sắc.
   Xin trở lại với một số bài thơ tình hay của anh in trong tập "Hồ Xuân Hương tái lai". Nếu ở bài Con Đường Phượng Đỏ, tác giả nhớ về mối tình với một người sinh nữ đã xa xưa, dù chỉ là hoài niệm nhưng vẫn chứa chan tình đời:
               Con đường tình đẫm giọt sương rơi

               Gió vẫn xạc xào vi vút thổi
               Giá hồi ấy chúng mình lấy nhau rồi sinh năm đẻ bảy

               Thì đâu còn phượng để anh ru?
     Một nữ nhà giáo khi bình bài thơ này của anh, đã viết:                                              -   Bài thơ rất đáng yêu... Tôi hình dung thấy bước chân anh đang lang thang trên cái hè phố nhỏ có hàng phượng vĩ, con đường mà anh vẫn cùng người thiếu nữ năm nào dạo bước bên nhau:
                        Em mang màu phượng đỏ ra đi...
                        Anh tha thẩn dọc hè phố nhỏ
                        Nơi kỉ niệm của mối tình sinh nữ
                        Xác ve còn bám ở thân cây
      Hẳn đó là những ngày tháng tươi đẹp và hạnh phúc của đời anh. Cô sinh nữ kia chắc cũng phải xinh xắn lắm? Nghe anh mô tả, những kỷ niệm êm đềm từ thưở còn con gái, dù đã xa xôi cứ dồn về làm nghẹn trái tim tôi...
 
       Và chị kết luận:

-  Bài thơ giàu cảm xúc, ý tình thanh nhã, hình ảnh rất mộng mơ. Bút pháp tuy bình dị nhưng ngôn từ vẫn mang vẻ đẹp mỹ học, cùng với ý nghĩa thi phẩm mà tạo thành bài thơ hay, có thể làm rung cảm trái tim người.
      Bài Cô Áo Trắng, tác giả còn đi sâu vào tả cả thế giới bên trong thân thể người thiếu nữ mà thơ vẫn không kém phần hoa mỹ:
                    Đêm Sài Gòn khi ấy sẽ như mơ

                    Em bọc trong anh không cần quần áo  
                    Ôi! Nguyệt của em đây một động sâu huyền ảo

                    Chứa cả thiên đường và vũ trụ bên trong
                    Em đừng hỏi vì sao anh yêu em!
     Rồi anh dùng cả thiên nhiên làm hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp, đầy sức cám dỗ của nàng:
                    Anh lại có một cô áo trắng

                    Vào buổi hoàng hôn hoang vắng cuộc đời
                    Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm

                    Bàu vú nàng mùa hoa trái sinh sôi...
     Đôi mắt thiếu nữ như một trời thu, còn bàu vú thì sinh sôi cả một mùa hoa trái. Cảm xúc trong thơ Phạm Ngọc Thái vẫn đời mà sinh động, thứ ngôn ngữ hình tượng mang màu sắc triết học, như có ma lực có thể làm xao động trái tim người.
      Phạm Ngọc Thái có nhiều bài thơ tình đẹp được viết ở hồ Tây. Mỗi bài lại có một hương sắc riêng, trộn giữa cảnh sắc thiên nhiên và dấu ấn của tình yêu. Như ở bài Một Góc Hồ Tây đã nói trên, anh còn viết:
                   Chiều lễnh loãng bóng đa gù bên phố

                   Mõ chùa buông thay tiếng nói của tình yêu
                   Trong sân gạch sư già quét lá
                   Bước người đi thầm lặng cõi hư hao...

                   Chiều hồ Tây - Chiều Tây hồ lộng gió

                   Ta và Người cõi mộng khác chi nhau
                   Ngưòi quên hết! Còn ta yêu tất cả

                  Trong tiếng lá bay chầm chậm bóng ta theo...
    Cái cảnh chiều lễnh loãng cùng với nỗi lòng chơi vơi, hiu hắt của con người đang bước vào tuổi hoa niên, bên cây đa gù cùng bóng nhà sư quét lá ở sân chùa... làm cho bài thơ tình chiều phố đầy mùi kinh kệ. Đúng như câu thơ anh đã viết: Mõ chùa buông thay tiếng nói của tình yêu /- Chính tâm hồn hư hao của tác giả hoà trong những tiếng lá rơi chầm chậm, buồn buồn...
     Anh sống ở ngay bên hồ Tây nên những sớm hồ lung linh ánh nước hay những chiều sóng vỗ, đều gắn bó trái tim nhà thơ với những kỷ niệm yêu thương trong cuộc đời. Một bài khác anh viết:
                   Anh ở hồ Tây mênh mông sóng vỗ

                   Vẫn thấy bóng em trong màu hoa thương nhớ
                   Ôi, màu hoa son sắt trái tim em

                   Cái màu tím buồn của những cuộc ly tan!
                                           
(Anh vẫn yêu màu hoa tím buồn)
    Nhưng bài mà tôi muốn nói nhiều hơn ở đây là bài Anh Vẫn Ở Bên Hồ Tây, một bài thơ tình hay. Hình ảnh thơ rất chân thực, cô đúc. Dường như trên mỗi dòng thơ đều có máu tim của nhà thơ đang rỏ xuống:                           
                   Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại

                   Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
                   Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi

                   Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...
     Bài thơ chỉ có 16 câu với 4 khổ thơ, được viết vào lúc cuộc đời tác giả đã về chiều. Cũng là mối tình nhớ lại với một người sinh nữ. Có lẽ lúc đó vết thương tình đã làm cho lòng anh đau nhói:
                  Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt

                  Hạnh phúc qua như một cánh chim bay
                  Nông nỗi đời người để đâu cho hết

                  Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây...
     Và anh đứng bên bờ hồ Tây gió thổi, mây bay... bồi hồi nghe tiếng của lòng mình đang trỗi dậy. Hình tượng thơ khắc họa trong câu cuối cùng: Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi.../- Rất đa nghĩa, vừa nói những làn mây trôi kia không chỉ là cảnh vật thiên nhiên mà nó còn  biểu thị cho cả khoảng thời gian đang qua và không gian hoang vắng. Đó chính là thứ ngôn ngữ thi ca hàm súc, giàu tính biểu tượng của Phạm Ngọc Thái. Hoặc như câu: Hạnh phúc qua như một cánh chim bay / -  Nói lên niềm vui ngắn ngủi, thoảng chốc đã không còn. Khi tả về hình bóng người con gái đã xa xưa nay chỉ còn trong ký ức, anh viết:
                   Người con gái anh yêu nay hoá khói sương tan
     Để biểu thị cho sự chìm lấp của thời gian đã trôi vào quá khứ. Trong những bài thơ tình hay, có một bài viết về người vợ trẻ, vào những ngày tháng anh xa quê sống ở nước ngoài làm kinh tế. Đó là bài Tiếng Hát Đời Thường, một tình thơ về quê hương.  Hình tượng mà người ra đi ở phương trời xa lòng thổn thức nhớ chốn quê. Bài thơ được viết như một truyền thuyết:                                                       

                      Trong một phố nghèo có người vợ trẻ   
                      Vẫn đón con đi, về... như thường lệ
                      Vóc em thanh cũng thể mùa xuân
                      Đôi mắt em, đôi mắt ấy màu đen   
      Những hình ảnh được gợi lên thân thuộc, nhuần nhụy, dễ thương, nhưng thơ vẫn mang tính điển hình, khái quát. Thí dụ như khi anh tả về gia đình:           
                     Ngôi nhà nhỏ bên đền

                     Gốc đa, quán báo
                     Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (*)
                     Đêm hồ nước trăng soi

                     Chiều lá me, lá sấu
                     Cung thành xưa dấu đại bác còn... (**)                
      (*) Gợi lại câu chuyện của bà Thị Lộ thời con gái đi bán chiếu gon ở hồ Tây. Bà  đã gặp ông Nguyễn Trãi và những vần thơ đối đáp giữa hai người còn truyền tụng đến ngày nay.

     (**) Là hình ảnh mặt thành Thăng Long Cửa Bắc cố đô xưa, còn in dấu đạn đại bác từ thời giặc Pháp bắn vào. Thành Thăng Long thất thủ, quan Tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ để tuẫn tiết.
     Một bức tranh quê, tiết tấu thơ đầy chất trữ tình đem theo những hình ảnh cuộc sống thường ngày xúc động trong kí ức nhà thơ:
                 Ôi quê hương!

                 Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội
                 Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi
                 Chưa tối đã khêu đèn bê mẹt thuốc rao đêm

                 Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội.
     Chính ở nơi ấy, có người vợ trẻ và con anh đang chờ anh trở về. Bài thơ được kết thúc với tiếng lòng thao thiết trong chốn dân giã ở cố hương. Cái "tiếng hát đời thường" của nhà thơ được cất lên là hình ảnh cuộc đời, hiện thực và chắt lọc:
                   Con sẻ hót mênh mông đồng nước

                   Người hát rong hát vui sân ga 
                   Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát…
     Nó như khúc dạo của người hát rong trên sân ga, tiếng rao của em bé bán báo. Nhà thơ ví như tiếng của con sẻ mênh mông trên đồng nước... để rồi lẫn vào trong cát bụi cuộc đời. Bài thơ hay. Có thể nói, máu và nước mắt của nhà thơ đã rơi lên trang giấy khi viết bài thơ này. Hoặc khi anh tả về hình ảnh người vợ ở quê:
                     Ai biết chiều nay người vợ trẻ
                     Đứng mong chồng bên đứa con thơ
                     Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu...
     Để rồi tác giả tự nhắn nhủ với lòng mình và nói với đời:
                     Tuyết bạc quê người... xứ sở mưa cau...
                     Đi đâu, đến đâu: Nhớ về phố ấy!
     Thơ như khúc hát đồng dao. Phạm Ngọc Thái đã để lại cho đời một tình thơ quê hương súc tích. Tôi định viết thêm một mảng thơ đời của anh, như thế thì bài viết sẽ dài. Hơn nữa, ở đây tôi tập trung nêu lên vấn đề: "Phạm Ngọc Thái có chân dung một nhà thơ tình lớn của dân tộc", cho nên chỉ xin bình thêm một bài thơ nữa của anh.

     Đó là bài Em Bán Xoài - Nói là thơ tình cũng được mà thơ đời cũng được. Tác giả cảm xúc riêng tư nhưng lại rất sâu sắc cõi trần ai. Bài thơ nói về thân phận nổi trôi của một cô gái và nhiều cô gái bán xoài mà anh đã gặp bên bờ biển Nha Trang. Những cô gái bán xoài ấy là những kiếp đời cát bụi, phải bán cả linh hồn và thân xác mình để sống:                       Em bán xoài đi đêm trên cát trắng
                      Bãi biển chập chờn kiếp đời các cô gái lang thang
                      Dưới hàng dừa se sẽ gió ru êm

                      Dãy cột đèn đứng đêm côi lạnh                              
      Những đoạn thơ diễn tả vừa đan xen thân phận bọt bèo, vừa bao quát cả tính nhân tình thế thái. Ta hãy đọc một đoạn anh viết về em bán xoài đó:
                 Xoài em chín, đêm tàn canh em đón khách

                 Giọt thơ buồn như ngọc sương rơi…
                 Em bán xoài thơm! Em bán xoài thơm!

                 Biển to lớn - Bóng em nhỏ thẫm
                 Linh hồn treo ngoài thế giới em đi

                 Trên những cành dừa hay trong đám mây qua?
        Cái thế giới đó chính là chốn nhân quần, xã hội mà các cô gái đang đi, đang sống ở đó. Sao nó thật hãi hùng? Linh hồn của các cô thì vất vưởng ở ngoài thế giới con người, có thể nó vương trên những cành dừa quê hương hay vơ vất trong một đám mây nào đó. Những hình tượng thơ khắc hoạ để nói về nỗi kiếp bọt bèo. Đó cũng chính là những hình tượng cho thân phận thấp hèn chốn dân gian. Hoặc một đoạn khác:
                Thế giới em đi "vòng thiên la địa võng"

                Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi        
                Xoài em thơm, hương toả mát thân người 

                Ai mua xoài? Còn ai có mua em? 
         Có thể nói Em Bán Xoài là một bài thơ tình khá điển hình về kiếp đời lang thang. Nó vừa trộn hoà tình yêu đồng loại của tác giả trong chốn nhân quần, vừa là cảm xúc của nhà thơ trước một cô gái bán xoài nào đó mà anh gặp gỡ. Thơ vừa thân yêu mà xa xót,  từ những hình ảnh hiện thực chuyển sang màu sắc tượng trưng và triết lý, thậm chí có chỗ ngả sang cả thơ siêu thực. Như ở đoạn kết anh viết về thân phận của những người con gái đó:                                             

                  Các cô gái đi đêm như các cột đèn                              
                  Bóng nuốt lẫn vào bờ cát ấy...
      Nghĩa là sự tồn tại của các cô gái bán xoài ấy cũng chỉ vật vờ như cát bụi. Đó là những thân phận lạc loài, linh hồn gần như là không có nơi bám víu, sống hôm nay không biết đến ngày mai. Sau đó tác giả trở về với lời ru của anh cùng hàng dừa quê hương quanh các cô gái bán xoài:

                  Biển ru ta và ta ru em                                                               
                  Dưới hàng dừa xứ sở gió ngàn năm...
      Cảm xúc thơ được tiết tấu trong mối giao cảm giữa đất trời và cuộc sống con người, khúc triết mà tạo thành bài thơ hay. Chỉ với thơ tình, rồi mai sau Phạm Ngọc Thái cũng phải có cả trăm bài đứng trường cửu được với đời, trong đó có tới vài chục tình thi của anh đạt vào những cung bậc của các tầm thơ hay vô giá. Phạm Ngọc Thái thực sự là một hiện tượng thơ ca hiếm có ở đương đại này.                             Tôi xin dừng bài bình luận của mình ở đây. Mong rằng với thời gian, chân dung và tầm vóc thi ca của anh sẽ được đời đánh giá đầy đủ hơn.                                               
       N.Đ.C
Thăng Long - Năm Nhâm Thìn 2012
 ---------------------------
 *  Bài viết đã được đăng ở nhiều trang mạng Việt trên thế giới . Từ trong nước sang Âu châu - Mỹ - tới các toà báo Việt Nam Úc.
     Bạn đọc muốn thưởng lãm có thể tìm xem qua một số link tiêu biểu sau:                                               
 
ttp://datvietjsc.net.vn/index.php?act=newsdetail&pid=8&cid=52&id=2242
http://binhtrung.org/D_1-2_2-237_4-4943_15-2/pham-ngoc-thai-co-chan-dung-mot-nha-tho-tinh-lon-cua-dan-toc.html
https://nghiathuc.wordpress.com/2012/11/06/pham-ngoc-thai-co-chan-dung-mot-nha-tho-tinh-lon-cua-dan-toc/
http://vandanvn.net/vi/news/Cam-nhan-tac-pham/Pham-Ngoc-Thai-co-chan-dung-mot-nha-tho-tinh-lon-cua-dan-toc-Nguyen-Dinh-Chuc-755/                                   
 http://www.tintuchangngay...-tho-tinh-lon-cua.html
http://hung-viet.org/blog1/2012/11/07/pham-ngoc-thai-co-chan-dung-mot-nha-tho-tinh-lon-cua-dan-toc/
http://nguyenduyxuan.net/tac-gi-tac-phm/vn-xuoi/3179-phm-ngc-thai-chan-dung-mt-nha-th-tinh-nguyn-inh-chuc
http://www.vanganhonline.com/2012/11/nguyen-inh-chuc-pham-ngoc-thai-co-chan.html
http://tiengchimviet.blogspot.com/2012/11/nguyen-inh-chuc-pham-ngoc-thai-co-chan.html
http://www.truclamyentu.info/tlls_trang_phamngocthai/phamngocthai_cochandungnhathotinhcuadantoc.htm
http://vanthientungqtlh.blogspot.com/2012/06/gioi-ca-pham-ngoc-thai.html
http://thuongyenho.violet.vn/entry/show/entry_id/8238139/cat_id/1603417
http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=7971
http://www.namuctuanbao.net/870/truyenNgan/truyenngan_14.php
http://llpb.datdung.com/2012/12/pham-ngoc-thai-co-chan-dung-mot-nha-tho.html
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19619
 
nhanvan

Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 30 trên tổng số 47 bài trong đề mục