Samantha
Nguyên Đỗ 28.10.2005 16:02:47 (permalink)
Samantha


Một buổi sáng tinh sương thứ Bảy, trời còn mờ mờ mát lạnh với không khí trong lành của mùa thu mới về, tôi đến công viên với đủ mọi cây đang khoe sắc lá màu rực rỡ, đẹp đến phát mê. Công viên này là của riêng tôi đó, tôi thường nghĩ vậy vì thứ Bảy nào tôi đến đây đi bộ, suy nghĩ thẩn thơ thì cũng chỉ có một mình tôi giữa một công viên rộng lớn, có hồ nước trong xanh khá lớn, và có đường vòng vòng cho những người đi dạo. Nhưng hôm nay lạ, ở phía bên kia hồ, có dáng người con gái mái tóc vàng đi thong thả trông rất thơ mộng. Tôi tò mò, thay vì đi cùng chiều với nàng thì chắc phải vừa đi vừa chạy mới mong đuổi kịp. Tôi quyết định đi ngược chiều để giảm thời gian chờ đợi dáng người hoa đang lững thững đi đằng xa. Đúng vậy, tôi thú nhận là tôi cũng như bất cứ người con trai mới lớn nào cũng hiếu kỳ và ga lăng với người khác phái, không phải có hậu ý gì mà có lẽ chỉ vì tính đàn ông con trai tự nhiên như vậy thôi.

Công viên vắng vẻ, chỉ có người con gái tóc vàng và tôi. Chúng tôi đi ngược chiều nên chẳng mấy chốc chúng tôi sắp chạm mặt. Tôi liếc nhìn nàng từ đàng xa, trông xinh xinh và nhỏ bé như người con gái Á đông chứ không to lớn như đa số phụ nữ Hoa Kỳ. Tôi gật đầu chào và chào ,"Hi" đi giáp mặt, nàng cũng chào "Hi" như thế và chúng tôi tiếp tục đi ngược chiều như thường. Vòng này tới vòng khác, chúng tôi đã chào "Hi" và "Hi again!" năm sáu lượt, tôi bâng khuâng xao xuyến muốn biết thêm về cô gái có mái tóc vàng tự nhiên như màu nắng thả dài xuống bờ vai này chi lạ, khuôn mặt dịu hiền, cặp mắt cô ta lặng trầm như thắc mắc muốn thầm hỏi điều gì mà tôi ít thấy nơi những người Mỹ khác. Đến vòng thứ bảy, tôi đành chịu thua bản tính tò mò, đánh bạo dừng lại hỏi cô gái:

-- Chào cô, tôi tên Thuyên. Tôi xin phép được đi chung cùng chiều trò chuyện với cô được không? Lúc nào cô muốn ngưng thì ngưng, không sao cả!

-- Tôi là Samantha, cứ gọi tôi là Sam đi! Tôi rất vui thích có người đồng hành, nhưng tôi báo trước là tôi đi bộ ít nhất là ba vòng nữa đấy.

Đôi mắt Samantha long lanh sáng lên tinh nghịch chế diễu. Tôi cười, ba vòng nữa có hề gì, năm sáu vòng nữa tôi vẫn còn đủ sức mà! Tôi nói:

-- Tôi thích tên Samantha hơn, tên cô như một bài thơ, một bài hát.

Rồi tôi chêm:

-- Gọi Sam cụt lủn, tôi có cảm tưởng như gọi Uncle Sam (Chú Sam, tên gọi đùa chính phủ Hoa Kỳ, hình ông già động viên thanh niên đi lính)!

Samantha cười xé lên:

-- Bạn khôi hài quá! Vậy cứ gọi tôi là Samantha nha! Tại ba má tôi chỉ có mỗi một mình tôi nên cứ gọi Sam, Sam hòai riết rồi quen tai!

Thế là chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện thân mật như đã quen lâu. Nàng học năm đầu tiên ở một trường đại học đạo Tin Lành chuyên môn đào tạo các giáo sĩ, mục sư. Tôi ngạc nhiên hết sức hỏi cô tính làm nữ mục sư thật sao. Nàng thành thật trả lời:

-- Gia đình tôi ở một vùng quê trên tiểu bang Iowa, ba má tôi sợ tôi đi học đại học thường với nếp sống hiện tại sẽ hư nên các người cho tôi theo trường đạo may ra gặp một sinh viên tốt lành nào sau này sẽ là mục sư đó thôi, chứ tôi chưa nghĩ gì tới chuyện chọn nghề nghiệp hay bạn trai.

Tôi nhìn vào mắt Samantha hỏi nhỏ:

-- Tôi có thể hỏi tuổi cô được không? Tôi năm nay 21 tuổi, đang học Southwest Missouri State University.

-- Tôi năm nay 19, lần đầu tiên xa nhà, và cũng chẳng ai quen ở thành phố Springfield này.

-- Bây giờ cô có người quen rồi đó, cô cứ xem tôi như một người bạn. Cô nhỏ hơn tôi hai tuổi đó nha, theo tiếng Mẹ đẻ Việt Nam của tôi, cô phải xưng em và anh với tôi đấy chứ có phải chơi đâu.

Samantha trố mắt nhìn tôi kinh ngạc hỏi lại tôi:

-- Bạn nói cái gì tôi không hiểu.

Tôi vừa đùa vừa nhẩn nha giải thích:

-- Nói chung ở Tây Phương, mọi chuyện đều đơn giản hóa cho nhanh việc, chứ ở Việt Nam chúng tôi thích dài dòng văn tự, một chữ "I" tiếng Anh không chúng tôi phải tùy quan hệ mà dịch cho đúng, có khi xa lạ là tôi, khi thân thuộc rồi thì em nếu nhỏ hơn, anh nếu lớn hơn, chú, bác, ông và cứ mãi thế thiên thu bất tận tùy quan hệ giữa người nói chuyện và kẻ đối thọai chứ không phải mọi chuyện đều là "I" là "You" cả!

-- Tiếng Việt hay thật, anh có thể kèm tôi học tiếng Việt được không?
-- Nếu cô thích thì tôi sẵn sàng thôi, thường tôi rảnh thứ bảy và chủ nhật thôi, các ngày khác tôi phải đi học và đi làm.

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện không biết bao nhiêu vòng, thường khi tôi đi một mình từ 8 giờ tới 9 giờ rưỡi là tối đa, đằng này hôm đó khi chúng tôi đã thấm mệt, nhìn đồng hồ đã gần trưa, bụng cũng đoi đói cồn cào! Đúng là cái buổi ban đầu gặp gỡ! Tôi nói:

-- Tôi không có hậu ý gì đâu, nhưng tôi có thể mời Samantha đi ăn hay đi uống nước với tôi ở nhà hàng Tàu tôi quen ở ngay trên đường Kearney cũng gần trường đại học của cô được không?

-- Em muốn lắm nhưng không được anh ạ! Trường đạo em khó lắm không chấp nhận hẹn hò trai gái đâu, có đi ăn thì phải kéo thêm một người bạn nữa, chứ không bị bắt gặp em bị sa thải ra khỏi trường đó!

-- Chà, ghê gớm thế! Đây là lần đầu tiên tôi nghe chuyện này đấy!

-- Em nói thật mà!

-- Không, tôi tin cô mà! Không sao đâu, lần tới tôi mời cô và bạn cô, lúc nào tiện thì cô báo cho tôi!

Tôi vội vàng móc ví lấy ra miếng giấy nhỏ và lấy cây viết ghi vội tên và số điện thọai:

-- Số điện thọai của tôi đây, hôm nào rảnh, đi chơi được cô gọi cho tôi!


Chúng tôi mỗi người một xe lái xe ra về, hồn tôi cũng mênh mang suy nghĩ về Samantha, cô gái tóc vàng này có một tâm hồn thật dễ thương, thành thật khác hẳn những người bạn trong đại học hay chỗ tôi làm. Tự nhiên tôi mong được gặp lại Samantha thứ bảy tới, hy vọng nàng cũng sẽ tới đi dạo, tập thể dục chứ không ngại chuyện hẹn hò bị trường cản cấm. Tôi cũng chẳng nghĩ tới chuyện trai gái khi mình còn đang nặng nợ sách vở và gia đình ba má tôi còn ở Việt Nam, tôi được đi với gia đình anh chị lớn tôi như vầy là may mắn lắm rồi. Đâu có dám vướng giây thừng tròng cổ đâu, tôi còn thích tự do đeo đuổi mộng học hành, còn tung hoành ngang dọc mai sau. Với lại dù sao Samantha cũng là người Mỹ, đâu có thể hiểu mình như người Việt mình đâu, tôi trong đầu dù sao vẫn có chút kỳ thị chủng tộc mặc dù tôi nghĩ tôi rất bình đẳng hòa hợp với mọi lớp người, mọi chủng tộc.

Một ngày thứ Bảy trôi qua thật đẹp, nhẹ nhàng, tâm hồn tôi cũng lâng lâng như mặt hồ xanh gờn gợn sóng với ngọn gió thu. Tôi thầm mong cho mau tới ngày thứ Bảy tuần sau. Chiều Chúa Nhật tôi đi lễ về, thì Dũng, bạn chung phòng nói với tôi:

-- Ê ông Thuyên hồi chiều có con nhỏ Mỹ nào đó gọi ông?

-- Có để lại tên hay số điện thọai không?

-- Ờ không, cô ta xin gặp Thuyn Thuyn gì đó, tôi nói ông không có ở đây, cô ta nói cô ta sẽ gọi lại rồi cúp máy! Ông ghê ha, có bồ Mỹ rồi ha? Bộ không tính làm con rể bác Nhàn, hay bác Khóat sao?

-- Ông chỉ có cái tánh hay ghép tầm bậy, đi thăm gia đình người ta một chút là ông nghi định làm con rể, đi cua ghệ không à!

Tôi chưa dám nghĩ tới chuyện bồ bịch đâu!

-- Ha ha! Dám hay không thì tự ông biết đó! Tôi định rủ ông đi thăm chị em Mai Lan, Kiều Liên rồi may ra hai đứa mình làm anh em cột chèo với nhau mà coi điệu này ông ngôi nhà chờ điện thọai con ghệ Mỹ của ông rồi!

-- Ông nói tầm bậy hết sức, hễ ai gọi tới nhà đều là bồ bịch sao? Giữa bạn và bồ, bạn gái, bạn trai xa nhau một trời một vực đó nha!

-- Vậy có dám đi tới nhà chị em Mai Lan với tôi không?

-- Đi thì đi, nhưng giao hẹn trước là tôi chỉ đi chơi với tính cách bạn bè thôi nha, ông muốn cua ai thì cua, tôi nói chuyện chơi vui được rồi.

-- Sao cũng được, khỏi ăn uống gì đi, nếu ông làm sao thuyết phục họ đi ăn tối với bọn mình được, tôi bao cho, hôm nay trúng số!

-- Số gì, độc đắc hở?

-- Độc đắc khỉ khô gì, tôi mà trúng độc đắc, tôi mua cho ông chiếc Mercedes chính hiệu con nai vàng, tha hồ chở ghệ đi chơi, số này chỉ trúng bốn con thôi, cũng được vài trăm xài đỡ ghiền. Nghèo mà ham lắm!

-- Thôi để dành tiền gởi về cho gia đình ở Việt Nam đi!

-- Chê tiền tôi hay là nhát không dám mời người ta?

-- Chê thì không chê mà nhát thì chẳng nhát đâu, tôi đâu có gì nên đâu có ngại mồm ngại miệng như ông có tà ý đâu.

Mai Lan, Kiều Liên là cháu anh Bằng đang làm hãng với tôi, hai cô cùng học chung đại học với tôi và chúng tôi quen nhau như bạn học thì tôi có gì ngại, nên khi bị khích là nhát tôi ức trí nói vậy. Tôi ghi âm lại máy trả lời điện thọai bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt để lỡ cô Mỹ nào gọi còn biết lối mà để lại số điện thọai cho tôi gọi lại. Dũng lái xe, tôi ngồi cạnh, tạm quên đi cú điện thọai, có lẽ là của Samantha, không biết sao cô ta có chuyện gì mà gọi tôi chiều nay vậy...

Chúng tôi tới nhà hai chị em Mai Lan thì biết họ đi vắng, đúng là đáng đời vì có điện thọai đó mà không chịu gọi trước. Chúng tôi quay trở lại, chưa mở cửa xong thì nghe tiếng điện thọai vang. Tôi vội vã nhấc điện thọai trả lời thì có tiếng Samanth ở biên kia. Tôi hỏi chuyện gì thế thì nàng bảo nàng nói chuyện với một cặp vợ chồng mục sư trẻ muốn học tiếng Việt để truyền giáo sau khi người vợ ra trường năm nay, ông chồng đang phụ trách ban thanh niên ở một nhà thơ Tin Lành. Tôi bảo Samantha để tới thứ Bảy tới sau khi tập thể dục rồi tôi và nàng cùng tới thăm gia đình mục sư trẻ đó nói chuyện rồi tôi mới trả lời được chứ tôi không thể quyết định được ngay. Tôi lại đùa, "Nhưng tôi sẵn sàng dạy cô tiếng Việt bất cứ lúc nào đó! Chịu làm học trò tôi không? Tôi xin làm học trò học tiếng Anh với cô, như vậy là huề nha!" Samantha trả lời:

-- Anh hay khôi hài lắm sao? Ý kiến hay đó! Không chừng tôi xin học tiếng Việt thật! Ba tôi đã tham chiến ở Việt Nam những năm 1966-1968 trước khi gặp Mẹ tôi lúc Người giải ngũ trở về vì bị thương.

-- Thật vậy sao? Tôi thành thật xin lỗi!

-- Đâu phải lỗi của anh đâu, mà chuyện đó đã lâu rồi mà! Chuyện đã qua để cho qua luôn đi!

-- Bạn nói có phải đó, chuyện đã qua để cho qua luôn! Mà hôm nay bạn đã làm những gì nào?

-- Tôi đi nhà thờ, sinh họat thanh niên, kể chuyện tôi gặp một người Việt nên ông Mike Sands hỏi chuyện và nhờ tôi liên lạc với anh đó!

-- Cám ơn cô quảng cáo nha! Cô quảng cáo hiệu nghiệm quá, chưa chi mà người ta đã đòi học rồi! Tôi không phải chia quyền lợi cho cô chứ?

-- Anh lại đùa!

-- À, tại quê hương tôi chiến tranh dài, khổ nhiều nên có vũ khí lợi hại truyền từ đời này sang đời kia là nụ cười đó! Một tiếng cười bằng mười gói thuốc tiên! (a laugh is worth ten miracle pills!)

-- Lần đầu tiên tôi nghe nói câu đấy đó!

-- Rồi cô sẽ nghe nhiều nếu chúng ta học chung với nhau. Tôi có một giỏ đầy danh ngôn của dân tôi đó cô ơi!

-- Anh cũng quảng cáo giỏi, tôi nói chuyện với anh mới hai lần mà thấy anh có duyên lắm, chúng ta làm bạn với nhau nha!

-- Tôi muốn điều đó từ lúc gặp cô kia mà, chứ không tôi đưa cô số điện thọai cho cô làm gì? Chúng ta là bạn nha! Nếu cô là người Việt tôi còn nói ngoéo tay nữa đấy!

-- Anh nói gì tôi không hiểu.

-- À thành ngữ đó là bắt tay đồng ý về chuyện đó (Let us shake hands on it!)

-- O K, anh cũng giỏi thật đó!

-- Gặp người giỏi thì phải giỏi theo chứ?

Samantha và tôi đùa qua đùa lại hồi lâu, anh Dũng vừa nấu ăn vừa lắc đầu cười. Mãi tới khi anh dọn ăn ra bàn, nói:

-- Ê ông Thuyên, ngưng nói chuyện ăn uống ngủ nghê rồi mai còn đi học đi làm!

Thời gian đi qua mau thật, tôi nhìn đồng hồ, gần 7 giờ tối rồi, chúng tôi đã nói chuyện cả tiếng, thế nào anh Dũng cũng chọc quê tôi thôi, nên vội vàng từ giã hẹn gặp lại Samantha thứ bảy tới và nhờ Samantha nhắn với mục sư Sands khoảng 10 giờ rưỡi sáng thứ Bảy.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.10.2005 17:55:48 bởi Nguyên Đỗ >
#1
    n.trang 29.10.2005 20:56:14 (permalink)



    (Còn tiếp: Máy hôm qua bị trục trặc, tối nay viết tiếp)


    Viết tiếp đi Mr.Đỗ.
    #2
      Nguyên Đỗ 04.11.2005 17:59:00 (permalink)
      Thứ Bảy sau đó, tôi đã chạy ba bốn vòng quanh hồ rồi mà Samantha vẫn chưa tới. Tôi nghĩ thầm chắc nàng bận việc không tới được hay tại trường biết nàng đi một mình tới tập thể dục với thanh niên lạ như tôi không cho phép nàng đi. Trường đại học Baptist Bible College gọi tắt là BBC nằm cạnh đường Kearney, chìm sâu dưới con dốc, trông nghiêm trang khó khăn lắm, tôi tình ngay cũng ngại vào, sợ người ta nghĩ này nghĩ nọ. Tôi chạy thêm một vòng nữa thì Samantha lái xe tới, nàng vẫn mặc áo đầm, vẫy tay chào tôi, rồi lững thững đi bộ. Tôi chạy tới gần, chạy chậm lại, rồi đi cùng chiều với nàng hỏi chuyện.

      -- Hôm nay Samantha ra sao? Vẫn khoẻ chứ?

      -- Khoẻ, còn anh?

      -- Tôi khoẻ, đã chạy vài vòng rồi, giờ Samantha tới thì tôi xin phép đi bộc chung với cô nhé!

      -- Rất vui được đi cùng anh! Đi xong thì chúng ta tới nhà thờ gặp ông bà Sands nhé!

      -- Được mà, đã đồng ý rồi, phải đi tới xem họ có thực sự muốn học tiếng Việt không, còn cô có thích học tiếng nước tôi không?

      -- Tôi thực sự không biết, sợ học không được, mặc dù tôi rất thích và muốn. Hiểu được tiếng nói của anh là một điều hay, như anh nói được tiếng Anh là có thể hiểu văn minh của Anh quốc, Hoa Kỳ và Úc đó!

      -- Tôi chưa hiểu và nói được nhiều đâu, chỉ bõm bẽm nói thôi, chứ tôi phải học hỏi nhiều ở cô và các bạn Mỹ của tôi, tôi qua đây hơi lớn, nên học mãi cái lưỡi vẫn cứng đơ, phải chi tôi qua đây trước khi mười hai tuổi thì học mau ngôn ngữ nước ngòai mau hơn và tiến bộ hơn, các nhà ngôn ngữ nói vậy!

      -- Chuyện gì cũng phải cần thời giờ mà! Anh phải kiên nhẫn đó!

      Tôi nhìn Samantha cười:

      -- Cô khuyên tôi câu đó, thì cô cũng tự áp dụng khi học tiếng Việt nha, tôi hứa với cô là tôi sẽ tận tình dạy cô hết những gì tôi biết về ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi.

      -- Anh nói vậy thì tôi cố gắng hết mình, nhưng còn để coi có khả năng hay không.

      Tôi ra vẻ học giả mọt sách đem câu nói của nhà phát minh Emerson ra thuyết phục:



      -- Thiên tài thường là 98% tận tâm chỉ có 2% là thông minh! Cô cho tôi 98% nỗ lực của cô trong việc học tiếng Việt đi, tôi bảo đảm cô sẽ học được, nói được, viết được, vì có lẽ tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ đầu tiên áp dụng cách phiên âm, tiền thân của Hội Phiên Âm Quốc Tế bây giờ đó.

      Samantha trố mắt nhìn tôi:

      -- Tôi đồng ý với anh về chuyện tận tâm của Emerson, nhưng phiên âm, và IPA là gì tôi chưa nghe nói.

      Tới phiên tôi ngạc nhiên:

      -- Cô thật sự không biết tới International Phonetic Association thật sao?

      Hội Phiên Âm Quốc Tế (IPA) đã được thành lập từ năm 1886 tại Paris để cổ võ nghiên cứu mang tích cách khoa học các ký âm cũng như cách áp dụng thực tiễn của ngành học này. Tôi giải thích cho Samantha biết sự phát triển của văn hóa Việt Nam từ văn học cổ vay mượn từ Hán tự chuyển sang chữ Nôm rồi ra chữ quốc ngữ hiện đại được La Tinh hóa vì các nhà truyền giáo gặp khó khăn tốn giờ học chữ Hán, rồi lại phải học chữ Nôm, trông cũng na ná giống chữ Hán mà không phải chữ Hán, chi bằng dùng ký âm với các mẫu tự có sẳn của Bồ Đào Nha, Pháp, I pha Nha (Ý) để ghi lại âm tiếng Việt với sự giúp đỡ của các thầy giảng, thầy cả (linh mục) người Việt để hoàn thành bộ tự điển đầu tiên Việt - Bồ - La cách đây hằng mấy thế kỷ. Samantha nghe tôi nói rành rẽ lấy làm thích thú về lịch sử Việt Nam lắm, cô hỏi về tình hình tôn giáo, tôi cũng giải thích là phần đông dân Việt Nam theo đạo thờ cúng ông bà tổ tiên, đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, một số nhỏ theo đạo Thiên Chúa giáo khoảng chừng 3-4 triệu và đạo Tin Lành khoảng 1-2 triệu trong tổng số dân cỡ 70 triệu lúc bấy giờ...

      Samantha nhìn tôi như một học giả cứ nói đi nói lại rằng cô đã tìm đúng người cho ông bà mục sư Sands, tôi nghe hòai máu khôi hài lại nổi lên, quay lại nhìn thẳng vào mắt Samantha hỏi:

      -- Tôi có đúng là người cho Samantha không? ( Am I the right person for you?)

      Samantha đỏ mặt quay đi, nói:

      -- Anh lại đùa vui nữa rồi! ( You're being funny, again!)

      Tôi cười nói:

      -- Mẹ tôi thường mắng tôi là thằng khỉ con, thích lỉ khỉ, chọc cười đó!

      -- Em ước ao được gặp Mẹ anh để xem anh nghịch tới độ nào lúc nhỏ! Mới quen anh thôi mà em thấy anh phá quá!

      Tôi phân bua:

      -- Tôi phá bằng miệng thôi, chứ có hại ai đâu mà trách quá vậy nè! Tôi phá để học tiếng Anh thôi, chứ cứ câm như con sò thì chừng nào tôi mới nói tiếng Anh được. Thực hành mãi sẽ hoàn thiện mà (Practice makes perfect!), muốn tiến phải lầm lỗi, sợ lầm lỗi sẽ không tiến đâu!

      -- Anh làm em yên tâm hơn trong vấn đề học tiếng Việt, em ghi danh làm học trò của anh nhé, ông thầy?

      -- Anh làm thầy em dạy tiếng Việt, em là cô giáo anh dạy tiếng Anh, vậy là huề ha, không ai nợ ai, coi như bình đẳng, mình là bạn.

      Tôi chợt muốn nghịch ngợm phá thêm câu nữa, mà cố hãm mình không nói thêm đâm ra cợt nhã với cái câu vừa loé lên trong đầu là cô là con gái nên cô là bạn gái của tôi, còn tôi là con trai nên tôi là bạn trai của cô đối với một nữ sinh học trường đạo dáng nghiêm trang chẳng khác gì các cô đệ tử hay tập sinh của các dòng nữ ở Việt Nam.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.11.2005 15:37:41 bởi Nguyên Đỗ >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9