Trái tim của Miêng và nỗi bất hạnh của người Phụ nữ Ðoàn Nhã Văn Ðến với Miêng, người đọc bắt gặp ngay cái tâm bão của bà: dựng lại những bất hạnh của người phụ nữ trươc dông cuồng của thời cuộc, trước sóng gió của lòng người. Tại sao không là hạnh phúc, mà lại là những nỗi bất hạnh, những bi kịch lớn? Bước vào từng truyện ngắn, người đọc sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình.
Ðã có nhiều chục ngàn trang sách để viết về phái nam trong thời chiến, sau cuộc chiến, và trên xứ người. Số trang sách dành cho những người phụ nữ cùng thời, quả có hiếm, nếu không muốn nói là quá ít ỏi. Thiếu bình đẳng chăng? Thật ra không phải thế. Có lẽ những gì mà người đàn ông trải qua, thường dễ nhận biết. Họ chiến đấu ở sa trường; họ đổ máu vì đất nước; họ bị giam cầm hàng loạt sau 1975. Hình ảnh họ bám vào từng tháng ngày lịch sử. Nỗi mất mát của họ dễ nhận diện. Còn ở người phụ nữ, nỗi đau dai dẳng không kém nhưng âm thầm hơn. Vết thương của họ cũng sưng tấy lên với đổi dời của thời cuộc, với bi đát của quê hương. Bản tính của người phụ nữ là chịu đựng, nên cái đau của họ ít lộ ra bên ngoài. Nhưng cũng có lẽ, đi sâu vào tâm lý người phụ nữ, chạm với niềm thống khổ tận cùng của họ, đòi hỏi một sự kiên nhẫn và một cảm thông lớn, rất lớn. Vì vậy không có nhiều tác phẩm viết về cái « đau » của họ. Chưa bao giờ có một tập hợp nhiều mảnh đời khác nhau, mà mỗi mảnh đời là một bi kịch, một bất hạnh lớn, như ở Miêng. Bà không những chỉ chuụp lại những bức tranh thời thế, mà bà đã thổi vào đó những hơi thở ấm của cuộc đời, trái tim bà cùng đập những nhịp chậm, nhanh ở những giây phaút bình thường hay căng thẳng cùng nhân vật, vì thế đã tạo nên những truyện ngắn đầy sức sống. Qua những truyện ngắn của bà, ngoài một tấm lòng, người đọc còn thấy ánh lên những nét tài hoa.
Chân dung của những bà cụ, những người mẹ già, hiện đều và rất rõ nét trong truyện của Miêng. Mà tại sao lại phải kể chuyện về các cụ? Tôi nghĩ, đó cũng chính là câu hỏi đã chất vấn và thôi thúc Miêng trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Có thể đã lặp đi, lặp lại nhiều lần.
Theo vòng quay của một đời người: sinh-lão-bệnh-tử, thì các cụ đã bước vào giai đoạn: lão, bệnh. Và dĩ nhiên, chuyện gần đất xa trời chỉ là chuyện phải đến, và có thể đến bất cứ lúc nào. Hình ảnh hôm nay của các cụ cũng là hình ảnh của chúng ta trong những năm dài sắp đến. Ðó chính là những tấm gương, sống thực nhất, rõ ràng nhất của cuộc đời. Mà cuộc đời vốn đa dạng, nên hình ảnh các cụ đã được Miêng vẽ lại dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Mỗi bức chân dung chứa đựng những ưu tư, những dằn vặt, những ám ảnh, những dồn nén, những cô đơn, những giông tố, v.v…, và tất cả những điều vừa nói, đã gom lại làm thành những cơn sóng dữ, phủ lên cuộc đời của họ. Rồi các cụ, lan rộng sang những người phụ nữ trẻ, từ trong nước, ra đến từng ngóc ngách bên ngoài hình cong chữ S. Ở bất cứ một nơi nào, người đọc cũng bắt gặp những nỗi bất hạnh nghiệt ngã của họ. Ở trong nước, họ tất bật, ngược xuôi với cuộc sống. Chạy chọt từng miếng cơm manh áo cho con. Lo cho chồng những tháng ngày cơ cực sau cuộc đổi đời bi thảm. Vết thương của họ không là những vết thương ngoài da, mà là những vết thương cắt sâu lút đến tận tâm khảm. Họ bị lường gạt từ vật chất đến tinh thần. Nhìn lại giọt máu rơi trong bụng mình, lòng họ quặn lại nhưng vẫn rộng mở để có thể tha thứ cho kẻ hại mình. «
Cô hài lòng với quyết định của mình. Ờ, cho dẫu hắn đối với cô không chân thật, nhưng cô tha thiết gì đến việc hắn ngồi tù? Thôi thì, thêm một lần, cô nhắm mắt hy sinh hco cái gì cao cả hơn là cái tự ái căm hờn thường tình của con người. Cô đi bãi nại cho hắn được ra về» (trang 163). Ðến một lúc nào đó, sức người không còn chịu đựng được nữa, sinh ra quẫn trí.
«Chị bước đi với bước chân vô hồn. Cũng không phải lẩn đầu tiên trong đời hai bàn chân đong đưa chị vào nỗi u mê vô định như vậy, nhưng lần này quả thực là chị cứ như chiếc lá khô để cơn gió mặc tình cuốn đi lơ lững ngập ngừng» (trang 65). Sống trên chính quê hương mình không được, cách duy nhất là ra đi, dù trăm ngàn cay đắng đang chập chờn phía trước. Trên đường vượt thoát, biết bao người vợ, người mẹ bỏ mình trên biển cả:
«Có, cô y tá đưa hết giấy má thư từ của ông ấy cho em xem… Em đọc rồi, vợ con đều chết trên biển khi vượt biên» (trang 19, 20). Cả một trời dông bão, cả một biển mênh mông đen ngòm, cả một không gian lạnh ngắt; cộng với cướp biển, hải tặc; tất cả hùa vào nhau, cướp đi bao sinh mạng. Rồi trên xứ người giá buốt:
«Tôi đi theo người đàn ông thứ nhất vượt biên. Tới Pháp, anh bảo em triệt sản đi, anh không muốn có con nữa. Chẳng biết anh nói gì với bịnh viện. Người ta đưa tôi lên bàn mổ rồi hai tuần sau thả về. Ba năm sau anh bảo lãnh vợ con qua» (trang 18). Dĩ nhiên kết quả của những cuộc tình như vầy xảy ra như thế nào, không cần dài dòng, người đọc có thể đoán được.
Người phụ nữ không chỉ đối diện với những con sóng bạc đầu của lịch sử, mà họ còn phải chịu đựng những nghịch cảnh bắt nguồn từ những tập quán lâu đời của xã hội. Rõ ràng nhất và sống động nhất là hình ảnh của chị Thảo trong truyện ngắn Hiếu Thảo. Ở đây, khi bậc cha mẹ quyết định hết mọi thứ cho con cái, điều vẫn thấy trong gia đình người Á đông, dù rằng con cái đã trưởng thành, đã tạo ra những bi kịch lớn cho con mình. Khi con cái không thể quyết định theo ý mình, kết quả là họ chỉ như một chiếc bóng đeo đuổi bên cạnh thế hệ trước. Ðời họ tiếp nối từ sự lỡ làng này đến những mất mát nọ. Như chị Thảo trong truyện, khi ở tuổi yêu đương thì cha mẹ từ chối lời cầu hôn của người yêu vì không môn đăng hộ đối. Khi bước vào lớp tuổi «lỡ cỡ», cha mẹ lại một lần nữa tự quyết định lấy cho chị «Mày muốn thì cứ đi, chứ sống nhờ vào rể là tao không đi» . Khi đến đường cùng thì «Bây giờ nếu có thằng nào muốn dẫn con Thảo đi ngoại quốc, tao cũng cho đi.
Người Miên cũng được» (trang 104). Cuộc đời đâu phải ai cũng ngồi đó mà chờ đợi chị Thảo. Vì thế, chị với mẹ mình như hình với bóng. Khi bà cụ mất đi, đời chị không còn gì nữa, con người hoá điên rồ. «
Chị Thảo chà xát phiến đá trên mộ mẹ với tất cả sức lực của chị. Chị chà với vẻ khẩn trương, miệng lẩm bẩm người ta bảo chà khô mới bóng, người ta bảo chà khô mới bóng. Chị có hình ảnh của người đang lên đồng. Mặt võ vàng, buồn rười rượi, mắt ráo hoảnh khô cứng trước cái nhìn lúc nào cũng ngơ ngác vô định, nhưng miệng luôn luôn mấp máy nói chuyện với ai. Trông chị như miếng giẻ khô nhúng nước» (trang 101).
Ðây là một bi kịch lớn của người Á đông, và nhất là người Việt Nam.
Nhìn qua lăng kính cuộc đời, trước hết, Miêng sống và thở với nhân vật của bà trong những giai đoạn khắc nghiệt của đất nước. Giữa những gọng kìm lịch sử, họ là những người kém may mắn để phải đối đầu với bão dông. Bão dông không chỉ ở thời cuộc, mà còn nằm trong lòng người. Khi bão dông gây ra bởi những người cùng một màu da, thì sức kinh phá của nó khó mà tưởng tượng nổi. Hậu quả của nó là những vết sẹo ngàn đời trong tâm khảm của những người phụ nữ Việt Nam.
Thứ đến, Miêng không chỉ dựng nên bi kịch, bà còn đưa ra một thách đố lớn: làm sao giải quyết được những tồn đọng ngàn năm, những lớp rễ xơ cứng đã dính chặt vào ý nghĩ của người Việt chúng ta. Dù rằng bà không viết ra từng lời, từng chữ rạch ròi như vậy, nhưng người đọc vẫn thấy được điều này nằm giữa những dòng chữ của bà. Dĩ nhiên, mỗi người có một cách đối diện và giải quyết khác nhau, còn nhà văn, mục đích duy nhất của họ là gợi lại, mở ra những thách đố này cho cuộc đời, cho mỗi người đọc. Thách đố này không phải chỉ cho một thế hệ, mà cho nhiều thế hệ nối tiếp nhau.
Nhìn qua lăng kính nghệ thuật, Miêng là một tác phẩm đẹp, rất đẹp.
Trước tiên là góc cạnh tương phản. Nghĩa là, dùng hình ảnh này để bật lên một hình ảnh khác, một suy nghĩ khác. Nói rõ hơn, «suy nghĩ khác» đó chính là điều bà muốn gởi gắm đến người đọc. Bà dùng niềm vui để tả nỗi buồn; bà vẽ hồn nhiên để dựng nên sóng gió. Ðây là nghệ thuật. Không, đây là tầng cao của nghệ thuật.
Trong truyện ngắn Hy Sinh, sau khi một người lính nằm xuống cho quê hương, tin buồn được báo cho gia đình hay, vũ trụ như ngừng lại, cảnh vật không còn êm đềm như hằng ngày, mà có cái gì như dấy lên, xoá nhoà đi những nét thường tình. Cái gì đó chính là nỗi dằn vặt của người đi báo tin. Ðiều không bình thường là hình ảnh bà mẹ hình như chưa hiểu trọn nghĩa hai chữ hy sinh, mà ngược lại cứ tưởng con mình chịu khó cực để gởi về cho bà.
«Tui biếc mà. Thằng con tui bao giờ cũng hy sinh lắm. Tiềng nữa? Ðó, hễ có tiềng là nó cho tui liềng hà. Tội nghiệp, nó không giữ lại, nhằm khi gió máy» (trang 124). Chẳng thà thấy bà mẹ khóc lóc thảm thiết nhu vẫn thường thấy hàng ngày, người làm nhiệm vụ báo tin có lẽ đỡ thấy bứt rứt hơn, đỡ đau xót hơn khi ra về. Ðằng này, người mẹ cứ dửng dưng, cứ như vui sướng. Ðằng sau cái ngô nghê của bà là cả một trời đổ vỡ, đớn đau.
Còn nữa, bà dùng hình ảnh bất thường để nhắm đến cái bình thường, và ngược lại. Ngay như trong quan hệ yêu đương, ân ái chẳng hạn. Với người Việt Nam, chuyện đồng tính luyến ái là chuyện «bất thường» . Nó nằm ngoài cái hàng rào suy nghĩ của hầu hết người Việt Nam. Và dĩ nhiên, đến hôm nay, con số chấp nhận chuyện này quả là còn quá nhỏ. Nhưng với người ngoại quốc, nhất là các quốc gia tiên tiến, chuyện này như là một bình thường. Vậy nếu đứng bên ngoài mà nhìn vào, phải chăng ta còn có những suy nghĩ «bất thường»? Bình thường và bất thường chỉ cách nhau có một sát na. Bà không đi hết; chỉ giữa chừng rồi dừng lại, để người đọc tự nhận ra cái bình thường và bất thường dưới nhãn quan của mình. Chính sự lấp lửng tạo nên những ưu tư lớn nơi người đọc.
«
Ðêm đầu tôi nhường giường cho chị. Ðêm hai chị bảo tôi cùng nằm, âu yếm vuốt tóc tôi. Ðêm ba giữa đêm tôi thức giấc, mơ hồ cảm giác tay anh sờ soạng khắp người. Ðêm tư tôi bẽn lẽn như cô dâu mới về với chồng. Ðêm năm nhớ lời ngoại dặn: đứa nào nói thương thì theo nó đi, đừng hòng ai mang trầu rượu» (trang 18).
Rồi bà dùng cái quê mùa, đôn hậu, cái chơn chất, thật thà trong một bà cụ, để bật lên tấm lòng trong suốt, mênh mông của những người mẹ. Và điều này đã tạo nên những xúc động lớn.
-
Bà già muốn mua vé đi đâu? -
Tui đi thăm con tui. Chữ «tui» hơi kéo dài như bày tỏ quyền sở hữu thiêng liêng khó ai chiếm đoạt. -
Ờ thì bà đi thăm con hay thăm bồ gì cũng được, hễ còn chỗ thì tui bán. Con bà ở đâu? -
La cu La gì đó. Người bán vé nhay mắt: -
La cu La dái. Nhiều tiếng cười nổi lên. Bà cụ có vẻ quýnh, nhếch mép ngô nghê. Người bán vé dịu giọng: -
Thôi được, La dái để lần sau. lần này tui bán cho bà đi La cu. Mấy người? -
Tui đi mình ênh. (trang 120).
Phương thức dùng hinh ảnh tương phản có từ lâu, lâu lắm. Nhưng sử dụng trong văn chương, không phải dễ dàng. Nó đòi hỏi một nhà văn không những giàu sáng tạo mà phải tôi luyện trong chữ nghĩa. Có tôi luyện đủ lửa, có gạn lọc tới độ chín mùi, thì hình ảnh sử dụng mới sắc sảo, tự nó đủ sức làm bật lên điều mình muốn nói, mà không cần dài dòng dẫn giải, thuyết minh. Phương pháp này là một trong những phương pháp mà Kim Thánh Thán gọi là phép vẽ mây nẩy trăng. Muốn trăng sáng, đẹp, hãy vẽ thêm mây. Trăng đẹp hay không là tùy vào khả năng người vẽ. Khả năng thấp: mây che trăng. Khả năng vừa: trăng chưa đủ sáng. Khả năng thượng thừa, người thưởng ngoạn nhìn mây, thấy sự rực rỡ của ánh trăng vàng. Và Miêng là một rong những hoạ sĩ cao tay trong phép vẽ mây nẩy trăng này.
Ở một khía cạnh khác người đọc cũng thấy cái rất riêng của bà. Ðó là vấn đề phục bút. Ngón nghề phục bút là một trong những phương pháp nghệ thuật khó sử dụng. Phục bút là sử dụng lại nét bút trước đó, hình ảnh trước đó, hay chi tiết trước đó thêm một lần nữa. Mà chính ở lần thứ hai này, dù tác giả không nói hết lời, dù người viết có bỏ lửng lơ, người đọc vẫn liên tưởng đến, vẫn nhận thức được việc gì đang xảy ra. Thử đọc lại một truyện ngắn của bà, truyện Nhân Chứng.
Cả hai đều có gia đình. Hai người gặp nhau ở phòng mạch của người đàn ông. Họ bắt đều lén lút đi lại với nhau sau đó. Chiếc giường dành cho bệnh nhân cũng chính là nơi hai người trao thân gửi phận. «Chúng tôi cùng nằm bên nhau, nhưng không úp mặt vào tường, mà úp mặt vào nhau để nghe tiếng thở, tiếng tim đập mạnh và tiếng lòng thương yêu mời mọc. Lần đầu tiên thấy tôi hốt hoảng vì khi ra về cửa vẫn mở toang, anh cười tin tưởng:
-
Không sao đâu, không hẹn thì chẳng ma nào đến. Nếu ngại thì em nhớ đóng. Ừ, anh vẫn có thói quen không đóng cửa phòng ngoài (trang 139-140).
Rồi sau đó người đàn ông bị đưa ra trước vành móng ngựa vì bị tình nghi giết vợ mình. Người đàn bà sau những dằn co dữ dội trong nội tâm, cuối cùng bất chấp mọi hàng rào ngăn cản, đã ra làm chứng để minh oan cho ông vì mang suy nghĩ: có thể ông đã vì bà mà âm mưu giết vợ. Sau đó, bà bị gia đình xa lánh. Nhưng điều quan trọng dẫn đến chỗ tuyệt vọng, rồi cuối cùng là cái chết của bà lại là một việc khác. Người đàn ông bay bướm này có cô tình nhân khác, và họ cũng thân mật trên giường bệnh trong phòng mạch của ông ta, như chính bà và ông đã từng. Trong một lần họ bên nhau, «
Có tiếng đóng cửa làm cô gái giật mình hỏi cái gì vậy anh. Anh khoác áo ra xem rồi trở vào trả lời không có gì, chắc gió hoặc đứa bé nào chơi nghịch đóng cửa phòng ngoài». Nhưng sau đó, khi hay tin bà tự vẫn, người đàn ông mới biết nguyên nhân đưa đến cái chết của bà. Ðó chính là thói quen của hắn «ừ, anh vẫn có thói quen không đóng cửa phòng ngoài» (trang 153). Câu chuyện kết thúc ở đó.
Cái gân guốc của truyện ngắn nằm ở nơi bỏ lửng. Chỉ có tiếng dập cửa, và thói quen của gã đàn ông được nhắc đến. Cái thói quen của gã đã từng làm bà hốt hoảng trong lần đầu ân ái. Ðây là nghệ thuật phục bút. Dù bà bỏ lửng nhưng người đọc vẫn đi suốt đến kết cục của bí ẩn. Chính cái thói quen của hắn: không đóng cửa phòng ngoài, đã tạo cơ hội cho bà thấy hết mặt trái của gã đàn ông đằng sau khuôn mặt trí thức và lối nói chuyện uyên bác của hắn. Người đàn bà thất vọng trước sự giả dối của gã đàn ông, người mà mình quyết định dứt bỏ mọi thứ kể cả hạnh phúc mong manh của gia đình để bênh vực cho hắn. Giờ thì hắn ôm ấp một người đàn bà khác. Khi sự thực phơi bày, bà như đi vào ngõ cụt. Vì thế bà tự vẫn. Lối phục bút của Miêng là một cách diễn đạt tuyệt vời trong văn chương: không nói gì hết, nhưng lại là nói tất cả.
Ở những truyện thật ngắn, Miêng dựng nên những cốt truyện đơn giản nhưng kết thúc bất ngờ. Nỗi bất ngờ kéo người đọc trở về với thực tại. Sống với thực tại, chứ không ngủ mê trong tiểu thuyết. Bởi cuộc đời luôn là một chuỗi thay đổi bất ngờ. Chính vì thế, không dễ dàng đoán được suy nghĩ, tâm trạng, hay hành động của người chung quanh, có khi là người thân quen của mình. Ở kết cục bất ngờ, truyện ngắn như đẩy một cánh cửa, mở ra một chiều hướng khác, tạo nên những bầu không khí mới, khắc một dấu ấn đáng nhớ trong lòng độc giả.
Ở truyện ngắn Ai Thương, dấu chấm hết hạ xuống đã kéo theo sự ngạc nhiên mang không khí vui vui, thì ngược lại ở truyện Biển, kết cuộc đầy cảm động. Ðiều bất ngờ là người đàn ông trút hơi thở trong tay một người đàn bà xa lạ, mà trong cơn đồng thiếp ông cứ tưởng là vợ mình. Ở truyện Trăn Trối, cái so le của cuộc đời, tạo nên sự trộn lẫn vừa cay đắng bờ môi, vừa cười ra nước mắt. Khi nguời cha sắp lià đời, đang trăn trối lại những điều tâm huyết với con trai mình, và ông tiếc nuối đã không dạy con văn hoá Việt. Ông buồn vì lúc ông còn mạnh khoẻ, chính ông đã đẩy nó ngày càng đi xa ông hơn, bởi ông muốn nó có vợ, có con để ông có cháu, có người tiếp tục mang cái họ của ông. Nhưng ngược lại, vợ nó lại là một nguời không bình thường, «cô» ấy là một gã con trai! Rồi không kịp nữa, dù là lời cuối cùng với đứa con trai, ông ra đi trong sự nuối tiếc của chính mình. Vừa lúc đó tiếng điện thoại reo vang. Người vợ tiếp chuyện điện thoại, mới vỡ lẽ rằng: người gọi cho chồng mình không phải để chia sẻ hay cảm thông, mà là nhắc đến một điều hết sức trái khoáy trong hoàn cảnh này.
«A-lô… Vâng… A chào anh… Ô cám ơn anh. Tôi vẫn thường nghe nhà tôi nói về quyển sách ấy… Vâng, anh ấy rất cần… Vâng, nhưng bây giờ thì trễ quá rồi. Cám ơn anh nhiều… Vâng… Xin chào anh » (trang 224).
Miêng sắp xếp bất ngờ trong một hoàn cảnh không thể ngờ được một cách hoàn hảo. Ôi, cay đắng của cuộc đời.
Trong hai mươi mốt truyện ngắn, mỗi truyện mang một dấu ấn khác nhau, một góc cạnh riêng biệt. Trong số này có những truyện ngắn sẽ ở lại với người đọc lâu dài như Biển, Hy Sinh, Ðiêu Thuyền, Nhân Chứng.
Hãy lấy Biển làm một minh chứng.
Truyện ngắn Biển chứa nhiều điều đáng suy ngẫm trong cuộc sống. Khi đọc xong, người đọc cứ cảm thấy bàng hoàng. Người đọc bị cuốn hút từ chữ đầu đến chữ cuối, và nhất là kết cục bất ngờ. Cái dư âm như ngân xa, xa, xa mãi trước tấm lòng và cử chỉ của người đàn bà vô danh, mang lại niềm vui cuối cùng cho người đàn ông bất hạnh, mà vợ con ông đã bỏ mình trên biển cả khi vượt thoát.
«Chị khẽ khàng đặt tay lên ngực anh. Bỗng bạo dạn hơn, chị choàng qua, siết vòng tay lại. Nụ cười ngây ngô trên môi anh kéo dài vô cùng: - Con đâu, em? - Con… đang ngủ. Anh cũng ráng ngủ một chút đi cho khoẻ. - Em nè, vợ chồng, có, những lúc, cơm không, lành, canh không, ngọt, anh có, lỡ, giận la em, cái gì, em bỏ, qua, cho anh, nghe, đừng, giận, bỏ anh, tội, nghiệp, cái chính, là, biết, anh thương, em vô, cùng, nghe em, đời anh, chỉ, có em, và, con ... Chị khóc: - Anh đừng nghĩ quẩn quanh nữa. Em không giận anh đâu. Em cũng... thương anh lắm! Hai người y tá đẩy băng ca đi. Ngang qua cửa sổ, tấm ra pha lẫn vào vùng tuyết ngoài kia. Bước vào ca-bin, chị để cạc vào máy điện thoại, bấm số. - Anh hả? Em đây ... Trẻ nhỏ dậy hết chưa? ... Xà-va anh à. Một người đồng bào ... (chị thở dài) Không, dĩ nhiên là không bà con gì với mình cả. Khi em tới thì tối rồi và coi bộ ông ta lẫn lộn hết, tưởng em là vợ ... Ơ thì anh coi, cứ Nguyễn Thị Ngọc gì gì có vần "ương" theo sau mà chả là em. Mình đã nhận bao nhiêu thứ rồi ... Có, cô y tá đưa hết giấy má thư từ của ông ấy cho em ... Em đọc rồi, vợ con đều chết biển khi vượt biên, chỉ còn ông ta sống sót với mấy người thôi ... (chị khóc) ... Xong rồi anh ạ ... Vâng, lúc năm giờ sáng, trong tay em ...” (trang 21).
Chưa đầy ba trang giấy, không tới 700 con chữ, nhưng chứa đựng nhiều nhân vật, chuyên chở nhiều điều muốn nói. Ngắn, nhưng là cả bao phần đời góp lại. Từng mảng lịch sử được dựng nên. Những xáo trộn trong đời vỡ ra. Những nổi trôi cuối đời cuốn xoắn vào nhau, tạo nên một sức hút lớn, kéo những mất mát của một đời người càng dài thêm hun hút.
Một truyện thật ngắn, chứa hết những tấm lòng, mang đủ những ước mơ, sống lại những hạnh phúc. Nhiều ý tưởng được cài đặt khéo léo. Nếu không là một dày dạn từng trải, một tinh tế và cảm thông, một góp nhặt và đãi lọc, chắc chắn không bao giờ dựng được.
Theo Nguyễn Công Hoan, “truyện là bịa y như thật”. Thật? Ở đây ông muốn nói truyện viết như thế nào mà lôi kéo độc giả. Ðộc giả đọc xong cứ như thấy nhân vật đó ở gần gũi với chúng ta, thấy hình ảnh đó như sờ được trong đời sống, thấy ý truyện đó sao mà giống với những gì mình thấy, mình nghĩ quá. Ðó là thật. Trong khi đó, ngược lại, có những chuyện thật ngoài đời, nhưng khi đưa nguyên bản vào truyện, nó không còn “thật” nữa, nhân vật có thể cứng đơ hay ý truyện cứ gập gềnh, chưa đủ sức thuyết phục người đọc. Hoặc nếu không là chuyện thật thì ắt là bịa, nhưng bịa chưa tới nơi tới chốn. Ðiều này có thể thấy ở Miêng trong một truyện ngắn của bà, truyện “Ỡm ờ”. Khi đọc xong truyện này, ta có cảm tưởng là khó có thể có một nhân vật nữ và những cuộc tình như vậy nối kết nhau bên cạnh cô trong cuộc sống này. Miêng đào bới sâu vào những người tình của nhân vật chính. Bà đi từ tánh tình mỗi người. Bà thông thạo nghề nghiệp cả ba trong bọn họ. Thậm chí bà còn len lỏi vào tận triết lý sống của từng nhân vật. Mỗi một chi tiết có thể “thật”. Vâng, có thể. Nhưng nhiều cái giống “thật” được đặt ngay ngắn bên nhau vẫn chưa đủ để tạo nên một cái “thật” trong tổng thể. Mà đây mới là điều cần thiết của truyện ngắn. Nếu bắt buộc phải làm sự so sánh, phải xếp truyện này với những truyện còn lại, thì có lẽ Ỡm Ờ đứng xa, khá xa so với những truyện ngắn khác trong cùng tập truyện ngắn của Miêng.
Tổng quát, Miêng đã dựng nên những mẫu nhân vật tuy bình thường nhưng đầy những giá trị điển hình. Bà viết ít lời, nhưng mỗi chữ, mỗi ý đều mang trọng vẹn vai trò của nó: dẫn người đọc vào từng mắt xích của những bất hạnh, những chông gai, những mất mát, những nổi trôi, những tuyệt vọng, và cả những hy vọng của từng nhân vật. Nhiều mắt xích nối liền với nhau tạo nên những chuỗi bất hạnh lớn mà người phụ nữ Việt Nam của hậu bán thế kỷ hai mươi phải gánh chịu. Mỗi một chặng đường họ đi qua, đều dấy lên những nỗi đau. Mỗi bước chân họ bước tới, đều dồn lại những niềm thống khổ. Như một số phận, như một định mệnh, những niềm đau, những bất hạnh này trải dài trong từng truyện ngắn của Miêng. Nó lồ lộ trước mắt, nó lẩn quẩn bên mình, người đọc cảm giác như mình sờ được vào từng gai góc ấy.
Miêng không cố ý tạo nên những tiếng kêu dậy đất, vang động đời thường. Bà chia sẻ với người đọc một giọng điệu man mác, trầm buồn. Chính điều này đã tạo nên nỗi da diết và sự thấm thía trong mỗi truyện ngắn của bà.
Dù là bi kịch nhỏ trong đơn vị gia đình hay bi kịch lớn bên ngoài xã hội, Miêng đều đi đến gần như tận cùng những đổ vỡ, đau thương. Ðằng sau những bi kịch đớn đau, cuối đường những bất hạnh nghiệt ngã, bà muốn gõ cánh cửa bình an và mở ra những niềm hạnh phúc. Bởi bất hạnh càng lớn, niềm hạnh phúc mới được nhận chân càng rõ. Khổ đau có trùng trùng, niềm an lạc mới thực sự được nghiệm ra trong đời sống thường nhật. Và những người đang tận hưởng những an lạc, những hạnh phúc này, chính là chúng ta: những độc giả của bà.
Ðoàn Nhã Văn
12/1999.