Một lần ăn gà luộc
Quê tôi ở Nam Định, cái đất nghèo thật là nghèo, một thời được người ta biết đến chỉ nhờ có cái ga tàu hỏa trên tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua và một cái nhà máy dệt từ thời Pháp thuộc. Cái ga tàu ấy đã từng làm dân Nam Định chúng tôi "lừng lẫy" với biệt danh "dân hai ngón", còn cái nhà máy dệt thì ngay từ thời tuổi thơ lứa tụi tôi đã "ăn mày dĩ vãng", chỉ còn được cái tiếng là nhà máy dệt lâu đời chứ làm ăn thì thua lỗ triền miên. Thâm chí cái nhà máy ấy nó đóng cửa lúc nào, tôi cũng không còn nhớ nữa.
Đất Nam Định chúng tôi còn được cái tiếng là... "đất học", nhiều người học hành thành tài, có danh, có tiếng. Nhưng sau này đi lang thang nhiều nơi, có trải nghiệm của chính mình, nghĩ lại cái mảnh đất quê hương, tôi lại thấy cái "đất học" ấy có nhiều người chịu học chỉ vì... nghèo quá, chả có gì làm ngoài cái việc học. Và đặc biệt hơn nữa, đại bộ phận học với mục đích là để... thoát xứ. Cái lớp học cấp III của tôi là một lớp chuyên, có 40 mạng học sinh tuyển chọn, có thể coi là đại diện tài năng của toàn tỉnh Hà Nam Ninh khóa đó, thời đó, về môn ngoại ngữ. Trong 40 mạng ấy, giờ chỉ còn đúng 03 mạng còn ở lại thành phố quê hương. 37 mạng còn lại đã đi nơi khác lập nghiệp, làm ăn, sinh sống.
Tôi là một trong 37 cái mạng ấy.
Thành phố Nam Định thực ra là quê ngoại tôi. Ba tôi là dân Hà Nội, theo mẹ tôi về ở rể ở Nam Định. Thật buồn cười, nhà tôi thì anh Hai và chi Ba đều khai CMND và nhận quê quán ở Hà Nội, riêng thằng út tôi khai quê và nhận quê ở Nam Định. Sau này nhiều người hỏi tại sao không nhận quê Hà Nội theo quê nội, tôi bảo: Tôi có biết gì về cái thành phố ấy, có chút tình cảm nào với cái thành phố ấy đâu mà nhận cái thành phố ấy là quê?
Với tôi, mảnh đất nào tôi sinh ra, lớn lên và có cảm tình với nó, mảnh đất ấy là quê.
Nhà bên họ ngoại tôi ở Nam Định rất đông anh em. Mẹ tôi lớn nhất. Tính ra tôi có khoảng 10 người dì, người cậu. Mỗi lần giỗ chạp thì... đông vô cùng. Họ hàng con cháu tập trung về nhà ông ngoại, đông tới mức chật nhà chật cửa, ra vô đụng chạm. Tôi ấn tượng rất sâu về cái cảnh giỗ chạp này. Lý do thì rất đơn giản: hồi đó ở nhà lúc nào cũng được ba mẹ anh chị chú ý, còn khi lên nhà ông ngoại ăn giỗ, người quá đông, chả ai thèm chú ý tới mình, mình cứ như người thừa. Tôi không nhớ cụ thể thời gian nào thì hết cảm giác đó khi lên nhà ông ngoại. Chắc hẳn hẳn hêt những năm cấp I và lan sang đầu những năm cấp II.
Phong tục người Việt mình, giỗ chạp thì phải cúng gà. Lúc đó tôi còn bé quá, không thể nhớ được gà đã cúng hay chưa cúng trước khi mang ra chặt thịt. Nhưng cái cảnh mà tôi nhớ, nhớ nhất, luôn luôn nhớ nhất trong những ngày giỗ chạp ấy là cảnh... dì út tôi chặt thịt gà.
Dì út tôi thì vốn là người khéo tay, đảm đang nhất nhà về chuyện bếp núc, hơn tất cả gần chục anh chị của dì. Hồi đó cũng vậy, mà mãi sau này cũng thế. Dì bây giờ đã chuyển vô Sài Gòn sống giống gia đình tôi, và dì vẫn nấu ăn ngon vô địch. Tôi nhớ cảnh dì út chặt thịt gà thế này. Dì cầm con dao to, nặng, đen sì và hẳn là rất sắc, chặt phát nào ra phát đó. Con gà chặt ra từng miếng cứ đều chằn chặn, xếp lên đĩa thì thành một khuôn hình vàng rộm, đều tăm tắp, nhìn chảy nước miếng. Có một điểm đặc biệt là không bao giờ dì út chặt hai cái đùi gà. Dì để riêng hai cái đùi gà đó ra ngoài, đặt vô một cái đĩa khác. Chặt gà xong, dì mang đĩa thịt gà đi đâu đó, còn cái đĩa đựng hai cái đùi gà đó, dì bỏ vào "chạn", rồi khóa lại.
Nói về cái "chạn" chắc thế hệ bây giờ hoặc thế hệ bạn bè cùng lứa tôi ở trong Nam không thể nào hình dung được thế nào là cái "chạn" ngoài Bắc. Tôi xin mô tả lại đại loại như thế này. Cái "chạn" là một cái tủ gỗ đựng thức ăn, công năng tương tự như cái tủ lạnh bây giờ. Nhưng nó không lạnh, không có tác dụng giữ thức ăn để lâu mà chỉ có tác dụng ngăn ruồi, mỗi, kiến và gián. Cái "chạn" phần bên trên có cái cửa, mở ra mở vô để bỏ thức ăn, bốn mặt được ngăn kín bằng lưới thép, mắt lưới khoảng nửa ly hoặc một ly gì đó. Nhờ có lớp lưới thép này mà "chạn" ngăn được ruồi, muỗi, gián. Phần dưới chỉ là dóng gỗ đựng chén bát. Ngăn kiến thì dưới bốn chân của "chạn" kê bốn cái bát (trong Nam gọi là cái chén), và mỗi cái bát đổ nước vào trong. Không đổ đầy quá để chóng mục gỗ chân chạn. Chỉ đổ ít ít vừa ngăn kiến bò qua thôi. Khi nào khô hết nước thì đổ thêm nước. Đôi khi "chạn" có khóa. Cái khóa đó chắc để ngăn... người, giống như cái khóa trên cái "chạn" của dì út tôi. Và người để ngăn, với dì út, chắc hẳn là những thằng cháu... như tôi.
Tôi mô tả cái "chạn" kỹ như thế là vì... cái "chạn" của dì út tôi ở nhà ông ngoại ấy là một... sự thèm khát suốt tuổi thơ tôi. Quả thật, tuy nói vậy hơi thô thiển, hơi vật chất hóa, tầm thường hóa tuổi thơ, nhưng đó lại là sự thật. Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về tuổi thơ đâu phải chọi bi, đánh đáo, đánh cù, đâu phải trốn học đuổi chim bắt bướm rồi "bị mẹ bắt ... chưa đánh roi nào đã khóc... cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích..." đâu. Ấn tượng sâu nhất của tôi về tuổi thơ của chính tôi là... sự thèm khát. Sự thèm khát khúc bánh mì patê đầu ngõ, sự thèm khát gói xôi khúc ngã tư đầu đường và sự thèm khát... hai cái đùi gà trong cái "chạn" của dì út. Nó đeo đẳng tôi, lâu lắm, dai dẳng lắm. Ba mẹ tôi đều cán bộ nhà nước, cơ bản sống thụ động nhàm chán dưới sự bao cấp của nhà nước, đủ cơm ăn áo mặc là vui rồi. Muốn cơm ngon hơn chút, áo đẹp hơn chút là phải nhờ vô sự tần tảo và khéo tay của mẹ.
Một sự thật đáng buồn là hồi đó nhiều lúc tôi ghen tị với mấy đứa bạn học mỗi sáng được ăn bánh mì patê mà tôi không được ăn. Gia đình những đứa đó ba mẹ tôi gọi họ là gia đình "con buôn". Và trong tuổi thơ của mình, tôi rất nhiều lần ước mình được sinh ra trong gia đình "con buôn" như thế, chỉ để được... ăn bánh mì patê mỗi sáng.
Quay lại chuyện cái "chạn" của dì út tôi. Lần nào lên nhà ông ngoại ăn giỗ cũng thế, tôi lăng xăng xung quanh dì út xem dì út chặt gà. Xem từ đầu tới cuối. Xem một cách thèm thuồng. Hiển nhiên là tôi cũng nuốt nước miếng ừng ực. Dì út thì nhiều cháu quá, chẳng bao giờ thèm quan tâm tới một thằng cháu như tôi. Hồi đó hình như dì đang yêu thì phải, người yêu dì hồi đấy sau này là dượng tôi bây giờ. Chỉ biết hồi đó dì không thèm quan tâm chút nào tới thằng cháu bên cạnh, cái thằng cháu... lăng xăng một cách thèm thuồng, chỉ mong dì... rớt cho một miếng vụn gì đấy, bèo nhèo cũng được, bạc nhạc cũng được. Không, dì chẳng thèm để ý. Dì luôn kết thúc rất gọn gàng việc chặt gà. Rồi dì cất hai cái đùi gà luộc để dành vô "chạn". Rồi dì khóa "chạn" lại. Rồi dì xách đĩa thịt gà đã luộc xong đi, bỏ lại tôi ngơ ngẩn ở đó một mình.
Phải mô tả cái cảm giác của tôi lúc đó thế này: Tôi thẫn thờ đứng trông theo dì, hay theo đĩa thịt gà luộc của dì rời đi. Sau một hồi thẫn thờ, tôi lại gần cái "chạn", say mê nhìn ngắm hai cái chân gà luộc khóa trong đó qua mắt lưới "chạn". Rồi tôi tưởng tượng. Ồ, tôi tưởng tượng... nếu tôi được một lần cầm một cái chân gà ấy lên, được một lần... cắn ngập chân răng.
Giỗ ở nhà ông ngoại tôi bao giờ cũng thế, lần nào cũng thế, cho tới tận khi tôi lớn. Hay nói chính xác hơn là cho tới khi hết tuổi thơ tôi. Tôi tự tính lại tôi lớn khi nào. Có lẽ tôi lớn, nghĩa là tuổi thơ tôi kết thúc, khi tôi biết nhìn trộm các bạn gái trong lớp mình (và cả các bạn gái lớp khác nữa) và sau này là biết yêu. Tôi không nhớ được cụ thể thời gian, có lẽ quãng lớp Bảy hồi cấp II là hợp lý. Lúc đó thì hiển nhiên một tà áo xinh, một mái tóc thề hay một đôi mắt huyền quan trọng hơn... cái chân gà trong "chạn" của dì út nhiều.
Chuyện tiếp theo của tôi cũng không có gì đặc sắc. Sau này tôi lên đại học, học một năm ở Hà Nội rồi chuyển vô Sài Gòn. Gia đình hồi đó chuyển vô Sài Gòn có sự vất vả nhất định về tài chính, nên tôi phải chuyển học vào theo để đi làm phụ gia đình. Tôi từ Hà Nội vô tới Sài Gòn ngày 2/9, ngày Quốc Khánh năm đó. Ngày 4/9 đi làm. Ngày 5/9 lên trường làm hồ sơ nhập học trường mới.
Tháng lương đầu tiên của tôi, tôi dẫn một thằng bạn học mới quen trong trường mới (sau này hai thằng chơi rất thân với nhau) đi uống bia hơi ở một cái quán bia hơi cạnh trường. Cái quán đó từ trường tôi đi qua một cái cầu mới tới. Cái cầu dài khoảng 50 mét. Hai thằng uống hết một bình hai lít bia hơi mà tôi nghĩ quán lúc đó hẳn phải ăn gian, chỉ còn 1.7 hay 1.8 lít gì đó. Uống có bấy nhiêu thôi, và tôi từ quán về lại trường, say quá, đi bộ trên cầu mà chân phải móc vô chân trái, té bám lên thành cầu. Nếu cầu không có thành, chắc hôm đó tôi đã lăn tòm xuống kênh Nhiêu Lộc rồi. Tháng lương đầu tiên đó còn dư bao nhiêu, tôi mang về đưa hết cho mẹ tôi.
Tháng lương thứ hai, tôi cũng đưa hết trọn vẹn cho mẹ tôi nhưng mẹ tôi không chịu. Mẹ tôi bảo: "Nhà có chị, có anh cùng lo. Con nhỏ nhất, tự lo được việc học của con là được rồi. Tiền con kiếm được tự giữ lấy mà xài." Tôi không chịu. Hai mẹ con nhăn nhó một hồi, cuối cùng tôi đồng ý cầm lại một nửa, mẹ tôi đồng ý lấy một nửa. Lương tôi hồi ấy chính xác là 229.000 đồng / tháng. Chắc mẹ tôi đưa lại cho tôi hơn 100.000 đồng.
Cũng may, gia đình tôi rất nhanh vượt qua giai đoạn khó khăn tài chánh hồi đó.
Hôm đó, tôi đạp xe đạp từ nhà tôi Quận Tân Bình lên chỗ làm Quận Phú Nhuận, vừa đạp vừa miên man nghĩ mình sẽ làm gì với 100.000 đồng này nhỉ. Phải nói thêm là khi đi làm, tôi ở luôn chỗ làm buổi tối, ban ngày đi học, rất hiếm khi về nhà. Trung bình một tháng về nhà thăm ba mẹ được một hai lần.
Và hôm đó, trên đường tới sở làm, tôi đạp xe qua bùng binh Lăng Cha Cả.
Năm đó, quãng đầu những năm 90, bùng binh Lăng Cha Cả có một quán cơm gà nổi tiếng là ngon và cũng nổi tiếng là mắc tiền. Tôi chỉ nghe mấy anh chị trong chỗ làm tôi nói chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vô đó ăn. Quán gà ấy tên là gì, lúc đó rất nổi tiếng. Mà không hiểu sao sau này tôi không thể nào nhớ lại được tên quán dù cố nhớ lại. Hình như là Thành Ký, Tín Ký hay Thành Tín gì đó. Lúc nghe các anh chị chỗ làm của tôi kể về quán gà đó, nếu tôi nghĩ tôi sẽ vô đó ăn hẳn cũng giống như bác đạp xích lô, cậu bé bán vé số nghĩ mình sẽ vô khách sạn năm sao ăn vậy.
Trở lại với chuyện tôi vô tình đi qua bùng binh Lăng Cha Cả và nhìn thấy quán gà đó. Tôi có hơn 100.000 đồng trong túi, đang suy nghĩ xem làm gì với nó. Và bỗng nhiên... cảm giác tuổi thơ xa xưa tràn về. Hình ảnh dì út, cái "chạn" khóa với hai cái đùi gà tràn ngập trong tôi. Hình ảnh một tuổi thơ... thèm khát.
Tôi không chút băn khoăn do dự, quẹo cái xe đạp xấu xí của tôi đậu ngay trước quán. Tôi đi vô quán, coi trước bảng giá treo trên tường và kêu luôn... một con gà luộc.
Tôi không biết mấy người bán quán trong đó hồi đó nghĩ gì về tôi hôm đó. Một thằng bé đi chiếc xe đạp cóc ghẻ, vô quán hồn nhiên kêu luôn một con gà luộc, không kêu bất cứ một món gì khác, rất không giống ai. Thằng bé đó lại còn dặn kỹ càng, dặn đi dặn lại là... gà luộc chặt thế này... thế này... và riêng hai cái đùi gà luộc... bỏ riêng ra một đĩa. Cũng không biết họ có nghi cái thằng tôi vô ăn chưa chắc đã đủ tiền trả không nữa?
Thế rồi, quán mang gà lên. Chỉ có con gà luộc với muối tiêu chanh thôi. Không có bất cứ một cái gì khác hết. Tôi bắt đầu "tấn công" con gà luộc đó. Và tất nhiên bắt đầu từ... hai cái cẳng gà trước. Ăn khí thế. Ăn cho đã thèm. Giống như ăn thay cho một tuổi thơ thèm khát vậy.
Tôi hồi đó người ốm nhom ốm nhách chứ không mập thù lù như bây giờ. Tôi ăn chưa được nửa con gà đã no lắm rồi, nhưng vì tiếc nên cố ăn thêm nữa. Chắc được khoảng 2/3 con gà, còn dư khoảng 1/3 con. Tôi lúc đó bụng đã kễnh lên rồi, không thể nào ăn thêm được miếng nào nữa. Tôi kêu quán tính tiền rồi lên chỗ làm. Hôm đó tôi trả tiền quãng hơn 70.000 đồng. Cũng phải nói thêm, hồi đó phở ngon gần trường tôi 4000 đ/tô, và cái bình bia hơi tôi uống với bạn tôi hình như có 2000 đ/lít thì phải.
Câu chuyện một lần ăn gà luộc của tôi chỉ có bấy nhiêu thôi. Nhưng cái hậu của nó thì đáng nhớ hơn. Nó như thế này. Từ cái ngày một mình "chiến đấu" không hết một con gà luộc để thỏa mãn sự thèm khát thời tuổi thơ ấy, tôi thực sự... ghê sợ món gà luộc. Sau ngày đó, chỉ cần tôi nhìn thấy một miếng gà luộc chứ chưa nói nhìn thấy một đĩa gà luộc là tôi đã gợn giọng... muốn ói. Đùi gà luộc thì tôi lại càng sợ. Đi ăn phở, tôi không bao giờ kêu phở gà. Ở nhà hay đi ăn ở đâu, nếu có gà luộc, dù có xé nhỏ ra tôi cũng ăn không vô. Đi ăn tiệc, không bao giờ ăn nổi món nộm trộn gà. Có lẽ suốt cả một chục năm sau cái ngày đó, tôi thực sự bi dị ứng với gà luộc.
Hơn hai mươi năm rồi kể từ ngày ấy, tôi không còn ghê sợ gà luộc như hồi đó nữa, nhưng gà luộc vẫn là món tôi... ghét nhất.
Một tuổi thơ đã bị "xóa sổ" ở quán cơm gà Lăng Cha Cả.
Cho tới bây giờ, khi đã có vợ, có con... tôi luôn cố gắng dạy dỗ chăm sóc hai đứa bé nhà tôi trong khả năng cao nhất có thể. Và tôi chắc chắn một điều, tôi sẽ không để cho tuổi thơ hai đứa bé nhà tôi phải thèm khát một cái gì... bất cứ một cái gì... như ba chúng nó... năm xưa.
Sài Gòn 19-10-2014
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2014 19:58:59 bởi Hoang TN >