Con người và hành động
Khù Khờ 30.10.2014 12:35:36 (permalink)
Con người và hành động
 
Bài này không phải là truyện ngắn. Chỉ đôi dòng tản mạn vì điều gì đó thúc bách tôi cầm bút. Xin gởi nơi đây để thỉnh thoảng vào tìm lại suy nghĩ của mình.
 
Chính trị là đề tài khô khan và thường mang đến nhiều tranh cãi. Nghe nhắc đến chính trị, nhiều người muốn tránh xa. Họ coi đó là những điều vô ích hay thậm chí đáng ghê tởm vì thủ đoạn, lừa lọc thường đi liền với chính trị. Theo định nghĩa, nhân bản hơn, chính trị là cách ảnh hưởng người khác theo hướng đi của mình. Dù biết hay không, dù muốn hay không, ai trong chúng ta cũng bị cuốn theo dòng chính trị hay chính chúng ta lôi kéo người khác theo mình trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày!
 
Là người thờ ơ với chính trị, mười mấy năm trước tôi đã lấy cái cớ bận rộn với gia đình và công việc để bỏ ngoài tai những tranh luận trên báo chí và trên mạng. Tôi chú ý đến là thể thao và văn chương khi có chút giờ rảnh rỗi. Những buổi sáng cuối tuần, sau trận tennis, tôi thường nấn ná với bạn bè bên ly cà phê. Đôi chuyện bên Việt Nam … nghe cho vui, rồi bỏ qua. Vài cơn gió tạt ngang, phủi chuyện thị phi của thiên hạ.
 
Từ năm 2007 trở đi, tôi nghe nói nhiều hơn về những chuyện lạ như: chống tham nhũng PMU 18, dân oan, đòi đất nhà xứ, thuyền ghe chài bị đâm thủng ngoài biển Đông, chống rước đuốc Olympic qua Việt Nam và những cuộc biểu tình chống TQ. Nghe bạn bè khen, tôi thích lây bút hiệu Điếu Cày. Đến bây giờ, thực sự tôi chưa đọc bài viết nào của anh, mà tôi có cảm tưởng đã quen anh từ thuở nào. Có lẽ vì bút hiệu đơn giản, Điếu Cày, nghe chân thật. Sự thật bao giờ cũng đơn giản. Tuy biết rằng phải mất nhiều thời gian để đơn giản hóa vấn đề. Chỉ ít người đủ trình độ mới trình bày vấn đề đơn giản và thuyết phục được mọi người. Nhìn vài tấm hình của anh Điếu Cày trong các cuộc biểu tình tại Sài Gòn, trong phòng xử và tại phi trường Los Angeles, tôi cảm thấy hiểu những điều anh bày tỏ, rất nhiều qua ánh mắt. Vâng, chỉ qua ánh mắt. Tôi cảm nhận được từ anh: lòng yêu nước, thương người, che chở cho anh em. Tôi cảm nhận được ngọn lửa bất khuất, nguồn sinh lực vô tận lo toan cho hành động sắp thực hiện. Tôi đã tìm thấy ánh mắt đó ở vài người, như bác: Nguyễn Ngọc Huy, chú Võ Văn Ái, anh Nguyễn Đình Thắng … khi tôi nghe họ diễn thuyết vài lần, từ 25-30 năm trước. Nghe giọng nói của anh ở phi trường và qua các đài thông tin, tôi lại tin hơn vào trực giác đó. Cách trò chuyện của anh thật điềm đạm, nhã nhặn và khiêm tốn chứng tỏ anh là người tự tin. Điều gì đó đã làm anh trăn trở để anh gác bỏ cuộc sống an nhàn, dấn thân vào con đường đầy chông gai, đầy hy sinh? Điều đó chính là ngọn đuốc soi đường giúp anh vượt qua nỗi sợ, giúp những người bên anh cùng vượt qua nỗi sợ. Nghe những người đồng hành nói về anh, kể những câu chuyện có anh trong đó, tôi thật mến phục anh. Tôi sẽ chẳng tôn sùng anh Điếu Cày như thần tượng và đặt quá nhiều kỳ vọng vào anh. Điều đó không công bằng.
 
Theo tôi, việc anh sang Mỹ là một lựa chọn đúng. Dù đó không là ý nguyện của anh, lúc ban đầu. Ra khỏi nhà tù, anh nhiều có cơ hội mang khả năng của mình nói hộ cho những người không có tiếng nói.
 
Nếu còn ở Việt Nam, bị giam lỏng trong căn nhà của mình, tiếng nói của anh Điếu Cày sẽ dần bị bóp nghẹt, như họ đang làm với những nhà tranh đấu kỳ cựu như thầy Thích Quảng Độ, cha Phan Văn Lợi, bác sĩ Nguyễn Đan Quế hay những người trẻ đầy nhiệt huyết như cô Lê Thị Công Nhân, anh Nguyễn Văn Đài. Những người ở hải ngoại có thể nghe tiếng nói của anh vài tháng, qua đôi cuộc phỏng vấn trên đài, rồi thôi. Những người sống quanh anh sẽ không còn thấy ảnh hưởng của anh trong những biến chuyển mới vì nhóm công an dầy đặc sẽ chặn bước chân anh nơi ngưỡng cửa. Anh còn đó, nhưng sẽ dần bị quên lãng, như vài người đã ra khỏi nhà tù nhỏ, trước anh. Vài người dấn thân, bị cầm tù, bị đẩy ra hải ngoại, trước anh, dần bị lạc lõng giữa xã hội với quá nhiều nhu cầu và quá ít thời gian. Xa những cảnh bất công gặp hàng ngày bên quê nhà, ngọn lửa đấu tranh sẽ lần tắt ngụm trong lòng họ. Con đường trước mặt thiếu ánh sáng và đầy rẫy những ổ gà nghi kỵ, ganh tị. Một số ít người háo danh, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm truyền đi những điều chụp mũ không căn cứ, không rõ gốc qua báo chí, qua email. Thường những người không làm thì thích nói, thích viết, thích phê phán.  Đọc email tràng giang đại hải, tôi đoán chắc người viết chưa hiểu mình muốn nói điều gì. Tệ hơn nữa là loại bài đầu mèo, đuôi chuột được chắp vá từ nhiều bài viết của nhiều tác giả ẩn danh, đầy trên mạng. Hàng ngày tôi cứ phải vất cả đống email như vậy từ hộp thư.
 
Anh Điếu Cày là phóng viên không biên giới. Trong thời đại gởi được ngàn thông điệp qua một nhấn tay, mong anh sớm định chỗ đứng vững và là sợi dây liên kết rất cần thiết giữa quê nhà và hải ngoại khi quê hương mấp mé chìm vào lần bắc thuộc thứ năm. Ngọn lửa nào đã soi lối cho anh bước qua sợ hãi , xin tiếp tục nâng cao, soi lối cho những người trẻ đầy nhiệt huyết, có ý thức đi qua bóng tối. Từ một tiếng nói, từ một câu hát, từ một dòng viết chúng ta sẽ được nghe những bài hùng ca, được đọc những bài hịch để đời. Hàng ngàn chiếc dù mong manh giương cùng một lúc sẽ chắn được những đợt sóng to của bạo lực. Dù anh có làm  được đại sự hay không, như một số người đặt kỳ vọng nơi anh. Có anh đứng bên này bờ đại dương hướng về quê nhà, đồng bào bên ấy sẽ còn tiếng nói và bao nhiêu lòng dũng cảm vô danh sẽ được hải ngoại biết đến và hỗ trợ. Có anh đứng bên này bờ đại dương, những người miệt mài hơn 30 năm theo đuổi thôi thúc của con tim sẽ không thấy lẻ loi. Như anh, họ dấn thân vì niềm tin mãnh liệt, chấp nhận hy sinh, chấp nhận sự cô độc.
 
Xin tri ân anh Điếu Cày về những việc anh đã làm. Mong chiếc điếu cày sẽ là hình tượng rất gần gũi với những người của hôm nay, những người của mai sau. Không tên tuổi. Vâng, chỉ chiếc điếu cày.
 
Xin trích vài câu trong bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của nhà thơ Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy thay lời cảm tạ
 
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.


Khù Khờ
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9