Nhà thơ Kiên Giang: Con tàu thơ đã đến trạm cuối cùng
KHÓI TRẮNG
Hương cau, thơm phức ngôi sao mẹ
Thơm ngát mái nhà thơm áo cơm
Con thở trong mùi hương bát ngát
Thịt da mái tóc quyện mùi thơm
Nước mắt chảy xuôi tình mẫu tử
Chảy theo nước mắt cuộn mồ hôi
Mẹ đem cái chết làm nên sống
Nước mắt một dòng vẫn chảy xuôi
Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại
Con đau rên xiết mẹ rầu lo
Bán đôi bông cưới mua thang thuốc
Mua bánh tai heo giấy học trò
Đêm nào con khóc đòi ru ngủ
Mẹ thức mỏi mòn nhịp võng đưa
Con lạnh nằm khoanh, lòng mẹ ấm
Mẹ ơi! Con lớn giữa niềm ru
Nhớ ngày đầy cử nằm trong xó
Chiếu lạnh ủ không ấm vóc gầy
Đau đớn không hề rên xiết khẽ
Sợ con nghe tiếng, mà buồn lây
Nói làm sao hết, mẹ hiền ơi!
Công đức niềm đau lẫn tiếng cười
Mẹ lấy bụi đời, làm phấn sáp
Che dù trời nắng đội mưa rơi
Nhớ mùa cau trổ, trong vườn cũ
Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân
Khói trắng lên trời như tóc mẹ
Con ngờ khói trắng quyện mây Tần
Chiều nay dừng gót trên bờ biển
Nhìn sóng bạc đầu mây trắng trôi
Con ngỡ khói vườn hay tóc mẹ
bay tìm con lạc bước đường đời
Mai mốt con về thăm xóm mẹ
Thăm mùa cau trổ bóng làng xưa
Để nhìn, nghe lại trong hiu quạnh
Tiếng hát ngày xưa nhịp võng đưa
Con sẽ kính dâng bên gối mẹ
Gói trà Tàu, gói bánh tai heo
Hương cau quyện lại hai màu tóc
Nước mắt đoàn viên ấm xóm nghèo
Nguyện cầu đức Phật và Danh Chúa
Rũ đức từ bi , xuống phước lành
Mẹ sống muôn đời cùng vũ trụ
Ngôi sao Mẹ ngự giữa thiên đình .
KIÊN GIANG
( Kiên Giang –Hà huy Hà hay
Kiên Giang -Trương Khương Trinh)
***
Nhà thơ Kiên Giang: Con tàu thơ đã đến trạm cuối cùng
Nhắc đến nhà thơ Kiên Giang, nhiều người thuộc lứa trung niên ở miền Nam vẫn còn nhớ đến bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím do ông sáng tác năm 1958, sau đó nhạc sĩ Huỳnh Anh đã phổ nhạc bài thơ này.
Giới mê cải lương thì nhớ mãi những vở tuồng: Người vợ không bao giờ cưới (tức Sơn nữ Phà Ca) hay Áo cưới trước cổng chùa và hàng trăm bài vọng cổ khác do ông là soạn giả (dưới bút danh Hà Huy Hà). Chính nhờ đóng vai Sơn nữ Phà Ca mà cô đào trẻ Thanh Nga được trao giải Thanh Tâm năm 1958 và bước lên ngôi vị “Nữ hoàng sân khấu”.
Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh tại Xẻo Đước, làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (bây giờ là Kiên Giang).
Cái tên Kiên Giang trở nên quen thuộc trên thi đàn miền Nam từ năm 1955. Ngoài làm thơ, viết tuồng, soạn bài vọng cổ - ông còn là ký giả kịch trường của nhiều tờ báo ở Sài Gòn như: Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lẽ Sống, Lập Trường, Điện Tín... với bút danh Hà Huy Hà. Ông từng là Trưởng ban Mây Tần (chuyên mục thơ ca) trên Đài phát thanh Sài Gòn và đã bị bắt giam khi tham gia Ngày ký giả ăn mày để phản đối luật báo chí cải cách của chính quyền Sài Gòn (1974).
Người viết được may mắn gặp nhà thơ Kiên Giang lần đầu vào tối 15.1.1997 tại Trung tâm văn hóa Phú Nhuận (TP.HCM) - nơi tổ chức Đêm thơ Kiên Giang. Đêm đó, nhà văn Sơn Nam đã giới thiệu về người bạn chí cốt của mình như sau: “Tôi với Kiên Giang cùng quê, cùng làng - một xứ nghèo nàn lạc hậu, không có chính quyền, bọn hải tặc lộng hành suốt vùng ven biển... Tuổi thơ chúng tôi hiu hắt như ngọn đèn dầu mù u. Quả thật, chẳng ai dám mơ quê mình có được những tao nhân mặc khách. Cho nên quê hương chúng tôi rất tự hào là đã sản sinh được một Kiên Giang - Hà Huy Hà”.
Dù rất nổi tiếng trên văn đàn nhưng cuộc đời Kiên Giang nhiều gian truân. Vì mưu sinh ông luôn dịch chuyển “ăn nhờ, ở đậu” nhiều nơi. Dạo ấy ông cất cái chòi lá trên miếng đất của khu dưỡng lão Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM (Q.8), sau dời về đường Bùi Minh Trực hướng về Cần Giuộc, lên Thủ Đức ở, rồi neo mình ở trụ sở Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM (133 Cô Bắc, Q.1). Tôi nhớ bài thơ ông đã làm cho đứa con gái út: “Tạ lỗi con, ba nghèo rách quá/Để con đói lạnh tuổi còn thơ/Mới ra đời ngủ trong nhà bếp/Mười tuổi rồi con vẫn ốm o/Cá hấp chợ chiều, rau muống luộc/Tập ăn quen vẫn sống trên đời/Mỗi năm thêm tuổi, con thêm ốm/Ba má nhìn con nén ngậm ngùi”.
Mỗi lần gặp ông là tôi thường “gài” để ông kể chuyện văn nghệ ngày xưa, “gãi đúng chỗ ngứa”, ông kể chuyện ro ro với một trí nhớ tuyệt vời, nhất là chuyện “thi sĩ chân quê” Nguyễn Bính lưu lạc xuống Rạch Giá (1946), ông đi tìm và trở thành “đệ tử”. Ông nhớ mãi phút đầu tiên Nguyễn Bính gặp, đã hỏi: “Có thuốc hút không?”.
Chàng trai 17 tuổi là ông, bối rối đưa bao thuốc Cotab chỉ còn vỏn vẹn 2 điếu cong queo. Nguyễn Bính xé bao thuốc lá, lật mặt trong ghi 4 câu thơ tặng: “Có những dòng sông chảy rất mau/Nhớ chi nghĩa bến với sông cầu/Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp/Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau”. Rồi câu thơ Nguyễn Bính dán trước căn chòi tạm trú của hai thầy trò: “Từ dạo về đây sống rất nghèo/Bạn bè chỉ có gió trăng theo/Những thằng bất nghĩa xin đừng đến/Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”. Kiên Giang kể hấp dẫn, lôi cuốn như khi ông kể về mối tình học trò với cô Nh. (nhân vật chính trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím).
Thơ của Kiên Giang đã trở nên phổ thông đến độ ngỡ như ca dao, tục ngữ: “Bướm vàng đậu đọt mù u/Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn” hay “Lạy Chúa con là người ngoại đạo/Nhưng con tin có Chúa ngự trên trời” (Hoa trắng thôi cài lên áo tím) hoặc “Ngày mai đám cưới người ta/Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?” (Người vợ không bao giờ cưới). Chỉ có những câu thơ được viết bằng cảm xúc mới đi vào lòng người và hóa thành “ca dao”. Mấy người làm thơ được như thế ?
Sinh thời, nhà thơ Kiên Giang “nghèo kiết xác”. Gia tài của ông chỉ là... chiếc giỏ xách đựng tài liệu, sách vở mà ông luôn đeo bên người. Sống thanh bần với trái tim nhân hậu, ông thường vận động cứu trợ những văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, khiến nhà văn Sơn Nam đã cảm thán: “Kẻ cần cứu trợ lại hay đi cứu trợ người khác”. Mới đây khi ông đọc báo thấy có tin một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường, ông đã tức tốc rời cái “tum lưu niệm” của mình (do con gái lớn cất cho ông an hưởng tuổi già ở TP.Long Xuyên) để lên Sài Gòn mang chút tiền hưu dưỡng giúp đỡ. Nhưng lên tới Sài Gòn, chưa thực hiện được ý định thì ông bị đột quỵ và không bao giờ tỉnh lại.
Trong bài thơ Lặng lẽ của ông có câu: “Trái tim là một con tàu suốt/Chẳng có sân ga trạm cuối cùng”.
Trái tim nhân hậu đã yêu thương đến phút cuối cùng ấy đã ngừng đập.
Sau hơn hai ngày hôn mê sâu, nhà thơ Kiên Giang trút hơi thở cuối cùng lúc 6 giờ 30 ngày 31.10 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM), thọ 86 tuổi. Linh cữu nhà thơ được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 1.11. Lễ di quan lúc 6 giờ 30 ngày 3.11, sau đó xe tang sẽ đến trụ sở Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM để ông từ biệt nơi mình đã có nhiều năm gắn bó, sau đó sẽ tiến hành an táng tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương (H.Bến Cát, tỉnh Bình Dương), nơi có phần mộ của người bạn chí cốt với ông: nhà văn Sơn Nam.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.11.2014 01:34:12 bởi Ct.Ly >