Chương Hai: Chuyện vãn hồi lâu Hà mới hiểu rõ được cha của Sơn chính là một trong những trung đội trưởng còn sống sót sau chiến tích Charlie. Trong bữa cơm gia đình thân mật ông mới kể lại những ngày "đội pháo" trên đồi Charlie:
- Số phận cay nghiệt đã an bài cho chúng tôi tử thủ Charlie, chúng tôi không thể tự do truy lùng giặc, phải gồng mình chịu đạn pháo như mưa, lại phải đẩy lui bao đợt biển người của giặc. Mỗi tối phải nhặt xác anh em, sửa lại giao thông hào để ngày mai lại tiếp tục "đội pháo". Chúng tôi chiến đấu không ngừng nghỉ, giặc đông hơn ta gấp 10 lần, xác giặc cũng nhiều hơn ta gấp 10 lần, phơi đầy chiến địa. Chúng tôi bắn tới viên đạn cuối cùng, lương thực và thuốc men trị thương cũng hết, anh em mình bị thương nhiều quá, băng gai, bông gòn không còn đủ mà băng. Gọi bộ tư lệnh, xin tiếp viện hoài mà không có.
Ông ngừng lại uống miếng trà, mắt đăm đăm nhìn vào hư không, những viên đạn pháo ngày nào như đang nổ tung trước mắt ông, ông tiếp tục kể:
- Được lệnh rút quân, nhìn xác từng anh em, mọi người đều nuốt lệ. Số phận cay nghiệt đã cướp đi sanh mạng của anh Năm và hơn hai phần ba anh em đồng sanh cộng tử của tiểu đoàn 11. Các anh mất đi không một tiếng kèn đưa tiễn, không có một lá quốc kỳ phủ lên hình hài ghim đầy miển đạn. Trong những ngày sinh tử bên nhau, các anh từng cứu chúng tôi khi chúng tôi bị thương, cõng chúng tôi chạy giữa lằn tên mũi đạn, không nệ tử sinh. Giờ đây các anh nằm xuống, thân thể nát tan, chúng tôi chưa kịp thu nhặt hình hài, lại phải bỏ chạy tìm lối đào sinh. Nghĩa tình không trọn, mai này làm sao chúng tôi dám đối diện với vợ con của các anh, làm sao quỳ bên chiếc quan tài trống rỗng?
- Theo lệnh rút quân, tôi và các chiến hữu mở đường máu phá vòng vây lao xuống đồi, lẩn nhanh vào khu rừng trước mặt, chúng tôi chạy được một lúc thì nghe tiếng AK giặc bắn theo xối xả. B-52 tiếp tục rải bom vòng quanh đồi Charlie, hàng loạt bom nổ tung trên đồi, bụi đất bay tung cùng xác giặc. Thây VC phơi ngổn ngang trên lưng đồi. Bỗng một tràng AK phang ngay trước mặt, cát bụi mù mịt, biết bị lọt vào ổ phục kích, tất cả nằm rạp xuống, rồi theo dấu hiệu của chỉ huy, cả toán đồng loạt khai hỏa tấn công về phía trước, rồi từng người một vừa bắn vừa thối lui theo ngả khác, đạn thù bắn theo xối xả. Hễ tìm được một địa thế tốt cả toán trụ lại nã đạn trả đũa rồi rút nhanh, để lại vài xác giặc lót đường triệt thoái. Cứ như vậy chúng tôi rút sâu vào trong rừng, tiếng đạn AK thưa dần, thay vào đó là từng loạt đạn pháo vang rền trên địa bàn triệt thoái. Tôi ra lịnh chia ra từng nhóm hai người, tản ra nhiều hướng để tránh đạn pháo, và rút nhanh về hướng Tân Cảnh xa xa. Lại một loạt đại liên ria xối xả trước mặt, rồi một loạt khác bên hông, một số chiến hữu chạy trước lảo đảo té xuống. Lại lọt vào ổ phục kích khác, đội hình triệt thoái của tiểu đội tôi tan rã dưới mưa đạn của kẻ thù, mạnh ai nấy chạy bán mạng, không còn biết đâu là phương hướng. Hình như tôi chạy lạc điểm hẹn của trực thăng di tản xa lắm, mò mẫm trong rừng đi suốt đêm dài không ngủ, tới chiều ngày hôm sau mới ra tới bờ sông, lau sậy um tùm. Chung quanh vắng lặng, không một bóng trực thăng, không một tiếng súng. Tôi đang tìm cách vượt sông, bỗng một loạt AK nổ vang, bùn đất văng xối xả vào mặt, một viên đạn xuyên thủng chân mặt, tôi mất đà ngả xuống. Ba tên VC phục kích trong bụi lau, đứng dậy chĩa súng vào tôi, một đứa nói
- Dứt điểm nó đi để rảnh tay đón mấy thằng khác.
Một đứa rút khẩu K-54, chĩa vào đầu tôi, tôi nhắm mắt lại, hình ảnh của người vợ thân yêu hiện ra trước mặt, rồi một loạt súng nổ vang, máu văng tung tóe trên mặt tôi, tôi nghe đầu mình bị chấn động mạnh, ngất đi. Vài giọt nước mát rớt vào mặt làm tôi tỉnh dậy, trung sĩ Hai nói với tôi bằng giọng khẩn khoản
- Trung úy tỉnh dậy mau đi, chúng ta cần vượt sông gấp.
Tôi mở mắt ra, vẫn bầu trời xanh, vẫn đám lau sậy bên dòng sông Pô-Kơ thơ mộng, hình như tôi còn sống. Chống tay choàng dậy, tôi nghe đau nhói ở chân mặt. Nhìn xuống, chân tôi đã được băng bó cẩn thận. Quay đầu nhìn quanh, tôi không thấy bóng mấy thằng vẹm, chỉ thấy trung sĩ Hai đang lau mặt cho tôi.
- Trung úy an tâm, tôi may mắn chạy tới kịp, tặng cho ba tên VC một băng M-16, tụi nó giờ này đang mò tôm ở đáy sông Pô-Kơ rồi. Vết thương của trung úy không nguy hiểm lắm, chỉ ráng cẩn thận khi di chuyển, đừng để động vết thương, máu lại ra nhiều. Trung úy ráng ôm chiếc bè này để tôi đẩy ra sông.
Trung sĩ Hai giúp tôi nằm sấp trên chiếc bè kết bằng 3 thân cây mục, để 2 cây M-16 và một số quân dụng lên bè, rồi đạp chiếc bè ra sông. Trung sĩ Hai lội theo, bám vào bè, nương theo dòng nước, lội xéo qua sông. Dòng sông trôi êm ả, chỉ có tiếng đạp nước bì bõm, mệt mỏi quá tôi lại thiếp đi.
Qua bên kia sông, trung sĩ Hai giúp tôi đứng dậy, mang hai cây súng lên vai, rồi cõng tôi lên lưng, lầm lủi đi về Tân Cảnh. Tôi nói với anh
- Anh cho tôi gọi anh bằng anh Hai, còn anh cứ gọi tôi là Tâm, trong hoàn cảnh gần kề cái chết, gọi nhau bằng quân hàm nghe lạt lẽo làm sao.
- Dạ xin tuân lệnh trung úy, à... cám ơn Tâm.
- Không tôi cám ơn anh mới đúng, anh có nhiều kinh nghiệm chiến trường, nhiều tuổi đời, không có anh chắc chắn giờ này không còn có tôi. À, quê tôi ở miền Tây, Giồng Trôm, Bến Tre. Quê anh ở đâu vậy Anh Hai?
- Ủa vậy hả, mình là đồng hương rồi, tôi sanh ở Bình Khánh, Mõ Cày, nhưng lớn lên ở Sài Gòn.
- Ở Sài Gòn anh đi học trường nào vậy?
- Tôi học trường kỹ thuật Cao Thắng nhưng bỏ học sớm, theo tụi bạn tình nguyện vào Biệt Kích Dù. Hai Trả lời.
- Trời, vậy tôi với anh không những bạn đồng ngũ, đồng hương mà còn là đồng môn nữa. Tôi vào Cao Thắng, ban Toán, học xong tú tài thì theo lệnh động viên nhập ngũ
Tôi và Hai vừa chuyện vãn vừa đi sâu vào trong rừng. Giằng co mạng sống từ tay tử thần suốt mấy ngày, hai người mệt lả nhưng không dám dừng lại nghỉ, vì sợ giặc đuổi theo. Hễ đuối hơi thì nghỉ một chút rồi lại đi nữa, tưởng chừng như tử thần đang bám theo sau lưng. Đói lả người, khát khô cổ, gạo sấy và nước đã hết từ lâu. Trời sẫm tối, bỗng nghe tiếng nước chảy róc rách, văng vẳng đâu đây. Hai cõng tôi mon men về phía tiếng nước chảy, một dòng suối nhỏ ngoằn ngoèo hiện ra trước mắt. Hai đặt tôi xuống rồi khoát nước rửa mặt. Tôi định vốc nước lên uống, Hai gọi giật lại
- Tâm đừng uống nước này, nước suối rừng độc lắm, nó chảy qua cây lá mục, xác thú vật mục rữa, nhất là gần đây chiến tranh khốc liệt, xác người chết không ai chôn, sình thối đầy rừng, đồ dơ theo nước trôi xuống suối, độc lắm, muốn uống phải đun sôi trước.
Bỗng thấy một con vật, tôi ra dấu ra hiệu cho Hai im lặng, từ từ đưa tay vói lấy khẩu M-16, nhắm về phía bên kia bờ suối. Hai không biết chuyện gì, lập tức ôm lấy khẩu súng nằm rạp xuống đất. Bên kia suối một con nai đang đứng trên bờ, tôi nhắm kỹ, chuẩn bị bóp cò thì Hai chụp lên tay tôi cản lại. Hai nhìn tôi nói nhỏ
- Dân đi rừng kỵ nhất là việc giết thú rừng, người ta nói "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá". Mỗi khu rừng đều có thần rừng trông coi, mình đừng nên xúc phạm. Không khéo thì những chuyện xui xẻo xảy ra, có thể nguy tới tính mạng. Ngoài ra trừ trường hợp bất đắc dĩ, không được nổ súng, vì làm vậy sẽ lộ mục tiêu, tụi VC sẽ đuổi tới.
Tôi nhìn Hai gật đầu đồng ý, vì mệt mỏi và đói quá, muốn thịt con nai để ăn, nên đã quên mất điều cơ bản đó. Con nai đưa mắt nhìn về phía tôi, có lẽ nó cảm nhận được chúng tôi không muốn làm hại nó, nó đi khấp khểnh đến một bụi cây, dùng miệng bứt và nhai mấy lá cây rồi đắp lên chân, hình như nó đang bị thương. Bỗng nhiên nó đứng phắt dậy, quay đầu lại nghe ngóng. Tôi cũng bỗng thấy mắt Hai trợn trừng, lộ vẻ kinh hải. Nhìn theo ánh mắt của Hai, tuy trời chưa tối hẳn nhưng tôi thấy hai chấm đỏ sáng quắc như hai ngọn đèn pin ngay sau lưng con nai. Quen đi rừng Hai nhận được đây là ánh mắt của loài báo đen, nó đang chuẩn bị tấn công con mồi trước mặt. Hai đứng phắt dậy, chĩa mũi súng thẳng về phía con báo, nhưng không bắn. Tôi hiểu ý Hai, Hai chỉ muốn dọa con báo để nó bỏ đi chứ không muốn nổ súng, tôi cũng gượng đứng dậy bằng chân trái, chĩa súng về phía con báo, tôi nghe được tiếng gầm gừ, và ngửi được mùi hôi thối từ con báo bay tới. Một hồi sau, dường như cảm nhận được nguy hiểm của hai họng súng, nên nó quay đầu biến mất vào rừng. Con nai cũng quay đầu chạy mất dạng.
Trời lúc này đã tối đen, phần sợ con báo trở lại, phần sợ các loài thú dữ khác, Hai cõng tôi tìm một hốc đá hay một chỗ nào kín đáo để ngủ tạm qua đêm. Xa xa bỗng thấp thoáng một ánh sáng mờ mờ leo lét. Không phải ánh sáng vàng vọt của đèn dầu, mà là một loại ánh sáng màu xanh lân tinh ma quái. Đóm ánh sáng đó dường như di động như một con đom đóm đang bay, Hễ Hai dừng lại thì nó dừng lại, Hai đi thì nó lại bay xa. Chúng tôi đi theo đóm sáng một đỗi, bỗng dưng đóm sáng biến mất, trước mặt chúng tôi là một căn nhà lá, bị bỏ hoang, cửa sổ và cửa cái xiêu vẹo, ngả nghiêng. Mùi ẩm mốc bốc lên, rêu phủ xanh nền nhà bằng đất trơn trợt. Mái và vách nhà lợp lá đã mục rã, nhiều chỗ có thể nhìn suốt ra bên ngoài. Có những bụi lau sậy mọc cao quá đầu, ló cả vào nhà, như những cây chổi trắng đong đưa. Hai nói với tôi
- Chỗ này cũng tạm che sương, tụi mình tìm một góc nào đó ngủ dưỡng sức, rạng sáng mai mình tiếp tục lên đường.
Bỗng có tiếng động sau nhà, Hai nép vào sát vách, đưa nòng súng lên chờ sẵn, một bóng đen xoã tóc lù lù hiện ra, Hai hét lớn
- Đứng lại bằng không tôi bắn.
Một giọng nói trong trẻo của một cô gái vang lên
- Đừng bắn, tôi không có ý hại hai ông đâu, chung quanh đây mấy cây số không có ai ở, hai ông cứ vào đây nghỉ chân rồi mai đi tiếp.
Cô gái thắp đèn lên, ngọn đèn dầu mù u bay mùi thơm thoang thoảng, Dưới ánh đèn mờ chợt tỏ chợt lu, cô gái tóc bù xù, gương mặt lem luốc, cặp mắt lá răm, màu da trắng bệch không sinh khí. Một luồng hơi lạnh chạy dài theo xương sống, da gà nổi lên khắp mình Hai. Hai từng nghe kể lại trong khu rừng thiêng nước độc miền thượng du Bắc Việt, những ngôi nhà giữa rừng rú hoang vu thường có ma xó. Một số thầy bùa, có thể luyện được ma xó. Nhà có người chết họ không chôn mà nhét xác trong một bọng cây và để ở xó nhà. Đây là loài ma sống trong xó tối, luyện tới khi linh hồn nó hiển linh là có thể dùng nó bảo vệ khu nhà khi họ đi vắng nhà. Ma xó lâu ngày có thể thành tinh, biến được thành người. Ai vào nhà lấy một món gì thì nó đếm một, lấy hai món, nó đếm hai, đếm hết ba hồn bảy vía nếu là đàn ông, hay chín vía nếu là đàn bà thì nó lấy mạng người đó. Ngôi nhà này bị bỏ hoang lâu rồi, có lẽ chủ nhà đã bỏ đi, mà không mang theo con ma xó. Dù không có chủ, nhưng ma xó vẫn coi ngôi nhà này là nhà của nó, sẵn sàng bảo vệ những kẻ tới phá hoại. Cô gái nói tiếp
- Ông kia bị thương ở chân, đây là mớ lá rừng chuyên trị thương tích, vò nát đắp lên vết thương sẽ khỏi. Còn đây là nước uống và mấy củ khoai lang tôi mới nấu, hai ông ăn cho lại sức. Tối nay hai ông cứ an tâm ngủ lại đây.
Nói xong cô gái để chiếc đèn trên bàn và khập khễnh đi ra sau nhà. Trên bàn không biết từ bao giờ đã có những củ khoai bốc khói và ấm nước nấu sẵn, một bó lá màu xanh đen giống y như những chiếc lá con nai đã nhai đắp lên vết thương hồi chiều.
Vốn tin tưởng vào trời phật và tin vào thế giới vô hình, Hai nhủ thầm, mình không làm gì sai quấy, không trộm cắp gì, không có lý gì con ma xó nhà này lại hại mình, sống chết do trời. Nghĩ như vậy nên Hai an tâm, bèn rót nước vào bình nước cá nhân uống cạn. Nước ấm trôi vào cổ họng làm người của Hai sảng khoái. Thấy mình khoẻ trở lại, Hai bèn rót nước cho tôi uống, rồi bốc khoai lên, củ khoai Dương Ngọc màu tím thơm phức, Hai bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm, và nói
- Đây là củ khoai ngon nhất đời tôi.
Cả hai ăn xong, Hai tháo băng ra lau rửa vết thương rồi vò nát mớ lá đắp vào vết thương cho tôi. Hai nghĩ tới con nai bị què chân hồi chiều, không chừng nó lại là cô gái đi khập khễnh hồi nãy. Tại sao cô gái mảnh mai đó xuất hiện trong khu rừng đầy thú dữ, vừa kịp lúc để cứu anh và tôi? Mệt mỏi quá, chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, đến khi bừng mắt dậy thì mặt trời đã quá ngọn sào.
Hai dìu tôi đứng dậy, tôi đã có thể đứng thẳng người, vết thương đã bớt đau nhiều lắm. Cô gái hôm qua đã đi đâu mất tự lúc nào không ai hay biết. Tôi móc bóp ra, lấy hết tiền trong bóp để xuống bàn. Hai cười nói,
- Tôi không nghĩ là cô gái hôm qua biết xài loại tiền này đâu.
Tôi trầm ngâm không trả lời, một lát sau tôi nói với Hai
- Anh làm cho tôi hai chiếc nạng, tôi nghĩ là tôi có thể chống nạng đi được rồi.
Trải qua một thời gian dài lầm lũi trong rừng, rốt cuộc rồi chúng tôi cũng về đến Tân Cảnh. Sau mấy tháng dưỡng thương tôi được đưa về bổ sung cho tiểu đoàn cũ, gặp lại Hai tôi mừng quá. Từ đó tôi và anh Hai trở thành đôi bạn thân thiết, trải qua mấy lần sinh tử bên nhau, trên khắp chiến trường miền Trung cho tới ngày mất nước. Tôi và anh bị tù đày biệt xứ, mỗi đứa một nơi, biệt tin từ đó.