Canh chua nòng nọc nức tiếng xứ Thanh Canh chua nòng nọc được người dân xứ Mường huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa gọi là canh “bubu chacha” hay “bâu bâu” là một món ăn độc đáo của ẩm thực Việt Nam.
Vượt rừng tìm bắt bubu chacha Là một trong những huyện thuộc phía Tây Bắc, tỉnh Thanh Hóa, người dân xứ Mường huyện Thạch Thành được nhiều du khách biết đến bởi những nét văn hóa đặc sắc, và cũng chính nơi đây là nơi thổi hồn cho ẩm thực Việt với những món ăn nổi tiếng đến lạ kỳ như canh lóng, canh đắng, sâu măng chiên, nhái rừng... và đặc biệt phải nhắc đến đó chính là món canh bubu chacha hay còn gọi là canh nòng nọc, đây chính là đặc sản nức tiếng miền sơn cước nơi đây.
Bát canh chua bubu nấu với măng rừng sau khi được hoàn thiện
Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, canh bubu là món ăn đã có từ rất lâu, xuất hiện từ thời thượng cổ. Trải qua hằng trăm năm lịch sử, từ bao đời nay những người con nơi đây dù đi đâu chăng nữa đều không thể nào quên được canh bubu mẹ nấu.
Canh bubu là cách gọi lóng theo tiếng bản địa của người dân địa phương đặt tên cho món ăn này, thực chất đây chính là canh nòng nọc, hay canh bâu bâu. Tuy nhiên điều đặc biệt khiến món ăn này trở thành một trong những đặc sản nức tiếng là bởi sự khéo léo, tinh xảo từ khâu săn bắt cho đến khâu chế biến độc đáo mà người dân xứ Mường nơi đây để lại.
Để được mục sở thị về món ăn độc đáo này, trong chuyến công tác ngược miền Tây xứ Thanh tôi đã mạnh dạn xin được theo chân một người dân tại đây vượt rừng vào các khe suối để được tận mắt xem bắt bubu.
Vốn đây chính là bìa rừng quốc gia Cúc Phương nên địa hình cũng khá khó khăn, để vào được tận nơi cần phải đi từ rất sớm bởi bubu thường xuất hiện nhiều vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.
Sau nhiều giờ đi bộ quanh bìa rừng cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại một khe suối thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Đây chính là địa điểm xuất hiện nhiều bubu mà người dân xứ Mường nơi đây thường đến để bắt.
Bubu thường sinh sống tại các khe suối dọc bìa rừng quốc gia Cúc Phương
Dụng cụ dùng để bắt bubu rất đơn giản, chỉ cần một chiếc dậm và một chiếc rỏ tre, lá khoắn làm mồi nhử là có thể bắt được bubu tại các khe suối. Với kinh nghiệm đã hơn 20 năm vượt rừng tìm bắt bubu chị Trần Thi Huệ (41 tuổi) khéo léo thả nhẹ từng chiếc lá khoắn để làm mồi nhử bubu chacha vào một chiếc dậm đặt bên khe suối. Sau khi lá khoắn có hiệu nghiệm thì hàng loạt bubu từ trong các khe đá theo dòng suối sẽ kéo nhau đến tìm ăn lá khoắn, lúc này chỉ cần nâng nhẹ chiếc dậm hứng ngược dòng suối là có thể bắt được bubu.
Chỉ cần một chiếc dậm như thế này cùng với một ít lá khoắn là
có thể bắt được bubu tại các khe suối
“Thường thì bubu nhiều vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều vì thời điểm này là thời điểm nước suối mát nhất, bubu thường dọc theo các khe đá từ các con suối chảy ra kiếm ăn. Bubu hay nòng nọc tại đây có hương vị rất ngon bởi đây không phải là nòng nọc thường mà chính là nòng nọc con do ếch đá sống trong rừng đẻ ra. Khi sắp trưởng thành những chú bubu này càng kiếm ăn rất nhiều. Thường thì mùa bubu rơi vào các tháng giữa năm, từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch. Đây là thời điểm mùa mưa ếch nhái sinh sản nên nhiều bubu nhất.” Chị Huệ tâm sự.
Chị Trần Thị Huệ đang dùng chiếc dậm quen thuộc để bắt bubu bên bờ suối
Thưởng thức bubu nấu với măng rừng Ánh chiều tà dần buông xuống sau đỉnh núi, chúng tôi trở ra khỏi rừng với những chiếc rỏ đầy ắp bubu. Sau nhiều giờ vượt rừng lội suối cùng chị Huệ đi tìm bắt bubu, thấy chúng tôi đã thấm mệt chị bảo: “Lát về chị sẽ cho các chú thưởng thức luôn canh bubu nấu với măng rừng để giải mệt, cái này thêm ít rượu men lá thì ngon phải biết.” Nghe xong những bước chân của tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cứ nghĩ đến ngồi bên mâm cơm với canh bubu, thành quả một buổi chiều lội suối thì còn gì tuyệt bằng.
Ánh chiều tà buông xuống cũng là lúc các bà, các mẹ từ trong rừng trở ra với rỏ đầy ắp bubu
Bubu sau khi được bắt về phải mất rất nhiều thời gian để chế biến, dưới bàn tay khéo léo của các cô thôn nữ xứ Mường chỉ chưa đầy 30 phút 2kg bubu đã được hoàn thiện. Cách chế biến bubu cũng khá đa dạng tùy theo khẩu vị của người ăn, bubu dùng để nấu canh chua với măng rừng, bubu chiên, bubu xào...
Chế biến bubu mất rất nhiều thời gian nhưng với đôi bàn tay khéo léo của các thôn nữ xứ Mường mọi công việc đều trở nên rất nhanh chóng
Tuy nhiên thông thường bubu hay được chế biến thành canh cùng với măng được hái trong rừng bởi bubu rất hợp với vị chua, thơm của măng rừng. Tất cả nguyên liệu đều phải được chế biến ở dạng tươi mới tạo được vị ngon cho món canh chua bubu chacha. Gia vị dùng để chế biến canh chua bubu chacha rất đơn giản gồm mẻ, hành, mùi tàu và đặc biệt là măng rừng tươi.
Trong lúc ngồi đợi canh bubu hoàn thiện tôi được cụ Trần Văn Tam (bố đẻ chị Huệ) tâm sự về về canh bubu: “Canh bubu đã gắn liền với người dân nơi đây từ rất lâu, cũng không biết có tự bao giờ, kể từ khi lơn lên tôi đã được thưởng thức cho đến nay trải qua bao nhiêu năm người dân nơi đây vẫn ngày ngày vô rừng tìm bắt bubu về ăn, thậm chí đây còn là đặc sản thường dùng để thiết đãi khách quý đến chơi nhà.”
Mặc dù việc bắt bubu rất kỳ công nhưng không vì thế mà bubu có giá bán đắt đỏ như nhiều đặc sản rừng khác. Sau khi được bắt từ các khe suối về những rỏ bubu tươi roi rói được bán với giá từ 40 – 50 nghìn đồng/kg. Nhiều người dân nơi đây mỗi khi nông nhàn vẫn thường hay vào rừng tìm bắt bubu về bán kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày chi ít cũng kiếm thêm được từ 70 – 100 nghìn đồng.
Bubu sau khi được bắt đem bán có giá từ 40 – 50 nghìn đồng/kg
Những chiếc đèn leo lét bên nương đã bắt đầu dần sáng, lúc này nồi canh chua bubu cũng đã được chị Huệ bày sẵn. Tiết trời lúc này cũng bắt đầu se lạnh, bên mâm cơm chiều với bát canh bubu khiến chúng tôi như vơi dần đi nỗi mệt nhọc sau một ngày vượt rừng lội suối. Rời Thạch Thành về thành phố mà đoàn chúng tôi ai cũng không thể nào quên được hương vị ngọt ngào, ấm áp ấy, một cảm giác ngon đến lạ thường.
Thanh Tùng – Minh Chuyên (Khám phá)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.11.2014 15:09:43 bởi Ct.Ly >