(url) Trịnh Công Sơn
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 6 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 84 bài trong đề mục
hoaha 29.10.2005 13:32:06 (permalink)
Vài lời với bạn đọc

Với lòng yêu mến đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số bài viết về thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của nhiều tác giả và một số bài viết của chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những bài được sưu tầm là những là bài tiêu biểu, trong muôn vàn bài viết khác, để mọi người hiểu thêm về người nhạc sĩ tài hoa này. Ngòai ra còn có đường link với một số websites viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để mọi người tham khảo.

Tiểu Sử


Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Lạc Giao (cao nguyên miền Trung Việt Nam). Ông mất vào 12g45 sáng ngày 1 tháng 4, 2001, tại Sài Gòn.

Ông lớn lên ở Huế, tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn.

Trịnh Công Sơn tự học nhạc, bắt đầu sáng tác năm 1958 với tác phẩm đầu tay Ướt Mi (NXB An Phú in năm 1959). Cho đến nay, nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, có thể được phân loại dưới 3 đề mục lớn: Tình Yêu -- Quê Hương -- Thân Phận.

Quan niệm sáng tác: "Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo..."


http://www.trinh-cong-son.com/tieusu.html


Trịnh Công Sơn quê làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Ông sinh vào giờ Thìn, ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Mão tức ngày 28 tháng 2 năm 1939, tại Daklak.

Ông mất vào 12:45 trưa ngày 1 tháng 4 năm 2001, tại Saigon. Ông an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa chùa Quảng Bình, tỉnh Bình Dương bên cạnh mộ của thân mẫu.

Năm 1943 từ Daklak ông theo gia đình chuyển về Huế. Ông học trường tiểu học Nam Giao (nay là Trường An), vào trường Pellerin, theo học trường Thiên Hựu (Providence). Ông tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Học trường Sư Phạm Quy Nhơn khoá I (1962-1964). Sau khi tốt nghiệp ông lên dạy học và làm Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau 1965, ông bỏ hẳn nghề dạy học, về sống và sáng tác tại Saigon.

Sau 1975 ông sống ở Huế một thời gian dài và sau đó vào ở hẳn tại Saigon.

Ngoài Âm nhạc, tác phẩm của ông còn gồm nhiều thể loại thuộc các lãnh vực như: Thơ, Văn và Hội Họa.

Ông tự học nhạc, bắt đầu sáng tác năm 1958 với tác phẩm đầu tay Ướt Mi (Nhà Xuất Bản An Phú in năm 1959). Cho đến nay nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, có thể được phân loại dưới 3 đề mục lớn: Tình Yêu – Quê Hương – Thân Phận.

Năm 1972, ông đoạt giải thưởng Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài "Ngủ Đi Con" (trong Ca Khúc Da Vàng) qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly phát hành trên 2 triệu bản.

Giải thưởng cho Bài hát hay nhất trong phim "Tội Lỗi Cuối Cùng

Giải Nhất của cuộc thi "Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh" với bài "Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới"

Giải Nhất cuộc thi "Hai mươi năm sau" với bài "Hai Mươi Mùa Nắng Lạ"

Năm 1997 ông đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc Sĩ cho một chuỗi bài hát: "Xin Trả Nợ Người", "Sóng Về Đâu", "Em Đi Bỏ Lại Con Đường"

Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển Bách Khoa Pháp "Encyclopédie de tous les pays du monde" (Coll. Les Millions)...

Quan niệm sáng tác: "Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo..."

Quan niệm sống: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để… gió cuốn đi!

Các tuyển tập ca khúc nổi tiếng: Ca Khúc Trịnh Công Sơn,Tình Khúc Trịnh Công Sơn, Tuổi Đá Buồn, Khói Trời Mênh Mông, Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời, Phụ Khúc Da Vàng, Như Cánh Vạc Bay, Tự Tình Khúc, Lời Đất Đá Cũ,Thần Thoại Quê Hương Tình Yêu và Thân Phận, Một Cõi Đi Về, Huyền Thoại Mẹ, Cỏ Xót Xa Đưa, Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Những Bài Ca Không Năm Tháng.

Khi nghe tin ông mất ca sĩ Khánh Ly đã phát biểu: "Ông Trịnh Công Sơn không của riêng ai. Ông là của tất cả mọi người. Ông yêu dân tộc và quê hương. Việc ông ở lại và nằm xuống trên quê hương là điều đúng. Từ ông, tôi đã thành danh, và quan trọng hơn là thành nhân. Sống cùng với tên tuổi của ông gần 40 năm với những lời ông dặn bảo phải sống giữa đời với một tấm lòng, và sống với người bằng sự tử tế. Ông là một nửa đời sống của tôi."

http://www.suutap.com/trinhcongson/
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 04:26:34 bởi TTL >
#1
    hoaha 29.10.2005 13:37:56 (permalink)
    'Không còn bận lòng sau cuốn sách về Trịnh Công Sơn'

    "Thế hệ chúng tôi, trong đó có Sơn, đã sống qua thời tao loạn và chết chóc, sáng mai thức dậy chưa tin mình còn sống. Cái chết và nỗi cô đơn được Sơn đưa vào âm nhạc chính là ma lực cuốn hút, bởi cái chết là giới hạn của hiện sinh và nỗi cô đơn là thường trực ở mỗi người", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói.

    - Trước ông đã có ít nhất năm, sáu cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn. Riêng mình, ông muốn nói gì qua "Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé"?

    - Sau khi Sơn nằm xuống, Hà Nội, Sài Gòn và Huế đều có làm sách về Sơn. Một số bài trong các sách đó có tính chất phúng điếu, hoặc tập hợp thật nhanh các bài viết của nhiều cây bút cho kịp kỷ niệm ngày Sơn mất. Đó là những cuốn sách có nhiều tư liệu cần thiết cho những người hâm mộ muốn tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Sơn.

    Cuốn sách của tôi đi tiếp cái mạch của Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân khi viết về Trịnh Công Sơn, với chủ đích phân tích, tìm hiểu về giá trị nghệ thuật trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Sách gồm 18 bài viết theo ba tiêu đề: Địa đàng còn in dấu chân, Tuổi đá buồn và Để gió cuốn đi mà theo tôi đã khái quát tinh thần và sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

    - Ông nghĩ gì về âm nhạc và con người Trịnh Công Sơn?

    - Trước sau Trịnh Công Sơn vẫn là một nhạc sĩ nổi tiếng của tình yêu. Giá trị âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì tôi đã viết qua cuốn sách này. Cái gì trong cuộc đời rồi cũng mai một. Có những bài hát nổi tiếng rồi sau đó người ta đã quên mất lời và không còn hát nữa. Ca khúc Trịnh Công Sơn có thể rồi cũng mai một, nhưng nó mai một chậm hơn, nghĩa là nó tồn tại lâu hơn. Như vậy cũng đã là lớn lao rồi.

    Từ các nền tảng có tính chất quy luật của cái chết và nỗi cô đơn, Sơn đã ca hát về tình yêu và phận người. Trên đời này có gì hơn tình yêu, và ma lực âm nhạc Trịnh Công Sơn ở đó.

    Không có cái gì trên đời này là dễ. Tình bạn lại càng khó hơn. Như tôi đã nói cuộc tranh luận của thế hệ chúng tôi là không bao giờ dứt. Chúng tôi đi những con đường khác nhau để cùng đến đích và không chắc tôi đã hiểu hết Sơn - đó là một khó khăn. Hơn nữa, cuộc đời có những khoảng trống. Có những năm tháng tôi ở rừng và Sơn ở phố, chúng tôi mất liên lạc về nhau...

    - Còn điều gì về Trịnh Công Sơn mà ông chưa có dịp nói hết qua cuốn sách này?

    - Rất nhiều ca khúc của Sơn đã đến với các thế hệ thanh niên hôm qua, hôm nay. 600 ca khúc của Sơn là một gia tài. Nhạc Sơn được nghiên cứu ở Nhật, tên Sơn được đưa vào từ điển danh nhân... đi đâu cũng có thể nghe nhạc Sơn vang vọng. Vậy mà ngày còn sống, Sơn hầu như không có được lấy một sự "chấp nhận" nào, một danh hiệu nghệ sĩ, một giải thưởng nhỏ cũng không có.

    Tôi lấy làm lạ về điều này. Có lẽ đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá công bằng sự đóng góp của Sơn cho nền âm nhạc hiện đại VN. Người đã chết không cần điều đó, nhưng chúng ta cần, và cần trả lại sự công bằng cho một nghệ sĩ đích thực.

    - Sau "Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé", ông còn có dự định nào?

    - Tuyển tập tác phẩm thì đã xong từ năm 2002. Sau cuốn sách về Trịnh Công Sơn, tôi không có dự định gì nữa. Cảm hứng đến thì viết, không thì thôi. Không còn bận lòng và không ép mình.

    (Theo Tuổi Trẻ)

    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2005/04/3B9DCE99/
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:35:26 bởi hoaha >
    #2
      hoaha 29.10.2005 13:40:51 (permalink)
      Những bóng hồng trong âm nhạc Trịnh Công Sơn


      Đã 4 năm trôi qua, kể từ ngày Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ viết tình ca tuyệt vời vào bậc nhất ở VN - nằm xuống với lòng đất. Nói về tình yêu trong những ca khúc của người nhạc sĩ tài năng ấy, nhiều người vẫn tin mỗi ca khúc là một nhan sắc thực sự hiện hữu.

      Không phải với bất cứ mối quan hệ nào, Trịnh Công Sơn cũng viết nên tình khúc. Cũng có nhiều người được ông bày tỏ yêu thương nhưng chỉ là một thoáng rung động bất chợt trong đời, như Quỳnh Hương hay Nguyệt ca... Riêng với Như cánh hạc bay, tác nhân tình khúc tuyệt vời này thật sự mê hoặc ông dài lâu, nhưng lại chưa thực sự bên nhau bao giờ. Họ chỉ gặp nhau một lần ở phi trường, và rồi người con gái ấy bay đi như một cánh hạc, để lại bao lưu luyến cho người nhạc sĩ đa tình.

      Có những mối tình đắm đuối giúp Trịnh Công Sơn viết nên những tình khúc lộng lẫy, nhưng tên của người con gái ấy lại không được nhắc đến; cũng có những nhan sắc ông gần gũi khá lâu, song không viết riêng trong ca khúc nào. Xin mặt trời ngủ yên, Nắng thuỷ tinh, Mưa hồng, Hạ trắng… được Trịnh Công Sơn viết ra từ nguồn cảm hứng đối với người con gái yêu ông từ năm 15 tuổi, dù tên cô gái ấy không hiện diện trong bất kỳ ca từ nào. Người con gái có khuôn mặt đẹp như nữ thần Venus, với dáng vẻ sang trọng thục nữ như Tần Phi, và người ấy chính là D. Ánh, em ca sĩ B. Diễm.

      Một nhan sắc khác cũng không được nhắc tên, nhưng lại là nhân vật chính trong Ướt mi, ca khúc đầu đời đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn đến với công chúng yêu nhạc, cũng như Thương một người... Với Ướt mi, nhạc sĩ họ Trịnh nói về nỗi niềm thương cảm giọng hát trong đêm mưa, khiến người nghe liên tưởng đến những ngày mưa Huế, quê hương ông. Nhưng thật ra Ướt mi được viết bằng cảm hứng từ một cơn mưa Sài Gòn, từ những giọt mưa ngâu tháng 7 và giọng hát u hoài của người nữ ca sĩ được mệnh danh là "Tiếng hát liêu trai" - Thanh Thuý. Chính Thanh Thúy là tác nhân để Trịnh Công Sơn cho ra đời ca khúc bất hủ này.

      Cuộc gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Thanh Thuý tại phòng trà ca nhạc thuở ấy như một định mệnh cho sự nghiệp sáng tác của ông. Thanh Thuý cũng là người truyền tải thành công những gì nhạc sĩ họ Trịnh gửi gắm trong Ướt mi ngay lần đầu tại Sài Gòn. Cuộc tình đẹp và trong sáng đã nảy nở giữa hai con người tài sắc. Tình yêu này càng toả sáng, khi nghe Thanh Thuý hát ca khúc Thương một người, ca khúc viết riêng cho cô với hình ảnh Trịnh Công Sơn tiễn người yêu về nhà: "Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi…".

      (Theo Thể Thao Ngày Nay)

      http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2005/04/3B9DCDD4/
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:36:14 bởi hoaha >
      #3
        hoaha 29.10.2005 13:43:01 (permalink)
        Hiền 'Cá Sấu' và kỷ niệm với nhạc sĩ họ Trịnh


        Sau khi bản nháp đầu tiên của phim "Tội lỗi cuối cùng" hoàn thành, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được đạo diễn Trần Phương mời đến xem và viết lời bài hát cho phim. Tình bạn đẹp và trong trẻo của Phương Thanh và Trịnh bắt đầu từ đó.

        Nhiều bạn bè của họ ở Hãng phim truyện VN hiểu đó như mối tình trong sáng và bảng lảng như sương khói. Trong buổi chiếu phim đầu tiên, cô ngồi cạnh nhạc sĩ và kết thúc phim, cô thấy nhạc sĩ bối rối đưa tay sang bắt tay. Sau cặp kính trắng kia, đôi mắt của ông như ngấn nước. Ông nói: "Cám ơn em đã cho tôi xem một bộ phim thực sự gây xúc động".

        Sau này khi đã thân thiết, Trịnh Công Sơn nói rằng, ngay từ lúc nhìn thấy Hiền "Cá Sấu", những nốt nhạc đầu tiên đã vang lên với những ca từ trong sâu thẳm: "Đi về đâu hỡi em/ Khi trong lòng không chút nắng/ Giấc mơ đời xa vắng/ Một mình em mãi lang thang/ Một đời em mãi cô đơn/ Đi về đâu em hỡi". Kể từ đó, giữa Phương Thanh và Trịnh Công Sơn có một tình cảm đặc biệt. Lần nào vào Sài Gòn, họ cũng liên lạc cho nhau và Phương Thanh còn nhớ nhạc sĩ thường đi xe máy PC nhỏ màu vàng, lếch thếch đến chở cô đi chơi. Không như nhiều người đàn bà lấy tình cảm của người nổi tiếng, xem nó như cách để trang điểm cho cuộc đời mình. Phương Thanh gạt phắt đi, chị quả quyết: "Anh Sơn đối với tôi tình cảm trong sáng thánh thiện như một người anh đối với cô em gái nhỏ. Lần nào vào Sài Gòn, anh cũng chở tôi về nhà chơi, anh đánh đàn và chơi những bản đàn mới viết cho tôi nghe. Lần nào anh cũng gọi cô em gái nấu cơm cho chị Thanh ăn với. Có khi anh rủ cả nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp đến khách sạn tôi ở mang theo đàn hát. Tôi cảm thấy anh đã yêu Hiền "Cá Sấu", mê nhân vật trong phim thì đúng hơn. Còn với tôi là hình ảnh nhạt nhòa của Hiền, với lại anh Sơn là người rất lãng mạn".

        Kỷ niệm sâu đậm nhất khiến chị nhớ mãi là vào khoảng năm 1982, khi cùng đoàn vào Sài Gòn làm phim, Phương Thanh ở khách sạn bị kẻ cắp đột nhập vào lấy hết tư trang. Chính Trịnh Công Sơn đã đứng ra kêu gọi bạn bè quyên góp tiền giúp chị mua đồ. Chị còn nhớ hồi đó anh Sơn quyên góp được 15 nghìn đồng. "Món tiền ấy là cả một gia tài lần đầu tiên tôi được sở hữu. Anh Sơn chở tôi trên chiếc xe màu vàng của anh đi sắm đồ. Tôi còn nhớ sắm được nhiều quần áo đẹp và túi nón đầy đủ, còn dư tiền để mua vé máy bay ra Hà Nội. Tôi không bao giờ quên được tấm lòng nhiệt tình hết mình của anh. Chính trong quãng thời gian 5-6 năm thân với anh, tôi đã học được rất nhiều, đó là chất thiền trong con người anh với những hệ lụy của cuộc sống".

        Và những giấc mơ xưa

        So với lớp diễn viên cũ cùng lứa nổi tiếng tài sắc như Thanh Quý, Minh Châu, Lê Vân thì chị là người có cuộc sống bình yên và hạnh phúc tròn đầy hơn cả. Chị là người biết dừng lại để vun vén cho hạnh phúc gia đình mình. Không quá lãng mạn, cũng không tự huyễn hoặc về mình dù chị đã lên đến đỉnh cao nghề nghiệp. Cuộc hôn nhân gần tròn 20 năm với nghệ sĩ Anh Dũng - Giám đốc Nhà hát Kịch VN, người đóng chung với chị trong phim Kỷ niệm đồi trăng là một cố gắng tột bậc. Chị nói: "Mình là người tỉnh táo và biết phân định rạch ròi từng quãng đời cho từng mục đích. Hơn nửa đời cống hiến cho điện ảnh, 30 tuổi mới lập gia đình và nhịn đến 36 tuổi mới sinh con. Đến lúc đó, gia đình và con cái mới là thứ quý giá quan trọng nhất không gì so sánh nổi. Từ bấy đến nay mình dành tất cả thời gian và sức lực cho tổ ấm cỏn con. Đừng nói nghệ sĩ không biết giữ gìn hạnh phúc. Chúng tôi hiểu cái giá của hạnh phúc nên cả hai đều nâng niu". Phương Thanh cũng không ngại ngần nói, tuổi trẻ mình đã yêu nhiều, đã say đắm và lãng mạn nhiều rồi. Khi chị lập gia đình có nghĩa là thế giới tự do đã khép lại, chị tự nguyện bước chân vào sự giam cầm của chính mình mà không ca thán. Chất thiền mà chị học được từ tình bạn lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giúp Phương Thanh đi qua những chống chếnh cuộc đời, trước sự si tình của người hâm mộ.

        (Theo An Ninh Thế Giới)

        http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Guong-mat-Nghe-sy/2005/02/3B9DB0BF/
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:37:04 bởi hoaha >
        #4
          hoaha 29.10.2005 13:45:23 (permalink)
          Người tình cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

          Đó là Hoàng Anh, chuyên viên Ngân hàng thế giới, một doanh nhân thành đạt, khác xa với hình dung của mọi người về mối tình mơ mộng cuối cùng của nhạc sĩ họ Trịnh. Hoàng Anh có vẻ đẹp thánh thiện, đôi mắt sâu thông minh như ẩn chứa một nỗi đau.

          Nhạc sĩ họ Trịnh thường qua nhà cô chơi, giữa bao nhiêu người lớn tuổi nói toàn chuyện trên trời dưới biển thì chỉ có cô thiếu nữ này mới hiểu thấu tâm can ông.

          Sinh nhật mình, Hoàng Anh đến nhà nhạc sĩ nói rằng muốn ăn cơm cùng ông. Định mệnh và cá tính mạnh mẽ của cô đã làm nhạc sĩ hiểu rằng đó sẽ là người phụ nữ chứng kiến những niềm vui, nỗi đau và cả những uẩn khúc mơ hồ trong cuộc đời mình.

          Trước mặt mọi người, cô gọi ông bằng cậu, nhưng khi chỉ có hai người với nhau thì gọi tên, thậm chí vui vẻ còn gọi mày tao. Mọi người nhận xét ông ít nói, nhưng chỉ có cô hiểu rằng ông không thích nói với cánh mày râu mà chỉ có hứng khi nói với các cô gái xinh đẹp. Tuy vậy, không phải cô nào cũng hiểu được nhạc sĩ, riêng Hoàng Anh, khi Trịnh Công Sơn bàn về vấn đề gì đó mà cô không hiểu, lập tức cô sẽ tìm sách về vấn đề đó để lần sau có thể đồng cảm cùng ông. Cứ như vậy, họ trở thành tri kỷ.

          Trịnh Công Sơn uống rượu quá nhiều nên sức khỏe của ông hao tổn ghê gớm. Thông thường, 9 giờ sáng, ông dậy ra vườn ngồi chơi, lúc đó đã có người đến thăm và bắt đầu uống. Khách cứ đến, chủ cứ rót rượu để chờ đến buổi trưa có người đến ăn cơm cùng, những hôm cô không đến được, ông rất buồn.

          Biết ông sống một mình nên Hoàng Anh luôn gọi điện cho một người bạn của ông hay một ca sĩ nào đó nhắn họ đến ăn cơm cùng ông, bởi cô không thể suốt ngày bên nhạc sĩ. Nhiều khi gọi không được ai, cô điện thoại thăm. Ông thường nói: "Buồn là nghề của tôi rồi", vậy là Hoàng Anh bỏ hết chạy đến với nhạc sĩ.

          Sau bữa trưa, Trịnh Công Sơn ngủ một tiếng rồi lại ra ngồi ngoài vườn. Thời gian này, khách đến đông nhất và lại hát hò, uống rượu. Đến tối, ông đi ăn với vài người bạn, nếu không thì nhạc sĩ sẽ đến một trong ba quán ăn của các em là quán Trịnh, quán Típ, quán Ba Miền. Mỗi khi có mặt nhạc sĩ ở quán nào là ở đó đông vui

          10 giờ đêm, lại có người rủ đi nhậu, nếu đi thì 12 giờ ông mới về nhà rồi lại làm việc đến 4 giờ sáng. Hoàng Anh rất lo lắng, cô hay càu nhàu về chuyện này, thậm chí có hôm cô còn tới nơi ông uống rượu để đưa về nhà. Trịnh Công Sơn là người cả nể, chiều bạn nên ông không từ chối một cuộc họp mặt nào.

          Ngoài sáng tác nhạc, Trịnh Công Sơn vẽ rất nhiều tranh. Bức lớn nhất ông vẽ về Vân Anh cũng là một người bạn gái của mình, vẽ to bằng người thật. Với Hoàng Anh, nhạc sĩ chỉ vẽ chân dung vì ông mê khuôn mặt thánh thiện của cô. Sinh nhật nào của Hoàng Anh, ông cũng vẽ tặng một bức, tính ra đã hơn mười bức và cô được tặng hai trong số đó. Có một tác phẩm của ông vẽ chân dung cô rất lớn nhưng không hiểu ai đem bán ra bên ngoài, một người bạn của Trịnh Công Sơn đã mua rồi tặng lại cô khiến Hoàng Anh rất cảm động.

          Là người nổi tiếng, có nhiều bài hát được sử dụng trong các đêm nhạc nhưng Trịnh Công Sơn lại không dư dả về tiền bạc. Hoàng Anh cũng không biết gì nhiều về chuyện ông có được trả tiền tác quyền như thế nào. Chỉ duy nhất một lần cô đến chơi, ông rút trong ngăn kéo ra một phong bì có 400 USD mà Khánh Ly trả tiền bản quyền, hôm đó ông muốn cô mặc áo dài nên dẫn đi may.

          Dẫu không ôm mộng làm ca sĩ (Trịnh Công Sơn nói rằng trong đời ông sợ nhất là Hoàng Anh và cô cháu gái Típ hát) nhưng Hoàng Anh cũng cầm kỳ thi họa chẳng kém ai. Cô làm rất nhiều thơ, nhất là sau khi Trịnh Công Sơn mất. Cô quyết định không lấy chồng vì nghĩ rằng không còn hình ảnh nào xứng đáng hơn người nhạc sĩ của tình yêu trong lòng mình. Trước đây, mọi người nghĩ Trịnh Công Sơn là người không bình thường trong đời sống riêng tư. Hoàng Anh phủ nhận điều đó, cô cho rằng ông là người bình thường đến dung dị. Nhạc sĩ từng ao ước nếu sinh được một đứa con, ông sẽ đặt tên là Hoàng Hạc.

          Trịnh Công Sơn cũng làm nhiều thơ tặng Hoàng Anh. Bài thơ sau viết khi ông ốm dậy viết riêng cho cô giống như một lời thổn thức:

          Đường xa vạn dặm em ngồi

          Nỗi đời xa vắng, nỗi trời đắn đo

          Em là nhật nguyệt từ đây

          Tuổi mười chín ấy cũng phai phai người

          Em ơi hồng sẽ phai hồng

          Đóa hoa hàm tiếu phiêu bồng nỗi đau

          Hoa vàng một đóa lạ lùng

          Gió chiều tĩnh mịch sẽ trùng trùng xa

          Em ơi tịch mịch bây giờ

          Ấy là nhan sắc đâu ngờ mất nhau.

          (Theo An Ninh Thế Giới)

          http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2004/08/3B9D5C2E/
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:37:51 bởi hoaha >
          #5
            hoaha 29.10.2005 13:48:20 (permalink)
            Trịnh Công Sơn và bức thư 40 năm không gửi


            Nằm trong đống đồ đạc lộn xộn, 40 năm qua, lá thư nhạc sĩ họ Trịnh gửi Joan Baez, người bạn đồng chí hướng nhưng chưa một lần gặp mặt, trở thành kỷ vật vô giá cố nhạc sĩ để lại trên cõi đời trần ai. Ngày 22/6 tới, cả ông và Baez cùng được tôn vinh tại "Giải thưởng âm nhạc vì hòa bình".

            Chị Joan Baez thân mến!

            Trong lúc viết lá thư này cho chị, trước mắt tôi có lá thư ngỏ và bên tai có tiếng hát We shall over come của chị.

            Vào những năm 60, có một kỷ niệm nhỏ khiến tôi tình cờ biết được tiếng hát của chị. Năm ấy, tôi lên một thành phố nhỏ ở vùng cao nguyên Việt Nam và nhân tiện ghé quán cà phê thăm người bạn cũng là ca sĩ. Vào quán, tôi thấy những đĩa hát có hình chị dính ở bức tường bằng gỗ. Ở ngoài trời rất lạnh, quán có đèn màu hồng, và ở chiếc quầy ngồi trên ghế cao cách tôi khoảng 2m, có một người lính Mỹ ngồi im lặng truớc ly rượu. Tiếng hát của chị bay la đà trên mặt bàn, ghé vào từng ly rượu, và dường như muốn thăm hỏi từng trái tim con người. Khi người lính Mỹ đứng dậy bước ra, tôi thấy trên mắt có một giọt nước màu hồng. Đến nay tôi không còn nhớ bài hát đó là bài gì, nhưng tiếng hát của chị có lẽ đã gợi lên trong lòng người ấy nỗi nhớ quê hương.

            Nếu lúc này tôi nói tôi yêu quê hương của tôi, tôi yêu những người thân thiết của tôi nơi này thì dĩ nhiên, chị sẽ chẳng có gì để ngạc nhiên cả. Bởi vì trên mặt đất này ai cũng có một quê hương, nơi đó cũng như một chiếc nôi êm ái, mỗi người đã được sinh ra, lớn lên, sống rồi chết. Ở đó cũng còn có cả hạnh phúc lẫn sự khổ đau như hai khuôn mặt muôn đời của đời sống nhân loại.

            ... Nhưng chị làm thế nào hiểu được hết số phận của một đất nước, trên một ngàn năm, chưa hề biết đến sự nghỉ ngơi. Khát vọng về hòa bình, về tình yêu, về hạnh phúc, chính chúng tôi cần hơn bất cứ ai trên cuộc đời này. Tôi không muốn kể ra đây thật nhiều thí dụ, nhưng tôi tin rằng chị chẳng bao giờ biết được trong những nhà tù cũ tại Việt Nam, có những người ở tù từ 1954 chưa hề biết đến ổ bánh mỳ là gì. Làm thế nào nói cho hết được về con người trong một xứ sở mà chiến tranh đè nặng suốt hơn một nghìn năm. Và số phận của những con người ấy sẽ như thế nào, nếu không có cuộc Cách mạng vừa qua mang lại độc lập và thống nhất trên đất nước chúng tôi...?

            http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Am-nhac/2004/05/3B9D25CF/
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:38:38 bởi hoaha >
            #6
              hoaha 29.10.2005 13:50:03 (permalink)
              Trịnh Công Sơn với trái tim dành cho hòa bình

              Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
              Được tôn vinh ở giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới (WPMA) có lẽ là món quà tuyệt diệu nhất cho những nỗ lực trong suốt cuộc hành trình dài 40 năm vào bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

              Sự nghiệp âm nhạc cho hoà bình của Trịnh Công Sơn khởi đầu từ 1965, và thật sự trở thành hiện tượng cuốn hút ở miền Nam Việt Nam khi tập ca khúc Thần thoại, quê hương và thân phận của ông xuất bản vào 1966. Cùng với tình ca, thiền ca là những ca khúc viết về chiến tranh và hòa bình, là khúc sông có dòng chảy mãnh liệt nhất và cũng tha thiết nhất cho chiến tranh không còn và nền hòa bình thật sự cho Việt Nam.

              Như một nhà truyền giáo, tận tụy và khắc khổ, thách thức và tin yêu, Trịnh Công Sơn miệt mài, kiên trì viết và hát, trốn tránh và xuất hiện trong suốt thời kỳ chiến tranh. Từ Sài Gòn ra Huế và ngược lại, đâu đâu lòng ngưỡng mộ của tuổi trẻ miền Nam dành cho những ca khúc tiêu biểu ước mơ của họ mà ông đã viết và cùng họ hát như sóng trào dâng không ngừng:"... Quả tim này dành cho lửa hồng/ Cho hòa bình, cho con người còn chờ đấu tranh..."

              Chính nhờ có dòng nhạc hòa bình đầy xúc cảm như thế, tầm vóc của Trịnh Công Sơn vượt qua mọi giới hạn địa lý và văn minh. Từ châu Âu đến bên kia bờ đại dương, Jacques Prel, một người Bỉ, kẻ hát rong tuyệt vời trên các kinh thành của cựu lục địa, đã vận động lòng nhân ái con người thay chỗ chiến tranh, Joan Baez và Bob Dylan đã làm cho người Mỹ xuống đường từ NewYork cho đến California, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, bằng các ca khúc và tiếng hát phản chiến đầy cuốn hút.

              Nhạc phản chiến của họ cũng như các ca khúc hòa bình của Trịnh Công Sơn như thứ ánh sáng của lương tâm, thứ ánh sáng quý giá cuối cùng dẫn dắt con người ra khỏi vùng u minh của tham vọng. Từ đó họ là bạn của nhau mặc dù chưa hề được thấy mặt một lần. Chính Joan Baez, nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc La tinh nói với Bob Dylan về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Và giờ đây, cả 3 tên tuổi này cùng được tôn vinh trong chương trình WPMA, tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào 22/6.

              "Nơi đây tôi chờ/ nơi kia anh chờ/ trong căn nhà nhỏ/ mẹ cũng ngồi chờ/ anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu/ người tù ngồi chờ.../ Chờ tin mừng sông/ chờ núi cũng chờ mong/ Chờ trên vầng trán mẹ thắp lên bình minh/ Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vô bờ..." (Chờ nhìn quê hương sáng chói).

              Những lời bài hát như thế làm sao không mang thế giới đến gần với Việt Nam hơn. Chính John Schafer, người Mỹ từng ở Huế và yêu nhạc Trịnh Công Sơn, hiện là học giả ở Mỹ, viết trong bài tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Rất ít cái chết của người danh tiếng làm tôi bàng hoàng như khi nghe tin Trịnh Công Sơn mất. Tôi thấy Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng đến người Việt vào trạc tuổi chúng ta, tương tự như Joan Baez ảnh hưởng đến thế hệ người Mỹ cùng thế hệ với tôi vậy".

              Khi Trịnh Công Sơn qua đời, các báo Nhật đều đăng tin và Diễm xưa được phát lại rất nhiều lần theo yêu cầu của khán giả Nhật. Ở xứ sở hoa anh đào, bài hát của ông mới được dịch ra tiếng Nhật, do ca sĩ Nhật hát và phổ biến trên các đài phát thanh.

              Dẫu sao, một giải thưởng như tên gọi của nó, dù đến muộn với Trịnh Công Sơn, vẫn là một ý nghĩa lớn, đáng ca tụng vì nó đã chọn đúng những người làm nên một thời đại âm nhạc hòa bình, mang tính lịch sử không chỉ với Việt Nam mà cho toàn thế giới.

              Trịnh Cung

              http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2004/05/3B9D25BF/
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:39:35 bởi hoaha >
              #7
                hoaha 29.10.2005 13:52:10 (permalink)
                Trịnh Cung: 'Trịnh Công Sơn - người dạy tôi sự lịch lãm'



                "Tôi thích người nghệ sĩ này ngay lần gặp đầu tiên vì cách cảm thụ văn nghệ cũng như cách sống của anh, vừa tinh tế, vừa mới mẻ lại ấm áp tình bạn. Tôi lớn dần lên cả về mặt tâm hồn lẫn sự lịch lãm từ tình bạn này", hoạ sĩ Trịnh Cung nhớ về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như thế.

                Tôi gặp Trịnh Công Sơn từ khi còn rất trẻ, lúc ấy Sơn đã là một người đàn ông rất gallant rồi. Ngoài sự chia sẻ về cảm thụ văn học, âm nhạc, nhạc sĩ còn dạy tôi khiêu vũ. Sơn nhảy beebop rất đẹp. Mỗi lần bán được tranh, tôi và Sơn đi ăn cơm Tây, sau đó đến vũ trường. Không được làm bạn với Sơn, chắc đến bây giờ tôi vẫn còn lọng cọng với đám muỗng nĩa, uống nhầm rượu vang đỏ khi ăn món cá và rượu vang trắng khi ăn món thịt. Cũng nhờ Sơn mà tôi biết phân biệt bộ cánh nào đi làm, bộ nào sẽ dự tiệc, biết nhận xét thế nào là một bộ veston đẹp, lịch sự với chiếc cavát lụa và điệu nghệ trong đôi giày da đúng kiểu.

                Đó cũng là lần đầu tiên tôi sắm cho mình bộ veston bằng vải dormeuil của Anh, được thiết kế bởi nhà may nổi tiếng Jean Tailor. Thật thú vị khi khoác lên người những áo quần do các thợ tài danh lúc bấy giờ đảm nhận. Mỗi dịp về ăn Tết với mẹ và em, Sơn đều mang về những món quà gắn liền với thương hiệu nổi tiếng. Cái cảm giác thích thú khi khoác trên người bộ quần áo đắt tiền, đến bây giờ tôi vẫn không thể quên, dù hiện tại, với tôi mọi thứ đã đơn giản hơn nhiều.

                Trong cuộc thi Hoa hậu áo dài mà Trịnh Công Sơn là thành viên Ban giám khảo, nhạc sĩ được tặng một bộ veston do nhà may danh tiếng hàng đầu ở Sài Gòn thiết kế. Nhưng rồi nhạc sĩ đã từ chối mặc nó bởi cảm giác đeo trên người chiếc hộp bằng vải cứ quẩn quanh trong ý nghĩ của anh. Vài ngày sau, tôi chứng kiến anh tặng món quà này cho người bạn đứng tuổi.

                Những ngày cuối đời của Trịnh Công Sơn, dù bệnh tật đã vắt kiệt sức, nhạc sĩ vẫn giữ phong thái lịch lãm. Tất cả đau đớn và tuyệt vọng, anh đã cố gắng để nó diễn ra thật nhẹ nhàng. Hơn 2 năm rồi, tôi không còn được ngồi với anh ở góc phố thân quen ngắm nhìn cuộc đời đang hối hả ngược xuôi, hay lặng lẽ chìm đắm trong những cảm xúc suy tư. Trịnh Công Sơn, người đàn ông sống lịch lãm cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn cùng tôi tiếp tục chia sẻ niềm vui và nỗi đau của đời này.

                Hoạ sĩ Trịnh Cung

                http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2004/03/3B9D1285/
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:40:38 bởi hoaha >
                #8
                  hoaha 29.10.2005 13:55:43 (permalink)
                  Các nghệ sĩ tưởng nhớ về Trịnh Công Sơn


                  Đắm say và thăng hoa trong âm nhạc, hội họa, thơ ca, nhưng đời thường, ông vô cùng bình dị và hồn nhiên. Chính vì vậy, Trịnh Công Sơn luôn được đồng nghiệp dành cho tình cảm yêu thương, chân thành nhất.

                  Nhạc sĩ Bảo Chấn: Trong suy nghĩ của tôi, anh là một người chuyên hát vu vơ những điều không vu vơ. Những điều tưởng chừng không thể nói bằng lời, thì lại được anh gọi tên một cách nhẹ như không. Có phần nào đó do địa lý, thổ nhưỡng của xứ Huế, đã gieo vào tâm hồn mang nhiều Phật tính và rất phong trần của anh những ca từ như được thốt ra trong tiềm thức... Về hình thái bên ngoài, nhạc của anh không có tổ chức của những nhà nhạc học lớn, có lẽ nhờ vậy rất dễ nghe. Anh giống như một chất dịch đặc biệt có thể hòa tan trong bất cứ dạng thức nào… Hát nhạc của anh, điều đầu tiên là phải thật hồn nhiên, giản dị, và dễ nghe. Tôi có cảm giác, cách phối nhẹ nhàng khoan thai của dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản năm 1972 cho bài hát của anh là đúng với tinh thần Trịnh Công Sơn nhất. Nó rỉ rả, như mưa dầm thấm đất... Khi đặt vấn đề phối khí cho anh, tôi rất hay bị vướng. Tôi phải tự mình hát rất nhiều lần bài hát ấy, để nó tự nhiên thấm sâu vào mình...

                  Cho tới bây giờ, người ta vẫn biết truyện Kiều là một kiệt tác, Nguyễn Du là một thi hào lớn. Với Trịnh Công Sơn cũng vậy. 100 năm hoặc 200 năm sau, Trịnh Công Sơn vẫn sống, nhạc của anh sẽ được thể hiện theo cách của họ, vào đúng cái thời điểm mà họ có mặt trên đời. Đó là chân lý.

                  Nhạc sĩ Quốc Bảo: Anh Sơn là một huyền thoại, những giá trị của huyền thoại là vĩnh cửu. 20-30 năm sau, những thế hệ có thể nghe nhạc anh Sơn theo tâm thức khác, nhưng tinh thần của anh thì còn mãi. Anh Sơn gắn với một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn lịch sử khó phai và huyền thoại ấy còn sống chừng nào giai đoạn lịch sử ấy còn sống. Khánh Ly đã thành công khi hát nhạc Trịnh, vì cô đã bảo lưu được cái không khí lo sợ, không khí hiện sinh, nuối tiếc... vốn đầy ắp trong nhạc của anh, với sự trung thực nhất khi hát. Nếu không phải là Khánh Ly, thì tôi sẽ chọn một phương án là mở các ca khúc của anh ra để… đọc! Có người nói ca từ của tôi ảnh hưởng nhiều của Trịnh Công Sơn. Anh Sơn là một huyền thoại, tôi không phải là huyền thoại. Nếu phát biểu như thế là có lỗi với anh Sơn, chứ không phải với tôi.

                  Nhạc sĩ Bảo Phúc: Tôi may mắn được là người phối nhiều nhất nhạc của anh Sơn. Ba trăm tám mươi bài trong tổng số hơn 600 bài của anh do tôi phối, đều có nguồn gốc. Mỗi lần như vậy, hai anh em thường ngồi lại với nhau để khẳng định bút pháp riêng cho từng bài. Anh đã dạy tôi cách phối nhạc bằng hội họa, như những nét mỏng dày, sáng tối của tranh thủy mạc, định hình bằng nhạc cụ. Anh thích tiếng sáo tượng trưng cho trời, tiếng cello tượng trưng cho đất, những gam màu lạnh tượng trưng cho sự ảm đạm, và màu cam, đỏ, vàng... biểu hiện độ ấm áp, rực cháy. Anh rất giỏi về cách pha trộn màu của hội họa trong âm nhạc. Một lần, anh sử dụng màu rất táo bạo cho Có một ngày như thế, đó là màu bordeau đi với xám, như sự khát khao giữa mùa đông lạnh giá... Ru ta ngậm ngùi anh muốn dùng bộ gõ đập vào nhau cộc và lạnh, nhưng kết thúc lại đưa toàn bộ màu sắc của bộ kèn hơi vào như một sự thảnh thơi... Nhạc của anh đừng quá tạo ra nhiều kịch tính, phải nghe được lời mới hiểu được nội dung, nếu quá chú trọng phần nhạc để che mất phần lời là sai lầm lớn. Nhưng đó lại là thực tế mà các tụ điểm hiện nay đang làm.

                  Ca sĩ Hồng Nhung: Nhạc của anh Sơn không thể dùng những bước đột phá về phối, bởi đó là dòng nhạc classic, thật buồn và thật giản dị. Hồng Nhung chỉ muốn đi đến cùng sự giản dị ấy của anh, nhưng có lẽ sẽ chẳng bao giờ tới được, bởi đằng sau những ca từ của anh là những khắc khoải mang triết học của đạo giáo, vừa mạnh mẽ vừa vô hình, vừa như dễ hiểu lại vừa mênh mang đến khôn cùng, vì thế nên nó mới mỗi ngày...

                  Đạo diễn Đoàn Khoa: Khi được làm chương trình riêng về Trịnh Công Sơn, tôi bi quan hơn là lạc quan. Tôi sợ một ngày nào đó, khán giả không hát, không nghe nhạc Trịnh nữa, bởi thế giới ngày nay quá biến động, không còn những phút giây cho con người ta lắng lại... Nhưng cũng có một niềm vui nho nhỏ khi tôi đến với Hội ngộ Quán ở Bình Quới. Ở đây có một loại khán giả khác, tìm một chỗ để chiêm nghiệm chính mình qua nhạc của Trịnh Công Sơn.

                  Làm sao để nuôi dưỡng, để giữ được âm nhạc Trịnh Công Sơn? Đầu tiên, chính các nghệ sĩ phải rèn luyện và xây dựng cho mình một nền tảng văn học. Chính điều đó quyết định mọi thứ. Từ lòng yêu mến văn học và tiếng Việt thực sự, họ mới có thể cảm và yêu mến Trịnh Công Sơn nói riêng, và những dòng âm nhạc giá trị nói chung.

                  Nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Kịch bản Hãy yêu nhau đi của tôi ban đầu có tên là Món quà, nhưng khi dàn dựng, chúng tôi thấy âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã bao trùm lên tất cả, nên đã chọn cái tên cũng là tựa một bài hát của anh. Qua âm nhạc của anh, người ta tìm thấy một thái độ sống. Vở diễn đã hết, nhưng khán giả vẫn ngồi lặng phắc để nghe cho trọn âm nhạc của anh. Âm nhạc của anh đã bước vào sân khấu, tôi nghĩ đó cũng là một cách để Trịnh Công Sơn sống mãi. Tôi cảm ơn Trịnh Công Sơn và hiểu hơn ai hết, để có được một tác phẩm sống mãi, anh đã phải trả giá rất lớn cho cuộc đời riêng, bước qua những nỗi đau, để chia sẻ được với nỗi đau... Tôi đã đứng bên cánh gà, nghe Thành Lộc hát, để được... khóc. Tôi không quan tâm đến những ai hát bằng cổ họng, mà chỉ nghe những người hát bằng trái tim, Thành Lộc là một người như thế. Tôi tin là anh Sơn sống mãi, vì công chúng của anh Sơn đủ độ nhạy để giữ tiếng hát nào trong tim. Nếu nó đến được trái tim, thì nó sẽ nằm lại ở đó.

                  (Theo Thể Thao TP HCM)

                  http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2003/04/3B9C6880/
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:41:17 bởi hoaha >
                  #9
                    hoaha 29.10.2005 13:57:50 (permalink)
                    Trịnh Công Sơn và những cảm tác đầu đời


                    Quãng thời gian 1957-1960 chứng kiến sự ra đời những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn. Và những bài hát này có tính quyết định trong nét nhạc, trong văn phong, cũng như chỗ đứng của nhạc sĩ trong nghệ thuật âm nhạc và trong lòng khán giả.

                    Trịnh Công Sơn 18 tuổi, tuổi sung mãn, yêu đời. Không những vậy, người nhạc sĩ này lúc đầu rất yêu chuộng thể thao, đặc biệt là các môn tạ, chạy đua, judo, và anh từng giật giải về chạy đua. Không may, anh bị tai nạn. Nằm bệnh, học hành trắc trở, Trịnh Công Sơn cùng một số bạn khác như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tường Phong, Nhương Sao, Bửu Ý ấn hành một tạp chí lấy tên là Quan Điểm. Anh em có ước vọng quy tụ nhau thành một nhóm bạn văn nghệ, phần nào đó như những nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Xuân Thu Nhã Tập, Đồng Vọng... trước đây, hay nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn. Anh em sinh hoạt với nhau không phải để đàn đúm mà là làm giàu cho nhau bằng cá tính, năng lực và sở trường của từng người.

                    Thời điểm này cũng là lúc đời sống âm nhạc có nhiều biến đổi. Năm 1957 là năm thành lập ĐH Huế. Trên đường phố lác đác những sinh viên đầu tiên mang cà vạt hoặc đi trên những chiếc xe gắn máy. Nhiều người được đào tạo ở nước ngoài trở về, hăng say với sứ mệnh “du nhập khoa học và tư tưởng hiện đại của thế giới”. Lần đầu tiên một giáo sư quan tâm đến một ca sĩ đã làm nên hiện tượng trong xã hội. Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết tiểu luận có tựa đề Ảo ảnh Thanh Thúy đã thực sự gây chú ý. Thanh Thúy là ca sĩ rời Huế vào Sài Gòn lập nghiệp. Giọng ca liêu trai như tâm sự với người nghe trong cái vắng lặng của đêm khuya về những cảnh đời bất hạnh.

                    Trịnh Công Sơn bắt đầu viết bài hát. Anh có những chuyến đi vào Sài Gòn và làm quen với giới ca nhạc và không khí phòng trà. Khởi đầu là những sáng tác mang tên Sương đêm, Chơi vơi... qua giọng hát nổi tiếng nhất ở Huế lúc bấy giờ là Hà Thanh. Những bản nhạc đó chưa ấn hành, nay đã thất lạc.

                    Năm 1958, Trịnh Công Sơn vào học ở Trường Jean - Jacques Rousseau. Ca khúc Ướt mi chào đời, được Nhà Xuất bản An Phú ấn hành, do Hà Thanh và Thanh Thúy trình bày. Bài hát này cũng như ca khúc ra đời năm sau là Thương một người viết về bóng đêm ôm ấp giọng hát liêu trai giữa thành phố Sài Gòn. Ban đêm là không gian của kiếp người lầm lũi, là thời gian của đèn màu và chén đắng.

                    Giã từ nơi huyên náo năm 1959 để về lại với Huế êm đềm, với những đoàn học sinh áo trắng Đồng Khánh lóc cóc guốc mộc, với những hàng cây long não, những chiếc cầu, Trịnh Công Sơn sửa soạn rước vào tâm khảm một hình bóng thiếu nữ suốt đời không phai: đó là hình bóng của Diễm xưa, năm 1960, và ca khúc này cũng trở thành bất tử. Một trong những khía cạnh đặc sắc của nhạc Trịnh Công Sơn là ca từ. Lời ca như thơ, khác thường, độc đáo, sâu đậm... Nhiều chữ, nhiều đoạn, nhiều câu như khoác lên mình những hình ảnh bông hoa, mảnh pha lê... với ánh sáng, tinh thể cùng như đậu xuống sóng nhạc làm bằng khí huyết, xúc cảm của một thanh niên có năng khiếu riêng biệt, có sức cảm thụ nhạy bén trầm sâu, sống giữa một khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, hoài cảm và một hoàn cảnh xã hội có nhiều cơ duyên đáp ứng lòng người.

                    (Theo Người Lao Động)

                    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2003/03/3B9C660E/
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:42:06 bởi hoaha >
                    #10
                      hoaha 29.10.2005 14:03:21 (permalink)
                      Những phụ nữ Trịnh Công Sơn yêu mến nói về ông

                      Đó là Khánh Ly, giọng hát liêu trai đã gắn liền với nhạc phẩm của ông mấy chục năm qua. Hồng Nhung, người được xem như đại diện tiêu biểu cho thế hệ ca sĩ sau này. Và, Trịnh Vĩnh Trinh, cô em út thân thiết với tiếng hát khước từ mọi khuôn phép.


                      Ca sĩ Khánh Ly.
                      Khánh Ly: Bao nhiêu ngày tháng qua đi, anh vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi cũng thế. Cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau, 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi... Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có. Anh im lặng vì có thể những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết để phải nói ra.

                      “Em theo đời cơm áo. Mai ra cùng phố xôn xao. Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo...”. Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Đời cơm áo quả thật đã làm cho tôi lắm ê chề, khổ đau, nhưng những ngày yêu dấu bên anh và bạn bè đã chẳng bao giờ tôi quên... Dù đời sống có lắm tan vỡ, có lắm chìm sâu nhưng mơ ước của một đời người thì trong trái tim bầm dập của tôi, những ngày tháng cũ vẫn là một điểm son, là một bám víu cuối cùng và duy nhất.


                      Ca sĩ Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn.
                      Hồng Nhung: Hồi đó, chúng tôi gặp nhau hàng ngày, lúc thì đi xem tranh ở gallery, lúc thì đến dự khai trương một nhà hàng của người bạn, lúc thì quanh quẩn nhà anh chuyện trò cả buổi, lúc thì lang thang thả bộ ra quán mì nhỏ gần Hồ Con Rùa ăn sáng... Anh đã luôn yêu thương mọi người, trong đó có tôi, như thế. Anh lúc nào cũng nhẹ nhàng và chẳng nề hà trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, nhiều khi là ngô nghê, về đời sống, về âm nhạc, hay về bất cứ điều gì dù nhỏ bé nhất. Tôi kể cho anh nghe những điều làm tôi buồn, những mất mát khi còn nhỏ. Anh chỉ ngồi lặng im. Và sự im lặng của anh làm tôi thấy được lắng nghe, được hiểu và được vỗ về... Anh cho tôi một miếng ngọc hình quả bí, bảo tôi đeo nó sẽ may mắn, vì quả bí hợp với tuổi tôi. Anh cho tôi thấy hạnh phúc thật giản đơn. Và anh là người đã làm cho tôi không cảm thấy xa lạ và bỡ ngỡ ngay những ngày đầu tiên sống ở Sài Gòn.

                      Trịnh Vĩnh Trinh: Tôi nghĩ, điều may mắn cho đời và cho tôi, là được làm em của anh Sơn. Điều này tôi đã được thấy từ những năm còn rất nhỏ. Với tôi, anh Sơn như một người cha, vì thân sinh chúng tôi qua đời rất sớm, từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Anh rất thân với tôi tuy anh là lớn nhất và tôi nhỏ nhất trong nhà. Tôi lớn lên cùng với âm nhạc của anh. Anh Sơn có một cuộc sống rộng rãi, phóng khoáng với bạn bè, đồng thời luôn luôn gần gũi với các em. Và những ca khúc anh viết, thì chúng tôi, các em của anh, là những người đầu tiên được nghe hát và được dạy cho hát.

                      (Theo Thời Trang Trẻ)

                      http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Am-nhac/2002/04/3B9BAA8F/
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:43:01 bởi hoaha >
                      #11
                        hoaha 29.10.2005 14:05:29 (permalink)
                        Những "nàng thơ" của Trịnh Công Sơn

                        Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ.
                        Ca khúc của anh người ta vẫn hát, vẫn thưởng thức nhưng không phải ai cũng biết được xuất xứ của chúng. Dưới đây là nguồn cội, ý nghĩa của một số bài hát viết về tình yêu của anh.

                        ''Cuối cùng cho một tình yêu''

                        Ở Đại học Văn khoa Huế lúc ấy có cô Trần Thị Nh. H. Cô không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng hay mặc áo dài tím, có dáng đi mềm mại như tơ, hát hay, nên H. rất được mến mộ. Họa sĩ Trịnh Cung lúc còn học Mỹ thuật Huế rất mê Nh. H. Vì tuyệt vọng, anh đã làm nên bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu. Bài thơ này đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc và nổi tiếng gần 40 năm qua. Một điều thú vị là: ''Cho đến nay, Nh. H. đã có gia đình, có cháu nội, cháu ngoại mà vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính mình" (lời thú nhận của Trịnh Cung).

                        Tương tự, Trịnh Công Sơn đã yêu Ph.Th. - em ruột ca sĩ Hà Thanh. Sau này, anh kể lại: ''Hà Thanh có đến bốn, năm người em gái, nhưng mỗi lần Ph.Th. đến sau lưng là mình biết ngay bởi mùi hương rất đặc trưng". Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th. và Ph.Th. cũng không có một cử chỉ nào khiến người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng. Thế mà nhạc sĩ họ Trịnh đã si tình, và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện ''em đứng lên gọi mưa vào hạ'' ấy của Ph.Th., anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn những mùa thu đi, Nắng thuỷ tinh và Gọi tên bốn mùa. Ph.Th. lập gia đình với ông tiến sĩ B. làm trưởng khoa luật rồi làm Bộ trưởng Giáo dục, ''tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi''. Sau đó, vì thời cuộc, tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Mỹ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph.Th. tại Huế, vẫn thấy hai chị em này không sợ thời gian, vẫn đẹp như nắng thủy tinh thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là kỷ niệm của giai đoạn đẹp nhất đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là mối tình đầu của anh.

                        ''Hai mươi năm xin trả nợ dài''

                        Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn về kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một, dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phú Cam. Hàng ngày, Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phú Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm, con gái thầy Ngô Đốc Kh. - người Hà Nội. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng.

                        Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua, anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà ''dài hun hút cho mắt thêm sâu'' (Diễm xưa). Nhưng anh cũng biết, gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.

                        Thầy Ngô Đốc Kh. - thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì liền liều mình qua thăm. Những lần liều mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp.

                        Khác với Ph.Th., Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt mi biết điều đó. Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa. Nhưng sự việc không dừng ở đó, bởi mấy năm sau, khi Diễm vào học ở Sài Gòn, em gái cô cũng lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường ''Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...''.

                        Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại ''hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi'' (Xin trả nợ người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên hết ''phụ tình'' Trịnh Công Sơn.

                        Đinh Cường đã viết: ''Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm suốt tuần, sáng nào A. cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà''. Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới ''nhận'' được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời này có mấy ai được yêu và được nhận trong một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!

                        ''Coi như phút đó tình cờ''

                        Gặp người đẹp, Trịnh Công Sơn dễ yêu, mà không riêng gì Sơn, các bạn thân sơ của anh cũng đều như thế. Sơn không nề hà chuyện yêu một chiều, không sợ đau khổ vì tình phụ, đã yêu là yêu mãi, yêu hoài, yêu hết mình. Nhưng cũng có lúc anh ''chán tình'', vì cho rằng mình yêu nhầm. Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, thuộc phường Vĩ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buột miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai ''vì anh ấy lai Tây''.

                        Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ lệch lạc đến thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bỗng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi trăng là Nguyệt. Nhưng khi anh phát hiện ra từ trăng thôi là Nguyệt, Nguyệt không phải là người anh mơ ước, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt coi như phút đó tình cờ và về sau anh không nhắc đến cô nữa.

                        Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, về sau có thêm Bích Kh., có Chu Nguyệt Ng., có Michiko, có Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt anh phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Nếu anh còn sống thêm vài mươi năm nữa, sẽ còn ai nữa... và cũng thế thôi. Nếu anh bước qua khỏi cái ngưỡng ấy thì chưa chắc đã có được cái địa vị người sáng tác nhạc tình hay nhất thế kỷ.

                        (Theo SGTT)

                        http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Guong-mat-Nghe-sy/2002/04/3B9BAA08/
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:43:52 bởi hoaha >
                        #12
                          hoaha 29.10.2005 14:07:49 (permalink)
                          Trịnh Công Sơn đã rời xa "cõi tạm" tròn một năm


                          Không chỉ bạn bè mà rất nhiều khán giả yêu nhạc trong và ngoài nước đều tiếc thương ông. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, một người bạn chí cốt của Trịnh Công Sơn, đã có đôi dòng hồi ức dành tặng độc giả VnExpress nhân dịp này.

                          Lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn là vào năm 1959, tại nhà một ca sĩ mà sau này rất nổi tiếng với giọng hát liêu trai: Thanh Thúy. Ngày ấy, Sơn đưa tác phẩm đầu tay Ướt mi cho cô ca sĩ có dáng vóc gầy gò, tính tình nhút nhát.

                          Từ đó, chúng tôi cùng tập dượt những tình khúc mới của Sơn và thân nhau. Lý do đơn giản là cả hai đều có chung một niềm yêu thích: âm nhạc. Thời gian qua, với bao bận rộn đời thường, chúng tôi thỉnh thoảng mới chuyện trò cùng nhau, Sơn bên ly rượu, còn tôi bên ly cà phê. Chúng tôi trao đổi những suy nghĩ về âm nhạc, về cuộc đời.

                          Năm 1970, tôi cùng Khánh Ly sang Nhật theo lời mời của Đài Truyền hình NHK để trình diễn những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Sơn có việc bận không đi được. Lúc tiễn tôi đi, Sơn nói: “Ánh ráng thay mình giúp Khánh Ly hát cho thật tình cảm. Hãy bảo cô ấy đi đất mà hát, để hết tâm hồn của mình vào nhạc thì sẽ diễn thành công". Và quả thật, khi Khánh Ly mặc áo dài, đi chân đất hát Diễm xưa thì khán giả Nhật hoàn toàn bị chinh phục. Bởi, khi đi đất, chân đứng vững chãi thì ca sĩ có thể hát cao và mạnh mẽ hơn. Từ đó về sau, mỗi khi hát cho sinh viên, học sinh, Khánh Ly đều đi chân đất.

                          Mối quan hệ giữa nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly trở thành huyền thoại. Mọi người cứ nhầm tưởng đó phải là một tình yêu rất lãng mạn. Nhưng, theo cảm nhận cá nhân tôi, Trịnh Công Sơn đối xử với Khánh Ly như một người anh đối với một người em gái. Sơn tận tình chỉ bảo cho cô từng câu hát khó, chữ nào hát to, chữ nào hát êm xuống và truyền cho Khánh Ly cái thần của bài hát. Hơn nữa, lúc đó, Ly đã có gia đình.

                          Lần cuối cùng cả 3 chúng tôi gặp nhau, đó là dịp tết 2000 khi Khánh Ly trở về thăm quê hương. Ly hát, tôi đệm đàn và Trịnh Công Sơn vừa uống rượu vừa nghe, như ngày xưa. Ngay đến cả lúc ấy, Khánh Ly vẫn như một người em gái xa quê về gặp anh.

                          Có nhiều dư luận về việc Sơn yêu Hồng Nhung, hay có ý định cưới người mẫu Vân Anh, rồi còn rất nhiều, rất nhiều nữa, nhưng theo tôi hiểu, Trịnh Công Sơn là người yêu tất thẩy mọi người. Anh nhìn cuộc đời giản dị với một lòng yêu thương tràn ngập. Đôi khi người ta lợi dụng cả danh tiếng của anh, nhưng anh vẫn bình thản.


                          Những lời khuyên chân thành của anh đã giúp tôi đạt thành công trong sự nghiệp âm nhạc. Trước khi Sơn mất, tôi may mắn có dịp đệm đàn cho Sơn hát bài Một Cõi Đi Về. Tôi không ngờ đó là lần hội ngộ cuối cùng. Hôm nay, nhân kỷ niệm một năm ngày mất của Sơn, với tất cả tình cảm thương nhớ, tôi ghi lại đây những kỷ niệm chân thành với lời nhắn nhủ của Sơn: “Hãy yêu âm nhạc với tất cả con tim mình”.

                          Nguyễn Ánh 9

                          http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2002/04/3B9BA99E/
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:44:48 bởi hoaha >
                          #13
                            hoaha 29.10.2005 14:13:09 (permalink)
                            Trịnh Công Sơn và ca khúc 'Nối vòng tay lớn'

                            Khi viết bài hát này, hẳn Trịnh Công Sơn đã vô cùng thiết tha mong mỏi cái ngày mà "Trời rộng, bàn tay ta nắm, nối trọn một vòng VN".

                            Từ những năm giữa thập niên 1960, Nối vòng tay lớn đã trở thành bài hát mở đầu trong tất cả các cuộc sinh hoạt tập thể của sinh viên học sinh trên khắp cả miền Nam. Thuở ấy, ca khúc đã được tuổi trẻ hát lên với tất cả niềm hân hoan nhiệt thành.

                            Trịnh Công Sơn đã viết Nối vòng tay lớn cho khắp miền Nam cùng hát, thế nhưng ít ai có dịp nghe anh hát. Vậy mà có một ngày, cái ngày trọng đại của TP HCM và cũng là của cả nước, 30/4/1975, người dân Sài Gòn bỗng được nghe Trịnh Công Sơn hát.


                            Khoảng 3h chiều 30/4/1975, phần lớn mọi người đều túa ra đường để được tận hưởng bầu không khí hân hoan, phấn khởi của ngày thành phố được giải phóng và cũng để được trực tiếp gặp gỡ thăm hỏi với các chiến sĩ giải phóng.

                            Chính vào lúc ấy, những người dân ở nhà mở radio nghe tin tức qua Đài phát thanh Sài Gòn, đột nhiên có cảm giác khác lạ khi chương trình chợt lặng đi một chút và tiếp ngay đó là tiếng của Trịnh Công Sơn: “Tôi là Trịnh Công Sơn...”, rồi anh cất tiếng hát bài Nối vòng tay lớn. Lúc đó Trịnh Công Sơn chỉ hát “chay” nhưng người nghe cảm thấy xúc động dâng trào khi nghe anh hát trong giờ phút lịch sử ấy của dân tộc. Bài hát thể hiện lòng mong ước của tuổi trẻ sinh viên học sinh, của toàn dân tộc VN đã trở thành hiện thực.

                            (Theo Tuổi Trẻ)

                            http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Am-nhac/2005/05/3B9DDCFC/
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:45:45 bởi hoaha >
                            #14
                              hoaha 29.10.2005 14:17:51 (permalink)
                              Bài Hát Cuối Cùng

                              Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba, mười bốn, tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường.

                              Sau một vài biến cố lớn của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng. Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng mị triền miên.

                              Có một vài câu hỏi, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?

                              Câu hỏi buộc tôi phải trở về những năm tháng xa xôi. Nhưng khi về đến nơi ấy, trong thời điểm ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh ra cái đầu tiên kia?

                              Bài hát Ướt mi được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát ở những phòng trà và nổi tiếng, trở thành giọng hát liêu trai.

                              Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.

                              Rất nhiều bài hát đã được viết trước Ướt mi nhưng ca khúc này tồn tại như số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm.

                              Người ta có nhiều lý do để thích một bài hát đầu tiên của một tác giả rồi không quên thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của anh là bài gì? Sẽ như thế nào?...

                              Kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.

                              Trên đường băng chạy có cái đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng có thể là cái vô hạn và biết đâu, nó từng có trước thời hạn mà mình không ngờ. Sự bất tử không có trước có sau mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.

                              Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi tôi nghĩ rằng thời điểm đó mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ cuối cùng trong một ca khúc thì tôi tin rằng, vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.

                              Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.

                              Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều.

                              Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng.

                              Trịnh Công Sơn

                              http://www.trinh-cong-son.com/thovan.html
                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 11:47:07 bởi hoaha >
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 6 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 84 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9